Mới đầu, những thông tin tôi tiếp nhận được qua thính giác đều chung chung, và rồi nhờ tập luyện, chúng trở nên cụ thể hơn. Chẳng hạn, tôi sẽ nghe thấy những lời yêu thương và trấn an người đến chữa lành. Về sau, thông tin này sẽ trở nên cụ thể hơn như nêu rõ tên người, chứng bệnh mà một bệnh nhân gặp phải, hoặc trong một số trường hợp là chế độ ăn, loại vitamin, thuốc có lợi cho bệnh nhân. Nhiều người khỏe mạnh trở lại sau khi lựa chọn làm theo những lời chỉ dẫn này.
Cách tốt nhất mà tôi biết để nâng cao thính giác cao cấp là ngồi chờ chỉ dẫn. Chuẩn bị bút chì và giấy, ngồi ở tư thế thiền thoải mái, tập trung vào bản thân và nâng cao ý thức. Hình thành trong đầu một câu hỏi rõ ràng nhất có thể. Giờ thì tập trung vào việc mong muốn biết được sự thật về câu hỏi trên, bất luận câu trả lời là gì. Rồi viết câu hỏi ra giấy. Đặt giấy bút xuống. Tập trung và trấn định tâm trí. Chờ đợi câu trả lời đến với bạn. Sau một khoảng thời gian yên lặng, bạn sẽ bắt đầu nhận được câu trả lời. Câu trả lời này sẽ đến dưới dạng hình ảnh, cảm giác, khái niệm tổng quát, ngôn từ hoặc thậm chí là mùi. Viết lại câu trả lời, bất kể nó là gì. Bạn có thể cho rằng nó không liên quan, nhưng hãy cứ viết ra. Dạng thức của thông tin mà bạn tiếp nhận được sẽ biến đổi. Cứ tiếp tục viết. Quá trình viết này cuối cùng sẽ bắt đầu định hướng thông tin đi vào thành những âm thanh. Tập trung vào việc lắng nghe trực tiếp những lời nói đang truyền đến bạn. Tập luyện, tập luyện, tập luyện. Viết lại tất cả những gì đến với bạn. Đừng bỏ qua thứ gì cả. Khi viết xong, cất tờ giấy đi ít nhất bốn tiếng. Sau đó mới lấy ra đọc những gì bạn đã viết. Bạn sẽ thấy nó khá thú vị. Hãy làm một cuốn sổ để thực hành bài tập này.
Sau khi tôi làm như vậy hằng sáng vào lúc bình minh suốt ba tháng, thông tin dưới dạng lời nói đến nhanh tới nỗi tôi không thể viết kịp. Giọng nói đề nghị tôi mua máy đánh chữ. Chẳng mấy chốc, tôi cũng không tài nào gõ kịp. Giọng nói đề nghị tôi mua máy ghi âm. Tôi đã làm như vậy. Mới đầu, rất khó để chuyển từ viết sang nói thành tiếng. Tiếng động từ giọng nói gây cản trở trạng thái yên lặng mà tôi có thể duy trì trong tâm trí. Nhờ tập luyện, mọi thông tin lại trở nên rõ ràng đối với tôi. Bước tiếp theo là thực hành với người khác, và rồi trước một nhóm người. Điều này đặc biệt gây lúng túng, bởi lẽ cơ chế hoạt động của việc dẫn kênh bằng lời nói là người dẫn kênh chỉ có thể nghe được một vài từ đầu tiên của những gì sẽ được nói ra. Cần phải có nhiều niềm tin để nhảy vào phần đầu của một câu, và cho phép phần còn lại chưa biết của câu được tuôn trào.
Trải nghiệm tiếp cận thông tin dưới dạng lời nói này chắc chắn làm dấy lên câu hỏi: “Ai đang nói?” Rõ ràng là tôi nghe thấy một giọng nói. Giọng nói đó do tôi tưởng tượng ra hay nó có một nguồn gốc khác? Nơi tốt nhất để tìm ra câu trả lời là gì? Hỏi giọng nói đó! Tôi đã làm như vậy. Giọng nói lên tiếng: “Tên tôi là Heyoan, vị thầy dẫn dắt tâm linh của cô”.
Heyoan có nghĩa là gì?
“Ngọn gió thầm thì chân lý qua hàng thế kỷ.”
Nó đến từ đâu?
“Kenya.”
Quả thật là trước giờ tôi có nhìn thấy hình ảnh của các linh hồn và thiên thần, nhưng tôi xem đó chỉ là những linh ảnh. Giờ thì họ đang nói chuyện với tôi. Chẳng mấy chốc, tôi có thể cảm nhận được họ chạm vào mình, và thi thoảng khi nhìn thấy họ trong phòng, tôi ngửi được một mùi hương kỳ diệu. Phải chăng đó chỉ là một phép ẩn dụ, hay đó chính là thực tại? Mọi thực tại cá nhân đến với tôi thông qua các giác quan, và giờ thì chúng trải ra thành một thực tại lớn hơn, rộng hơn cho chính tôi. Những người mở rộng được phạm vi tri giác khác cũng trải nghiệm điều đó. Đối với tôi, nó là thật. Bạn chỉ có thể quyết định dựa trên trải nghiệm của mình.
Việc tiếp nhận thông tin từ một vị thầy hướng dẫn khác biệt ở chỗ bạn có khả năng nhận thức một phép ẩn dụ, trong đó bạn đang hỏi xin thông tin từ một người thông thái và cao cấp hơn bạn. Thông tin này vượt ngoài tầm hiểu biết của bạn, nhưng nếu bạn cho phép nó tiếp tục được trao nhận, đến cuối cùng bạn sẽ hiểu được nó. Dẫn kênh cho một vị thầy hướng dẫn có thể đem đến thông tin nằm ngoài tư duy tuyến tính và ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới mọi người; nó chạm đến linh hồn vốn vượt ra khỏi những giới hạn của con người. Thường thì ở phần đầu một buổi đọc, vị thầy hướng dẫn Heyoan của tôi sẽ là người nói. Tức là tôi đóng vai trò một phương tiện thụ động thu nhận trực tiếp. Rồi đến một thời điểm nhất định, Heyoan sẽ đề nghị bệnh nhân đưa ra những câu hỏi để làm rõ hơn mọi chuyện. Tôi thấy đây là trình tự tối ưu bởi lẽ so với chúng ta, các vị thầy hướng dẫn thường biết rõ hơn căn nguyên vấn đề thực sự nằm ở đâu. Họ đi thẳng qua hệ thống phòng vệ của một cá nhân và tiến đến cốt lõi của vấn đề. Do đó, khi Heyoan bắt đầu một buổi đọc, chúng tôi không lãng phí thời gian thu nhận những thông tin sâu hơn đang chờ sẵn để trợ giúp chúng tôi.
Tôi cũng đặt ra những câu hỏi cho Heyoan trong các buổi đọc. Tôi thường làm vậy trong im lặng. Tôi có thể hỏi xin một hình ảnh về tình trạng hoặc bất kỳ bộ phận cụ thể nào của cơ thể, hoặc tôi có thể đề nghị ông mô tả một vấn đề nhất định nào đó. Tôi thậm chí có thể đưa ra những câu hỏi kiểu như: “Đây có phải là ung thư không?” Thường thì tôi nhận được những câu trả lời rành mạch, nhưng chuyện này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là nếu tôi băn khoăn không biết câu trả lời đó có thể mang ý nghĩa gì. Đó cũng là lúc tôi sẽ chặn không cho thông tin được trao nhận. Bấy giờ, tôi buộc phải tập trung lại thì mới tiến hành tiếp được. Còn giờ thì đã đến lúc bạn thử tiếp nhận chỉ dẫn.
Thực hành tiếp nhận chỉ dẫn tâm linh
Ngồi thẳng lưng ở tư thế thiền, nhưng hơi hõm vào ở điểm thắt lưng. Bạn có thể ngồi trên ghế, tựa người vào lưng ghế, hoặc bạn có thể thích tư thế yoga ngồi khoanh chân trên đệm đặt dưới sàn. Hãy đảm bảo tư thế ngồi thật thoải mái.
1. Nếu bạn thuộc típ người ưa vận động, hãy nhắm mắt lại và đơn thuần dõi theo hơi thở của bạn khi nó đi vào và đi ra khỏi cơ thể. Thỉnh thoảng bạn nên tự nhắc bản thân: “Dõi theo hơi thở đến trung tâm”. Sử dụng con mắt tâm trí để dõi theo hơi thở đi vào cơ thể và đến tận trung tâm của bạn. Các giác quan của bạn có thể được tăng cường, và bạn nên bắt đầu dõi theo năng lượng chảy khắp cơ thể mình.
2. Nếu bạn thuộc típ người ưa trực quan, hãy hình dung một ống màu vàng kim di chuyển lên xuống dọc theo cột sống, nơi tọa lạc dòng năng lượng chính của hào quang. Quán tưởng một quả cầu màu vàng trắng trên đầu bạn. Khi bạn ổn định được hơi thở, quả cầu này chầm chậm thụt xuống ống và đi vào phần trung tâm của cơ thể tới đám rối dương. Giờ thì quan sát quả cầu màu vàng gia tăng kích cỡ giống như một mặt trời bên trong đám rối dương.
Bạn nên tiếp tục gia tăng kích cỡ quả cầu màu vàng này ở đám rối dương. Cho phép nó trước hết lấp kín cơ thể bạn trong thứ ánh sáng óng vàng. Và rồi để nó lấp kín trường hào quang của bạn trong thứ ánh sáng óng vàng. Tiếp tục mở rộng để lấp kín căn phòng mà bạn đang ngồi. Nếu bạn đang thiền cùng một nhóm người ngồi vòng quanh, quan sát các quả cầu vàng của họ nở rộng thành một vòng tròn óng vàng, lấp đầy căn phòng. Để nó nở rộng hơn cả căn phòng, đến kích cỡ của tòa nhà mà bạn đang ở, khu vực bên ngoài tòa nhà, thị trấn hoặc thành phố, bang, quốc gia, lục địa, Trái đất, và hơn thế nữa. Hãy thực hiện một cách chậm rãi. Chuyển dịch ý thức của bạn để nở rộng quả cầu ánh sáng óng vàng đến tận mặt trăng và những vì sao. Lấp kín vũ trụ trong thứ ánh sáng óng vàng rực rỡ này. Xem bản thân bạn là một phần của vũ trụ và là một với nó, do đó là một với Thượng đế.
Giờ thì giữ nguyên ánh sáng rạng rỡ đó và từng bước đưa nó trở lại như lúc bạn truyền nó ra ngoài. Lấp đầy con người bạn bằng toàn bộ thứ ánh sáng và tri thức này của vũ trụ. Hãy đảm bảo thực hiện một cách chậm rãi, quay trở lại từng bước. Cảm nhận năng lượng cực lớn đang được nạp vào trường hào quang của bạn. Bạn cũng đem trở lại trường của mình nhận thức rằng bạn là một với Đấng sáng tạo.
3. Nếu thuộc típ người ưa sử dụng thính giác, bạn nên sử dụng một câu thần chú cho toàn bộ quá trình thiền. Bạn nên sử dụng một câu thần chú linh thiêng, chẳng hạn như Om, Sat-Nam, Jesus hoặc “Hãy tĩnh lặng và biết rằng ta là Chúa”. Hoặc bạn nên phát ra một nốt âm thanh nào đó. Tôi nhận thấy có những ngày tôi cần nỗ lực nhiều hơn để định tâm, thế nên tôi có thể sử dụng kết hợp các phép thiền trên nhằm giải thoát tâm trí khỏi những huyên náo. Vào một ngày khác thì tôi chỉ cần một câu thần chú đơn giản.
Để tìm hiểu thêm các phép thiền và thực hành để đạt được trạng thái tự chấp nhận bản thân trong yên lặng và tăng cường độ nhạy, tôi đặc biệt khuyên bạn nên tham khảo các bài tập trong cuốn sách Voluntary Controls (tạm dịch: Kiểm soát tự nguyện) của tác giả Jack Schwarz. Cuốn sách này có một loạt các bài tập kiểu như vậy, vốn được thiết kế phù hợp với tư duy của người phương Tây và vô cùng hiệu quả.
Giờ thì bạn đã định tâm và tâm trí bạn hoàn toàn yên ắng, bạn đã sẵn sàng để ngồi tiếp nhận những chỉ dẫn tâm linh.
Dẫn kênh cho các vị thầy tâm linh của riêng bản thân để tiếp nhận chỉ dẫn
Mỗi người đều có một vài vị thầy chỉ dẫn ở bên cạnh và dẫn dắt người đó qua nhiều kiếp sống. Không những vậy, ta đều có những vị thầy chỉ dẫn ở bên cạnh ta trong những thời điểm học tập cụ thể và họ được chọn lựa chính bởi cái sự học cụ thể đó. Chẳng hạn, nếu đang học để trở thành một nghệ sĩ, bạn chắc chắn có một vài vị thầy chỉ dẫn thuộc típ nghệ sĩ ở quanh mình để truyền cảm hứng. Trong bất kể loại hình sáng tạo nghệ thuật nào mà bạn chú tâm vào, tôi dám chắc rằng bạn đều được truyền cảm hứng từ những vị thầy chỉ dẫn được kết nối với loại hình nghệ thuật đó ở thế giới linh hồn, nơi có những hình thái hoàn hảo và tuyệt mỹ hơn những thứ chúng ta có thể biểu lộ ở cõi giới Trái đất.
Để tiếp xúc với vị thầy chỉ dẫn của mình, bạn chỉ cần ngồi yên lặng, thư thái, nhận thức rõ rằng bạn là một với Thượng đế, rằng tia lửa của Thượng đế tồn tại bên trong mọi cấu phần của con người bạn và rằng bạn tuyệt đối an toàn. Tâm thế này cho phép bạn đạt đến một trạng thái tĩnh lặng nội tại mà nhờ đó bạn có thể nghe thấy được.
Nói chung, khi đi vào trạng thái nâng để tiếp nhận chỉ dẫn, tôi kinh qua trải nghiệm nội tại sau.
Tôi thấy phấn khích bởi tôi cảm nhận được sự hiện diện của một chỉ dẫn tràn đầy ánh sáng và tình yêu thương. Thế rồi tôi dần nhận thấy một chùm ánh sáng trắng phía trên mình, và tôi bắt đầu nâng bản thân lên, hòa vào ánh sáng đó. (Có thể nói tôi đã đi vào trong đó bằng con mắt tâm trí). Sự phấn khích của tôi giảm bớt khi tôi bắt đầu nhận thấy một đám mây màu hồng của tình yêu trùm xuống khắp người mình. Trong tôi ngập tràn cảm giác yêu thương và an toàn. Thế rồi, tôi thấy mình được nâng lên một trạng thái ý thức cao hơn. Tại thời điểm này, cơ thể tôi có thể có một vài điều chỉnh, chẳng hạn như khung xương chậu cuộn xuống dưới hơn (ra vị trí phía trước), còn cột sống thì thẳng hơn. Tôi có thể vô thức há miệng ra để giúp mở luân xa cổ họng. (Chính qua luân xa này mà một người nghe được những vị thầy chỉ dẫn của mình).
Sau khi được nâng lên nữa, tôi bước vào trạng thái yên bình linh thiêng. Và rồi thường thì tôi sẽ vừa nghe thấy vừa nhìn thấy các vị thầy chỉ dẫn. Xuyên suốt phần đầu của buổi đọc, tôi sẽ tiếp tục nâng lên cao hơn. Tôi thường có khoảng ba người thầy chỉ dẫn mình. Người đến trợ giúp tôi sẽ thường đi cùng vị thầy chỉ dẫn hoặc các vị thầy chỉ dẫn của ông.
Đó là trải nghiệm về ánh sáng, tình yêu thương và sự yên bình, xác nhận mối liên kết giữa bạn và các vị thầy chỉ dẫn. Nếu không có trải nghiệm này khi thử dẫn kênh thì nhiều khả năng là bạn đang không kết nối với các vị thầy chỉ dẫn của mình.
Vị thầy chỉ dẫn sẽ giao tiếp theo bất kể hình thức nào dễ tiếp nhận nhất đối với bạn. Có thể là một khái niệm phổ quát, câu từ trực tiếp, hình ảnh biểu tượng hoặc hình ảnh trực tiếp về những chuyện xảy ra như là trải nghiệm trong quá khứ hoặc tiền kiếp. Khi một hình thức giao tiếp nào đó không đến được với bạn, hoặc bạn sợ những gì đang được truyền tải, các vị thầy chỉ dẫn sẽ đơn giản là chuyển sang hình thức khác hoặc tiếp cận vấn đề từ một góc độ khác. Chẳng hạn, nếu tôi sợ những lời nói đến với mình có một ý nghĩa nhất định nào đó, hoặc nếu có người đặt ra một câu hỏi gây tranh cãi, tôi sẽ “trốn chạy” khỏi chốn yên bình và hòa hợp này bên trong mình và không còn nghe được những gì vị thầy chỉ dẫn đang nói. Khi đó, tôi phải mất một đến hai phút để tìm lại chốn bên trong này. Nếu tôi không thể dò bắt lại được những lời nói này, vị thầy chỉ dẫn chắc chắn sẽ truyền đến tôi một khái niệm chung nào đó và rồi tôi cố gắng diễn giải bằng lời lẽ của chính tôi. Lời nói của tôi dần dần hợp nhất trở lại với lời nói của họ, và tôi “quay trở lại đường dây”. Nếu không được, họ sẽ truyền đến một hình ảnh mà tôi sẽ bắt đầu mô tả và để cho bệnh nhân giúp tôi tìm ra ý nghĩa của hình ảnh biểu tượng đó đối với họ.
Những trải nghiệm bên trong tôi khi dẫn kênh bằng lời nói là như sau. Tôi ngồi ở tư thế khoanh chân, đặt lòng bàn tay lên đùi. Trước hết, tôi định tâm. Đối với tôi, điều này có nghĩa là neo lại trong cơ thể thông qua giác quan vận động. Cảm giác giống như thể là tôi tạo dựng một nền móng năng lượng vững chắc quanh nửa thân dưới. Một khi nền móng này được sắp đặt xong, tôi bắt đầu nâng ý thức của mình bằng cách cảm nhận nó gia tăng thông qua giác quan vận động và tập trung nhìn hướng lên trên vào ánh sáng đó. Khi làm như vậy, tôi đồng thời ngửa hai lòng bàn tay lên. Đến một thời điểm nhất định khi tôi được nâng lên, sự giao tiếp với vị thầy chỉ dẫn được hình thành. Một lần nữa, tôi lại cảm nhận được nó thông qua giác quan vận động. Tôi nhìn thấy vị thầy chỉ dẫn phía sau vai phải của mình, và tôi nghe thấy một vài lời đầu tiên từ hướng đó. Khi tôi và vị thầy chỉ dẫn đã sẵn sàng để bắt đầu trao đổi, tôi đưa tay lên và chụm các ngón tay lại phía trước đám rối dương hoặc tim. Điều này giúp tôi cân bằng trường năng lượng và duy trì trạng thái nâng. Thở cọ xát qua mũi cũng hữu ích. Thường thì đến thời điểm này, tôi sẽ bắt đầu dẫn kênh bằng lời nói. Thoạt đầu, những lời nói đến từ khu vực vai phải. Tôi càng kết nối hơn với quá trình dẫn kênh, những lời nói này lại càng gần hơn. Vị thầy chỉ dẫn dường như cũng đến gần hơn. Chẳng mấy chốc, không còn độ trễ giữa việc nghe và việc nói. Có thể thấy rõ hướng xuất phát của giọng nói dịch chuyển lên phía trên và đi vào trong đầu tôi. Vị thầy chỉ dẫn cũng hiện ra và trùm khít lấy tôi. Vị thầy chỉ dẫn bắt đầu dịch chuyển hai cánh tay và bàn tay của tôi phối hợp với cuộc đối thoại. “Ông” cũng dùng hai bàn tay tôi để cân bằng trường năng lượng và đưa năng lượng vào các luân xa trong khi “ông” đang nói. Điều này giữ cho năng lượng được tập trung và ở mức cao. Con người phàm trần của tôi dường như trôi lên phía trên, lắng nghe và chứng kiến tất cả mọi thứ. Đồng thời, tôi cảm thấy mình hợp nhất với vị thầy chỉ dẫn, như thể tôi chính là vị thầy chỉ dẫn. Khi là vị thầy chỉ dẫn, tôi cảm thấy mình to lớn hơn nhiều so với chính tôi, con người phàm trần Barbara.
Vào cuối cuộc đối thoại, trải nghiệm của tôi là một trong những vị thầy chỉ dẫn nhẹ nhàng tách ra và phóng vụt lên, trong khi ý thức của tôi chìm xuống cơ thể và con người phàm trần của tôi. Lúc này, tôi thường cảm thấy khá bẽn lẽn.
Các cảm quan của luân xa
Cho đến lúc này, tôi mới chỉ đề cập đến việc tiếp cận thông tin qua bốn trên năm giác quan thông thường là thị giác, thính giác, xúc giác và khứu giác. Mặc dù hiếm gặp nhưng tôi cho là chúng ta cũng có thể dẫn kênh thông qua vị giác. Trong khi nghiên cứu quá trình tiếp cận thông tin, tôi nhận thấy mỗi phương thức hay cảm quan đều có liên hệ với một luân xa; tức là, chúng ta tiếp cận thông tin thông qua cơ chế cảm nhận của mỗi luân xa. Bảng 19‒1 liệt kê bảy luân xa và các cảm quan hoạt động thông qua mỗi luân xa này. Khi quan sát một người đang dẫn kênh, tôi có thể nhận biết được họ đang sử dụng luân xa nào để lấy thông tin. Luân xa này thường hoạt động rất tích cực và có nhiều năng lượng chảy qua trong lúc họ dẫn kênh. Cần lưu ý rằng mặc dù chúng ta thường không phân biệt giữa cảm giác vận động, cảm xúc và trực giác, nhưng theo tôi, chúng hoàn toàn khác nhau như đã mô tả ở Bảng 19‒1. Chúng ta cũng không gọi tình yêu thương là một cảm quan, nhưng tôi tin nó là như vậy. Cứ thử bắt đầu để ý hơn đến những gì xảy ra khi bạn đang yêu hoặc “cảm nhận tình yêu” mà xem. Tình yêu thương không xếp cùng loại với những cảm xúc khác. Tất nhiên, tình yêu thương không chỉ là một cảm quan. Nó còn là con đường để đồng bộ với những con người khác.
Kiểu thông tin mà bạn tiếp nhận qua mỗi luân xa cũng khác nhau. Luân xa thứ nhất mang lại thông tin về cảm giác vận động – những cảm giác trong cơ thể bạn như cảm giác cân bằng hoặc mất cân bằng, cơn rùng mình dọc theo cột sống, đau đớn tại một bộ phận cơ thể, cảm giác đau ốm hoặc khỏe mạnh, an toàn hoặc nguy hiểm. Thông tin này có thể được người chữa lành tận dụng để biết được trạng thái hiện thời của bệnh nhân. Nếu người chữa lành cảm nhận được sự đau ốm, họ biết đó không phải là sự đau ốm của bản thân mà là của bệnh nhân. Họ có thể cảm nhận cơn đau chân của bệnh nhân ở chính chân mình hoặc tay mình khi đặt tay lên chân bệnh nhân. Tất cả các loại thông tin kiểu này đến từ luân xa thứ nhất và có thể được sử dụng vô cùng hữu hiệu nếu người chữa lành thanh lọc bản thân để cơ thể họ trở thành một phương tiện tăng âm. Họ có thể phân biệt giữa cơ thể mình và cơ thể bệnh nhân. Nếu người chữa lành cảm thấy đau chân, họ cần phải nhận biết được liệu cơn đau đã ở đó từ trước khi gặp bệnh nhân hay họ đang bắt được tín hiệu đau từ bệnh nhân. Tất nhiên, phương pháp tiếp cận thông tin này có những điểm bất lợi. Chúng ta có thể thấm mệt rất nhanh khi cảm nhận cơn đau vật lý của người khác.
Luân xa thứ hai mang lại thông tin về các trạng thái cảm xúc của người chữa lành hoặc người khác. Một lần nữa, người chữa lành phải sử dụng trường năng lượng của bản thân để phân biệt giữa những cảm xúc của mình và của bệnh nhân. Chúng ta có thể tăng cường khả năng này nếu chịu khó luyện tập và nhận được nhiều phản hồi hữu ích. Thí dụ, người chữa lành sẽ biết được những cảm xúc hiện thời của bệnh nhân đối với cơn đau ở chân. Bệnh nhân này có thể cảm thấy tức giận vì bị ốm, hoặc có thể cảm thấy vô cùng sợ hãi. Họ có thể lo sợ rằng cơn đau chân là dấu hiệu rõ ràng của một rối loạn sức khỏe vô cùng nghiêm trọng. Bởi lẽ mọi bệnh tật đều đi kèm với những cảm xúc cần được làm sáng tỏ bằng cách nào đó, thế nên việc vận dụng những thông tin này là rất quan trọng.
Bảng 19-1
CÁC CẢM GIÁC CỦA BẢY LUÂN XA
Luân xa thứ ba truyền tải những thông tin mơ hồ chẳng hạn như khi ai đó nói rằng: “Tôi nghĩ trong đầu là anh sẽ gọi điện, và anh gọi điện thật” hoặc “Trực giác mách bảo tôi rằng không nên đi chuyến bay hôm nay; có thể có chuyện gì đó xảy ra”. Nếu một người đang cảm nhận những sinh thể ở cõi khác, và luân xa thứ ba được sử dụng để cảm nhận chúng, người này sẽ có cảm nhận mơ hồ về sự hiện diện của một đối tượng khác trong phòng, vị trí, hình dạng chung và kích thước cũng như chủ định của nó, tức là thân thiện hay không thân thiện. Luân xa thứ nhất sẽ tiết lộ những thông tin vận động của sự hiện diện này, còn luân xa thứ hai tiết lộ những cảm xúc của sinh thể đó. Trong ví dụ về cơn đau chân, luân xa thứ ba sẽ đưa ra một ý niệm mơ hồ về ý nghĩa sâu xa hơn của cơn đau này trong đời sống của bệnh nhân cũng như một số linh cảm về nguyên nhân của nó.
Luân xa thứ tư mang lại những cảm giác về tình yêu thương. Tình yêu thương này không chỉ dành cho bản thân, bạn đời hoặc gia đình mà là cho toàn bộ nhân loại và chính bản thân sự sống. Khi cảm nhận bằng luân xa thứ tư, bạn có thể cảm nhận tình yêu thương của người khác cả về chất và lượng, dù chúng có ở trong cơ thể vật lý hay không. Ta có thể cảm nhận tình yêu thương tập thể của nhân loại. Trong ví dụ về cơn đau chân, ta sẽ cảm nhận tình yêu thương dành cho bệnh nhân và chất lượng tình yêu thương của bệnh nhân dành cho chính họ. Luân xa này cũng đem đến cảm giác kết nối với mọi sinh vật từng bị đau chân.
Luân xa thứ năm mang lại cảm nhận về âm thanh, âm nhạc, lời nói, mùi vị. Thông tin này có thể rất cụ thể, tùy thuộc vào việc nó đến từ tầng nào của trường hào quang (xem phần kế tiếp). Lấy ví dụ, đối với bệnh nhân bị đau chân, người chữa lành rất có thể tiếp nhận được một mô tả sinh lý học về vấn đề đó như “Đây là chứng viêm tĩnh mạch” hoặc “Đây là tình trạng căng cơ do đôi giày mới làm chân bị sái khi bệnh nhân đi lại”. Luân xa thứ năm cũng có thể tiết lộ một âm thanh có khả năng chữa lành chân hết sức hữu hiệu.
Luân xa thứ sáu tiết lộ những hình ảnh. Những hình ảnh này có thể mang tính biểu tượng mà chỉ bệnh nhân đó hiểu được ý nghĩa của chúng, hoặc mang tính tả thực. Những hình ảnh mang tính tả thực là những hình ảnh về những sự kiện đã xảy ra, đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra. Chúng cũng là hình ảnh của những thứ có tồn tại. Mặc dù tôi gọi đó là hình ảnh nhưng không nhất thiết là bạn phải nhìn thấy chúng bằng mắt, bạn có thể tiếp nhận một hình ảnh trong tâm trí có ấn tượng đủ mạnh để quan sát nó và nếu muốn, có thể vẽ hoặc mô phỏng lại nó. Lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân bị đau chân, luân xa thứ sáu có thể tiết lộ hình ảnh tụ máu của chứng viêm tĩnh mạch, hoặc người chữa lành nhìn thấy bắp cơ bị căng cứng, tùy thuộc vào nguyên nhân của cơn đau. Hình ảnh này có thể hiện ra trên màn hình trong tâm trí của người chữa lành, như trên tivi, hoặc nó có thể hiện ra trực tiếp ở chân bệnh nhân và nhìn được bằng mắt thường. Luân xa thứ sáu cũng có thể tiết lộ một hình ảnh biểu tượng có ý nghĩa nào đó đối với bệnh nhân nhưng hầu như không có ý nghĩa gì mấy với người chữa lành. Hình ảnh biểu tượng này sẽ hiện ra trong màn hình tâm trí của người chữa lành. Luân xa thứ sáu cũng có thể tiết lộ trải nghiệm trong quá khứ của bệnh nhân dưới dạng hình ảnh vốn có liên hệ với cơn đau chân, chẳng hạn như hình ảnh một đứa trẻ ngã xe đạp ba bánh và bị đập chân ở đúng chỗ đau hiện tại, giả dụ là hai mươi năm sau đó. Kiểu truy cập thông tin trực tiếp này phần nào giống như xem một bộ phim.
Lưu ý rằng nãy giờ tôi nói đến việc tiếp nhận hình ảnh. Lĩnh hội có nghĩa là tiếp nhận. Lĩnh hội là tiếp nhận cái có sẵn, dù là dưới dạng biểu tượng hoặc tả thực. Quán tưởng lại là một chức năng hoàn toàn khác. Quá trình quán tưởng là quá trình sáng tạo tích cực. Khi quán tưởng, bạn tạo ra một hình ảnh trong tâm trí và truyền năng lượng cho nó. Nếu tiếp tục giữ nó rõ ràng trong tâm trí và truyền năng lượng cho nó, sau cùng bạn có thể tạo ra nó trong cuộc sống của mình. Theo đó, bạn đã cho nó hình thái và vật chất. Hình ảnh càng rõ ràng và bạn càng phóng chiếu vào nó nhiều năng lượng cảm xúc, bạn sẽ càng có khả năng hiện thực hóa nó trong cuộc sống của mình.
Luân xa thứ bảy tiết lộ thông tin dưới dạng một khái niệm tổng thể. Thông tin này vượt ngoài những cảm quan và hệ thống giao tiếp giới hạn của con người. Sau khi tiếp thu và hiểu rõ khái niệm này, người dẫn kênh phải sử dụng từ ngữ của mình để mô tả những gì họ nắm bắt được. Rất nhiều lần, khi tôi bắt đầu diễn giải điều gì đó bằng từ ngữ của mình, Heyoan sẽ đi vào (từ luân xa thứ năm) và giải thích nó bằng từ ngữ dễ hiểu hơn nhiều so với tôi. Khái niệm tổng thể này đem lại một cảm nhận đầy đủ về sự biết. Đó là trải nghiệm trở thành một với khái niệm. Trong ví dụ đau chân của chúng ta, luân xa thứ bảy sẽ tiết lộ toàn bộ hoàn cảnh sống gắn liền với cơn đau chân.
Cảm quan của luân xa ở các tầng thực tại khác nhau
Giờ thì bạn đã nắm được phần nào về những thông tin đi qua mỗi luân xa, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các tầng thực tại khác nhau mà chúng ta đã bàn ở Chương 7 và Chương 15. Ở những chương đó, tôi đã bàn về tầng vật lý của thực tại, tầng tinh tú, tầng mẫu dĩ thái, tầng thượng giới, tầng mẫu ketheric và những sinh thể tồn tại ở mỗi tầng này. Tôi cũng nêu rõ rằng có những tầng vượt quá tầng thứ bảy. Muốn cảm nhận bất kỳ tầng nào trong số này, luân xa mà bạn định sử dụng phải được mở ở tầng đó. Nếu muốn nhìn thấy bất kỳ vầng hào quang cụ thể nào thì bạn phải mở luân xa thứ sáu của mình ở vầng đó. Nếu muốn nhìn thấy vầng thứ nhất của trường hào quang, bạn phải mở luân xa thứ sáu ở vầng thứ nhất của hào quang. Nếu muốn nhìn thấy vầng thứ hai của trường hào quang, bạn phải mở luân xa thứ sáu ở vầng thứ hai của hào quang. Khi những người mới học bắt đầu nhìn thấy hào quang, họ thường nhìn thấy vầng đầu tiên, bởi họ mở luân xa thứ sáu ở vầng thứ nhất của hào quang. Khi tiến bộ hơn, họ mở luân xa thứ sáu ở vầng liền tiếp và rồi có thể quan sát được vầng này.
Việc mở luân xa ở các tầng trên tầng thứ tư cũng có nghĩa là bạn sẽ bắt đầu nhận biết được những sinh thể ở các cõi tồn tại khác. Điều này phần nào phá vỡ đời sống cá nhân của bạn khi nó lần đầu xảy ra và phải mất một thời gian để làm quen. Ví dụ như nhiều lúc bạn phải lựa chọn giữa việc tiếp tục cuộc hội thoại mà bạn đang có với việc dừng lại và lắng nghe vị thầy chỉ dẫn đang cố gắng nói chuyện với bạn vào cùng thời điểm đó. Tôi đã rất nhiều lần tồn tại giữa hai thế giới này. Thế nên trong mắt những người không nhận biết được sự hiện diện của những sinh thể và phản hồi lại chúng, những người nhận biết được có vẻ kỳ quái.
Để nghe được một sinh thể sống ở tầng tinh tú, bạn phải mở luân xa thứ năm ở tầng tinh tú. Nếu muốn nghe vị thầy chỉ dẫn ở tầng thứ năm thì bạn phải mở luân xa thứ năm ở tầng thứ năm của trường hào quang. Nếu muốn nhìn thấy vị thầy chỉ dẫn ở tầng tinh tú thì bạn phải mở luân xa thứ sáu ở tầng thứ tư. Để nhìn thấy vị thầy chỉ dẫn ở vầng thứ năm, bạn phải mở luân xa thứ sáu ở tầng thứ năm, và cứ tiếp tục như thế.
Như tôi đã nêu ở Chương 7, có những cửa vào hoặc dấu niêm giữa các tầng mức luân xa ở sâu trong tâm của các luân xa. Những dấu niêm và cửa vào này phải được mở để di chuyển từ tầng này sang tầng kế tiếp. Muốn vậy, bạn phải tăng mức rung động của hệ thống năng lượng. Công đoạn tăng cường và duy trì trường ở mức rung động cao hơn này chính là công đoạn thanh lọc. Bạn phải giữ cho trường không bị cản trở và thông trống hoàn toàn để cảm nhận những tầng cao hơn của trường hào quang. Làm vậy cũng tức là gia tăng độ nhạy trong cuộc sống thường ngày của bạn. Điều này cần đến nhiều hoạt động chăm sóc bản thân về chế độ ăn, tập luyện và thực hành tâm linh – những điều được bàn kỹ hơn ở Phần VI.
Mỗi tầng đại diện cho một bát độ khác cao hơn trong rung động so với tầng bên dưới. Đưa ý thức năng lượng của bạn tới một tầng cao hơn có nghĩa là tăng tốc độ rung động đến ngưỡng mà ý thức của bạn hoạt động. Đây không hẳn là một nhiệm vụ dễ dàng, bởi như bạn đã thấy ở chương về tâm động học, mọi sự gia tăng năng lượng trong hệ thống đều đánh bật những khối tắc nghẽn vốn giúp bạn vượt qua những trải nghiệm mà mình đã chôn giấu trong tiềm thức bởi những sự kiện đó quá đáng sợ để cảm nhận tại thời điểm chúng xảy ra.
Các bài thiền nâng cao trải nghiệm ở mỗi tầng hào quang
Tôi đã tìm ra nhiều phương pháp thực hành thiền khác nhau sẽ giúp bạn nâng cao trải nghiệm ở mỗi tầng hào quang. Những phương pháp này cũng được liệt kê ở Bảng 19‒1. Để nâng cao trải nghiệm ở vầng thứ nhất của hào quang, thực hành thiền đi bộ, thiền tiếp xúc hoặc thư giãn sâu. Để nâng cao trải nghiệm ở vầng thứ hai của hào quang, thiền về cảm giác khỏe mạnh an lạc. Để nâng cao trải nghiệm ở vầng thứ ba của trường hào quang, thực hành các bài tập nhất điểm tâm (định). Để nâng cao trải nghiệm ở vầng thứ tư, thiền về ánh sáng màu hồng của tình yêu hoặc tập trung vào việc yêu thương một bông hoa. Để nâng cao trải nghiệm hiện hữu ở vầng thứ năm của trường hào quang, sử dụng thiền âm thanh hoặc thiền nghe. Để nâng cao trải nghiệm của cơ thể thượng giới, thiền về việc trở thành một thể với Chúa cứu thế hoặc ý thức Chúa. Để nâng cao trải nghiệm vầng thứ bảy của sinh mệnh, ngồi thiền và sử dụng câu thần chú: “Hãy tĩnh lặng và biết rằng ta là Chúa”.
Điểm lại Chương 19
1. Phương pháp hữu hiệu để học thính giác cao cấp là gì?
2. Làm thế nào để ngồi tiếp nhận những chỉ dẫn tâm linh? Thực hành điều trên ít nhất ba lần trong tuần này.
3. Các vị thầy chỉ dẫn sẽ cố gắng giao tiếp với bạn theo những hình thức nào? Mô tả lại quá trình.
4. Mô tả cảm quan gắn liền với mỗi luân xa trong bảy luân xa.
5. Nếu muốn “nhìn thấy” vị thầy chỉ dẫn ở tầng mẫu ketheric bạn cần mở luân xa nào và ở tầng nào của trường hào quang?
6. Nếu bạn muốn “nghe được” vị thầy chỉ dẫn ở tầng tinh tú, thì bạn cần mở luân xa nào và ở tầng nào của trường hào quang?
7. Giả dụ tôi có cảm giác mơ hồ rằng tồn tại một sinh thể nào đó ở góc phòng và sinh thể đó không quá thân thiện, vậy thì tôi đang sử dụng luân xa nào để cảm nhận? Sinh thể này tồn tại ở tầng nào của trường hào quang?
8. Làm thế nào để mở một luân xa cụ thể ở một tầng cụ thể thuộc trường của bạn?
9. Đâu là sự khác biệt chính giữa nội sát và dẫn kênh thông tin có chỉ dẫn?
Suy ngẫm
10. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi như thế nào nếu bạn tìm kiếm và làm theo chỉ dẫn nhiều hơn?
11. Những trở ngại chính ngăn bạn tích cực tìm kiếm sự chỉ dẫn trong cuộc đời mình là gì?
12. Hãy hỏi xin chỉ dẫn để biết cách tận dụng tốt hơn những chỉ dẫn trong cuộc sống của bạn. Câu trả lời là gì?
13. Niềm tin hoặc hình ảnh tiêu cực của bạn về những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra nếu bạn làm theo những chỉ dẫn là gì? Điều này có liên quan gì đến trải nghiệm thời thơ ấu của bạn về những người có quyền lực; đến mối quan hệ giữa bạn với Thượng đế hoặc hình ảnh của Thượng đế?
14. Nếu chúng ta có tự do ý chí thì sự tiên tri có thể hoạt động như thế nào?
15. Làm thế nào có thể vận dụng kiểu nhận biết này để thay đổi cuộc sống của bạn?
16. Đâu là sự khác biệt giữa quán tưởng và nhận biết?