Qua Chương 4 có thể thấy đến đầu thế kỷ 20, quan niệm của cơ học Newton rằng vũ trụ được cấu thành từ những khối vật chất cơ bản đã trở nên lỗi thời. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy tất cả chúng ta luôn kết nối với nhau. Chúng ta không phải là những sinh thể tồn tại riêng rẽ; chúng ta là những sinh thể có tính cá nhân. Chỉ là những thói quen tư duy cũ theo vật lý học Newton làm chúng ta nảy sinh những khái niệm về sự phân tách khỏi cái toàn thể. Chúng đơn giản là không đúng. Tôi xin nêu ra một ví dụ về hệ quả của việc diễn giải trách nhiệm tự thân theo quan điểm con người tồn tại riêng rẽ.
Chẳng hạn, một đứa trẻ nhỏ nhiễm AIDS do truyền máu. Nếu sự kiện đó được diễn giải theo quan điểm con người tồn tại riêng rẽ, người ta có thể nói: “Ôi, một nạn nhân tội nghiệp.” Theo lối giải thích phổ biến về trách nhiệm tự thân, người ta có thể nói: “Ồ, nó đã tạo ra chuyện đó, nên đó là lỗi của nó.” Thế nhưng, từ quan điểm con người là một thể thống nhất, người ta sẽ nói: “Ôi, để học được từ thực tại lớn lao hơn của mình, linh hồn và gia đình can đảm đó đã chọn một bài học khó khăn nhường nào. Ta có thể làm gì để hỗ trợ được tốt nhất cho họ? Làm thế nào để ta yêu thương họ được nhiều nhất? Làm thế nào để ta giúp được họ nhớ ra họ là ai?” Bất kể ai tiếp cận cuộc sống theo cách này cũng không hề thấy có chút mâu thuẫn nào giữa trách nhiệm và tình yêu thương, đồng thời họ lại nhận thấy sự khác biệt to lớn giữa trách nhiệm và quy trách nhiệm.
Quan điểm con người có tính cá nhân và tồn tại như một thể thống nhất hứa hẹn mang tới sự tôn trọng và chấp nhận mọi trải nghiệm của người khác, bất kể trải nghiệm đó là gì. Trái lại, những tuyên bố như: “Ồ, bạn tự tạo ra bệnh ung thư cho mình; tôi chẳng đời nào làm một chuyện như thế” được hình thành từ quan điểm con người tồn tại riêng rẽ, chứ không phải là có tính cá nhân. Sự phân tách thúc đẩy cảm giác sợ hãi và tâm lý nạn nhân; những điều này chỉ củng cố cho ảo giác về sự bất lực. Trách nhiệm và sự chấp nhận thúc đẩy thứ sức mạnh từ bên trong giúp bạn kiến tạo nên thực tại của mình. Vì nếu quả thực bạn vô thức đóng vai trò nào đó kiến tạo nên hoàn cảnh hiện tại, thì bạn hoàn toàn có khả năng kiến tạo nó theo cái cách mà bạn muốn. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tiến trình quên lãng.
Khi còn bé, chỉ một phần nhỏ những trải nghiệm bên trong của chúng ta được những người xung quanh công nhận. Điều này tạo ra một cuộc đấu tranh nội tại giữa bản năng sinh tồn và sự công nhận từ người khác. Lúc này, chúng ta cần rất nhiều sự công nhận; chúng ta đang ở giai đoạn học hỏi và quá trình học này dựa trên sự công nhận từ thế giới bên ngoài. Kết quả là hoặc chúng ta tạo nên những thế giới kỳ ảo bí mật, hoặc chúng ta chối bỏ phần lớn thực tại nội tâm không được công nhận của mình và tìm cách lưu nó lại để chờ được xác minh sau này. Một cách khác để giải thích cho quá trình này là chúng ta khóa chặt trải nghiệm của mình lại, dù đó là những hình ảnh, suy nghĩ hay cảm xúc. Cách làm như vậy nhanh chóng dựng lên bức tường ngăn cách chúng ta khỏi phần trải nghiệm đó, ít nhất là tạm thời. Chúng ta dựng lên bức tường ngăn cách với chính bản thân. Đây là một cách khác để nói rằng chúng ta quên mất mình là ai. Ở Chương 9 và 10, chúng ta đã bàn khái quát về các khối tắc nghẽn trong trường hào quang. Khi nhìn từ góc độ hào quang, tác động của các khối tắc nghẽn này là làm ngắt quãng dòng chảy năng lượng lành mạnh xuyên suốt trường hào quang và rốt cuộc gây nên bệnh tật. Dần dà, chúng trở thành cái đôi khi được gọi là vật chất linh hồn ứ trệ. Chúng là những “giọt” ý thức năng lượng bị cắt rời khỏi phần còn lại của chúng ta. Hãy cùng xem xét quá trình này thông qua khái niệm bức tường trong tâm lý học Gestalt.
Bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu, theo một cách nào đó, bạn đang cảm nhận bức tường mà mình dựng lên giữa con người hợp nhất lớn lao hơn của bản thân với một phần nào đó của chính bạn. Bức tường này có tác dụng kìm giữ lại cái phần trong bạn mà bạn không muốn nó tham dự vào trải nghiệm tại giây phút đó. Theo thời gian, bức tường ngày càng vững chắc; và bạn quên mất có một phần của bạn đang bị ngăn cách, tức là bạn đã tạo ra thêm nhiều quên lãng hơn. Rồi dần dà, dường như cái bị ngăn trở là thứ gì đó từ bên ngoài, rằng bức tường đó xuất hiện là để giữ chân thế lực đáng sợ nào đó từ bên ngoài. Những bức tường nội tại này được tạo nên qua nhiều kỷ nguyên trải nghiệm của linh hồn. Chúng càng đứng đó lâu, càng có vẻ như chúng đang ngăn giữ điều gì đó không phải là một phần bản thể tách rời khỏi bản thể. Càng đứng đó lâu, càng có vẻ như chúng tạo nên sự an toàn, nhưng cũng càng củng cố mạnh mẽ hơn trải nghiệm phân tách.
Thực hành khám phá bức tường nội tại của bạn
Để khám phá những bức tường của mình, bạn có thể áp dụng bài tập sau. Chủ động nhớ lại một tình huống khó chịu, có thể là tình huống mà bạn đang chật vật xử lý trong hiện tại hoặc tình huống còn chưa được giải quyết trong quá khứ. Bắt đầu trải nghiệm cảm giác mà tình huống đó gợi ra, hình dung nó trong đầu, lắng nghe những từ ngữ hoặc âm thanh gắn liền với trải nghiệm đó. Tìm kiếm bên trong trải nghiệm đó nỗi sợ hãi mà nó dung chứa. Sợ hãi là cảm giác bị phân tách. Khi bạn đã có thể đưa mình trở lại vào trạng thái sợ hãi đó, hãy bắt đầu đồng thời nhận thức bức tường sợ hãi. Cảm nhận nó, nếm nó, nhìn nó, ngửi nó. Kết cấu của nó ra sao, màu sắc của nó thế nào. Nó sáng hay tối, sắc hay cứng? Nó làm bằng gì. Hãy trở thành bức tường. Nó nghĩ, nói, nhìn, cảm thấy gì? Phần ý thức này của bạn tin vào những điều gì về thực tại?
Heyoan đã lý giải về bức tường như sau:
“Chúng ta sẽ quay trở lại với ý tưởng về bức tường chính bạn đã tạo dựng nên nhằm duy trì thứ mà lúc đó bạn coi là một trạng thái cân bằng nội tại, thế nhưng điều đó thực ra lại duy trì một trạng thái mất cân bằng bên ngoài, như trong một con đê, hay trong cửa cống, ở đó, một bên có mức nước cao hơn bên kia. Vậy nên, bạn có thể thấy chính mình đằng sau bức tường này và một cơn lũ dữ dội, một áp lực với sức mạnh to lớn của một hình thái nào đó ở bên ngoài, còn bạn ở bên trong. Khi đó, bức tường của bạn bù đắp cho cái mà bạn cảm thấy mình còn thiếu ở mức độ nội tại. Nói cách khác, có một nguồn sức mạnh to lớn đang tiến về phía bạn và bạn nghĩ rằng mình yếu thế hơn nó. Vậy là bạn tạo ra một bức tường để bảo vệ bản thân giống như những bức tường chống bão của các lâu đài thời Trung cổ. Bạn, người ở bên trong bức tường, trước hết phải khám phá bản chất cốt lõi của bức tường đó, vì nó được tạo nên từ bạn. Nó được tạo nên từ cốt lõi của bạn và toàn là những lời tuyên bố về những gì bạn buộc phải làm để giữ nguyên trạng thái an toàn. Trong tình thế này, điểm tuyệt vời về tất cả những điều trên là bức tường đó được tạo nên từ cốt lõi của bạn và dung chứa trong nó sức mạnh. Sức mạnh ấy có thể được chuyển hóa và phân phối lại thành nền móng cho sức mạnh của bản thể bên trong. Hoặc nó có thể được coi như nấc thang dẫn tới bản thể bên trong, nơi sức mạnh ấy đã tồn tại sẵn. Đó là một cách khác để nói về điều này, tùy phép ẩn dụ nào hợp với bạn nhất. Và thế là bạn ngồi ở đằng sau bức tường an toàn của mình, đồng thời, bạn cũng ngồi trong bức tường an toàn của mình, bởi lẽ bạn chính là bức tường ấy. Khi đó, nó chính là cây cầu ý thức giữa những điều bạn nói, với tư cách là bức tường và với tư cách là người đang được bảo vệ bên trong.”
Thực hành phá bỏ bức tường bên trong
“Thiết lập một cuộc đối thoại giữa bạn với bức tường và bạn với người ở phía trong. Khi đã thực hiện xong kỹ lưỡng bước này, theo chúng tôi, bạn nên trò chuyện tương tự với cái ở bên kia bức tường, thậm chí là giữa bức tường với cái ở phía bên kia và tiếp tục những cuộc trò chuyện này cho tới khi xuất hiện một dòng chảy xuyên qua bức tường.
Giờ thì bạn có thể nhìn thấy bức tường này một cách tượng trưng ở cấp tâm động học. Bạn cũng có thể thấy nó đại diện cho bức tường ngăn cách giữa con người thật của bạn và con người mà bạn nghĩ là mình, bởi lẽ bạn cũng chính là nguồn năng lượng ở phía bên kia bức tường, bất kể nó ở hình thái nào. Bạn có sức mạnh bên trong nó, không phải sức mạnh lấn át nó. Bức tường tượng trưng cho niềm tin vào sức mạnh lấn át, sức mạnh của sự phân tách, một trong những chứng bệnh trầm kha nhất của cõi giới địa cầu ở thời điểm này, căn bệnh của sức mạnh lấn át. Và như vậy, nếu bạn có thể nhận thấy phép ẩn dụ này ở bên trong và bên ngoài bạn, không chỉ ở cấp độ tâm động học mà cả ở mức độ tâm linh và cõi phàm trần, thì bạn có thể sử dụng nó như một công cụ tự khám phá và chữa lành. Bạn có thể sử dụng nó như một công cụ để nhớ lại mình là ai.”
Giờ chúng ta hãy cùng xem xét bức tường từ quan điểm trường hào quang. Như đã nói, bức tường có thể xuất hiện như một khối tắc nghẽn năng lượng bên trong hào quang. Trong quá trình đi vào bức tường, trải nghiệm nó và làm nó trở nên sinh động, bạn cũng đồng thời soi chiếu khối tắc nghẽn. Khối tắc nghẽn mà ta nhìn thấy trong trường bắt đầu dịch chuyển và ngừng phá vỡ dòng chảy năng lượng tự nhiên.
Những khối tắc nghẽn này tồn tại ở tất cả các vầng hào quang. Chúng tác động qua lại lẫn nhau từ vầng này sang vầng khác. Giờ thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem một khối tắc nghẽn ở một vầng hào quang – tất nhiên, điều này sẽ bộc lộ ở thực tại của vầng đó qua ý nghĩ, niềm tin hoặc cảm giác – rốt cuộc có thể gây ra một căn bệnh ở cơ thể vật lý như thế nào.
Điểm lại Chương 14
1. Căn nguyên bệnh tật là gì?
Suy ngẫm
2. Bản chất của bức tường bên trong bạn là gì?
3. Hãy trò chuyện với bức tường của bạn. Bức tường của bạn nói gì? Phần con người bạn ở phía sau bức tường nói gì? Phần con người bạn ở bên ngoài bức tường nói gì? Bức tường bảo vệ bạn khỏi cái gì? Bản chất sức mạnh nội tại mà bạn đã khóa chặt trong bức tường của mình là gì? Làm thế nào giải phóng được nó?