“Bạn là ai?”
Tôi biết đối với một số người thì đây là một câu hỏi khiếm nhã, thậm chí có thể gây khó chịu. Nếu tôi hỏi bạn câu này khi đang ngồi uống bia cùng bạn ở quán bar, có lẽ bạn sẽ đứng lên và bỏ đi. Nhưng nếu bạn biết tôi chỉ là một nhà tâm lý học đang muốn mở mang kiến thức, tôi đoán bạn có thể liệt kê ngay một loạt các đặc điểm tính cách để miêu tả bản thân bạn. Có thể bạn sẽ tự hào nói “Tôi là một người hướng ngoại” hoặc “Tôi là người nuôi dưỡng”, “Tôi là người hay lo lắng” hoặc “Tôi thuộc nhóm năm người ít ái kỷ nhất trên hành tinh này”. Mỗi chúng ta đều có nhận thức về những nét tính cách cơ bản định hình chính mình.
Tiếp theo, nếu tôi hỏi tại sao bạn trở thành một người như thế, có thể bạn cũng có sẵn một vài câu trả lời. Bạn có thể sẽ đáp “Bởi vì tôi đến từ bờ biển phía Tây”, “Vì tôi là con cả trong nhà”, “Vì cha tôi là một người nghiện rượu” hoặc “Vì khi tôi còn học trung học thì cuộc Đại suy thoái1 xảy ra”. Bạn có lý do hợp lý để đưa ra những lý giải như vậy. Rõ ràng là những yếu tố khách quan như hoàn cảnh gia đình, văn hóa cộng đồng nơi bạn lớn lên, môi trường chính trị nơi bạn sinh sống… đã định hình cuộc đời bạn và cách bạn hành xử. Và thế là bạn nghĩ mọi chuyện đã được sắp đặt như vậy rồi. Bạn là bạn như hiện tại vì bản chất vốn có của bạn đã kết hợp với các tác động đến từ bên ngoài, những yếu tố đã luôn ảnh hưởng đến cuộc đời bạn. Chuyện này đâu có gì phức tạp đúng không? Bạn đã có hàng năm trời để tìm hiểu bản thân cặn kẽ đến mức giờ đây hẳn bạn đã có một bức tranh tự họa về các đặc điểm tính cách của mình rồi. Bạn nghĩ vậy phải không?
1 Cuộc suy thoái kinh tế và suy giảm tốc độ phát triển kinh tế xảy ra đồng thời ở nhiều nước trên toàn thế giới vào năm 2009.
Nếu bạn thật sự nghĩ như vậy thì hãy chuẩn bị tinh thần, vì hành trình khám phá bản thân của bạn chỉ mới bắt đầu!
Bạn thấy đấy, yếu tố di truyền và kinh nghiệm không phải là tất cả. Còn có một yếu tố thứ ba cũng góp phần định hình tính cách của bạn. Khi nói đến yếu tố thứ ba này, chúng ta thường nhận định ngược về nó; chúng ta thường cho rằng bạn là ai sẽ lý giải bạn làm gì, nhưng thật ra điều ngược lại mới đúng: những việc bạn làm sẽ xác định bạn là ai. Đây chính là quan điểm mà tôi sắp trình bày. Quan điểm này là một cách nhìn mới về tính cách mà tôi đã dành gần nửa thế kỷ để nghiên cứu và tìm hiểu.
Cuộc sống và tính đặc trưng của bạn không chỉ được hình thành từ những đặc điểm bẩm sinh và hoàn cảnh sống, mà chúng được sinh ra từ những khát vọng và cam kết, từ những ước mơ và mọi hoạt động hằng ngày của bạn. Nói ngắn gọn, những hoạt động định hình tính cách này là các công trình cá nhân của bạn. Phạm vi của các công trình cá nhân này có thể trải dài từ những mục tiêu có vẻ rất bình thường mà bạn đặt ra cho những ngày thứ Năm nào đó, cho đến sứ mệnh vĩ đại như hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Chúng bao gồm những nỗ lực lớn và nhỏ từ trong đời sống cá nhân cho tới sự nghiệp, từ đời thường cho tới hiện sinh. Chúng có thể là “đi đổ rác” và cũng có thể là “loại bỏ đối thủ chính trị”. Dù tốt hay xấu thì các công trình cá nhân này đều được định hình một phần bởi các đặc điểm sinh học và bối cảnh xã hội của chúng ta. Tuy nhiên, chúng không bị giới hạn trong những phạm vi đó. Lý do là bởi khác với vấn đề “bẩm sinh” (đặc điểm sinh học) và “nuôi dưỡng” (hoàn cảnh sống), các công trình cá nhân là một điểm đặc trưng tự hình thành từ bên trong chúng ta chứ không phải là thứ được trao cho chúng ta thông qua con đường di truyền hoặc xã hội.
Hẳn bạn đang tự hỏi những hoạt động của bạn có thể thật sự ảnh hưởng thế nào đến những thứ có vẻ ổn định như tính cách và nhận thức của bạn về bản thân. Câu trả lời là có lẽ sức ảnh hưởng đó lớn hơn những gì bạn hình dung. Các công trình cá nhân không chỉ có vai trò mấu chốt trong việc bạn nghĩ mình là ai, mà còn cho thấy bạn đang sống như thế nào - bạn đang thành công rực rỡ hay đang bế tắc trong khó khăn, hay giống với đa số chúng ta, bạn chỉ đang cố gắng hết sức để vượt qua từng ngày. Tóm lại, công trình cá nhân là chìa khóa khai mở các triển vọng của bạn. Khi hiểu được các công trình cá nhân và tác động của chúng, bạn sẽ học được cách lèo lái cuộc đời mình theo hướng mà bạn mong muốn.
Trong quyển sách này, chúng ta sẽ cùng xem xét tỉ mỉ tính cách của bạn bằng cách nhìn lại những gì bạn đã trải qua, cuộc đời bạn hiện đang như thế nào và tương lai nó có thể ra sao. Đây chính là lúc các công trình cá nhân của bạn phát huy rõ tác dụng, vì một khi xác định rõ các công trình cá nhân và sức mạnh của chúng, bạn cũng sẽ thấy được mức độ tự do hoặc không gian hành động mà bạn có thể sử dụng trong lúc xác định lộ trình riêng cho mình. Công trình cá nhân của tôi khi viết quyển sách này là giúp bạn hiểu và định hướng được cuộc đời mình trước khi bọn trẻ lấm lem, lũ mèo rụng lông hoặc những người bạn cần tâm sự khiến bạn phân tâm khỏi bản thiết kế phiên bản tương lai của mình.
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách kể lại câu chuyện đã đưa tôi đến với con đường nghiên cứu tính cách con người và hy vọng bạn sẽ tìm thấy mối gắn kết nào đó với câu chuyện của bạn. Đó là một buổi chiều tháng Chín oi bức bất thường của năm 1965, khi tôi dè dặt gõ cửa văn phòng của Giáo sư Theodore R. Sarbin, một học giả lỗi lạc trong ngành tâm lý học đang làm việc tại Đại học California, Berkeley. Khi ấy, tôi là một nghiên cứu sinh năm thứ hai đang háo hức muốn được tham gia nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sarbin. Cánh cửa văn phòng bật mở, một giọng nói to và rõ vang lên: “ANH LÀ AI?”. Từ giọng nói sang sảng và cách âm “i” trong từ “ai” được kéo dài, tôi đoán Giáo sư Sarbin không chỉ muốn biết tên tôi. Ông ấy muốn tôi khẳng định những yếu tố đặc trưng tạo nên con người tôi đây mà! Ông ấy cũng muốn biết tôi đang đảm nhiệm vai trò gì, đang thể hiện nét tính cách nào ngay tại thời điểm đó. Vì vậy, tôi đáp lại với giọng hài hước pha chút tự giễu: “Tôi là người đi tìm sự thật”. Nghe vậy, Sarbin trợn mắt ngán ngẩm rồi cười khẩy và nói: “Ôi trời, lại nữa rồi”.
Nếu tôi đáp lại câu hỏi của Sarbin một cách thành thật hơn thì đó sẽ là một câu trả lời có vẻ kém ấn tượng nhưng bù lại sẽ thú vị và có nhiều điều để tìm hiểu hơn. Lẽ ra tôi có thể mô tả những đặc điểm tính cách mà từ nhỏ tôi đã biết thuộc về mình như hướng nội, hiếu kỳ và hòa nhã. Lẽ ra tôi có thể miêu tả các vai trò của mình trong mối tương quan với người khác và với thế giới này, chẳng hạn như một sinh viên ngành tâm lý học, một tay chơi piano nghiệp dư và một người ủng hộ Kennedy vẫn còn đau lòng mỗi khi nhớ tới vụ ám sát năm nào. Nhưng tôi không thể trình bày hết những thông tin đó khi đang đứng trước cửa phòng giáo sư được. Hơn nữa, ngay cả những miêu tả đó cũng chưa đủ để vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh và chính xác về tôi. Lý do là bởi vào đúng giai đoạn đó, tôi đang trải qua một quá trình thay đổi triệt để được thúc đẩy bởi những sự kiện lạ thường mà tôi sắp kể cho bạn nghe.
Nhưng trước hết, hãy để tôi phác họa vài nét về bối cảnh lúc bấy giờ. Ngành tâm lý học vào thời điểm đó vẫn đang loay hoay tìm hiểu xem tác động sinh học hay tác động xã hội có ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình tính cách con người. Thời đó, chúng tôi gọi đây là cuộc tranh luận về yếu tố “bẩm sinh” (sinh học) và “nuôi dưỡng” (xã hội).
Lẽ ra tôi đã có thể trả lời rằng “Về bản chất, tôi là bộ não của mình, thưa Giáo sư Sarbin” và xếp mình chung nhóm với những người tin vào yếu tố tự nhiên, hay tin vào thuyết sinh học quyết định hành vi con người. Thực tế là tôi đã chọn Berkeley vì ở đây tôi có nhiều cơ hội để nghiên cứu các nền tảng sinh học của hành vi. Trước đó, tôi từng là trợ lý nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm tâm lý thần kinh, và khi nộp đơn vào chương trình sau đại học, tôi đã tin rằng đặc điểm tính cách của con người được định hình chủ yếu bởi gien di truyền và yếu tố tâm lý học thần kinh - tôi gọi chúng là các tác động sinh học. Tôi tin nghiên cứu về não bộ chính là cách hiệu quả nhất để chúng ta hiểu mình thật sự là ai.
Hoặc lẽ ra tôi có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với trường phái nuôi dưỡng. Tôi từng là một đứa trẻ thấp bé và gầy gò đến từ bờ Tây Canada, được nuôi nấng trong một môi trường mang tính nuôi dưỡng kỳ lạ bởi một người cha Ireland kỳ quặc cùng một bà mẹ người Anh chăm con hết mực. Những ảnh hưởng đến từ hoàn cảnh sống này phù hợp với quan điểm của Sarbin về các yếu tố định hình hành vi con người, trong đó ông nhìn nhận mỗi người đều là sản phẩm của xã hội và nền văn hóa nơi người đó được trao cho các nguyên tắc, vai trò và kịch bản đời mình.
Cũng vào thời điểm đó, cuộc tranh luận về yếu tố bẩm sinh và nuôi dưỡng đang dần rẽ sang một bước ngoặt mới. Một nhóm nghiên cứu liên ngành gồm các nhà tâm lý học và giải phẫu học tại Berkeley đã chứng minh họ có thể trực tiếp thay đổi cấu trúc não và phản ứng sinh hóa của động vật gặm nhấm bằng cách làm cho môi trường sống của chúng trở nên phong phú hơn. Theo nghiên cứu của họ, những cá thể được nuôi trong môi trường có sự tương tác với đồng loại và những món đồ phức tạp để khám phá (tức là có “bạn bè và đồ chơi”, theo cách nói của các nhà nghiên cứu) thật sự có bộ não nặng hơn và mạch thần kinh tinh vi hơn. Đây là một phát hiện chấn động và gây tranh cãi, ẩn chứa nhiều tiềm năng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Đúng vậy, ảnh hưởng sinh học là yếu tố không thể bỏ qua trong quá trình tìm hiểu đầy đủ về hành vi con người, nhưng ảnh hưởng này không cố định hay bất biến mà hoàn toàn có thể thay đổi.
Tất nhiên, giờ đây ngành tâm lý học đã tiến rất xa khỏi cuộc tranh luận bẩm sinh - nuôi dưỡng diễn ra vào thời sinh viên của tôi. Giờ đây, chúng ta biết những ảnh hưởng sinh học và xã hội đan xen vào nhau. Chúng ta có thể nuôi dưỡng những đặc điểm bẩm sinh của mình - suy cho cùng thì đó là bài học mà chúng ta đã rút ra được từ loài gặm nhấm nhỏ bé cùng với bạn bè và những món đồ chơi của chúng trong thí nghiệm ở Berkeley.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, dù chúng ta trả lời câu hỏi “Bạn là ai?” theo cách nào trong những cách nói trên thì cũng không thể hiện đầy đủ bản chất thật sự của chúng ta. Kể từ lần gõ cửa định mệnh trước văn phòng của Giáo sư Sarbin, tôi đã luôn tìm hiểu về quá trình theo đuổi các mục tiêu cá nhân, hay theo cách gọi của tôi là các công trình cá nhân, và thấy rằng chúng không chỉ có vai trò ngang với yếu tố sinh học và yếu tố xã hội trong việc lý giải chúng ta là ai, mà còn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận hai yếu tố này. Các công trình này còn là nguồn động lực mạnh đến mức có thể thúc đẩy chúng ta thực hiện những hành động không hề giống với tính cách thường ngày của mình, như thể chúng đã định hình lại toàn bộ tính cách của chúng ta vậy. Bản thân tôi đã trải nghiệm chuyện này.
Như tôi đã đề cập ở trên, khi bước vào văn phòng của Giáo sư Sarbin, tôi đang trải qua một quá trình thay đổi bản thân cực kỳ quan trọng. Tôi đã đến Berkeley một năm trước đó, tức là vào tháng Chín năm 1964, ngay trong tuần mà Phong trào tự do ngôn luận (Free Speech Movement - FSM) bắt đầu diễn ra trong khuôn viên trường đại học. Ban quản lý trường đại học khi đó vừa ra lệnh cấm kê bàn tại các khu vực đang được sinh viên sử dụng để tuyển tình nguyện viên tham gia các cuộc vận động chống phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Lệnh cấm này đã kích động nhiều cuộc biểu tình, các buổi tọa kháng và kêu gọi của sinh viên. Những người biểu tình cho rằng ngôi trường đồ sộ và danh tiếng này, nơi tự hào là trường đại học có nhiều cơ sở và trung tâm nghiên cứu, đang lệ thuộc vào những học giả đoạt giải Nobel và các hợp đồng công nghiệp chứ hầu như không quan tâm đến sinh viên đang theo học tại trường.
Phong trào tự do ngôn luận này đã thu hút sự chú ý của tôi và ảnh hưởng của nó rất rõ ràng. Đó là một lời kêu gọi hành động - kêu gọi tham gia vào các hoạt động có tác động sâu sắc đến cá nhân người tham gia, thậm chí mang tính chất định hình bản thân. Gã sinh viên tâm lý học hướng nội trong tôi, người có khuynh hướng ngợi ca hơn là khởi xướng một phong trào nào đó, bỗng nhiên lại cảm thấy được thôi thúc phải lên tiếng chống lại sự bất công. Đây là chuyện hoàn toàn mới mẻ và làm lung lay tận gốc rễ nhận thức của tôi về bản sắc con người mình. Hơn nữa, sự thay đổi đó đã thúc đẩy tôi không chỉ suy nghĩ và cảm nhận những điều mới, mà còn hành động theo những cách mới. Mục tiêu mà tôi chọn theo đuổi khi ấy đã âm thầm định hình lại con người tôi. Tôi bắt đầu cam kết với những hoạt động có ý nghĩa và tác động đến con người mà tôi đang trở thành.
Điều này đưa chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu, cũng là câu hỏi mà Giáo sư Sarbin đã làm tôi giật mình vào ngày hè oi ả khi tôi gõ cửa văn phòng của ông: “Bạn là ai?”. Thật quá hạn hẹp nếu bạn chỉ đơn giản định nghĩa bản thân như một sản phẩm của các tác động sinh học và ảnh hưởng xã hội. Tôi muốn thuyết phục bạn rằng con người bạn còn được định hình bởi các công trình cá nhân bắt nguồn từ cả nền tảng sinh học lẫn văn hóa và như tôi sẽ chứng minh trong quyển sách này, bạn còn có thể biến đổi cả hai nền tảng ấy. Những công trình như vậy có thể khiến bạn mở rộng giới hạn bản thân theo các chiều hướng mới và làm cho cuộc đời mình thêm ý nghĩa. Cách nhìn nhận bản thân này sẽ giúp bạn tự hỏi: “Thật sự thì mình là ai?”. Và khi đã được trang bị kiến thức để tự hiểu mình, bạn có thể biết mình đang sống như thế nào và bắt đầu chủ động định hướng tương lai của mình.
"Hiểu bản thân chính là khởi đầu của mọi sự hiểu biết."
- ARISTOTLE