Nón nhận thức
Ở chương trước, tôi đã bàn đến chuyện mở rộng nhận thức của bạn đối với những tầng thực tại cao hơn bằng cách tăng tốc độ rung động của trường hào quang. Ý tưởng này dựa trên khái niệm vũ trụ đa chiều được cấu thành từ các mức tốc độ rung động tồn tại trong cùng một khoảng không gian. Tầng thực tại càng cao hoặc càng tinh thì tốc độ rung động càng cao. Bây giờ, tôi muốn bàn về vũ trụ đa chiều này dưới dạng những cấp độ của nhận thức.
Heyoan nói rằng mỗi chúng ta đều có một nón nhận thức mà thông qua đó chúng ta nhận thức thực tại. Có thể sử dụng phép ẩn dụ về tần số để giải thích khái niệm này, tức là mỗi chúng ta đều có khả năng nhận thức trong một dải tần số nhất định.
Phàm là con người, chúng ta đều có xu hướng định nghĩa thực tại dựa trên những gì mà bản thân có thể nhận thức. Nhận thức này không chỉ bao gồm toàn bộ những nhận thức thông thường của con người, mà còn cả phần mở rộng thêm của những nhận thức đó nhờ vào những thiết bị mà chúng ta đã chế tạo ra như kính hiển vi và kính viễn vọng. Chúng ta thừa nhận mọi thứ nằm trong nón nhận thức của mình là thật, và mọi thứ nằm ngoài là không thật. Nếu chúng ta không thể nhận thức được nó thì tức là nó không tồn tại.
Mỗi khi chế tạo ra một thiết bị mới, chúng ta lại mở rộng nón nhận thức của mình, nhờ đó chúng ta nhận thức thêm được nhiều thứ, và do vậy chúng trở nên thật. Điều tương tự cũng xảy ra ở đây đối với Tri giác Cao cấp, nhưng thiết bị được sử dụng trong trường hợp này là cơ thể và hệ thống năng lượng của chính bạn. Khi chúng ta nhận thức được nhiều thứ hơn thông qua Tri giác Cao cấp, nhiều thứ hơn trở thành có thật đối với chúng ta.
Tôi đã thử vẽ ra một biểu đồ sử dụng đường cong hình chuông quen thuộc để giúp mô tả hiện tượng này (xem Hình 20‒1A). Trục tung thể hiện mức độ thấu suốt của nhận thức còn trục hoành mô tả dải tần số của nhận thức. Đường cong hình chuông được thể hiện ở giữa biểu đồ này có thể được sử dụng để mô tả phạm vi nhận thức thông thường của một con người, một nhóm người, hoặc có thể nói là của toàn thể nhân loại. Hầu hết chúng ta đều có nhận thức rõ ràng ở vùng được xác định bằng các dòng chấm trong hình. Bên ngoài các dòng chấm này, mức độ thấu suốt thấp đến nỗi chúng ta thường xem nhẹ những gì mình nhận thức. Tuy nhiên, nếu chúng ta thừa nhận mọi thứ chúng ta nhận thức, thì khoảng không gian bên dưới đường cong hình chuông cũng xác định cái mà chúng ta gọi là vũ trụ thực. Đường nét đứt thể hiện sự gia tăng phạm vi nhận thức mà chúng ta có được nhờ các thiết bị. Chúng ta, chí ít là phần lớn chúng ta, cũng thừa nhận đó là thực tại.
Hình 20-1: Nón nhận thức của chúng ta
Chúng ta hãy cùng xem xét từ quan niệm về Brahman và Maya của truyền thống Phật giáo. Maya là thế giới hiển lộ (cõi trần). Theo Phật giáo, thế giới này là ảo tưởng. Brahman là thực tại cơ bản nằm sau Maya và giúp nó được hiển lộ. Chúng ta không nên nhầm lẫn nó với Brahmin, tầng lớp thầy tu có học trong hệ thống đẳng cấp Hindu. Trong Phật giáo, người ta thực hành thiền để thoát ra khỏi ảo tưởng của Maya vốn chứa đựng mọi khổ đau và trở thành Brahman hoặc giác ngộ. Ở đây, chúng ta có một khái niệm hết sức tương đồng với nón nhận thức. Hình 20‒1B một lần nữa minh họa nón nhận thức nhưng diễn giải từ quan niệm về Brahman và Maya. Thế giới hiển lộ của Maya nằm trong nón nhận thức của chúng ta, trong khi thế giới phi hiển lộ của Brahman nằm ngoài nón nhận thức. Trật tự tường minh của nhà vật lý David Bohm (xem Chương 4) nằm trong nón nhận thức của chúng ta, còn trật tự tiềm ẩn của ông nằm ngoài nón nhận thức.
Hình 20‒2A thể hiện tác động của Tri giác Cao cấp. Ở đây, tôi liệt những gì chúng ta quen gọi là không có thật và không tồn tại vào dạng thực tại tâm linh. Khi chúng ta tăng cường phạm vi nhận thức của bản thân lên những mức rung động cao hơn, thế giới tâm linh (phi vật chất) này càng trở nên thật hơn với chúng ta. Càng sử dụng Tri giác Cao cấp, chúng ta càng có khả năng nhận thức (điều này lại càng giúp chúng ta tiếp cận thế giới tâm linh dễ dàng hơn), càng thoát khỏi ảo tưởng và tiến vào Brahman hay giác ngộ. Từ góc nhìn này, đường cong hình chuông trở thành bức màn ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới vật chất. Heyoan nói rằng về cơ bản, chữa lành là gỡ bỏ bức màn ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới vật chất.
Một điểm vô cùng quan trọng nữa là do những định nghĩa của chúng ta về bản thân vốn dựa trên những gì chúng ta xác định là thật, thế nên khi thực tại của chúng ta mở rộng ra, chúng ta cũng mở rộng theo. Hình 20‒2B một lần nữa minh họa đường cong hình chuông, nhưng ở đây, tôi diễn giải dưới dạng định nghĩa về bản thân. Bên trong đường cong, chúng ta có một định nghĩa giới hạn về bản thân – chúng ta xác định con người mình dựa trên quan niệm hạn hẹp của chúng ta về thực tại. Bên ngoài, chúng ta có một định nghĩa không giới hạn về bản thân mà về cơ bản chính là Thượng đế. Đường cong này trở thành bức màn ngăn cách giữa con người mà chúng ta nghĩ rằng đó là mình và con người thực của chúng ta. Heyoan lặp đi lặp lại nhiều lần rằng hai bức màn ngăn cách này (giữa thế giới tâm linh với thế giới vật chất, và giữa con người mà chúng ta nghĩ rằng đó là mình với con người thực của chúng ta) đều là một. Nó cũng là bức màn ngăn cách giữa những gì mà chúng ta gọi là sự sống và cái chết. Khi biết rằng mình là linh hồn, chúng ta không kết thúc sự sống ở thời điểm chết đi; đúng hơn chỉ là chúng ta rời khỏi cơ thể vật lý, phương tiện mà ngay từ đầu chúng ta với tư cách một linh hồn đã tạo ra để hóa thân. Tại thời điểm một người chết đi, tôi đã chứng kiến (bằng Tri giác Cao cấp) linh hồn ông ta rời khỏi cơ thể để gia nhập cùng các linh hồn khác trong phòng. Khi cái chết xảy đến, bức màn ngăn cách tan biến, và chúng ta trở về nhà, về với con người thực của mình.
Hình 20-2: Xác định các giới hạn của nón nhận thức
Thế giới hiển lộ
Trong một buổi đọc năng lượng cách đây ít lâu, Heyoan đã dẫn tôi qua một trải nghiệm lý giải về sự hiển lộ. Dưới đây là bản chép lại băng ghi âm đó.
Heyoan: “Vậy thì sự hiển lộ là gì? Nó có liên quan đến khả năng cảm nhận những gì đã và đang được hiển lộ. Khả năng này có liên quan đến Đấng nhất thể cũng như tính cá nhân của mỗi người và phạm vi cảm nhận của người đó. Những gì được nhận biết trong phạm vi cảm nhận này là những gì bấy lâu nay bạn xác định là thế giới hiển lộ. Khi tầm nhìn hạn hẹp – mà qua đó bạn cảm nhận sự hiển lộ – mở rộng ra, thế giới hiển lộ mở rộng theo. Chẳng hạn, khi bắt đầu nghe được giọng nói của chúng tôi thì bạn có thể trải nghiệm thế giới hiển lộ nhiều hơn. Thế giới này hiện ra loãng hơn hoặc bớt đặc, nhưng nó vẫn là thế giới hiển lộ. Tính chất loãng xuất hiện chủ yếu là do khả năng cảm nhận những tần số cao hơn của bạn, chứ không phải vì thực tại của những tần số cao hơn có tính chất loãng. Cảm nhận hạn chế này, vốn khiến những thực tại cao hơn có vẻ loãng hơn, cũng cho bạn ấn tượng rằng những tần số cao hơn có vẻ phai mất dần vào thế giới phi hiển lộ. Tuy nhiên mọi chuyện lại không phải là như vậy.”
Barbara: “Vậy cái tôi đang nhìn thấy là toàn bộ phạm vi cảm nhận trong cái chúng tôi gọi là thế giới hiển lộ. Theo cách gọi của ông, thế giới hiển lộ chỉ đơn thuần là một tập hợp những cảm nhận. Khi phạm vi này trở nên lớn hơn và rộng hơn, hoặc (dựa trên phép loại suy), góc nhìn càng tăng, hay trải nghiệm của chúng tôi càng được mở rộng ra, thì chúng tôi càng có khả năng cảm nhận nhiều hơn cái mà chúng tôi gọi là thế giới phi hiển lộ... Chà, nó hoạt động theo cả hai chiều, thế nên khi một người mở rộng xuống các rung động thấp hơn, điều tương tự cũng đúng.”
Heyoan: “Vì lý do này hoặc lý do khác, con người đã quan niệm hoặc mô tả những rung động thấp hơn là tiêu cực, là đen tối, là những hình thái khó chịu. Đó là một cách để mở rộng phạm vi nhận thức, mặc dù nó chỉ là dựa trên bản chất nhị nguyên của con người và cơ chế nhận thức của anh ta. Nó là một phần của hệ thống cảm nhận mang quan niệm rằng những rung động thấp hơn là tiêu cực.”
Barbara: “Vậy còn toàn bộ quy mô tiến hóa bấy lâu nay của nhân loại thì sao?”
Heyoan: “Về mặt tiến hóa, chúng tôi sẽ chỉ nói đơn giản về khả năng mở rộng phạm vi nhận thức. Có thể nói rằng thực tại đặc cứng nằm trong phần rộng nhất của đường cong nhận thức hình chuông. Con người có khuynh hướng không tin vào nhận thức của mình khi chúng vượt ra ngoài một độ lệch chuẩn, hoặc vượt quá phần tối đa của đường cong hình chuông. Khi nhân loại tiến hóa, đường cong nhận thức hình chuông trở nên ngày càng rộng thêm (xem Hình 20-1). Có thể xem đường cong nhận thức hình chuông là đường cong minh họa cho những giới hạn của tâm trí con người tại thời điểm này của quá trình tiến hóa. Chúng tôi cố gắng khiến cho toàn bộ dải nhận thức của tâm trí con người hoạt động ở đỉnh của đường cong hình chuông trên khắp các tần số nhận thức, sao cho thực tại mở rộng trở nên đặc cứng như chiếc máy ghi âm mà bạn đang cầm. Đường cong nhận thức hình chuông rồi sẽ mở rộng lên đến đỉnh cho đến khi thành một đường thẳng. Khi đó, cái toàn thể được đạt đến, thế giới hiển lộ và thế giới phi hiển lộ trở thành một.
Nói cách khác: Khi bạn mở rộng nón nhận thức của mình, thế giới này ngày càng hiển lộ nhiều hơn đối với bạn và rồi bạn sẽ xem đó là một phần của thế giới hiển lộ. Bởi vậy, nếu bạn tiếp tục mở rộng nhận thức qua quá trình tiến hóa cá nhân, vũ trụ sẽ ngày càng hiển lộ nhiều hơn đối với bạn và bạn đạt tới tính nhất thể của vũ trụ. Nói theo một cách nào đó, bạn đang trở về nhà.
Nhờ mở rộng cái thực tại nhận thức được, con người lúc này có thể lựa chọn tần số nào trong vũ trụ hiển lộ để nhận thức và thậm chí là tồn tại ở đó. Đây là một công cụ để nắm bắt trật tự tiềm ẩn. Cũng có thể nói quá trình này là một trò chơi của cuộc sống. Khi trật tự tiềm ẩn và trật tự tường minh trở thành một, nhờ sự mở rộng nhận thức của con người, trạng thái khai sáng được đạt đến.
Có thể làm một phép so sánh như sau: Phấn trắng viết lên bảng trắng cũng giống như thế giới phi hiển lộ. Phấn trắng viết lên bảng đen giống như thế giới phi hiển lộ lần đầu tiên xâm nhập vào thế giới nhị nguyên. Một tấm bảng màu kem với phấn nhiều màu giống như vũ trụ đa chiều. Có thể xem đây là những bước trong quá trình tiến hóa nhận thức của nhân loại, hoặc của con người thật của bạn, hoặc của Thượng đế bên trong bạn. Do đó, khi chúng ta đạt đến những chiều kích lớn hơn của thực tại, những màu sắc này trở nên riêng biệt và nhiều chiều hơn, như trong những màu sắc đa chiều chứa đựng lẫn nhau.
Đây chính là trọng tâm của cuộc thảo luận này: dạy con người một khả năng nhận thức mới (Tri giác Cao cấp). Năng lực nội sát cho bạn quyền lựa chọn điểm nhìn, ở độ lớn nào và trong dải tần số nào. Bạn muốn nhìn vào sự hiển lộ vật lý, hay cái mà bạn gọi là thực tại vật lý? Hay bạn muốn nhìn vào tầng dĩ thái thấp hơn, hay tầng cảm xúc, hay nhìn lên tầng dĩ thái cao hơn, hay thậm chí tầng thứ chín hoặc tầng thứ tám của hào quang? Bạn có thể chọn đặt nhận thức của mình vào đâu. Bạn cũng quyết định độ phân giải. Bạn chọn nhìn vào một sinh vật nhỏ xíu hay bạn chọn nhìn vào sinh vật to lớn? Thượng đế hiển lộ chọn chỉ hiển lộ qua nhận thức, tức là, chọn phần nào trong bộ mặt của bóng tối để hiển lộ qua nhận thức. Có những sinh thể tồn tại giữa các bạn nhưng không thể nhìn thấy các bạn và các bạn cũng không thể nhìn thấy họ. Họ đã lựa chọn sống trong một phạm vi nhận thức khác. Bạn có hiểu điều tôi nói không?”
Barbara: “Không, tôi bắt đầu thấm mệt rồi. Cuộc trò chuyện này đi sâu quá.”
Heyoan: “Đó là bởi chúng tôi lại đang nhồi thông tin này vào nhận thức hạn hẹp của bạn. Hãy để cho nhận thức của bạn mở rộng khi chúng tôi dẫn bạn vào cõi giới khác của ánh sáng. Khi bạn bước vào căn phòng này, hãy nhìn ánh sáng tỏa chiếu, cảm nhận niềm vui…”
Từ đây, tôi đã được dẫn vào những cõi giới dường như ngày càng cao hơn. Cõi giới sau tráng lệ hơn cõi giới trước. Các cõi giới ngày càng khó nhận thức hơn, loãng hơn và không còn hình thái. Vị thầy Heyoan dẫn tôi đi.
Chúng tôi đi đến mức cao nhất mà tôi có thể nhận thức, lúc này Heyoan nói: “Và giờ chúng ta đang đứng trước cánh cửa của Nơi Chí Thánh, nơi mà mọi con người đều khao khát bước vào.”
Tôi có thể nhìn thấy những kiếp sống trước của mình trôi bên dưới như mùi hương phảng phất của cây hoa nhài trong bầu không khí về đêm. Tôi có thể cảm nhận được một lực kéo thôi thúc nhìn lại vào thực tại. Mỗi lần, lực kéo đó đều giống như một cú rơi. Tôi có gắng duy trì cảm giác hiện hữu, vượt ra ngoài Barbara, vượt ra ngoài thời gian, vượt ra ngoài các kiếp sống…
Tôi cố gắng đi qua cánh cửa của Nơi Chí Thánh.
Heyoan: “Điều quan trọng không phải là tìm cách đi qua; điều quan trọng là cho phép mình được ở nơi mà bản thân vốn dĩ đã ở đó rồi. Nơi đây vô cùng rộng lớn. Nó là một trạng thái hiện hữu vượt ngoài thời gian và không gian. Không cần vội vàng. Đây là những gì mà linh hồn đang mong cầu.”
Thế rồi, tôi thấy mình bước qua một cánh cửa nằm giữa hai chân của tượng Nhân sư khổng lồ. Đằng trước tôi là Heyoan ngồi trên ngai vàng.
Heyoan: “Bạn thân mến của tôi, khi bạn nói về chữa lành, hãy biết rằng chữa lành là mở những cánh cửa của nhận thức, nhờ đó mà con người có thể đi vào Nơi Chí Thánh và trở thành một với Đấng sáng tạo. Chữa lành chính là như vậy, không hơn, không kém. Nó là một quá trình từng bước theo chiều hướng đó. Sự khai sáng là mục tiêu; sự chữa lành chỉ là kết quả theo kèm. Thế nên, mỗi khi một linh hồn nào đó tìm đến bạn để được chữa lành, hãy hiểu rõ trong thâm tâm rằng đó là những gì linh hồn này đang mong cầu.
Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ai đó tìm đến bạn để được giúp đỡ hay chữa lành, lời nói của họ xuất phát từ ngưỡng cửa nhận thức của họ. Ngưỡng cửa đó có thể hẹp, có thể rộng. Một ngón chân nhức, một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, hoặc một sự tìm kiếm chân lý,… những điều được mong cầu đều xuất phát từ ngưỡng cửa nhận thức, nhưng thứ cần được trao đi chỉ đơn giản thế này: Nó là câu trả lời cho khao khát mãnh liệt của linh hồn. Linh hồn đang nói: ‘Hãy giúp tôi tìm đường trở về nhà. Giúp tôi tìm đường vào Nơi Chí Thánh, vào chốn yên bình miên viễn, vào Ngọn gió thầm thì chân lý qua hàng thiên niên kỷ’.”
Tại thời điểm này trong quá trình thiền, tôi rùng mình và òa khóc trong hạnh phúc. Heyoan đã thường xuyên nói với tôi rằng ý nghĩa của Heyoan là “Ngọn gió thầm thì chân lý qua hàng thiên niên kỷ”. Giờ thì tôi đã hiểu. Thông qua thiền, Heyoan đã dẫn tôi đến chỗ hiểu rằng tôi và Heyoan là một. Tôi có thể trải nghiệm điều này trong từng tế bào cơ thể của mình, rằng tôi là Chân lý thì thầm qua hàng thiên niên kỷ.
Heyoan tiếp tục: “Và giờ tôi ngồi ở đây, Heyoan, vương miện đá quý, mỗi sinh mệnh là một chân lý, một chân lý đã được biết đến. Thế nên tôi tồn tại ở đây, vẫn luôn tồn tại và sẽ luôn tồn tại; vượt ngoài không gian và thời gian, vượt ngoài sự hỗn độn; hiển lộ mà không hiển lộ; được biết đến mà không được biết đến. Và bạn cũng ngồi ở đây, tất cả các bạn. Chỉ là bạn khao khát biết được điều này, từ nơi bạn đang đứng trong nhận thức giới hạn của mình.”
Điểm lại Chương 20
1. Giải thích khái niệm phạm vi nhận thức.
Suy ngẫm
2. Dựa trên mô tả của Heyoan về thực tại ở chương này, hãy phân tích mối quan hệ giữa bức tường sợ hãi nội tại được mô tả ở Chương 14, bức màn ngăn cách giữa con người mà bạn nghĩ đó là mình, và con người thực của bạn; bức màn ngăn cách giữa thế giới tâm linh và thế giới vật chất; và bức màn ngăn cách giữa sự sống và cái chết.
3. Cái chết là gì?
4. Từ phát biểu cuối cùng của Heyoan, mối quan hệ giữa vị thầy chỉ dẫn và bạn là gì? Điều đó có gì khác với bản thể bậc cao với bạn? Tia lửa thiêng liêng của bạn?