PHƯƠNG PHÁP BỀN VỮNG ĐỂ THỰC HIỆN CÁC CÔNG TRÌNH CỐT LÕI
Sau cùng, chúng ta quay về với hai câu hỏi then chốt: “Bạn là ai?” và “Bạn đang sống thế nào?”. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến bản sắc và tính cách của bạn; câu hỏi thứ hai tìm hiểu xem cuộc sống của bạn có đang thuận lợi hay không. Và chúng ta đã kết luận rằng cả hai câu hỏi này đều có liên quan mật thiết đến các công trình cá nhân mà bạn đang theo đuổi.
Trong chương cuối này, tôi muốn tập trung vào những việc chúng ta có thể làm cho cuộc sống hiện tại và triển vọng tương lai của mình. Hạnh phúc có thể đến từ những yếu tố mà chúng ta không thể kiểm soát được nhiều, như các đặc điểm sinh học và môi trường xã hội của chúng ta chẳng hạn. Nhưng trong phần này, tôi muốn tập trung vào cách chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi gọi điều này là sống hết mình. Sống hết mình là quá trình mà trong đó chúng ta phát triển vượt trội trong cuộc sống bằng cách theo đuổi các công trình cá nhân cốt lõi một cách bền vững.
Công trình cốt lõi
Tất cả công trình cá nhân đều quan trọng, nhưng không phải mọi công trình cá nhân đều quan trọng như nhau. Hãy nhìn lại danh sách các công trình cá nhân của bạn. Có thể trong danh sách đó có “dọn sạch bồn rửa bát” cùng với “hoàn thành cuộc đua marathon” hoặc “không giành hát trong bữa tiệc karaoke của công ty” ngay bên cạnh “tìm một công việc tốt hơn”. Một số công trình trong danh sách này mang tính tạm thời và không tác động nhiều đến cảm nhận của bạn về chính mình, trong khi những công trình khác đóng vai trò chủ chốt và có giá trị định nghĩa con người bạn.
Công trình cốt lõi là những công trình ảnh hưởng đến tất cả công trình còn lại của bạn. Để xác định các công trình này là cốt lõi hay thứ yếu, hãy tự hỏi công trình này sẽ tác động như thế nào đến các công trình khác nếu nó thành công hoặc thất bại. Nếu một công trình cốt lõi thành công, mọi thứ khác sẽ thuận lợi; nếu không, cả hệ thống của bạn có thể sụp đổ.
Một câu hỏi quan trọng khác bạn cần đặt ra để xác định công trình cốt lõi là bạn có sẵn sàng thay đổi hoặc thậm chí từ bỏ công trình đó hay không. Khi quá trình thực hiện các công trình cốt lõi gặp khó khăn, bạn sẽ vẫn cố gắng không thay đổi chúng, thường là với quyết tâm đáng kinh ngạc. Hãy lấy công trình “luyện tập cho cuộc chạy marathon kế tiếp” làm ví dụ. Nếu công trình này biến mất, nó có thể ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng tới các công trình khác. Về cơ bản, các công trình khác trong danh sách có thể độc lập với công trình chạy bộ. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu việc chạy marathon có liên kết mật thiết và rộng rãi với các công trình còn lại, chẳng hạn như giữ gìn sức khỏe, có cảm giác thành tựu, có vóc dáng đẹp, có quyền kiểm soát cuộc sống? Mỗi công trình đó có thể liên kết một cách rõ ràng hoặc ngầm liên kết với công trình chạy marathon. Toàn bộ cảm thức về bản thân của người thực hiện công trình này có thể xoay quanh mục tiêu trở thành vận động viên marathon. Mục tiêu này đóng vai trò quan trọng trong cách người đó cảm nhận về bản thân và cuộc sống của mình. Tuy nhiên, kiểu công trình cốt lõi này có thể rất dễ sụp đổ. Nếu xảy ra tai nạn trong quá trình chạy thì sao? Ví dụ như vào một buổi sáng, khi người phụ nữ đang chạy bộ thì bỗng trượt chân, vấp ngã hoặc va chạm ở đâu đó và trong phút chốc, mắt cá chân của cô ấy vỡ và trái tim cô ấy cũng tan nát vì thất vọng.
Các công trình cốt lõi cho chúng ta lý do thức dậy mỗi ngày. Chúng mang lại ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như định hướng cho cuộc sống của chúng ta, và trên hết, chúng giúp ta xác định mình là ai. Thật vậy, Bernard Williams, nhà triết học đã nghiên cứu sâu chủ đề này, cho rằng nếu không có những công trình như vậy trong đời, chúng ta sẽ có khuynh hướng tự hỏi mọi thứ có đáng để mình tiếp tục hay không. May mắn thay, ngay cả khi các công trình mà chúng ta nâng niu nhất bị lệch hướng hoặc bị phá bỏ, chúng ta vẫn có khả năng tái thiết cuộc sống của mình với các công trình cũng như cam kết mới, và lại có thể hào hứng chào đón một ngày mới.
Tính bền vững của công trình cá nhân
Các công trình cốt lõi của bạn là gì? Hãy kiểm tra danh sách bạn đã tạo và xác định những công trình nằm ở vị trí trung tâm nhất trong hệ thống công trình cá nhân - những công trình được liên kết với các công trình khác của bạn. Bạn có thể đã không nhận ra vai trò trung tâm của chúng cho đến khi bắt đầu tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng biến mất khỏi cuộc sống của bạn. Theo nhiều khía cạnh, công trình cốt lõi là những công trình có tính cá nhân nhất trong số các công trình bạn có, chúng mang dấu ấn riêng của bạn, là mục tiêu nổi bật nhất mà bạn theo đuổi. Nói cách khác, đó là công trình giúp bạn xác định bản thân mình là ai. Vậy thì những yếu tố nội tại nào có thể nuôi dưỡng những công trình cốt lõi này, hoặc thiếu yếu tố nội tại nào có thể khiến các công trình này bị bỏ mặc hoặc lụi tàn? Sau đây là một vài yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý.
Hài hòa với đặc điểm sinh học: Điều chỉnh các công trình cốt lõi cho phù hợp với các đặc điểm sinh học của bạn có thể giúp các công trình này bền vững hơn. Một người ít nói, hướng nội theo đuổi công trình cốt lõi “tiếp tục sáng tác thơ” có nhiều khả năng duy trì công trình đó hơn so với khi anh ấy muốn “tranh cử một chức vụ chính trị”. Một người kém tận tâm thường ít có khả năng hoàn thành công trình “lấy bằng tiến sĩ” hơn người tận tâm. Mặc dù có quyết tâm cháy bỏng là giải phóng dân tộc mình, một người có thần kinh quá nhạy cảm có thể cảm thấy cuộc đấu tranh đó quá gian khổ đến mức không thể duy trì nó trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn chỉ nên thực hiện những công trình phù hợp với các đặc điểm sinh học của mình. Trên thực tế, quan điểm của chúng tôi về nét tính cách tự do khuyến khích bạn bước ra khỏi vòng tròn thoải mái để theo đuổi những mục tiêu có ý nghĩa đối với bạn. Nhưng khi xét về lâu về dài, con đường theo đuổi công trình cá nhân sẽ suôn sẻ hơn và tiết kiệm công sức hơn nếu các công trình này hài hòa với đặc điểm tính cách của bạn.
Chia sẻ về công trình cá nhân: Một cách hiệu quả để đảm bảo tiến triển của các công trình cá nhân là dành cho chúng sự cam kết cần có. Sự cam kết này có hai mặt. Về mặt nội tại, chúng ta có thể cống hiến hết mình cho một mục tiêu nào đó và điều đó dẫn tới việc ta ưu tiên cũng như đầu tư nhiều hơn cho mục tiêu đó. Bên cạnh đó, sự cam kết với công trình cá nhân còn có mặt ngoại tại: khi chúng ta cam kết với một công trình và cho những người khác biết về cam kết này, khả năng thành công của công trình sẽ cao hơn rất nhiều. Bằng cách cho những người khác biết về các công trình cốt lõi của bạn, đặc biệt là những người bạn đồng hành và những người bạn yêu thương, bạn sẽ có thể nhận được sự hỗ trợ và động viên của họ.
Điều thú vị là khi nói về các công trình cá nhân mà họ cảm thấy dễ chia sẻ cho người khác biết, đàn ông và phụ nữ có cảm nhận rất khác nhau. Cụ thể, nam giới thấy rằng khi họ công khai các công trình có nhiều thử thách thì điều này sẽ gây hại cho công trình đó của họ. Ngược lại, nữ giới lại cho rằng công khai các công trình khó thực hiện sẽ giúp các công trình này được hoàn thành thuận lợi hơn. Có thể đối với đàn ông, việc tiết lộ các công trình khó thực hiện bộc lộ điểm yếu của họ, ít nhất là trong mắt họ thì đó là điểm yếu; còn đối với phụ nữ, việc này giúp khơi gợi sự hỗ trợ từ người khác.
Định hình lại các mục tiêu của bạn: Bạn có nhớ George Kelly và tâm lý học về mô hình nhận thức cá nhân chứ? Kelly tin rằng các mô hình nhận thức cá nhân của chúng ta - lăng kính ta dùng để nhìn thế giới - mang lại cho ta một cách để sắp xếp cuộc sống của mình. Những mô hình nhận thức cá nhân là cơ sở để chúng ta tạo dựng cuộc sống hằng ngày của mình, nhưng đồng thời chúng cũng có thể là những chiếc lồng mà chúng ta tự nhốt mình vào trong khi khăng khăng giữ lấy quan điểm của mình về thế giới. Nói ngắn gọn, cách bạn diễn giải các công trình cá nhân có thể có tác động đáng kể đến tính bền vững của quá trình thực hiện công trình đó. Ví dụ, nếu “giảm cân” được xếp vào trong một công trình cá nhân nào đó của bạn, hãy biết rằng bạn không phải là người duy nhất làm vậy. Đây là công trình được liệt kê thường xuyên nhất trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, khi được diễn giải bằng cụm từ “giảm cân”, công trình này của bạn thường ít có khả năng thành công về lâu về dài so với khi được mô tả là “tận hưởng thời gian tập thể dục”. Định hình lại các công trình cá nhân bằng cách thay đổi cách diễn giải sẽ giúp tăng khả năng thành công về lâu về dài của chúng, và nhờ đó, bạn sẽ dễ đạt được mục tiêu đề ra hơn.
Mất cân bằng có chiến lược: Biết khi nào nên ưu tiên cái gì
Đã có nhiều bài viết về nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giảm thiểu áp lực khi phải đáp ứng quá nhiều đòi hỏi. Nhưng có lúc sự cân bằng là bất khả thi, chẳng hạn như khi công việc đòi hỏi bạn phải làm thêm giờ trong một giai đoạn nhất định nào đó, hoặc con của bạn ngã bệnh và bạn phải dành thời gian chăm sóc nó. Trong cả hai tình huống, bạn ưu tiên thực hiện công trình mà bạn cảm thấy cấp bách và quan trọng, và điều đó đòi hỏi bạn phải chấp nhận tình trạng mất cân bằng một cách có chiến lược. Các công trình khác của bạn tạm thời được gác qua một bên và có thể được ưu tiên trở lại sau đó.
Tác động bên ngoài & tính bền vững của công trình cá nhân
Bên cạnh tính bền vững nội tại - khả năng kiểm soát động lực và cam kết của chúng ta đối với các công trình cốt lõi của mình - chúng ta cũng cần những công trình có tính bền vững bên ngoài. Điều này liên quan tới việc kiểm soát bối cảnh hằng ngày hoặc hệ sinh thái xã hội của chúng ta, không chỉ bao gồm môi trường xung quanh mà còn cả các cá nhân và tổ chức khác. Hãy xem các ví dụ về cách chúng ta củng cố môi trường xung quanh mình, từ mạng lưới mối quan hệ cá nhân đến cộng đồng địa phương và các cộng đồng lớn hơn. Mỗi yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến tính bền vững của các công trình cốt lõi mà chúng ta theo đuổi và đều có thể được thay đổi.
Biết ơn những người hỗ trợ
Chúng ta đã thấy sự hỗ trợ tinh thần từ những người xung quanh quan trọng như thế nào đối với thành công của các công trình cá nhân, vì vậy, tạo điều kiện để duy trì sự hỗ trợ này là rất cần thiết. Trong lúc theo đuổi các công trình cốt lõi, đôi khi chúng ta nhận thức rõ ràng những rào cản cần vượt qua và động lực cần có để tiếp tục hành trình này, nhưng chúng ta lại quên ghi nhận công lao của những người đã luôn ủng hộ mình. Hơn nữa, đôi khi bạn không nhận ra sự hỗ trợ từ những người khác cho đến khi nó không còn nữa. Dù được thể hiện bằng một lá thư tri ân trang trọng hay những lời cảm kích đơn giản như “Cảm ơn, tôi không thể làm điều này nếu không có bạn”, sự công nhận của bạn dành cho những người ủng hộ các mục tiêu cốt lõi của bạn chính là cơ sở để họ tiếp tục cổ vũ bạn.
Định hình bối cảnh cá nhân
Như chúng ta đã biết, bối cảnh cuộc sống hằng ngày có thể củng cố hoặc cản trở quá trình thực hiện công trình cá nhân và khiến ta đánh mất khả năng sống một cuộc đời rực rỡ. Ví dụ rõ ràng nhất chính là cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng như tác động kinh hoàng của nó lên cuộc sống của những người phải di tản và tuyệt vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, bối cảnh có cấp độ trung bình - các cộng đồng mà chúng ta là một phần trong đó - có thể được thay đổi cách sáng tạo.
Trong một cuộc khủng hoảng tị nạn diễn ra ở Đông Nam Á vào cuối những năm 1970, tôi và sinh viên Pit-Fong Loh có cơ hội tìm hiểu những người tị nạn mà ngày nay chúng ta gọi là “thuyền nhân” xem họ đã sống như thế nào khi đến Bắc Mỹ. Chúng tôi nhận thấy yếu tố giúp dự đoán chính xác nhất việc họ có thể thành công hay không chính là mức độ ảnh hưởng của rào cản ngôn ngữ đối với tính bền vững của các công trình cốt lõi. Để hỗ trợ những người tị nạn xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, chúng tôi đã xây dựng một chương trình “trao đổi công trình cá nhân” tại địa phương để giúp họ trau dồi tiếng Anh. Trong chương trình này, những người bản xứ nói tiếng Anh hỗ trợ những người nhập cư muốn học tiếng Anh và đổi lại, người bản xứ có thể tham gia lớp học nấu món ăn của quê hương người nhập cư, hoặc lựa chọn các dịch vụ khác. Những người tham gia chương trình đã thuật lại rằng trải nghiệm này không chỉ có ích cho quá trình theo đuổi công trình cá nhân cốt lõi của họ, mà còn giúp họ xây dựng những tình bạn mới.
Có vô số cách để tối ưu hóa bối cảnh của bạn, từ việc thành lập một hiệp hội những người sống cùng khu phố để hàng xóm có thể trông chừng nhà cho nhau, đến việc kiến nghị thành phố lập một tuyến xe buýt mới. Bằng cách tạo điều kiện để các công trình cốt lõi của bạn trở nên khả thi hơn, như cách chúng tôi đã tạo ra chương trình trao đổi để giúp những người tị nạn, cuộc sống của bạn sẽ chuyển biến từ tồn tại đơn thuần sang phát triển rực rỡ.
Thay đổi trên phạm vi rộng lớn
Chắc chắn những bối cảnh cấp cao nhất như môi trường chính trị và văn hóa đang bao trùm cuộc sống hiện tại đều có ảnh hưởng đến cách chúng ta theo đuổi các công trình cá nhân của mình. Trong một số hệ thống chính trị, chúng ta có thể thực hiện các công trình cá nhân cốt lõi mà không bị can thiệp nhiều. Nhưng ở các hệ thống khác, có những công trình chỉ đơn giản là bị bài trừ theo kiểu “nghĩ tới thôi cũng không được”. Một số những khát vọng lớn nhất và riêng tư nhất của ta có thể bị phá vỡ từ trong trứng nước bởi các quy tắc xã hội, dù đó là khát vọng nâng cao cơ hội học tập cho nữ giới hay đấu tranh vì quyền được kết hôn cho người đồng tính. Nhưng thể chế chính trị có thể được thay đổi, mặc dù đó là một quá trình vô cùng gian nan và đòi hỏi nhiều thời gian. Một trong những khía cạnh thú vị nhất trong nghiên cứu của David Frost về các công trình liên quan tới đời sống tình cảm của những người đồng tính là tìm hiểu xem những người này đã tích cực như thế nào trong việc đấu tranh để hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người có xu hướng tính dục thuộc nhóm thiểu số. Khi khát vọng cá nhân được kết hợp với các nỗ lực chính trị, những trở ngại tưởng như không thể vượt qua trong quá trình theo đuổi các công trình cốt lõi có thể bị phá bỏ.
Có một bài học thiết yếu được lồng ghép giữa những cách thức để thành công theo đuổi công trình cá nhân. Nếu bạn không nhớ được những lời khuyên cụ thể mà tôi đưa ra trong quyển sách này, chỉ cần nhớ điều này: bằng cách xem xét các công trình cốt lõi của bạn và cách duy trì chúng, bạn sẽ được gia tăng sức mạnh để thay đổi quỹ đạo đời mình.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu bạn có khuynh hướng chống lại sự thay đổi? Có lẽ bạn đã có sẵn một câu trả lời đơn giản nào đó cho câu hỏi “Bạn là ai?” (“Vẫn là tôi”) và “Bạn đang sống như thế nào?” (“Không quá tệ”). Trong trường hợp đó, tôi muốn thuật lại một nhận xét của George Kelly về cách sống như vậy:
“Ngày nay, người ta thường nói về việc hãy là chính mình… Đối với tôi, đây là một cách sống rất tẻ nhạt; trên thực tế, tôi tin chúng ta sẽ tốt hơn rất nhiều nếu hướng đến việc trở thành một cái gì đó khác với con người hiện có của chúng ta. Tôi không chắc là cách này có thể giúp mọi người đều trở nên tốt hơn, có lẽ sẽ chính xác hơn khi nói nó sẽ giúp cuộc sống trở nên thú vị hơn nhiều.”
"Có thể làm chính mình trong một thế giới không ngừng nhào nặn bạn thành các phiên bản khác chính là thành tựu vĩ đại nhất."
- RALPH WALDO EMERSON