Dạo này bạn thế nào? Bạn có hạnh phúc không? Bạn có đang hoàn thành những việc có ý nghĩa với mình không? Bạn có đang sống đúng với tiềm năng của mình không? Bạn có đang yêu và được yêu không? Sức khỏe của bạn tốt chứ? Cuộc sống của bạn có tiếng cười hay không? Nếu bạn trả lời “Có” cho tất cả những câu hỏi như trên, có thể nói rằng bạn đang trên đà phát triển rực rỡ. Còn nếu bạn gằn giọng đáp lại với một câu trả lời “Không!” hoặc thậm chí là trợn mắt ngán ngẩm “Ôi trời, hỏi câu gì thực tế chút đi”, có thể bạn đang gặp vướng mắc trong cuộc sống. Hoặc có thể bạn đang ở đâu đó giữa hai thái cực này và đang cố gắng xoay xở để ổn định cuộc sống.
Các đặc điểm sinh học có ảnh hưởng sâu sắc đến việc bạn phát triển rực rỡ hay gặp nhiều khó khăn. Bạn có thể thiên về cái nhìn tích cực và lạc quan đối với cuộc sống của mình, dù thực tế khách quan mà bạn đang đối mặt có thể khá ảm đạm. Hoặc mặc dù đang sống trong một môi trường tương đối an toàn và thuận lợi, bạn có thể vẫn thấy đời mình trống rỗng hoặc khốn khổ đến cùng cực. Các tác động nội tại và ngoại tại đang giúp bạn giải đáp vấn đề “Bạn là ai?” cũng là yếu tố then chốt để trả lời câu hỏi “Bạn đang sống như thế nào?”. Mối quan hệ giữa tác động sinh học và tác động xã hội có thể được thể hiện đơn giản theo sơ đồ sau:
Nói cách khác, việc bạn phát triển hay loay hoay một chỗ được xác định một phần bởi tổ hợp các yếu tố sinh học và xã hội tác động đến bạn xuyên suốt cuộc đời. Đây không phải là những yếu tố tác động duy nhất, nhưng chúng ta cần hiểu cách hoạt động của các yếu tố này trước khi tìm hiểu về cách các công trình cá nhân giúp bạn có sức mạnh để tự do định hình con người cũng như chất lượng cuộc sống của mình. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách điểm qua các nguồn lực nội tại và các ảnh hưởng xã hội đang góp phần định hình tính cách của bạn.
Quan sát thế giới nội tại
Hãy tưởng tượng có một chiếc kính hiển vi được đặt dưới da của bạn và phóng to các hình ảnh mà nó bắt được đến mức bạn có thể thấy các mô, bào quan, nhân tế bào, nhiễm sắc thể và gien của mình. Chiếc kính này nhanh chóng di chuyển đến não của bạn và tập trung vào một tế bào thần kinh đang bắn ra chất dẫn truyền thần kinh đồng thời nhắm vào quá trình hoạt động sôi nổi giữa các tế bào liên quan. Sau đó, lăng kính mở rộng ra để tập trung vào cơ thể vật lý đang đọc quyển sách này và băn khoăn tự hỏi nó là ai và đang hoạt động như thế nào. “Nó” ở đây chính là con người sinh học của bạn.
Trong lĩnh vực tâm lý học tính cách, những nghiên cứu về khía cạnh sinh học giúp tìm hiểu xem những đặc điểm tính cách tương đối ổn định của một người có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của người đó. Các đặc điểm ổn định này tương ứng với những điểm khác biệt trong cấu trúc và chức năng của não - những sự kiện vi mô mà chúng ta vừa thấy qua lăng kính phóng đại của chiếc kính hiển vi bên trong bạn. Chúng ta có thể đánh giá những đặc điểm sinh học này bằng cách đo hoạt động điện sinh học trong các vùng não khác nhau, xem xét các mô thức hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh, hoặc phân tích bộ gien cá nhân - một phương án mà ngày nay có thể được thực hiện với giá khoảng hai trăm đô-la. Trong tác phẩm My Beautiful Genome (tạm dịch: Bộ gien tuyệt đẹp của tôi), cây bút người Đan Mạch chuyên viết về chủ đề khoa học Lone Frank đã kể lại câu chuyện hấp dẫn về hành trình khám phá bộ gien cá nhân và mối liên hệ của bộ gien với sức khỏe cũng như tính cách của bà. Frank phát hiện mình có một biến thể gien khiến bà có khuynh hướng phản ứng với các cảm xúc tiêu cực và có “thang điểm thấp thảm hại về tính dễ chịu”.
Một số đặc điểm tính cách có nguồn gốc sinh học có thể hướng bạn đến với cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh, thành đạt, hoặc ngược lại, chúng sẽ lý giải tại sao bạn suy sụp khi gặp trở ngại trong cuộc đời. Giả sử cuộc sống hiện tại của bạn đang rất tốt đẹp: bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công - so với cô bạn hay rầu rĩ nhà bên, hoặc thật sự tốt đẹp theo đúng nghĩa của từ này. Chuyện này có thể là vì bạn sở hữu những đặc điểm sinh học về tính khí và tính cách giúp bạn dễ có thái độ lạc quan. Ngay cả khi cuộc sống mang đến vô vàn trở ngại, các khuynh hướng ổn định cũng có thể giúp bạn kiên cường và vững vàng đối mặt. Bạn tiếp tục phát triển và thành công vượt trội. Thật ra, bạn có thể mắc chứng pronoia, một chứng hoang tưởng khiến bạn tin rằng người khác đang suy tính cho hạnh phúc của bạn hoặc nói những điều tốt đẹp về bạn khi bạn vắng mặt. Còn về cô hàng xóm nhà bên, có thể những đặc điểm ổn định của cô ấy không hề có lợi cho việc phát triển vượt trội. Cô ấy nóng tính, ngang ngạnh, bất mãn với đủ thứ chuyện trên đời và theo lời của mẹ cô ấy thì cô ấy đã như vậy từ khi mới sinh ra. Cô ấy được cho là có khuynh hướng tính khí tồi tệ. Cô ấy bế tắc giữa những trở ngại trong cuộc sống.
Con người nguyên bản của bạn
Bạn có biết chúng ta không thể liếm cùi chỏ của mình không? Và nghe có vẻ lạ nhưng bạn có biết bất kể bạn phản ứng như thế nào sau khi nghe câu hỏi đó, cách phản ứng đó cũng có thể gợi ý về những đặc điểm ổn định bẩm sinh và những đặc điểm giúp tạo thành nền tảng tính cách của bạn không?
Hãy để tôi giải thích: mặc dù có hàng ngàn cách khác nhau để phân biệt con người dựa vào các đặc điểm của họ, các nhà tâm lý học tính cách đã nhất trí rằng con người khác nhau ở năm phương diện cơ bản mà họ gọi là Năm nhóm tính cách lớn. Năm nhóm tính cách này có tác động sâu sắc đến cuộc đời mỗi người. Nếu muốn biết mình có đặc điểm của nhóm tính cách nào, bạn có thể tự đánh giá theo hướng dẫn ở phần Phụ lục của quyển sách này.
Năm nhóm tính cách này gồm có:
• Cởi mở đón nhận trải nghiệm (đối lập với Bảo thủ)
• Tận tâm (đối lập với Hời hợt)
• Hướng ngoại (đối lập với Hướng nội)
• Dễ chịu (đối lập với Khó chịu)
• Nhạy cảm thái quá (đối lập với Ổn định)
Mỗi đặc điểm trong các nhóm này đều có một nền tảng sinh học vững chắc, và hiện nay, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh tính cách đang xác định những cấu trúc cũng như đường dẫn truyền thần kinh tạo ra các đặc điểm này. Bởi vì các nhóm đặc điểm này xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, nền văn hóa và nhóm ngôn ngữ, chúng có thể được coi là những nhóm tính cách phổ quát. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có nghĩa là mọi người đều giống nhau, mà ngược lại, nó cho thấy dù ở đâu thì con người đều có thể được phân biệt với nhau trên các phương diện này. Bên cạnh đó, giữa năm nhóm đặc điểm này không có một ranh giới cố định nào; mỗi cá nhân đều sở hữu cả năm đặc điểm ở một mức độ nào đó và hiếm ai nghiêng hẳn về một thái cực.
Tiếp theo, hãy cùng lướt qua từng nhóm đặc điểm.
Cởi mở đón nhận trải nghiệm
Người có mức độ cởi mở cao với trải nghiệm dễ bị thu hút bởi những chuyến phiêu lưu mới và sốt sắng khám phá nhiều phương pháp khác nhau. Những người có mức độ cởi mở thấp hơn thì thích những cách thức đã được chứng minh là hiệu quả, và khác với những người bạn cởi mở hơn của mình, họ vô cùng thoải mái khi nói “cách này đã được kiểm chứng”. Một nghiên cứu đáng chú ý tại Viện Nghiên cứu và Đánh giá Tính cách tại Berkeley (nay là Viện Nghiên cứu Tính cách và Xã hội) cho thấy sự cởi mở đón nhận trải nghiệm là đặc điểm nổi bật của những người đặc biệt sáng tạo. Theo một nghiên cứu thú vị của một trong những người phát triển mô hình Năm nhóm yếu tố tính cách lớn, những người thuộc nhóm cởi mở thường “nổi da gà” - tức là lông trên người họ dựng đứng - khi nghe một bản nhạc hoặc tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật khiến họ rung động.
Vậy bạn có thử liếm cùi chỏ của mình không? Tôi đoán nếu thuộc nhóm hào hứng đón nhận những trải nghiệm mới thì hẳn bạn đã thử liếm rồi. Còn nếu có mức độ cởi mở thấp, bạn có khuynh hướng tiếp tục đọc.
Tận tâm
Những cá nhân có mức độ tận tâm cao thường là những người đặc biệt phù hợp với các định nghĩa truyền thống về thành công. Họ thường đạt thành tích cao hơn trên con đường học vấn cũng như sự nghiệp so với những người có mức độ tận tâm thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là đa số những thành công của người tận tâm sẽ xuất hiện trong các hoạt động hoặc công việc đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề thông thường, trong khi người có tính cởi mở cao có thể xuất sắc trong các lĩnh vực cần đến những giải pháp sáng tạo. Người có mức độ tận tâm cao rất đúng giờ và kiên trì; họ có thể tập trung cao độ vào những hoạt động trước mắt. Tuy nhiên, kiểu tập trung chuyên biệt này có thể chỉ hiệu quả trong một vài lĩnh vực nhất định. Ví dụ, hai người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu tính cách và cơ cấu của các tổ chức Robert và Janice Hogan đã thực hiện một nghiên cứu mà trong đó những nghệ sĩ nhạc jazz được yêu cầu đánh giá khả năng biểu diễn của đồng nghiệp. Kết quả là những nghệ sĩ có mức độ tận tâm cao thường bị đồng nghiệp đánh giá là biểu diễn kém hơn. Có lẽ đó là vì những nghệ sĩ tập trung cao độ vào phần trình diễn của mình thường không thể hiện được tính ngẫu hứng vốn rất quan trọng đối với thể loại nhạc jazz ứng tác.
Người trưởng thành thuộc nhóm tận tâm thường có khuynh hướng tránh xa chất gây nghiện, không tham gia các hoạt động nguy hiểm và rất tuân thủ các chế độ có lợi cho sức khỏe cũng như vóc dáng. Nhờ đó, họ khỏe mạnh và sống thọ hơn những người bạn có mức độ tận tâm kém hơn. Sự khác biệt về mặt sức khỏe là việc đáng lưu ý: thiếu sự tận tâm đã được chứng minh là một yếu tố quan trọng không kém gì bệnh tim trong dự đoán tình trạng chết trẻ, không kém gì bệnh tim. Người có chỉ số tận tâm cao cũng nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các vai trò trong công việc cũng như trong gia đình, nhờ đó lại tăng thêm mức độ tận tâm.
Những người này phản ứng như thế nào khi nghe câu hỏi về việc tự liếm cùi chỏ? Khi tôi yêu cầu mọi người làm việc này theo nhóm, người thuộc nhóm tận tâm thường không thực hiện ngay lúc đó. Tôi nghĩ họ đã ghi nhớ để làm thử ở nhà. Tôi còn cho rằng những người đặc biệt tận tâm hẳn đã lên Google và tìm thông tin về “tự liếm cùi chỏ” để xem đó có thật là việc bất khả thi hay không.
Hướng ngoại
Người hướng ngoại cực kỳ nhạy với những phần thưởng tiềm năng trong môi trường hoạt động của mình. Họ nhanh chóng nhắm tới sự kích thích tích cực mà mình luôn khao khát có được để có thể hoàn thành các công việc và dự án hằng ngày một cách hiệu quả. Đặc điểm này cũng bắt nguồn từ đặc điểm sinh học. Đã có bằng chứng cho thấy so với người hướng nội, người hướng ngoại thường đạt thành tích tốt hơn trong các hoạt động nhận thức có liên quan tới phép đảo chữ hoặc trí nhớ ngắn hạn khi não của họ được khuấy động bởi các chất kích thích hóa học như caffeine. Ngược lại, thành tích của họ sẽ tệ hơn nếu họ hấp thụ những chất có tác dụng xoa dịu thần kinh như các loại đồ uống có cồn.
Sở thích âm nhạc của người hướng ngoại thiên về kiểu âm thanh ồn ào, rộn ràng và tràn đầy năng lượng. Một phần vì nhu cầu được kích thích và cũng bởi sự tập trung vào phần thưởng hơn là hình phạt, người hướng ngoại có khuynh hướng “đụng độ” với những nhân vật hoặc cơ quan có thẩm quyền nhiều hơn, chẳng hạn như họ thường bị cảnh sát giao thông thổi phạt hoặc từng nhiều lần bị cha mẹ, thầy cô phạt cấm túc khi còn nhỏ.
Một trong những tình huống kích thích nhất đối với người hướng ngoại là giao tiếp xã hội và họ rất hào hứng tham gia vào những sự kiện đó. Một trong những hoạt động xã hội kích thích nhất là các hoạt động có liên quan tới tình dục, và thực tế cho thấy người hướng ngoại có tần suất thường xuyên hơn và trải nghiệm tình dục đa dạng hơn so với người hướng nội. Tuy nhiên, người hướng nội vẫn có thể tận hưởng một số hoạt động dù họ không tham gia với tần suất cao như người hướng ngoại, bởi trong nhiều loại hoạt động thì chất lượng được đánh giá cao hơn số lượng. Nói cách khác, người hướng ngoại có khuynh hướng ưu tiên số lượng hơn chất lượng, còn người hướng nội thì ngược lại. Các sinh viên hướng nội của tôi cho biết khuynh hướng này cũng đúng với chất lượng hoạt động tình dục của họ. Tôi ghi nhận nhưng chưa có dữ liệu để xác thực thông tin này.
Còn về chuyện liếm cùi chỏ, tôi hết sức tin rằng những độc giả hướng ngoại sẽ thử liếm cùi chỏ của mình. Có khi họ đã liếm luôn cùi chỏ của người ngồi bên cạnh rồi.
Dễ chịu
Những cá nhân có thang điểm dễ chịu cao thường phát huy đặc biệt hiệu quả năng lực của mình khi làm việc trong các nhóm, nơi họ có thể được tin tưởng giao cho nhiệm vụ xóa bỏ mâu thuẫn và xây dựng mối quan hệ hợp tác. So với người có thang điểm dễ chịu thấp hơn thì họ rất tin người và do đó thường bị người khác coi là ngây thơ. Người thuộc nhóm dễ chịu có khuynh hướng xuất sắc trong các hoạt động hướng về con người, tức là những lĩnh vực đòi hỏi lòng cảm thông, tinh thần vị tha cũng như các cách tương tác thể hiện được lòng nhiệt thành và giàu tính biểu cảm. Nhóm này cũng chú ý đến những tín hiệu đến từ biểu cảm của người khác và điều này góp phần làm tăng khả năng đồng cảm của họ.
Những người có mức độ dễ chịu thấp thường đa nghi và khó tin tưởng người khác. Họ có kiểu tương tác hơi mang tính công kích và chính kiểu tương tác này có thể khiến họ có nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Họ cũng dễ bị căng thẳng vì áp lực thời gian và cực kỳ tham vọng. Ngày nay, người ta đã nhận ra rằng không phải tham vọng thành công mà chính nét tính cách khó chịu cũng như thái độ thù địch mới là tác nhân gây ra các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Vậy mức độ dễ chịu có liên quan như thế nào đến chuyện tự liếm cùi chỏ? Những người thuộc nhóm dễ chịu thì dễ… đồng tình với người khác, do đó, khả năng cao là họ sẽ xuôi theo cuộc chơi. Tuy nhiên, người có mức độ dễ chịu thấp có lẽ sẽ không có ý định tham gia vào chuyện này. Có khi họ đã ngừng đọc quyển sách này và đi ra ngoài để mắng những đứa trẻ ồn ào nhà hàng xóm.
Nhạy cảm thái quá
Cụm từ quá nhạy cảm thường khiến người nghe cảm thấy bị chê bai, và mặc dù được đánh giá cao ở một số nơi (như ở New York chẳng hạn), sự nhạy cảm thái quá thường không được xem như một đặc điểm có lợi. Những người có điểm cao trong thang điểm “nhạy cảm” của Năm nhóm tính cách lớn thường dễ rơi vào trạng thái lo lắng, u uất và dễ tổn thương. Điều này không có nghĩa là họ có bệnh lý trầm cảm hoặc mắc chứng âu lo; họ chỉ đơn giản là có những cảm xúc tiêu cực và thường để những cảm xúc này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu như nhóm hướng ngoại có khuynh hướng tìm kiếm phần thưởng tiềm năng trong môi trường sống của họ, những người thuộc nhóm quá nhạy cảm rất nhạy với các loại hình phạt tiềm ẩn. Không có gì ngạc nhiên khi trong quá trình xác định xem đặc điểm nào trong Năm nhóm tính cách lớn có thể dự đoán tốt nhất về khả năng sống hạnh phúc của một người, chúng tôi phát hiện ra rằng nhóm những người hướng ngoại có tâm lý ổn định thường dễ hạnh phúc nhất và nhóm hướng nội nhạy cảm thái quá là ít có khả năng tận hưởng cuộc sống nhất.
Vậy sự nhạy cảm thái quá này có ưu điểm nào không? Xét theo một số khía cạnh nào đó, những người có thần kinh quá nhạy cảm giống như những chú chim hoàng yến từng được giới thợ mỏ dùng để thăm dò khí độc trong các hầm mỏ thời xưa. Nhóm này có thể phát hiện những thứ mà người ít nhạy cảm hơn không hề nhận ra, chẳng hạn như những thay đổi trong môi trường sống, sự xáo trộn trong thói quen sinh hoạt hằng ngày và các mối nguy hiểm khó lường trước. Sự nhạy cảm thái quá này không giúp mang lại một cuộc sống thoải mái và đơn giản cho người sở hữu nó. Các nhà văn, nghệ sĩ và những người nhìn đời với đôi mắt sắc sảo thường có khuynh hướng quá nhạy cảm. Trong lịch sử tiến hóa của tính cách con người, tôi đoán nhóm hướng ngoại ổn định là những người đầu tiên phát hiện con mồi và tổ tiên của chúng ta đều được hưởng lợi từ những gì họ bắt được. Tuy nhiên, để sinh tồn, chúng ta cũng cần những người hướng nội nhạy cảm có biệt tài phát hiện thú dữ. Chúng ta cũng nên biết ơn họ vì họ giúp tổ tiên chúng ta giảm nguy cơ bị thú dữ phát hiện, săn lùng và ăn thịt.
Nếu thuộc nhóm nhạy cảm thái quá, có lẽ bạn đã trằn trọc vì vấn đề tự liếm cùi chỏ suốt một khoảng thời gian dài và lo lắng rằng mình lại không thể chứng tỏ được khả năng vượt qua các thử thách nhỏ. Nhưng tôi hy vọng dự đoán của tôi là sai. Sự nhạy cảm thường bị đánh giá thấp. Và xét từ góc độ tiến hóa, loài người thật sự nợ bạn rất nhiều.
Vậy ý nghĩa nào ẩn đằng sau việc chúng ta biết mình thuộc nhóm tính cách nào? Đã có bằng chứng cho thấy mỗi đặc điểm trong Năm nhóm tính cách lớn đều có cơ sở di truyền học. Những đặc điểm cơ bản này tạo thành bản tính sinh học, hay bản tính đầu tiên của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bản tính sinh học này cùng với cuộc chơi may rủi của các loại gien di truyền là những yếu tố duy nhất quyết định hướng đi của ta trong đời.
Con người xã hội của bạn
Bây giờ, hãy cùng xem xét con người bạn dưới lăng kính vĩ mô. Hãy tưởng tượng có một ống kính đang mở rộng góc quan sát từ vị trí hiện tại của bạn ra xung quanh. Đầu tiên, chúng ta nhìn thấy hình ảnh bạn đang đọc quyển sách này, rồi đến hình ảnh những người khác trong phòng khách nhà bạn, trên xe lửa hoặc tại quán cà phê nơi bạn đang ngồi. Sau đó, chúng ta tiếp tục mở rộng góc nhìn để thấy được thành phố bạn đang sống, khu vực, quốc gia của bạn và cuối cùng là toàn bộ trái đất. Những hình ảnh này cho thấy mạng lưới phức tạp của các tình huống, môi trường, địa điểm cũng như bối cảnh nơi bạn và những người khác cùng tham gia vào cuộc sống hằng ngày của bạn.
Ống kính tưởng tượng này còn có thêm một tính năng khác, đó là xem xét một lượt thế giới kỹ thuật số, mạng xã hội và không gian ảo của bạn - chẳng hạn như những chiếc email tuần trước, mấy tấm ảnh selfie hôm qua (bao gồm cả những tấm bạn đã xóa) và toàn bộ lịch sử duyệt web của bạn trong ba năm qua (có vẻ hơi đáng sợ rồi). Ngay tại trung tâm của mạng lưới liên kết rộng lớn giữa các hoạt động văn hóa, xã hội và con người này là một sinh vật mà mọi người nhận biết và gọi bằng tên của bạn. Đây chính là con người xã hội bạn.
Những người nghiên cứu vai trò của yếu tố xã hội trong tính cách con người sẽ tìm hiểu các tình huống mà bạn đối mặt trong cuộc sống hằng ngày và bối cảnh nơi chúng xảy ra. Nếu các yếu tố sinh học định hình bản tính thứ nhất của bạn thì các yếu tố xã hội tạo ra bản tính thứ hai. Xét từ góc độ này, việc bạn là ai và đang sống như thế nào không phụ thuộc vào các đặc điểm tính cách ổn định của bạn, mà phụ thuộc vào các tình huống bạn thường xuyên gặp phải trong đời. Nói cách khác, bạn được hun đúc bởi môi trường sống và những cơ hội mà bạn nhận được, những lề thói mà bạn quen thuộc và những kỳ vọng mà người khác muốn bạn đáp ứng. Các nhà tâm lý học ủng hộ quan điểm này mong muốn hiểu được các vai trò mà bạn đang đảm nhiệm trong cuộc sống, mạng lưới các mối quan hệ xã hội của bạn cũng như hệ thống kinh tế và chính trị hiện đang chi phối những việc bạn làm.
Ví dụ, khi nói về bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, có thể bạn sẽ đoán rằng những quốc gia hạnh phúc nhất là nơi rợp bóng cọ, nơi có những dòng sông xanh màu ngọc bích và những ly cocktail được trang trí đẹp mắt. Nhưng theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2017 thì đây mới là những quốc gia hạnh phúc nhất:
• Na Uy
• Đan Mạch
• Iceland
• Thụy Sĩ
• Phần Lan
• Hà Lan
• Canada
Những đất nước này không trồng nhiều cây cọ, mặc dù công bằng mà nói thì hai quốc gia tiếp theo trong danh sách - New Zealand và Australia - thật sự có những con đường rợp bóng cọ. Nhưng điểm chung của tất cả quốc gia hạnh phúc nhất này là một môi trường sống tương đối yên bình và thịnh vượng. Quan trọng nhất, người dân ở những nơi này được trao cho đủ tự do để theo đuổi các nguyện vọng cá nhân và được cung cấp các hệ thống hỗ trợ như hệ thống phúc lợi xã hội và hỗ trợ y tế để giúp họ vượt qua những lúc gian nan. Nếu bạn may mắn được sống tại một trong những quốc gia này, khả năng cao là bạn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn. (Tất nhiên, cái giá mà bạn phải trả có thể là chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt suốt sáu tháng mỗi năm.)
Hai sai lầm cơ bản về tính cách con người
Nếu chúng ta dừng lại ở đây thì sao? Có phải đây là toàn bộ con người bạn rồi không? Sẽ ra sao nếu chúng ta kết luận rằng bạn là một sinh vật được định hình bởi bộ não bên trong, đồng thời có một bản thể xã hội được hun đúc bởi các yếu tố đến từ môi trường bên ngoài, và cả nguồn lực sinh học lẫn xã hội này quyết định bạn có thể phát triển vượt trội hay không? Nếu chỉ dừng lại ở đây và đưa ra kết luận như vậy, chúng ta sẽ phạm phải hai sai lầm cơ bản.
Thứ nhất, nền khoa học đương đại ngày càng phát hiện nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố bẩm sinh và môi trường nuôi dưỡng không hề tách biệt với nhau, mà ngược lại, chúng có mối liên hệ mật thiết trong quá trình phát triển tính cách con người. Con người ngày nay đã công nhận tính khả biến của não, tức là khả năng thay đổi chức năng thần kinh thông qua kinh nghiệm và quá trình luyện tập, ít nhất là tạm thời. Bạn còn nhớ những con vật gặm nhấm nhỏ được sống trong những chiếc lồng đầy “đồ chơi và bạn bè” ở Berkeley và nhờ đó mà bộ não của chúng đã trở nên nặng hơn không? Những kết quả nghiên cứu đó từng gây tranh cãi vào thời điểm chúng mới được phát hiện nhưng giờ đây đã được chấp nhận rộng rãi. Thật vậy, ngày nay có rất nhiều chương trình được xây dựng dựa trên giả định rằng chúng ta có thể tác động đến khả năng hoạt động tối ưu của cơ thể. Nói cách khác, hoàn cảnh sống của bạn có thể tác động đến các yếu tố sinh học bên trong bạn. Và chiều ngược lại cũng đúng: các đặc điểm tính cách có nguồn gốc sinh học của bạn có thể trực tiếp tác động đến hoàn cảnh xã hội nơi bạn sống. Những đứa trẻ có tính tình dễ chịu và cởi mở sẽ định hình nên những người cha, người mẹ rất khác với cha mẹ của những đứa trẻ cáu kỉnh và khó chịu. Những cá nhân có khuynh hướng tìm kiếm sự kích thích xã hội sẽ tạo dựng cho mình một hoàn cảnh xã hội rất khác với hoàn cảnh của những người có tính khép kín bẩm sinh.
Tóm lại, có mối liên kết quan trọng giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội định hình cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, đây là sơ đồ mô tả chính xác hơn về mối tương quan của liên kết này với sự phát triển vượt trội của chúng ta:
Bên cạnh đó, vẫn còn một sai lầm thứ hai, sai lầm cơ bản hơn, mà chúng ta mắc phải khi chỉ xem bản thân như con người sinh học hoặc con người xã hội, ngay cả khi chúng ta biết hai bản thể này có thể tương tác qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi nhìn nhận bản thân là một trong hai bản thể này, chúng ta mặc định mình luôn thụ động tiếp nhận các nguồn lực tác động đến bản thân - tức là chúng ta không làm chủ sự phát triển của chính mình mà chỉ là một quân cờ bị điều khiển bởi sức mạnh của bộ gien di truyền hoặc môi trường sống, hoặc cả hai.
Góc nhìn này có sức ảnh hưởng lớn hơn bạn nghĩ. Nếu việc bạn là ai và làm gì chỉ đơn giản là hệ quả của các yếu tố tác động nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, vậy thì bạn sẽ mất khả năng hành động có trách nhiệm hoặc tự thay đổi bản thân. Khi nhìn nhận bản thân qua lăng kính hạn hẹp như vậy, bạn đang tự lừa dối mình và làm giảm mức độ tự do của bản thân.
Tất nhiên, thật mới mẻ và thú vị khi được biết về ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến tính cách của bạn, cũng như tìm hiểu xem cuộc sống của bạn được định hình như thế nào bởi các định chế xã hội chủ đạo. Chúng ta cần những hiểu biết đó để có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa của việc làm người. Nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Để phản ánh chính xác đặc điểm tính cách cơ bản của bạn, các lựa chọn mà bạn có trong đời hoặc những khía cạnh tiềm ẩn mà bạn muốn khám phá về bản thân, chúng ta cần có một cái nhìn bao quát hơn về bản chất con người mình. Chúng ta cần thay đổi góc nhìn một chút.
Bản thể đặc trưng của bạn
Nếu muốn hiểu trọn vẹn về con người bạn, chúng ta sẽ bắt đầu với bản tính đầu tiên của bạn, nghĩa là xác định các đặc điểm sinh học mà bạn có, chẳng hạn như các chỉ số của bạn trên thang đo của Năm nhóm tính cách lớn. Sau đó, chúng ta sẽ xác định bản tính thứ hai của bạn bằng cách tìm hiểu những yếu tố xã hội giúp định hình vai trò của bạn trong cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bản tính thứ ba của mình. Bản tính thứ ba chính là bản thể đặc trưng1 của bạn.
1 Tiếng Anh là ideogenic self, trong đó tiền tố ideo- có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và được dùng để chỉ yếu tố đặc trưng của cá nhân.
Để hiểu được nguồn gốc của quan điểm này, chúng ta cần quay lại câu chuyện của tôi, quay lại thời điểm tôi đọc được một quyển sách không chỉ làm thay đổi công việc mà còn xoay chuyển cả nhận thức của tôi về việc tôi là ai và bạn là ai.
Các mô hình nhận thức cá nhân: Lăng kính để bạn nhìn nhận thế giới
Khoảng một tháng trước khi chương trình cao học bắt đầu, tôi đã đến thư viện trường tìm một quyển sách về giải phẫu não. Khi đi đến vị trí vốn thuộc về quyển sách đó, tôi vô tình nhìn thấy một tác phẩm bị đặt nhầm chỗ, đó là quyển The Psychology of Personal Constructs (tạm dịch: Tâm lý học về các mô hình nhận thức cá nhân) của George A. Kelly. Tôi nhớ trong một tiết học nào đó mình đã nghe nhiều lời tán dương dành cho Kelly, vì vậy tôi nghĩ mình cứ đọc lướt một vài trang xem sao. Sau vài giờ hoàn toàn đắm chìm vào quyển sách và đau ê ẩm vì ngồi xổm quá lâu trên sàn thư viện, tôi đã trải nghiệm một khoảnh khắc thức tỉnh diệu kỳ khiến cuộc sống trở nên muôn phần thú vị. Mặc dù vẫn muốn nghiên cứu tâm lý học thần kinh nhưng tôi đã quyết định gác lại dự định đó cho đến khi tìm hiểu tường tận lý thuyết của Kelly về tính cách con người.
Đây là ý tưởng cơ bản đằng sau thuyết mô hình nhận thức cá nhân của Kelly: về bản chất, mỗi cá nhân đều là một nhà khoa học đang xây dựng và thử nghiệm những giả thuyết về thế giới, cũng như điều chỉnh chúng dựa vào trải nghiệm sống của mình. Những giả thuyết này được gọi là các mô hình nhận thức cá nhân, cũng là lăng kính mà chúng ta dùng để nhìn thế giới.
Cụm từ quan trọng ở đây là cá nhân. Những mô hình nhận thức này có ý nghĩa riêng đối với bạn và được diễn đạt bằng lời lẽ của bạn. Chúng thường được truyền đạt dưới dạng các cụm từ ngắn gọn mang hàm ý so sánh và đối chiếu những con người, đồ vật hoặc sự kiện khác nhau. Ví dụ, bạn có thể đánh giá người khác là tốt bụng hoặc xấu tính, thẳng thừng hoặc khôn khéo, thông minh hoặc ngu ngốc, có năng lượng cao hoặc thấp. Những cách nhận định người khác như thế này có ý nghĩa rất lớn đối với bạn và giúp bạn biết cách ứng xử trong hầu hết các tương tác hằng ngày. Đồng thời, đồng nghiệp hoặc hàng xóm của bạn cũng có những cách mô tả của riêng họ.
Khi Kelly xuất bản công trình nghiên cứu của mình vào giữa thế kỷ 20, học thuyết về các mô hình nhận thức cá nhân này vẫn được xem là cấp tiến. Lúc bấy giờ, các quan điểm nổi bật về tính cách con người đều có nền tảng dựa trên thuyết phân tâm học và thuyết hành vi, và tuy có cách lý giải khác nhau nhưng hai thuyết này đều mô tả con người như những sinh vật thụ động. Tuy nhiên, trong thuyết của Kelly thì hình mẫu con người - ví dụ như bạn - không bị dẫn dắt bởi các yếu tố sinh học vô thức và cũng không bị dồn ép bởi các yếu tố xã hội. Bạn ham học hỏi, đầy tiềm năng và thích khám phá. Và để hiểu bạn, chúng tôi cần biết các mô hình nhận thức cá nhân mà bạn dùng để lý giải các đối tượng, sự kiện, con người xung quanh cũng như chính bản thân mình.
Một trong những điều thú vị về các mô hình nhận thức cá nhân là chúng luôn thay đổi. Lăng kính mà bạn dùng để ngắm nhìn cuộc sống vào tháng Tư có thể không còn dùng được vào tháng Năm. Trong vai trò một nhà khoa học không chuyên, bạn điều chỉnh các phỏng đoán của mình về thế giới, thử nghiệm các ý tưởng mới và trong quá trình này, bạn củng cố một loạt các mô hình nhận thức cá nhân mới phù hợp với mình. Động lực của bạn là những chuyến khám phá tự mình thực hiện, những nỗ lực để chủ động hiểu mọi thứ xung quanh. Những nỗ lực này mang phong cách riêng của bạn, chỉ thuộc về bạn và có ý nghĩa sâu sắc đối với cá nhân bạn. Chúng mang tính đặc trưng.
Vì vậy, nếu muốn hiểu bạn, tôi cần dùng cặp kính của bạn và nhìn thế giới thông qua các mô hình nhận thức cá nhân của bạn. Nếu muốn hiểu tính cách của bạn và muốn biết bạn có cảm thấy đời mình đang tốt đẹp hay không, tôi cần nhìn thế giới của bạn qua lăng kính mà bạn đã tạo ra. Bạn đang phát triển vượt bậc hay đang gặp những khó khăn gì trong những khía cạnh cuộc sống có ý nghĩa đối với cá nhân bạn?
Quan điểm này đã khơi gợi nhiều ý tưởng làm tôi hứng thú. Tôi nhận thấy rõ một điều, đó là để hiểu thấu đáo đặc điểm tính cách cũng như khả năng phát triển của mình, chúng ta cần khám phá không chỉ hai, mà là ba phương diện của bản thân: bản tính sinh học, bản tính xã hội và bản tính đặc trưng. Sự tương tác giữa ba phương diện này có thể được mô tả như sau:
Những lỗ hổng trong thuyết mô hình nhận thức cá nhân
Hai năm sau khi tình cờ đọc được quyển sách của Kelly, tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lý thuyết mô hình nhận thức cá nhân. Cơ hội đó đến từ một dịp Kelly đến Bờ Tây nước Mỹ để dạy một khóa học về tâm lý học tính cách tại Đại học Stanford. Tôi đã háo hức đăng ký học và mỗi ngày đều lái xe năm mươi sáu phút dọc cung đường El Camino Real từ Berkeley đến Palo Alto với tâm thế sẵn sàng thách thức những mô hình nhận thức cá nhân của mình. Kelly đặt ra cho học viên chúng tôi một nhiệm vụ xuyên suốt khóa học và đó thật sự không phải là nhiệm vụ dành cho những người có tinh thần không vững vàng; ông ấy muốn chúng tôi tạo ra một thuyết mới về tính cách con người.
Sau khi bài giảng đầu tiên của Kelly kết thúc, tôi đã thận trọng gõ cửa văn phòng ông ấy. Ông ấy không đáp lại tiếng gõ cửa bằng câu “ANH LÀ AI?”, nhưng tôi vẫn cho ông ấy biết. Tôi nói tôi tin vào các quy tắc của thuyết mô hình nhận thức cá nhân nhưng có hai vấn đề tôi mong được ông giải đáp. Đầu tiên là nhạc jazz: tôi hỏi trong học thuyết đó của ông có chỗ cho những thú vui thụ động như nghe nhạc hay không. Nghe tới đó, đôi mắt của Kelly sáng lên và ông bắt đầu sôi nổi nói về việc chơi nhạc jazz - về việc chúng ta xác định phong cách riêng của một nghệ sĩ nhạc jazz qua cách nghệ sĩ đó diễn giải âm nhạc thông qua mô hình nhận thức cá nhân của họ. Ông không trả lời thẳng vào vấn đề nghe nhạc jazz thay vì chơi nhạc jazz mà tôi hỏi, nhưng câu trả lời của ông vẫn làm tôi tò mò. Tôi tiếp tục đưa ra vấn đề thứ hai. Tôi kể về những gì mình đã trải nghiệm với Phong trào tự do ngôn luận, những trải nghiệm mà tôi xem như một sự củng cố cho quan điểm của Kelly về hình mẫu con người nắm quyền quyết định cuộc sống của chính mình. Đồng thời tôi cũng bày tỏ nỗi băn khoăn là khi dùng các mô hình nhận thức cá nhân để tìm hiểu một người, chúng ta dễ lơ là các bối cảnh trong cuộc sống của người đó - chẳng hạn như các tình huống, thể chế, môi trường chính trị hiện tại. Kelly khuyến khích tôi nghiên cứu thêm về vấn đề này và tôi đã rời văn phòng của ông với sự phấn khích tột độ.
Trên đường trở về Berkeley đêm đó, tôi đã phác thảo vài hướng đi khả thi cho thuyết tính cách mà mình đang xây dựng. Khi vừa chạy đến phía bắc Thành phố South San Francisco thì tôi chợt nhận ra chuyến đi này, hành trình mà tôi đang trải qua lúc này, không chỉ là sự phát triển của các mô hình nhận thức cá nhân của tôi. Dường như có thứ gì đó bị thiếu. Suy nghĩ này cứ lởn vởn trong đầu và khiến tôi không thể tập trung lái xe, thế nên tôi quyết định rẽ ra khỏi đường cao tốc. Ngay lúc đó, tôi nhận ra thứ mà mình đang theo đuổi chính là một công trình cá nhân. Tôi bắt đầu xem xét ý nghĩa đằng sau quá trình theo đuổi các công trình cá nhân của mỗi người - những hoạt động có thể rất bình thường hoặc trọng đại, đơn lẻ hoặc mang tính tập thể, diễn ra dưới dạng những tương tác ngắn ngủi hoặc các cam kết dài lâu mà con người vẫn thực hiện mỗi ngày. Khái niệm các công trình cá nhân này giúp tôi có thể kết hợp tấm bản đồ nội tại được cung cấp bởi các mô hình nhận thức cá nhân với các điều kiện khả dĩ mà hệ sinh thái bên ngoài mang lại, chẳng hạn như những con đường tắt, ngõ cụt và các tuyến đường cao tốc tạo nên lộ trình mà tôi đang đi.
Các công trình cá nhân của bạn sẽ đưa bạn vào hành trình khám phá một vài đích đến, và những nét tính cách tương đối ổn định của bạn giúp thiết lập giới hạn cho các đích đến này. Môi trường văn hóa và xã hội của bạn sẽ mở ra một số con đường, đồng thời chặn đứng một vài lối đi khác. Cách bạn xây dựng hành trình của mình, tức là cách bạn xác định, mô tả và đánh giá các công trình cá nhân của mình, sẽ quyết định bạn tiếp tục khám phá hay sẽ quay lại, hay thậm chí là đâm đầu vào ngõ cụt và vỡ tan tành. Tóm lại, trong hành trình thực hiện các công trình cá nhân sẽ có sự tác động lẫn nhau của cả ba khía cạnh trong tính cách của chúng ta - bản tính sinh học, bản tính xã hội và bản tính đặc trưng - và sự thành công của các công trình cá nhân này là cần thiết cho sự phát triển vượt trội của chúng ta.
"Tự do tối thượng là tự do được làm con người thật sự của mình."
- JIM MORRISON