Lần đầu tiên tôi trải nghiệm năng lực nội sát là một buổi sớm nọ khi đang nằm trên giường quan sát kết cấu của cơ và xương ở phía sau cổ chồng mình trong lúc anh nằm ngủ cạnh tôi. Tôi thấy cái cách các cơ được nối vào đốt sống cổ thật hết sức thú vị. Đột nhiên, tôi ý thức được điều mình đang làm và nhanh chóng cắt đứt dòng quan sát đó. Suốt một thời gian, tôi không “trở lại” với tầng thực tại này, và cho rằng mình tự tưởng tượng ra. Tất nhiên, cuối cùng nó cũng quay lại. Tôi bắt đầu “thấy” phần bên trong cơ thể của khách hàng. Ban đầu tôi khá lúng túng, nhưng những hình ảnh nội sát vẫn xuất hiện và tôi tiếp tục kiên trì. Việc nhìn được thấu vào bên trong có mối tương quan với những thông tin khác mà tôi thu thập được về bệnh nhân, cả từ chính họ lẫn từ bác sĩ của họ.
Có thể ví nội sát như là khả năng chụp X quang hoặc cộng hưởng từ hạt nhân (nuclear magnetic resonance ‒ NMR) ở con người và tinh vi không kém. Nội sát bao gồm cả khả năng nhìn vào trong cơ thể người ở bất kỳ độ sâu và độ nét nào (trong một khoảng nhất định) theo mong muốn của người đó. Nó là một phương thức mới để nhận biết sự vật. Nếu muốn nhìn một cơ quan nội tạng, tôi tập trung vào nó. Nếu muốn nhìn vào bên trong cơ quan nội tạng hoặc một phần cụ thể nào đấy của nó, tôi tập trung vào chỗ đó. Nếu muốn nhìn một vi sinh vật đang tấn công cơ thể, tôi tập trung vào đó. Hình ảnh mà tôi nhận được về những thứ đó trông giống như những bức ảnh bình thường. Ví dụ, một lá gan khỏe mạnh có màu đỏ đậm, đúng như màu nhìn bằng mắt thường. Nếu lá gan đã hoặc đang bị bệnh vàng da, nó sẽ có màu nâu vàng yếu ớt. Nếu một người đã từng hoặc đang thực hiện hóa trị, lá gan thường có màu nâu lục. Các vi sinh vật trông na ná như hình ảnh của chúng khi nhìn qua kính hiển vi.
Ban đầu, các trải nghiệm nội sát của tôi xảy ra ngẫu nhiên, về sau thì dần dần trở nên dễ kiểm soát hơn. Tôi bắt đầu hiểu rằng để nhìn như thế, tôi phải ở một trạng thái mở cụ thể, trong trạng thái đó, con mắt thứ ba (luân xa thứ sáu) được kích hoạt và phần còn lại của tâm trí tôi cũng đang ở trạng thái tương đối bình an, tập trung. Sau này, tôi tìm ra được các kỹ thuật kích hoạt trạng thái này, nhờ vậy tôi có thể nhìn xuyên vào cơ thể khi muốn, miễn là tôi có thể bước vào trạng thái tinh thần và cảm xúc đó. Nếu thấy mệt, có thể tôi sẽ không làm được như vậy, một phần là bởi khi đang mệt mỏi, chúng ta khó tập trung làm yên tâm trí hơn. Lúc này, việc nâng tốc độ rung động lên cũng khó khăn hơn. Tôi cũng khám phá ra rằng dù mắt tôi nhắm hay mở thì cũng không can hệ gì nhiều, ngoại trừ việc khi mở mắt, có thể có những thông tin khác xen vào. Đôi khi, thông tin tiếp nhận thêm đó có ích cho sự tập trung; đôi khi nó lại cản trở việc này. Ví dụ, thỉnh thoảng tôi dùng mắt để giúp bản thân tập trung tâm trí vào điểm tôi nhìn vào. Nhiều lúc, tôi lại nhắm mắt để cố gắng ngăn cản các thông tin khác làm xao nhãng độ tập trung.
Ví dụ về nội sát
Hình 18‒1 minh họa một ví dụ của cách quan sát này. Hình phía trên bên trái thể hiện hình ảnh hào quang mặt trước, bên ngoài; hình phía trên bên phải thể hiện hình ảnh bên trong và hình bên dưới thể hiện hình ảnh mặt sau, bên ngoài. Đây là trường hợp một người bạn của tôi bị ngã trên băng và bị đau vai. Khi chữa cho cô, tôi nhìn thấy được hiện tượng “xuất huyết hào quang” phía trước vai nơi cô đang mất năng lượng. Các đường năng lượng ở vùng phía sau dọc theo cơ thang rối bung lên và cần được duỗi cho thẳng lại. Tôi khum tay phải phía trên chỗ xuất huyết để dừng nó lại và duỗi những chỗ rối trên mặt lưng ra. Trong khi thao tác, tôi có thể nhìn thấy phần đầu xương cánh tay bị vỡ, về sau phim chụp X quang đã xác nhận điều này. Buổi điều trị “ngắn” (nửa tiếng) này đã chữa lành chỗ xuất huyết và các đám rối để giúp quá trình lành đoạn xương vỡ diễn ra nhanh hơn.
Một ví dụ khác, thể hiện trong Hình 18‒2, là một u nang buồng trứng mà tôi quan sát thấy có kích thước cỡ một quả bóng tennis, đường kính 7cm. Ngày 3 tháng 1 (xem Hình 18‒2A), nó có màu xám sẫm hơi ngả xanh. U nang này đã được bác sĩ chẩn đoán, nhưng bệnh PID (Pelvic Inflammatory Disease ‒ viêm vùng chậu) ‒ xuất hiện dưới dạng màu đỏ sẫm trong hào quang thì chưa được chẩn đoán. Đến ngày 15 tháng 1 (xem Hình 18‒2B), cái u nang đã co lại còn 4cm, và bệnh PID đã được bác sĩ chẩn đoán. Ngày 21 tháng 1 (xem Hình 18‒2C), khối u còn 2cm, nhưng lại đen hơn, và xuất hiện một hình phễu lạ lùng gắn vào nó. Bệnh nhân đang theo một chế độ ăn thanh lọc, chế độ ăn này đang dần giải quyết vấn đề. (Thời điểm đó tôi chưa tiến hành chữa lành mà chỉ quan sát quá trình). Vào ngày 29 tháng 1 (xem Hình 18‒2D), u nang phát triển thành 3cm, cỡ khoảng đồng xu 25 cent, khi bắt đầu chớm vào kỳ kinh nguyệt (đây là hiện tượng thường thấy ở u nang). Đến ngày 6 tháng 2 (xem Hình 18‒2E), u nang đã thu lại còn 1cm, đến ngày 3 tháng 3 (xem Hình 18‒2F), nó đã hoàn toàn biến mất, cùng rất nhiều năng lượng tiền kinh nguyệt lành mạnh, khỏe khoắn thế chỗ cho nó. Tất cả những quan sát này tương ứng với kích thước mà bác sĩ quan sát được qua việc khám vùng chậu.
Hình 18-1: Hình ảnh nội quan của một ca chấn thương vai
Do màu tối sẫm của hình ảnh u nang trong hào quang vào ngày 21 tháng 1, cả bác sĩ và tôi đều khuyên người phụ nữ này uống thuốc kháng sinh. Chúng tôi biết rằng dạng bệnh này, bệnh viêm vùng chậu (PID), trong một khoảng thời gian dài (trường hợp này là ba năm) thường xuất hiện trước khi phát triển bệnh ung thư, đây là điều mà chúng tôi muốn ngăn chặn bằng cách loại bỏ chứng viêm. Bệnh nhân duy trì chế độ ăn thanh lọc trong suốt quá trình điều trị. Rất có khả năng là cô có thể khỏi viêm hoàn toàn mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh, nhưng chúng tôi không muốn mạo hiểm. Theo hình ảnh nội sát, khối u nang gần như có màu đen. Nó đang ở giai đoạn đầu, ung thư thường có màu xanh xám sẫm. Khi tiến triển, nó chuyển thành màu đen trong hào quang. Về sau, có những đốm trắng xuất hiện trong màu đen. Khi những đốm trắng này rộ lên và di chuyển ra ngoài như núi lửa, thì ung thư đã di căn. Trong trường hợp này, u nang đã chuyển sang màu quá tối nên không thể trông đợi một mình chế độ ăn thanh lọc gánh hết phần việc cần làm.
Hình 18‒3A (Phụ lục hình màu) thể hiện một trường hợp khác của bệnh viêm vùng chậu, u nang và u xơ buồng trứng. Như bạn có thể thấy, khi dùng Tri giác Cao cấp, ta có thể dễ dàng phân biệt u nang và u xơ, u xơ xuất hiện trong trường năng lượng với màu nâu hơi đỏ.
Hình 18-2: Quá trình lành bệnh viêm vùng chậu và u nang buồng trứng (Hình ảnh nội quan)
Hình 18‒3B (Phụ lục hình màu) thể hiện một ví dụ của việc sử dụng năng lực nội sát từ xa. Cuối một khóa học của tôi, một học viên đã hỏi liệu tôi có thể chữa cho một người bạn có hai khối u xơ của cô hay không. Khi cô ấy hỏi, tôi lập tức soi thấy linh ảnh ở vùng xương chậu của bạn cô. Tôi vẽ lại hình ảnh này lên bảng đen. Hai tháng sau, hình ảnh đó được xác nhận khi tôi thực hiện chữa lành cho bệnh nhân. Điều tôi nhìn thấy đã được chẩn đoán của bác sĩ xác nhận. Cô gái này có hai khối u xơ tương đối nhỏ, xuất hiện với màu nâu hơi đỏ trong hào quang. Khối ở bên phải nằm cao hơn và ở phía ngoài tử cung, trong khi khối ở bên trái nằm thấp hơn và có một phần dính với tử cung. Điều mà tôi không thấy từ xa, nhưng đã quan sát được trong quá trình chữa lành, là ở mặt trước luân xa thứ hai có một chỗ bị vỡ, có thể một phần là do việc cắt bỏ buồng trứng trái. Ngay từ đầu, luân xa này nhiều khả năng đã có vấn đề trước cả khi buồng trứng bị cắt bỏ, gây ra rối loạn chức năng. Tôi chắc chắn rằng cuộc phẫu thuật đã khiến luân xa tổn thương trầm trọng hơn. Ngoài tổn thương do phẫu thuật, phụ nữ thường rút năng lượng khỏi khu vực buồng trứng đã bị cắt bỏ vì họ không muốn cảm thấy nỗi buồn đau của việc mất đi một buồng trứng. Kiểu khóa chặn này cản trở quá trình chữa lành tự nhiên ở khu vực đó của cơ thể, chỉ để cuối cùng tổn thương càng tồi tệ hơn.
Tiên tri bằng nội sát
Một ví dụ về lời tiên tri, hay sự cảnh báo từ các vị thầy tâm linh, xảy ra vào một ngày nọ khi tôi ghé thăm một người bạn. Tôi còn cách văn phòng cô bạn ba tòa nhà thì được mách cho là cô ấy không ở đó, rằng có thể cô ấy vừa bị một cơn đau tim và cần tôi chữa. Văn phòng khóa cửa, vì thế tôi tới nhà cô ấy, ở đó, tôi thấy cô đang ở trạng thái rất đau đớn, ôm chặt cánh tay trái vào sát người. Cả buổi sáng hôm đó, cô ở phòng cấp cứu làm điện tâm đồ. Hình 18‒4 thể hiện linh ảnh mà tôi soi thấy. Có đau đớn cảm xúc và sợ hãi bám ở cổ họng và đám rối dương, và có năng lượng ách tắc ở khu vực tim, nó thấm vào cơ thể cô và đi thẳng trở lại qua mặt sau luân xa tim. Đốt sống ngực thứ năm (T5) bị lệch sang trái. Đốt sống này không gắn với các dây thần kinh củng cố cho tim, mà nằm ở gốc luân xa tim. Tôi cũng quan sát thấy một chỗ yếu ở động mạch chủ ngay phía trên tim. Khi chúng tôi cùng hợp tác để đánh tan chỗ năng lượng ứ trệ quanh tim, bạn tôi buông bỏ được cảm xúc đang mắc ở vùng họng và đám rối dương bằng cách chia sẻ cảm giác đau đớn của cô với tôi và khóc. Năng lượng tối bị đánh tan; T5 trở lại đúng vị trí. Cô thấy khỏe lên nhiều. Chỗ yếu trên động mạch chủ vẫn ở đó khi tôi ra về, nhưng đã khá lên thấy rõ theo thời gian.
Hình 18-4: Hình ảnh nội sát của các vấn đề về tim mạch
Nội sát siêu vi
Hình 18‒5A và 18-5B thể hiện hai ví dụ về linh ảnh siêu vi mà tôi soi được. Hình 18‒5A thể hiện những sinh vật nhỏ xíu hình que tràn ngập vùng vai/cánh tay của một người vừa được chẩn đoán bị một kiểu nhiễm trùng giống như bệnh phong. Tôi nhìn thấy các sinh vật này thâm nhập khu vực đó – cả ở cơ lẫn xương. Khi chúng tôi thao tác để chữa lành, có một ánh sáng rất mạnh màu tím oải hương rồi chuyển sang màu bạc chảy vào cơ thể và lấp đầy khu vực bị nhiễm trùng. Ánh sáng ấy khiến các sinh vật kia rung động với tốc độ rất lớn. Có vẻ như nó khiến chúng bị long ra. Rồi dòng năng lượng đổi hướng và hút chúng ra khỏi cơ thể.
Trong một ca bệnh AMI (acute myeloblastic leukemia ‒ bệnh bạch cầu nguyên tủy bào cấp), bệnh nhân tên là Rose, vừa được hóa trị, tôi nhìn thấy những vật thể lạ lùng trông giống như hạt giống, dẹt, màu trắng, có vẻ như đang chèn ép các tế bào hồng cầu. Khoảng một năm trước, cô tìm tới tôi, khi ấy đã có vài bác sĩ tiên lượng rằng rất có thể cô không sống quá được hai tuần nữa. Thời điểm đó, cô đã lập tức được đưa vào diện điều trị tích cực và tiếp nhận hóa trị. Cô tâm sự khi họ nói với cô về hai tuần còn lại, cô nhìn thấy một ánh sáng màu vàng trắng trong phòng và biết rằng mình sẽ không chết. Cô viết lên nhãn của tất cả các chai truyền dịch, kể cả thuốc hóa trị, được truyền cho cô trong suốt thời gian nằm viện, dòng chữ “tình yêu thuần khiết”. Cô không phải chịu bất cứ tác dụng phụ nào của hóa trị. Thế rồi bệnh tình cô thuyên giảm.
Khi trở thành bệnh nhân ngoại trú và tiếp tục hóa trị, cô cũng bắt đầu các buổi dẫn kênh với một người bạn của tôi, Pat Rodegast, vị thầy mà Pat dẫn kênh tên là Emmanuel. Emmanuel bảo Rose dừng hóa trị vì việc đó đang khiến sức khỏe cô yếu đi. Các bác sĩ nói rằng nếu dừng hóa trị, cô sẽ chết rất nhanh bởi các kết quả xét nghiệm máu cho thấy cô vẫn đang trong quá trình thuyên giảm – chứ chưa khỏi bệnh. Không hề dễ dàng chút nào, nhưng cô quyết định dừng lại. Đó là lúc cô tìm tới tôi, và tôi thấy những vật thể giống như hạt giống bên trong máu của cô. Trong buổi điều trị đầu tiên, những vật thể trên đã bị một luồng sáng màu tím oải hương mà sau đó chuyển thành màu bạc đánh tan tác, rồi bị hút ra ngoài. Kết quả xét nghiệm máu tiếp theo cho thấy lần đầu tiên kể từ khi được chẩn đoán bệnh, máu cô hoàn toàn sạch và bình thường.
Rõ ràng tôi không phải là tác nhân chính trong quá trình chữa lành của cô; vai trò của tôi là hỗ trợ và làm sạch máu. Nhờ năng lực nội sát, tôi có thể đoan chắc một lần nữa với cô rằng không còn gì bất thường trong máu. Điều này tiếp tục được các xét nghiệm máu của cô chứng thực cho đến khi chúng tôi quyết định cô không còn cần đến gặp tôi để được hỗ trợ nữa. Để đứng về phía lẽ thật của mình không phải là điều dễ dàng đối với cô. Cô cần được tôi hỗ trợ bởi vào thời điểm đó các bác sĩ, vốn rất thật tình, e sợ rằng cô sẽ sớm mất mạng nếu dừng hóa trị và thường xuyên cảnh báo chuyện đó. Ở đây, tôi không hề có ý chê trách các bác sĩ; họ đã làm tất cả những gì có thể để cứu sống cô. Nhưng trong trường hợp này, có những yếu tố khác tác động mà họ không nhận thấy được. Là một người chữa lành, tôi có cơ hội tiếp cận với những thông tin đó. Họ thì không. Đây là một ví dụ cho thấy cơ chế hợp tác mở giữa những người chữa lành tâm linh và các bác sĩ sẽ có lợi cho bệnh nhân. Đôi bên có rất nhiều điều có thể trao đổi để hỗ trợ quá trình chữa lành.
Hình 18-5: Hình ảnh nội sát siêu vi
Hình 18-6: Giải phẫu năng lực nội sát
Quá trình nội sát
Sau đây, tôi xin giải thích về cơ chế hoạt động của phương thức nhìn này. Bằng năng lực nội sát, tôi đã quan sát lộ trình ánh sáng đi vào cơ thể. Và những gì tôi nhìn thấy được là như thế này. Ánh sáng đi vào qua cả con mắt thứ ba lẫn hai con mắt vật lý và chảy dọc theo các dây thần kinh thị giác như được minh họa ở Hình 18‒6. Ánh sáng này có rung động cao hơn ánh sáng nhìn thấy được và có thể đi xuyên qua da. Ánh sáng đi qua vùng giao thoa thị giác và đi vòng quanh tuyến yên nằm ngay đằng sau vùng giao thoa thị giác. Lúc này, ánh sáng đi theo hai đường. Một đường dẫn tới các thùy chẩm để phục vụ khả năng nhìn thông thường, đường còn lại dẫn tới vùng đồi não để kiểm soát sự vận động của nhãn cầu. Tôi thấy thông qua một số kỹ thuật thiền và thở, chúng ta có thể làm tuyến yên bắt đầu rung động và phát ra ánh sáng hào quang màu vàng kim (hoặc ánh sáng màu hồng nếu chúng ta đang yêu). Rung động và ánh sáng vàng kim này làm tăng lượng ánh sáng phân nhánh đi vào vùng đồi não. Theo quan sát của tôi, ánh sáng hào quang này vòng qua phần dưới cùng của thể chai và được hướng vào bên trong tuyến tùng, vốn đóng vai trò như một máy dò phục vụ cho năng lực nội sát. Bằng cách thở có kiểm soát sao cho cọ xát không khí vào phần sau trên của cổ họng và vòm miệng mềm, nằm đúng đối diện với tuyến yên, tôi có thể kích thích tuyến yên lên mức rung động này. Cách thở trên đồng thời giúp tôi tập trung và làm yên tâm trí. Điều này cũng đưa ánh sáng vàng kim từ nền lên phía sau cột sống của tôi và ánh sáng hồng lên trán. Hai luồng này vòng qua nhau ở vùng đồi não. Điều đó mang lại thêm năng lượng cho các vùng trung tâm trán và trung tâm của não. Cảm giác chủ quan của kiểu nhìn này là để cho một thứ gì đó (năng lượng, thông tin) đi vào vùng con mắt thứ ba của đầu. Kiểu nhìn này cho chúng ta khả năng dò quét ở bất cứ độ sâu nào tùy ý, với phạm vi phân giải rộng, xuống tới mức tế bào, thậm chí là mức vi-rút.
Cảm giác chủ quan của tôi là tôi có một chiếc máy chụp cắt lớp trong đầu. Nó nằm ở vùng trung tâm của não, cách đằng sau con mắt thứ ba 2 inch (5cm), tại điểm giao nhau giữa đường thẳng từ con mắt thứ ba chạy ra sau với đường thẳng nối liền hai thái dương. Đây dường như là tâm của chiếc máy chụp cắt lớp. Từ điểm này, tôi có thể nhìn về bất cứ hướng nào mình chọn mà không cần cử động đầu; tuy nhiên, nó thường giúp tôi nhìn trực tiếp vào bất kể thứ gì mà tôi đang dò quét.
Khi một bệnh nhân đến gặp tôi, tôi tiến hành dò quét một lượt toàn bộ cơ thể họ nhằm dò tìm những khu vực cần quan tâm. Tôi bị hút vào những khu vực cơ thể cần chú ý. Sau đó, tôi điều chỉnh cho khớp hơn với khu vực này và dò quét nó ở độ phân giải tinh vi hơn. Để dò quét chính xác, đôi khi tôi đặt hai tay lên khu vực có vấn đề. Tôi thấy làm như vậy giúp tôi dễ nhìn được hơn.
Đôi khi tôi sử dụng phương pháp khác. Tôi chỉ xin nhìn thấy một bức tranh cho thấy vấn đề là gì, và rồi tôi sẽ nhận được một bức tranh về tình hình của bệnh nhân ở trong đầu.
Thực hành phát triển năng lực nội sát
Du hành xuyên qua cơ thể
Cách tốt nhất để luyện năng lực nội sát là thực hành các bài tập thư giãn sâu bao gồm bài tập được gọi là “du hành xuyên qua cơ thể”.
Trước tiên, bạn hãy nằm xuống và nới lỏng quần áo đang mặc. Thở sâu và thư giãn. Thử làm lại nữa. Bây giờ hãy hít sâu và làm căng toàn bộ cơ thể hết mức có thể. Nín thở; rồi thở ra và thả lỏng toàn thân. Thực hiện lại lần nữa. Giờ thì lặp lại động tác hít sâu và làm căng, nhưng chỉ làm căng cơ thể phân nửa so với trước và đều khắp toàn thân. Thở ra và thả lỏng.
Bây giờ bạn hãy thở sâu và thả lỏng trong khi thở ra. Lặp lại ba lần mà không làm căng cơ thể. Quán tưởng sức căng rỉ ra khỏi cơ thể giống như mật ong đặc trên bề mặt phía dưới bạn. Cảm nhận tim bạn đập chậm lại, êm ả, khỏe mạnh.
Lúc này, hãy tưởng tượng bản thân bạn nhỏ tí xíu, như một chấm sáng, và đi vào cơ thể bạn từ bất kỳ vị trí nào tùy ý. Con người nhỏ tí xíu này chảy trôi vào vai trái, giải tỏa mọi sức căng trên đường đi. Con người nhỏ tí xíu chảy trôi xuống cánh tay trái và đi vào bàn tay bạn, giải tỏa mọi sức căng bằng một cảm giác ngưa ngứa, hơi ấm và năng lượng. Cánh tay trái của bạn nặng và ấm.
Giờ thì con người nhỏ tí xíu của bạn chảy ngược trở lại cánh tay trái và đi xuống chân trái, giải tỏa mọi sức căng ở đây, rồi chảy lên chân trái, đi vào chân phải và ngược trở lên bàn tay phải. Toàn bộ cơ thể bạn nặng và ấm. Lúc này, bạn bắt đầu thăm dò các hệ thống của cơ thể bằng con người nhỏ tí xíu của bạn. Hãy đi vào tim bạn và bám theo máu khi nó được bơm khắp cơ thể bạn. Hệ thống này có vẻ ổn không? Bạn có cảm thấy nó khỏe mạnh không? Giờ thì hãy di chuyển vào phổi của bạn và chú ý đến các mô phổi. Hãy đi vào các cơ quan tiêu hóa của bạn. Bám theo lộ trình của thức ăn khi nó đi vào trong cơ thể bạn. Hãy đi từ miệng xuống thực quản và đi vào trong dạ dày của bạn. Nó trông như thế nào? Nó có đang nhận được đủ năng lượng không? Lượng enzyme tiêu hóa cần thiết có cân bằng không? Giờ thì bạn hãy đi theo thức ăn ra khỏi dạ dày, qua tá tràng, vào ruột non rồi vào ruột già. Mọi thứ ổn cả không? Bấy giờ, bạn hãy quay trở lên đi vào gan, tụy, lá lách của bạn. Chúng có đang hoạt động tốt không? Hãy đi vào cơ quan sinh dục của bạn. Chúng có đang nhận được sự quan tâm, săn sóc xứng đáng không?
Nếu có bất kỳ chỗ nào trong cơ thể khiến bạn bận tâm, hãy đưa con người nhỏ tí xíu của bạn vào khu vực đó, mang theo tình yêu thương và năng lượng. Xem xét kỹ khu vực đó. Nếu nó đang thiếu bất kể thứ gì thì hãy để con người nhỏ tí xíu của bạn xử lý vấn đề đó. Nếu nó cần được làm sạch thì hãy làm sạch nó. Nếu nó cần năng lượng, hãy để con người nhỏ tí xíu truyền năng lượng cho nó.
Khi bạn đã tự hài lòng với việc thăm dò và chăm sóc thân thể mình, hãy để cho con người nhỏ tí xíu nở rộng lên thành kích cỡ bình thường của bạn và hợp nhất với con người thực của bạn.
Bạn có thể quay lại tiến hành tự thăm dò bản thân như vậy bất cứ lúc nào bạn muốn.
Đưa bản thân trở lại trạng thái nhận thức bình thường nhưng vẫn giữ nguyên trạng thái thư giãn sâu, có lòng tin vào bản thân và hữu thức. Bạn đã dò quét xong cơ thể của mình.
Dò quét một người bạn
Ngồi đối diện với một người bạn trên ghế. Một người đóng vai trò quan sát, trong khi người còn lại hoàn toàn thoải mái với chuyện được quan sát. Thực hiện một bài thiền làm yên tâm trí. Nhẹ nhàng để bản thân tập trung vào người bạn của mình. Nhắm mắt. Nhớ rằng đây cũng tựa như du hành qua cơ thể chính bạn vậy. Giờ thì bạn có thể du hành bằng mắt qua cơ thể người bạn của mình. Cảm giác sẽ hơi khác một chút, bởi lần này bạn dò quét từ bên ngoài cơ thể.
Trước hết, hãy dò quét toàn thân để tìm ra một khu vực mà bạn bị hút vào. Mới đầu, bạn có thể dùng hai tay, nhưng không được chạm vào người đối phương. Sau này, bạn sẽ không cần dùng tay nữa. Qua trực giác, nếu bạn bị hút vào một khu vực nào đó trên cơ thể người bạn của mình thì chỉ cần tập trung hơn vào đó. Cho phép bản thân tập trung vào các cơ quan ở khu vực đó. Hãy tin vào những gì bạn nhìn thấy. Bạn có thể thu nhận được một màu sắc, một kết cấu, một cảm giác hoặc chỉ một ý thức mơ hồ về thứ gì đó. Hãy để cho bức tranh đi vào đầu bạn.
Khi đã cảm thấy hài lòng với thứ mình tìm ra được, hãy để cho bản thân bị hút vào một khu vực khác của cơ thể người bạn và lặp lại quá trình trên. Nếu bạn không bị hút vào phần nào khác của cơ thể thì lại tiến hành dò quét cơ thể.
Có thể dò quét cơ thể bằng cách dò quét từng khu vực, hoặc nếu biết giải phẫu (bộ môn cần phải học nếu muốn trở thành người chữa lành) thì dò quét các cơ quan. Hãy lưu ý những gì bạn nhìn thấy trong đầu.
Khi đã hài lòng với quá trình tham dò, hãy từ từ trở lại với bản thân và mở mắt ra.
Thảo luận những gì bạn đã có thể dò bắt được với người bạn kia. Những gì bạn dò bắt được có tương quan như thế nào với những gì người bạn đó biết về bản thân? Điều gì không ăn khớp? Bạn có thể lý giải nguyên do không? Có thể nguyên do nằm ở những giả định của bạn. Có thể vấn đề nằm ở chính cơ thể bạn. Có thể bạn đúng còn người bạn kia thì không biết gì về tình trạng mà bạn đã “soi” thấy. Giờ thì chuyển đổi vai trò và để người bạn kia quan sát bạn. Thả lỏng hoàn toàn bản thân để người bạn kia dễ quan sát hơn.
Thiền để khai mở máy chụp cắt lớp ở con mắt thứ ba
Một bài tập được một trong những thầy dạy của tôi, Đức C.B., khuyên thực hành là nằm ngửa hoặc ngồi thẳng lưng. Đảm bảo tư thế thật thoải mái. Hít một hơi thật sâu bằng mũi. Trước hết, làm đầy không khí ở phần bụng dưới, rồi phần ngực giữa, xong đến phần ngực trên. Giờ thì há miệng ra to nhất có thể. Giữ cho phần sau của lưỡi hướng về phần sau của họng và giữ họng sao cho không khí chỉ thoát ra nếu nó cọ vào phần sau trên của họng, gần vòm miệng mềm. Hãy cố gắng để không khí cọ vào phía sau càng xa càng tốt. Âm thanh phát ra do không khi cọ vào cần phải mảnh nhẹ, chứ không ùng ục. Không được ngả đầu ra phía sau mà giữ đầu chính thẳng trên cột sống. Từ từ để cho không khí thoát ra khỏi cơ thể bạn, đầu tiên là không khí ở phần bụng dưới, rồi phần ngực giữa, xong đến phần ngực trên. Để cho toàn bộ không khí đi ra. Hít vào và thư giãn. Lặp lại thở cọ. Khi đã thuần thục cách thở thì hãy thêm phần quán tưởng sau.
Trong khi hơi thở đi ra khỏi cơ thể bạn, quán tưởng một luồng ánh sáng óng vàng xuất phát từ vùng sau xương chậu và chạy thẳng lên cột sống đi vào vùng não trung tâm. Lặp lại ba lần như vậy theo ba lần thở cọ. Giờ thì hãy tập trung vào mặt trước cơ thể bạn. Luồng ánh sáng này có màu hồng ở mặt trước cơ thể. Lặp lại ba lần theo ba lần thở cọ. Lưu ý rằng hai luồng ánh sáng này vòng qua nhau và đi vào phần trung tâm của não.
Một khi bạn đã học được bài tập này, đừng thực hiện nó nhiều hơn ba đến bốn lần thở đối với mỗi mặt cơ thể bạn, nếu không bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt. Vui lòng hết sức chú tâm thực hiện bài tập cuối cùng này vì nó có tác động rất mạnh. Thực hiện mọi thứ một cách chậm rãi. Bạn không thể tăng tốc độ tiến triển của mình một cách thiếu tổ chức. Cách đó không bao giờ đem lại kết quả (mặc dù phần lớn chúng ta mong muốn như vậy).
Nhiều khi trong một buổi chữa lành, tôi thực hiện các bài tập thở nhanh giúp tôi nâng cao các rung động và năng lượng của mình, nhờ đó tôi có thể nhìn vào hào quang tốt hơn, nhìn thấy những vầng cao hơn của hào quang, đồng thời cũng truyền được những tần số cao hơn qua trường của mình. Để làm được như vậy, tôi cọ không khí vào phần sau trên của cổ họng, nhưng tôi hít thở những hơi rất ngắn và nhanh bằng mũi. Bởi lẽ tôi đã thực hành các bài tập trên rất nhiều lần, nên giờ đối với tôi, việc đó rất dễ thực hiện. Đôi khi tôi cũng hít thở những hơi dài, ổn định, đều đặn mà không có quãng nghỉ ở giữa, và cọ không khí vào phần sau của cổ họng để tập trung chú ý, làm thông suốt đầu óc và cân bằng trường năng lượng của mình. Tôi gọi kỹ thuật thở này là thở cọ qua mũi.
Khi Thị giác Cao cấp được kết hợp với thính giác cao cấp thì thông tin thu nhận được càng trở nên hữu dụng hơn.
Tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh: quay ngược lại thời gian
Tôi đã khám phá ra một phương thức “đọc” nguyên nhân gây nên một vấn đề cụ thể thuộc cơ thể vật lý. Nó kết hợp hai kỹ thuật. Kỹ thuật thứ nhất là phương thức thông thường mà chúng ta sử dụng để gợi lại ký ức. Đơn giản là nhớ lại thời điểm bạn trẻ hơn. Bây giờ hãy chọn một độ tuổi nào đó, hoặc một nơi nào đó mà bạn từng sống và nhớ lại nó. Giờ thì nhớ lại một thời điểm còn trước đó nữa. Để gợi lại ký ức, quá trình nào xảy ra bên trong bạn? Quá trình đó mang lại cảm giác gì? Khi nhớ lại chuyện gì đó trong quá khứ, tôi sử dụng tâm trí mình theo một phương thức riêng. Tôi biết nó mang lại cảm giác gì. Tôi lưu giữ ký ức trong các cảm giác, hình ảnh hoặc âm thanh. “Quay ngược lại” thời gian là chuyện rất dễ dàng; chúng ta đều làm như vậy. Hầu hết chúng ta cho rằng chúng ta chỉ có thể làm như vậy với bản thân, chứ không thể làm như vậy với người khác. Đây hoàn toàn là một niềm tin hạn chế. Tôi đã khám phá ra rằng chính quá trình diễn ra bên trong này, quá trình quay ngược lại thời gian, là quá trình được sử dụng để “đọc” lịch sử hình thành của một căn bệnh.
Kỹ thuật thứ hai là sử dụng mối liên kết giác quan vận động và năng lực nội sát. Sử dụng giác quan vận động, trước hết tôi kết nối với phần cơ thể đang có vấn đề. Và rồi tôi có một bức tranh của khu vực có vấn đề này để mô tả tình trạng hiện tại của nó. Tôi giữ mối liên kết này rồi quay ngược lại thời gian, đọc quá khứ và chứng kiến lịch sử của phần cơ thể đó. Bởi lẽ tôi tiếp tục chứng kiến ngược trở lại quá khứ, cuối cùng tôi sẽ “đọc” được nguyên nhân của vấn đề. Chẳng hạn, tôi sẽ thấy một tổn thương xảy ra ở một phần nào đó của cơ thể vào một thời điểm trước đó trong đời sống của bệnh nhân. Rồi tôi sẽ thấy một tổn thương khác, còn xảy ra từ trước đó nữa, và cứ tiếp tục như vậy. Phần lớn những căn bệnh trầm trọng là kết quả của một chuỗi dài những tổn thương như thế. Tôi chỉ đơn giản quay ngược lại thời gian cho tới thời điểm trước khi có bất kỳ tổn thương nào ở phần cơ thể đó. Tổn thương đầu tiên xảy ra là nguyên nhân khởi đầu của vấn đề hiện tại.
Điểm lại Chương 18
1. Bạn có thể nhìn thấy được những gì nếu sử dụng năng lực nội sát? Bạn có thể nhìn thấy được nơi nào trong cơ thể? Sâu bao nhiêu?
2. Với năng lực nội sát, giới hạn kích thước của những vật thể có thể quan sát được là gì?
3. Năng lực nội sát có thể sử dụng ở khoảng cách xa không?
4. Liệt kê ba bài tập để phát triển năng lực nội quán.
5. Tuyến nội tiết nào là thiết bị cảm biến của năng lực nội sát?
Suy ngẫm
6. Đâu là sự khác biệt giữa quán tưởng và nhận thức?