Chiều kích năng lượng và ý thức
Khi nhìn vào bản thân ở một góc độ rộng hơn trước, chúng ta thấy rằng mình không chỉ là cơ thể vật lý, mà còn hơn thế rất nhiều. Chúng ta được tạo thành từ các vầng năng lượng và ý thức xếp chồng lên nhau. Trong thâm tâm, chúng ta có thể cảm nhận được điều đó. Chương này trình bày một hình ảnh minh họa rất rõ ràng cho trải nghiệm tự thân của chúng ta về cảm xúc và suy nghĩ.
Tia lửa của tính thiêng liêng bên trong chúng ta tồn tại ở một cõi thực tại cao hơn nhiều và với ý thức cao cấp hơn so với ý thức thường nhật của chúng ta. Chúng ta chính là ý thức bậc cao này cũng như chúng ta là ý thức thường nhật của mình. Qua tập luyện, chúng ta có thể tận dụng được ý thức bậc cao đó. Một khi đã tìm ra nó thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Cảm giác lúc ấy sẽ là “Ồ, phải rồi! Mình đã biết điều đó suốt bấy lâu nay.” Tia lửa thiêng liêng của chúng ta có trí tuệ tối cao; chúng ta có thể sử dụng nó để dẫn hướng cho cuộc sống, sự trưởng thành và phát triển mỗi ngày của mình.
Vì những xung lực sáng tạo từ những thực tại cao hơn của chúng ta, qua trung gian là hào quang, kết tụ xuống thành thực tại vật lý, thế nên chúng ta có thể sử dụng trường hào quang để đưa ý thức của mình quay trở lên (dưới dạng rung động) qua các vầng của nó về thực tại của bản thể Thượng đế. Để làm điều này, chúng ta cần biết cụ thể hơn cách các xung lực sáng tạo được truyền đi, từ vầng này qua vầng khác, vào thế giới vật lý, giúp tạo nên trải nghiệm thường nhật của chúng ta trong cuộc sống.
Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét lại bản chất của hào quang. Nó không chỉ là một phương tiện trung gian hay một trường. Nó chính là sự sống. Mỗi vầng là một cơ thể, cũng thật, sống động và hoạt bát như cơ thể vật lý của chúng ta. Mỗi cơ thể tồn tại ở một thực tại hữu thức có phần giống, và có phần không giống, với thực tại vật lý. Nghĩa là, mỗi vầng tồn tại trong thế giới riêng của nó, tuy nhiên, các thế giới này lại nối liền với nhau và nằm trọn vẹn trong cùng khoảng không gian mà ở đó chúng ta trải nghiệm thực tại vật lý của mình.
Hình 15‒1 liệt kê các cõi thực tại mà chúng ta tồn tại trong đó và mối tương quan giữa chúng với mỗi vầng hay cơ thể hào quang được trình bày ở Chương 7. Cõi vật lý được tạo thành từ bốn tầng: tầng vật lý, tầng dĩ thái, tầng cảm xúc và tầng tâm trí. Cõi tinh tú là cầu nối giữa cõi tâm linh và cõi vật lý, cõi tâm linh ở bên trên cõi tinh tú và bên trong nó có những cấp độ tiến dần tới sự khai sáng. Như đã nói ở Chương 7, chúng ta có ít nhất ba cơ thể tâm linh – tại tầng mẫu dĩ thái, tầng thượng giới và tầng mẫu ketheric.
Hình 15-1:
CÁC CÕI THỰC TẠI MÀ CHÚNG TA HIỆN HỮU TRONG ĐÓ (tương ứng với các tầng hào quang)
Sự sáng tạo hay sự biểu lộ diễn ra khi một khái niệm hoặc một niềm tin được truyền đi từ điểm nguồn của nó ở những tầng cao xuống những tầng thực tại đậm đặc hơn, cho tới khi kết tinh lại trong thực tại vật lý. Chúng ta sáng tạo dựa trên niềm tin của bản thân. Tất nhiên, những gì đang diễn ra ở những tầng thấp hơn cũng ảnh hưởng tới những tầng cao hơn. Để nắm được quá trình tạo ra sức khỏe hoặc bệnh tật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lại kỹ hơn cách ý thức biểu hiện ở mỗi vầng của trường hào quang.
Bảng 15‒2 liệt kê cách ý thức biểu hiện ở mỗi vầng hào quang và tuyên bố mà ý thức đó đưa ra. Ở tầng vật lý, ý thức được biểu hiện dưới dạng các phản xạ bản năng, tự động và sự vận hành tự động của các cơ quan nội tạng. Tại đây, ý thức đưa ra tuyên bố: “Tôi tồn tại”. Ở tầng dĩ thái, ý thức được biểu hiện dưới dạng những cảm giác như khoái cảm hoặc đau đớn trên cơ thể. Những cảm giác khó chịu như lạnh và đói là tín hiệu cho thấy cơ thể cần đến thứ gì đó để khiến năng lượng cân bằng và luân chuyển hài hòa trở lại. Ở tầng cảm xúc, ý thức được biểu hiện dưới dạng những cảm xúc và phản ứng căn bản như sợ hãi, giận dữ và yêu thương. Phần lớn các cảm xúc này có liên quan tới bản thân mỗi người. Ở tầng tâm trí, ý thức được biểu hiện dưới dạng tư duy logic. Đây là cõi giới của tâm trí phân tích tuyến tính.
Ở tầng tinh tú, ý thức được trải nghiệm như những cảm xúc mạnh mẽ vượt ra khỏi phạm vi bản thân và người khác để bao trọn cả nhân loại. Cõi tinh tú, một thế giới hoàn toàn khác, là nơi sự du hành tinh tú diễn ra, và theo mô tả của những người từng trải nghiệm nó, cõi giới này khác biệt so với cõi vật lý ở các điểm sau: các vật thể có dạng lỏng; ánh sáng tỏa chiếu từ các vật thay vì chủ yếu là phản xạ lại ánh sáng; và để di chuyển, ta chỉ cần tập trung vào nơi mình muốn tới và giữ trọng tâm chú ý tại địa điểm đó. Hướng đi thay đổi theo tâm điểm chú ý, thành thử nếu bạn thay đổi tâm điểm chú ý, bạn sẽ thay đổi hướng đi. Năng lực tập trung là rất quan trọng ở cõi giới này!
Với giới nghiên cứu vật lý, những khác biệt và tương đồng giữa cõi vật lý và cõi tinh tú không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ các quy luật chi phối cõi tinh tú sẽ dựa trên quy luật tự nhiên chi phối một môi trường cấu thành từ chất mịn hơn, năng lượng cao hơn và rung động nhanh hơn. Tất nhiên, những quy luật này sẽ tương quan với những quy luật chúng ta biết ở thế giới vật lý. Theo tôi, các quy luật vật lý của chúng ta thực chất chỉ là những trường hợp đặc biệt của các quy luật chung, các quy luật vũ trụ hoặc phổ quát chi phối toàn thể vũ trụ.
Ở cõi tâm linh, lại có một thế giới khác, với thực tại riêng của nó. Một thế giới mà từ góc nhìn hạn hẹp của tôi, dường như tràn ngập ánh sáng và tình yêu thương, đẹp đẽ hơn rất nhiều so với thế giới của chúng ta. Ở vầng thứ năm, mẫu dĩ thái, ý thức biểu hiện dưới dạng ý chí bậc cao, nhờ vào ý chí này, chúng ta khiến mọi thứ hiện hữu thông qua năng lực đặt tên và định nghĩa chúng. Ở tầng thượng giới, ý thức biểu hiện dưới dạng những cảm xúc bậc cao chẳng hạn như tình yêu phổ quát, nghĩa là, thứ tình yêu vượt trên cả nhân loại và bè bạn, thứ tình yêu phổ quát đối với toàn thể sự sống. Ở tầng thứ bảy, ý thức được biểu hiện trong những khái niệm bậc cao về sự hiểu biết hoặc các hệ thống niềm tin. Đây là nơi khởi xướng xung lực sáng tạo ban đầu, từ sự hiểu biết của chúng ta, không chỉ là cái biết tuyến tính, mà là cái biết tích hợp.
Bảng 15-2
BIỂU HIỆN CỦA Ý THỨC TRONG CÁC TẦNG HÀO QUANG
Lực sáng tạo sơ khởi bắt nguồn từ cơ thể tâm linh cao nhất rồi được chuyển dịch vào cơ thể tinh tú. Hay từ một góc nhìn khác, ta có thể nói rằng thông qua cảm ứng, các chất và năng lượng mịn hơn trong các cơ thể tâm linh tạo ra sự cộng hưởng điều hòa trong cơ thể tinh tú, đến lượt nó, cơ thể tinh tú lại tạo ra sự cộng hưởng điều hòa ở ba cơ thể thấp hơn. Quá trình trên cứ thế tiếp diễn cho đến khi xuống tới mức tần số của cơ thể vật lý. (Cảm ứng điều hòa là hiện tượng xảy ra khi bạn gõ vào một âm thoa và một âm thoa khác trong phòng sẽ phát ra tiếng). Mỗi cơ thể biểu hiện xung lực này theo thực tại hữu thức ở chính tầng mức của nó. Lấy ví dụ, một xung lực sáng tạo từ cơ thể tâm linh đi vào cơ thể tinh tú sẽ được biểu hiện dưới dạng những cảm xúc phổ quát. Khi di chuyển vào các vầng có tần số thấp hơn, trước hết nó sẽ được biểu hiện dưới dạng các suy nghĩ, rồi đến những cảm xúc cụ thể, tiếp đó là cảm giác vật lý, và cơ thể vật lý sẽ tự động phản ứng thông qua hệ thần kinh tự chủ. Nó sẽ thả lỏng nếu cảm thấy một xung lực tích cực hoặc co lại nếu tiếp nhận một xung lực tiêu cực.
Quá trình tạo ra sức khỏe
Sức khỏe được duy trì khi lực sáng tạo đến từ thực tại tâm linh của con người được điều hướng theo quy luật phổ quát hay quy luật vũ trụ (xem Hình 15‒3). Khi cơ thể ketheric được liên kết với thực tại tâm linh cao hơn, nó biểu lộ hiểu biết thiêng liêng của thực tại đó. Tuyên bố được đưa ra ở đây là: “Tôi biết mình là một với Thượng đế”. Đó là trải nghiệm trạng thái hợp nhất với Đấng sáng tạo, nhưng đồng thời vẫn có tính cá nhân. Khi đó, thực tại này truyền dẫn cảm giác về tình yêu phổ quát vào trong cơ thể thượng giới. Thế rồi, cảm giác là một với Thượng đế liên kết ý chí cá nhân ở tầng mẫu dĩ thái với ý chí thiêng liêng. Điều này lại được biểu hiện ở tầng tinh tú dưới dạng tình yêu dành cho nhân loại. Trải nghiệm tình yêu dành cho nhân loại sẽ tác động tới vầng tâm trí và chi phối những nhận thức về thực tại trong cơ thể tâm trí. Sau đó, rung động này trong cơ thể tâm trí được truyền đi theo quy luật cảm ứng điều hòa và cộng hưởng giao cảm xuống tới phần vật chất và năng lượng của cơ thể cảm xúc, rồi biểu hiện thành các cảm xúc. Nếu nhận thức về thực tại nhất quán với quy luật vũ trụ, các cảm xúc này sẽ hài hòa, được chủ thể chấp nhận và cho phép luân chuyển. Chúng sẽ không bị ngăn chặn.
Khi đó, dòng chảy này sẽ được truyền xuống vào cơ thể dĩ thái vốn hưởng ứng một cách hài hòa tự nhiên. Điều này tạo nên cảm giác dễ chịu trong cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng tự nhiên từ trường năng lượng vũ trụ. Năng lượng này là yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể dĩ thái và duy trì cấu trúc cũng như chức năng của nó. Thế cân bằng năng lượng âm/ dương trong cơ thể dĩ thái cũng được duy trì. Ở thế cân bằng này, độ nhạy tự nhiên trong cơ thể, xuất phát từ dòng chảy tự nhiên của các cảm xúc, làm tăng cường nhận thức về các cảm giác của cơ thể, điều đó lại dẫn tới việc tuân thủ chế độ ăn và tập luyện thích hợp. Rồi cơ thể dĩ thái khỏe mạnh này lại hỗ trợ và duy trì một cơ thể vật lý khỏe mạnh, trong đó, các hệ thống hóa học và vật lý giữ vững trạng thái cân bằng và hoạt động bình thường, nhờ vậy mà sức khỏe thể chất được duy trì. Trong một cơ thể con người khỏe mạnh, các năng lượng trong mỗi cơ thể giữ vững độ cân bằng và hỗ trợ độ cân bằng ở các cơ thể khác. Sức khỏe theo đó mà được duy trì; tức là sức khỏe thu hút thêm nhiều sức khỏe hơn.
Hình 15-3
QUÁ TRÌNH SÁNG TẠO SỨC KHỎE
Các quá trình vận động của bệnh tật
Trong một hệ thống có bệnh (xem Hình 15‒4), quá trình từng bước đi xuống tương tự diễn ra. Tuy nhiên, sau khi lực sáng tạo sơ khởi di chuyển khỏi thực tại tâm linh của con người, nó bị biến dạng và rồi hành động trái với quy luật vũ trụ. Tình trạng biến dạng này xuất hiện khi xung lực sáng tạo sơ khởi gặp phải một khối năng lượng bị tắc nghẽn hoặc biến dạng trong hào quang. Ngay khi xung lực sáng tạo sơ khởi trở nên biến dạng trên đường di chuyển vào các vầng đậm đặc hơn của các cơ thể hào quang, nó tiếp tục bị biến dạng khi truyền vào các vầng kế tiếp. Tôi từng thấy những biến dạng ban đầu ở tận vầng hào quang thứ bảy, tại đây chúng trông như những vết rách hoặc những sợi ánh sáng rối bung. Những “biến dạng tâm linh” này thường liên quan tới các hệ thống niềm tin thu nhận được trong kiếp sống này, hoặc trong các kiếp sống khác, và do đó có tính chất nghiệp quả. Với tôi, nghiệp quả chỉ đơn giản là những kinh nghiệm sống được hình thành từ các hệ thống niềm tin. Chúng được mang theo từ kiếp sống này sang kiếp sống kế tiếp cho tới khi được làm sáng tỏ và nhất quán với thực tại cao hơn.
Hình 15-4
QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA BỆNH TẬT
Biến dạng ở vầng thứ bảy có liên quan tới một hệ thống niềm tin méo mó. Ví dụ như: “Tôi tin rằng mình vượt trội hơn người khác”. Sự méo mó này tác động tới vầng thượng giới bằng cách ngăn chặn tình yêu thượng giới và bóp méo nó. Khi đó, người này có thể thích được trở nên vượt trội. Ánh sáng ở tầng thượng giới có thể trông rất yếu ớt. Điều này sẽ tác động và làm biến dạng vầng thứ năm của trường. Người đó sẽ cố gắng trở nên vượt trội. Tầng tinh tú sẽ đáp lại mong muốn được trở nên vượt trội, điều này gây ra các khối tắc nghẽn hoặc các đốm năng lượng ứ trệ tối màu trong cơ thể tinh tú. Cơ thể tâm trí sẽ truyền cho người đó ý nghĩ rằng anh ta vượt trội hơn người khác. May mắn thay là không ai có thể tự dối mình mãi, sớm hay muộn thì ý nghĩ trái ngược cũng sẽ nảy sinh trong tâm trí. Nếu tôi không vượt trội hơn thì rõ ràng là tôi thấp kém hơn người khác. Một thế bế tắc tinh thần được hình thành trong người đó, vốn cũng chính là một biến dạng trong cấu trúc của cơ thể tâm trí. Đây là hiện tượng lực sống bị chia chẻ thành hai luồng đối lập nhau, và người đó rơi vào tình trạng bị phân làm đôi. Một ví dụ khác của kiểu xung đột này là: “Tôi không thể làm được”, vậy nhưng “Tôi có thể làm được”. Do đó, chúng ta dựng lên một thế bế tắc tinh thần trong cơ thể tâm trí. Thế bế tắc này được biểu hiện ra qua năng lượng và rung động. Nếu thế bế tắc không được chủ thể hóa giải, nó có thể trở thành một hình thái tư duy bị phân ly và rơi vào vô thức. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cơ thể cảm xúc (thông qua rung động cảm ứng đã mô tả ở trên) và gây ra sợ hãi, bởi lẽ họ không thể hóa giải được vấn đề. Nỗi sợ này dựa trên cái không có thực và không được chủ thể chấp nhận. Vì thế, nó bị tắc nghẽn và sau một thời gian cũng có thể trở thành vô thức.
Vì trong cơ thể cảm xúc lúc này không còn dòng cảm xúc tự do tuôn chảy, mà lại xuất hiện thêm nhiều đốm tối màu của năng lượng yếu hoặc ứ trệ, thế nên tình trạng biến dạng sẽ kết tụ xuống cơ thể dĩ thái thành những sợi lực ánh sáng rối bung hoặc rách nát. Vì đây là những sợi lực, hoặc cấu trúc dạng lưới, mà dựa trên đó, các tế bào của cơ thể vật lý phát triển, vấn đề của cơ thể dĩ thái sẽ truyền vào cơ thể vật lý và trở thành bệnh tật trong cơ thể vật lý.
Trong ví dụ của chúng ta (xem Hình 15‒4), nỗi sợ trên có thể phá vỡ vầng dĩ thái ở đám rối dương, khiến năng lượng âm trở nên quá tải ở khu vực đó nếu người này không thể giải quyết được tình thế nan giải ấy. Nếu được để mặc cho tiếp diễn, sự phá vỡ này sẽ làm trì trệ quá trình chuyển hóa của các năng lượng hóa học trong cơ thể vật lý, khiến hệ thống vật lý trở nên mất cân bằng và cuối cùng là phát sinh bệnh tật. Trong ví dụ của chúng ta, tình trạng quá tải năng lượng âm ở đám rối dương có thể làm tăng lượng axit trong dạ dày và rốt cuộc gây ra viêm loét.
Do đó, trong cơ thể người bị bệnh, những năng lượng mất cân bằng ở các cơ thể cao hơn dần dần được truyền xuống các cơ thể thấp hơn, cuối cùng gây ra bệnh tật trong cơ thể vật lý. Trong cơ thể người bị bệnh, độ nhạy đối với các cảm giác của cơ thể bị suy giảm và có thể dẫn tới tình trạng vô cảm đối với những nhu cầu của cơ thể, chẳng hạn như biểu hiện qua chế độ ăn bất hợp lý, điều này có thể tạo ra một vòng lặp phản hồi tiêu cực là ngày càng có nhiều năng lượng mất cân bằng hơn. Mỗi cơ thể bị phá vỡ hoặc mất cân bằng lại phá vỡ cơ thể sát trên nó. Bệnh tật có xu hướng tạo ra thêm bệnh tật.
Bằng Tri giác Cao cấp, tôi quan sát thấy rằng trên những vầng chẵn của trường, bệnh tật biểu hiện dưới dạng những khối tắc nghẽn mà tôi đã mô tả ở phần trước cuốn sách ‒ năng lượng tối màu bị nạp thiếu, nạp thừa hoặc tắc nghẽn. Ở các vầng cấu trúc của trường, bệnh tật biểu hiện dưới dạng méo mó, gãy vỡ hoặc rối bung. Có thể có các lỗ thủng trong cấu trúc lưới ở bất kỳ vầng lẻ nào của hào quang. Các loại thuốc ảnh hưởng rất mạnh đến hào quang. Tôi từng nhìn thấy những hình thái năng lượng tối màu còn lưu lại trong gan do bệnh nhân dùng thuốc để điều trị nhiều loại bệnh trước đó. Bệnh viêm gan để lại một màu cam vàng trong gan nhiều năm sau khi bệnh được cho là đã được chữa khỏi. Tôi từng nhìn thấy thuốc cản quang vẫn còn lưu lại sau mười năm được tiêm vào cột sống để chẩn đoán chấn thương dù đáng lẽ nó phải được cơ thể làm sạch trong một hoặc hai tháng. Hóa trị làm tắc toàn bộ trường hào quang, đặc biệt là gan, bằng thứ năng lượng trông như dịch nhầy màu nâu ngả xanh lá. Xạ trị làm cho các vầng cấu trúc của trường hào quang bị xơ sờn như một chiếc tất nilon bị đốt. Phẫu thuật gây ra những vết sẹo ở vầng thứ nhất của trường và đôi khi đến tận vầng thứ bảy. Những vết sẹo, những chỗ biến dạng và tắc nghẽn này có thể được chữa lành bằng cách hỗ trợ cơ thể vật lý tự chữa lành; nếu cứ để mặc chúng như vậy, cơ thể vật lý sẽ càng khó tự chữa lành hơn nhiều. Khi một cơ quan bị cắt bỏ, cơ quan đó ở tầng dĩ thái vẫn có thể được tái cấu trúc và phát huy tác dụng duy trì sự hài hòa trong các cơ thể hào quang bên trên cơ thể vật lý. Tôi hình dung rằng một ngày nào đó, với nhiều kiến thức hơn về trường hào quang và hóa sinh học, chúng ta có thể làm cho các cơ quan đã bị cắt bỏ mọc trở lại.
Vì luân xa là những điểm thu nhận tối đa năng lượng, thế nên chúng là những tiêu điểm cân bằng rất quan trọng trong hệ thống năng lượng. Nếu một luân xa bị mất cân bằng, bệnh tật sẽ phát sinh. Một luân xa càng mất cân bằng, bệnh càng nghiêm trọng. Như đã minh họa ở Chương 8, Hình 8‒2, các luân xa trông như những cuộn xoáy năng lượng được hình thành từ nhiều nón xoáy năng lượng nhỏ hơn. Luân xa của người trưởng thành có một màn chắn bảo vệ trùm lên. Trong một cơ thể khỏe mạnh, những nón xoáy này xoay nhịp nhàng và đồng bộ với những nón xoáy khác, hút năng lượng từ trường năng lượng vũ trụ vào tâm của chúng để cơ thể sử dụng. Mỗi nón được “chỉnh” theo một tần số cụ thể mà cơ thể cần để hoạt động khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong một cơ thể bị bệnh, các cuộn xoáy này không hoạt động đồng bộ. Những nón xoáy năng lượng tạo nên các cuộn xoáy này có thể nhanh hoặc chậm, giật hoặc lệch. Đôi khi ta còn quan sát được những điểm gãy vỡ trong trường năng lượng. Một nón xoáy nào đó có thể bị sập hoặc lộn ngược hoàn toàn hay một phần. Những nhiễu loạn này có liên quan tới một sự rối loạn chức năng hoặc bệnh lý nào đó của cơ thể vật lý tại khu vực này. Lấy ví dụ với một ca rối loạn chức năng não, trong cuốn sách Breakthrough to Creativity (tạm dịch: Đột phá sáng tạo), Schafica Karagula đã quan sát thấy rằng một trong những cuộn xoáy nhỏ hơn của luân xa đỉnh đầu đã bị rủ xuống thay vì đứng thẳng như trạng thái bình thường. Ma trận trong não của một người cũng thể hiện những “khoảng trống” mà năng lượng phải vượt qua. “Khoảng trống lập lòe” này tương ứng với phần não đã bị phẫu thuật cắt bỏ. Trong cuốn The Case of the Broken Heart (tạm dịch: Một ca vỡ tim), John Pierrakos đã tường thuật lại những quan sát của ông về tình trạng rối loạn ở luân xa tim của các bệnh nhân mắc chứng đau thắt ngực và bệnh tim mạch vành. Thay vì là những cuộn xoáy sáng rực, xoay tít, các luân xa này lại có vẻ như bị tắc nghẽn do một chất tối màu, lờ đờ nào đó.
Hình 15‒5 trình bày một số ví dụ cụ thể cho những quan sát của tôi về các luân xa bị biến dạng. Ví dụ đầu tiên (Hình 15‒5A) minh họa dạng cấu trúc của mọi ca thoát vị khe thực quản mà tôi từng quan sát. Luân xa đám rối dương có tám cuộn xoáy nhỏ hơn. Cuộn xoáy nhỏ nằm bên trái cơ thể, ở góc phần tư phía trên bên trái, trông như một cái lò xo bị bật ra. Sự biến dạng này hiện ra xuyên suốt đến tận vầng thứ bảy của trường. Hình 15‒5B thể hiện phần chóp của một trong những cuộn xoáy nhỏ hơn bị bật ra. Tôi đã chứng kiến hiện tượng này ở nhiều luân xa. Nó xuất hiện ở luân xa thứ nhất khi xương cụt chịu một chấn thương nào đó; ở luân xa đám rối dương khi có một cú sốc tâm lý nghiêm trọng. Nhiều khi nó xuất hiện như là một tổn thương hậu phẫu ở khu vực vừa được phẫu thuật. Hình 15‒5C là một luân xa bị tắc nghẽn. Những người bị chứng đau thắt ngực cũng có năng lượng tắc nghẽn, tối màu ở luân xa tim. Ba người mắc bệnh AIDS mà tôi từng quan sát đều bị nghẽn luân xa thứ nhất và thứ hai, và đôi khi là bị nghẽn toàn bộ trường, bao gồm cả bảy vầng, tùy thuộc vào việc căn bệnh đã tiến xa tới đâu. Hiện tượng một luân xa bị rách, như minh họa trong Hình 15‒5D, xuất hiện ở mọi bệnh nhân ung thư mà tôi từng gặp. Một lần nữa, những biến dạng được liệt kê ở đây xuất hiện xuyên suốt đến tận vầng thứ bảy. Một luân xa có thể bị rách, và sau hai năm hoặc hơn, ung thư mới xuất hiện trong cơ thể. Màn chắn bảo vệ đã bị xé toạc hoàn toàn khỏi luân xa này. Ở những người bị những dạng ung thư rất nặng, tôi đã thấy vầng thứ bảy bị xé từ chân lên tận luân xa thứ nhất, thứ hai và thứ ba rồi vào tận luân xa tim. Hậu quả của việc vầng thứ bảy bị rách là nhiều năng lượng của trường sẽ bị thất thoát. Ngoài vấn đề mất năng lượng, bệnh nhân còn trở thành mục tiêu của đủ các loại tác động đến từ bên ngoài, không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà cả thể chất. Trường năng lượng không còn khả năng kháng cự những năng lượng đến từ bên ngoài có ảnh hưởng xấu đối với cơ thể. Hình 15‒5E thể hiện một ví dụ về trường hợp toàn bộ luân xa bị kéo lệch sang một bên. Tôi thường gặp hiện tượng này ở luân xa thứ nhất, khi đó những người này kết nối năng lượng của mình với mặt đất chủ yếu qua một chân, trong khi chân còn lại bị yếu. Điều này cũng thường liên quan tới việc xương cụt bị ép sang một bên.
Hình 15-5: Các luân xa bị biến dạng
Tôi bắt đầu nghĩ rằng mỗi cuộn xoáy của một luân xa cung cấp năng lượng cho một cơ quan cụ thể. Tôi để ý thấy mỗi khi có rối loạn ở tuyến tụy, cũng sẽ có rối loạn ở một cuộn xoáy nhất định phía bên trái của luân xa đám rối dương ngay bên dưới cuộn xoáy liên quan tới thoát vị khe thực quản. Còn khi rối loạn xuất hiện ở gan, một cuộn xoáy khác ở gần gan, cũng thuộc luân xa này, lại bị ảnh hưởng.
Hình 15‒5F thể hiện một sự biến dạng xuất hiện sau một đợt trị liệu cường độ cao liên tục. Sau khi dành một tuần để trị liệu theo nhóm cùng cậu con trai nghiện ma túy, người phụ nữ này về nhà với một cuộn xoáy trong luân xa đám rối dương bị tách ra toang hoác. Nó nhợt nhạt, gần như không xoay và không còn màn chắn bảo vệ. Vì nhận thấy vấn đề vào tuần ngay sau đó, nên tôi đã có thể chữa lại hào quang trước khi những tổn hại khác xảy ra. Nếu tôi không kịp làm như vậy thì cuối cùng, người phụ nữ này sẽ gặp những vấn đề ở gan, cơ quan liên hệ với cuộn xoáy bị suy yếu, hoặc cũng có thể cô ấy sẽ tự chữa lành nó bằng cách nào đó.
Rất nhiều dạng cấu trúc khác có thể xuất hiện. Như bạn có thể thấy, nhiều dạng chỉ là những sai lệch cấu trúc đơn giản. Tôi từng thấy những luân xa thậm chí bị kéo lộn ra ngoài, giãn nở rất rộng hoặc thu lại rất nhỏ. Tất cả cuối cùng đều dẫn tới bệnh tật, và tất cả đều có liên quan tới một ý thức năng lượng hoặc một biểu hiện của hệ thống niềm tin và kinh nghiệm của một cá nhân, như đã nói bên trên. Nói cách khác, bệnh tật ở bất cứ vầng nào của trường cũng sẽ biểu hiện ở tầng mức đó của ý thức. Mỗi biểu hiện là một dạng của nỗi đau, dù là về thể xác, cảm xúc, tinh thần hay tâm linh. Cảm giác đau đớn là cơ chế sẵn có nhằm cảnh báo chúng ta chấn chỉnh một trạng thái nào đó. Nó khiến chúng ta chú ý tới việc có điều gì đó đang không ổn và thúc giục chúng ta hành động để xử lý. Nếu trước giờ chúng ta không tự lắng nghe bản thân, nếu chúng ta cứ tiếp tục tảng lờ những gì mà chúng ta biết là mình muốn hoặc cần làm thì cuối cùng, nỗi đau sẽ giúp chúng ta làm điều đó. Nỗi đau dạy chúng ta biết tìm cầu sự giúp đỡ và chữa lành, vì thế nó là chìa khóa để giáo dục cho linh hồn.
Thực hành tìm kiếm ý nghĩa cá nhân trong căn bệnh của bạn
Một câu hỏi then chốt trong quá trình chữa lành – giáo dục này là: “Căn bệnh này có ý nghĩa gì đối với tôi? Cơ thể đang gửi thông điệp gì cho tôi? Làm thế nào mà tôi lại quên mất mình là ai?” Căn bệnh chính là câu trả lời cụ thể cho câu hỏi: “Nỗi đau này mang lại cho tôi lợi ích gì?”
Chúng ta đều tạo ra bệnh tật ở một mức độ nào đó trong cơ thể vật lý của mình. Nếu bạn nhìn lại vào nguyên nhân gốc rễ thì nó luôn bắt nguồn từ việc quên mất chúng ta là ai. Chừng nào còn tin rằng bản thân phải bị phân tách thì mới có được tính cá nhân, chừng đó chúng ta sẽ còn tạo ra bệnh tật. Một lần nữa, chúng ta quay trở lại điểm xuất phát – quan niệm vũ trụ mang tính toàn thể (hay toàn ảnh).
Điểm lại Chương 15
1. Mối liên hệ giữa bệnh tâm thể và hào quang là gì?
2. Nhìn từ góc độ trường năng lượng con người, nguyên nhân căn bản của tất cả các loại bệnh là gì?
3. Mô tả cách bệnh tật được tạo ra thông qua trường năng lượng con người.
Suy ngẫm
4. Dành vài phút nghiền ngẫm về cách thức quá trình bệnh tật có thể đang diễn ra trong cơ thể bạn. Mô tả nó.
5. Những điều chúng ta tin đã định hình các trải nghiệm của chúng ta như thế nào và trường năng lượng con người đóng vai trò gì trong quá trình sáng tạo này?