CHRISTOPHE: Là con người, chúng ta đều là những chuyên gia về khổ. Dù đó là khổ của chúng ta hay của người thân, chúng ta đều biết rất rõ. Nhưng vì bác sĩ thường có vẻ như là người để mọi người đến nhờ làm vơi hay chấm dứt khổ, tôi sẽ xung phong nói trước về đề tài này.
HỌA ĐỒ CỦA KHỔ
CHRISTOPHE: Để giải thích khổ cho bệnh nhân và cho họ thấy chúng tôi sẽ làm thế nào, tôi cố xác lập một sự khác biệt – tất nhiên là giảm nhẹ nhưng mô phạm – giữa đau và khổ.
Cái đau là phần sinh học, hữu cơ hay hiện sinh của khổ: một cái răng sâu đem lại những biến đổi sinh học kéo theo một cảm giác buốt nhói. Thi thoảng, cái đau còn thể hiện bằng một sự kiện xảy ra: mất một đứa con, một người bạn, một người thân. Cuối cùng, cái đau là thực tế. Khổ chỉ tác động của đau đối với tâm trí ta, thế giới quan của ta. Ta hãy lấy ví dụ chứng ù tai: những tiếng vo vo hay tiếng rít trong tai là một hình thức đau tương đối nhỏ (thực ra có những khó khăn tệ hơn nhiều) nhưng nó có thể gây ra những nỗi khổ lớn vì tác động của sự xáo trộn nhỏ này sẽ kéo theo những ám ảnh, chiếm trọn tâm trí và thỉnh thoảng đòi hỏi một trợ giúp tâm lý. Tôi không thể làm cái đau của bệnh nhân biến mất chỉ bằng nói suông – khi thì cần thuốc men, khi thì cần thời gian – nhưng tôi có thể giúp họ hiểu nỗi khổ của họ và giảm nhẹ nó bằng một số cách thức như trị liệu tâm lý hay thiền.
Cách thứ hai để hiểu khổ là định nghĩa cái đối lập nó. Ngược lại với khổ có thể là vui sướng, nhưng khi ta khổ, ta không mong vui sướng, ta chỉ muốn hết khổ. Cái đối lập với khổ do vậy là bình yên, thanh thản, bình tâm, được quên và tận hưởng cuộc sống.
Từ đó, ta đến điểm thứ ba: cái xác định đặc điểm của khổ, đó là nó tách ta khỏi thế giới. Simone Weil đã nói rất đúng về “mức độ đau mà khiến ta đánh mất thế giới”. Nó cô lập chúng ta và thực ra, cái trái ngược của khổ là nối lại với thế giới, tìm lại được một mối liên hệ hài hòa và lắng dịu với thế giới.
ALEXANDRE: Nếu tôi bước vào triết học thì chính là để thử tìm thấy một phương cách chữa khổ. Tôi muốn bằng mọi giá giết chết nó và cứu mạng mình. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã ở bên những người mà, giữa thử thách, nuôi dưỡng được một niềm vui sống bao la. Tôi đã ước ao đến lượt mình phát hiện niềm vui này, làm tất cả để đến được đó. Đó là cái câu đố cho đời tôi! Về khổ, cần phân biệt rõ cái khổ nối liền với thân phận con người chúng ta, mà ta khó thoát được, thậm chí hoàn toàn không thể (bệnh tật, cái chết, động đất, mất người thân), với những giày vò trong tâm hồn. Thêm vào những đòn số phận không thể tránh là cả một mớ bòng bong cảm xúc: những cự tuyệt, thất vọng, bất mãn… Tin vui là cả cái mớ bòng bong giằng co này không phải là không có thuốc chữa. Từ đó, câu hỏi thực sự là: Làm sao vượt qua bể khổ này mà không đắm và không chở theo trên ghe mọi lo âu vô ích dập vùi và làm ta tái mét? Về điểm này, khuyết tật đóng vai trò như một thứ có tính khai sáng mạnh mẽ, nó dạy tôi rằng trí óc nhấn mạnh, nói quá, thậm chí tạo ra toàn bộ nỗi đau. Nếu tôi bằng lòng với thực tế, nếu tôi cứ đứng hai chân trên đất mà không đi theo những nỗi sợ và phóng chiếu, rõ ràng tôi sẽ đỡ khổ hơn. Khi băng qua đám đông, khi tôi không chậm lại vì những cái nhìn chòng chọc và nhắc rằng tôi không hoàn toàn như mọi người, thì tôi sẽ thấy niềm vui sâu lắng. Nhưng vừa khi tôi xem nặng mọi ánh mắt chằm chằm vào mình, tôi nguy. Trong nghĩa này, bé con 4 tuổi của tôi đã chữa bệnh cho tôi, nó không dán cả mớ nhãn linh tinh lên ông bố tàn tật của nó.
Chẩn đoán mà đạo Phật và các nhà thần bí Cơ Đốc đưa ra làm tôi vui mừng: nếu ta vật lộn trong bất hạnh, đó rốt cuộc là vì ta bị lưu đày và một lớp dày ảo tưởng, ham muốn và sợ hãi che khuất chân tánh ta, cái sâu thẳm nhất. Tâm lý học tích cực, cũng như đạo Phật, đưa ra một thông điệp mang tính cách mạng: những giằng co của chúng ta không hề là thứ tiền định. Có thể làm vơi bớt nỗi khổ sở này, thậm chí còn tránh được. Chẩn đoán đưa ra rồi thì ta có thể lẹ làng dấn thân vào một nghệ thuật sống và một khổ tu đẩy lùi từng bước cái làm cồng kềnh, cái đè nặng đời sống. Tôi cũng tìm thấy trong sách của thầy Eckhart hay trong các tác phẩm của Angelus Silesius một lời kêu gọi táo bạo chúng ta hãy tháo gỡ mình khỏi cái tôi nhỏ bé hà hiếp chúng ta, dọn trống ngôi đền tâm trí để niềm vui cuối cùng được tỏa sáng. Tôi thích ý niệm khổ tu, vì nó đuổi hết ý nghĩ cam chịu và cho phép mỗi người thực hành tiến lên, tiến bộ. Nó cho phép một niềm hy vọng bao la khi vạch ra một con đường rất cụ thể để đến đó.
Triết học cổ đại gợi lên hình ảnh một vận động viên, người lính, tóm lại là người rèn luyện mỗi ngày để hoàn thiện kỹ năng. Askein trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “luyện tập”. Luyện tập là lên đường, sửa mình, làm quen với đạo lý. Làm sao mà không thấy ở đó một niềm vui, niềm vui của kẻ bị bắt thoát được ngục tù, thành người tự do? Lúc đó mọi thứ đều trở thành dịp để tiến bộ, giải thoát.
Tôi có thể làm mọi cách để nhẹ gánh, để giải thoát. Nỗi sợ miệng lưỡi người đời thật sự làm hỏng đời tôi khi khiến tôi xa rời một tiếng “vâng” vui vẻ với thực tại như nó diễn ra. Do đó mà có cái phương thuốc uy lực là vô chấp. Ngay khi tôi tự quy mình về còn một mô tả, một hình ảnh tôi bịa ra về mình, tôi sẽ khổ. Để thử diệt trừ cái cơ cấu độc hại này, đừng bao giờ đánh đồng mình với bất cứ gì. Giữa những chế nhạo, mỗi lần tôi tự xem nặng mình, ngàn lần mỗi ngày, tôi sẽ quay về với bài tập xóa sạch và rút ra khỏi các vai trò, vết thương và kỳ vọng.
Kẻ dấn thân vào khổ tu sớm muộn gì rồi cũng có lúc đối mặt nguy cơ duy ý chí: tin rằng mọi thứ đều tùy thuộc ở ta, rằng ý chí và lý trí làm chủ. Một lần đi ngang một cơ sở chăm sóc giảm nhẹ, tôi phát hiện ra một sự bất công rõ ràng: đúng vậy, ý chí chưa đủ. Một số bệnh nhân duy trì một trạng thái tinh thần tuyệt vời, vận dụng một nghị lực đáng kể, nhưng căn bệnh vẫn đưa họ đi. Số khác thì may mắn hơn. Thách thức là tán dương những tu tập, hiệu quả đáng kể của chúng đối với tâm trạng của ta, sức khỏe của ta, và thậm chí với hệ miễn dịch, trong khi ghi nhớ rằng không phải tất cả đều tùy thuộc ở ta. Tôi luôn dè chừng những thứ bức chế. Ta sẽ rơi vào bạc đãi khi tầm thường hóa khổ và chê trách những ai không ra khỏi nó. Có hôm, tôi ở chỗ bác sĩ nha khoa, và ông ta báo trước với tôi: “Đừng cục cựa! Nếu không đây sẽ là thảm họa.” Cái này có chút giống như chúng ta quát một đứa trẻ: “Đi ngủ đi!” Với tình trạng tàn tật của mình, tôi càng cố kiểm soát động tác, cơ thể càng làm loạn, co quắp và có các động tác riêng. Một lần nữa, còn lời thôi thúc nào cấp bách hơn là dám phó thác? Nằm trên ghế nha sĩ này, tôi bỏ qua lời bác sĩ mà tự trấn an: “Muốn thì cứ cục cựa đi, nhưng đừng làm chủ gì cả, ngay cả cố thư giãn cũng không.” Và phép lạ xảy ra, tôi nằm im. Cũng vậy, thật nguy hiểm khi đối xử thô bạo với một người đau khổ bằng những câu “Tỉnh dậy đi” và “Nhúc nhích đi”, nó vừa phản tác dụng vừa vô nhân đạo.
Đối với những ai phải gánh hằng ngày một cái khổ thể xác hay bất ổn nội tâm, một nghệ thuật sống là không thể thiếu để các rắc rối không trở thành trung tâm đời sống. Trước hết, tôi đồng tình với Schopenhauer rằng chấm dứt cái đau không đủ để ta đạt đến trạng thái hạnh phúc. Thường thường, tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, miễn tống khứ được một cái đau và khi cuối cùng cũng được tạm yên, tôi còn không cảm thấy vui. Tôi thật quá vô ơn! Vì liếc nhìn tới tương lai, tôi đã quên cả ngàn lẻ một món quà ở đây, ngay tầm tay… Từ đó, luyện tập là thực hành lòng biết ơn, và cái này phải tận đáy lòng. Nhìn nụ cười riêng đặc biệt này, thưởng thức món ăn này, đưa mắt nhìn trời. Nói tóm lại là mở lòng ra với cái ta nhận được. Sống ngày này sang ngày khác cùng một vết thương giống chuyện chạy marathon hơn là chạy nước rút. Và sự kiệt sức lảng vảng không xa lắm. Do đó mà cần dè chừng cẩn thận để không trở nên bực tức và cay đắng.
Khổ tu đòi hỏi ta vận dụng mọi thứ để tai họa không có tiếng nói quyết định. Simone Weil đã truy đến cùng những cỗ máy tàn bạo của khổ đau. Trong cuốn Trọng lực và ân huệ, với sự thành thật không ngờ, bà thú nhận sự tàn nhẫn bóp nghẹt bà khi bà gặp những cơn đau nửa đầu dữ dội. Nó đạt đến mức để thoát khỏi nó, bà muốn đấm vào mặt người khác, đúng vị trí mà bà cảm thấy đau không chịu nổi. Nói vậy để thấy cái đau có thể làm ta nổi khùng, hung dữ. Làm sao để mình không trút những vết thương, những thất bại đã quá sức chịu đựng lên người đầu tiên mình nhìn thấy trong lúc đó? Việc bà vạch trần bản thân đã giải thoát cho tôi. Và triết học tiếp sức cho tôi phá tan những cái bẫy như mong muốn trả thù, khuynh hướng chỉ mặt hung thủ và vung ra khắp xung quanh cái đau mà tôi không gánh nổi nữa.
Một hôm, đang bị viêm tai, thằng bé con tôi khóc to đến nỗi tôi không còn biết phải làm gì nữa. Bất lực, tôi bất giác nhận thấy trong thái độ của mình cơn giận với nó. Tôi dứt khoát là nhầm mục tiêu! Thật lạ lùng khi đau khổ có thể làm ta mất kiểm soát. Tình yêu tôi dành cho thằng bé lớn đến nỗi, lúng túng, hoảng loạn trước những tiếng khóc mà tôi không biết dỗ dành này, chính tôi cũng phải ngạc nhiên thấy mình sa vào cái phản xạ ngu ngốc: “Nín đi, bố đau lòng quá!” Thật ngược đời, thay vì ôm lấy sinh linh bé bỏng này để an ủi, tôi lại vô tình trách nó làm tôi đau. Do vậy, tôi cần làm mọi thứ để tháo kíp nổ những nỗi sợ này, những cơ chế tự vệ này. Bấy giờ, xác định nguyên nhân khổ và không làm hại nữa sẽ là những hành động vị tha vô cùng.
MATTHIEU: Để bắt đầu từ cái đơn giản nhất, ta có thể nói rằng từ “khổ” bao quát mọi trạng thái tinh thần được xem là không mong muốn. Xuất phát điểm của khổ có thể là một cái đau thể xác hay một trạng thái tinh thần như khốn quẫn, nỗi sợ hay mọi cảm giác khác mà ta muốn thấy nó biến đi. Nó có thể thoáng qua, như trong trường hợp vài chứng đau đầu, hay kéo dài, như trong trường hợp thất vọng, mất phương hướng hay một nỗi khổ sâu xa.
Tại sao ta có cái quan năng thấy khổ này? Theo quan điểm tiến hóa, quan năng cảm thấy khổ giúp ích cho sự sống còn. Đau đớn thể xác là một tín hiệu báo động cho ta biết rằng có gì đó đe dọa sự toàn vẹn thể xác ta. Những người không có cảm giác đau nào thì có nguy cơ chết. Những người bệnh hủi chẳng hạn, tay chân họ mất cảm giác, tiếp tục bước trên chân cụt, chuyện này làm sự hủy hoại cơ thể họ càng trầm trọng hơn. Số khác thì có thể bị bỏng nặng mà không hay biết. Khổ tâm cũng là một tín hiệu báo động bên trong. Nó báo cho tôi rằng có gì đó tôi cần điều chỉnh để tái lập sự cân bằng tinh thần.
Khổ thể hiện ở nhiều cấp độ, được đạo Phật xác định rõ. Nó không chỉ giới hạn ở cái có vẻ khó chịu: cái đau thể xác mãnh liệt hay một sự kiện bi thảm gây gián đoạn trong đời ta. Khổ có những khía cạnh tinh tế hơn, không thuộc phạm trù cảm nhận tức thì. Chẳng hạn, có “khổ liên quan đến sự thay đổi”, do tính chất vô thường của cái xuất hiện thoáng qua như lạc thú hay hạnh phúc. Nếu ta đẹp đẽ khỏe mạnh, và nhất là mọi chuyện đều suôn sẻ, một cách vô thức ta sẽ bám vào ý nghĩ rằng hoàn cảnh này sẽ kéo dài, và cái tham luyến này là xuất phát điểm của một quá trình khổ không thể tránh khỏi, bởi lẽ mọi thứ liên tục thay đổi, dẫu ta không nhận ra. Một thầy của tôi đã biểu đạt chân lý này theo cách tàn nhẫn hơn: “Cái mà các anh vẫn gọi là hạnh phúc, chúng tôi gọi là khổ.”
Đạo Phật còn nói về một kiểu khổ khác, khó nhận thấy hơn, đó là khổ do thay đổi. Thỉnh thoảng ta có trực cảm, lờ mờ, là không bao giờ có gì làm thỏa mãn ta, ngay cả khi ta tự cho là có mọi thứ để hạnh phúc. Đó là cái khổ tiềm ẩn, gắn liền với nhận thức sai lệch của ta về thực tại. Cái nhận thức sai lạc này, trong đạo Phật, là một trong những định nghĩa về vô minh. Nếu ta nghĩ rằng mọi thứ còn mãi và tự chúng là đáng ao ước hay không đáng ao ước, đẹp hay xấu, có lợi hay có hại, ta không tương hợp với thực tại, và hệ quả chỉ có thể là sự bất mãn. Chừng nào ta còn chưa đập tan cái vô minh nền tảng tạo ra hố sâu ngăn cách nhận thức của ta với thực tại thì chừng ấy ta tất còn khổ.
Theo đạo Phật, khổ có một tính chất: nó khiến ta tỉnh ngộ về hạnh phúc giả tạo và xui ta giải thoát mình khỏi những nguyên nhân sâu xa của bất hạnh.
NHỮNG CÁI KHỔ TA TỰ HÀNH MÌNH
CHRISTOPHE: Anh đã nhắc đến cái rất nền tảng, anh Matthieu. Cũng như một cái đau là tín hiệu báo nguy thúc ta nhanh chóng điều chỉnh cách xử sự, môi trường của ta hay đi gặp bác sĩ, cái khổ báo cho ta rằng ta đang đi ngược lại cái làm nên sự thăng bằng, sự hài hòa trong ta. Chẳng hạn, oán giận hay giận dữ thì thật đau đớn. Và đó là tin vui! Hãy hình dung một cơn giận không đau đớn hay một sự hận thù nguội lạnh và hân hoan – có lẽ đó còn là biểu hiện của một số người bị bệnh thật sự. Nếu những ham muốn, đố kỵ, hận thù, các cảm xúc mà ta gọi là “tiêu cực”, gây đau đớn cho ta thì đó là cái may vì chúng làm ta tránh xa những điều xấu ta muốn làm cho người khác, cho mình. Về điểm này, đạo Phật đã nói rõ, và ta cần học hỏi điều này nhiều hơn nữa để đóng góp cho y khoa hay nền văn hóa của ta nói chung. Thường thường, ta thích nói với bệnh nhân: “Hãy lắng nghe cái khổ, tôn trọng nó, nó muốn nhắn nhủ anh chị điều gì đó.” Nhưng khó mà chấp nhận điều này, vì rằng, khi ta khổ, trước hết ta muốn chuyện này dừng lại. Vai trò đầu tiên của thầy thuốc là ở đây. Rồi khi cái đau dịu bớt thì ta có thể mở nắp ca-pô ra, mời bệnh nhân hiểu đau đớn nghĩa là gì.
Khổ có thể giúp ta điều chỉnh những sai lầm trong thế giới quan của ta không? Nghe anh nói, tôi nghĩ đến một bệnh nhân tôi rất quý. Đó là một bà đã bắt đầu có tuổi và luôn sống trong nỗi lo lắng khổ sở vì mình già đi. Bà đẹp nên không muốn già. Do vậy bà phải nhờ cậy rất nhiều phẫu thuật thẩm mỹ để tiếp tục làm hài lòng và quyến rũ người khác bằng bề ngoài của mình. Khi ta thấy bà trong phòng đợi, cách xa một chút, thì đó là một phụ nữ đẹp lôi cuốn ánh nhìn. Nhưng đến gần hơn, ta thấy đó là một người đàn bà có tuổi, dù bà vẫn còn nhan sắc. Thái độ của bà gây cho bà rất nhiều cái khổ, trước hết là cái khổ khi sáng sáng nhận thấy tuổi tác mình lộ rõ trên mặt. Khi bà có chuyện tình, điều này còn phức tạp hơn. Làm sao để gần gũi thể xác với người khác, bị người khác nhìn thấy mình trong tình trạng không son phấn, lúc ngủ dậy, hay dưới ánh đèn trần trụi? Khổ làm sao! Mà để được gì? Khi tìm cách tránh những giày vò tuổi già, bà bắt mình chịu nhiều cái còn tệ hơn – dù có thế nào thì tôi cũng thấy vậy.
Tôi để ý bà chắc cũng ba bốn năm nay rồi, và tôi đã bắt đầu nhẹ nhàng nói với bà: “Chị biết không, vì muốn giữ vẻ ngoài trẻ trung như trước, chị đã mất nhiều công sức, bao lo nghĩ. Không còn cách nào khác để làm hài lòng, để quyến rũ, để chia sẻ sự thân mật với người khác sao? Có những việc gì khác trong đời mà chị có thể làm cũng đem đến niềm vui cho chị như vậy không?” Tuy có hơi thẳng thắn, và không “tâm lý trị liệu” cho lắm, nhưng thấy cách bà sống và cảnh khá cô đơn của bà, tôi tin mình là người duy nhất có thể nói với bà như vậy. Vì bà rất quý tôi, vì bà cảm thấy rằng tôi không phán xét bà và tôi có lòng trắc ẩn với bà, bà lịch sự lắng nghe tôi. Nhưng khó mà thay đổi tình hình. Nhìn bên ngoài, tôi thấy rõ cái sai trong thế giới quan và các ưu tiên hiện sinh của bà, và tôi cũng đã cố gắng một cách gián tiếp, bằng những mánh lới nho nhỏ, đưa bà đến chỗ chỉnh lại cái ảo tưởng nền tảng sinh ra lắm thứ khổ này. Tôi không có cảm giác mình giúp được bà theo kiểu đem đến một phép lạ, nhưng tôi thấy dường như, dần dà, bà cũng thay đổi; chẳng hạn, bà càng lúc càng ít đi chơi với đàn ông trẻ mà đi chơi với người gần tuổi bà nhiều hơn. Đôi lúc tôi thấy cái ta có thể giúp bà không chỉ thuộc về tâm lý. Và nhất là, có lúc tôi còn sợ mình quở trách bà quá nhiều. Nếu tôi nói bà: “Chị thấy đấy, đây không còn là vấn đề tuổi tác nữa, việc chị ám ảnh về tuổi trẻ là một thứ bệnh tâm thần”, thì hiển nhiên, đây sẽ là một thảm họa. Là một nhà sư, anh có thể đưa những bài tập nào không, Matthieu?
MATTHIEU: Ta luôn cần tìm cách chữa những cái khổ trước mắt, nhưng nếu ta không tác động đến các nguyên nhân sâu xa, chúng tất sẽ lại nổi lên. Chuyện này cũng giống như việc uống một viên aspirin trong khi cái đau là do căn bệnh trầm trọng hơn. Việc này chỉ có tác dụng lấp liếm vấn đề. Ta thường bị đánh lừa và cho rằng nếu ta đẹp đẽ, giàu có, tiếng tăm và quyền thế, ta sẽ tự động hạnh phúc, trong khi thực ra việc trông chờ các hoàn cảnh này đem lại hạnh phúc cũng không khác gì mong trúng số. Trong đời đã có khá nhiều chuyện phải làm đối với những cái khổ không thể tránh khỏi và không thể thấy trước rồi, không cần thêm cái khổ vô ích như than van không còn được thêm 20 năm nữa khi mà ta đã 80 tuổi. Hay anh cứ nói với bệnh nhân này như sau: “Chị hoàn toàn có lý khi muốn được hạnh phúc càng nhiều càng tốt và đau khổ càng ít càng tốt. Nhưng, để được như vậy, và nhất là để lâu bền, chỉ có cách thật tâm nhìn vào mình và xem thật sự cái gì góp phần đem lại an lạc, cái gì gây ra đau khổ.”
CHRISTOPHE: Anh nói đúng, nhưng cuối cùng tôi cũng hiểu bà. Chúng ta sống trong một xã hội mà người ta đánh giá những phụ nữ trẻ đẹp cao hơn hết. Những phụ nữ ngoài 50 mà ta thấy trên các phương tiện truyền thông đều tiêm botox, hút mỡ và căng da. Tất cả chúng ta đều phải chịu đựng những thứ bức chế này. Nhưng bà ấy đã đặt ra cho tôi một vấn đề sư phạm thật sự: làm sao khiến bà hiểu rằng từ đây trở đi chuyện bà chối bỏ tuổi tác là nguồn khổ lớn nhất? Tôi biết rằng, chừng nào bà còn chưa chịu thừa nhận và hiểu điều này, bà còn tiếp tục bất hạnh. Có lẽ trị liệu không giúp được bà. Có lẽ cần một cú sốc, một sự đảo lộn kinh khủng trong đời bà, hoặc bà sẽ dừng hết và vào tu viện!
MATTHIEU: May là còn có những phương cách khác hơn là vào tu viện!
CHRISTOPHE: Nói tóm lại, đứng trước những tình huống này, tôi phải liên tục quanh co. Tôi lắng nghe anh, tôi uống lấy lời anh và tôi thấy rõ đến lúc nào thì toàn bộ đạo lý nhà Phật này, toàn bộ tâm lý học này sẽ quý giá vô cùng cho bà nhưng phải truyền đạt với liều lượng nào?
MATTHIEU: Không cần nói với bà về triết học hay đạo Phật, anh có thể giúp bệnh nhân nhận ra các nguồn hạnh phúc khác, như đi dạo trong rừng hay bên bờ hồ, hoặc một niềm vui đơn sơ khác hẳn cho bà sự thanh thản nội tâm và cho phép bà đứng cách xa một chút cái ám ảnh về bề ngoài của mình.
CHRISTOPHE: Chắc chắn rồi, tôi cũng thường xuyên cố gắng cho bà cảm nghiệm đôi chút việc trò chuyện kiểu này.
ALEXANDRE: Bệnh nhân không chịu chấp nhận thực tế là mình già và sợ chết thì điều đó hé lộ việc họ đánh giá cao quá mức giá trị của thành đạt, sức khỏe sung mãn và siêu thành tích. Khi cỗ máy bắt đầu cót két, vô vàn nỗi sợ ào ào quay lại, càng sợ hơn khi ta hất cẳng dần các truyền thống tôn giáo và xem cái chết là điều cấm kỵ. Phải, không hề dễ thoát khỏi những cú nện tới tấp của truyền thông khiến ta tin rằng hạnh phúc là tiêu thụ. Chỉ có một cách, là phải ngay lập tức thực hành, lên đường, và tự hỏi, niềm vui đích thực là thế nào. Nếu cái nhìn về hạnh phúc của ta hạn hẹp thì có lẽ đó là vì nó được quy định bởi thời trang, quảng cáo, và nó tách lìa ta với hạnh phúc đích thực, nhất là thứ hạnh phúc được nói đến trong các truyền thống tâm linh. Biết bao ảo ảnh nhổ bật ta khỏi thực tại mà tuy khắc nghiệt nhưng lại chữa lành cho ta. Tôi tin rằng chỉ khi tiếp xúc với thực tại này thì chúng ta mới được cứu rỗi. Thế giới cực kỳ khắc nghiệt, thậm chí là bi thảm, nhưng nếu ta bỏ trốn, nếu ta náu mình trong ảo tưởng, sớm muộn gì rồi ta cũng sẽ có cú tiếp đất đau đớn.
Trong số các nguyên nhân gây ra bất ổn, có một nguyên nhân là ta khoác lên mình một bộ cánh rồi đóng một vai để không làm người khác mất lòng, thất vọng. Hãy dũng cảm đi vào sâu hơn, lắng nghe cái la bàn bên trong, và chia tay tất cả những ảnh hưởng quấy đảo bản thân. Buổi sáng, khi thấy cõi đời đáng buồn, tôi có thể tập phân biệt tất cả những gì tâm trí tôi phóng chiếu lên thực tại. Trước khi trách ai, tôi nên nhận ra mọi ý nghĩ ngăn tôi sống đơn sơ. Nếu tôi đang trải qua một giai đoạn xáo động ghê gớm, đầy sầu não, tôi bỗng thấy đâu cũng khổ, không tìm được lúc nào để vui cả. Trái lại, nếu tôi trải qua một giai đoạn an ủi, mọi thứ đều tốt đẹp. Tập luyện là nhận ra rằng thế giới độc lập với tâm trạng của tôi. Khổ tu chính là thanh lọc cái nhìn của ta để biết quý đời sống như đúng với cách nó đang diễn ra.
MATTHIEU: Trong đạo Phật, người ta nói rằng, thỉnh thoảng, ta thấy cả thiên hạ như kẻ thù. Tất nhiên đây chỉ là do đầu óc ta bịa đặt ra.
ALEXANDRE: Cái đám ảo tưởng tôi ôm ấp về mình thật lạ thường! Một thiền sư đã nhẹ nhàng cảnh báo tôi: “99% ý nghĩ của con hoàn toàn là ảo tưởng.” Khi thấy rằng đại đa số các hình ảnh của mình là gió, là hơi nước, tôi sẽ thoát khổ và cảm thấy mình được an ủi ngay lập tức. Nhưng vừa khi một nỗi lo sợ hiện ra, tôi tin như đinh đóng cột rằng nó có thật. Nhưng đây chỉ là ảo tưởng, là bóng ma không có thực chất. Việc để tâm trí tha hồ tạo ra ý nghĩ chẳng khác gì một trò chơi. Không xem nặng chúng, ta có thể thấy chúng sinh ra, rồi biến đi với chút dửng dưng khoái chí. Trước một nỗi ám ảnh kéo dài, tôi thường tự nhủ rằng đây chỉ là một ý nghĩ giữa hàng triệu ý nghĩ sẽ đi qua tâm trí tôi hôm nay.
MATTHIEU: Không may là rất dễ đồng hóa mình với ý nghĩ khi ta quên quan sát chúng trong không gian khoáng đạt của chánh niệm.
ALEXANDRE: Cuộc tìm kiếm bên trong cũng giải thoát ta khỏi miệng lưỡi người đời để đến gần tình yêu thuần khiết. Cái làm tôi thấy các thầy cuốn hút, ngoài lòng tốt vô biên của họ, là việc họ hoàn toàn thoát khỏi những điều người khác nghĩ về họ. Còn tôi thì, từ sáng tới tối, tôi có thể bị điều khiển bởi một mong muốn làm vui lòng người khác, hay ít ra cũng không làm họ thất vọng. Tấm gương của họ củng cố thêm mong muốn trong tôi là một lòng tu tập trong khi gạt bỏ những thứ lý luận dối trá kiểu như: “Mình không có thời gian.” Khi nhận ra những giờ phí phạm trước Facebook, tôi nghĩ thầm nếu lúc nào cũng chuyên tâm với khổ tu, ắt mình sẽ thành thánh. Ngày nay, việc thoát khỏi màn hình ti vi và những lợi mời gọi trong quảng cáo trở thành một thách thức. Tôi đoán những người đi trước chúng ta trên đường cũng có một sự quyết tâm lớn lao: trong mắt họ, không có gì được đi trước đời sống tâm linh. Suy cho cùng, tôi làm chủ được rất ít thứ trong đời này, nhưng tôi vẫn có thể dành hai mươi phút mỗi ngày để thiền, để cầu nguyện, để nhổ bỏ gốc rễ của khổ. Tại sao đời sống tâm linh lại phải trở thành một sự xa xỉ khi mà không còn gì chính yếu hơn ở đời?
MATTHIEU: Một thầy của tôi đã nói: “Nói chung, các anh làm việc tám giờ và ngủ tám giờ. Các anh vẫn còn tám giờ. Các anh cần dành vài giờ để thư giãn, để tắm rửa, để thực hiện các phận sự hằng ngày, nhưng nếu các anh nói với thầy rằng mình không có hai mươi phút để thiền, thầy sẽ khó mà tin.”
PHÂN TÍCH BẤT ỔN: NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ
ALEXANDRE: Tôi luôn muốn đặt một câu hỏi cho thầy thuốc tâm thần, đó là, cái khổ ta bắt mình chịu từ đâu mà ra. Tại sao ta cứ bám riết vào cảm giác tội lỗi và sự nghiền ngẫm? Tại sao có cái giày vò sâu kín này? Từ đâu ra cái khả năng tự làm khổ trong khi đời đã khắc nghiệt vậy rồi?
CHRISTOPHE: Tôi thường đặt câu hỏi “như thế nào” hơn là “tại sao” – làm sao để giúp mọi người khỏi khổ? Không may là câu trả lời cho tại sao không phải lúc nào cũng kéo theo việc cải thiện các triệu chứng.
Nghiền ngẫm thường là lộ trình sai mà ta vay mượn khi ta bị ám ảnh về “tại sao”. Vì không phải luôn có câu trả lời hiển nhiên hay xoa dịu cho “tại sao”. Trong khi “như thế nào” đẩy ta tới hành động, “tại sao” có thể dẫn ta tới chỗ xoay vòng vòng: ta tưởng mình đang suy nghĩ các vấn đề của mình và giải pháp, nhưng thực ra ta đang nghiền ngẫm. Ta như con rắn tự cắn đuôi nó. Và ta không thấy rằng do mình ngẫm đi nghĩ lại, do mình đang tìm giải pháp cho các tình huống không có giải pháp tức thời hay dễ dàng thì ta làm mình khổ thêm.
Ta cũng có thể tự làm khổ để phạt mình, vì đến một lúc nào đó ta cảm thấy bất lực khi không giải quyết được một vấn đề và ta sẽ tự làm tổn thương, chê trách mình, hành hung mình.
MATTHIEU: Đối với đạo Phật, cái này cũng thuộc về cái rối rắm ngự trị trong tâm trí ta do vô minh. Chúng ta vô minh không phải vì ta không có hiểu biết bách khoa về mọi thứ, mà vì ta không phân biệt được sự khác biệt giữa cái tạo ra thêm khổ và cái cho phép thoát khổ. Ta cũng có thể nói rằng vô minh là một kiểu nghiện mà ta không ngừng tạo ra các nguyên nhân. Như thể ta liên tục cho tay vào lửa trong khi ta không muốn bị bỏng.
Gần đây, sáng sớm, tôi đi dạo với một người bạn trên bãi biển vắng người gần Los Angeles, và chúng tôi thấy một người đi dạo từ xa lại. Khi đi ngang qua nhau, chúng tôi chào và rõ ràng thấy tò mò vì áo thầy tu của tôi, ông ta bắt chuyện. Ông ta đã sáu mươi. Rất nhanh, ông ta nói với tôi: “Vấn đề của tôi là đàn bà. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến họ. Ngài có lời khuyên gì không?” Tôi cố hết sức cho ông ta vài lời khuyên. Khi chỉ biển thật bao la và bầu trời tịnh không gợn mây mở ra trước chúng tôi, tôi nói với ông ta: “Hãy nhìn cái bao la này, rất quang đãng, rất sáng rỡ và đơn sơ. Nếu anh để cho cái nhìn và tâm trí tan lẫn trong đó, anh không có cảm giác đã rời xa ám ảnh của mình sao?” Ông ta nhìn tôi với vẻ mơ hồ đáng ngại rồi thốt lên: “Nhưng trên trời có đàn bà nào đâu!” Rõ ràng ông ta không muốn rời xa nguyên nhân giày vò mình.
Nếu ta không muốn chấp nhận thực tế là ta già đi, ta sẽ cứ ôm hoài cái ảo tưởng sớm muộn gì cũng sẽ tan tành, rồi ta khổ sở rất vô ích vì điều đó. Khi Đức Phật dạy đế đầu tiên trong “Tứ Diệu Đế”, chân lý về khổ, mục đích của ngài không phải là ném người nghe vào một cái nhìn bi quan về cuộc đời, mà làm họ nhận thức được bất ổn của họ. Tiếp đến, là thầy thuốc giỏi, ngài giải thích các nguyên nhân của bất ổn này. Đó là diệu đế thứ hai, chân lý về nguyên nhân của khổ, nghĩa là vô minh và độc tâm. Rồi ngài chỉ ra rằng hiểu các nguyên nhân cũng chẳng ích gì trừ phi tìm cách thoát khỏi chúng. Nếu nhiệm vụ này không thể thì như đức Đạt-lai Lạt-ma nói, tốt hơn là “kiếm một cốc bia ngon, ra bãi biển, và không nghĩ gì đến khổ cả”. Thế mà, cũng như mọi thứ, nguyên nhân của khổ thì vô thường, điều này có nghĩa là ta có thể loại bỏ nó. Do vậy, diệu đế thứ ba nhấn mạnh sự thật là khổ không phải là vô phương. Nó không do tình cờ cũng không từ một ý trời nào, nó xuất phát từ một sự lầm lạc nền tảng. Thế nhưng lầm lạc không có thực tính, không có chân lý. Chỉ cần nhận ra chân lý thì cái lầm lạc, dù cùng cực là vậy, sẽ tiêu tan, hệt như chỉ cần thắp ngọn đèn lên là xua tan đi bóng tối trong động, dẫu nó chìm trong bóng âm u hàng triệu năm rồi. Nếu việc sửa lại những nguyên nhân gây khổ là điều có thể làm được, giai đoạn tiếp theo chính là vận dụng các phương tiện để đạt tới đó. Đó là mục tiêu của diệu đế thứ tư, nó mô tả con đường dẫn từ vô minh đến hiểu biết, từ nô lệ đến tự do, từ khổ đau đến cực lạc.
Nhân tiện, khi tôi viết Bàn về hạnh phúc, một cô bạn nói với tôi rằng tôi không phải người có thể viết sách về đề tài này, vì tôi chưa bao giờ kinh qua những nỗi khổ lớn. Điều đó đúng, bất quá thì tôi chỉ sống vài năm trong khung cảnh hơi cũ kỹ của một nơi ẩn tu trên núi, không có nước máy, không có điện, không lò sưởi nhưng, nghĩ lại, những năm này thuộc những năm hạnh phúc nhất đời tôi. Tôi sống bên thầy và chuyên tâm thiền. Do vậy tôi không nếm trải những cái khổ lớn, nên tôi không thể đem lại cho mọi người một bằng chứng thấm thía và khai sáng như của Alexandre. Dẫu vậy tôi cũng biết, như tất cả mọi người, khổ là gì, và tôi đã chứng kiến những nỗi đau vô cùng. Đóng góp ít ỏi của tôi cho cuộc đàm luận của chúng ta về khổ là xem xét nó trong ánh sáng của những người đã phát hiện ở đó những nguyên nhân sâu xa, và đã giải thoát khỏi những nguyên nhân này rồi. Ta thường ví Đức Phật với một thầy thuốc. Thầy thuốc, dẫu khỏe mạnh, có thể chẩn đoán căn bệnh làm khổ bệnh nhân của mình, cảm hiểu được mức độ dữ dội nỗi khổ của họ, suy nghĩ cách điều trị thích hợp nhất rồi tận tình và thương xót chữa chạy cho họ.
CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
ALEXANDRE: Khi tôi mới ra khỏi viện cùng một cô bạn, chúng tôi gặp phải một anh chàng ném cho cô một câu: “A, mày quên dây dắt chó!” Lần khác, tôi đạp xe đi dạo cùng một người bạn khuyết tật. Khi chúng tôi đi ngang, hàng xóm thấy hoảng đến nỗi cuối cùng báo cảnh sát, cảnh sát dẫn thẳng chúng tôi về nhà. Nói tóm lại là những vấn đề đặt ra từ cái nhìn của người khác là một công trường lớn của đời tôi, và tôi sớm hiểu rằng nó có thể giết chết mà cũng có thể cứu chữa người khác.
Sức nặng của miệng lưỡi người đời thỉnh thoảng len lỏi vào chỗ ta không ngờ tới. Bị một khuyết tật hay một dạng vết thương khác, có lẽ chúng ta sẽ thấy mình muốn được đền bù quá mức, và để được công nhận, chúng ta phải vượt lên chính mình, ra khỏi tình trạng vô danh bằng mọi giá, thậm chí gây chú ý. Cái mối chằng chịt này đẩy chúng ta đến chỗ tìm cách có giá trị đến thái quá, điều này sớm tạo ra thêm cái khổ nữa: sự phụ thuộc, nhu cầu được tán thành, công nhận và an ủi.
Làm sao để đề phòng, để ý đến cơ cấu này mà không bị rơi vào các vai trò, không biến người khác thành công cụ? Để có một cuộc gặp gỡ thật sự, ta nên bỏ khiên và mọi thứ che chở xuống. Hơn nữa, ở viện, tôi học được rằng chỉ bằng một câu đơn sơ “Khỏe không?”, ta đã có thể thực sự quan tâm đến người khác, hiểu họ, hiền từ lắng nghe họ. Ngày nay, khi ta đánh giá thấp câu hỏi này mà biến nó thành chỉ một chào hỏi, phản xạ lễ phép, tôi vẫn không quên rằng cái căn bản là đến gần người khác, xây những cây cầu và yêu thương. Từ đó, tôi rất thích dùng câu “Bạn khỏe không?” hay “Bạn hài lòng với cuộc sống của mình chứ?” để xây dựng một mối quan hệ đi thẳng đến cái cốt lõi, xa hơn những mặt nạ và vai trò.
CHRISTOPHE: Tôi thấy dường như việc tự nhủ “Nếu người ta chế nhạo mình và mình biết cách để không tự đánh đồng với hình ảnh mình, lúc đó mình sẽ không khổ” là một nhiệm vụ rất khó khăn, thậm chí bất khả thi! Vì cái khổ này thuộc loại hắt hủi, lạnh nhạt, thiếu nhân từ, và do đó, nó không chủ quan, nó mang tính sinh học: bị hắt hủi là bạo lực, như một cái tát. Nếu người ta tát tai tôi, tôi không thể nói: “Mình sẽ kiềm chế, chuyện này không sao, mình không khổ đâu.” Tôi tin là có cái đau đớn thể xác vì cái tát cũng như có cái đau đớn thể xác vì bị loại trừ. Chúng ta là những con người xã hội, nên sự ghét bỏ cũng như hắt hủi làm đau đớn trong thể xác còn trước cả khi nó tác động đến tâm trí và làm lung lay hình ảnh ta có về mình.
Trái lại, thao tác mà cậu làm sau đó, những nỗ lực để không chìm đắm trong cái khổ liên quan đến sự hắt hủi quả là một việc phi thường trước tính ích kỷ, ngu ngốc hay không thấu hiểu của một số người trước người khuyết tật. Nhưng tôi thấy như cậu không thể phủ nhận sự tồn tại của cái đau này. Dẫu vậy, nhờ sự thông minh riêng, tu tập, sự cao cả và cái cậu có thể đem lại cho người đọc, cậu tránh được việc sa trong đầm lầy khổ.
ALEXANDRE: Khi ta đang khổ sở, cái cám dỗ mặc áo giáp vào rồi ru rú sau lớp vỏ thật quá lớn. Phải, chế giễu luôn chạm tới tôi, sẽ là nói dối và tự dối lòng khi vờ như tôi đã vượt xa nó rồi. Là người sống tinh thần như người ta làm ra vẻ sẽ không dẫn tới đâu cả, nếu không nói là sẽ dẫn tới rất nhiều dối trá khổ đau. Phải can đảm ghê gớm lắm mới không còn có một thái độ dứt khoát khi đứng trước kẻ làm ta đau, và chấp nhận là ta dễ tổn thương. Một hôm, có một lời phê bình trên Facebook khiến tôi phải chạy, sấp ngửa, tới gặp sư phụ để nhặt nhạnh đôi lời an ủi. Câu thầy đáp chữa lành cho tôi: “Nếu con xây dựng bản tính con trên những câu ngồi lê đôi mách, những đồn thổi và thị phi, con vẫn chưa hết khổ!” Nhưng làm sao để giảm bớt cái bệnh tâm thần này, sự cực nhạy trước những nhận xét và trách móc? Ánh mắt của các con, của vợ và bạn bè giải thoát cho tôi và giúp tôi ít xem nặng những chế nhạo, mọi ngộ nhận mà một số hoàn cảnh dệt nên này. Cũng vậy, khi đi tàu điện, tôi nghe những tiếng cười khẩy xung quanh, tôi nhắm mắt lại và tắm trong cái nhìn nhân từ của người thân để nghiền nát cái nhói lòng nho nhỏ mà, nếu không được lèo lái, có thể gây tác hại lâu dài.
Vai trò của các phóng chiếu vẫn chưa hết làm tôi ngạc nhiên. Đôi lúc, mọi thứ diễn ra như thể mỗi thứ sống trong thế giới của nó mà không phải là trong thế giới. Thường thường, sau một hội thảo, tôi ngạc nhiên khi người ta tới tâm sự với tôi: “Tôi ngưỡng mộ khi anh nói thế.” Lắm lúc, đó chính là cái ngược lại điều tôi muốn chia sẻ. Mới đầu, tôi ra trận đánh lại những ngộ nhận, tôi cố trừng trị những khinh khi rồi mới nhận ra rằng mỗi người hiểu theo vốn sống của họ, những niềm tin, hành trình của họ. Việc của ta là nép mình một chút, dẹp qua một bên mọi thành kiến để cảm nhận thực tại như nó vốn vậy.
Tôi nghĩ đến lời của sư phụ ngàn lần mỗi ngày. Khi tôi đi tàu điện, trong khi tôi muốn được yên thì lại luôn có gì đó cản trở. Hết cú tát này đến cú tát khác, nhưng đúng ra, tất cả đều có thể thành một lời kêu gọi thực hành, một dịp để không chú mục vào mình và để nhắc mình rằng tôi không phải như cái người khác thấy. Một bước nữa thôi là tôi có thể thấy vui vì thiên hạ biến tôi thành trò cười…
MATTHIEU: Để tìm thấy bình yên bên trong, ta không thể phụ thuộc vào ý kiến của người khác và hình ảnh họ có về ta, dù đúng hay sai. Vị thầy thứ hai của tôi, Dilgo Khyentse Rinpoche, thường nói là mọi lời nói, dễ chịu hay khó chịu, thân thiện hay thù địch, đều giống như tiếng vọng. Nếu ta gào những lời khen chê trước một vách đá, ta có cảm thấy tổn thương hay hỉnh mũi khi tiếng vọng trở lại tai không? Một số người nói những lời dịu dàng với dụng ý xấu, số khác tuôn ra lời khó chịu với ý tốt. Ta có thể sáng được khen rồi chiều lại bị thóa mạ. Nếu lần nào ta cũng bám vào những lời này, ta sẽ bị xáo trộn triền miên.
Coi cái ta nghe thấy như tiếng vọng không có nghĩa là thành dửng dưng, thành rau cỏ. Điều đó chỉ có ý là đừng đem bản ngã ra làm bia cho những lời tâng bốc và mỉa mai. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường nói: “Khi có người xem tôi như Chúa Trời sống, điều đó vô lý, rồi người khác lại xem tôi như chó sói hay ác quỷ khoác áo thầy tu, vậy cũng vô lý.” Điều này có nghĩa là ngài không đồng hóa mình với một thánh sống, cũng không với quỷ, không với hình ảnh nào của bản ngã. Ngài biết rằng trong sâu thẳm ngài là một sự bình yên đã vững vàng nhờ hiểu biết về bản tính của tâm mình. Cái bình yên này thản nhiên trước những khen chê, chúng chỉ tác động đến bản ngã. Thế nhưng, với bản ngã này, ngài cũng không đồng nhất với nó.
Rõ ràng, việc đồng hóa với một cái tôi tưởng tượng, coi nó là cốt lõi con người ta, chính là trọng tâm những vấn nạn của chúng ta. Chân tính của tâm có thể sánh với bầu trời, nó không bị ảnh hưởng bởi bụi ta tung lên. Điều này tất nhiên nói dễ hơn là thể nghiệm mỗi ngày, nhưng có một điều chắc chắn: ta càng đi theo hướng này, ta càng đỡ tổn thương trước lời lẽ và cái nhìn của người khác.
CHRISTOPHE: Nghe anh nói, anh Matthieu, tôi nghĩ thầm rằng trong đời sống hằng ngày thì đó là một thái độ gần như siêu nhân! Tôi hình dung trên thế giới có lẽ không quá hai mươi người làm được vậy.
ALEXANDRE: Nếu cần, tôi thấm nhuần thái độ của Chúa Ki Tô, được ghi trong Phúc Âm của Matthieu mà, đối với tôi, còn lâu mới tự nhiên chừng nào trái tim còn co dúm trong một logic trả thù, tính toán: “Ai tát con má trái, chìa ra má phải.” Tấm gương này vẫn còn truyền cảm hứng cho tôi. Có lẽ cái khó hơn cả trên đời này là dung hòa một sự dịu dàng vô hạn với sự cương quyết. Cụ thể là, tôi có thể phản ứng lại những lời chế nhạo ra sao? Tại sao miệng lưỡi người đời lại trở thành một trong những mối bận tâm chính trong đời sống? Sao tôi lại bám víu vào cái tôi nhỏ nhít này và ru rú trong đó? Từng bước, tôi có thể bỏ xuống vô vàn chấp trước làm tôi lầm tưởng mình là cái mớ phản ứng, cảm xúc và ý kiến này. Hẳn là có một cơ cấu mạnh mẽ cứ muốn tôi đánh đồng mình với thân xác và ý nghĩ, nhất là khi tôi đau khổ. Nhưng tại sao không phản công bản năng này và phát hiện ra nó ngay bất cứ đâu nó hoành hành? Và đừng bao giờ quên lời của Marcus Aurelius: “Chúng ta sinh ra để cho nhau.”
MATTHIEU: Chuyện này không phải siêu nhân như ta thấy. Tất cả chỉ là vấn đề về mức độ phát triển bên trong và thế giới quan. Nếu ai đó quá coi trọng hình ảnh mình và cứ bận tâm đến chuyện người khác nghĩ sao về nó, họ sẽ đặc biệt nhạy cảm với cái người ta nói về họ. Nhưng người nào, dù không được hoàn hảo, tập xem những lời này như ảo ảnh, tiếng vọng hay đối đáp của diễn viên trong một vở kịch thì sẽ hiểu rằng không lý gì phải khổ vì nó, dẫu vì thói quen mà họ cũng bị tác động trong chốc lát.
Nếu, như trong trường hợp thường xuyên mà Alexandre nhắc đến, người khác vô tình hay khắc nghiệt với chúng ta, chúng ta có thể, mới đầu, buồn khổ, nhưng đến lần thứ hai, ta sẽ tìm thấy niềm an ủi nào đó khi hiểu rằng thái độ coi thường của người khác dẫu có thế nào cũng không ảnh hưởng đến con người sâu xa của ta. Chúng ta còn cảm thấy từ tâm với những kẻ muốn làm sai với ta, vì họ bị vô minh và ngu dốt sai sử. Vì nếu họ làm điều sai trái với người khác, trước hết họ làm sai với chính mình.
Phản ứng theo cách này, đó không phải chứng tỏ sự yếu đuối mà là sức mạnh và tự tại. Điều này không ngụ ý là ta thường trực để mình bị người khác xem thường, mà ta hành động với quyết tâm, phẩm cách và lòng từ, không để mình dao động. Để trả lời Christophe, có lẽ chỉ có hai mươi người đạt được một mức độ tiến hóa đủ để phản ứng như vậy đến mức hoàn hảo, nhưng ai cũng có thể trau dồi thế giới quan như họ và dần dần làm thành một phần trong mình, cho đến ngày nó trở thành một bản tính thứ hai.
CHRISTOPHE: Nhưng tôi thấy điều này có vẻ khó quá! Tôi cố gắng đi cùng bệnh nhân hay bản thân mình cũng đi đến đó, nhưng tôi nghĩ ta cũng đã có được một tiến bộ to lớn khi ta chấp nhận rằng những chế giễu hay bất công tồn tại và chúng làm ta đau. Chúng ta là những con vật xã hội. Khi một người chịu sự ác độc, chế giễu, bạo hành thể xác hay tinh thần, lẽ tự nhiên là họ đau khổ, đây không phải là một sai lầm trong thế giới quan của họ. Nếu người ta lấy dao cứa ngón chân tôi, tôi đau đớn là lẽ thường. Trái lại, công việc thật sự là ở chỗ ngăn cái đau này lan ra toàn thân, rồi ngăn sự lan rộng và lây nhiễm đến thế giới quan của ta về người khác và về chính chúng ta. Cần tránh nghĩ: “Thiên hạ toàn là những kẻ khốn nạn cả”, hay “Mình là một kẻ thảm hại”. Chúng ta có thể hạn chế cái đau có liên quan đến những bạo lực này, để nó không xâm chiếm cả con người ta và làm ta tách lìa với thế giới. Nhưng chúng tôi có khả năng làm điều đó hơn nhiều vì một lẽ, chúng tôi thực hiện công việc tâm lý học mà cả hai anh đã mô tả rất hay, các anh thể hiện và các anh nêu cho chúng tôi những tấm gương đặc biệt phi thường, như Đạt-lai Lạt-ma, và vì một lẽ khác là chúng tôi cảm thấy tình thương và trắc ẩn, với chính mình cũng như người khác.
MATTHIEU: Xin thứ lỗi vì tôi cứ khăng khăng, nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, đặc biệt ở những người có tập thiền đôi chút, dù còn lâu họ mới hoàn toàn vững, sẽ dễ hơn nếu họ không đồng hóa mình với bản ngã. Nếu khổ vì những chế nhạo và bất công là bình thường như ta khổ vì cái đau thể xác thì cũng hết sức bình thường khi tìm cách không phản ứng lại những cách xử sự này, hay miễn nhiễm với chúng, cũng giống như ta chủng ngừa một thứ bệnh. Điều này không có nghĩa rằng ta trở thành người máy không còn tính người, hay ta không còn nhận thấy khía cạnh ác ý hay lạm dụng trong chế giễu và bất công, mà ta không khổ vì nó theo cách thái quá như trước. Ta giành được sự tự tại bên trong. Tâm trí ta trở nên khoáng đạt đủ để đón nhận những hoàn cảnh xấu mà chúng không làm lung lay ta được. Một nắm muối bỏ vào ly nước làm nó không uống được, nhưng thả vào một cái hồ lớn, nó không làm đổi vị.
TA CÓ THỂ THOÁT KHỎI BẤT ỔN?
MATTHIEU: Để ra khỏi bất ổn, nhất thiết phải trung thực tìm ở đó những nguyên nhân, hiểu những hành vi, lời lẽ và ý nghĩ nào gây nên nó. Nếu tôi nghĩ có “tất cả để hạnh phúc” mà tôi không như vậy, đó là vì tôi nhầm lẫn về nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau.
Tôi tin rằng cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa khổ và bất ổn. Khổ của chúng ta do rất nhiều nguyên nhân gây nên mà ta thường không có quyền gì với chúng. Sinh ra với một khuyết tật, bị bệnh, mất người thân, bị kẹt trong chiến tranh hay là nạn nhân của thiên tai, tất cả những thứ này nằm ngoài ý muốn của ta. Cái bất ổn không gắn liền một cách nền tảng với ngoại cảnh. Nó tùy thuộc vào cách tâm trí ta vận hành. Một thay đổi, dẫu là nhỏ, trong cách ta điều khiển ý nghĩ và giải thích ngoại cảnh cũng có thể làm biến đổi đáng kể phẩm chất đời ta.
Nhiều lúc, ta tưởng hạnh phúc chỉ là khổ trá hình. Cái loạn năng của tâm trí này ngăn ta xác định các nguyên nhân khổ và sửa chữa nó. Không còn tan nát vì các trở ngại đây đó trong đời thì không có nghĩa là những trở ngại này không tác động đến ta nữa, mà là chúng không gây trở ngại đến sự an nhiên bên trong ta được nữa, hay ít ra cũng là bước tiến của ta đến bình yên.
Dọc đường, điều cốt lõi là không bao giờ nản chí. Tôi cũng gặp những vấn đề như ai. Khi một dự án nhân đạo của chúng tôi thất bại, hay có người cư xử ác ý ngay tại chỗ, tôi nhận ra là mình không dễ mến đúng mức. Điều đó tác động đến tôi hàng giờ, tôi trách mình chuyện đó. Nhưng tôi biết rằng chuyện này sẽ không kéo dài vì nhờ những dạy dỗ của các thầy, tôi có được các công cụ và nội lực để vượt qua các chướng ngại này và tìm lại được sự thăng bằng bên trong, quyết tâm tu sửa và vui sống.
ALEXANDRE: Nhận ra rằng khổ tâm chỉ là loạn năng thì thật là một niềm hy vọng tuyệt vời, vì còn gì kinh khủng hơn là vắng bóng mọi chân trời? Chuyện này gần giống như ta chịu đau đớn trong thân xác: ta thấy khó mà mê được, thế rồi sau cả lô phân tích và chụp X quang, bác sĩ tới thông báo cho ta: “Không làm gì được nữa rồi.” Lúc đó ngoài cái đau còn có cảm giác có lỗi: “Lẽ ra mình đã không phải chịu đau.” Sao không bắt đầu bằng cách thấy là bất hạnh, cái vòng luân hồi ném ta vào sự bất mãn triền miên, chỉ là một kiểu rối loạn bên trong?
Có hôm, tôi trông đợi ở một thiền sư một lời khuyên giải thoát tôi ngay lập tức. Thầy chỉ đáp: “Alexandre, đừng quên là trong rối ren hỗn loạn ẩn giấu niềm vui, giữa luân hồi mà Niết Bàn tỏ lộ.” Do vậy, có thể tìm thấy hạnh phúc ngay giữa những vết thương và rối vọng tâm lý của ta. Ai nói ta cần phải hoàn hảo mới đạt được niềm vui sống đích thực? Trên bề mặt, sóng có thể dâng cao mười bốn mét, thế nhưng dưới tận cùng đáy thẳm một sự bình yên ngự trị. Mỗi người, dù ngoại cảnh thế nào, cũng có thể thực hiện cái dọn dẹp bên trong này. Con đường dành cho tất cả: người khuyết tật, người giàu, người nghèo, người bệnh, người bị loại trừ… Đó là cái mang tính cách mạng đích thực.
MATTHIEU: Như cậu nói, đúng là có hai mức độ kinh nghiệm, mà ta thường so sánh với cái sâu thẳm bình yên dưới đại dương và những con sóng làm xáo động trên bề mặt. Dẫu một cơn bão hoành hoành bên trên, bên dưới đại dương vẫn bình lặng. Kẻ chỉ thấy bề mặt mà phớt lờ cái bình yên sâu thẳm của tâm trí thì sẽ tan tành khi những cơn sóng nghịch cảnh nhồi lắc anh ta.
NHỮNG PHƯƠNG THUỐC CHỮA KHỔ VÀ VÀI CÁI BẪY
CHRISTOPHE: Alexandre có nói về tình yêu của các con. Ta không thể hy vọng hạn chế khổ nếu không có tình yêu quanh ta. Tôi thường có các bệnh nhân mà nỗi cô quạnh là vấn đề chính. Họ sẽ giỏi đối mặt khó khăn hơn nếu bao quanh họ là những người yêu thương, để tránh cho họ, mỗi lần cực kỳ đau khổ, rơi vào tuyệt vọng, thuyết hư vô, thù địch đối với loài người. Lúc đó ít nhiều gì cũng tốt, dù chỉ là một chút xíu tình thương! Tôi nghĩ rằng một y sĩ có thể đem lại tình thương cho bệnh nhân, người hàng xóm có thể đem lại tình thương yêu cho những người sống cạnh mình, những người không quen biết ngoài đường có thể đem lại tình yêu bằng nụ cười. Alexandre, thỉnh thoảng cậu bị trêu chọc, nhưng cũng có những người đến an ủi cậu theo một cách nào đó, bằng cái nhìn tử tế. Như trong bài hát L’Auvergnat của Brassens: “Bài hát này dành cho em/ Em, người xa lạ, không kiểu cách/Vẻ buồn bã mỉm cười với tôi/ Khi cảnh sát giải tôi đi”. Tất cả những điều nhỏ nhặt này không xóa đi nỗi đau, nhưng chúng giúp ta không ngả nghiêng trong đám cháy đang thiêu rụi con người rồi đi đến chỗ phá hủy mối liên hệ của ta với thế giới.
MATTHIEU: Yêu thương và được yêu thương làm giảm bớt tầm vóc của bản ngã, điều này làm ta đỡ tổn thương hơn. Phải chăng vì việc “tôi” trở thành “chúng ta” có một kiểu cởi mở khiến ta ít tập trung vào “tôi” hơn? Khi một đứa trẻ ngúng ngoảy, nó có thể đánh mẹ nó, nhưng chuyện không như vậy nếu một người không quen, hay một đồng nghiệp trong văn phòng, làm như thế. Người mẹ, trong tình yêu với đứa con, nhận những cú đánh khác. Tình yêu làm giảm bớt rào chắn giữa tôi và người, cũng làm cho cái bia của mọi đòn, bản ngã, hiện diện ít đi. Và cái bia bản ngã càng trong suốt, các mũi tên càng trượt qua nó mà không làm nó hề hấn. Trái lại, bản ngã càng được xem là thực hữu và vững chãi, mũi tên càng đâm vào trọn vẹn. Vì vậy mà tình yêu và lòng từ bi là phương thuốc tối thượng cho những cái khổ do bản ngã gây nên.
Còn về mong muốn thoát khỏi vòng lẩn quẩn của khổ, một lần nữa, chữ Tây Tạng thường được dịch là “xả bỏ” có nghĩa là “quyết tâm ra đi”, để giải thoát khỏi khổ mà vô minh ném ta vào. Chỉ khi cái quyết tâm này có mặt thì quá trình giải phóng mới có thể thực sự bắt đầu.
ALEXANDRE: Ở đây, lần nữa, vấn đề không phải là một duy ý chí mãnh liệt hay một bản ngã cứng cỏi nhận về mình hết mọi quyền hành. Quyết tâm không liên quan gì đến cái co dúm này. Uyển chuyển hơn, cởi mở hơn, nó thích nghi hoàn toàn với hiện thực, nó vừa khít từng phút một với dòng đời.
MATTHIEU: Đó là một phản ứng có suy xét, gắn liền với một quyết tâm lớn lao. Ta tự nhủ: “Hoàn cảnh này không thỏa mãn, thôi đủ rồi, vậy đủ rồi, mình đùa dai đủ rồi, mình sẽ làm tất cả những gì có thể để giải thoát, dù điều đó đòi hỏi thời gian nỗ lực thế nào đi nữa.”
CHRISTOPHE: Và chẳng phải điều này cũng áp dụng cho việc chán nản về chính mình? Tất cả những người u buồn, tuyệt vọng vì không thể làm chủ lại được đời mình này, có phải giải pháp là ở chỗ bổ sung lòng từ bi với chính mình? Anh thấy sao?
MATTHIEU: Hai hình thức từ bi, từ bi với chính mình và từ bi với tha nhân, đi song song. Từ bi với chính mình cho phép những người tự căm ghét mình phát hiện ra là, sâu thẳm trong họ, họ thích không khổ hơn và do vậy cần nhân từ hơn, bớt coi khinh hay khó khăn với bản thân. Nếu họ cũng tập cảm thấy từ bi với người khác, họ sẽ đưa người khác vào những mối bận tâm hằng ngày và không chỉ chăm chăm vào mình nữa. Hai kiểu từ bi thực hành chung này là không thể tách rời với việc hiểu về sự tương thuộc giữa mọi con người, cũng như chuyện không chỉ một mình ta khổ và muốn được hạnh phúc. Ta lìa bỏ tính vị kỷ và sự phân chia thế giới giữa cái “phe tôi” và cái “trước mặt”.
ALEXANDRE: Để dấn thân trên một con đường tâm linh, nhất thiết ta phải bàn đến câu hỏi gai góc này: ta có chế ngự được tâm trí mình không? Ta có quyền hạn nào đối với dòng ý nghĩ chạy qua ta từ sáng đến tối không? Một hôm, giữa nỗi lo sợ khủng khiếp, tôi gặp bác sĩ để cho anh ta biết về một trạng thái lo lắng lan rộng. Khi tôi cho anh ta biết là tôi sợ mọi thứ, anh ta đáp: “Không cần vậy đâu.” Yêu cầu một người hay lo đừng lo sợ nữa thì giống như nước đổ lá khoai – nó chẳng giải quyết được gì mà còn gây hại. Cái cám dỗ duy ý chí luôn có đó, như thể chỉ cần muốn ra khỏi đó là thật sự làm được. Cái thách thức là phát hiện ra và thực hành: cho qua. Tôi ước ao có một bác sĩ khuyên luyện tâm, truyền lại các công cụ cụ thể để giúp ta vượt qua những giày vò.
MATTHIEU: Từ mà ta dịch là “thiền” thực ra có nghĩa là “vun trồng” hay “tập tành”. Trong trường hợp cậu nhắc, vấn đề là đạt được dần dà khả năng điều khiển suy nghĩ và cảm xúc. Khi đã quen, ta có thể nhận ra cảm xúc xáo động ngay khi chúng chớm nhú. Việc này giống như luyện cách nhận ra một tên móc túi. Sau một thời gian, dù hắn trà trộn trong đám đông, ta cũng sẽ không khó nhận ra hắn, hắn sẽ không móc ví ta được. Tập thiền còn cho phép đối mặt các cảm xúc trước khi chúng trở nên quá mạnh mẽ. Mới đầu, điều này có thể khó và hơi giả tạo. Thế rồi, bằng tập luyện, quá trình trở nên tự nhiên và ta thực hiện được dễ dàng.
CHẤP NHẬN KHÔNG PHẢI LÀ CAM CHỊU
CHRISTOPHE: Thật khó vô cùng khi phải nói với những người đã chịu đau khổ cả đời là trong khổ có ánh sáng và “nơi hiểm nguy tăng thì sự giải cứu cũng nhiều thêm”, như Hölderlin nói. Khi tôi bắt đầu nói về chấp nhận với bệnh nhân, chuyện này làm họ điên tiết: họ có cảm giác đã chịu khổ đủ rồi từ lúc sinh ra. Tôi lẹ làng lùi xe. Và, cá nhân mà nói, trong chuyện đó thì tôi vẫn mãi hoài trong giai đoạn sơ cơ, luôn đang học lại chấp nhận khổ, đón tiếp, dọn cho nó một chỗ trong đời mình. Làm sao chuyển những đạo lý, kinh nghiệm, hay những dữ kiện dựa trên khoa học này, mà ta biết, thành công cụ an ủi, khuyến khích và dùng được cho những ai sẽ đọc sách ta: chúng ta tin chắc rằng những điều đó quan trọng, nhưng chúng ta không chắc độc giả của mình tiếp nhận được nó, trong giai đoạn cụ thể mà họ đứng trước những dòng này.
MATTHIEU: Tôi đã nhận xét rằng ta thường lẫn lộn chấp nhận, hay thích nghi, với cam chịu. Gần đây, trong cuộc trò chuyện với các đại học Bắc Mỹ, tôi giải thích rằng luyện tâm bằng phương tiện thiền cho phép cải biến nhận thức của ta về các hoàn cảnh đau đớn và giúp ta đạt được các khả năng cần thiết để đối mặt dễ hơn những thăng trầm của tồn tại. Họ đáp lại dứt khoát rằng thật nguy hiểm khi khuyên nên thích nghi với khổ như vậy. Đối với họ, điều này chẳng khác nào nói với những người đau khổ là họ chỉ cần quen với hoàn cảnh mình, chẳng khác nào nói với những nô lệ, phụ nữ bị đánh đập, những người chết rục bất công trong tù và những người bị áp bức khác rằng họ nên thiền để học cách bằng lòng với số phận mình, hơn là đòi công lý và chấm dứt cảnh áp bức.
Phản ứng này dựa trên một ngộ nhận. Đạt được khả năng can đảm và bình tâm đối mặt các hoàn cảnh đau đớn là cho mình một phương tiện quý báu để bớt khổ, điều này hoàn toàn không có nghĩa là cam chịu. Ta chỉ tránh thêm khốn quẫn hay phẫn nộ vào những tai họa khác ta đã chịu. Ta tránh chịu khổ gấp đôi.
Tất nhiên, ta không thể ném vào một bệnh nhân một câu như sau: “Tôi khuyên anh chấp nhận khổ rồi, còn bây giờ tôi để anh tự xoay xở lấy.” Ta phải nói với họ rằng ta sẽ vận dụng mọi phương tiện có thể để chấm dứt hoàn cảnh của họ, nhưng về phần họ, sẽ rất hữu ích nếu họ có một thái độ khác đối với hoàn cảnh này.
CHRISTOPHE: Nhưng một cách cụ thể, ta có những khoảnh khắc nào trong đời để an ủi ai đó, hay để an ủi mình? Đâu là những cái khổ mà chính ta có để đối mặt, hay những người thân phải đối mặt? Lúc đó ta bị vướng như thế nào?
Tuôn tràn bao lời khuyên cho ai đó đang khổ là một việc làm cực kỳ nguy hiểm: ta có thể làm khó chịu, làm phiền, làm tuyệt vọng mọi người khi, bằng lòng tốt, nói về cách đối mặt khổ. Cần phải gói điều này trong rất nhiều yêu thương, dịu dàng, thận trọng, và đợi đến lúc thích hợp. Hơn nữa, tôi thấy dường như ta chỉ có thể tìm hiểu về khổ khi chính ta không đau khổ quá. Giữa đau đớn giày vò, người chịu thử thách chỉ có một mong muốn: không khổ nữa. Và họ không tiếp thu lắm những thông điệp mô phạm, họ chỉ cần những thứ giảm đau: thuốc men, yêu thương, tình yêu, xao lãng. Do vậy tôi dùng mẹo để đề cập các vấn đề về khổ này với bệnh nhân và người thân.
MATTHIEU: Là thầy thuốc điều trị, anh có thể cho chúng ta vài ví dụ?
CHRISTOPHE: Tôi đã rất xúc động bởi một kinh nghiệm mới đây tại hội thảo về khổ trong một thiền viện. Chắc cũng có cả một trăm năm mươi người trong phòng, và một ông đau đớn khổ sở đứng lên kể rằng con trai ông bị tâm thần phân lập, nó thường xuyên mê sảng, đập phá cả nhà và lúc này đã được cho vào viện. Ông không biết làm gì và xin chúng tôi khuyên nhủ. Tôi rất buồn lòng, bởi vì, trong những trường hợp phức tạp và nặng nề như trường hợp này, cần có hàng giờ để hiểu, và cả đời để đi cùng. Nhưng thoái thác và tránh né mà nói “Vấn đề này khó quá tôi không nói đôi ba lời được, hay khuyên nhủ” chỉ là một giải pháp dễ dàng, một sự trốn tránh.
Một thiền sư có mặt lúc đó nói với ông ta đôi điều mà tôi thấy đúng, xét về khái niệm, nhưng tàn nhẫn về mặt nhân đạo. Thầy nói với ông ta về vô thường và chấp nhận, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi thấy trong óc ông này rằng điều đó không an ủi ông chút nào, và tôi nghĩ thầm: “Mình nói gì để giúp ông ta đây, khi mà chỉ được nói một vài lời và trong ít ỏi thời gian?” Tôi bất giác mở lời và nói với ông ta rằng: “Nghe này, anh không thể giúp nó, đã nhiều năm rồi anh không làm được điều đó, vậy thì hãy chấp nhận cái bất lực này, đừng dừng có mặt bên nó, cho nó thấy rằng anh yêu thương nó dẫu anh không thể giúp nó, và chấp nhận nó tận trong đáy lòng. Vì, lúc này, xem ra không còn cách nào khác.” Đó là một thái độ mà chúng tôi thường dùng trong y khoa: trước hết chấp nhận là mình không giúp được như mình muốn. Ông bố muốn một cách hợp lẽ là con mình bớt khổ, nhưng chừng nào ông còn chưa chấp nhận là không thể làm được gì, chừng ấy ông còn khổ gấp đôi: ông bị tình cảnh của con mình tác động và ông tự làm mình khổ thêm khi không chấp nhận sự bất lực của mình. Tiếp đến, có mặt càng nhiều càng tốt. Rồi tôi nói với người cha đau khổ này: “Dù anh làm gì, mỗi lần anh ở bên con trai, anh hãy nói chuyện với nó, anh hãy cố thiết lập mối liên hệ với nó, sự hiện diện này sẽ là cái gì đó quan trọng với nó, đến một mức mà chắc chắn là nó, anh, tôi, không thể đo lường được.” Tôi có cảm giác như những lời này xoa dịu ông ta và, đến cuối ngày, ông ta đến nói chuyện để cảm ơn tôi. Tôi không biết ông ta ra sao rồi. Thật phức tạp, đôi khi ta làm điều tốt cho mọi người ngay lúc đó, nhưng về lâu dài thì sao? Những lời này cuối cùng có mở ra cho ông ta một con đường và làm vơi bớt những giày vò của ông ta về lâu dài hay không?
ALEXANDRE: Tôi vẫn mơ ước có một thầy thuốc điều trị nhân từ và công bằng như vậy, vì có hai cái nguy: nhắm hết vào ý chí, hoặc, ngược lại, bỏ cuộc. Duy ý chí, trong khi trao cho ta đầy đủ quyền hành, lại phớt lờ những hạn chế của ta. Đó là vấn đề trứ danh của ý chí kém cỏi mà rất nhiều triết gia đã bàn, và nó khó thay đổi hằng ngày, như thể những sức ì nặng nề ngăn ta tiến lên, như thể trong chúng ta có một bộ ổn định duy trì những thói quen cũ, một statu quo1 làm hại chúng ta. Tôi biết rõ một cách xử sự là có hại, vậy mà tôi vẫn thường làm! Sự cam chịu cũng chẳng hay gì hơn, vì buông tay là do bị ngược đãi. Khi ta khổ, không gì tệ hơn là cảm thấy tê liệt. Khi tôi đi gặp bác sĩ, tôi an tâm rời phòng ông ta với một giải pháp, dù nhỏ nhoi: một lời khuyên, một công cụ, một luyện tập. Khả năng tiến bộ vẫn tồn tại suốt cả đời ta. Ngay cả trên giường lâm chung, ta cũng có thể giải thoát cho mình, chuyển tâm. Hành thiền vẫn là cái ta tiếp cận được dù khó khăn của ta là gì đi nữa. Thường thì, khi y học không làm gì được nữa rồi, tôi tìm thấy trong tu hành cái mở ra một chân trời. Để đi tới, sao không học theo Đức Phật, ngài, như thầy thuốc, đã đưa ra một chẩn đoán? Ban đầu, chính một bất ổn đã đẩy tôi tới đạo lý. Nếu tôi xem xét hành trình của mình, tôi phải thú nhận là ban đầu tôi không thiền vì những lý do vị tha, mà do một bất mãn toàn triệt và không có khả năng sống phút giây hiện tại. Ngược ngạo thay, tôi tin có nhiều điều kiện dễ dàng để đối mặt những đòn số phận hơn là đón nhận những phiền nhiễu nho nhỏ hằng ngày và chân quý hạnh phúc khi nó có đó. Điều này gần như bi thảm, nhưng tôi thấy việc chấp nhận khuyết tật dễ dàng hơn nhiều, vì tôi không được lựa chọn, chuyện đó là vô phương. Nếu tôi thoáng thấy chút hy vọng chữa trị nào, tôi sẽ đi gõ mọi cửa mà kêu cứu khắp nơi. Có một khía cạnh an ủi, gần như xoa dịu, khi tự nhủ rằng tôi có giãy giụa cũng vô ích thôi. Trái lại, nơi đâu tôi đoán mình còn có thể cải thiện tình hình thì tôi sẽ vái tứ phương. Cần một khả năng phân biệt ghê gớm, và Epictetus cho tôi mượn một công cụ quý giá khi chỉ ra rằng, mỗi ngày, tôi cần phân biệt rõ cái phụ thuộc vào tôi và cái không phụ thuộc. Sẵn nói về Epictetus, ông có vẻ như “một nô lệ trên đường giải thoát”. Đến lượt mình, tôi có thể tự hỏi: Mình là nô lệ của cái gì? Những căn bệnh trong tâm hồn mình là gì? Khuyết tật đã sớm đặt tôi trên chiến địa, trận đấu vui thú. Nhưng nếu quan trọng là luôn tiến lên thì hai mắt hướng về tương lai, về cái sau này đã làm tôi mong manh đi đáng kể.
1 Nguyên trạng.
Gần đây, một người bạn tôi tự vẫn ngay cả khi anh ta đã khá hơn một chút. Xưa là người nghiện ma túy, vài tháng sau khi thoát được nghiện ngập, anh ta chọn từ giã cõi đời này. Sau khi đã đấu tranh vậy rồi, có thể thật tàn nhẫn khi nhận ra rằng cuộc đời và nếp cũ không ngang tầm những gì ta mong đợi. Tóm lại, tôi ghi nhận rằng cần hết sức chú ý việc cái mong manh không phải luôn ở nơi ta tưởng, và ngay cả những khoảnh khắc tốt đẹp cũng đòi hỏi một sự khổ tu, một nghệ thuật sống.
Dọc đường, các con tôi đã giúp sức rất nhiều và truyền cho tôi rất nhiều lòng tự tin. Khi tôi đi dạo trong khu đông đúc ở Seoul, tôi chỉ cần nhìn vào mắt đứa con gái nhỏ là quên hết nỗi sợ. Céleste không nghĩ rằng: “Ba mình bị tật, cả nhà sẽ tiêu đời giữa bao nhiêu là xe cộ này cho xem!” Đạo Phật và tâm lý học tích cực cũng cho phép hy vọng: tất cả chúng ta đều có khả năng hủy lập trình nỗi sợ hãi, ngờ vực, cảm giác bất an. Mỗi ngày, ta cần làm mới lại và lặp lại quá trình quên dần những điều đã học này. Tôi vẫn chưa hết thấy lạ về sự ngoan cố trong những sai lệch của ta và cái khó dứt bỏ một lần cho xong những độc tâm.
MATTHIEU: Để quay lại với ví dụ anh vừa đưa ra, Christophe, nó làm tôi nhớ những cuộc gặp gỡ với công chúng mà người ta đặt những câu hỏi như vậy với đức Đạt-lai Lạt-ma. Một số người đến với một nỗi khổ mà không có giải pháp rõ ràng, như người cha với đứa con trai bị tâm thần phân lập này. Họ trông chờ người đã thiền suốt sáu mươi năm, một nhân vật đạo đức và tinh thần lớn cho họ lời khuyên thật cụ thể và mới mẻ. Nhưng, thường thì đức Đạt-lai Lạt-ma mở đầu bằng cách đáp: I don’t know (tôi không biết), rồi ngài im lặng, như thể đang mải mê điều gì đó. Ta có thể tự nhủ: “Kỳ lạ quá, vậy là ngài ấy chưa bao giờ suy ngẫm về bệnh tật, tang tóc, khuyết tật, chết không đau đớn, phá thai và các vấn đề khác mà mọi người nói với ngài.” Thật ra, khi ngài nói “tôi không biết”, ngài muốn nói rằng không có câu trả lời có sẵn hoàn toàn. Im lặng ít giây rồi ngài nói thêm: “Mỗi cảnh đời mỗi khác. Không biết hoàn cảnh cụ thể của anh chị, làm sao tôi có thể đưa ra lời khuyên đúng?” Ngài không cố làm mọi người tin rằng ngài có một công thức thần diệu để con họ hết khuyết tật hay bệnh hoạn. Trái lại, ngài thường nói: “Có một điều chắc chắn là dù trong trường hợp nào đi nữa thì có mặt với tình thương và từ tâm cũng giúp ích cho người mà ta thiết tha giúp.” Nhưng nói chung, ta đánh giá thấp những lợi ích của sự có mặt này.
CHRISTOPHE: Khi ta khuyến khích mọi người bỏ cái mong muốn có hiệu quả mà nên bập bênh trên một cách thức hiện diện yêu thương, ta muốn thay đổi cách nhìn của họ. Suy cho cùng, với tất cả những gì mà ông bố của cậu thanh niên bị tâm thần phân lập đã thử một cách vô ích (dẫn cậu ta đến gặp một bác sĩ mới, thúc cậu ta ra khỏi nhà thay vì cứ nằm dài hút thuốc...), tôi khuyên ông tiếp tục làm vậy và chấp nhận rằng những điều đó không nhất thiết giúp con trai ông lành, mà chỉ thể hiện một tinh thần yêu thương. Tôi hy vọng điều đó giúp ông tự nhủ: “Việc làm cha của mình, khi nó nằm dài hút thuốc, là nhắc nó ra ngoài thì tốt hơn.” Điều quan trọng là không làm vậy với nỗi lo sợ, tuyệt vọng hay co dúm, hay trong khi lặp lại: “Nếu nó không nghe lời mình, nó sẽ còn điên hơn nữa.” Chỉ tự nhủ: “Lúc này, đó là cái mình có thể làm, dù có hiệu quả hay không.” Với lời khuyên kiểu này, ta không nhất thiết xui mọi người làm điều gì khác ngoài cái họ đang làm, mà ta dẫn dắt họ đến chỗ hành động trên tinh thần khác: không còn cái ám ảnh được nghe lời, không mong cầu những kết quả tức thì.
MATTHIEU: Không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của thái độ này. Ta có thể có cảm tưởng rằng đây chỉ là cái phụ vô nghĩa. Nếu ta đưa vào một chút nhân từ thì sẽ như miếng băng dán trên cái bình vỡ. Thật sự, phẩm tính, dù tốt hay xấu, của đời ta được quyết định bởi phẩm tính từng phút giây trong tương quan của ta với người khác và thế giới. Và nếu mối quan hệ này theo chiều hướng nhân từ, nó tạo một sự khác biệt lớn cho người được nếm trải điều đó.
CHRISTOPHE: Phải, và tôi nghĩ rằng có một tác dụng giải thoát trong việc chấp nhận; nó mở ra một triển vọng cho lòng nhân. Khi ông bố cố lo lắng cho con trai trong tình trạng tuyệt vọng này (“Lạy Chúa, khủng khiếp quá!”), từ tâm có ở đó, nhưng nó bị che mờ vì mong muốn điều đó thay đổi, nỗi ám ảnh rằng ta chưa làm đủ, cái cảm giác có lỗi. Nếu ông ta tự nhủ: “Thôi được, nó bị tâm thần phân lập, mình là cha nó, hãy làm gì mình làm được, có mặt và yêu thương hết sức mình…”, điều đó cho phép lòng nhân từ, đã có mặt rồi, ló ra, và an ủi người cha; và cũng có thể, dần dà, nó sẽ giúp cậu con trai nhiều hơn.
MATTHIEU: Vấn đề không phải là cam chịu, mà chỉ chấp nhận là, ít nhất trong lúc này, ta không thể làm gì hơn. Sự chấp nhận này, thay vì bít lối triển vọng, như trường hợp cam chịu, lại cho phép thêm vào cái gì đó tích cực. Nhà văn Canada, Rémi Tremblay, vừa xuất bản cuốn sách rất cảm động nhan đề Chiếc ghế đỏ trước dòng sông, trong đó ông kể về con trai mình không tài nào thoát được chứng nghiện ma túy. Ông giải thích rằng một thời gian dài ông đã thử lùa nỗi khổ của mình “xuống dưới thảm”, khi ông bị cầm tù trong cái vòng luẩn quẩn hy vọng, trông đợi và thất vọng. Ta không bao giờ muốn thấy con mình khổ, nhưng ông đã học được cách đón nhận cái khổ mà không dung dưỡng, không chạy trốn, không mặc kệ, không lao vào hành động. Giờ thì ông đã dễ dàng có mặt hơn, lắng nghe con trai, và ông nói về sự hiện diện như một “tư thế yêu thương”. Hiện diện nhiều hơn cho con trai mình thôi thúc ông trìu mến hơn và thanh thản hơn, và do vậy đủ sức phân biệt và có hành động đúng hơn.
Nói cách khác, chấp nhận một hoàn cảnh không thể thay đổi, hay cần có thời gian mới thay đổi được, sẽ mở cửa cho khả năng thêm vào khía cạnh giải phóng của tình yêu.
CHRISTOPHE: Và không chỉ thêm vào mà còn là giải phóng khả năng yêu thương. Lòng nhân từ đã ở đấy rồi, nhưng nó không thể biểu lộ vì ta chưa biết chấp nhận. Và thường, sự chấp nhận sẽ làm công việc dọn dẹp: ta dừng chống chọi những thứ mà đứng trước chúng, ta bất lực, rồi thì bỗng đâu, tất cả những gì ta tốt đẹp ta mang trong lòng cuối cùng cũng được bộc lộ.
THỰC HÀNH CHẤP NHẬN TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TÔI
ALEXANDRE: Việc chấp nhận có thể khiến ta sợ nếu hiểu nó như sự đòi hỏi tuyệt đối. Chấp nhận cả cuộc đời là chuyện bất khả. Về điểm này, tôi xin mượn một thực hành cực kỳ hiệu nghiệm của tổ chức Người nghiện rượu ẩn danh. Đối với một người bị nghiện, việc nói “Tôi sẽ bỏ uống luôn” có gì đó tàn khốc, không thể vượt qua. Và do vậy, để thay đổi, ta làm một ly… Bài tập lúc đó là cam kết không uống giờ này qua giờ khác. Tôi có thể áp dụng nguyên tắc này vào các công trường lớn của đời mình. Cũng vậy, thay vì muốn điều chỉnh một lần cho xong mọi rắc rối trong tâm hồn, tôi có thể tập trung nỗ lực, từng phút một. Cũng vậy với những thói tật nho nhỏ của ta, kẻ ham ăn có thể tự nhủ: “Chiều nay, mình sẽ không động đến ổ bánh này.”
MATTHIEU: Tôi rất thích câu một quý tộc Anh dạy con trai: “Hãy quan tâm đến phút rồi thì giờ sẽ tự lo liệu.”
ALEXANDRE: Chấp nhận bày ra một vấn đề lớn trong đời sống tâm linh. Do vậy, ta nên chuẩn bị hoàn toàn, hay đúng hơn, ta nên sẵn sàng cho cái “vâng” vui vẻ với cuộc đời. Tại sao lúc nào cũng gắn liền chấp nhận với một nỗ lực hay cam chịu? Spinoza đã viết trong Đạo đức học rằng không phải xả bỏ là cái dẫn đến cực lạc, mà trái lại cực lạc dẫn đến buông bỏ. Triết gia Hà Lan giúp tôi hiểu rằng cần một chút bình yên bên trong để tự giải thoát và chấp nhận thực tại. Do vậy, khổ tu trước hết là giúp ích cho ta, nhận ra cái làm ta thực sự vui và cho phép ta đi tới. Niềm vui, mà không phải co dúm, dẫn đến chấp nhận. Và bước đầu tiên là thấy rằng tôi không chấp nhận chuyện có vô sô sự khước từ kéo lê trong tim tôi. Vấn đề là nói vâng với tất cả, ngay cả với những kháng cự của tôi. Ngay từ giờ, chấp nhận rằng tôi không chấp nhận…
Không có gì đối lập với chấp nhận hơn là sự cam chịu hay thuyết định mệnh. Và những ngộ nhận về đề tài này có rất nhiều. Trong Ecce homo, Nietzsche nói rằng sự cao cả của con người nằm ở amor fati (nguyên văn là “yêu lấy định mệnh của mình”), không muốn gì khác ngoài cái vốn có, và còn hay hơn nữa là yêu cái xảy đến.
MATTHIEU: Không có gì phản tác dụng hơn là tự nhủ rằng hiện tại lẽ ra phải khác đi. Cần chấp nhận nó với sự minh mẫn và dũng khí, điều này hoàn toàn không cản trở việc xây dựng tương lai.
ALEXANDRE: Cũng cần nhớ là, một mình, không một mạng lưới bè bạn, không gia đình, bằng lòng với những giày vò của ta thì sẽ khó khăn hơn nhiều. Khi tôi cực kỳ đau khổ, tôi nhấc điện thoại gọi cho một người bạn đang khổ. Tôi lắng nghe anh ta và cố dành mình cho anh ta thôi. Bài tập nho nhỏ này làm tôi không tập trung vào mình, kéo tôi ra khỏi sự chán nản một lúc. Cuối cuộc trò chuyện, hầu như lần nào tôi cũng hồi sinh. Nôm na hơn, trước một máy in hỏng hay việc lỡ một chuyến tàu, thay vì nổi nộ và mải mê trong những “A, nếu mà mình…”, tôi tự hỏi ngay mình có thể có hành động nào để hạn chế tổn hại. Chấp nhận không phải là buông tay, mà trái lại là nương tựa vào cái vốn có, cái tôi có thể thay đổi, để đi tiếp. Nếu nhà tôi cháy, tôi nên làm gì hơn? Chìm trong lo lắng, mắng kẻ đã quên tắt lò ga, hay ngay lập tức tìm một cái xô?
CHRISTOPHE: Alexandre, cậu vừa nói khi cậu đau khổ, cậu gọi cho ai đó, không phải để than van, không phải để vững lòng, mà để tạo một mối liên hệ. Do vậy, điều đó làm tôi nghĩ về việc tôi làm khi tôi thật đau khổ. Tôi càng khổ thì tôi càng cần được một mình. Tôi tuyệt đối cần dừng lại và đi sâu vào cái khổ. Theo nghĩa này, thiền đối với tôi là cái gì đó mang tính cách mạng và cứu rỗi: dành thời gian tìm hiểu tại sao tôi khổ, cái đang xảy ra trong thân tôi, những ý nghĩ mà cái này sinh ra, những xung động, mong muốn, phóng chiếu mà tôi bị lôi tới, nhìn tất cả mọi thứ này dưới ánh sáng chánh niệm. Do vậy, chấp nhận khổ trước hết là quan sát những hệ lụy và quyền hành mà nó sai sử tôi, rồi xem mình sẽ làm gì: Đi dạo trong rừng? Gọi cho một người bạn? Viết? Quan tâm đến ai đó, như cậu nói? Dẫu có thế nào tôi cũng cần được một mình để tìm lại mình, để tiến hành công việc phân biệt này.
Tôi cố truyền thái độ này cho bệnh nhân, với các thực hành chánh niệm. Khi chúng tôi biến ý niệm chấp nhận thành thực hành chấp nhận, và chúng tôi làm việc trước hết với những cái khổ nho nhỏ, chúng tôi cho bệnh nhân thấy làm sao để chấp nhận những cái nhỏ nhặt đối nghịch, những cái khổ nho nhỏ: “Tôi muốn ra ngoài mà trời lại mưa”, “Tôi muốn làm một bữa ăn ngon với bạn bè mà tôi lại bị bệnh”. Đó là điều chúng tôi suy nghĩ nhiều trong liệu pháp tâm lý hành vi: khi ta muốn dạy ai đó trượt tuyết, ta không bắt đầu trên một sân màu đen vào ngày xấu trời. Nếu ta muốn làm việc với ai đó về chấp nhận, ta cùng họ tìm kiếm, trong đời sống hằng ngày của họ, những thứ họ dễ chấp nhận. Điều đó dễ dàng, nhưng cũng có tác dụng cứu rỗi. Chẳng hạn, ngày ta chấp nhận rằng con của mình không hiểu các giải thích của ta về bài tập toán, ta có thể tự nhủ: “Được rồi, tình huống này bình thường thôi mà; hít thở rồi chấp nhận chuyện này để thấy phải làm sao với các khó khăn của nó, thay vì bực tức, muốn làm trái lại, muốn chúng không tồn tại, xem chúng như bất bình thường.” Nếu ta có thể nói được như vậy, hít thở, cười, thay vì nổi cáu, lúc đó cái bước phụ này sẽ mở ra vô vàn thay đổi có thể có. Rồi dần dà, ta đi đến những bài tập khác.
ALEXANDRE: Tại sao lại biến chuyện chấp nhận thành một thực hành hoàn toàn siêu phàm, một ý niệm xa vời? Nó mở ra vùng đất cho một niềm vui không gì sánh được và truyền thống Thiền tông, cũng như các nhà thần bí Cơ Đốc lớn, đã khai thông một con đường để đến đó. Nghịch lý là, con đường rất cụ thể. Thay vì mải mê trong các lý thuyết, hành động sẽ giải phóng ta từng bước. Và hãy liên tục nói vâng với thực tại. Ở đây cũng vậy, khi nhà cháy, hãy nhào đi lấy xô nước để còn bình an vô sự thoát ra. Bàn luận về chấp nhận mà không hành động thì giống như nhìn một căn nhà bốc cháy, nói dông dài trong khi mọi người đang chết.
Chấp nhận xuất phát từ tình yêu vô điều kiện. Cần có sự tự do ghê gớm bên trong để không còn muốn biến cải người khác theo ý mình, áp đặt hành vi cho họ, uốn nắn ý kiến của họ. Cái cám dỗ nắm quyền vẫn luôn tồn tại, dù là vô thức. Trong nghĩa này, hôn nhân gần với mối liên hệ ta duy trì với một sư phụ, mối liên hệ tuyệt không có tinh thần tính toán và trả thù. Một trong những kinh nghiệm chữa lành hơn cả là yêu thương người khác và được họ yêu mà không phải giải thích trong tận cùng ta là ai. Suốt nhiều năm, tôi thức dậy mỗi sáng với một câu “Mình chán lắm rồi!” Khi xem xét các nguyên nhân chán nản của mình, tôi hiểu rằng áp lực xã hội chịu trách nhiệm rất nhiều. Nỗi sợ làm người khác thất vọng đè nặng lên tôi. Để giải thoát khỏi nó, ta phải thay thế cái mong muốn này bằng một tình yêu thương thuần túy, vô vụ lợi.
Và Matthieu này, anh đã cho tôi một ví dụ tuyệt hảo trong một hội thảo. Khi một người mải mê với một câu hỏi không dứt, anh đã đáp lại đơn giản: “Không hề có ý muốn ngắt lời anh nhưng tôi tin rằng ta sẽ dừng ở đây.” Bài học thật đáng nể! Trong khi cố nhọc nhằn lắng nghe, tôi hiểu rằng có một thái độ đúng hơn, tự do hơn. Cái mong muốn không làm thất vọng làm ta lầm lạc và cần can đảm hơn để có hành động đúng. Thật ra, tôi còn chưa nghĩ đến hàng triệu người mà, như tôi, muốn chuyện này dừng lại. Trong xã hội chúng ta, cần tự do vô cùng mới không bị mong muốn làm hài lòng lôi kéo nhưng cũng không vì thế mà trở nên dửng dưng.
MATTHIEU: Riêng tôi thì, khi tôi cảm thấy không vui, đó thường là do ai đó, ngoài các thầy tôi ra, nói những lời cay nghiệt, dù có lý do chính đáng hay không. Trong cả hai trường hợp, tôi cần một khoảnh khắc tĩnh lặng một mình. Nếu những quở trách này đúng, dù chỉ phần nào, khoảng im lặng này cho phép tôi đi sâu vào trong, sáng suốt cân nhắc những khuyết điểm của mình và thật tâm mong sửa đổi. Nếu những quở trách này sai, tôi cũng sẽ đi sâu vào mình, nhưng là để nhận ra ở đó cái bất biến và cái mà bất công và ý kiến của người khác không chạm tới được, như sự hiện diện của các thầy nhân từ trong tim tôi và bản chất sáng chói của tâm tôi, an nhiên và vĩnh cửu.
KIÊN TRÌ SAU GIÀY VÒ
MATTHIEU: Khi ta đối mặt một nỗi khổ lớn, ta sẽ mất can đảm và âm u trong tuyệt vọng. Nhưng nếu ta vượt qua được trở ngại này, ta có thể biến nó thành nguồn để trưởng thành. Chẳng phải rất nhiều người nói: “Tôi ra khỏi thảm kịch này, căn bệnh này mà trưởng thành hơn”? Khổ tự nó không bao giờ là điều đáng mong ước, nhưng chừng nào nó còn có mặt thì chừng ấy ta sẽ huy động mọi nguồn lực và tận dụng mọi mối liên hệ với người khác để biến khổ này thành phương tiện chuyển hóa ta. Nó có chút giống như khi ta rơi xuống nước và thay vì để bị cuốn đi, ta lấy nước làm điểm tựa để bơi và quay vào bờ: ta dùng chính khổ để tìm thấy sức mạnh đối mặt nó. Một khi ta có được sức kiên cường này, những lần ta đương đầu với thử thách trong tương lai sẽ không còn như trước nữa.
Sau năm 1967, thời điểm tôi gặp thầy Kangyour Rinpoche, tôi trải qua vài đảo lộn trong đời sống tình cảm. Lúc đó tôi nhận ra rằng, nếu tôi nhìn sâu hơn bên trong mình, xa hơn bầu không khí buồn bã ngự trị những ý nghĩ của tôi, tôi sẽ tìm thấy một khoảng không bình lặng bất biến và sáng rỡ, trong đó tôi cảm thấy hoàn toàn thông thương với thầy mình. Kinh nghiệm này với tôi là một khởi đầu lớn. Nó cho tôi cảm giác tin tưởng lớn đến độ tôi tự nhủ: dù từ đây mình có gặp những trở ngại gì, mình vẫn luôn có thể quay lại khoảng không bình yên bên trong này.
CHRISTOPHE: Ý niệm này là nền tảng. Tôi rất thích nói về “hậu chiến”, một ý niệm mà cậu khai triển trong cuốn Xây dựng bản thân, Alex ạ. Khi ta đã thoát khổ hay vượt qua được những thử thách, ta có thể chuẩn bị để đối mặt những khổ hay thử thách tiếp theo (chúng thì luôn có trong đời ta): ta vẫn ở lại trong cuộc chiến. Hoặc ta có thể thong thả nhấm nháp sự lắng dịu và nhìn đời ta bằng cái nhìn khác đi, xây dựng một mối quan hệ khác với nó: đó là hậu chiến, nó chuẩn bị cho hòa bình thật sự. Không bị chứng quên cũng không vô ưu: chỉ là ý thức rằng nghịch cảnh dạy ta nhấm nháp ngon hơn cái không phải nghịch cảnh.
MATTHIEU: Sau khi tìm thấy nội lực mới mẻ này, ta biết rằng, từ đây, ta có khả năng đứng dậy được. Ta cũng có một sự tự tại lớn lao hơn, nó làm ta đỡ bị tổn thương trước nghịch cảnh.
CHRISTOPHE: Khi ta đã vượt qua nghịch cảnh hay đau khổ, thay vì muốn quên đi, thật thú vị khi xem lại mọi chuyện xảy ra. Ví dụ, mỗi khi tôi kê toa thuốc chống trầm cảm hay trấn an cho bệnh nhân và họ khỏe hơn, tôi đều nhất quyết buộc họ phải dự nhiều buổi tìm hiểu về việc chuyện gì đã xảy ra. Tôi hỏi họ: Dùng thuốc rồi thì giờ anh chị thấy sao? Tại sao trước đây không như vậy? Anh chị thấy thế giới như thế nào? Cái gì đã thay đổi? Thế giới hay anh chị? Vậy thì giờ ta có thể nghĩ sao về nó? Tâm lý học tích cực còn đưa ra cái thông điệp này: mỗi lần ta huy động các nguồn lực, nghị lực để đương đầu nghịch cảnh, đó là một hiện tượng đáng nể mà ta cần để tâm hiểu rõ hơn. Trong công việc của chúng tôi, không những cần phân tích khổ mà còn phải phân tích cả cách ta phản ứng lại khổ, rồi thoát khỏi nó, để học hỏi.
MATTHIEU: Ta thường thấy sự bền bỉ - một khái niệm đã trở nên phổ biến ở Pháp nhờ Boris Cyrulnik - ở những người, thường là trẻ em, ra khỏi những thử thách khắc nghiệt giỏi hơn người khác. Tại Liên hoan các ngành khoa học ở New York, tôi tham dự một thảo luận về bền bỉ. Tôi đã cố nhấn mạnh một điểm quan trọng: sự bền bỉ không chỉ là một khả năng ta có được nhờ sức mạnh khi ta đối mặt các hoàn cảnh tàn bạo và đau đớn, mà ta có thể tự ý trau dồi nó bằng luyện tâm, cũng như một số phẩm chất bên trong khác. Ta có thể bao gồm vào đó khả năng tìm thấy trong mình, ngay cả giữa tồn tại của ta, một chốn an nhiên tự tại mà ta có thể quay về bất cứ lúc nào để tâm trí nghỉ ngơi, ngay cả giữa hoàn cảnh khó khăn. Trong đạo Phật, ta còn nói về chuyện mặc áo giáp nhẫn nại, từ này được hiểu theo nghĩa bền bỉ và kiên cường. Tình thương và lòng bi là hai yếu tố quan trọng khác trong sức mạnh tâm hồn này: tâm ta càng đầy lòng nhân, ý nghĩ ta càng đỡ lẩn quẩn, ám ảnh những phiền muộn riêng. Thật ra, bền bỉ là cảm giác được trang bị để đối mặt những thử thách mới. Nó giống như việc một kỵ sĩ giỏi hay nhà vô địch xe đạp việt dã tự nhủ rằng, dù địa hình bỗng trở nên rất mấp mô, họ vẫn có thể duy trì thăng bằng và vượt qua chướng ngại.
ALEXANDRE: Tôi rất thích khái niệm bền bỉ, nó nghiền nát cả một đám định kiến và mở ra một con đường chữa trị cho hàng triệu người. Tuy nhiên ta đừng biến nó thành một mệnh lệnh! Mối nguy phân loại con người luôn lửng lơ: một bên là những siêu anh hùng, những người bền bỉ, những người xoay xở ngược gió và thủy triều còn những người khác là lũ vô dụng. Cuộc đời không đơn giản như vậy. Giữa đường, tất cả chúng ta đều có thể đầu hàng lúc nào đó, vực mình dậy và đi tiếp. Không bao giờ có thể chữa một lần là xong. Để ra khỏi thì ta cũng cần có các nguồn lực, một môi trường ít nhiều nhân từ và rồi một chút may mắn. Thường thì thử thách bày ra làm ta mong manh, và sự bền bỉ chính là xoay xở với các nguồn lực ta có, đồng thời cứ tiếp tục tiến tới.
MATTHIEU: Không phải ngày bão động mà ta đi học bơi hay đi thuyền, mà ta phải đi khi thời tiết tốt, trong các hoàn cảnh cho phép, thì ta mới không bị cái khó của nhiệm vụ nhấn chìm. Nếu mỗi lần ta kẹt trong một cơn gió lốc, ta đều bị đắm và không thể đối mặt những thách thức của tồn tại, thì điều đó phần nào là do ta không được huấn luyện khi mọi chuyện tốt đẹp.
Dù thế nào đi nữa, viên mãn thật sự chỉ có thể hiển lộ khi ta thoát khỏi u mê và các cảm xúc đối chọi, khi ta nhận thấy thế giới như nó vốn vậy, không mạng che, không bị bóp méo. Và để làm vậy, cần bắt đầu bằng cách hiểu rõ hơn cách tâm trí ta vận hành.
Ta cũng cần giải thoát khỏi những chấp trước do lối nghĩ vị kỷ sinh ra, nó đẩy ta tới chỗ muốn thế giới tuân theo những mong muốn của ta. Thế giới không phải là một catalogue bán hàng trên mạng để ta đặt mọi thứ ta muốn. Và dẫu có thể thỏa mãn mọi thói ngúng ngoảy của ta lúc đó, nó cũng không dẫn đến một sự mãn nguyện sâu xa mà là dẫn đến sự xuất hiện những ham muốn mới, nếu không nói là thờ ơ và chán nản.
Dù ta muốn hết khổ hay đạt được một cảm giác viên mãn lâu bền, cuộc mưu cầu hạnh phúc ích kỷ tất cũng sẽ thất bại. Mọi thỏa mãn ích kỷ chỉ có thể thoáng qua, như một lâu đài xây trên mặt hồ đóng băng vào mùa đông.
Buông bỏ những chấp trước vị kỷ của ta song hành với một sự cởi mở nhiều hơn với người khác, và với nhận thức rằng hạnh phúc và bất hạnh của ta phụ thuộc vào người khác. Lòng nhân ái dựa trên hiểu biết về sự tương thuộc của mọi nhân sinh cho phép thiết lập các mối quan hệ hài hòa với tất cả những người xung quanh ta. Khi chính chúng ta khổ, nếu ta nhận thấy rằng có biết bao kẻ cũng bị ném trong bể khổ, ta sẽ cảm thấy lòng trắc ẩn dành cho họ, những cái khổ cá nhân ta được đặt lại trong một cái nhìn rộng lớn hơn nhiều, và cái này cho ta lòng can đảm.
Ta thấy sự thay đổi thái độ này cũng như việc luyện tâm cần phải song hành và nâng đỡ nó có vẻ khó quá. Thế nhưng, như Tịch Thiên, đại sư trong thế kỷ VII viết: “Không có nhiệm vụ lớn lao khó khăn nào là không thể chia ra thành những nhiệm vụ nhỏ dễ dàng”. Thế nên từng bước, khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, ý nghĩ này sau ý nghĩ khác, cảm xúc tiếp nối cảm xúc, trong niềm vui cũng như buồn đau, ta cần tiếp tục việc chuyển hóa dần dà này.
LỜI KHUYÊN CỦA CHÚNG TÔI TRONG GIỜ PHÚT THỬ THÁCH
Cảnh báo bão
ALEXANDRE
• Thực hành hằng ngày: không đợi ra giữa biển rồi mới học bơi. Khi mọi thứ đều không ổn rồi mới bắt đầu thực hành một con đường tâm linh thì giống như muốn ghi một quả phạt đền trong giải vô địch thế giới mà không tập luyện trước.
• Hành động: giữa đau khổ, cái giúp tôi là có hành động. Không gì tệ hơn là thúc thủ. Phải có một phản xạ: “Mình có thể thực hiện cái gì ngay lúc này để từng chút một tốt hơn?” Và nhất là, không bao giờ thu mình. Không có người khác, không có gia đình, không có các thiện hữu, tôi sẽ không tiến được tấc nào trên con đường chấp nhận.
• Không phản ứng thái quá: thánh Ignace nhà Loyola đã khuyên, trong trường hợp phiền não, khi mọi chuyện không ổn, không phản ứng thái quá mà vẫn trung thành với đời sống hằng ngày, sống tốt mỗi ngày. Giữa lúc giày vò, thật hiểm nghèo khi muốn thay đổi tất cả. Cũng cần can đảm ghê gớm để không vùng vẫy giữa sóng cồn và để cho bão qua đi.
Phát minh ra giày
MATTHIEU
Ta không thể muốn thay đổi cục diện bằng mọi giá. Tịch Thiên đã viết: “Làm sao kiếm được đủ da để phủ cả Trái đất? Với da của một miếng lót giày, ta cũng có được cùng kết quả.” Nếu ta thấy toàn thế giới như kẻ thù, muốn chuyển hóa hắn để hắn không làm hại ta nữa là một nhiệm vụ không có hồi kết. Sẽ đơn giản hơn nhiều khi thay đổi nhận thức của ta về mọi vật!
Vài thông điệp nền tảng và không hài hước lắm
CHRISTOPHE
• Thông điệp thứ nhất: tôi thấy khổ giống như bạo lực trên thế giới; ta đều mơ ước nó biến mất, nhưng ta biết rõ rằng ta vẫn còn nó đến vô tận. Thay vì chịu khổ vì nó hay nổi loạn, cần tự nhủ: “Được rồi, nó đó, mình có thể làm gì ở tầng bậc của mình, với tất cả xung quanh mình? Mình có thể khuyến khích gì bằng cư xử hay hành động của mình, những tư chất của mình?”
• Thông điệp thứ hai: “Vẫn liên lạc với thế giới, trong hạnh phúc cũng như khổ đau; mối liên lạc này sẽ là cái cứu ta.” Khổ tách lìa ta với thế giới, nó tước đi của ta cái ta cần hơn cả, mối liên lạc với thế giới, khả năng yêu thương, nuôi dưỡng ta bằng tất cả những gì xung quanh ta vì chúng ta tập trung vào khổ, vào cái ý là nó không có giải pháp. Tập luyện quý giá nhất, khi ta không khổ lắm, là vun trồng mối tương quan này với thế giới và với người khác.
• Thông điệp thứ ba: “Khi khổ ở đó, hãy dừng lại, chấp nhận nó, khám phá nó, cho nó mọi không gian có thể có để quan sát xem nó đẩy ta tới đâu.” Đây là sự phân biệt mà tôi rất thích ở Jon Kabat-Zinn, giữa hưởng ứng và phản ứng: khi ta khổ, có phản ứng bốc đồng từ lịch sử của ta, những áp lực xã hội - đó là máy lái tự động, đôi khi nó dẫn chúng ta đến chân tường. Rồi có hưởng ứng, tùy thuận và thông minh, nó tính đến hiện tại và bối cảnh. Nhưng để hưởng ứng, cần thăm dò, chấp nhận, cảm thấy cái diễn ra trong thân ta, trong trí ta.