Khả năng tiếp cận thông tin vượt ngoài những phương tiện thông thường có thể hỗ trợ rất lớn cho công đoạn chữa lành. Nhờ phương thức này, chúng ta có thể thu thập được gần như bất kể loại thông tin nào mà một người cần đến. Đúng như tên gọi của nó, truy cập thông tin trực tiếp tức là bạn trực tiếp kết nối và tiếp nhận thông tin mà bạn mong muốn có được. Quá trình này được gọi là Tri giác Cao cấp, thấu thính, thấu thị, thần giao cách cảm hoặc xem bói. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về quá trình này.
Thông tin đến với bạn qua năm giác quan. Năm giác quan này vẫn thường được gọi là thị giác, xúc giác, vị giác, thính giác và khứu giác. Phần lớn mọi người có một vài giác quan phát triển hơn so với những người khác. Những quá trình tư duy, cảm nhận và sống diễn ra bên trong bạn liên quan mật thiết với cách thức bạn tiếp cận thông tin, như hai nhà lập trình ngôn ngữ tư duy Richard Bandler và John Grinder đã nêu trong cuốn sách của họ là Frogs to Princes (tạm dịch: Từ Ếch tới Hoàng tử). Trải nghiệm nội tại của bạn đi qua những kênh quen thuộc nhất định. Bạn có thể chủ yếu sử dụng kết hợp các quá trình thị giác và giác quan vận động, hoặc thính giác và giác quan vận động, hoặc thị giác và thính giác. Có thể có bất kỳ cách kết hợp nào. Bạn sử dụng các sự kết hợp khác nhau cho các quá trình nội tại khác nhau. Bạn có thể tư duy chủ yếu bằng hình ảnh, âm thanh hoặc cảm xúc. Tôi khuyên bạn nên xác định điều này, vì cách bạn tiếp cận thông tin qua các giác quan thông thường chính là cách tôi khuyên bạn nên bắt đầu học để phát triển Tri giác Cao cấp của mình.
Ví dụ, nếu có người đưa cho tôi một cái tên, đầu tiên tôi sẽ nghe thấy cái tên đó, rồi tôi tìm kiếm bằng giác quan vận động theo tất cả các hướng cho tới khi cảm thấy một mối liên kết với người ấy được hình thành. Từ điểm đó, tôi nhìn thấy các hình ảnh và nghe thấy thông tin về người vừa được nêu tên. Cách đây vài năm, tôi không thể làm được như vậy.
Tri giác Cao cấp đầu tiên mà tôi phát triển chính là giác quan vận động. Tôi đã dành nhiều giờ làm tâm lý trị liệu trên cơ thể, chạm vào mọi người và trường năng lượng của họ. Rồi khả năng nhận thức của tôi chuyển thành “nhìn thấy”. Tôi bắt đầu nhìn thấy những điều liên quan tới những gì mình đang cảm nhận. Sau khi thực hành đủ nhiều, tôi bắt đầu nghe thấy thông tin. Mỗi cách tiếp cận trên đều có thể được học thông qua rèn luyện và thiền. Bằng cách bước vào trạng thái tĩnh lặng bình an và tập trung vào một trong các giác quan của mình, bạn sẽ tăng cường nó. Chỉ cần tập luyện. Cái khó là học cách bước vào trạng thái bình an và duy trì tập trung vào mục đích của bạn.
Thực hành tăng cường cảm nhận
Để nâng cao giác quan vận động, hãy ngồi ở tư thế thiền thoải mái và tập trung cảm nhận bên trong cơ thể. Tập trung vào các bộ phận và nội tạng của cơ thể. Nếu thấy hữu ích, hãy chạm vào phần cơ thể mà bạn đang tập trung hướng tới. Nếu là người thiên về thị giác, bạn có thể muốn nhìn vào phần cơ thể đó. Nếu là người thiên về thính giác, bạn có thể muốn nghe hơi thở hoặc tiếng tim mình đập để tăng cường độ tập trung.
Giờ làm tương tự với không gian quanh bạn. Nhắm mắt, ngồi và cảm nhận căn phòng. Tập trung, hướng về phía hoặc đưa mắt về phía các vị trí và các đồ vật trong phòng. Nếu cần sự hỗ trợ, hãy mở mắt hoặc chạm vào đồ đạc trong phòng, rồi trở lại chỉ ngồi và cảm nhận. Giờ thì bịt mắt lại và nhờ một người bạn dẫn vào một căn phòng lạ. Ngồi và cảm nhận không gian bằng giác quan vận động giống như cách bạn đã bắt nhịp với cơ thể mình. Bạn khám phá được điều gì về căn phòng đó? Bỏ băng bịt mắt ra và kiểm tra. Làm tương tự với con người, động vật và cây cỏ.
Để nâng cao thị giác, hãy ngồi thiền và, với đôi mắt nhắm, nhìn vào bên trong cơ thể. Nếu cảm thấy khó thực hiện, hãy tìm giác quan nào có thể giúp bạn. Chạm vào bộ phận đó hoặc lắng nghe những quá trình bên trong cho tới khi bạn nhận được một hình ảnh của nó. Giờ hãy làm tương tự với căn phòng. Đầu tiên, mở mắt, xem xét các chi tiết trong phòng; rồi nhắm mắt lại, tạo ra một hình ảnh về căn phòng trong tâm trí. Giờ thì sang một căn phòng lạ và bắt đầu với đôi mắt nhắm. Bạn “nhìn thấy” được gì?
Hãy nhớ, chúng ta đang nói về nhận thức hình ảnh. Điều này khác với quá trình quán tưởng, vốn là một hành động sáng tạo mà ở đó bạn hình dung ra cái mà bạn muốn tạo thành.
Để nâng cao thính giác, ngồi ở tư thế thiền. Lắng nghe bên trong cơ thể. Xin nhắc lại, nếu bạn cần sự trợ giúp cho giác quan này, hãy đặt tay lên bộ phận mà bạn đang lắng nghe và cảm nhận nó, hoặc nhìn vào nó. Rồi ra ngoài và lắng nghe tất cả những âm thanh quanh mình. Nếu thực hành trong rừng, bạn sẽ bắt đầu nghe được sự tổng hòa của các âm thanh. Cùng với nhau, chúng tạo nên một bản giao hưởng. Hãy lắng nghe kỹ hơn nữa. Bạn nghe được gì khác? Những âm thanh không tồn tại? Hãy nghe kỹ hơn ‒ một ngày nào đó có thể chúng sẽ có ý nghĩa với bạn. Trong cuốn Stalking the Wild Pendulum (tạm dịch: Bám theo con lắc hoang dã), Itzhak Bentov viết về âm thanh cao vút mà nhiều người thiền nghe thấy. Nó vượt lên trên giới hạn nghe thông thường. Ông có thể đo được tần số của âm thanh này.
Khi phát triển những khả năng “nhìn” của mình, tôi phát hiện ra rằng hình ảnh đến theo hai dạng: biểu tượng và tả thực. Trong trường hợp hình ảnh biểu tượng, người đó đơn thuần nhìn thấy một hình ảnh có ý nghĩa với người mà họ đang “đọc”. Ví dụ, họ có thể nhìn thấy một tinh vân cuộn xoáy trên bầu trời hoặc một chiếc bánh sô-cô-la to tướng. Trong trường hợp hình ảnh tả thực, người ta thấy hình ảnh của các sự kiện hoặc sự vật. Họ có thể chứng kiến một trải nghiệm mà bệnh nhân từng gặp trong quá khứ. Trong cả quá trình “đọc” linh ảnh biểu tượng lẫn một sự kiện, người chữa lành đều đóng vai trò chứng nhân. Tức là, người chữa lành tiến vào khung thời gian đó và chứng kiến các sự kiện đúng như chúng đã xảy ra. Điều tương tự cũng đúng với linh ảnh biểu tượng. Người chữa lành quan sát linh ảnh hiện ra và mô tả nó đúng như những gì nó đang hiện ra. Tôi gọi việc này là dẫn kênh lĩnh hội. Điều hết sức quan trọng ở đây là trong quá trình linh ảnh hiện ra, người chữa lành không được diễn giải hoặc bóp méo nó. Ý nghĩa của linh ảnh đối với người chữa lành và với bệnh nhân có thể khác nhau. Ví dụ, nếu bạn nhìn thấy một hình ảnh biểu tượng, chẳng hạn cảnh một chiếc ô tô màu xanh đang đi trên đường, bạn đừng nói: “Ồ, như thế nghĩa là sao nhỉ?” Hãy chỉ quan sát chiếc xe đang đi trên đường và để cho cảnh tượng diễn ra trước mắt mình. Trong quá trình này, bạn sẽ thu thập từng mảnh thông tin và từ từ xây dựng được một bức tranh dễ hiểu. Có thể mãi sau bạn mới biết được bức tranh đó mang ý nghĩa biểu tượng hay thể hiện nguyên nghĩa (tức là điều gì đó thực sự đã xảy ra hoặc có thể xảy ra). Kiểu lĩnh hội thông tin này đòi hỏi rất nhiều lòng tin. Bạn có thể mất tới nửa giờ đồng hồ để dựng bức tranh ấy thành điều gì đó có thể hiểu được.
Mặt khác, một số người xem bói sử dụng các biểu tượng của riêng họ và xem bói bằng cách diễn giải các biểu tượng này. Phải thực hành rất nhiều mới có thể làm được như vậy, bởi vì người xem bói trước hết phải xây dựng được một bộ biểu tượng rõ ràng mà qua đó họ có thể nhận được thông tin.
Trong một kiểu soi sự kiện thực khác, người chữa lành nhìn thấy hình ảnh một cơ quan nội tạng của bệnh nhân. Hình ảnh hoặc hiện ra trên một màn hình trong đầu người chữa lành, tôi gọi là màn hình tâm trí, hoặc hiện ra tại vị trí bên trong cơ thể bệnh nhân, như thể người chữa lành có thể nhìn thấu qua các lớp của cơ thể, xuyên vào trong nội tạng, giống như một máy chụp X-quang vậy. Tôi gọi kiểu nhìn này là “nội sát”. Nó là một công cụ rất mạnh giúp mô tả một căn bệnh. Với năng lực nội sát, bạn có cơ hội tiếp cận thông tin một cách trực tiếp và chủ động. Nghĩa là bạn lần theo một thông tin cụ thể nào đó mà bạn muốn khai thác. Ví dụ, nhờ vận dụng năng lực nội sát, tôi có thể nhìn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể mà tôi muốn. Tôi có thể quyết định nhìn vào đâu, sâu bao nhiêu, ở tầng hào quang nào và với độ phân giải hay kích thước tùy ý, từ cực nhỏ tới cực lớn.
Cảm nhận từ xa
Tôi phát hiện ra rằng phương thức tiếp cận trực tiếp phát huy tác dụng dù người kia có ở cùng phòng với bạn hay ở cách xa. Lần đọc hào quang xa nhất của tôi là trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa thành phố New York với Ý. Thời điểm đó, khả năng đọc từ khoảng cách xa của tôi có vẻ khá chính xác, nhưng khả năng chữa lành lại không mạnh bằng khi tôi có mặt trong cùng phòng với đối tượng.
Tiếp cận trực tiếp và tiên tri
Đã có nhiều lần mọi người hỏi vị thầy chỉ dẫn của tôi những câu hỏi liên quan tới tương lai. Ông luôn trả lời rằng có thể nói về tương lai khả dĩ, chứ không phải những tương lai tuyệt đối, bởi vì tất cả chúng ta đều có ý chí tự do để tạo ra những gì chúng ta muốn trong tương lai. Ông cũng nói rằng ông sẽ không dự đoán tương lai, nhưng có nhiều lần ông tiến xa hơn và trả lời những câu hỏi được đặt ra. Cho tới giờ thì gần như tất cả những tương lai khả dĩ đó đều đã xảy ra. Ví dụ, Heyoan từng nói với một người nọ rằng có lẽ cô sẽ quan tâm đến việc gì đó liên quan tới Liên hợp quốc. Kể từ ấy, cô đã nhận được hai lời mời có liên quan tới tổ chức này. Một người khác được cho biết rằng anh có thể sẽ có dính dáng tới ngoại giao đoàn của Mexico và rằng anh sẽ ký hợp đồng khi đang đi nghỉ ở Bồ Đào Nha. Chuyện đó đã xảy ra. Những người khác thì nhận được thông tin là họ cần hoàn tất một số việc trong cuộc sống của họ bởi vì rất có thể họ sẽ chuyển chỗ ở. Giờ thì họ chuyển đi rồi, dù họ chưa từng nghĩ tới chuyện đó. Một lần nọ, khi bắt đầu một buổi chữa lành, tôi được báo rằng người đó bị ung thư và sẽ chết. Đúng là vậy. Đây là điều không một ai ngờ tới khi cô đến buổi chữa lành, và bệnh cũng không được phát hiện ra cho tới lần chụp cắt lớp thứ tư, khoảng bốn tháng sau đó. Các kết quả chụp cắt lớp thể hiện khối u ung thư với hình dạng, kích thước, vị trí giống như tôi đã soi thấy. Tất nhiên, tôi rất buồn khi tiếp nhận thông tin này. Tôi đã không nói với bệnh nhân. Tôi bảo cô ấy hãy đi gặp bác sĩ của mình ngay lập tức. Đáng tiếc là tôi không có thông tin gì của vị bác sĩ đó. Những trải nghiệm kiểu này làm dấy lên những vấn đề về trách nhiệm của người chữa lành, điều này sẽ được bàn tới ở phần sau của cuốn sách.
Thước đo chuẩn nhất cho phương pháp truy cập thông tin trực tiếp chính là công trình về soi chiếu từ xa do Russell Targ và Harold Puthoff của Viện Nghiên cứu Standford thực hiện. Họ nhận thấy rằng một nhà thấu thị ở trong căn hầm của phòng thí nghiệm tại Standford có thể vẽ tương đối chính xác tấm bản đồ vị trí của một nhóm đối tượng được cử tới những địa điểm định sẵn. Targ và Puthoff bắt đầu những thí nghiệm của họ với những nhà ngoại cảm nổi tiếng, rồi phát hiện ra rằng dù họ chọn bất cứ ai, ngay cả người đáng ngờ nhất, người đó cũng làm được việc này. Tôi tin rằng những gì tôi đang làm cũng rất giống như thế, chỉ là áp dụng cho chữa lành mà thôi.
Nói ngắn gọn, tôi tin là phần lớn mọi người có thể dùng một kiểu truy cập thông tin trực tiếp nào đó trong cuộc sống hằng ngày. Thông tin nào sẽ giúp bạn thực hiện công việc của mình tốt hơn? Có lẽ bạn có thể tiếp nhận thông tin đó nhờ sử dụng Tri giác Cao cấp của chính mình. Tất cả những điều này là một cách khác để nói lên rằng con người có nhiều phương thức để tiếp nhận thông tin và chỉ dẫn ‒ chỉ cần chúng ta có sở nguyện hoặc cởi mở tiếp nhận.
Phương pháp truy cập thông tin trực tiếp có nhiều ý nghĩa tiềm ẩn cho tương lai. Nếu chúng ta, với tư cách một giống loài, học cách truy cập thông tin như một kỹ năng hiển nhiên, điều đó sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống giáo dục của chúng ta, và tất nhiên là cả xã hội mà ta đang sống. Chúng ta sẽ tới trường không phải chỉ để học lập luận theo diễn dịch hay quy nạp, để thu thập thông tin và nâng cao trí nhớ, mà chúng ta sẽ còn tới trường để học cách tiếp cận bất cứ điều gì ta muốn biết ngay tức thì. Thay vì dành hàng giờ ghi nhớ các kiến thức, chúng ta sẽ học cách truy cập nguồn thông tin vốn đã được lưu trữ trong “bộ nhớ” của trường năng lượng vũ trụ. Theo thuật ngữ bí truyền thì kho thông tin này được gọi là tàng thư Akasha. Những thông tin lưu trữ này là dấu ấn năng lượng cố định trong mô hình toàn ảnh vũ trụ của mọi điều từng xảy ra hoặc từng được biết tới. Khi bộ não vận hành theo cơ chế này, thông tin không được lưu trữ trong tâm trí; chúng ta chỉ đơn giản là tiếp cận với nó mà thôi. Khi bộ não vận hành theo cơ chế này, ghi nhớ có nghĩa là bắt sóng lại với toàn ảnh vũ trụ và đọc thông tin một lần nữa, chứ không phải là lục lọi tâm trí để trích xuất ra thông tin.
Bởi lẽ thông tin này tồn tại bên ngoài giới hạn của thời gian tuyến tính, như đã nói trong Chương 4, thế nên ở một mức độ nào đó, chúng ta sẽ có khả năng đọc được tương lai, như nhà tiên tri Nostradamus từng làm khi ông dự đoán sự trỗi dậy của kẻ độc tài có tên là Histler ở châu Âu đâu đó hai trăm năm trước khi Hitler xuất hiện.
Điểm lại Chương 17
1. Những cách chính để truy cập thông tin trực tiếp là gì?
2. Mô tả các cách để nâng cao thị giác, thính giác và giác quan vận động?
3. Nếu một người thiên về giác quan vận động thì tốt nhất là anh ta nên tập trung vào kiểu thiền và phương thức truy cập trực tiếp nào?
4. Đâu là sự khác biệt giữa chủ động nhìn vào hào quang và tiếp nhận nó qua biểu tượng?
5. Truy cập thông tin trực tiếp có phát huy tác dụng từ xa không? Bao xa? Vật lý học giải thích hiện tượng này như thế nào?
6. Đâu là sự khác biệt giữa dẫn kênh hoặc truy cập thông tin trực tiếp theo cách chủ động và tiếp nhận?
Suy ngẫm
7. Bạn chủ yếu thiên về thị giác, thính giác hay giác quan vận động?