CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TÍNH CÁCH
Bạn có thể nghĩ về tính cách của mình theo hai hướng. Thứ nhất là tính cách dưới dạng các đặc điểm bẩm sinh mà bạn có, chẳng hạn như thần kinh quá nhạy cảm, hướng ngoại hoặc tận tâm. Thứ hai là tính cách dựa trên những gì bạn đang thực hiện, tức là các công trình cá nhân của bạn - chẳng hạn như “vượt qua hội chứng sợ xã hội”, “có một bài giới thiệu sản phẩm thu hút trong sự kiện bán hàng của công ty” hoặc “ngừng trì hoãn”. So với việc chỉ tìm hiểu những gì mình có, quá trình khám phá các công trình cá nhân, những việc chúng ta thực hiện trong cuộc sống hằng ngày, mang đến cho chúng ta một góc nhìn khác và một lăng kính rộng hơn để xem xét cuộc sống của mình.
Đến lúc này, có thể bạn đã nắm bắt được một chút về luận điểm nghe có vẻ nghịch lý mà tôi đề cập ngay từ đầu: những việc bạn làm sẽ tác động đến việc bạn là ai. Chuyện này xảy ra là bởi các công trình cá nhân đều tập trung vào tương lai - chúng hướng chúng ta về phía trước, dẫn dắt chúng ta đi theo các lộ trình có thể ngắn hoặc dài, gập ghềnh hoặc suôn sẻ. Bằng cách lần theo các lộ trình này, ta có thể vẽ tấm bản đồ mô tả địa hình mà mình thân thuộc nhất - bản đồ mô tả chính bản thân mình. Điều đáng phấn khích nhất là chúng ta có thể học cách điều chỉnh quỹ đạo của mình để nhanh chóng vượt qua những đoạn đường gập ghềnh và kéo dài những chặng đường bằng phẳng sao cho các nỗ lực của chúng ta có hiệu quả hơn. Các công trình cá nhân hun đúc nên chúng ta theo cách như vậy - chúng định hình khả năng thành công của ta trong đời - vì nói theo một cách nào đó, các công trình cá nhân của bạn như thế nào thì cuộc đời bạn sẽ như thế ấy.
Tuy nhiên, bạn cần nắm rõ điều này: các công trình cá nhân không giới hạn trong phạm vi của những nghĩa vụ mà chúng ta cần làm, chẳng hạn như tìm nhà hưu dưỡng tốt cho mẹ, dù đôi khi chúng ta thực hiện chúng chỉ vì tinh thần trách nhiệm. Quan trọng hơn, các công trình cá nhân còn là những hành động mà ta vui vẻ lựa chọn. Khi những đứa trẻ chập chững tập đi, chúng đang thực hiện công trình cá nhân của chúng, và khi những người yêu nhau bày tỏ tình yêu, họ cũng đang thực hiện công trình cá nhân của họ. Tôi dám chắc con mèo nhà tôi cũng đang theo đuổi một công trình riêng khi nó rình, nhảy lên và chụp đuôi con mèo khác trong nhà rồi ngồi đó kêu gừ gừ.
Công trình cá nhân cũng có thể là những hoạt động khá bình thường, chẳng hạn như dắt một chú chó (hoặc một con mèo tự cho rằng nó là chó) đi dạo. Nhưng chúng cũng có thể đại diện cho khát vọng cháy bỏng nhất và hành động dũng cảm nhất của con người. Khi người phụ nữ da màu Rosa Parks quyết định không ngồi xuống hàng ghế dành cho người da màu ở phía cuối xe buýt, đó là một hành động nhỏ nhưng dũng cảm và mang lại tác động lớn.1 Sự quan tâm mà bạn dành cho mẹ khi đưa mẹ vào nhà hưu dưỡng có ý nghĩa nhiều hơn một nghĩa vụ, vì bạn không nỡ chứng kiến bệnh Alzheimer lấy đi sức khỏe thể chất và tinh thần của mẹ.
1 Rosa Parks được xem là “mẹ đẻ của phong trào tự do” ở Mỹ. Ngày 1/12/1955, tại Montgomery, Alabama, bà đã từ chối khi tài xế xe buýt yêu cầu bà xuống ngồi ở dãy ghế cuối xe, nơi dành riêng cho người da màu, để nhường ghế cho một hành khách da trắng. Hành động này là khởi đầu cho phong trào đòi nhân quyền cho người da màu ở Mỹ và sau đó đã trở thành biểu tượng cho phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Công trình cá nhân là tập hợp mở rộng của các hành động có ý nghĩa nổi bật đối với cá nhân người thực hiện trong một bối cảnh cụ thể. Hãy cùng phân tích định nghĩa này.
Cá nhân: Các công trình cá nhân được nhìn nhận qua lăng kính riêng của người thực hiện chúng. Chúng tôi không thể chỉ xem bạn xây một ngôi nhà trên cây hoặc luyện tập để tham gia cuộc thi marathon rồi phỏng đoán việc theo đuổi công trình cá nhân này nói lên điều gì về bạn. Để thật sự hiểu, chúng tôi cần hỏi bạn một câu hỏi quan trọng có thể làm bộc lộ bản tính đặc trưng của bạn: Bạn nghĩ mình đang làm gì? Nói cách khác, việc mà bạn đang làm có ý nghĩa gì đối với bạn? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được thường khá bất ngờ.
Ai đó đang quan sát bạn ngay lúc này có thể sẽ nói là bạn đang đọc sách. Nhưng bạn mới là người biết rõ câu trả lời. Bạn hầu như không để tâm vào những câu chữ trước mặt vì thật ra công trình cá nhân của bạn là “tỏ ra độc lập và tự tin để không ai hỏi tại sao tôi lại ngồi một mình trên chiếc du thuyền này”. Hành vi “đọc sách” thật ra chỉ là một cách giúp bạn ứng phó với câu trả lời không ngừng thay đổi của mình cho câu hỏi “Bạn là ai?” (một người đang tự vực dậy bản thân sau một chuyện tình tan vỡ) và “Bạn dạo này sao rồi?” (cũng không tệ lắm nếu xét dưới góc độ của một người vừa thất tình).
Hãy tiếp tục phân tích định nghĩa của chúng ta.
Mở rộng: Công trình cá nhân không phải là một hành động nhất thời, mà thường là một chuỗi hành động được mở rộng về mặt không gian và thời gian (từ vài giây đến hàng chục năm). Trong khi các đặc điểm ổn định giống như những bức ảnh tĩnh về tính cách của bạn thì công trình cá nhân là những thước phim sống động - bạn phải xem hết toàn bộ thước phim đó thì mới nắm được ý nghĩa trọn vẹn của nó.
Tập hợp: Một công trình cá nhân bao gồm một loạt các hành động được người thực hiện xem là có liên quan với nhau. Giả sử lý do thật sự khiến bạn đọc quyển sách này không phải là để tránh tiếp chuyện những người bạn đồng hành mà là để lượm lặt những bài học giúp bạn kết bạn trong chuyến đi. Bên cạnh việc đọc quyển sách này, có thể bạn cũng đọc những quyển sách khác, làm các bài trắc nghiệm tính cách, tìm kiếm lời khuyên từ những người hiểu rõ về bạn và tham gia vào bữa tiệc giao lưu trên du thuyền. Nhưng người phụ nữ đội mũ rộng vành ngồi trên chiếc ghế dài cạnh bạn chỉ thấy là bạn đang đọc sách chứ không thể biết được việc đọc sách này có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân bạn.
Hãy thử đảo ngược góc độ một chút và nghĩ về cách bạn nhìn nhận người khác. Bạn có thể quan sát những hành động của một người luôn xuất hiện mỗi khi nào bạn đến một quán bar nhất định nào đó, đi khám răng tại cùng một phòng khám với bạn và thường được nhìn thấy gần khu nhà của bạn. Tùy vào việc người thực hiện tập hợp các hành động này là ai, công trình cá nhân của họ có thể là “làm người đồng hành với vợ tôi”, “tán tỉnh hàng xóm của tôi” hoặc “rình rập nhằm gây rối”. Tập hợp các hành động có thể vô hại, mang tính cảm thông hoặc đáng khinh. Tất cả đều phụ thuộc vào công trình đằng sau những hành động ấy.
Có ý nghĩa nổi bật đối với cá nhân người thực hiện: Khi nói “nổi bật”, ý tôi là người thực hiện xác định một hành động nào đó có ý nghĩa vượt trội hơn hẳn các hành động khả thi khác. Một công trình cá nhân sẽ theo đuổi một hành động khả thi giữa muôn vàn hành động khả thi khác. Đó là một quá trình có chủ ý và nó xảy ra vì hành động khả thi đó có ý nghĩa đặc biệt đối với bạn, người thực hiện công trình.
Hành động: Công trình cá nhân không phải là một phản ứng thụ động trước các tác động bên ngoài, mà là một chuỗi hành vi có chủ ý. Chớp mắt không phải là một hành động nếu nó xảy ra như một phản ứng với luồng gió. Nhưng nháy mắt lại là một hành động có hệ quả. Ranh giới giữa hành động và không hành động rất mong manh: chớp mắt có thể là một hành động nếu nó được thực hiện bởi một bác sĩ nhãn khoa đang làm mẫu cho bạn biết phải làm gì sau khi nhỏ thuốc rửa mắt.
Có bối cảnh cụ thể: Công trình cá nhân được thực hiện trong bối cảnh vật lý, xã hội, văn hóa và thời gian, và như chúng ta đã biết, những bối cảnh này có thể kích thích, củng cố, ức chế hoặc ngăn chặn quá trình thực hiện công trình.
"Hãy luôn là phiên bản cao cấp nhất của chính mình thay vì trở thành phiên bản thứ cấp của ai đó."
- JUDY GARLAND
Phân tích và đánh giá nội dung các công trình cá nhân
Hãy xem xét các công trình cá nhân của bạn. Trong khoảng mười phút, hãy liệt kê các công trình cá nhân khác nhau mà bạn đang theo đuổi. Đừng lo lắng nghĩ xem mình phải viết ra những gì. Thường thì lúc nào chúng ta cũng có một tổ hợp những hành động bình thường và các nỗi ám ảnh to lớn. Trong thời hạn mười phút, mọi người thường liệt kê khoảng mười lăm công trình, nhưng khi không bị hạn chế về thời gian thì họ có thể liệt kê đến cả trăm công trình.
Nội dung các công trình cá nhân của bạn có thể hé lộ nhiều điều. Vào lần đầu tiên tôi thực hiện kiểu đánh giá mà tôi gọi là Phân tích Công trình cá nhân (Personal Projects Analysis - PPA) cho nhóm sinh viên đại học, đây là hai công trình cá nhân đầu tiên được liệt kê bởi một sinh viên nam: “Làm rõ các niềm tin triết học của tôi” và “Quan hệ với bạn gái”. Mong muốn theo đuổi lý tưởng cao đẹp lẫn thú vui nhục dục của cậu sinh viên này có vẻ đã phác họa được một thực tế nhất định về đời sống học tập và xã hội của sinh viên thời đó.
Đến nay, chúng tôi đã nghiên cứu các công trình cá nhân của hàng ngàn người và đã xác định được một vài nhóm công trình chính. Dưới đây là các nhóm công trình cá nhân phổ biến nhất đối với người trưởng thành (sắp xếp theo thứ tự từ thường xuyên đến hiếm gặp), cùng với một số ví dụ:
• Nghề nghiệp/Công việc: Đảm bảo nguồn ngân sách của phòng ban
• Giao tiếp xã hội: Ăn tối với người phụ nữ đội chiếc mũ rộng vành trên du thuyền
• Bảo trì: Mua thêm vài hộp mực cho máy in
• Giải trí: Đi nghỉ dưỡng trên du thuyền
• Sức khỏe/Cơ thể: Giảm sáu ký
• Giao tiếp nội tâm: Cố gắng giải quyết nỗi buồn của bản thân
Đôi khi chỉ cần nhìn vào danh sách liệt kê các công trình cá nhân của một người thì chúng ta cũng có thể thấy được vài nét chính về câu chuyện đời họ. Có thể bạn đã nhìn ra một câu chuyện nào đó trong danh sách ở trên. Một ví dụ tuyệt vời khác chính là một truyện ngắn của Jennifer Egan được đăng trên tờ The Guardian. Truyện ngắn này có cái tựa đơn giản là “Việc cần làm” và đây là vài dòng đầu tiên trong đó:
1. Cắt cỏ
2. Bỏ cái vòi nước chết tiệt kia đi
3. Lau cửa sổ
4. Đưa mèo đi triệt sản
5. Nhuộm tóc
6. Đọc bài tarot
7. Đón con
8. Chở bọn trẻ qua gửi bên nhà ngoại
9. Mua tóc giả
10. Xem xem có thể cắt bỏ một đoạn hàng rào TRONG YÊN LẶNG hay không…
11. Gửi thư cảnh cáo
a. Dùng chữ ghép từ mấy tờ báo cũ?
b. Nhờ bọn trẻ viết?
c. Viết bằng tay trái?
d. Viết mơ hồ thôi, như “Một vài chuyện khó chịu…” chẳng hạn
12. Gửi thư
a. Hoặc là đội tóc giả rồi tự đem thư tới nhà người nhận
13. Mua thêm thuốc
Công trình “việc cần làm” tiếp tục được viết theo kiểu này và rất có sức khơi gợi. Nó pha trộn công việc hằng ngày của người làm cha mẹ với những mục tiêu đời thường khác, cho thấy các công trình cá nhân của một người có thể nói lên nhiều điều về tính cách của người đó như thế nào.
Các công trình hướng về bản thân
Mặc dù không xuất hiện thường xuyên trong danh sách công trình cá nhân, nhóm công trình giao tiếp nội tâm đặc biệt thú vị và quan trọng. Chúng là những công trình tập trung vào bản thân, chẳng hạn như “cố gắng giảm chứng sợ xã hội” hoặc “trở thành một người biết lắng nghe hơn”. Những nỗ lực kiểu này là tốt hay xấu cho chúng ta? Câu trả lời khá phức tạp.
Về mặt tiêu cực, những công trình như vậy thường được cho là có liên quan tới cảm giác chán nản và dễ bị tổn thương. Nếu có những công trình cá nhân kiểu này, có lẽ bạn sẽ nhận thấy mình đang rơi vào một vòng suy nghĩ lẩn quẩn nơi bạn không thể tạo ra bất kỳ tiến triển nào. Bạn nghĩ quá nhiều về sự thay đổi mà bạn cảm thấy cần thực hiện và quá chú ý tới quá trình (thiếu) tiến triển của mình. Tuy nhiên, về mặt tích cực, có bằng chứng cho thấy việc tham gia vào các công trình giao tiếp nội tâm có thể giúp bạn tăng sự sáng tạo và cởi mở đón nhận trải nghiệm. Tại sao một công trình nội tâm lại có thể vừa gắn liền với những cảm xúc tiêu cực và tính dễ bị tổn thương, vừa được nhìn nhận như một cuộc phiêu lưu sáng tạo? Có thể lý do nằm ở nguồn gốc của dự án tập trung vào bản thân này.
Bạn có đưa một công trình thay đổi bản thân nào vào danh sách của mình không? Ai là người yêu cầu bạn trở thành người biết lắng nghe hơn? Ai muốn bạn vượt qua chứng sợ xã hội? Trước khi bạn phát hiện mình bị cuốn vào một lối sống tiêu cực không lối thoát, ai là người nói bạn phải xem lại các giá trị của mình vì bạn đang thụt lùi? Nếu người đó là cha mẹ, sếp hoặc người yêu của bạn thì công trình này dễ tạo ra cảm xúc tiêu cực hơn so với khi chính bạn là người bắt đầu nó. Hiện nay, một số nghiên cứu đáng tin cậy đã chứng minh rằng theo đuổi những công trình “được thôi thúc từ bên trong” sẽ giúp người ta thành công hơn và hạnh phúc hơn so với theo đuổi những mục tiêu “bị điều khiển từ bên ngoài”. Nếu trong danh sách của bạn có những công trình về bản thân, hãy tự vấn xem ai là người thúc đẩy chúng. Nếu những công trình này xuất phát từ tầm nhìn của bạn về một con người mà mình có thể trở thành, vậy thì bạn thường cảm thấy dễ chịu hơn khi theo đuổi chúng. Hơn nữa, những công trình như vậy sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Có lẽ bạn cũng sẵn sàng theo đuổi những công trình cá nhân do người khác khởi xướng, nhưng nếu bạn bị ép buộc phải thực hiện chúng thì triển vọng thành công là rất thấp.
Các công trình “cố gắng”
Bạn còn có thể cải thiện trải nghiệm thực hiện các công trình cá nhân của mình và nâng tỷ lệ thành công của chúng bằng cách nào? Hãy lưu ý rằng ngay cả cách bạn diễn tả công trình cá nhân của mình cũng ảnh hưởng tới mức độ thành công của chúng. Một số người theo đuổi các mục tiêu được mô tả theo kiểu “thỏa hiệp nửa mùa” như “cố gắng cảm thông hơn với những đồng nghiệp ngu xuẩn” hoặc “có lẽ nên xin lỗi em gái vì đã gọi bạn trai của nó là kẻ không đàng hoàng”. Nhà tâm lý học người Canada Neil Chambers đã chỉ ra rằng những người “cố gắng” như vậy ít có khả năng hoàn thành công trình cá nhân của họ so với những người mô tả mục tiêu một cách thẳng thắn hơn. Nếu các công trình trên được diễn đạt lại là “trở nên cảm thông hơn” và đơn giản là “xin lỗi em gái”, chúng sẽ có nhiều khả năng mang lại lợi ích cho các đồng nghiệp cũng như em gái của bạn (và cả bản thân bạn nữa).
Cách đánh giá các công trình cá nhân
Cách bạn nghĩ về diễn tiến của các công trình cá nhân cực kỳ quan trọng đối với hạnh phúc của bạn. Hãy nghĩ mà xem, tất cả chúng ta đều biết ai đó có cuộc sống có vẻ rất xuôi chèo mát mái nhưng bản thân họ lại cho rằng đời mình rất đáng thất vọng. Vì vậy, biết rõ nội dung các công trình cá nhân của bạn là rất quan trọng nhưng biết cách đánh giá chúng còn quan trọng hơn.
Khi bạn thực hiện Phân tích công trình cá nhân, việc thứ hai chúng tôi yêu cầu bạn làm là chọn mười trong số các công trình cá nhân mà bạn nghĩ là quan trọng đối với việc hiểu bản thân ở giai đoạn hiện tại. Sau đó, bạn chấm điểm cho mỗi công trình (thang điểm từ 0 đến 10) theo các tiêu chí như mức độ căng thẳng, cảm giác vui vẻ mà chúng mang lại, mức độ kiểm soát của bạn và mức độ rõ ràng của chúng trong mắt người khác. Trải qua nhiều nghiên cứu, chúng tôi đã nhận thấy những tiêu chí đánh giá cụ thể này có thể được quy về năm nhóm lớn, gồm có ý nghĩa của công trình, khả năng quản lý, sự kết nối, cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực. Chúng ta sẽ cùng điểm qua năm nhóm này:
Ý nghĩa: Các công trình cá nhân có thể có ý nghĩa vô cùng sâu sắc cho đến hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Cảm nhận của bạn về ý nghĩa của công trình cá nhân phụ thuộc vào mức độ quan trọng của công trình đó đối với bạn - công trình phù hợp đến mức nào với các giá trị cốt lõi của bạn và bạn cảm thấy bản thân được thể hiện ra sao thông qua công trình đó (giống với con người đích thực của bạn đến mức nào).
Khả năng quản lý: Các công trình cá nhân có thể được tổ chức và quản lý từ mức độ bài bản cho đến một thảm họa hỗn loạn. Khả năng quản lý công trình cá nhân sẽ cao hơn khi bạn là người đề xướng thực hiện, cũng như khi bạn có thể kiểm soát công trình ở mức độ cao và có đủ thời gian để hoàn thành nó. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong khả năng quản lý là cảm nhận của bạn về triển vọng thành công của công trình. Trên thực tế, trong tất cả các tiêu chí đánh giá khác nhau về công trình cá nhân, cảm nhận về triển vọng này chính là yếu tố dự đoán tốt nhất cho việc người ta có cảm thấy cuộc sống của mình đang êm đẹp hay không.
Mối tương quan giữa Ý nghĩa và Khả năng quản lý: Thường thì chúng ta phải chọn hy sinh những công trình cá nhân có ý nghĩa để thực hiện những công trình có thể quản lý được. Ví dụ, các công trình phù hợp nhất với giá trị cốt lõi của chúng ta thường khá trừu tượng, chẳng hạn như “nhạy với các tín hiệu từ môi trường”, “củng cố sự gắn kết với đời sống tinh thần của mình” hoặc “trân trọng gia đình”. Nhưng những mục tiêu này không phải lúc nào cũng “cắm rễ” trong thực tế cuộc sống hằng ngày, vì vậy chúng có thể bị trôi dạt và rơi vào quên lãng. Mặt khác, bạn có thể có các công trình do chính bạn khởi xướng, được lên kế hoạch chặt chẽ và hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát nhưng lại không mấy ý nghĩa. Vào mỗi thứ Năm hằng tuần, bạn đều có một bữa ăn trưa với đồng nghiệp, bao gồm cả những người mà bạn cho là ngu ngốc. Mặc dù ngoài mặt thì bạn đang mỉm cười với họ, trong thâm tâm bạn lại không thể chịu đựng nổi nếu lại phải nghe ai đó phàn nàn về thời tiết, tỷ số của mấy trận bóng đá hoặc nói chuyện con cái.
Kết nối và Ủng hộ: Có thể bạn đã hiểu mối tương quan giữa ý nghĩa và khả năng quản lý, và bạn đang nhắm đến một công trình cá nhân vừa có ý nghĩa vừa có thể quản lý được - chẳng hạn như thay hết các loại cây trong vườn bằng các loài cây bản địa. Chuyện này rất tuyệt vời! Tuy nhiên, có một yếu tố quan trọng khác sẽ quyết định xem đến cuối cùng, công trình này sẽ nâng bạn lên một tầm cao mới hay sẽ đạp bạn xuống vực sâu chán chường, và yếu tố đó là mức độ hỗ trợ từ những người mà bạn gắn kết. Người bạn đời của bạn có nghĩ rằng việc trồng lại cả khu vườn là một ý tưởng thú vị hay không, hay họ thích giữ nguyên hiện trạng và cho rằng mong muốn của bạn chỉ gây lãng phí thời gian và tiền bạc? Nếu bạn hy vọng người bạn đời thích “giữ nguyên hiện trạng” có thể chia sẻ và hỗ trợ bạn trồng lại cả khu vườn nhưng hóa ra đó chỉ là kỳ vọng của một mình bạn, vậy thì công trình cá nhân này của bạn khó mà mang lại niềm vui như bạn nghĩ ban đầu.
Các công trình kết nối thái quá: Nếu bạn đánh giá một số công trình quan trọng đối với bản thân là “có mức độ nhận diện thấp đối với người khác” và ít được mọi người xem trọng, đây chính là dấu hiệu cho thấy những công trình đó có thể gặp trở ngại. Nhưng ngược lại, bạn cũng có nguy cơ gặp rắc rối nếu chia sẻ quá nhiều về công trình cá nhân của mình với người khác. Có thể các công trình của bạn thường được khởi xướng bởi những người xung quanh bạn và họ vô cùng coi trọng chúng, còn bạn thì cũng rất thích chia sẻ tiến độ chi tiết với họ. Tuy nhiên, người ta có thể ngán ngẩm khi mọi hoạt động của bạn cứ bày ra trước mắt họ một cách chi tiết đến mức chán ngắt trên mọi tài khoản xã hội như Twitter, Instagram, Facebook và Snapchat - những nơi bạn thường xuyên đăng hình ảnh và bài viết cập nhật về cuộc sống siêu kết nối của mình.
Tác hại của sự kết nối thái quá này hơi khó nhận ra. Khi bị kết nối thái quá, các dự án cá nhân của bạn có thể không đủ tính cá nhân. Phương hướng và ý nghĩa cuộc sống của bạn chủ yếu đến từ người khác - người thân, bạn bè, đồng nghiệp... Xét theo một vài phương diện thì đây có thể là chuyện đáng ngưỡng mộ, và trong một số nền văn hóa, nó còn được mong đợi và tán dương. Nhưng khi những người bạn đó không còn nữa, những đứa trẻ lớn lên hoặc người bạn đời rời đi, cuộc sống của bạn sẽ chao đảo, không có trọng tâm - không có bạn hiện diện trong cuộc sống của chính bạn. Và điều này có thể khiến bạn cảm thấy hoang mang.
Cung cảm xúc của các công trình cá nhân: Cuộc sống của bạn có thể tràn ngập các công trình cá nhân có ý nghĩa, có thể quản lý và kết nối hiệu quả với những người khác, nhưng vấn đề có thể nảy sinh từ những cảm nhận mà bạn trải nghiệm trong lúc thực hiện các công trình. Bài Phân tích công trình cá nhân sẽ đánh giá cảm xúc của bạn qua cách bạn trả lời những câu hỏi sau: Bạn trải qua những cảm xúc tiêu cực nào? Các công trình cá nhân của bạn có gây cảm giác căng thẳng và chán nản không, có tạo ra cảm giác tức giận, buồn bã và tuyệt vọng không? Hay chúng thú vị, hấp dẫn và trong khi theo đuổi chúng, bạn cảm thấy yêu đời và vui vẻ? Bạn có thể trải qua cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực trong cùng một công trình cá nhân, đặc biệt là khi chúng hướng tới các mục tiêu có cam kết dài hạn. Những người có khả năng sáng tạo cao hẳn đã trải nghiệm những cảm xúc mâu thuẫn này: họ có thể cực kỳ chán nản khi cứ phải soạn đi soạn lại một bản nhạc trong ba năm và cảm thấy cực kỳ thỏa mãn khi giới thiệu bản nhạc đó đến với công chúng.
Nói chung, khi một người tham gia vào các công trình có ý nghĩa, có thể quản lý được, có sự kết nối với người khác, đồng thời các công trình đó tạo ra nhiều cảm giác tích cực hơn là tiêu cực, cuộc sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta phát hiện ra rằng những người theo đuổi các công trình vô nghĩa, hỗn loạn, cô lập và tiêu cực thường không phát huy hết tiềm năng của bản thân.
Vai trò của các đặc điểm tính cách trong công trình cá nhân
Giá trị lớn nhất của việc nhìn nhận tính cách ở góc độ “thực hiện các công trình cá nhân” thay vì “sở hữu các nét tính cách” nằm ở bốn từ rất truyền cảm hứng: tiềm năng thay đổi. Chúng ta có thể lựa chọn và điều chỉnh các công trình cá nhân một cách có ý thức theo những cách mà chúng ta không thể dùng để thay đổi các đặc điểm tính cách của mình.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ các đặc điểm tính cách của mình lại phía sau rồi thoải mái phóng về phía một bản thể chỉ được định hình bởi các công trình cá nhân. Các công trình và đặc điểm tính cách của chúng ta được kết nối với nhau. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thang điểm của bạn trên các phương diện của Năm nhóm tính cách lớn có ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá các công trình cá nhân - chính là phần “Diễn tiến như thế nào?” mà tôi đã đề cập ở phần trước. Điều này có ý nghĩa thiết thực trong việc lựa chọn công trình nào để thực hiện và các công trình đó thử thách bạn ra sao.
Ví dụ, những người nhạy cảm thái quá thường có cảm xúc tiêu cực về hầu hết mọi chuyện và do đó, họ rất có khuynh hướng gặp áp lực với tất cả công trình cá nhân của mình, bất kể đó là công trình liên quan đến các mối quan hệ, học thuật hay công việc. Nếu bạn thuộc nhóm này, gợi ý sau đây có thể hữu ích cho bạn. Hãy chừa chỗ cho những công trình mà bạn cảm thấy vui vẻ khi thực hiện. Chúng không cần phải là những công trình lớn; thật ra sẽ tốt hơn nếu bạn thường xuyên theo đuổi những công trình quy mô nhỏ nhưng có thể mang lại cảm giác thích thú. Khuynh hướng tập trung vào mặt tiêu cực của những công trình lớn có thể được cân bằng bằng cách thường xuyên trải nghiệm những hoạt động nho nhỏ nhưng mang lại cảm giác tích cực.
Có một mối liên hệ đáng ngạc nhiên giữa sự tận tâm và cách chúng ta nhìn nhận các công trình cá nhân của mình. Có lẽ bạn đã phần nào đoán được, những người có mức độ tận tâm cao thường đưa ra đánh giá tích cực hơn cho các công trình thuộc lĩnh vực học tập cũng như công việc và xem chúng là có ý nghĩa và hiệu quả. Họ hoàn thành công việc và cảm thấy hài lòng vì điều đó. Nếu bạn là người tận tâm, có một mẹo nhỏ có thể giúp bạn trở nên hiệu quả và tích cực, đó là bạn có thể biến những công việc nhàm chán bình thường trở nên thú vị. Ví dụ, bạn có thể làm cho một nhiệm vụ chán ngắt trở nên hấp dẫn hơn bằng cách biến nó thành một trò chơi đọ sức với một đối thủ tưởng tượng hoặc thậm chí là với chính bạn của ngày hôm qua. Ngay cả khi bạn không phải là kiểu người tận tâm đến vậy, cách này cũng có thể giúp bạn hoàn thành danh sách dài ngoằng những việc cần làm.
Không dừng lại ở đó, những người có mức độ tận tâm cao cũng có cái nhìn tích cực với các công trình có sự gắn kết giữa người với người. Tôi phải thừa nhận là ban đầu, chuyện này đã khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đã không ngờ những người tận tâm lại nhìn nhận tích cực như vậy về tương tác của họ với người khác, có lẽ vì tôi có một định kiến sai lầm về họ - tôi từng cho rằng họ là những người cực kỳ tận tụy và nghiêm túc nhưng đôi khi cũng quá mức tẻ nhạt vì chỉ biết cắm đầu làm việc. Định kiến đó hoàn toàn sai.
Những người hướng ngoại và dễ chịu cũng thường có cảm xúc tích cực về các công trình cá nhân của họ, nhưng những cảm xúc này đặc biệt mạnh mẽ trong các dự án có liên quan tới người khác. Mặc dù cả người hướng ngoại và người dễ chịu đều hòa đồng, nhưng họ lại có hứng thú với các kiểu hoạt động xã hội khác nhau. Nếu là người hướng ngoại, bạn cảm thấy hiệu quả và tích cực nhất khi được cùng người khác tham gia các sự kiện xã hội thú vị như tiệc tùng chẳng hạn, mặc dù thỉnh thoảng sẽ có xung đột xảy ra trong các sự kiện đó. Nếu là người dễ chịu nhưng không đặc biệt hướng ngoại, bạn có khuynh hướng nhìn nhận hơi khác một chút về sự thành công của những hoạt động có sự tương tác giữa người với người. Bạn thích các hoạt động xã giao nhưng không phải những hoạt động ồn ào. Không giống những người bạn hướng ngoại và đặc biệt là những người bạn khó chịu, bạn thật sự không thích những cuộc gặp gỡ có nhiều xung đột. Ngược lại, những người thuộc nhóm khó chịu lại có cảm xúc tích cực khi làm những việc… khó chịu, chẳng hạn như bắt bẻ hay trừng phạt người khác.
Những người thuộc nhóm cởi mở đón nhận trải nghiệm thường tự bắt đầu các công trình cá nhân của mình hơn là để người khác áp đặt. Điều này phù hợp với những gì chúng ta biết về khả năng của họ trong việc chủ động tham gia vào các hoạt động của thế giới này. Ngoài ra, so với người bảo thủ hơn, người cởi mở hơn thường có khuynh hướng chọn những hoạt động phù hợp với giá trị cốt lõi của mình.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ quan trọng giữa các đặc điểm tính cách, công trình cá nhân và hạnh phúc. Chúng ta đã biết các đặc điểm tính cách là yếu tố dự báo hiệu quả cho khả năng hạnh phúc của con người và theo đó, những người hướng ngoại ổn định thường dễ cảm thấy hạnh phúc hơn cả. Tuy nhiên, không phải lúc nào các đặc điểm tính cách cũng có tác động trực tiếp đến mức độ hạnh phúc, mà thay vào đó, tác động trực tiếp thường đến từ các loại công trình cá nhân mà ta theo đuổi. Ví dụ, không phải lúc nào một người hướng nội khó chịu cũng phải có một cuộc sống bất hạnh. Cô ấy có thể say mê viết bài cho một blog về chính trị và công việc này mang lại cho cô cảm giác thỏa mãn vô cùng, không chỉ vì nó là một công việc có ý nghĩa mà còn vì qua công việc này, cô có thể “phát huy” sở trường bắt bẻ người khác. Tóm lại, khi nói đến hạnh phúc, các công trình cá nhân có thể có tác động vượt trội hơn các đặc điểm tính cách. Điều này mang đến cho bạn hy vọng rằng bạn không phải là nạn nhân của những đặc điểm tính cách bẩm sinh. Những việc bạn làm có ý nghĩa lớn hơn những gì bạn có sẵn khi chào đời.
Khi bạn hành động khác với bản tính thường thấy
Tuy nhiên, giả sử việc bạn muốn làm đi ngược lại với bản tính tự nhiên của bạn. Có thể về mặt sinh học thì bạn là kiểu người dễ chịu, không thích xung đột dù là dưới bất kỳ hình thức nào, nhưng bạn lại thích những điều bí ẩn và mơ ước trở thành một thám tử tài ba. Hoặc bạn là người hướng nội bẩm sinh nhưng lại đang làm nhân vật đại diện bán hàng, một công việc đòi hỏi tinh thần hướng ngoại cực cao. Hoặc có thể bạn là một chuyên gia lập kế hoạch vô cùng tỉ mỉ và nguyên tắc, người đang muốn trở nên ngẫu hứng hơn để kết nối với tinh thần tự do bên trong mình. Nếu vậy, ước mơ của bạn có phải đã tiêu tùng rồi không? Có phải bạn chỉ có thể theo đuổi những công trình phù hợp với thiên tính bẩm sinh của mình? Không hề. Hành trình thực hiện ước mơ của chúng ta không bế tắc như vậy. Trên thực tế, một trong những điều khiến bạn trở nên hấp dẫn chính là khả năng thỉnh thoảng hành động “khác với bản tính”.
Khả năng biến đổi này là một khía cạnh đáng ngạc nhiên và hấp dẫn trong tính cách của chúng ta. Năng lực thực hiện những hành động vượt khỏi khuôn khổ tính cách của bản thân chính là điều mà tôi muốn nói khi đề cập đến quan điểm việc bạn làm có thể định hình lại con người của bạn. Chúng ta thường xây dựng hoặc đón nhận những đặc điểm tính cách để có thể theo đuổi các công trình cá nhân của mình một cách hiệu quả hơn. Khám phá này làm thay đổi những quan niệm trước đây về tính cách con người.
Chính xác thì việc này diễn ra như thế nào? Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải vượt ra khỏi giới hạn của bản thân để đạt được điều mình muốn. Vì vậy, một người dễ chịu có thể hành động không mấy dễ chịu để đặt lịch khám bệnh khẩn cấp với một bác sĩ nổi tiếng, hoặc một cô gái có tính lo lắng bẩm sinh có thể vô cùng điềm tĩnh trong buổi ra mắt gia đình chồng tương lai. Những người này đang thể hiện những gì mà tôi gọi là “nét tính cách tự do”, và họ làm vậy để có thể thành công hơn khi theo đuổi một công trình cá nhân nào đó.
Bạn thường thể hiện những nét tính cách tự do vì những động cơ tốt đẹp nhất, nhưng những nét tính cách này có thể “lừa” người khác nghĩ rằng bạn là người dễ chịu trong khi trên thực tế, bạn là một người khó chịu bẩm sinh. Hoặc người ta có thể cho rằng bạn có cảm xúc ổn định trong khi bạn vốn rất nhạy cảm; hoặc nghĩ là bạn cực kỳ hướng ngoại cho dù sự thật là bạn rất dễ cảm thấy quá tải, dễ mất ngủ sau khi nạp caffeine và thích nằm ườn ở nhà đọc một quyển sách không quá thú vị hơn là bung xõa hết mình trên sàn nhảy. Vậy thì vào lúc chúng ta gặp nhau và tôi bắt đầu hình thành ấn tượng đầu tiên về bạn, những gì tôi thấy có thật sự thể hiện bạn là ai không? Hành vi của bạn là một cú lừa hay một nét tính cách? Có lẽ cả hai đều không phải. Có thể đó là một nét tính cách tự do.
Ví dụ, nhiều người ngạc nhiên khi biết diễn viên hài quá cố Robin Williams đã tự nhận mình là người hướng nội. Trong một cuộc phỏng vấn thu hút nhiều sự chú ý, James Lipton - người dẫn chương trình trò chuyện Inside the Actors Studio - nói với Williams rằng diễn viên hài Mike Myers đã tự mô tả bản thân là người hướng ngoại trong hoàn cảnh cụ thể và là một người hướng nội trong hầu hết khoảng thời gian còn lại. Williams khẳng định ông cũng như vậy và tự mô tả bản thân như một người “hướng nội, trầm lặng và nhạy cảm”.
Về cơ bản, khái niệm hướng ngoại trong hoàn cảnh cụ thể là điều tôi muốn nói khi nhắc đến việc thực hiện một hành vi chịu ảnh hưởng của nét tính cách tự do. Đối với Myers và Williams, hành vi hướng ngoại được lên kịch bản theo đúng nghĩa đen - đó là một phần của vai trò mà họ đang đảm nhiệm nhằm thúc đẩy công trình cá nhân “trở thành diễn viên thành công” của mình. Nhiều người trong chúng ta cũng có hành vi tương tự; các kịch bản của chúng ta có thể mang nghĩa bóng, nhưng chúng cũng yêu cầu chúng ta hành động ngược với khuynh hướng sinh học của mình.
Hãy tưởng tượng bạn đang làm công việc của một tiếp viên hàng không hoặc người thu nợ. Mỗi công việc đều đòi hỏi một phong cách có thể phù hợp hoặc không phù hợp với tính cách vốn có của bạn. Một tiếp viên hàng không gắt gỏng, lầm lì và thiếu kiên nhẫn sẽ không thể trụ được trong ngành, tương tự như một nhân viên thu nợ dịu dàng và vị tha. Nhưng một người có bản tính sinh học không thích hợp với một vai trò nào đó có thể vẫn khao khát được đảm nhiệm vai trò đó. Vì vậy, để có thể tồn tại trong ngành nghề của mình, họ trở thành người mang nét tính cách tự do trong hoàn cảnh cụ thể. Ban đầu, chuyện này có thể khó khăn nhưng trong quá trình phát triển sự nghiệp, họ không ngừng thực hành cho đến khi có thể thể hiện những nét tính cách tự do này tự nhiên hơn. Mặc dù có thể bị những hành khách dày dạn kinh nghiệm nhận ra, các tiếp viên hàng không cố-gắng-tỏ- ra-hiếu-khách thường có thể tiếp tục làm việc trong ngành. Họ thật sự rất coi trọng công việc của mình.
Một ví dụ khác là trường hợp của Victoria. Cô ấy có tính tình ôn hòa và rộng lượng, là kiểu người có thể bao dung cho sai lầm của người khác. Cô rất yêu thương mẹ và có thể nhận ra các triệu chứng suy giảm nhận thức của bà đang trở nên nghiêm trọng hơn từng ngày. Do đó, suốt sáu tháng qua, Victoria đã cố gắng đưa mẹ vào một trung tâm điều dưỡng để bà được chăm sóc tốt hơn, nhưng lần nào cô cũng bị cản trở bởi những thủ tục quan liêu và sự lãnh đạm thờ ơ của những người liên quan. Thế nên cô quyết định phát huy đặc điểm tự do và trở thành một người khó chịu trong hoàn cảnh cụ thể. “Victoria hung hăng” chắc chắn không phải là người ôn hòa tại trung tâm điều dưỡng, nhưng nhờ vậy mà mẹ cô đã được nhận vào trung tâm và công trình cá nhân của cô đã thành công.
Nếu được thực hành thường xuyên, những nét tính cách tự do này có thể ăn sâu hơn vào tính cách của chúng ta, trở thành một đặc điểm có ảnh hưởng rộng hơn và bền vững hơn. “Tôi đã giả vờ làm người mà tôi muốn trở thành và cuối cùng tôi đã trở thành người đó. Hoặc người đó trở thành tôi. Hoặc chúng tôi mỗi người thay đổi một chút để trở nên giống người kia”. Phát biểu này của nam diễn viên nổi tiếng Cary Grant là một minh họa hoàn hảo cho sức mạnh của việc sử dụng những đặc điểm tự do để định hình bản thân. Cary Grant có tên khai sinh là Archibald Leach. Ông chưa học xong trung học và thuở thiếu thời, ông từng đi kiếm sống bằng nghề biểu diễn xiếc lưu động. Nhưng ông khao khát một cuộc sống vĩ đại hơn. Khi bắt đầu thành công trong vai trò diễn viên, ông đã đổi tên thành Cary Grant - cái tên mà ngày nay đa số chúng ta đều biết tới. Bằng cách kiên trì đóng vai một người quyến rũ, tự tin và hóm hỉnh, cuối cùng ông đã thật sự trở thành một người như vậy. Hoặc người đó đã trở thành ông. Và ông đã đạt được thành công vượt trội.
Cụm từ “hành động khác với bản tính thường thấy” (nguyên gốc: “acting out of character”) có thể được hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, đó là hành động khác với cách cư xử đặc trưng. Nghĩa thứ hai là hành động xuất phát từ bản tính. Cách hiểu thứ hai này được dùng trong trường hợp chúng ta hành động theo các giá trị của mình. Có thể bình thường bạn không phải là người cởi mở và hướng ngoại. Nhưng trong một dịp hoặc một dự án quan trọng, bạn không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc phát huy tối đa bản tính vốn có để nắm bắt cơ hội đó và thể hiện một khía cạnh khác của bản thân - theo một nghĩa nào đó, đây có lẽ chính là phiên bản tối ưu của bạn.
Góc hồi phục năng lượng và ngăn ngừa tình trạng kiệt sức
Hành động không phù hợp với bản tính - và ngược với bản chất tự nhiên - có thể khiến chúng ta suy kiệt cả về mặt thể chất và tinh thần. Vậy chúng ta có thể làm gì để nạp lại năng lượng sau khi phải gánh chịu áp lực từ các hành động mang nét tính cách tự do? Chúng ta có thể tìm kiếm hoặc tạo ra một môi trường mà tôi gọi là góc hồi phục năng lượng để tái kết nối với bản thể sinh học của mình và tránh rơi vào tình trạng kiệt sức - đây chính là bí quyết để thành công trong mọi công trình cá nhân.
Góc hồi phục phù hợp với bạn là một môi trường được thiết lập sao cho hài hòa với tính cách nguyên bản của bạn. Ví dụ, góc hồi phục dành cho một người cố-gắng-tỏ-ra-hướng- ngoại là một môi trường yên tĩnh và giảm thiểu kích thích. Ngược lại, sau khi phải hành động như người hướng nội, một người hướng ngoại bẩm sinh sẽ cần một góc hồi phục mang lại cảm giác kích thích và hấp dẫn - sẽ tốt hơn nữa nếu nơi đó có nhiều người hướng ngoại khác đang nhiệt tình thể hiện bản thân. Nào, bây giờ có ai muốn đi hát karaoke không?
Sanna Balsari-Palsule, một nghiên cứu sinh tiến sĩ trong nhóm chúng tôi tại Đại học Cambridge, đã tìm hiểu bản chất và tác dụng của các góc hồi phục tại hai công ty khác nhau. Những người tham gia nghiên cứu này đã hoàn thành bảng đánh giá Năm nhóm tính cách lớn để xem xét các đặc điểm tính cách “tự nhiên” lẫn những nét tính cách họ thể hiện tại công ty. Điều này giúp chúng tôi đánh giá mức độ xuất hiện của các nét tính cách tự do trong môi trường làm việc của họ. Họ cũng được cung cấp một bản mô tả chung về các góc hồi phục và được yêu cầu mô tả góc hồi phục mà họ sử dụng tại nơi làm việc của mình. Kết quả nghiên cứu của Sanna rất thú vị. Cô phát hiện các góc hồi phục có thể được chia thành năm nhóm:
LOẠI HÌNH GÓC HỒI PHỤC | VÍ DỤ | TẦN SUẤT SỬ DỤNG |
Con người | ăn trưa với đồng nghiệp, tán gẫu trong phòng ăn, ăn trưa với những người thú vị, dành thời gian với bạn bè | 59 |
Địa điểm | nơi có ánh nắng, phòng nghỉ, một mình trong phòng họp, phòng yên tĩnh | 19 |
Hoạt động | chơi bóng bàn, nghỉ giải lao năm phút, đọc sách vào giờ nghỉ trưa, đi dạo trong công viên, vẽ, đi uống cà phê | 41 |
Sức khỏe | tập thể dục, chạy bộ trong công viên, thiền, yoga | 24 |
Công nghệ | nghe nhạc, xem YouTube, lướt web, viết blog | 39 |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tương tác với người khác là cách hồi phục được ưa chuộng nhất, nhất là tương tác trong các cuộc gặp gỡ vào bữa ăn trưa - một hình thức hồi phục được cả người hướng nội lẫn hướng ngoại nhắc tới với tỷ lệ như nhau. Tuy nhiên, những người hướng nội thích đi ăn trưa một mình hoặc với tối đa một, hai đồng nghiệp, còn người hướng ngoại thì thường đi ăn với khoảng bốn người khác. Thậm chí có trường hợp còn đi ăn trưa với tám mươi người!
Vận động cũng thường được sử dụng để phục hồi năng lượng, bao gồm sự kết hợp của các hoạt động trong nhà như chơi banh bàn và bi-da (có sẵn trong công ty) và chạy bộ ngoài trời. Nhưng ngay cả khi nhiều người cùng tham gia một loại hoạt động, vẫn có những sự khác biệt tinh tế phản ánh đặc điểm tính cách của mỗi người. Ví dụ, cùng là hoạt động chạy bộ, người hướng ngoại thường nói về nó như “câu lạc bộ chạy bộ”, trong khi đối với người hướng nội thì đó chỉ đơn giản là “chạy bộ”.
Khái niệm về các nét tính cách tự do đã được nghiên cứu cùng với khuynh hướng hướng ngoại trong Năm nhóm tính cách lớn, nhưng tôi tin khái niệm này cũng áp dụng cho các khuynh hướng tính cách khác. Bạn còn nhớ ví dụ về Victoria chứ? Cô ấy vốn là người dễ chịu và hòa nhã nhưng cần phải trở nên hung hăng và khó chịu để có thể tìm được nơi điều dưỡng phù hợp cho người mẹ đau ốm của mình. Sau những lần như vậy, Victoria có thể cần một nơi để phục hồi năng lượng và khôi phục sự nhã nhặn bẩm sinh. Đó có thể đơn giản là nơi cô có cơ hội thư giãn cùng những con người tử tế, những người không bao giờ ngờ được mình lại là một phần trong góc phục hồi năng lượng của ai đó - nhưng tôi nghĩ nếu biết chuyện đó thì họ cũng sẽ niềm nở đón nhận thôi.
Bên cạnh đó, chúng ta rất cần phải hiểu cách hoạt động của các góc phục hồi, bởi vì khi chúng ta hành động khác với bản tính, môi trường xung quanh có thể tạo cơ hội cho chúng ta trở lại trạng thái “tự nhiên” của mình. Hoặc chúng ta có thể tự tạo ra các góc phục hồi mới - đây chính là lúc bạn có thể phát huy năng lực tự hỗ trợ bản thân. Khi nhận ra môi trường xung quanh có thể tác động mạnh mẽ như thế nào đến các nỗ lực của chúng ta, bạn sẽ thấy việc hiểu cách hoạt động của các góc phục hồi là cực kỳ quan trọng.
Môi trường phục hồi nào có hiệu quả nhất đối với bạn? Đó là một lớp học nhảy hip-hop hay một khoảng thời gian được vẫy vùng giữa đại dương mát lành? Đó là bữa tối với mười người bạn hay đi bộ một mình trong rừng?
Là một người hướng nội bẩm sinh, tôi có những thử thách riêng trong việc tìm kiếm nơi phục hồi, đặc biệt là sau mỗi lần phải hành động khác với bản tính của mình để vào vai một giáo sư hướng ngoại. Một trong những điều mà tôi trân trọng nhất đời là được gắn kết với học viên. Tôi luôn cố gắng mang đến những bài giảng hay nhất để khơi gợi ngọn lửa đam mê nơi học viên của mình, đặc biệt là những học viên giàu tiềm năng. Tôi hành xử khác với bản tính vốn có. Chuyện này có thể khiến tôi kiệt sức. Vì vậy, trong thời gian nghỉ giải lao, tôi trở về văn phòng của mình, hoặc nhà vệ sinh nam, hoặc đôi khi là phòng đựng dụng cụ của lao công, để phục hồi năng lượng và sau đó tiếp tục truyền tải thật sống động phần còn lại của bài giảng. Có lần tôi đã sơ ý khiến mình bị nhốt trong phòng chứa đồ và hiển nhiên, góc phục hồi đó đã không giúp ích cho việc hồi phục của tôi được lâu.
Còn về góc phục hồi của riêng bạn, bạn sẽ nhận ra chúng rõ nhất khi cảm thấy các ràng buộc của cuộc sống hằng ngày được tháo cởi và bạn được tự do hành động. Có lẽ dành thời gian đọc một quyển sách be bé giúp bạn hiểu rõ hơn về tính cách của mình cũng là một góc phục hồi thích hợp. Nếu đúng vậy thì tôi vui vì bạn đã chọn góc đó.
"Điều quan trọng hơn cả là hãy làm bạn với chính mình, vì người ta không thể kết bạn với bất kỳ ai nếu không biết cách tự làm bạn với bản thân."
- ELEANOR ROOSEVELT