THỬ THÁCH CỦA VIỆC SỐNG ĐÚNG VỚI BẢN THÂN
Cách nay khoảng năm mươi năm, khi Ted Sarbin hỏi “Anh là ai?”, tôi đã đưa ra một câu trả lời nửa đùa nửa nghiêm túc với mục đích khơi gợi cuộc trò chuyện hơn là nói về danh tính của mình. Nhưng bạn hãy thêm hai từ “thật sự” vào câu hỏi đó và tự hỏi bản thân:
“Bạn thật sự là ai?”
Bạn có muốn né tránh câu hỏi này như tôi đã làm khi đối mặt với Sarbin hay không? Tôi hy vọng là không, bởi vì khi được thêm vào hai từ “thật sự”, ý nghĩa của câu hỏi này trở nên sâu sắc hơn nhiều và đòi hỏi bạn phải nghiêm túc tự suy xét bản thân. Bạn đang được yêu cầu tìm kiếm giữa các đặc điểm nhận dạng khác nhau mà mình sở hữu và khẳng định một bản sắc gần với sự thật nhất, hoặc đưa ra một mô tả chính xác nhất về con người cốt lõi của bạn. Và quan trọng hơn, câu hỏi này ngụ ý rằng có tồn tại một con người chân thực của bạn - chân tính của bạn - và bạn nên tìm kiếm nó.
Có lẽ lời khuyên mà chúng tôi thường đưa ra nhất cho những người đang phân vân trước một quyết định khó khăn là “Hãy cứ là chính mình”. Nhưng xét theo nhiều khía cạnh khác nhau, lời khuyên này không đặc biệt hữu ích, một phần vì nó mơ hồ, và một phần, dù có vẻ khó tin, là vì nó không thật sự mang lại lợi ích cao nhất cho người nghe.
Trước khi chúng ta tiếp tục và phân tích những điểm chưa hợp lý của các quan điểm truyền thống về chân tính, hãy cùng xem các quan điểm này đang thống trị các cuộc thảo luận trong xã hội đương đại như thế nào. Chân tính đã trở thành đề tài nóng hổi trong các phòng họp lãnh đạo và trường dạy kỹ năng quản lý trên toàn cầu, khi mà “khả năng lãnh đạo dựa trên chân tính” trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trong nhiều hội thảo và khóa học của các công ty. Sự phổ biến này có lý do rất rõ ràng: cuộc khủng hoảng tài chính và các vụ bê bối đạo đức trong thập niên qua đã thúc đẩy người ta đưa ra những tiêu chuẩn mới cho một nhà lãnh đạo tài giỏi, đó là trung thực và minh bạch. Các nhà lãnh đạo cần truyền đạt thông tin rõ ràng và không giả tạo. Họ phải thành thật và không được chơi trò mánh khóe. Họ cần phải chân thực.
Nếu sống đúng chân tính có nghĩa là thành thật và ngay thẳng thì chắc chắn đây cũng là điều bạn nên hướng đến đúng không? Nhưng chuyện không đơn giản như thế.
Tôi tin rằng hành trình tìm kiếm chân tính đã bị định hướng sai theo một cách nào đó, vì thật ra, bạn không có một con người thật. Trên thực tế, bạn có thể có đa chân tính. Trong thời đại mà người ta quá chú trọng ý tưởng về một con người thật, đa chân tính có thể là một khái niệm phức tạp và gây tranh cãi, nhưng có nhiều hơn một chân tính không có nghĩa là chúng ta thiếu chiếc la bàn đạo đức, thiếu trung thực hay thậm chí là có mâu thuẫn nội tâm. Đa chân tính chỉ đơn giản là một con người thành thật có thể khác nhau tại những thời điểm khác nhau, và con người thật sự của bạn có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
Khi sự chân thật không hiệu quả
Dù sự cởi mở và minh bạch có thể là phương tiện kết nối cực kỳ hiệu quả giữa chúng ta và những người khác, sự chân thật không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Herminia Ibarra, một giáo sư chuyên ngành kinh doanh ở Pháp, đã viết một bài phân tích sâu sắc và khơi gợi nhiều tranh luận về lý do tính chân thật trong nghệ thuật lãnh đạo có thể không tuyệt đối tốt đẹp như nhiều tổ chức hằng tin tưởng. Bà lập luận rằng việc bộc lộ hoàn toàn bản thân, bao gồm tất cả ưu và khuyết điểm, có thể khiến năng lực lãnh đạo của chúng ta bị suy giảm chứ không phải được củng cố.
Bà đưa ra ví dụ về Cynthia, một tổng giám đốc làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và vừa được thăng chức. Khi Cynthia đảm nhiệm vị trí mới này, phạm vi và mức độ phức tạp của các trách nhiệm mà cô gánh vác tăng lên rất nhiều. Đây là một thử thách dễ làm người ta nản lòng thoái chí, và lẽ ra Cynthia có thể chỉ đơn giản tôi luyện bản thân để từ từ thích ứng với yêu cầu của công việc và giả vờ tự tin cho đến khi cô thật sự tự tin. Nhưng thay vào đó, cô đã chọn sự thành thật 100%. Cô tin vào lợi ích của tinh thần lãnh đạo minh bạch và hợp tác. Ibarra kể lại: “Vì vậy, Cynthia thành thật chia sẻ với các nhân viên mới của mình rằng ‘Tôi muốn làm tốt công việc này nhưng nó thật đáng sợ và tôi cần sự giúp đỡ của mọi người’. Sự ngay thẳng của cô đã phản tác dụng; cô bị mất uy tín với nhân viên, những người đang muốn và cần một nhà lãnh đạo tự tin”.
Trường hợp của Cynthia là một ví dụ đáng chú ý về nét tính cách tự do, chủ đề mà chúng ta đã đề cập trước đó. Cô ấy thể hiện khuynh hướng lo âu vốn có của mình, với suy nghĩ rằng điều này có thể giúp người khác thấy cô là người thành thật. Thật không may, thay vào đó cô đã bị cho là yếu đuối. Nếu Cynthia cố gắng ra vẻ điềm tĩnh thì sao? Nếu phát huy nét tính cách tự do để giả vờ điềm tĩnh, cô có thể nhận được sự tin tưởng và cam kết của nhân viên. Lẽ ra cô đã có thể nâng tầm công trình cá nhân cốt lõi của mình vì công ty. Bằng cách thực hành các thói quen và cách ứng xử điềm tĩnh, cô có thể thật sự trở nên điềm tĩnh hơn khi được khích lệ bởi lòng tin của đồng nghiệp vào năng lực lãnh đạo của cô.
Tôi biết thoạt nghe thì cách “giả mãi thành thật” này có thể bị xem là thiếu trung thực trong mắt một số người. Nhưng tôi tin rằng việc thay đổi cách hành xử đặc trưng của bạn để phù hợp với các tình huống khác nhau hoàn toàn không phải là giả dối hay đi ngược lại chân tính. Lý do là vì người ta mặc định rằng mọi hành vi không đồng bộ với cảm xúc nội tại đều là giả dối, do đó mới có lời kêu gọi “hãy luôn làm con người thật của mình”. Nhìn từ góc độ này, những nét tính cách tự do đều là sự lừa dối. Nhưng tôi mong bạn hãy xem xét lại mặc định đó. Khi tự hạn chế bản thân trong chỉ một khuôn mẫu, bạn đang chặn đứng khả năng đưa bản thân trở thành một điều gì đó to lớn hơn.
Tôi nghĩ một số độc giả có thể đồng ý rằng quan điểm “luôn là chính mình” đang kìm kẹp và hạn chế khả năng phát triển của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều người khác sẽ rất khó chịu với ý tưởng này. Vì vậy, có thể sẽ có ích nếu chúng ta xem xét thêm một đặc điểm tính cách khác để xem bạn có tán thành quan điểm đa chân tính hay không. Đặc điểm này được gọi là tính tự điều chỉnh và nó tập trung đánh giá xem chúng ta có khuynh hướng trung thành với một cách hành xử hay linh hoạt thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh.
Mối liên quan giữa khả năng tự điều chỉnh và chân tính
Để đánh giá mức độ tự điều chỉnh của bạn, hãy xem các nhận định bên dưới.
1. Tôi dễ dàng bắt chước hành vi của người khác.
2. Trong những tình huống khác nhau và với những người khác nhau, tôi thường có cách hành động rất khác nhau.
3. Không phải lúc nào tôi cũng giống với những gì tôi thể hiện ra bên ngoài.
Nếu bạn hoàn toàn đồng ý với từng nhận định trên, có nhiều khả năng bạn là người có tính tự điều chỉnh cao. Điều đó có nghĩa là bạn rất chú ý đến cách mình cư xử trong các tình huống khác nhau và thay đổi hành vi cho phù hợp với môi trường xung quanh. Còn nếu bạn không đồng tình với từng nhận định trên, có lẽ bạn là người có khả năng tự điều chỉnh thấp. Một trong những nét đặc trưng nhất của bạn là bạn luôn là chính mình trong mọi tình huống. Bạn không tạo ra một phiên bản tính cách mới để thích ứng với hoàn cảnh cụ thể.
Để hiểu những khuynh hướng này diễn ra như thế nào trong đời sống hằng ngày, bạn hãy hình dung bản thân là người có mức độ tự điều chỉnh thấp và đang có mối quan hệ với người có tính tự điều chỉnh cao. Theo quan điểm của bạn, người kia khá giống một con tắc kè hoa. Cô ấy xuất hiện như những người khác nhau trong những tình huống khác nhau - một quý cô công sở, một cô gái thích tiệc tùng, một người thích chơi với lũ trẻ - và điều đó khiến bạn bối rối. Rốt cuộc thì người phụ nữ mà tôi gắn bó là ai? Tôi thật sự yêu ai trong số các phiên bản này? Và khi nhìn bạn, cô ấy cũng bối rối nhưng theo một kiểu hoàn toàn khác. Cô ấy thấy bạn là một người có cách hành xử bất biến và dễ đoán, và hiển nhiên chuyện này có ưu điểm của nó. Nhưng sự bất biến đó có thể bị xem là nhàm chán và, tệ hơn, là quá cứng nhắc. Tại sao anh không thể linh hoạt và thích ứng với hoàn cảnh? Đó là một bữa tiệc tối! Sao anh không thể hòa vào không khí vui vẻ xung quanh và thoải mái một chút trong một buổi tối thay vì cứ liên tục nói về những lợi ích tài chính của mô hình thuế cố định?
Các nghiên cứu quy mô lớn đã chỉ ra rằng những người có tính tự điều chỉnh cao thường đạt được thành tích tốt trong một số lĩnh vực của cuộc sống, nhưng lại kém trong những lĩnh vực còn lại. Công việc là một trong những lĩnh vực mà họ có ưu thế. Nếu là người dễ thích nghi và có tính tự điều chỉnh cao, bạn có nhiều khả năng được thăng chức và đảm nhận các vị trí lãnh đạo hơn những người có mức độ tự điều chỉnh thấp trong công ty. Một trong những lý do bạn xuất sắc trong công việc là vì bạn có thể đóng nhiều vai trò khác nhau để trở thành cầu nối giữa các nhóm và các liên minh khác nhau. Nhưng tổ chức của bạn cũng phải đối mặt với một rủi ro, đó là không giống như những người có tính tự điều chỉnh thấp vốn trung thành hơn với công ty, bạn có khuynh hướng đổi nơi làm việc nếu nhận được một lời đề nghị phù hợp hơn. Như bạn có thể hình dung, sự thiếu cam kết này còn ảnh hưởng xấu đến một khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống chúng ta, đó là các mối quan hệ. So với người có mức độ tự điều chỉnh thấp, người có tính tự điều chỉnh cao thường có những mối quan hệ kém ổn định hơn.
Tuy nhiên, một người có khả năng tự điều chỉnh cao hoặc thấp không có nghĩa là họ chân thật hơn hoặc giả tạo hơn những người thuộc nhóm còn lại. Và đây chính là luận điểm mà tôi dùng để bẻ gãy những lời khuyên “hãy là chính mình”.
Mark Snyder, người khởi xướng thuyết tự điều chỉnh, cho rằng người có tính tự điều chỉnh thấp là người sống tuân thủ nguyên tắc, trong khi người có tính tự điều chỉnh cao thì khá thực tế. Tôi nghĩ nhận định này đúng một phần. Giả sử bạn là người có khả năng tự điều chỉnh thấp. Bạn tìm kiếm một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi bạn là ai và coi trọng những giá trị gì. Đây rõ ràng là một cách tiếp cận cuộc sống rất có nguyên tắc của bạn. Nhưng đồng thời nó cũng thực tế; nó giúp bạn không phải liên tục quyết định xem mình phải trở thành ai trong tình huống này hoặc vai trò kia, nhờ đó bạn được tự do thực hiện các công trình và nguyện vọng mà bạn coi trọng. Còn nếu bạn là người có tính tự điều chỉnh cao? Vậy thì sự chú ý của bạn tập trung vào những đòi hỏi thiết thực của việc sống trong một thế giới phức tạp. Những đòi hỏi này bao gồm hòa hợp với những người khác nhau có những kỳ vọng khác nhau và nắm bắt những thời cơ khác nhau khi cần. Đó rõ ràng là tính thực tế. Nhưng tôi nghĩ người có tính tự điều chỉnh cao cũng rất nguyên tắc trong một vài phương diện. Bạn có thể coi trọng tình bạn hoặc sự hài hòa, hoặc quan tâm đến nhu cầu của người khác. Và nếu trong quá trình này, bạn không thể thể hiện rõ hình ảnh một con người nhất quán thì bạn cũng thấy chẳng sao cả - thật ra, như vậy lại tốt hơn.
Tất nhiên, câu trả lời khả dĩ nhất là bạn không ở thái cực này hoặc thái cực kia. Trong một vài tình huống, bạn hòa hợp với con người mà bạn thể hiện, còn trong những tình huống khác, sự hòa hợp đó có thể nhạt nhòa hơn một chút. Thực tế, nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng tính tự điều chỉnh không cố định như một đặc điểm sinh học, mà nó linh hoạt như một nét tính cách tự do. Bạn áp dụng khả năng này khi nó giúp ích cho các công trình cá nhân của bạn.
Quan sát những thay đổi thất thường của hành vi theo cách này là rất quan trọng. Khi làm vậy, chúng ta không chỉ hiểu hơn về những con người (khó hiểu) xung quanh, mà còn được khuyến khích nhìn nhận chân tính theo một cách khác. Nếu tính nhất quán không phải lúc nào cũng là chuẩn mực đạo đức duy nhất và nếu hành vi không nhất quán có thể vừa mang tính nguyên tắc vừa thực tế, vậy thì chân tính không phải chỉ có một cách thể hiện. Trên thực tế, chúng ta có nhiều cách thể hiện chân tính, và những cách thể hiện đó không phải là những đặc điểm cố định của con người, mà là những chiến lược linh hoạt để chúng ta tương tác với bản thân và thế giới.
Ba cách thể hiện chân tính
Về cơ bản, có ba cách chúng ta có thể dùng để trả lời câu hỏi về chân tính - câu hỏi “Bạn thật sự là ai?” - tương ứng với các nguồn gốc khác nhau của đặc điểm tính cách con người mà chúng ta đã biết như nguồn gốc sinh học, nguồn gốc xã hội và bản tính đặc trưng.
Chân tính sinh học: Thuận theo bản tính tự nhiên
Một cách để bạn có thể sống đúng chân tính là hãy trung thành với bản tính sinh học của mình - bản thể được hình thành bởi các yếu tố thuộc về thể chất. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn vừa nhận được lời mời tham dự một bữa tiệc tại khu phố nhà mình vào cuối tuần tới. Cảm giác gì lập tức xuất hiện trong bạn? Cảm giác vui sướng vì bạn vốn thích tiệc tùng, hay cảm giác lo lắng vì bạn thấy những bữa tiệc chỉ khiến mình mệt mỏi? Nếu bạn hành động theo sự thôi thúc đến từ bản tính tự nhiên của mình, điều đó nghĩa là bạn đang thể hiện chân tính sinh học - sự trung thành với bản thể tự nhiên. Nếu được hỏi, bạn sẽ lý giải quyết định tham gia hoặc không tham gia bữa tiệc bằng cách nói rằng bạn làm theo lẽ tự nhiên. Bạn cư xử đúng với mong muốn của mình; bạn không giả tạo. Bạn có thể thích hoặc không thích tiệc tùng, nhưng con người đang hành động theo cảm giác thích hoặc ghét đó chính là con người chân thật của bạn. Đây chính là ví dụ điển hình cho mức độ tự điều chỉnh thấp.
Những lựa chọn bắt nguồn từ bản năng sinh học có mối liên hệ mật thiết với các nét tính cách tương đối ổn định của chúng ta. Người cởi mở và hướng ngoại thường thoải mái đưa ra câu trả lời “Đi nào!” khi nhận được lời mời. Người nhạy cảm thái quá và hướng nội có khuynh hướng đáp lời theo phản xạ rằng “À, xin lỗi, tối hôm đó tôi bận rồi” (và có lẽ họ cũng tự nhủ “trong vòng bảy năm tới cũng bận luôn rồi”).
Chân tính xã hội: Thực hiện các nghĩa vụ
Tuy nhiên, khi nói đến tiệc tùng, có thể bạn cũng tuân theo các yêu cầu mang tính xã hội xuất phát từ các quy chuẩn văn hóa và tình huống định hình hành vi hằng ngày của bạn. Bất kể đặc điểm tính cách của bạn là gì, quyết định từ chối hoặc chấp nhận lời mời dự tiệc có thể tùy thuộc vào việc bạn có phải là thành viên của một nhóm cực đoan luôn coi các bữa tiệc là phù phiếm hay không; hoặc có thể bạn là ủy viên ban chấp hành của hiệp hội khu phố, và xét cho cùng thì bữa tiệc chính là một sự kiện của khu phố. Do đó, bạn không cần nghĩ ngợi mà nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên trách nhiệm xã hội của mình, chứ không nhất thiết là theo mong muốn cá nhân. Đương nhiên, mong muốn của bạn hoàn toàn có thể hòa hợp với trách nhiệm mà bạn cho rằng mình cần thực hiện, và trong trường hợp đó, hành động của bạn càng quyết đoán bội phần.
Ngoài phạm vi của khu nhà mình sống, các đặc điểm tính cách của chúng ta có thể được xây dựng từ các quy ước văn hóa thể hiện qua các phương tiện truyền thông hoặc ấn phẩm văn hóa. Khái niệm này được gọi là Nguyên lý Quixotic, một khái niệm được nhà tâm lý học Ted Sarbin đưa ra vào năm 1994. Nguyên lý này cho rằng các kịch bản hoặc khuôn mẫu trong nền văn hóa cho chúng ta biết nên hành động và cư xử thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Những quy tắc hành xử này có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ. Ví dụ điển hình nhất của ảnh hưởng này là Don Quixote, một nhân vật vô cùng thú vị trong tác phẩm của đại văn hào Miguel de Cervantes. Don Quixote được miêu tả như một người đàn ông đơn giản đến từ La Mancha, vì mê đắm những câu chuyện về hiệp sĩ xa xưa nên đã lên đường tìm kiếm những chiến tích vĩ đại cũng như hình tượng kỵ sĩ hào hiệp. Don Quixote đã áp dụng các khuôn mẫu và kịch bản xã hội của thời đại trước, đến mức những mục tiêu mà anh theo đuổi hoàn toàn là chuyện điên rồ trong mắt những người từng tiếp xúc với anh. Nhưng chuyện đó chẳng ảnh hưởng gì đến anh. Trong tâm trí của Don Quixote, anh đang thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chân tính đặc trưng: Con người sâu sắc hơn của bạn
Trở lại ví dụ về lời mời dự tiệc. Giả sử bạn nhận lời dự tiệc. Đến ngày hẹn, bạn đến nơi tổ chức tiệc, bước vào cửa và nhìn thấy anh hàng xóm Diego cùng với cô vợ Emily của anh ấy. Một tháng vừa qua, bạn đã vô tình gặp Diego tại một vài sự kiện xã hội và lúc nào anh ấy cũng đi cùng Emily. Sự nhiệt tình tham gia các sự kiện xã giao mà Diego đã thể hiện khiến bạn cho rằng anh ấy hẳn là một người khá hướng ngoại. Bạn mặc nhiên nghĩ rằng đối với Diego, dự tiệc là hành động tự nhiên.
Nhưng có thể Diego không phải là người bẩm sinh thích tiệc tùng; trên thực tế, anh ấy cực kỳ hướng nội, thích sự riêng tư và tránh đương đầu với các tình huống xã hội. Và có thể không có bất kỳ quy tắc xã hội cụ thể nào buộc anh phải tham dự mọi sự kiện xã hội quan trọng trong tháng đó. Trên thực tế, cả Diego và Emily đều là những người làm việc quá thời gian tại một công ty đòi hỏi nhân viên làm việc sáu mươi giờ một tuần với sự tận tụy không suy giảm. Về phương diện văn hóa, không có ràng buộc nào khiến họ phải tích cực tham gia các sự kiện xã hội như vậy - ngược lại thì đúng hơn. Vì vậy, đối với Diego, sự nhiệt tình tham gia tiệc tùng không bắt nguồn từ bản tính sinh học hay bản tính xã hội của anh.
Thay vào đó, hành động của Diego trong tháng đó có thể xuất phát từ bản tính thứ ba - những công trình cá nhân cốt lõi trong đời anh. Emily đang mắc bệnh nan y, nhưng cô và Diego đã quyết định không cho bất cứ ai ngoài những người thân nhất trong gia đình biết chuyện này. Các triệu chứng của cô sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng tại thời điểm này, cô vẫn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày và thậm chí là làm một số việc mà cô yêu thích, chẳng hạn như gặp gỡ hàng xóm và cùng nói về những chuyện có ý nghĩa với họ. Emily thích những bữa tiệc - thật ra, cô ấy sống vì chúng.
Đối với Diego, công trình quan trọng nhất hành tinh lúc này là “hiện diện vì Emily” và không gì có thể ngăn cản anh hoàn thành mục tiêu này. Nếu chuyện đó có nghĩa là anh cần phải hành xử ngược với bản tính sinh học của mình thì cũng không sao cả. Nếu nó gây trở ngại cho lịch làm việc của anh và anh phải khiến công ty thất vọng thì cũng không sao cả. Đôi khi, một công trình nào đó sẽ đòi hỏi toàn bộ tâm trí và sức lực của chúng ta. Khi người mà ta yêu thương đang cận kề cái chết, hiển nhiên ta sẽ tập trung toàn bộ tâm trí vào chuyện đó.
Vậy có phải Diego đang hành xử không đúng với chân tính hay không? Tôi không nghĩ vậy. Anh ấy đang hành động ngược với những đặc điểm sinh học của mình, bỏ qua những áp lực xã hội và thể hiện sự cam kết tuyệt đối với công trình cốt lõi của đời mình.
Khi nhìn thấy bức tranh sinh thái-xã hội hoàn chỉnh về con người mình, chúng ta nhận ra sự thật rõ ràng là mình có thể có đa chân tính. Và không có gì bất thường nếu một vài phiên bản trong số đó xung đột với nhau. Điều này không có nghĩa là chúng ta lạc lối trong thế giới của “chủ nghĩa đạo đức tương đối”, mà chỉ đơn giản là có nhiều cách để làm một người tốt và - quan trọng nhất - để trở thành một người tốt hơn. Chính bằng cách công nhận tất cả bản thể của mình cũng như xem xét và tái cân bằng chúng, ta mới có thể thật sự sống đúng với chân tính của mình. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu rõ nhất mình là ai và làm thế nào để sống trọn vẹn nhất cuộc đời phong phú của mình.