ALEXANDRE: Để đúng mực dấn bước trên một con đường tâm linh, vấn đề là không được quên thân xác, trừ phi muốn đâm thẳng vào tường. Suy cho cùng, ta không phải những cỗ máy, hay những vong hồn. Nhu cầu, xung động, ham muốn, đau đớn, thú vui, cần xây dựng đời mình với mọi thứ này. Làm sao để không hại sức khỏe? Làm sao tránh căng thẳng, những chứng nghiện và kiệt sức để can đảm có một nghệ thuật sống trả lại cho thân xác thiên hướng đích thực của nó: trở thành một công cụ bình yên, phương tiện giác ngộ? Tỏ ra xao lãng trong phép vệ sinh đời sống thì sớm muộn gì cũng thất bại. Dần dần, thân xác có thể trở thành một hòn đá cột chân, một trở ngại, một thần tượng, một gánh nặng. Làm sao dám có một sự cân bằng lành mạnh giữa những đam mê, giằng co? Và nhất là, làm sao để yêu quý thân xác mình? Để dấn thân trong một khổ tu, vấn đề là ở trong đó trọn vẹn, ở đó mà ca tụng cuộc đời.
NGỤ TRONG THÂN
ALEXANDRE: Xem nhẹ, chán ghét thân xác, coi thường nó sẽ không dẫn đến đâu cả. Và cần dè chừng như bệnh dịch tư tưởng thoát tục. Pascal ngàn lần có lý khi nhắc là: “Con người không phải thiên thần cũng không phải thú vật, nhưng bất hạnh cho những kẻ mong làm thiên thần lại làm như thú vật”. Theo tôi thấy, chối bỏ các nhu cầu của ta, giả như đã giải quyết được dứt điểm vấn nạn những xung động, mâu thuẫn, tất sẽ thất bại. Theo một đời sống tâm linh dứt khoát không phải là chạy trốn thân xác, mà trái lại là dám thể hiện, in sâu một sự sáng suốt trong đời sống hằng ngày. Làm sao bình yên đi tới nếu như ta mệt lử, mệt nhoài, nếu ta hành hạ mình? Còn cái nguy cơ tự cô lập trong đầu óc thì sao? Đoạn tuyệt với thân xác, những nhịp điệu của nó, không ngó ngàng đến các quy luật trong bản tính ta thì ta có nguy cơ lớn là tự hủy diệt. Một hôm, bạn tôi là thầy thuốc tâm thần Christophe Massin cho tôi một công cụ quý báu: “Nhận ra khi mình cố sức rồi bằng mọi giá tránh việc đó.” Từ đó, khi tôi đi hết tốc lực, khi tôi làm mình kiệt lực, lời kêu gọi của anh ta làm tôi điềm đạm lại ngay. Cuối cùng, tôi đã dám chậm lại một chút. Nghỉ ngơi cần cả một nghệ thuật. Và tôi không chắc người cả đời đấu tranh biết cho mình một chút ngơi nghỉ, dù là ngắn ngủi.
Tận dụng những thú vui không phải lúc nào cũng là đi khỏi mình. Thỉnh thoảng, khi về nhà, tôi nhìn lại những ánh đèn đỏ của các nhà thổ. Ở Seoul có nhiều nơi như vậy; thật buồn khi thấy hiện tượng này bị người ta làm cho tầm thường đi! Tôi lấy làm tiếc rằng tình dục, món quà của cuộc sống này, thường biến tính và cuối cùng trở thành chốn tha hóa ngột ngạt. Ta hãy hy vọng rằng con người, khi đã hoàn toàn thanh tịnh, sẽ không còn phải chịu đựng xác thịt như một sự tra tấn nữa. Trong khi chờ đến lúc đó, để tránh sa vào việc phải kìm nén, tôi thấy cũng nên vạch ra một nghệ thuật sống có tính đến những xung động, ham muốn. Cái làm vấn đề phức tạp thêm là trong tình dục thì tâm lý, sinh lý và những thiếu thốn tình cảm có thể đồng thời can thiệp. Tóm lại, mọi thứ đều có thể diễn ra ở đó.
CHRISTOPHE: Thân xác, cậu đã nêu, thường bị phớt lờ hay xử tệ, như thể ta có một thân xác bất tử, cũng như lâu nay chúng ta nghĩ rằng thiên nhiên chịu được những thứ ta làm ô nhiễm và cứ lo sửa lại những cẩu thả của ta đến vô tận. Có những lúc ta ngược đãi thân mình, như ta ngược đãi thiên nhiên; vì cẩu thả, vì không ý thức được các nhu cầu của nó, những giới hạn, tính mong manh của nó. Trong một lần đến Ấn, ở Benares, tôi rất ấn tượng khi thấy các thầy tu làm vệ sinh thân thể rất kỹ lưỡng, và hướng dẫn viên giải thích rằng họ thuộc về một giáo phái xem thân xác là đền thờ ta cần cung kính. Tôi rất thích cái ý tôn trọng cơ thể mình như đền thờ, biến nó thành nơi hành lễ thiêng liêng. Điều này không hẳn là ám ảnh về mình hay bệnh tưởng, mà là sự cung kính đối với một thực thể đặc biệt thiên nhiên đã nhẫn nại làm nên và giao cho ta trong một số năm.
Một việc quan trọng khác là nhắc đến tình dục khi ta nói về thân xác. Cậu nói rằng tình dục chịu ảnh hưởng của tâm lý, sinh lý, nhưng tôi tin rằng còn có cả những ảnh hưởng xã hội rất mạnh mẽ. Thật ám ảnh khi thấy xã hội hiện tại biến tình dục thành đối tượng mua bán, thể hiện qua các phim khiêu dâm, các gặp gỡ thuần tình dục mà không cam kết không nghĩa vụ. Ta đã làm mất tính thiêng liêng, làm mất tính tinh thần, “làm mất tính quan hệ” của tình dục. Đây là một cách gián tiếp không tôn trọng thân xác, mà thân xác thì không chỉ là công cụ, phương tiện để ta thống trị nhằm thỏa mãn thú vui, mà còn là một thực thể thể hiện một phần chúng ta.
ALEXANDRE: Trên con đường chấp nhận thân xác, việc gặp được Joachim đã giúp tôi thoát một gánh nặng lớn. Từ lâu, cái chết làm tôi khiếp sợ. Chỉ cần thấy một xe tang thì tôi đã chìm trong nỗi khổ sở lạ lùng. Nhưng cuộc đời đã chữa cho tôi đôi chút khi cho tôi một người bạn làm nghề mai táng. Hàng giờ trôi qua, tôi lắng nghe anh ta nói về nghề mình. Dần dần, gần như bất giác, một sự tự tin lớn sinh ra. Rồi tôi quyết định làm một việc khó là theo anh ta đến chỗ làm vài ngày. Sự dịu dàng, niềm tin ở sự sống của anh ta đã gỡ bỏ cho tôi rất nhiều giày vò. Trong căn phòng lạnh ngắt, tôi thấy anh ta, dịu dàng vô cùng, chăm sóc cho những đàn ông, đàn bà, những ông bố, bà mẹ. Mới đầu, tôi choáng váng thấy anh ta không đeo găng tay khi chăm sóc người chết. Lời anh ta đã cải hóa tôi: “Người đàn bà này, mới một giờ trước, còn ở trong vòng tay của chồng, của các con hay các cháu. Tại sao tôi phải đeo găng?” Joachim đã hé lộ cho tôi thấy, ở nơi tôi ít ngờ nhất, lòng tốt của đời sống. Bỗng đâu, tôi nhìn cái miệng chảy xệ này mà nghĩ đến lời dịu dàng bà đã nói. Giữa các quan tài, tôi hiểu rằng thân xác nắm giữ phép lạ. Tôi rời nhà xác với một niềm hy vọng bất ngờ trong tim. Cuối cùng tôi nhận ra rằng thân xác không phải hòn đá cột chân, nó là công cụ để giác ngộ, và từ đây nhiệm vụ sẽ là dùng nó mà tôn vinh sự sống.
Từ đó, lời kêu gọi đặt ra: không được chần chừ, cần thực hành ngay. Joachim kể tôi nghe chuyện một cô phục vụ chết vì cơn đau tim ngay giữa lúc mang đồ ăn đến cho khách. Cái bấp bênh của tồn tại chưa bao giờ hết làm tôi ngạc nhiên. Nó làm tôi sợ hãi rồi lại kinh ngạc. Tôi mường tượng ra cô gái này sáng dậy đi làm. Chắc chắn, không phút giây nào cô nghĩ hôm ấy mình sẽ chết. Cuộc sống thật mong manh. Mỗi phút giây là một món quà mà phận sự của ta là biết quý trọng sâu xa. Ta hãy nhanh nhanh sửa mình và trở nên rộng lòng hơn!
THÂN XÁC GIÚP TÔI THÀNH BÁC SĨ
CHRISTOPHE: Trong tư cách bác sĩ, hiển nhiên tôi có mối quan hệ đặc biệt với thân xác, nó nằm ở cốt lõi nghề chúng tôi. Năm đầu học y rất lý thuyết. Chúng tôi học hóa sinh, giải phẫu học, nhưng chúng tôi không tiếp xúc với xác “thật”. Tôi thật sự bước vào nghề y khi tôi vào phòng mổ, trong năm hai. Trên cái bàn kẽm có một cái xác được bảo quản trong formol. Khá là ấn tượng khi nhìn gương mặt và thực tập trên thân xác từng là một con người. Bốn sinh viên có một xác. Thời điểm này là một sự sàng lọc không thương tiếc. Một số đã ngất ngay tại chỗ rồi sau đó chuyển sang học luật, kể cả những sinh viên giỏi nhất khóa! Đây là một nghịch lý lớn, nhưng không có gì làm ta suy ngẫm về cuộc đời hơn một xác chết. Tôi nghĩ rằng tôi thành bác sĩ trong những khoảnh khắc đó, khi ở bên cạnh, khi thao tác, khi mổ xẻ các xác này. Ngoài sự khéo léo chuyên môn ra, chuyện này làm nảy sinh trong tôi nhiều suy ngẫm về sự sống và cái chết.
Có một chuyện nữa in dấu trong tôi. Tôi thuộc các thế hệ sinh viên sau cùng mà người ta hy sinh các con chó khi nghiên cứu về sinh lý học để cho chúng tôi thấy được các cơ cấu áp lực động mạch huyết áp hay tiêu hóa. Chúng bị nhốt lại và dành cho cái kết cục đáng buồn là làm vật thí nghiệm này. Một hôm, một con chó tội nghiệp chưa được tiêm đủ thuốc mê nên gần như còn tỉnh táo và cất tiếng tru đau đớn. Chúng tôi phẫn nộ và bắt đầu phản đối. Chúng tôi nằm trong số những người đầu tiên cho là cần dừng các thí nghiệm này, rằng bài giảng là đủ rồi. Tôi còn nhớ vẻ mặt người trợ tá sinh lý học, ngạc nhiên vì chúng tôi không chịu nổi tiếng kêu của con chó. Tôi nghĩ rằng đối với ông ta – ông ta đã về cuối sự nghiệp – đó là việc hằng ngày đã nhiều năm mà ông không còn để ý đến nữa.
Trong ngành y, cuộc gặp gỡ với xác chết thường dữ dội. Tôi nhớ người bệnh đầu tiên mà tôi phụ trách khi tôi là sinh viên ngoại trú năm ba; tôi còn như thấy lại cơ sở tôi thực tập, mặt trời mùa thu rực rỡ, căn phòng, vẻ mặt của ông này, một người đàn ông 35 tuổi, hút thuốc, vừa bị cắt cụt một chân do bệnh Buerger, một căn bệnh viêm động mạch trầm trọng liên quan đến thuốc lá. Tôi phát hiện ra rằng, trong các xã hội chúng ta, ta dễ dàng che giấu mọi thực tại này. Trong các xã hội truyền thống, trẻ con thường được thấy thân xác đau đớn và xác chết hơn. Chúng ta, những đứa trẻ phương Tây, được bảo bọc quá mức.
Thời kỳ tôi mới học y, thuyết hữu cơ thắng thế, nghĩa là thân xác được xem như tổng số các cơ quan có tương tác mơ hồ với nhau. Nguyên tắc “chuyên khoa” (tim mạch, da liễu, thận…) thể hiện y học dưới dạng các cơ quan biệt lập hơn là y học dưới dạng những con người tổng thể. Lối tiếp cận này cho phép có những tiến bộ to lớn, nhưng nó cũng cho thấy những hạn chế. Ngày nay, chúng ta đang nghĩ đến thân xác như một thực thể tinh vi, phức tạp và thông minh, ở đó mọi cơ quan ảnh hưởng đến nhau và trò chuyện với nhau, có các khả năng tự phục hồi và đôi khi tự lành mà ta cần tôn trọng. Tôi quay trở lại với so sánh giữa thân xác và thiên nhiên vì ta thấy thiên nhiên cũng là một tập hợp thông minh ta cần quan sát và tôn trọng thay vì thống trị và ngược đãi. Đó là một toàn thể có sự tương tác chặt chẽ: ta vừa tác động lên một cơ quan thì toàn thể còn lại đảo lộn.
Theo một quá trình tương tự, người ta hoàn toàn không quan tâm đến thân xác khi tôi bắt đầu trong ngành tâm thần học. Bệnh nhân thường được xem chỉ là khối tinh thần thuần túy mà ta cho nằm trên trường kỷ. Phân tâm học, môn học nổi trội vào thời đó, là môn học trí tuệ, dựa trên khái niệm, từ ngữ. Về sau, khi chính mình làm việc với các cảm xúc, thứ mà ở đại học họ gần như không nói gì với chúng tôi, tôi nhận ra rằng cảm xúc là gạch nối giữa thể xác và tinh thần, đồng thời ăn sâu trong nhau. Ngày nay, tất cả những ai làm trong lĩnh vực tâm lý cuối cùng cũng đã hiểu rằng thân xác không chỉ là một công cụ hay tổng số cơ quan ta cần làm im tiếng để khỏi phiền hà, mà là cánh cửa mở vào tâm trí chúng ta, một thực thể phức hợp, thông minh, và phải chăm sóc nó bằng các phương pháp khác nhau như thiền, dinh dưỡng, rèn luyện thân thể.
Trong vấn đề chăm sóc xác thân này, phải tìm thấy sự cân bằng giữa một bên là chối bỏ, coi thường và một bên là ám ảnh thân xác. Như rất nhiều chàng trai phương Tây, tôi khá xem thường thân xác mình. Tôi nhớ mình bị gãy xương mác khi trượt tuyết. Tôi nhiều việc đến nỗi cả tuần tôi đi trên chân gãy, tự thuyết phục mình rằng đây chỉ là bong gân. Nhưng tôi đau đến nỗi cuối cùng phải đi gặp bác sĩ X-quang trong cơ sở kế cơ sở tôi. Anh bạn đồng nghiệp xem phim hồi lâu, trầm trồ vết nứt kỳ diệu, rồi anh ta quay qua tôi với vẻ nghi hoặc, thắc mắc làm sao tôi có thể bước đi suốt tám ngày: “Chuyên môn của anh là gì?” Tôi đáp tôi là thầy thuốc tâm thần, và tôi thấy trên mặt anh ta một vẻ vừa hoang mang vừa nhẹ nhõm: “A, anh là thầy thuốc tâm thần, tôi hiểu rồi…” Ngày nay, nhờ kinh nghiệm và tuổi tác, tôi cố quan tâm và tôn trọng cơ thể mình hơn.
Cái chết, một vận động tự nhiên của cơ thể, xảy ra sau một vận động tự nhiên khác là già đi. Riêng tôi, tôi không thấy xúc động trước các ngưỡng năm – 30 tuổi, 40 tuổi, 50 tuổi – mà tôi thấy xúc động trước các thời điểm trong quãng đời của cơ thể mình: khi tôi chớm rụng tóc, râu bạc đi, khi tôi không chơi bóng bầu dục được nữa, không leo núi cao được nữa, khi tôi lần đầu tiên có những cơn đau khớp kéo dài… Sự lão hóa cơ thể này dạy tôi thản nhiên, nghĩa là mọi hạn chế nho nhỏ này buộc tôi chấp nhận chuyện già lão và sẵn sàng chấp nhận một ngày bỏ lại thân xác này. Quyết tâm già đi một cách bình thường có thể giúp ta đỡ sợ chết. Tôi thấy hình như già lão là để như vậy, để đến cuối ta không tiếc trút bỏ xác thân. Nhưng ta sẽ nói lại chuyện này khi nào tôi được 90. Nếu tôi đến được đó!
THÂN XÁC TRONG ĐẠO PHẬT
MATTHIEU: Trong đạo Phật, thân xác được mô tả khác nhau theo mức độ giáo huấn và tu tập. Sự đa dạng này đáp ứng sự đa dạng các quan năng và căn cơ của mỗi người, rất giống như sự đa dạng của các phương thuốc tương ứng với sự da dạng của các bệnh.
Trong Phật giáo Tiểu Thừa, thân xác được quan niệm trước hết là một đối tượng chấp thủ, bởi lẽ qua trung gian của xác thân mà ta bám lấy các cảm thọ dễ chịu mà giác quan ghi nhận. Các tham luyến này nhanh chóng biến thành thèm khát, thành chấp thủ, rồi thành phụ thuộc. Để tránh xem thân mình như thần tượng và phí thời gian trau tria nó, và để không xem thân của người khác đơn thuần là đối tượng ham muốn, Tiểu Thừa dạy các phép thiền khác nhau. Một trong đó là hình dung rằng ta mở thân xác ra để nhìn xem cái gì bên dưới làn da mịn màng và đằng sau gương mặt yêu kiều. Điều này nhắc một chút các ca mổ xẻ mà Christophe vừa nói, dù mục đích khác nhau. Ta hình dung các bộ phận, mạch máu, máu, xương, thịt, và trong đầu ta tách chúng ra từng thứ một rồi để cả mớ trước mặt. Mục tiêu tất nhiên là nhằm kết luận rằng không có gì để mà đem lòng yêu cái mớ thịt da này cả. Để nhận ra bản chất phù du của thân, ta còn hình dung nó như bộ xương nó sẽ sớm trở thành.
Trong Đại Thừa, ta xem thân người là cực kỳ quý giá, vì nó cho phép đạt đến giác ngộ. Tất nhiên, nó chỉ thật quý nếu như ta tận dụng các lợi thế nó đem lại. Lúc đó ta ví nó với một con tàu để băng qua đại dương tồn tại bị khổ quy định. Không biến thân thành ngẫu tượng nhưng ta quý nó như ta chăm sóc một con tàu. Sẽ là vô lý nếu coi khinh nó, không bảo trì nó hay xài xể nó.
Cuối cùng, trong Kim Cương Thừa, hay Vajrayana, ta đồng nhất thân với một bậc vị siêu hình uyên thâm tượng trưng cho các phẩm chất giác ngộ: trí huệ, từ bi, hành động vị tha... Như các thầy tu Ấn mà anh vừa nhắc, Christophe, Kim Cương Thừa thỉnh thoảng cũng xem thân là một mạn đà la, là chỗ cho rất nhiều bậc vị đại diện cho các phẩm chất tinh thần này. Vấn đề ở đây không phải là tự xây một siêu ngã mà ngược lại mới đúng. Bậc vị trí huệ mà ta tự đồng hóa không có thực chất gì hơn một cầu vồng, đây chỉ là phương tiện thiện xảo mà mục đích là giảm bớt cái chấp trước quen thuộc của ta vào một bản ngã và hình thể thô kệch, từ đó cho phép Phật tính bên trong chúng ta phát lộ.
Còn về dục tình, đó là biểu hiện bình thường của một ham muốn sinh học, như đói và khát. Nó đánh thức trong ta những cảm xúc rất mãnh liệt vì nó bao hàm mọi cảm giác cùng lúc. Ở người chưa đạt đến một mức độ tự tại nhất định, nó sinh ra, như các cảm giác rất mạnh khác, những tham luyến mạnh mẽ xiềng xích tâm trí vào chu kỳ khổ hơn nữa. Đối với những người đã làm chủ tâm và chứng một sự tự tại hoàn toàn, họ cảm nhận các cảm giác này trong sự đơn sơ của phút hiện tại, trong cái cực lạc của tâm đã giải thoát khỏi mọi tham luyến và vọng tưởng. Lúc đó chúng trở thành phương tiện để đạt tiến bộ tâm linh.
Suy cho cùng, tâm trí mới là cái làm chủ thân và lời nói. Dẫu ham muốn đã ăn sâu trong thể trạng ta, nó không thể bộc lộ nếu không có một hình ảnh của tâm trí. Cái này có thể tự nguyện hay áp đặt cho chúng ta, hình thành dần dần hay bỗng đâu xuất hiện, nhưng nó luôn đi trước ham muốn, vì đối tượng ham muốn phản chiếu trước hết trong ý nghĩ của ta. Hiểu quá trình này kết hợp với luyện tâm cho phép điều khiển sự xuất hiện của ham muốn theo cách giải thoát.
Theo quan điểm nhà Phật, thân tất nhiên có một ảnh hưởng đến tâm, nhưng với tư cách cái được ký thác năng lượng, khuôn mẫu và khuynh hướng có nguồn gốc ban đầu trong tâm. Các khuynh hướng này, theo đạo Phật, đôi khi có thể bắt nguồn từ những khởi nguồn rất xa. Trong tu tập, ta có thể chú trọng hơn ở thân bằng cách có các rèn luyện thân thể riêng, nhưng những cái này, cuối cùng, đều nhằm chuyển hóa tâm.
THÂN VÀ THIỀN
MATTHIEU: Mọi thực hành nối liền với thân và lời nói chỉ là phương tiện phụ để giải phóng tâm khỏi những cảm xúc đối chọi và vô minh. Về lời nói, chữ tiếng Phạn mantra chính xác có nghĩa là “cái hộ tâm”. Nó bảo vệ tâm trí khỏi những ý nghĩ lan man và trạng thái tinh thần cứ kéo dài vọng tâm cùng khổ đau. Còn về thân, tư thế chẳng hạn, chắc chắn có một ảnh hưởng đối với trạng thái tinh thần của ta. Nếu ta thiền trong tư thế quá thoải mái, ta có nguy cơ ngủ mê. Ngược lại, với tư thế quá căng thẳng, ta khiến cho tinh thần rối loạn. Cần tìm một điểm trung dung. Khi ta thấy khó ngồi kiết già, ta có thể ngồi thiền trên ghế hay gối dựa kê cao, hay ngay cả nằm, như Alexandre thường làm, để không bị đau. Cần tránh để thân ngả sang phải hay trái, ra trước hay ra sau. Kinh nói rằng, trong thân thẳng tắp, các kênh năng lượng vi tế cũng thẳng, và điều này giúp cho tâm sáng tỉnh.
ALEXANDRE: Trong cuốn sách tuyệt vời Trái tim khôn ngoan, Jack Kornfeld thuật lại câu chuyện một người thực hành mắc chứng bệnh nan y. Trong khi các bác sĩ bó tay, anh ta đến gặp thầy mình là Taungpulu Sayadaw và tin chắc rằng đã đến lúc mình sửa soạn chết. Bài học thật khai sáng. Không cam chịu và nản chí, vị thánh hiền này khuyên anh ta vận dụng tất cả để cố tự chữa bệnh. Dù cho căn bệnh lan rộng tàn phá, vẫn phải luôn đi tiếp. Và với lòng hiền từ vô hạn, thầy an ủi anh ta: “Khoan chết đã.” Khoan đã! Anh ta vẫn còn sống, và đời này, dù rằng mong manh phù du, cho đến phút cuối vẫn còn khả năng, dù nhỏ, đi đến giác ngộ. Tôi thích lời khuyên sống đến tận cùng này. Thân không phải gánh nặng cũng không phải gông cùm. Trong Phaedo, Platon ví xác thịt với một nhà tù, một nấm mộ. Không sùng bái nó nhưng tôi thích xem thân như một cỗ xe dùng để đi trọn hành trình đến niềm vui, tình yêu, giác ngộ và hợp nhất với Chúa Trời.
CHRISTOPHE: Để đi xa hơn trong chủ đề tầm quan trọng của thân, trong lĩnh vực dinh dưỡng, nó rất đáng chú ý: các vấn đề hình như sinh ra trong thân, chiếm ưu thế trong thân, và các giải pháp cũng trong thân. Ví dụ, điều chỉnh các rối loạn đường dinh dưỡng như chứng ăn nhiều hay chứng ăn vô độ chỉ bằng cách suy ngẫm thì không hiệu quả. Sức mạnh của tâm trí ta sẽ không đủ, cần phục quyền cho thân. Và thường thì, ta nhận thấy những bệnh nhân là đối tượng của kiểu rối loạn này hiểu biết kém về cơ thể họ: họ không phân biệt được sự khác nhau giữa đói thật sự và chỉ vì muốn ăn – vì đã đến giờ, vì ta buồn chán hay căng thẳng, vì ta thấy người khác ăn. Các thực hành thuộc loại thiền, cũng như các thực hành quán sát khác, không chỉ là giai đoạn cải thiện đầu tiên, mà thường còn là các lối đi bắt buộc cho toàn bộ các hình thức làm việc với các thôi thúc.
Ví dụ làm tôi xúc động nhất là thiền về lòng nhân ái và các phép thiền tập trung vào lòng từ bi trong đó ta dành thời gian kết hợp hít thở với các tâm ý nhân ái. Ta chứng nghiệm cách mà các tình cảm này in sâu trong ta, trong mọi phần thân xác ta. Dần dà, ta đạt đến trạng thái thấu hiểu, sáng tỏ, lắng dịu, nội lực nối liền với các tâm ý nhân ái này. Phần lớn chúng ta không đạt đến đó mà không có sự trợ lực của thân. Chính nó là cái tạo sự khác biệt giữa trầm ngâm và thiền.
MỐI LIÊN HỆ THÂN - TÂM
ALEXANDRE: Kinh nghiệm khuyết tật, khắc sâu mãi ngay trên thịt da tôi, gây cho tôi không ít rắc rối. Các bác sĩ thực sự khiến tôi rất buồn khi mà, thậm chí còn không khám cho tôi, họ hống hách tuyên bố rằng cái đau thể xác là do căng thẳng. Kiểu giải thích vội vàng và có hơi giảm nhẹ này rất tàn nhẫn, tuy nhiên nó cũng không ngăn tôi ghi nhận tầm quan trọng to lớn của tinh thần đối với cách hứng chịu cái đau. Nếu tôi cảm thấy bình yên, được bảo bọc, tôi thấy dường như đau đớn thể xác đỡ cay đắng một chút. Vấn đề là làm việc với hai bình diện này: chăm sóc cho thân xác và làm dịu tinh thần. Thật khủng khiếp khi nói với người đang chịu một đau đớn kinh niên là: “Anh đã chịu những thứ còn tệ hơn…”, “Cái này không làm anh chết đâu mà”. Nó giống như một người bị mười cái gai cắm vào chân rồi mà còn giẫm lên dằm. Ai dám nói anh ta rằng vẫn chưa đủ đâu? Trước hết, ta hãy để ý đến giọt nước có thể làm tràn ly. Ta hãy nhận ra những giới hạn của mỗi người để không đẩy họ quá xa.
Nếu ta lơ là thân xác, chúng ta sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá. Chỉ cần một lần nhức răng hay một cơn mệt mỏi là tôi thấy cái mong manh bên trong lòng kiên nhẫn của mình, tình yêu của mình. Do vậy mà, điều quan trọng là lắng nghe và tôn trọng tiết điệu tự nhiên của xác thân.
Còn về bài tập của anh, anh Matthieu, tôi không chắc là khi ham muốn đạt đến cực điểm, việc mường tượng ra ruột và xương của người con gái cuốn hút tôi có làm con thú lắng dịu được hay không.
MATTHIEU: Chuyện này không làm được trong vài giây. Cần làm quen với bài tập này cho đến khi mà, tự động, ta tự hỏi làm sao lại gắn bó với thân xác này hay thân xác kia như vậy được. Ta cũng có thể làm tiếp khảo sát này đến tận mức độ nguyên tử, và tự nhủ suy cho cùng ta không thể gắn bó với các hạt vi phân. Nhưng đây chỉ là một phương pháp trong nhiều phương pháp khác. Chẳng hạn, người ta thấy sẽ hiệu quả hơn và sâu hơn nếu tập làm chủ các cảm xúc khi chúng xảy đến, theo cách tôi đã đề cập.
Còn về mối quan hệ giữa thân và tâm, khoảng 30 năm trước, cộng đồng khoa học cho là hoàn toàn ngông cuồng khi xem xét ảnh hưởng lớn của các sự kiện tinh thần đối với thân. Thiền được xem như một thực hành lạ mà mấy tay hippie say thuốc du nhập từ phương Đông về. Mọi chuyện đã thay đổi nhiều kể từ đó. Nhờ các nỗ lực của Jon Kabat-Zinn, kỹ thuật giảm căng thẳng bằng chánh niệm (MBSR) giờ đây được dùng trong hàng trăm bệnh viện trên thế giới. Trên bình diện nghiên cứu, 20 năm trước ta chỉ thấy khoảng một chục ấn bản thường niên về các tác dụng của thiền, còn đến thời chúng ta, người ta xuất bản mỗi năm 400 đến 500 công trình về đề tài này trong các tạp chí khoa học nghiêm túc.
Khi hiểu tác động của các trạng thái tinh thần đối với thân, ta hiểu rõ hơn tác dụng của giả dược, một khái niệm cần lấy lại hình ảnh. Thường thì, mọi người có ấn tượng đó là một cái bẫy hay mồi nhử. “Anh khỏe hơn rồi hả? Ha ha! Anh có biết là không có gì trong mấy viên tròn tròn anh vừa uống không?” Thực tế ra, tác dụng của giả dược, với 15 đến 40% kết quả tích cực tùy theo bệnh được điều trị, lại càng cho thấy ảnh hưởng của tâm đối với thân. Khi ta nói với người sẽ khá hơn sau khi bị cho uống một thứ bột rằng đó là một tác dụng giả dược, họ thường bực tức và xem anh như nhà khoa học thiển cận. Nhưng còn gì cao quý hơn ảnh hưởng của tâm đối với thân? Không cần chứng minh tầm quan trọng của việc uống mấy viên thuốc nhỏ không có hoạt tính. Tại sao không làm việc trực tiếp với tâm ta để cải thiện các tác động nó có đối với thân ta? Tôi thấy như chuyện này trực tiếp hơn và thông minh hơn, dù mọi người rất thích ta cho họ một pha trộn cây long đởm Himalaya với bột hồng ngọc. Thiền là giả dược cao quý nhất.
Còn nữa, các công trình của Paul Ekman cho thấy rằng mối quan hệ thân - tâm hoạt động theo hai chiều. Chuyên gia tài ba về cảm xúc và vẻ mặt này đã phát hiện ra rằng chừng năm mươi cơ mặt bao hàm trong các vẻ mặt khác nhau có liên quan đến niềm vui, ngạc nhiên, sợ hãi... Nói chung, khi ta có một cảm xúc nào đó, một tập hợp cơ sẽ hoạt động. Nhưng cái này cũng đúng trong chiều khác nữa. Paul đã yêu cầu một nhóm người thí nghiệm kích hoạt dần dần một số cơ mặt – nhướng mày, trố mắt, bĩu môi... – mà không cho họ biết cái này tương ứng với cảm xúc nào. Rồi ông hỏi họ cảm thấy gì. Điều lý thú là họ gần như luôn cảm nhận được cảm giác mà bình thường có liên hệ với các cơ được kích thích. Do vậy chỉ tạo một vẻ mặt là cũng đủ để nhen nhóm một trạng thái tinh thần cụ thể.
Kết lại, tôi muốn được nhắc đến khái niệm “ý thức hiện thân” của nhà khoa học thần kinh Francisco Varela, một trong những nhà sáng lập viện Tâm và Đời mà tôi tham gia. Anh giải thích rằng ý thức bộc lộ trọn vẹn khi nó gắn liền với một cơ thể hòa nhập trong môi trường vật chất và xã hội. Một bộ óc nằm trong hũ thì sẽ không đủ sức hiểu thế giới.
CHRISTOPHE: Cái này luôn lạ lùng, các câu chuyện về giả dược này. Matthieu, anh hết sức có lý khi nhấn mạnh cái khuynh hướng liên tưởng giả dược với một cái bẫy hay mồi nhử… trong khi đây là những quyền năng của tâm, rất đơn giản! Khi tâm ta bắt tay vào phục vụ thân, lắng nghe thân, chuyện này có thể có những hiệu quả đáng kể. Và các nghiên cứu thì có vô số. Liên quan đến các phản liên thân - tâm, ta cũng có rất nhiều nghiên cứu về nụ cười, chẳng hạn, khi cười – với điều kiện lúc đó không có lý do để khóc, với điều kiện cuộc đời ta “bình thường” – ta cải thiện nhẹ nhàng tâm trạng. Vì những lý do như Paul Ekman chỉ ra, có một sự hòa hợp hoàn toàn giữa thân và tâm, nó hoạt động theo hai chiều: một bộ não hạnh phúc sẽ gợi lên được một gương mặt tươi vui, và một gương mặt tươi cười cũng tạo điều kiện cho các cảm xúc tích cực. Ta cũng có các kiểu công trình như vậy về tư thế: khi ta đưa các bản câu hỏi về sự quý trọng bản thân hay sự thỏa mãn trong cuộc sống, tùy theo bạn buộc mọi người đứng xiêu vẹo hay thẳng mà bạn sẽ có các kết quả hơi khác nhau. Tôn trọng thân sẽ giúp ích cho tâm.
LỜI KHUYÊN CỦA CHÚNG TÔI ĐỂ CHĂM SÓC THÂN MÌNH
Hai lời tôi muốn nhắn nhủ
CHRISTOPHE
• Tôn trọng thân ta như ta tôn trọng thiên nhiên. Nó không thuộc về ta, không chỉ một mình ta, cũng như thiên nhiên. Ta là người ở trọ trần gian cũng rất giống như ta là người ở trọ trong thân. Thân ta sẽ bị lấy lại vì thiên nhiên vẫn còn khi ta không còn đó nữa. Tôi thích câu này của Nietzsche: “Tôi có một lời muốn nói với những ai coi thường thân xác. Tôi mong họ không học cái mới hay dạy cái mới, mà chỉ đơn giản là nói lời tạm biệt với thân xác họ; tức là hãy cứ ngu ngốc.”
• Hãy chấp nhận và yêu thương chuyện già đi, xem nó như một sự trợ giúp để ta không quyến luyến với thân, như phương tiện để ta chuẩn bị lìa bỏ nó, không hối tiếc, hết sức dịu dàng, như cái gì đó cho ta mượn tạm thời, và nó lại được tái chế cho các thế hệ tương lai.
Chăm sóc thân mình mà không sùng bái
ALEXANDRE
• Làme theo thánh François de Sales, ngài khuyên: “Chăm sóc cho thân ta để tâm hồn được vui trong đó”, và xem thân ta như một đứa trẻ được giao phó cho ta.
• Xem thân ta như một tòa nhà cho ta mượn. Trong đó chúng ta là những người ở trọ vui sướng, ta có phận sự giữ gìn nó hằng ngày. Ta có thể dành vài phút trong ngày để dọn dẹp các xó xỉnh và nghe các tín hiệu báo trước cho ta về sự cạn kiệt: mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức… tóm lại, cái ngược lại với niềm vui.
Để sử dụng tốt thân xác
MATTHIEU
• Khi thân khỏe mạnh, tôn trọng nó mà không gắn bó quá mức. Dùng nó làm cái nâng đỡ để tiến đến hiểu biết và tự tại bên trong, hay như công cụ để ta phát triển và đóng góp vào lợi lạc cho người khác.
• Khi thân đau ốm, thay vì ủ ê tuyệt vọng, biến cái xui này thành dịp chuyển hóa và lớn mạnh trong khi vượt qua trở ngại bệnh tật.