CHRISTOPHE: Lắng nghe, có mặt, chú tâm. Ta hiểu những ý niệm rất cần thiết này như thế nào? Tôi thấy dường như ta có thể định nghĩa lắng nghe là sự hiện diện không lời trước người khác, trong khi đó mọi chú tâm của tôi, mọi ý thức, đều hướng về cái người kia nói. Đó là một thái độ phức tạp mà lúc đó ta vừa cho vừa nhận.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA LẮNG NGHE THẬT SỰ
CHRISTOPHE: Lắng nghe là một phương pháp khiêm tốn, trong đó ta để người khác lên trước mình. Những người quá ái kỷ không biết lắng nghe, và những lúc ta lo lắng, ngây ngất hay có quá nhiều mối bận tâm về mình, ta không biết lắng nghe thật sự. Dù rằng thỉnh thoảng ta cũng có thể làm bộ như lắng nghe!
Khi lắng nghe, ta thấy có ba cơ cấu nền tảng: tôn trọng lời người khác, thả lỏng và biết xúc động. Tôn trọng lời nói trước hết là không đánh giá cái người khác nói với ta khi ta lắng nghe họ. Mà chuyện này thì rất khó! Một cách tự động, ta có khuynh hướng đưa ra một đánh giá: ta cảm kích, không cảm kích, ta đồng tình, không đồng tình, ta thấy chuyện đó đúng hay ngu ngốc. Khó mà ngăn cái đánh giá này nảy ra trong đầu ta, nhưng mỗi lần nhận thấy nó, ta có thể ghi nhận rồi tránh xa, để cố hết sức quay lại lắng nghe thật sự.
Động tác khác trong lắng nghe là thả lỏng, đây là cái bệnh nhân dạy tôi. Những người hết sức nhút nhát và những người quá lo âu sợ mình không ngang tầm với người đối thoại đến nỗi họ không lắng nghe được vì họ đã chuẩn bị sẵn cái để trả lời. Khi lắng nghe thật sự, ta không cần chuẩn bị câu đáp, mà chỉ thả lỏng và lắng nghe. Thỉnh thoảng ta có cảm giác đó là một vị thế hơi “nguy hiểm”, nhưng phản ứng của ta sẽ sâu sắc hơn và phù hợp hơn nhiều khi ta bỏ hẳn cái ý soạn sẵn nó.
Cái thả lỏng này cũng là điều kiện để lắng nghe chân thành và đích thực khi mà ta sẵn lòng cảm động, xúc động, không đánh giá, không kiểm soát, không mong muốn khống chế, suy cho cùng là không có dụng ý nào.
Khí chất hướng nội của tôi khiến cho, dù không nỗ lực cũng không tài cán gì, tôi luôn thích lắng nghe hơn là nói. Dẫu thế, tôi thấy, theo thời gian và công việc, tôi đã có thể cải thiện khả năng lắng nghe, nhất là nhờ việc thực hành thiền dạy tôi có mặt mà không soạn sẵn phản ứng, hoàn toàn thả lỏng, từ đó hoàn toàn dễ thẩm thấu và cởi mở với lời người khác. Trong nghề y sĩ, điều đó không phải lúc nào cũng hiển nhiên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trung bình bác sĩ ngắt lời bệnh nhân sau hai ba mươi giây. Họ có khuynh hướng tìm các triệu chứng, nhanh chóng tìm thấy câu trả lời, nắm quyền trong cuộc nói chuyện. Nhiều đồng nghiệp của tôi, các bác sĩ đa khoa lớn tuổi giàu kinh nghiệm, nói rằng gần như mọi sai lầm mắc phải khi phụ trách bệnh nhân là những lỗi lắng nghe. Ta không để họ nói đủ, ta không đặt ra đủ câu hỏi cho họ, ta dẫn dắt họ quá sớm đến chỗ ta nghĩ là hợp lý. Ta nghĩ rằng chăm sóc là chẩn đoán, kê toa, tư vấn, cho thuốc men và khuyên nhủ hơn là lắng nghe. Nó hơi giống việc làm cha mẹ. Ta muốn khuyên bảo con cái, giáo dục chúng, an ủi chúng, chỉnh sửa chúng… và ta có khuynh hướng không nghe chúng đủ, không để chúng nói trong những lúc việc đó vô cùng quý giá.
Còn về chuyện lắng nghe trong một cặp đôi thì có một bài tập trị liệu là, khi rất khó để người này nói mà người kia không ngắt lời, ngước mặt lên trời, thở dài hay ngọ ngoạy trên ghế, thì ta nói với họ: “Chị sẽ nói về cách chị nhìn nhận hoàn cảnh, còn chồng chị sẽ đến ngồi đầu kia phòng, xoay lưng lại, chỉ lắng nghe. Tôi không muốn nghe anh ta. Anh ta chỉ việc chăm chú nghe trong năm mười phút, rồi sau đó ta sẽ đổi vai.” Cũng vì những lý do đó, đôi lúc tôi khuyến khích bệnh nhân viết cho bạn đời, khi họ thấy khó trò chuyện! Trước hết là vì, khi viết, ta thường đi vào cái cốt lõi, ta ít bị thôi thúc và do vậy ít hung hăng, oán giận. Ngoài ra còn vì người kia buộc phải kiên nhẫn đọc, không ngắt lời hay cố bào chữa. Đọc thì giống như nghe mà không thể đáp lại tức thì. Nó làm tăng một chút cơ may người kia nghe được thông điệp của họ.
MATTHIEU: Lắng nghe là một món quà ta tặng người khác. Để lắng nghe kỹ, ta không những phải kiên nhẫn với người khác mà còn cần thật lòng quan tâm đến họ. Ở Đạt-lai Lạt-ma, phẩm tính khiến những người gặp ngài chú ý nhất, ngoài lòng nhân từ mà ngài chứng tỏ với tất cả, là cách ngài lắng nghe. Ngài hoàn toàn và tức thì có mặt với người ngài nói, lúc riêng tư cũng như trước công chúng, dẫu đó là một người lạ trong sảnh sân bay.
Vì thiếu suy xét cho người khác, ta thường cho là ta biết người đối thoại muốn đi đến đâu và ta đã hiểu ngọn ngành vấn đề của họ. Với vẻ hạ cố, thỉnh thoảng ta đưa ra câu trả lời hấp tấp, chưa đủ, thường là không phù hợp. Ngay cả là ta có lời khuyên sáng suốt thì ta cũng ngăn người kia nói tất cả những gì họ có trong lòng. Thật thất vọng khi không được nói hết suy nghĩ của mình.
Rất nhiều người kêu ca là không được lắng nghe. Họ có cảm tưởng là không ai quan tâm đến họ. Các tranh luận chính trị thường là ví dụ tuyệt vời về sự dửng dưng này. Các nhân vật chủ chốt bắt đầu bằng cách ngắt lời nhau, thế rồi, khi vậy vẫn chưa đủ, tất cả cùng nói một lượt, như thể để người khác nói là dấu hiệu yếu đuối, một sự nhượng bộ không thể chấp nhận được.
Tốt hơn là để người khác nói rồi thong thả bình tĩnh chỉ cho họ thấy nếu họ mắc sai lầm. Do vậy, giai đoạn đầu lắng nghe phải là cho thấy ta thật lòng chú tâm đến người kia, rằng ta chú ý đến họ hoàn toàn. Điều đó đồng thời cũng cho họ thấy, nếu họ cần ta cho lời khuyên, ta sẽ làm hết sức để cứu vãn tình thế của họ.
Một số người gần như không biết lắng nghe người khác. Tôi còn nhớ một viên chức Bhutan mà tôi thường có công chuyện. Mỗi lần tôi hỏi anh ta, anh ta không bao giờ nghe hết câu mà đã trả lời trước: “Không, không, không!” Vì vậy mới có những trao đổi khôi hài, kiểu như:
- Anh thấy sáng mai chúng ta đi được không?
- Không, không, không… Hãy sẵn sàng lúc 9 giờ!
Chính tôi cũng có khuynh hướng trả lời hơi nhanh khi thấy trước cái mọi người sẽ nói, và dẫu hóa ra là tôi đoán đúng, đó cũng không phải là cách trò chuyện hay. Tôi thường hối hận và thấy mình cần điều chỉnh!
CHRISTOPHE: Cái anh mô tả, chúng ta ai cũng phạm phải, khi chúng ta thúc bách, gấp gáp, đôi khi còn mệt lả. Mọi người đến gặp chúng ta, họ mới mở miệng nói thì chúng ta đã hình dung trước họ sẽ dứt câu ra sao, họ muốn nói gì với chúng ta, và chúng ta có những câu trả lời có thể là phù hợp, nhưng chúng ta chưa thật sự lắng nghe họ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới làm phân nửa công việc, vì khi người khác nói với ta, họ không chỉ cần câu trả lời, họ muốn cảm thấy sự có mặt, tình anh em, cảm mến.
CHÍNH XÁC THÌ NGHE MÀ KHÔNG PHÁN XÉT NGHĨA LÀ SAO?
MATTHIEU: Điều cơ bản là không đánh giá người khác như một cá nhân. Điều đó không ngăn chúng ta đánh giá cái họ nói hay làm theo góc độ gây ra hạnh phúc hay đau khổ, cũng như hiểu những lý do dẫn họ đến chỗ làm sai với mình và người khác, nếu có.
Ta có thể đánh giá người khác theo hai cách: tuyệt đối hay tương đối. Đánh giá theo cách tuyệt đối là chẳng hạn phán xét ai đó về nền tảng là xấu xa, rằng họ không có chút thấu cảm nào, rằng họ sẽ không bao giờ ngừng kêu ca vì đó là cách sống của họ và không có lý do gì để điều đó thay đổi. Kiểu đánh giá này cho rằng các nét tính cách khắc vĩnh viễn trong đá và đã bị phản chứng bởi kinh nghiệm thiền cùng các phát hiện hai mươi năm qua trong lĩnh vực khả biến thần kinh (não chúng ta biến đổi khi ta đứng trước những hoàn cảnh mới hay khi ta theo một quá trình rèn luyện thể chất hoặc tinh thần) và di truyền học biểu sinh (ngay cả gien của ta cũng có thể biến đổi). Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng có thể thay đổi cách ta điều khiển suy nghĩ, cảm xúc, tâm tính của mình và, cuối cùng, cả nét tính cách.
Đánh giá tương đối chỉ áp dụng vào hoàn cảnh thực tế, tạm thời của người ta đánh giá. Dẫu ai đó bộc lộ những nét tính cách và thái độ khó ưa, ta cũng tính đến vai trò của sự phát triển cá nhân và môi trường của họ. Ta không đánh giá một người trong tự tính của họ, mà trong trạng thái tinh thần của họ lúc đó và các yếu tố đè nặng lên hành vi của họ. Nếu có người dùng gậy đánh ta, ta không nổi giận với cây gậy, ta biết rằng đằng sau cây gậy có một cá nhân. Ta hãy theo đuổi lập luận: người này bị nỗi căm giận sai sử, còn nó thì bắt nguồn từ vô minh. Ta không lẩn tránh vấn đề cách xử sự của người đó đặt ra, mà ta để cửa mở cho lòng từ bi đối với người là nạn nhân của hận thù và vô minh.
CHRISTOPHE: Tôi thấy như có những tình huống mà thời gian đánh giá, thời gian chẩn đoán và thời gian khuyên nhủ nên tách với thời gian lắng nghe. Tôi thấy rằng, đứng trước những bệnh nhân mà tôi không nhất thiết đồng tình với tư cách con người, việc lắng nghe họ, cố hết sức tránh xa phán xét, có một tác động rất quan trọng đối với họ. Nếu tôi phán xét trong khi lắng nghe, dù theo cách nhẹ nhàng, họ cũng sẽ cảm nhận được. Và thường thì, tôi nhận thấy rằng một chuyện đơn giản như được hiền từ lắng nghe cũng sẽ giúp mọi người nhìn ra sự vô lý trong một số lập trường của họ. Khi người đó nói xong, tôi yêu cầu họ nói cụ thể hơn: “Vậy thì nếu tôi hiểu đúng, có phải anh nói tôi rằng anh cư xử như thế không?” Và tôi có cảm giác như khi tôi biết hoãn lại tất cả những đánh giá, không những tôi nghe tốt hơn mà công việc chuyển hóa cũng đã bắt đầu. Đến một lúc, tất nhiên là tôi cần phải sắp xếp lại những ý nghĩ của mình, hơn nữa, thỉnh thoảng tôi còn cho phép mình thong thả – điều trước đây tôi không làm. Chẳng hạn tôi nói với bệnh nhân: “Giờ cho tôi vài phút, trước khi trả lời anh, để suy ngẫm cái anh vừa nói.”
MATTHIEU: Tôi hiểu quan điểm của anh, nhưng cái tôi vừa ám chỉ thì gần hơn với chẩn đoán mà một bác sĩ nhân từ lập ra bằng cách để tâm đến mọi triệu chứng và đánh giá cái khổ tiềm tàng có thể có, không phán xét đạo đức. Lòng từ bi nằm bên dưới thái độ này chỉ có một mục đích duy nhất là chấm dứt mọi hình thức khổ. Tuy vậy, chắc chắn một bệnh nhân sẽ thấy được an ủi vô cùng khi nghĩ thầm: “Vậy là cũng có người lắng nghe mình và thật tâm cố hiểu mình.”
CHRISTOPHE: Phải, tôi nhận thấy là bệnh nhân hiểu rất rõ điều này. Nhưng trước kia, tôi không dám, vì tôi thấy với tư cách nhà chuyên môn, mình phải có sẵn những câu trả lời. Tôi thấy mình làm tốt hơn khi tôi có thể tách lắng nghe với phân tích, dẫu là điều đó giả tạo, dẫu có lẽ đánh giá vẫn luôn ngầm có ở đó. Hơn nữa, đây là cái chúng tôi nói với bệnh nhân tập chánh niệm: anh không thể ngăn mình đánh giá, nhưng hãy ý thức sự hiện diện của đánh giá. Và bằng hết sức mình, anh hãy liên tục mở sự chú tâm về sự hiện diện của mình, về lắng nghe, và hơi thở. Đánh giá vẫn có đó, những ý nghĩ ở đó, nhưng đừng co cụm trong mỗi đánh giá này, những ý nghĩ này.
KHUÔN MẶT CỦA LẮNG NGHE
CHRISTOPHE: Từ 20 năm nay tôi làm việc với rất nhiều bệnh nhân bị chứng lo âu, các chứng sợ xã hội. Họ rất không thoải mái trong các trao đổi và phát hiện rất nhanh, đôi khi sai lầm, các biểu hiện đánh giá hay bác bỏ trên mặt người đối thoại. Tôi còn nhớ cái băn khoăn của một số bệnh nhân khi họ nói với tôi; cách tôi nghe họ làm họ ngại: “Khi anh nghe tôi, anh nhíu mày và tôi có cảm giác anh không đồng tình với tôi”, họ nói tôi vậy. Thật ra, tôi thấu cảm đến mức câu chuyện của họ làm tôi đau và tôi có vẻ mặt nhăn nhó! Từ đó, tôi hiểu rằng ngay cả vẻ mặt của mình cũng cần tỏ ra hiền từ. Tôi đã tiến bộ và tôi nghe họ với lòng trắc ẩn, mỉm cười dịu dàng, cố thể hiện trên mặt mình ít nhiều lòng trắc ẩn mà không chỉ là thấu cảm đơn thuần.
Sự hiểu lầm này làm tôi nghĩ đến một giai thoại Aaron Beck kể tôi nghe. Ông là nhà sáng lập các trị liệu pháp nhận thức khi còn là nhà phân tâm học. Ông im lặng, kiên nhẫn lắng nghe một bệnh nhân đang có những tự do liên tưởng. Thế rồi, lát sau, ông nhận ra là bệnh nhân có vẻ rất phật ý. Khi ông hỏi có gì làm bà băn khoăn, bệnh nhân bùng lên: “Tôi nói anh cũng cả giờ rồi, và tôi có cảm giác như anh không để tâm gì đến cái tôi nói!” Aaron Beck bèn nói với bà ta: “Thế tại sao bà không nói tôi biết?” Bệnh nhân đáp: “Tôi không nghĩ là điều này nằm trong khuôn khổ tự do liên tưởng.” Lúc này Aaron Beck mới nhận ra có gì đó tắc nghẽn trong hệ thống phân tích. Cái giày vò bệnh nhân lúc ông lắng nghe bà không phải chuyện anh trai bà khiến bà làm hỏng mất cái bánh phúc bồn tử lúc bà 5 tuổi, mà cái ý nghĩ, tất nhiên vô căn cứ, là thầy thuốc điều trị không lắng nghe. Ông mới rút ra kết luận rằng điều quan trọng nhất là chỉ cho bệnh nhân cách làm chủ cảm xúc, ý thức được những biến dạng của thực tại mà họ đầu hàng, bắt đầu bằng cách thoát ra khỏi cái giày vò họ ở đây và lúc này. Đó là một trong những lý do mà ông quyết định bỏ phân tâm học để sáng lập một trường phái trị liệu gọi là “nhận thức”, từ đó nó đã chứng tỏ khả năng trên bình diện trị liệu.
MATTHIEU: Cái anh nói làm tôi nhớ đến Paul Ekman, ông phân biệt ra hai kiểu cộng hưởng tình cảm, hội tụ và phân kỳ. Với cộng hưởng hội tụ, tôi khổ khi anh khổ, tôi thấy giận khi tôi thấy anh giận. Chẳng hạn, nếu vợ anh về nhà rất phật ý vì ông chủ cư xử sai với chị, anh sẽ phẫn nộ thốt lên: “Thằng mất dạy, sao hắn dám cư xử với em kiểu đó!” Với cộng hưởng phân kỳ, thay vì cảm thấy cùng cảm xúc như vợ, anh lùi lại và, vẫn tỏ ra ân cần, anh nói: “Anh thật tiếc là em có chuyện với gã cục cằn đó. Anh làm gì được cho em không? Em muốn một tách trà không, hay em thích ta đi dạo hơn?” Trong hai trường hợp, người kia cảm kích rằng ta quan tâm đến những tình cảm của họ.
TẠP ÂM TRONG LẮNG NGHE
ALEXANDRE: Tôi say sưa uống lấy lời các anh nói, các bạn hữu ơi… Thật ra, ta được cho hai cái tai nhưng không có hướng dẫn sử dụng để dùng. Đến lượt mình, tôi sẽ mạo muội đề nghị vài món dụng cụ để bỏ vào hộp đồ nghề của ta. Lắng nghe thì như anh nói, Christophe ạ, thả lỏng, không đánh giá người khác một cách tuyệt đối nữa. Không gì tệ bằng logic của tay quyền anh tìm cách hạ nốc ao đối thủ. Epicurus đã rất khéo khi nhắc: “Trong cuộc tìm kiếm kiến thức thông qua thảo luận, người thua sẽ được nhiều hơn bởi y thu nhận nhiều hiểu biết hơn.” Nói một cách đơn giản, tôi có thể dừng đoán trước một cách hệ thống phản ứng của người đối thoại và nhất là bỏ cái khuynh hướng tai hại là nói thay họ…
Học cách lắng nghe còn là nhận ra những tạp âm xeo xeo trên đường dây. Heidegger, khi nhắc đến khái niệm nước đôi, đã giúp tôi rất nhiều. Lắm lúc, không lắng nghe người khác đến cùng, tôi dẫn hết về mình, về câu chuyện của mình, về những phạm trù trong óc. Phản xạ thảm hại đẩy chúng ta đến chỗ ném ra những câu: “Chuyện này làm tôi nhớ tới bà mẹ vợ tôi”, “Anh làm tôi nghĩ đến anh họ tôi”, “Chú cũng đã nếm mùi chuyện đó rồi, nhóc”... Tôi bèn ngẫm về những ý kiến của mình mà không để người khác thực sự tồn tại. Lắng nghe là dừng lại, can đảm không soạn sẵn câu trả lời nữa, dừng chôn vùi kẻ khác dưới hàng đống nhãn hiệu. Ý niệm nước đôi còn phòng ngừa cho tôi cái nguy cơ tầm thường hóa khổ.
MATTHIEU: Sao lại là từ “nước đôi” này?
ALEXANDRE: Vì trong khi gán câu chuyện của tôi lên câu chuyện của người đối thoại thì tôi phủ nhận quyền được khác biệt của họ. Tôi không cho phép họ có nhiều cách giải thích thực tại. Tôi dẫn dắt hết về mình. Tôi tạo ra một kiểu phương trình khiên cưỡng giữa họ và tôi. Tôi nhốt họ trong các sơ đồ của mình.
Ra khỏi đó là khổ tu thật sự. May sao, chúng ta có thể trông cậy ở các thầy trong chuyện này. Socrates chẳng hạn, ông sẽ đến đánh thức chúng ta khi chúng ta nhốt mình trong các định nghĩa gay gắt. Biết bao ngộ nhận và lầm lẫn chia cắt chúng ta với người khác. Cũng vậy, tìm cách truy đuổi mọi thành kiến làm ta cồng kềnh là một trong những bài tập cấp bách hơn.
Cũng cần tiệt trừ thói hạ cố. Các thầy cô thường giáng cho tôi những “Thầy hiểu em”, cái này không phải lúc nào cũng đúng. Tôi có cảm tưởng như họ đứng trên doi đất cao nhìn một thằng bé đang chết chìm. Cái nhìn trên cao này không hề an ủi tôi, làm trầm trọng hơn nỗi đơn độc của tôi. Phải, quả thật là những câu kiểu “Cô hiểu em như thể cô sinh ra em” hay “Thầy hiểu em” phải được sử dụng thận trọng cực kỳ. Không nhốt người khác trong những hình ảnh của ta, luôn biết thán phục cái riêng biệt của mỗi người sẽ đem lại một bước lớn đến tự do.
Lắng nghe trước hết là im lặng, và dám lùi lại một chút khỏi cái radio bên trong này, cái “Đài FM trong óc” cái gì cũng bình luận. Từ sáng đến tối, nó đánh giá, phân tích, so sánh. Tôi càng nghĩ nó quan trọng, tôi càng ít rảnh rang cho người khác. Bài tập ở đây là nhận ra cả ngàn lẻ một ý nghĩ làm ta xa người khác. Dẫu ta không thể tắt cái radio, nhận thức rằng nó thường trực xeo xeo thì cũng đã đủ. Cần thừa nhận rằng có những lúc ta bị các sóng này xâm chiếm đến mức người khác gần như không tồn tại nữa. Làm sao lắng nghe một người cha mất đứa con trai khi chính ta bị tê liệt đi vì nghĩ một thảm kịch như vậy có thể xảy đến cho ta?
Mệt mỏi, chán nản, hấp tấp… Có biết bao yếu tố làm biến chất sự lắng nghe của ta. Không thật sự có mặt, lúc đó tôi ngoài rìa người đối thoại. Do vậy mà phải lắng nghe cơ thể, tâm trí và tinh thần để vẫn có mặt.
Lời nói vừa có khả năng giết chết vừa có khả năng chữa lành. Tôi nhớ có ngày đã mắng Augustin vì một chuyện làm bài tập nhỏ nhặt. Câu nó nói cảm hóa tôi: “Ba ơi, khi ba mắng con, con hình dung lời ba là những cái vuốt ve.” Từ đó, đứng trước những chế nhạo, chỉ trích hay một tin xấu, tôi cố xem lời làm tôi tổn thương như những âm thanh đơn giản, tự nó không có ý xúc phạm. Sao lại trao cho chúng nhiều sức mạnh như vậy? Cho chúng quyền hủy hoại niềm vui thì để làm gì? Hãy cho qua những âm thanh này, ngọn gió này, đó là cái thách thức.
MATTHIEU: Dilgo Khyentse Rinpoche có nói rằng nếu ta quá tin mọi lời nói ta nghe, tâm trí ta sẽ giống như cỏ cứ xạc xào theo gió trên đỉnh đèo. Thầy cũng khuyên là đừng vênh vang tự phụ khi được khen. Tốt hơn nên tự nhủ rằng những lời này như ta nghe thấy trong mơ, hoặc không phải người khác khen ta, mà khen những phẩm tính họ nghĩ là thấy ở ta. Trái lại, nếu ta bị chê trách đúng, ta nên tranh thủ cơ hội này để nhận ra khuyết điểm của mình và tỏ ra khiêm cung.
ALEXANDRE: Chăm chú, hiền từ lắng nghe, lúc ấy sẽ nhận ra các tạp âm: mệt mỏi, căng thẳng, những phóng chiếu, sợ hãi, giận dữ… Thực ra, mấu chốt là làm ta rảnh rang bên trong. Thường tôi ở ngoài rìa vấn đề khi có người nói với tôi về cái khổ của họ. Bất lực, tôi chỉ nói được những thứ vô vị vì không biết im lặng. Và tại sao không cứ thú nhận: “Tôi hết lòng với anh nhưng tôi kiệt sức rồi, biết nói gì với anh đây?” Khi cha tôi sắp chết, ở bệnh viện, tôi cũng đã đoán ra cái nguy cơ lấp đầy khoảng không, che đậy cái vụng về bằng tràng chữ nghĩa trống rỗng. Cái vụng về sinh ra do không biết im lặng…
CHRISTOPHE: Thỉnh thoảng, khi ta vào bệnh viện thăm ai đó sắp chết hay chống chọi với căn bệnh, nói những điều tầm thường cũng an ủi được. Mọi người tưởng những ai làm trong nghề chăm sóc giảm nhẹ nói về sự sống và cái chết, nhưng phần lớn thời gian, các đề tài trò chuyện bình thường thôi: chúng tôi xem ti vi với họ, bình luận về thời tiết, các cuộc viếng thăm, thực đơn… Sẽ phức tạp cho tất cả mọi người nếu đề cập đến các đề tài nặng nề và trịnh trọng trong các tình huống này. Tôi rất ngưỡng mộ những người có can đảm thường xuyên đi thăm bệnh nhân đang được chăm sóc giảm nhẹ; bất kể lúc đó họ nói gì thì sự có mặt của họ cũng đã là một món quà đặc biệt.
MATTHIEU: Tôi cũng có nhiều dịp ở bên một người sắp chết, và tôi luôn thấy dường như cách hay nhất để đi cùng người đó là chỉ cần có mặt, im lặng, nhìn họ trìu mến, cầm tay họ, không xâm lấn. Cần hoàn toàn sẵn lòng, với từ tâm mà không có lịch trình gì khác.
ALEXANDRE: “Hoàn toàn rảnh rang và không có lịch trình”, nghệ thuật sống tuyệt diệu làm sao! Im lặng cũng cần phải học. Phải can đảm ghê gớm lắm mới không hở chút là chen vào. Mới đầu, khi tôi nói chuyện với sư phụ qua điện thoại, tôi thấy ngạc nhiên vì thầy cứ im lặng hồi lâu, tôi cứ tưởng là cả đường dây bị mất tín hiệu. Rồi tôi lo: “Thầy còn ở đấy không?”, và thầy luôn đáp: “Có, thầy nghe con đây!” Mỗi lần như vậy tôi lại phát hiện ra khả năng có một tính chất hiện diện khác, một sự rảnh rang bao la bên trong. Cầu nguyện là hoàn toàn chìm trong im lặng, ngậm miệng, lắng nghe. Thầy Eckhart đã khai tâm cho tôi vào đời sống trầm tưởng này. Trước kia, cầu nguyện của tôi là một chuỗi lê thê những xin xỏ, lấp đầy khoảng không. Giờ đây, tôi bắt đầu bỏ những cầu xin, hay đúng hơn, tôi mở rộng thêm để bao trọn nhân loại và mọi chúng sinh đau khổ. Cầu nguyện xuất phát từ một sự sẵn sàng mỗi phút giây, từ cái thức tỉnh mà ta học cách bằng lòng với cái xảy đến, không chối bỏ gì, không bao giờ tự nhồi nhét.
Tôi nhớ người tu sĩ tử tế này đã tâm sự với tôi: “Trong im lặng, hãy để Chúa Trời lo cho Chúa Trời. Chỉ cần lắng nghe.” Thánh Benedict nói: “Hỡi con trai ta, hãy lắng nghe lời mời của thầy, nghiêng lỗ tai của tim con.” Cụ thể thì, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể đi vào sâu thẳm con người mình để khám phá ra sự tĩnh lặng và bình yên bên dưới cái náo động của tâm trí.
DÁM IM LẶNG
ALEXANDRE: Đây có lẽ là một hành vi cách mạng vô cùng: dám sống một đời quán tưởng. Đôi khi, đó rõ ràng là cuộc nổi loạn. Dọc đường không thiếu những chướng ngại. Vài năm nay rồi, tôi bắt đầu thiền một giờ mỗi ngày bên sư phụ. Và thật ra, đó là một vấn đề sống còn. Không có quãng thời gian này để can đảm sống chậm lại và bớt máy móc đi một chút, tôi đã đắm từ lâu. Khi oằn mình dưới các nghĩa vụ, tôi luôn hy vọng tìm thấy một chút thời gian để theo đủ lượng của mình: trong taxi, bến xe buýt, khắp nơi… Nhưng nương náu ở đâu để lìa bỏ một chút cái huyên náo? Người ta nói rằng sự vắng lặng khiến ta sợ, nó gợi nhớ cái hư vô, cái chết, nó đánh thức những bóng ma, cái thiếu thốn. Thế nhưng, miệt mài trong đó, đấy là bước vào một sự viên mãn chữa lành. Cầu nguyện, thiền, là từ bỏ các vai trò, nhãn hiệu, để cảm nghiệm hết tĩnh lặng này đến tĩnh lặng khác. Nhưng thử thách thật tàn bạo. Để náo động tiêu tan và tĩnh lặng sinh ra thì phải băng qua rất nhiều hoang mạc.
Trong thiền đường, một ngày dông bão, tôi cảm thấy rằng cái bình yên luôn ở đó, trong sâu thẳm. Bên ngoài, sấm chớp gầm rú và mưa như trút. Bỗng đâu, tôi nhận ra rằng mình đang lắng nghe mưa ở một nơi khô ráo. Tôi thật sự nhận ra rằng không có gì, tuyệt không có gì có thể làm hỏng tâm ta. Từ đó, khi cơn giận hay lo sợ đến, tôi luôn giữ kỷ niệm mùi vị kinh nghiệm này: tôi có thể lắng nghe mưa từ một nơi khô ráo, để cho những lo sợ và tâm trạng buồn bực nhẹ nhàng trôi qua.
MATTHIEU: Mẹ yêu quý của tôi thường nói: “Im lặng là ngôn ngữ của tương lai.” Từ khi ẩn tu ở Nepal, tôi thấy rặng Himalaya trải ra trước mặt trên hơn 200 km. Vắng lặng hoàn toàn đến nỗi tôi nghe giọng nông dân cách xa hơn một cây số, và thỉnh thoảng, tiếng trầm đục của màn mưa đến gần, tăng dần cường độ khi ập đến tôi. Tĩnh lặng ngoại cảnh mở ra những cánh cửa tĩnh lặng nội tâm. Lúc đó dễ cảm nghiệm hơn cái tươi mới của khoảnh khắc hiện tại, nó đưa ta đến gần bản tính tối hậu của vạn sự.
Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa thu tôi thấy mình ngồi một mình bên bờ hồ lớn Manasarovar, ở độ cao 4.600 mét, gần núi Kailash. Bầu trời xanh thẳm và sắc sáng chói lòa. Cảnh vật gần như hoàn toàn vắng lặng. Bỗng, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng kêu mà tôi nhận ra như của vịt đầu đỏ. Tôi nhìn kỹ xung quanh mà không thể xác định được chỗ của bầy vịt, rồi cuối cùng tôi cũng thấy chúng, bình yên bơi cách bờ hai trăm mét. Tiếng kêu của chúng lan trên mặt hồ và tôi nghe như chúng được đẩy tới ngay cạnh tôi. Tôi nhận ra rằng thiền định nằm ở bên ngoài cũng như bên trong. Tôi nghĩ về một tình tiết trong đời đại hành giả Shabkar, một ngày cũng ở trên bờ hồ này, đầu thế kỷ XVIII, và về sau ngài viết: “Một hôm, khi nghỉ ngơi trên bờ hồ, tôi chứng nghiệm được một sự khoáng đạt không còn đối tượng chú tâm nào, một trạng thái trong trẻo, bao la.”
Trong thiền, khoảnh khắc từ khi các ý nghĩ đi qua ngừng đến khi các ý nghĩ tiếp theo sinh khởi, có một khoảng vắng lặng bên trong, một sự vắng bặt huyên thuyên của trí, cái tươi mới của phút hiện tại. Ta có thể, một cách lý tưởng, để tâm nghỉ ngơi trong trạng thái sáng tỏ bên trong và đơn sơ này. Khi đã thiền đến mức độ tu chứng cao, ta có thể ở lại trong tĩnh lặng này giữa những lúc kẹt xe hay trong cảnh náo nhiệt ở tàu điện ngầm. Nếu không, quan trọng là trước hết tìm các hoàn cảnh thuận lợi để thiền.
ALEXANDRE: Nghỉ ngơi trong cái bình yên bao la này chính là chết cái chết cao quý để hồi sinh sống động hơn, mới mẻ hơn. Một thời gian dài tôi tin rằng chỉ có các thánh nhân hiền triết mới có quyền đó. Nhưng khổ tu có lẽ đơn giản hơn ta tưởng nhiều. Cả trăm lần mỗi ngày, tôi có thể tập chết đi một chút tôi, dẹp qua một chút thế giới của ý. Sự im lặng, như tự tính của tâm, không vấy bẩn. Ta có thể la hét, ném vào nó những lăng mạ xấu xa nhất, sẽ không có gì làm khuấy động nó được. Cũng vậy, trong sâu thẳm, vẫn còn một phần luôn vô nhiễm, mà không đòn số phận nào làm hại được. Mỗi người chúng ta, dù tổn thương thế nào, vẫn có thể dọn đi, bước vào niềm hoan hỉ này.
MATTHIEU: Bản tánh của tâm, mà ta còn gọi là “Phật tánh”, là sự vắng lặng của các cảm xúc làm khổ ta, sự vắng lặng của vọng tâm. Nó giống như khoảng không mà mây có thể che khuất nhưng vẫn không đổi. Hay như vàng bị bùn lấp kín nhưng không bao giờ làm vẩn đục được. Bản tính của tâm là trong sáng và bất biến. Vô minh có thể tạm thời che phủ, nhưng không làm nó biến tính được.
ALEXANDRE: Tôi thích hình ảnh vàng bất biến, hình ảnh bầu trời. Làm sao để ngụ trong đó khi mà mọi thứ đều không ổn? Và trước hết, tìm đâu sự táo bạo để bắt đầu kiêng khem lời nói một chút? Khi đến Hàn Quốc, tôi nhanh chóng học được điều này. Khi cuối cùng tôi cũng được gặp sư phụ, thiết tha muốn thổ lộ hết với thầy mọi phiền muộn của mình, thầy đáp: “Alexandre, nói làm con mệt. Hãy giữ im lặng. Đừng cất tiếng trừ khi chuyện quan trọng.” Vậy mà tôi vừa vượt gần 10.000 cây số. Nhưng tôi nhớ bài học: cái tôi tìm cách xuất ra ngoài là cái tôi có thể tìm ra giữa lòng im lặng. Thổ lộ không giải thoát được, cần tìm thấy một an ủi thực sự ở nơi khác. Đúng vậy, các nhà thần bí dạy ta rằng hoàn thành ý muốn của Chúa Trời là đi tới bình yên, dừng làm thứ đồ chơi cho cái dao động phiền nhiễu của cảm xúc, và im lặng sẽ chữa lành. Hãy đi tới trên con đường bằng lòng và dừng mọi bình phẩm, đó có lẽ là cốt lõi của thực hành.
Truyền thống Thiền tông nói đến ba dạng im lặng: thân yên, trí ngừng, nghĩa là tắt hay ít ra cũng cho “đài FM trong óc” tạm nghỉ, và cuối cùng là tâm tịnh, cái bình yên bất biến. Mỗi ngày, có cả ngàn dịp để ta bắt tay vào những chữa trị nho nhỏ để được đắm mình trong tĩnh lặng: trong thang máy, trên giường, trên tàu…
Cầu nguyện, thiền, là bỏ dần dần nói, nghĩ liên miên. Tóm lại, hãy thực hành mỗi ngày để hé lộ cái vấy ô sự tĩnh lặng, cái cản trở ta đạt tới một niềm vui thực sự, tiến tới mà tươi tắn, tự do và đầy tình thương. Đi đến tận cùng sự tĩnh lặng còn là phát hiện trong ta một phần tránh được những vết thương và vẫn lành lặn bất chấp những đòn số phận và náo động.
Tất nhiên, im lặng, dám ngậm miệng và không làm gì là thấy hiện ra những bóng ma, những ám ảnh, sợ hãi, ý nghĩ u ám… tất cả những gì chúng ta kìm nén trong sâu thẳm và nó mục ruỗng dưới cái huyên náo hằng ngày. Thực ra, vấn đề là đem lòng yêu sự im lặng và thân thiết với nó. Một buổi an cư có thể nhanh chóng biến thành màn tra tấn nếu ta đến đó vì phận sự, bị cưỡng bức. Một hôm, điện thoại di động của tôi reo lên trong giờ thiền. Thầy tôi cảnh báo: “Alexandre, nếu điện thoại còn kêu nữa, con cứ lẻn ra.” Với tôi, đó là nỗi khổ tâm, buông cái thiết bị này ra thì đúng là như bị cắt cụt tay chân. Khi tôi cài điện thoại sang chế độ đi máy bay, chuyện này thật khủng khiếp, tôi cảm thấy lẻ loi cực kỳ, gần như bị bỏ rơi. Thầy nhận ra ngay cái rối loạn trong tôi: “Alexandre, còn những mối liên hệ khác với những thứ khác, bên trong hơn, sâu sắc hơn.” Đúng vậy, nhận ra cảnh nô lệ đã giải thoát tôi ngay lập tức. Một bước nữa thì ta đã có thể bỏ các thứ nghiện để hoan hỉ trước cuộc đời và yêu thương mà không có những cái thiếu thốn này. Dẫu vậy, phần tôi thì, vừa ra khỏi buổi an cư là tôi lại chộp lấy điện thoại di động!
Trên đường, vấn đề là không bao giờ đi chệch cái cốt lõi, để sự bình yên ngập tràn trong lòng mỗi người. Kiêng khem lời nói cũng là thưởng thức niềm vui giao tiếp với người khác, tránh mọi ba hoa. Nói là một hành vi thiêng liêng, lành mạnh. Thật ra, tôi cần thường xuyên học cách lắng nghe, ngậm miệng và không nói quá độ, thái quá.
Vừa tới Seoul, tôi đã muốn thú nhận mọi lỗi lầm lạc với thầy. Tôi cần bắt đầu lại trên những nền tảng mới, can đảm để cho quá khứ ra đi. Tôi nhớ đã ghi ra giấy những thói tật, khuyết điểm, tội lỗi của mình. Bài tập này thật giải thoát, nhưng tôi run rẩy đến nỗi tôi rất sợ đánh giá của thầy. Phản ứng của thầy hợp lẽ, ngắn gọn: “Thầy đọc hết rồi.” Bốn chữ này đã cất đi một gánh nặng, cảm giác có lỗi tôi kéo lê từ nhiều năm. Tôi nhận ra ở đó một tiếng gọi đến tự do, dấu hiệu của một tình yêu thương bao la. Không lời lẽ dư thừa, không khiển trách, không chỉ trích. Thiền tông mở ra con đường điều độ triệt để. Phúc Âm cũng dạy tôi vất bỏ thói đạo đức giả, những chuyện ngồi lê đôi mách. “Hãy nói ‘Có’ là ‘Có’, ‘Không’ là ‘Không’, ngoài cái đó ra thì mọi thứ khác đều là lời của ác quỷ.” Không phải cần trừ bỏ mọi sắc thái, mà cầ ngần sự thật hơn, tránh xa cường điệu, gièm pha, chế nhạo.
Vả chăng tình yêu đích thực tước sạch cái ba hoa, nước bóng, nó sa thải các vai trò. Do ngu dại, lâu nay tôi đánh giá tình yêu theo số câu nói “em yêu anh” mà tôi gặt hái được. Phép tính ngu ngốc và vô ích… Giờ đây tôi cần đi vào tận cùng để thoát khỏi sùng bái và để yêu thương không cần lý do, không màu mè. Con đường của Thiền tông, Phúc Âm dẫn tôi đến đó. Kiên nhẫn vô cùng, để mình phong phú thêm nhờ im lặng, từ đó thấy rằng mọi thứ đều từ nó mà ra và tất cả đều trở về với nó, từng phút một.
MATTHIEU: Trong Phật giáo Tây Tạng, người ta nói rằng một kỳ an cư tịnh khẩu thì lợi lạc hơn an cư khi ta nói gấp mười lần.
CHRISTOPHE: Tôi rất thích các buổi an cư tịnh khẩu! Hơn nữa, nó hé lộ chính cái cơ cấu dành cho nhịn ăn: ta nhận thấy rằng ngừng nói, như ngừng ăn, không khó, dù thỉnh thoảng, đối với những người hướng ngoại hay nói thì ban đầu cũng có vài khó khăn. Và nhất là, ta hiểu rõ hơn lời nói có nghĩa là gì, cũng như mối quan hệ với lời nói, với những lời vô ích, những lời tự động, những lời sai lạc, những lời hấp tấp. Khi dứt kỳ an cư tịnh khẩu, ta đã thưởng thức được lời nói thật sự. Cũng giống như sau một kỳ nhịn ăn người ta thích dinh dưỡng thực sự hơn là thức ăn rác. Ta thưởng thức những lời nói mà chỉ được bày tỏ khi có điều cần nói, chứ không phải ba hoa, lấp đầy, hay lải nhải.
Tôi nhớ một lần dứt kỳ an cư tịnh khẩu với Jon Kabat- Zinn. Chúng tôi trải quả bốn mươi tám tiếng không nói, và Jon sắp xếp việc dứt tịnh khẩu theo kiểu rất cảm động. Thay vì thình lình nói: “Nào, giờ các anh có thể bắt đầu nói lại…”, ông khuyên chúng tôi quay sang người bên cạnh, dù có quen nhau hay không, kê miệng sát bên tai người đó, và trong năm phút, nói khẽ với họ những gì đã xảy ra cho chúng tôi trong bốn mươi tám giờ tịnh khẩu đó. Người đó chỉ cần lắng nghe thôi, không bình luận, không làm điệu bộ. Đó là một trải nghiệm mạnh mẽ – dù tôi không phải người hay nói, đôi khi tôi cũng thấy thích nói – và nhất là tôi đã cảm nhận được việc lắng nghe thật lạ thường. Lúc đến lượt tôi lắng nghe người khác thì cũng thật lạ thường khi tự nhủ: “Mình không cần nói gì cả, không cần chỉ gì cả, không cần đáp gì cả… Chỉ lắng nghe thôi.” Tôi có cảm tưởng lắng nghe mạnh mẽ hơn, thuần khiết hơn là khi tôi ở với bệnh nhân và tỏ vẻ mặt từ tâm hay khích lệ. Đó là sự đơn sơ hoàn toàn trong lắng nghe, hiện diện không lời, không gương mặt, ý thức hoàn toàn hướng về người khác, toàn tâm với họ.
Ở ĐÓ, CÓ MẶT
MATTHIEU: Về phẩm tính của sự hiện diện, tôi luôn quay về với tấm gương của các thầy mình. Khi tôi đến Darjeeling, ngày 2 tháng Sáu năm 1967 (đây gần như là một trong những ngày duy nhất tôi nhớ chính xác), tôi không nói được tiếng Tây Tạng và chật vật với mấy chữ tiếng Anh. Mới đầu, tôi chỉ ngồi trước người sau này trở thành thầy chính của tôi, Kangyour Rinpoche. Hết hai tuần, con trai cả của thầy tới và tôi có thể hỏi anh ta đôi câu. Cho đến lúc đó thì chỉ có giao tiếp không lời. Tôi ngồi hàng giờ im lặng trước thầy. Thầy sống rất đạm bạc trong túp lều có hai phòng nhỏ, với vợ và hai con. Mỗi khi cố mô tả phẩm chất sự hiện diện của thầy, tôi không tìm được lời, như thể tôi cố khoanh vùng cái không thể khoanh vùng. Chẳng hạn, tôi có thể nói rằng thầy luôn sẵn lòng và có lòng tốt vô biên, rằng khi thì thầy long lanh niềm vui rồi khi lại khá nghiêm nghị, nhưng tôi ý thức rõ là vẫn chưa nói được gì cốt lõi.
Kiểu hiện diện này đôi lúc cả đám đông cũng cảm nhận được. Năm 1999, khi có lễ kỷ niệm 50 năm nhân quyền ở Paris, Hội Ân xá Quốc tế tổ chức một buổi diễn nhạc rock ở Bercy, có Peter Gabriel cùng các nhạc công khác, và khi họ hỏi đức Đạt-lai Lạt-ma có bằng lòng xuất hiện bất ngờ không thì ngài vui vẻ nhận lời. Khi chờ ngoài hành lang, ngài nắm tay một thợ điện như thể anh ta là bạn ngài từ xưa đến giờ. Rồi người ta thông báo: “Còn đây là khách mời bất ngờ của buổi lễ hôm nay, vị Đạt-lai Lạt-ma thứ mười bốn của Tây Tạng!” Khi ngài bước lên sân khấu sáng trưng, giữa hai tiết mục rock, mười lăm ngàn thanh niên ăn mặc giống nhau đứng lên vỗ tay nhiệt liệt chào mừng ngài, tiếng vỗ tay mạnh nhất trong buổi tối theo máy đo tiếng vỗ tay.
Ngài tiến tới mép sân khấu và nói: “Nghe này, tôi không hiểu gì nhạc của các bạn, nhưng tôi thấy trong mắt các bạn ánh lung linh, sự trẻ trung, nhiệt huyết này…” Rồi ngài phát biểu đôi lời về quyền con người. Đám đông kêu “Suỵt!” để nghe ngài rõ hơn. Đó là lần đầu tôi dự một buổi diễn rock, nhưng tôi cho là ta không nghe thấy nhiều tiếng “Suỵt”. Thế rồi, khi đức Đạt-lai Lạt-ma phát biểu xong, tất cả đứng lên vỗ tay rầm rập. Tôi thú nhận là cảm xúc đó làm tôi trào nước mắt. Không ai trong những thanh niên này đến để gặp Đạt-lai Lạt-ma, thế nhưng một mối tiếp xúc đặc biệt tức thì được tạo ra giữa họ và ngài. Tôi cho rằng họ tức thì cảm nhận được tính chân thật từ con người ngài và những gì ngài nói. Không thể gợi lên hiện tượng này một cách giả tạo, dẫu có hậu thuẫn lớn của các chuyên gia tư vấn giao tiếp. Cần có sự gắn bó chặt chẽ thật sự, một hiện diện đích thực, lời nói chân chính.
CHRISTOPHE: Về vấn đề sự có mặt cho người khác, tôi đã có một kinh nghiệm lạ lùng trong sáu tháng, tại một cơ sở tiếp nhận trẻ tự kỷ vào ở nội trú. Thời ấy chúng hơi bị bỏ mặc; các thầy cô, các nhà tâm lý học mất rất nhiều thời gian cho các buổi họp của cơ sở. Ngày ấy tôi là thực tập sinh trẻ, vừa ra trường, và tôi ghét mấy buổi họp của cơ sở chừng nào thì cũng thích ở bên các trẻ tự kỷ chừng ấy. Một số đứa mắc chứng tự kỷ nặng, và cần làm quen với chúng. Tôi không biết cái mình làm có mang tính trị liệu lắm không, nhưng tôi có mặt bên chúng. Không có mục tiêu trị liệu, tập tành hay gì cả. Dụng ý của tôi chỉ là ngồi và làm quen với chúng, như những con thú nhỏ hoang dại, cố dịu dàng đến gần chúng cách mười mét, rồi chín mét, cho đến khi có thể cùng tham gia trong những sinh hoạt của chúng. Và thế là, bỗng đâu, chúng cầm tay tôi, áp lên mặt chúng, hay từ từ sờ lên mặt tôi. Đó là một giao tiếp đơn sơ, nhưng cực kỳ mãnh liệt. Và nhờ có mặt mà có một giao tiếp rất mạnh mẽ, hơn nữa còn là cái duy nhất mà chúng chấp nhận được.
Còn về có mặt cho chính mình, tôi đã tiến bộ nhiều nhờ thiền. Trước kia, tôi hiểu bản thân theo kiểu có hơi trí tuệ, thất thường, được chăng hay chớ, mà không thật sự có mặt cho mình. Thế mà, trong hành thiền, ta tập rất nhiều để có mặt với chính mình: có mặt với thân, với ý, với cảm xúc, với toàn thể con người mình. Và càng có mặt đúng nghĩa với chính mình thì nó càng là một yếu tố tiến bộ cá nhân, và là một yếu tố khả năng giúp người khác được nhiều hơn. Một đồng nghiệp ở Québec, Patricia Dobkin, đã có những nghiên cứu, từ các đánh giá bệnh nhân, cho thấy rằng ở những y sĩ có thiền thì sự có mặt của họ có phẩm chất tích lũy, làm lợi cho mọi khả năng chuyên môn của họ.
LỜI KHUYÊN CỦA CHÚNG TÔI VỀ LẮNG NGHE
Ba thực hành tức thì
ALEXANDRE
• Những phép chữa trị im lặng. Trong ngày, cho mình những chữa trị im lặng để buông bỏ cái đè nặng trong lòng: để cái đi qua tâm trí ta sinh ra, bộc lộ rồi tan biến, bỏ những thành kiến dứt khoát là làm ta bất hạnh. Can đảm có những buổi an cư nhỏ, để bỏ cái loạn động và đi sâu hơn…
• Những tạp âm trong lắng nghe. Nhận ra, khi ta nói với ai đó, tất cả những gì làm nhiễu sự gặp gỡ đích thực: hấp tấp, mệt mỏi, thành kiến, ngộ nhận, cái nguy nước đôi… Khổ tu là thật sự lắng nghe.
• Hoàn toàn sẵn lòng cho người khác. Một cách cụ thể, nhấc điện thoại lên gọi cho một người đang chịu thử thách hay đơn độc. Lắng nghe họ, đỡ đần họ mà không nhất thiết muốn nhồi cho họ những lời khuyên, chỉ cho họ dịp để được hoàn toàn là mình…
Ba lời khuyên để nghe tốt
CHRISTOPHE
• Ta tiến bộ khi lắng nghe nhiều hơn là khi nói. Tục ngữ có câu: “Ta có hai tai và một cái miệng, có nghĩa là ta cần lắng nghe gấp đôi nói.” Lời nói biến chuyển ta vì nó buộc ta xác định những ý nghĩ, nhưng nghe thì còn mạnh mẽ hơn nữa, vì nó mở chúng ta ra các vũ trụ khác ngoài chúng ta.
• Luôn nhớ rằng lắng nghe là cho đi. Không chỉ cho đi câu trả lời mà còn cho đi sự có mặt. Nghe trước, trả lời sau, và đừng quên rằng đó là hai chuyện khác nhau. Thời gian lắng nghe trước này cho câu trả lời của ta sự chân xác, sức nặng, và một hiệu quả tích lũy.
• Cần làm vơi từng phần con người ta để lắng nghe cho tốt. Đổ bớt những sợ hãi, sợ không biết nói gì, sợ không biết trả lời sao. Bỏ bớt những xác tín. Làm vơi những chán nản. Nhưng ta cũng có những giới hạn trong chuyện lắng nghe: có những lúc ta chỉ cần được một mình, để nạp lại năng lượng!
Lắng nghe với lòng nhân từ và khiêm cung
MATTHIEU
• Hãy xem lắng nghe như món quà không dè sẻn cho người trước mặt. Dẫu họ xấu xa cũng lắng nghe họ với lòng trắc ẩn, không chiều lòng mà với mong muốn sâu xa tìm thấy phương thuốc chữa nguyên nhân gây khổ cho họ.
• Không đoán trước lời nói của họ khi nghĩ ta biết họ định nói gì.
• Tránh mọi thái độ hạ cố. Cũng như ta hứng nước chảy ở chỗ thấp hơn, trong thái độ khiêm cung ta mới nhận được từ người khác cái cho phép ta giúp họ.