CHRISTOPHE: Cảm xúc là một lĩnh vực rất lý thú vì nó là nền tảng để hiểu con người, tâm lý và những cái khổ của họ. Hồi tôi còn nhỏ, một trong những lý tưởng giáo dục của cha mẹ tôi là dạy tôi trở thành một thằng bé biết điều. Và trong biết điều này có cái ý là không nên để cảm xúc chiếm chỗ quá nhiều. Ta thấy ở đây sự đối lập truyền thống ở phương Tây giữa lý trí và cảm xúc. Ta đánh giá cao lý trí và kiềm chế cảm xúc. Do điều này thỏa đáp sự vận hành của gia đình tôi, chúng tôi ít bộc lộ cảm xúc. Và như thể tình cờ, khi làm thầy thuốc tâm thần, tôi trở thành chuyên gia về những rắc rối cảm xúc.
NHỮNG CẢM XÚC LÀM TA RỐI BỜI
CHRISTOPHE: Ở phương Tây, từ lâu người ta đã nhìn nhận cảm xúc với sự e sợ và ngờ vực. Người Hy Lạp dè chừng những cái làm xáo trộn trật tự xã hội, nhất là lòng kiêu hãnh, kiêu căng và tự tin thái quá. Họ cũng thấy buồn bã là một cảm xúc đáng ngờ, vì nó tháo gỡ cá thể khỏi vai trò công dân. Mọi sự đã thay đổi trong thế kỷ XIX, cùng với Darwin, khi ông cho thấy rằng từ đầu cảm xúc là một hiện tượng sinh học thích nghi, nó có trong trạng thái phôi thai ở các loài động vật đơn giản nhất, và càng lúc càng tinh tế khi bộ não phức tạp hơn. Ông đã tự nhiên hóa cảm xúc. Ngày nay, chúng ta có may mắn sống trong thời đại mà người ta nghiên cứu các cảm xúc theo cách khoa học.
Trong nghề của tôi, nếu mọi người đến để được tư vấn thì thường là do những cảm xúc đau đớn họ không kiểm soát được. Chủ yếu là những cảm xúc sợ hãi nhuốm các chứng lo âu, cũng như các cảm xúc buồn và xấu hổ thái quá bị nặng thêm thành trầm cảm. Thật ngược đời khi những người hay nóng giận lại ít đến tư vấn. Theo tôi nghĩ, xã hội chúng ta quá bao dung cho sự giận dữ! Cho đến nay, các bệnh nhân ít hỏi về việc thiếu hụt cảm xúc dễ chịu. Yêu cầu đầu tiên là làm sao dừng những đau đớn liên quan đến cảm xúc “tiêu cực”. Nhưng với tâm lý học tích cực, các nhà chuyên môn biết rằng sau khi làm vơi bớt những cảm xúc tiêu cực thái quá của bệnh nhân, họ cần kiểm tra lại là những người này có khả năng đón nhận, khơi gợi, vun trồng cái mà ta gọi là những cảm xúc “tích cực” hay không. Hơn nữa, ngày nay còn tồn tại một tranh luận lớn về thuật ngữ “tích cực” và “tiêu cực” vì chúng đưa đến một đánh giá về giá trị. Ta có cảm tưởng là các cảm xúc tích cực chỉ có những điểm lợi còn các cảm xúc tiêu cực chỉ có những bất tiện, điều này tất nhiên là quá sơ sài. Đúng hơn ta nên dùng thuật ngữ “cảm xúc dễ chịu” và “cảm xúc khó chịu”.
Tâm lý học đã trở nên chuyên biệt trong việc hiểu các cảm xúc khó chịu cũng như trong việc phân tích mối quan hệ của chúng với những suy nghĩ đau đớn. Trong trị liệu nhận thức có câu: “Cảm xúc càng mạnh thì nhận thức sẽ càng mạnh.” Nói cách khác, khi tôi bị một cảm xúc lo âu hay buồn bã xâm chiếm, cảm xúc sẽ giống như ngọn lửa dưới cái chảo ý nghĩ của tôi, cảm xúc càng mạnh thì càng có nhiều ý nghĩ tiêu cực, và tôi càng bám vào đó. Ví dụ, nếu tôi quá bực tức, những ý nghĩ như “Bọn này thật vô tích sự và làm đủ chuyện khiến phiền lòng” sẽ tăng lên gấp bội và làm tôi thấy như điều hiển nhiên. Nếu tôi quá bất an, một chút lo lắng nhỏ nhặt trong ý nghĩ cũng sẽ biến thành tai họa. Ngược lại, nếu ta làm giảm sức mãnh liệt của cảm xúc, sự đeo bám vào những ý nghĩ sẽ không còn mạnh mẽ như vậy nữa. Đây chính là nguyên lý hoạt động của thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần, chúng không thay đổi trực tiếp bản chất ý nghĩ, mà thay đổi cường độ của hoạt động cảm xúc. Thông qua các trị liệu áp dụng thiền chánh niệm, người ta còn nhận thấy rằng sự chú tâm là một phương tiện cực kỳ mạnh mẽ để điều chỉnh cảm xúc. Khi giúp ta đứng xa cảm xúc hơn, nó biến đổi tác động của cảm xúc đối với thế giới quan và nhận thức của ta.
ALEXANDRE: Nếu các cảm xúc không thường trực hành hạ chúng ta, có lẽ chúng ta còn không nói đến chúng. Nhưng chúng ăn mòn chúng ta ngày này qua ngày khác và làm độc đời ta. Khi chúng làm chủ chúng ta thì toàn thể mối quan hệ với thực tại bị lung lay. Bị cơn giận hay sự hoảng loạn chi phối, tôi có thể vĩnh biệt bất kỳ chút minh mẫn nào còn lại trong tôi. Một trong những công trường lớn của đời sống tâm linh trước hết là chấp nhận rằng ta có thể mất kiểm soát. Có hôm, ở chỗ nha sĩ, tôi chỉ mới phát hiện một vết đỏ nhỏ xíu thôi thì đầu óc đã lo về những kịch bản tai ương tồi tệ nhất nối tiếp nhau sắp xảy ra và chưa gì tôi đã thấy mình tiêu đời vì AIDS, hay bị tất cả bỏ rơi. Tự nhiên tôi lại làm mình lo điên đảo.
Tâm trí tạo ra toàn bộ nỗi lo sợ. Không hiểu sao nó trùm lên thế giới một lớp vỏ ảo giác mà ta cần làm tiêu tan không chậm trễ. Để bắt đầu, có lẽ là không nên quan trọng hóa và nhận thức được rằng một trong những tật của bản ngã là lo lắng vô cớ. Hành thiền là từng bước một nhận ra cái vọng âm xuất phát từ việc một chi tiết nhỏ bị hiểu sai. Do vậy, có sự khác biệt lớn giữa nỗi sợ hãi chờm lên khi có tiếng súng vang cách tai ta một tấc và cái đốm đỏ nhỏ xíu này, thứ hoàn toàn không đáng kể nhưng sẽ gây nên nỗi lo lắng khổ sở hàng tháng trời.
Nhưng sao phải lý luận trước những chuyện hoang đường tâm trí dựng nên? Điều tệ nhất là tôi lại đi tin nó. Tôi nhớ lại chuyện một bà sợ bị sét đánh hơn bất cứ thứ gì. Có hôm, đang nói chuyện điện thoại, bà ta nghe sấm gầm xa xa. Hoảng kinh, bà muốn cúp điện thoại ngay lập tức. Thật dại dột, tôi trả lời bà là cùng lắm bà chỉ có nguy cơ một phần triệu bị sét đánh xuống nhà thôi. Bà trả lời ngay: “Thì thế!” Christophe, anh dạy tôi ngày ngày rằng, hơn hết, chính sự mơ hồ làm cho người hay lo thấy sợ hãi. Nguy cơ một phần triệu đã là quá nhiều đối với người cần sự chắc chắn như đinh đóng cột để thư thái và bắt đầu thưởng thức cuộc sống.
Để nhận biết những đốm đỏ trong tâm trí, nhận ra làm sao nó tóm được ta thì không phải chuyện dễ. Nếu nỗi lo sợ làm tôi cứng cả người thì thỉnh thoảng tôi cũng ngạc nhiên khi thấy mình coi niềm vui và những khoảnh khắc bình lặng hằng ngày thật vô vị. Cứ như thể tôi thấy nhớ adrenaline kích thích tôi vào phút giờ thử thách, một điều thật kịch tính. Những đòn số phận thật nặng nề, làm tôi kiệt sức, nhưng ít nhất, khi tôi đấu tranh, tôi còn biết tại sao mỗi buổi mai mình thức dậy. Trong Hiểu biết vui vẻ, Nietzsche viết: “Tôi nghe thấy trong nỗi đau mệnh lệnh của thuyền trưởng: ‘Hạ buồm!’ ‘Con người’ thủy thủ gan dạ cần được thử thách để lèo lái buồm theo cả ngàn cách, bằng không anh ta sẽ sớm đầu hàng, và đại dương sẽ sớm nuốt chửng anh ta.” Nhưng sau đó, khi nếp đơn điệu và lề thói giành lại quyền kiểm soát, một cảm giác nhớ bất hạnh xuất hiện, gần như theo thói quen, thậm chí là gây nghiện. Như thể ta phải kéo lê những tai họa mới cảm thấy mình đang sống. Mối quan hệ của ta với cảm xúc ít nhất cũng ở trạng thái mập mờ. Nếu chúng làm ta đau khổ quá mức, nếu chúng làm ta mất cột mốc, thì sẽ lởn vởn một ngộ nhận: có người nghĩ rằng cần rung cảm để tồn tại mà thiền lại chặt đứt cảm xúc của ta.
Trong triết học, cái quyến rũ tôi là dường như nó hứa hẹn một sự an nhiên tuyệt vời, nghĩa là không còn những băn khoăn trong tâm hồn. Ngày nay, tôi thấy rõ rằng có lẽ mình không có cơ hội nào để nhổ bỏ vô vàn phiền nhiễu làm xáo động tâm trí. Thế nhưng, nhờ thiền, một kiểu phép lạ diễn ra ngày ngày. Và thường thì tôi đã có thể cười vào những nỗi lo sợ của mình, không còn sợ những nỗi sợ hãi của mình nữa.
Một bài tập giúp tôi đáng kể là thấy rằng cái ý thức nhận biết nỗi sợ hãi, lo âu, hay buồn phiền, không bao giờ tắt. Trong mỗi người tồn tại một phần vẫn luôn vô sự. Không chấn động nào quấy đảo được nó. Vì thế ta có thể ví ý thức như một cái nồi khổng lồ. Bên trong có đủ hết: đậu gà, cải xà lách, cà rốt cho ta tâm trạng vui vẻ và hành làm ta chảy nước mắt. Trong bất hạnh, bản ngã chỉ nhai hành mà không thưởng thức những thứ còn lại. Hãy nghĩ ý thức như một cái nồi cho phép bỏ vào những cảm xúc mà không khiến ta bám vào mỗi sự giận dữ và đau đớn, vì chúng cũng chỉ là thành phần giữa bao thứ khác.
Thứ làm ta kiệt sức là sự tới lui không dứt, cái vòng quay bên trong làm ta từ vui sang buồn trong chớp mắt. Thật khó để ở trong tận cùng niềm vui mà không nghĩ nó sẽ hết. Và trong nỗi buồn, chúng ta tin rằng ta sẽ cứ phải khệ nệ đem theo cái khổ sở này. Vô chấp là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất cho phép chúng ta ra khỏi cái buông bắt để bắt đầu đón nhận tất cả những gì xảy đến. Và trước hết, tôi cần chấp nhận những cái quay lộn bên trong này, nhận ra là tôi có thể thức dậy hạnh phúc nhưng rồi chỉ cần đọc một cái email đơn sơ cũng đủ kéo tôi xuống. Như thể tôi đã giao phó cho ngoại cảnh một chiếc điều khiển từ xa có khả năng làm tôi chuyển kênh lia lịa từ cảm xúc này sang cảm xúc khác.
Tin vui là ta có thể thoát những quay lộn này bằng cách cứ đi vào tận cùng sâu thẳm để phát hiện ra ở đó một niềm vui vô điều kiện. Trước hết, bước đầu tiên, là bình thản quan sát sự chuyển kênh liên tục này mà không lo lắng thái quá. Có một sự ngộ nhận lớn ngăn ta thưởng thức niềm vui vô điều kiện. Chúng ta tưởng lầm rằng ngày ta chữa lành hết mọi vết thương cũng sẽ là ngày không còn niềm vui đó nữa, trong khi niềm vui vô cớ này là điều có thể ở ngay lúc này, ngay cả giữa giày vò. Chúng ta có thể đạt tới đó, ở đó, ngay lập tức. Nếu ta chờ một cuộc đời hoàn hảo để thưởng thức nó, e là ta phải chờ rất lâu. Sách Giảng Viên giúp tôi rất nhiều khi dạy rằng chính trong hỗn loạn, không hy vọng, mà cần phát hiện ra bình yên. Tôi muốn Kinh Thánh nhấn từng chữ câu lặp nổi tiếng này: “Phù hoa trong mọi phù hoa, thảy đều phù hoa.” Nhờ đọc nó mà tôi chữa được rất nhiều ảo tưởng và vất bỏ được cái cám dỗ tin rằng tôi làm chủ dòng đời của mình. Sớm muộn gì, mọi thứ đều sẽ tiêu tan, mọi thứ đều vô thường.
Tôi tìm thấy một sự giải thoát khi nhận thấy rằng mọi thứ đều mong manh. Cuối cùng, tôi đã có thể vui vẻ từ bỏ cái ổn định, vững chắc, để tập bơi trong vô thường. Nếu tôi cứ cố sống cố chết tìm một vùng đất liền để ở lại luôn, dứt khoát tôi sẽ luôn thất vọng. Diệu đế đầu tiên của Đức Phật nhắc rằng mọi thứ đều là khổ và vô thường. Tôi không biết tiếng Tây Tạng cũng như tiếng Phạn, nhưng như Yongey Mingyour Rinpoche đã chỉ cho thấy trong cuốn Hạnh phúc của đạo lý, ta có thể trình bày chẩn đoán của Đức Phật bằng cụm từ “mọi thứ đều cót két”. Kinh nghiệm chung cũng chỉ cho thấy rằng, dù ta làm gì, ngay cả khi ta ở trong nội tâm thanh tịnh nhất, bao giờ cũng có thứ gì đó không ổn. Và như Bernard Campan nói: “Điều quan trọng là cót két một cách vui vẻ.” Hành thiền không phải là ly thế, mà là để học cách cộng tồn, an nhiên giữa những thứ cót két này.
KHI TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI TƯƠNG ĐỒNG VỚI ĐẠO PHẬT
MATTHIEU: Tiếp tục cái nhìn tổng quan của chúng ta, từ “cảm xúc” (emotion), theo nguyên từ, gợi nên ý tưởng nó là thứ gây ra chuyển động (motion). Đây là một đề tài quá rộng lớn, vì có gì mà không làm tâm trí vận động? Tùy theo quan điểm mà các chuyên gia dùng và mục đích họ theo đuổi, họ sẽ nói về cảm xúc tích cực hay tiêu cực, dễ chịu hay khó chịu – như anh nói, Christophe – trong khi cho các thuật ngữ này những nghĩa khác nhau. Họ đề cập dưới các góc độ khác nhau: khoa học, trị liệu, cá nhân, tinh thần, và còn nhiều nữa.
Để hiểu cảm xúc theo cách thực tiễn hơn, trong mối quan hệ đơn sơ của nó với dễ chịu và khó chịu, tôi thấy cần bắt đầu bằng vài nhận xét. Toàn bộ hoạt động trí óc đều có liên hệ với các cảm xúc mà, nói chung, có thể gọi là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Phần lớn các trạng thái tình cảm như tình yêu và hận thù còn đi cùng lời nói bên trong và lý luận. Trên bình diện thần kinh học, mỗi vùng trong não có liên hệ với những khía cạnh cảm xúc riêng biệt thì cũng có liên hệ với các khía cạnh nhận thức. Nói cách khác, các mạch thần kinh chuyên chở cảm xúc nối liền mật thiết với các mạch thần kinh chuyên chở nhận thức. Cảm xúc hầu như không bao giờ bộc lộ riêng rẽ với các khía cạnh khác trong kinh nghiệm của ta. Điều đó có nghĩa rằng khi thoạt nhìn thì sự phân biệt giữa cảm xúc và nhận thức không hề rạch ròi như ta nghĩ.
Theo quan điểm Phật giáo, một quan điểm mà về cơ bản mang tính trị liệu vì nó nhắm tới việc chữa khổ và đem lại an lạc, thì cách thực tiễn nhất để phân biệt các trạng thái tinh thần khác nhau, đặc biệt là cảm xúc, là xem xét các hệ quả của chúng. Nếu một cảm xúc làm tăng trưởng sự tự tại và an lạc trong khi xui ta giúp tha nhân, ta nói rằng nó tích cực. Nếu nó quấy đảo tâm trí và đẩy ta tới chỗ làm hại người khác, ta nói nó tiêu cực. Do vậy, tiêu chuẩn duy nhất đáng xem xét là yên vui hay khổ do cảm xúc này hay cảm xúc kia mà ra. Ở điểm này, đạo Phật khác với các môn tâm lý học phân biệt cảm xúc theo cách nó xui ta tiến đến gần hơn, như tò mò và hấp dẫn, hay rút lui xa hơn, như sợ hãi và ác cảm.
Tôi thấy sự phân biệt cảm xúc dễ chịu và khó chịu có vẻ đáng ngờ theo góc nhìn mưu cầu hạnh phúc bền lâu, vì nó kéo dài sự lầm lẫn hạnh phúc với lạc thú. Lạc thú sinh ra bởi những kích thích dễ chịu thuộc loại giác quan, thẩm mỹ hay trí tuệ. Nó không ổn định và có thể nhanh chóng biến thành dửng dưng, thậm chí thành khó chịu hay chán ghét. Nghe một bản nhạc tuyệt vời có thể cho ta cảm giác thích thú vui vô cùng, nhưng nghe đi nghe lại suốt 24 giờ thì sẽ biến thành tra tấn. Hơn nữa, cuộc tìm kiếm thú vui của cá nhân có thể dễ dàng đi đến chỗ đối nghịch với hạnh phúc của tha nhân. Ngược lại, hạnh phúc thật sự, theo nghĩa Phật giáo, là một trạng thái bên trong không tuân theo hoàn cảnh. Thay vì biến thành mặt đối lập sau một thời gian, nó càng thêm ổn định, vì nó sinh ra một cảm giác viên mãn sẽ trở thành nét chủ đạo trong khí chất của ta sau nhiều tháng hay nhiều năm. Đó cơ bản là một cách sống và một sự thăng bằng bên trong sâu xa gắn liền với sự hiểu đúng về cách vận hành của tâm.
CHRISTOPHE: Từ tiếng Tây Tạng để chỉ cảm xúc là gì?
MATTHIEU: Thuật ngữ Phật giáo trong lĩnh vực này không phải luôn bao quát hết những cái ta dùng ở phương Tây, vì chúng không thể hiện cùng quan điểm. Thật sự thì không có từ cụ thể để chỉ những cảm xúc tích cực. Ta nói về những ý nghĩ hay trạng thái tinh thần ích lợi như tình yêu thương và từ bi. Cũng có những trạng thái tinh thần khác như tâm tĩnh hay khả năng phân biệt mà ở đây ta sẽ không gọi là “cảm xúc”.
Còn về từ thường được dịch là “cảm xúc tiêu cực”, nó cũng có một nghĩa rộng hơn vì nó không chỉ biểu thị giận dữ, đố kỵ, mà còn cả vô minh hay vọng tâm, những nguồn gây ra nó. Các cảm xúc, trong khía cạnh tiêu cực, nối liền với một cái nhìn sai lạc về thực tại kéo theo sự loạn thần. Thuật ngữ Tây Tạng gợi lên cái ý giày vò và kiệt sức. Chỉ cần quan sát thời khắc mà lòng tham, cơn giận, lòng thù hận hay đố kỵ xâm chiếm chúng ta là đủ để nhận thấy rằng chúng gây nên trong ta một sự khó chịu vô cùng và làm ta cạn kiệt sinh lực. Trong nhiều trường hợp, hành động và lời nói do những cảm xúc này xui khiến còn làm đau lòng người khác. Cảm xúc tiêu cực còn đào hố sâu ngăn cách ta và người. Chúng xui ta lý tưởng hóa cái ta quý và chê bai cái ta ghét. Chúng làm ta tin rằng đẹp hay xấu vốn cố hữu ở người và vật, điều này tạo ra một mâu thuẫn lớn dần giữa cái trên thực tế và cái ta lầm tưởng. Vì vậy mà, như Christophe vừa nói, ta càng có nhiều cảm xúc tiêu cực, ta càng áp đặt những thứ đầu óc ta bịa đặt lên thực tế.
Tâm lý học tích cực, các trị liệu pháp nhận thức và đạo Phật gặp nhau ở điểm này. Trong một lần gặp Đạt-lai Lạt-ma, Aaron Beck, nhà sáng lập trị liệu pháp nhận thức, giải thích rằng, khi ta rất giận dữ, 80% nhận thức của ta chồng lên thực tại. Nếu con người tự họ hấp dẫn hay đáng sợ, tất cả chúng ta đều sẽ thấy cuốn hút hay ghê sợ bởi cùng người, mà chuyện đó thì không thể có. Ta không thấy điều hiển nhiên này một khi bị dục vọng hay giận dữ xâm chiếm, vì ta đi qua một “giai đoạn ngang ngạnh”, như Paul Ekman nói, nó ngăn ta nhận ra rằng người ta ghét lúc đó cũng có những phẩm chất tốt, hay người ta ham muốn điên cuồng cũng có những khiếm khuyết.
Những cảm xúc tiêu cực có một đặc điểm khác mà đức Đạt-lai Lạt-ma thường nhấn mạnh: chúng không cần được vun trồng mới nảy nở. Ta có thể có những cơn giận ghê gớm mà không cần tập luyện một giây nào. Như thầy tôi, Jigme Khyentse Rinpoche, đã nói: “Ta không cần dụng tâm thì mới dễ phật ý hay đố kỵ, ta không cần bộ tăng tốc giận dữ hay máy khuếch đại tự ái nào cả”. Trái lại, dẫu ta vốn nhẫn nhục hay từ tâm, ta cũng cần một nỗ lực nhất định để còn hơn vậy nữa.
Tôi xin nói thêm rằng một cảm xúc có vẻ tích cực nhưng thực ra có thể tiêu cực và ngược lại. Ham muốn đôi khi thể hiện một dụng tâm cao quý, như ý định làm vơi khổ của tha nhân hay bảo vệ môi trường, nhưng ham muốn giàu có hay lạc thú không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành cội nguồn những nỗi giày vò cho mình và người. Giận dữ có thể thể hiện ác tâm, nhưng cũng có thể là một sự phẫn nộ chính đáng, một ý thức nổi loạn trước một thảm sát chẳng hạn, đó là biểu hiện lòng nhân từ và khơi lên một mong muốn mạnh mẽ giúp đỡ người khác.
CHRISTOPHE: Khi tôi khám phá ra, theo cách cá nhân và trong nghề nghiệp của mình, sự đa dạng vô cùng của các cảm xúc và nhất là cảm xúc tích cực, điều đó làm thay đổi đời tôi! Suốt một thời gian dài, như mọi thầy thuốc tâm thần đích thực, tôi có cảm giác như tồn tại rất nhiều cảm xúc tiêu cực, và rốt cuộc, nhìn kỹ thì chỉ có hai cảm xúc tích cực cao đẹp: niềm vui và tình yêu. Rồi tôi hiểu rằng đó là một sai lầm to lớn. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy vô vàn cảm xúc tích cực: lòng tin, thanh thản, mủi lòng, ngưỡng mộ, từ tâm… Gần đây người ta cũng đã nghiên cứu sự cao nhã, cảm xúc trước cái gì đó hùng vĩ đến độ ta cảm thấy nhỏ bé, như đứng trước Everest, Grand Canyon, hay trước ai đó hoàn toàn khác thường. Ngoài ra còn có sự nhiệt tình, dạng phản ứng cảm xúc có lợi đối với các đề nghị từ cuộc sống hay từ người khác, hay sự mở lòng vui vẻ và năng nổ với cái mới, điều rất đáng quý trong các nhóm. Tôi thấy nể trào lưu “tâm lý học tích cực” vì nó dạy chúng tôi phát hiện ra sự giàu có vô cùng của các trạng thái dễ chịu trong tâm hồn và dùng chúng để chữa trị. Tôi nỗ lực thúc đẩy việc nghiên cứu và sử dụng trong trị liệu các cảm xúc dễ chịu này, vì chúng có một lực, một sức mạnh đáng nể và có thể được trau dồi.
VAI TRÒ CỦA CẢM XÚC
MATTHIEU: Các chuyên gia về tiến hóa cho rằng cảm xúc hữu ích đối với việc sống còn và quản lý các sự kiện lớn trong đời – sinh sản, bảo vệ người thân, mối quan hệ giữa các cá thể, phản ứng khi đối mặt dã thú. Đố kỵ tất nhiên là một nguồn gây ra sự giày vò, nhưng cũng có thể xem nó là biểu hiện của một bản năng góp phần duy trì sự cố kết của một cặp cũng như sự sống còn của con cái. Giận dữ có thể gây tai hại, nhưng theo quan điểm tiến hóa, nó cho phép xua đuổi nhanh chóng tất cả những gì có thể làm hại chúng ta và cản trở ta thực hiện các dự định.
Rất nhiều nhà tâm lý học có cùng ý kiến với Aristotle, đối với ông thì một cảm xúc là thích hợp khi nó thích nghi với hoàn cảnh và bộc lộ với sự mãnh liệt tương xứng với hoàn cảnh. Đứng trước bất công, một sự tức giận có thể thích hợp, nhưng sự phẫn nộ đến mức muốn hủy diệt thì không. Sau khi mất một người thân, nỗi buồn là thích hợp, nhưng nỗi thất vọng và trầm cảm lại không tương xứng và sẽ đi ngược lại an lạc lâu dài. Gần đây, tôi thấy đau buồn vô hạn khi có động đất ở Nepal, nơi tôi sống phần lớn thời gian. Nhưng khi khoảnh khắc này qua đi, tôi nghĩ rằng, thay vì rơi vào chán nản bởi nghĩ rằng phải xây dựng lại những gì đã xây nên, tốt hơn tôi nên dùng sức lực để giúp đỡ các nạn nhân.
Thế nhưng cái có lợi cho sống còn của ta theo quan điểm tiến hóa không nhất thiết góp phần vào sự an lạc cá nhân. Ta không thể nói rằng đố kỵ, giận dữ hay ghen ghét giúp ích cho sự thanh thản nội tâm. Nhục dục phóng túng có thể tốt cho việc truyền giống, nhưng nó là nguồn gây ra giày vò bởi nó cứ liên miên nổi lên và không bao giờ tìm thấy sự thỏa mãn lâu bền. Ngược lại, không chắc rằng lòng bi hay sự giác ngộ có ích cho việc sinh sản. Ẩn sĩ đã chứng đắc sống cô tịch trên núi thì không giúp gì cho việc truyền giống cả.
CHRISTOPHE: Dù tách biệt, các ẩn sĩ mà anh nói này góp phần theo cách của họ vào lợi lạc cho tất cả mọi người, khi không thêm bạo lực và chủ nghĩa duy vật vào thế giới, khi làm gương cho chúng ta.
Thật ra, những cảm xúc được khắc sâu trong vốn gien của loài người và trong não ta, sau đó được giáo dục và môi trường văn hóa của ta củng cố. Mọi cảm xúc đều có ích cho ta: giận dữ, buồn bã, sợ hãi, lo âu, xấu hổ, đều có các chức năng rất cụ thể. Chúng phục vụ cho ta, với điều kiện chúng không lên đến cường độ quá mạnh, không kéo dài quá mức và ta không còn nhìn thấy dụng đích của chúng.
Theo quan điểm tiến hóa, các cảm xúc có màu sắc tiêu cực hay khó chịu gắn liền với các hoàn cảnh thường là nguy hiểm, có thể đe dọa sự sinh tồn của ta. Giận dữ cho phép ta hăm dọa người khác (và cũng tránh một giao tranh phải trả giá đắt), nỗi sợ làm ta tránh xa những mối nguy hiểm tiềm tàng (và xui ta thận trọng hoặc chạy trốn), nỗi buồn buộc ta chậm lại mà suy ngẫm. Trong khi đó thì cảm xúc tích cực có liên hệ với các tình huống cần tìm nguồn lực (dinh dưỡng, nghỉ ngơi, những trao đổi dễ chịu, các trò chơi hay quan hệ tình dục). Nhưng không phải bao giờ cái dễ chịu cũng được ưu tiên hơn cái nguy hiểm: giữa thiên nhiên, ta phải lo liệu cái nguy hiểm trước cái dễ chịu. Vì điều này mà các cảm xúc tiêu cực có một kiểu ưu thế tiềm tàng so với cảm xúc tích cực, về tính sáng rõ, sức mãnh liệt, sức mạnh phun trào và khả năng khiến ta chú ý. Nhưng không có các cảm xúc tích cực, ta không cầm cự được lâu dài. Chính chúng sau đó sẽ mở lại cái nhìn và khả năng gắn bó với người khác, giúp ta tìm thấy các nguồn lực, nghĩ ra những giải pháp; chúng là nhiên liệu để ta đi tiếp. Do vậy chúng ta cần cả hai. Các cảm xúc tiêu cực thì hơi giống những cái “mồm to” trong gia đình. Chúng phản ứng nhanh hơn, la to hơn, và làm loạn bên bàn ăn cả nhà. Nhưng không có các cảm xúc tích cực, sẽ không ai ăn uống gì được nữa vì chuyện này sẽ sớm thành địa ngục! Như Descartes nói khi kết luận cuốn Bàn về niềm đam mê của tâm hồn: “Giờ ta đã biết hết chúng rồi, ta đừng sợ chúng nữa vì thực chất chúng đều tốt.” Quan trọng là chỉ cần tránh dùng chúng một cách sai lệch hay thái quá.
ALEXANDRE: Để thoát khỏi những cảm xúc rối bời, trước tiên ta đừng xem chúng như kẻ thù, địch thủ phải đánh bại nữa, mà đúng hơn nên xem chúng như những sứ giả, thậm chí là những tín hiệu báo động. Và thử tận dụng chúng. Ngày nay, cái làm tôi buồn là kiểu khẳng định bản thân mà biến thành kiêu ngạo: “Tôi là vậy đó, tôi dễ cáu, nó là vậy, là bản tính tôi rồi.” Nếu coi thường bản thân là một tai họa thì việc đóng bít mình trong sự kiêu căng thái quá cũng gây nên tai họa. Cái cám dỗ biến thuốc độc thành thuốc giải mới thật ghê gớm. Hiền triết cũng như trẻ con không có nhu cầu tự khẳng định, họ đã hoàn toàn là họ rồi, vậy là đủ.
Không còn ngại các cảm xúc tiêu cực nữa cũng là một tiến bộ to lớn. Những nỗi sợ hôm nay giày vò chúng ta có lẽ đã cứu mạng ngày ta còn nhỏ. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn phải vật lộn với hai cái tật rất khó bỏ: lo âu thái quá và thiếu kiên nhẫn. Nhưng, nghĩ lại, tôi hiểu rằng cả hai có một chức năng: cứu mạng tôi đồng thời làm tôi tránh xa sự cam chịu, chán nản và vô vàn chướng ngại tôi phải vượt qua. Nhưng giờ đây, tốt rồi, tôi có thể tiếp tục con đường mà không có những chỗ dựa cồng kềnh này. Có những công cụ sống giúp ích một thời gian rồi thì ta cần bỏ đi để tiến lên. Về điều này, các triết gia Hy Lạp, vốn là những người theo chủ nghĩa hoài nghi, có một hình ảnh hay: họ gọi chúng là thuốc xổ, nghĩa là các phương thuốc tự trục ra cùng với bệnh mà chúng chữa. Xin thứ lỗi vì tôi sống sượng, nhưng ví dụ hay nhất chính là thuốc nhuận tràng, khi giải quyết vấn đề xong thì nó cũng cuốn gói theo!
CHRISTOPHE: Quả thực, ta nhận thấy rõ là các cảm xúc tiêu cực gây hại cho ta và khiến ta phải trả giá đắt, nhưng đôi khi điều này cũng đúng với các cảm xúc tích cực – niềm vui chẳng hạn, làm tim ta đập nhanh, rút năng lượng của ta, có thể biến thành cáu kỉnh thần kinh ở trẻ em… Nhưng nó trả lại cho ta nhiều đến mức khi bước ra thì ta là người thắng cuộc, được chích endorphine và mãn nguyện hiện sinh! Vả lại, như trẻ con, chúng rút năng lượng chúng ta khủng khiếp, nhưng cho chúng ta rất nhiều hạnh phúc về lâu dài. Tôi đặc biệt nghĩ về những khoảnh khắc quá đà, khi mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát: đến một lúc, ta làm quá, ta đi quá trớn. Ta không lắng nghe những dấu hiệu mệt mỏi của thể xác, vì ta đang ngây ngất. Đó là niềm vui bệnh lý của chứng bệnh lưỡng cực: chúng đẩy đến chỗ thái quá, thiếu thận trọng, và cuối cùng là những tổn thất về người và tài chính (những xung đột và chi tiêu bệnh lý).
MATTHIEU: Do vậy, quan trọng là nghĩ kỹ đến tác hại của trạng thái tinh thần đối với phẩm chất kinh nghiệm ta trải qua, cả ngắn hạn và dài hạn. Nhìn dưới một góc độ nào đó thì việc luôn tìm kiếm cái đem lại lạc thú khiến ta có vẻ như bình thường, chỉ có điều chuyện này hiếm khi dẫn đến hạnh phúc. Trái lại, ta có thể vun trồng một sự mãn nguyện bên trong không nhất thiết gắn liền với các cảm giác dễ chịu và do vậy ta thấy có vẻ ít hấp dẫn hơn, nhưng cuối cùng nó đem lại một sự viên mãn sâu xa và lâu bền.
VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁC TÂM TRẠNG
CHRISTOPHE: Để đi xa hơn trong hiểu biết về cảm xúc, ta có thể xem xét chúng theo hai trục – trục hóa trị (đúng hơn là dễ chịu hay khó chịu), và trục cường độ. Trên trục thứ hai này, ta phân biệt ra các cảm xúc bùng nổ, gần như không kiểm soát được khi chúng khởi động trong chúng ta, như giận dữ hay sợ hãi; và các trạng thái cảm xúc có cường độ thấp hơn, mà ta có thể gọi là “tâm tính” hay “tâm trạng”. Chúng có tầm quan trọng ngày càng lớn trong mắt các nhà nghiên cứu vì chúng đại diện cho cái cốt lõi trong cảm nhận của ta. Các cảm xúc mạnh mẽ thúc giục về mặt thể lực và tâm lý đến mức ta không thể để mình bị chúng chi phối nhiều lần một ngày. Việc này cuối cùng sẽ làm ta kiệt sức và chắc chắn sẽ giết chết ta. Khi ta yêu cầu ai đó nhớ lại lần sau cùng họ cảm thấy vô cùng giận dữ, vô cùng buồn, vô cùng lo lắng, vô cùng xấu hổ, hay, có lẽ, vô cùng hạnh phúc, thường thì họ khó mà tìm được những tình huống mới xảy ra gần đây. Trái lại, rất có thể là từ sáng nay chúng ta đã trải qua nhiều trạng thái cảm xúc chừng mực, với một chút buồn, một chút lo lắng, một chút vui vẻ hay hân hoan.
Quan trọng là nhận ra các trạng thái kín đáo này và thấy rằng chúng rất có uy thế vì chúng tượng trưng cho một kiểu đất mùn tạo điều kiện cho những cảm xúc mạnh mẽ hơn nhiều cũng như cả một hệ thống tư duy, cả một thế giới quan nảy nở. Việc thường trực bị chi phối bởi những cảm xúc oán giận hay tức tối với người khác sẽ tác động đến thế giới quan của tôi và cách tôi sẽ cư xử trong xã hội. Vì lẽ đó mà chúng tôi khuyến khích bệnh nhân lưu ý đến các cảm xúc tinh tế này, nhất là trong các giai đoạn ngăn ngừa tái phạm, mới học nghệ thuật thanh thản, nghệ thuật cân bằng bên trong.
Làm sao nhận ra các trạng thái cảm xúc này? Việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nhờ các phương pháp thiền và quán, nhưng ngoài ra còn có các hình thức hoàn thiện bản thân khác như ghi nhật ký, tham gia các buổi trị liệu nhận thức khuyến khích ta thiết lập các mối liên hệ giữa các tình huống ta trải qua, các cảm xúc ta cảm thấy, các suy nghĩ xuất hiện vào lúc đó và cuối cùng là cách xử sự, hệ quả của cả chuỗi nhân quả này.
MATTHIEU: Trong đạo Phật, ta nói về những ý nghĩ gần như ta không nhận thấy được, xuất hiện liên tục ở phía sau ý thức ta, như nước chảy dưới cỏ ở một cánh đồng. Những ý nghĩ này có thể gợi nên trong ta các tâm trạng khác nhau. Nếu chúng tiêu cực, chúng có thể nhen nhóm một cú nổ cảm xúc bất thần, một cơn giận chẳng hạn. Nếu chúng tích cực một cách tự nhiên hay do luyện tập, tập có lòng nhân chẳng hạn, việc chúng thường xuyên xuất hiện sẽ ảnh hưởng về lâu dài tới mảnh đất tinh thần của ta, đến mức mà, nếu ai đó xuất hiện trong tầm chú ý của ta, tình cảm đầu tiên nảy sinh trong ta sẽ là lòng nhân từ.
Làm sao để nhận ra những trạng thái cảm xúc xuất hiện trong ta mà thường là ta không hay biết? Nếu ta để chúng lớn dần, chúng sẽ trở nên không kiểm soát được, và ta chỉ còn cách chờ cho chúng dịu lại. Nhưng nếu ta xem xét các tác động chúng tạo ra đối với ta, ta sẽ nhận ra rằng trong cơn bão mà chúng làm nổi lên, nhận thức của ta về người khác và hoàn cảnh không tương ứng với hiện thực.
Nhờ lặp lại kinh nghiệm này, dần dần ta có thể thấy cảm xúc từ xa hơn. Lúc đó ta có thể dùng phương thuốc thích hợp để ngăn ngừa, với ý nghĩ rằng dập tắt một đốm lửa thì dễ hơn là một đám cháy rừng.
Khi trui rèn thêm nữa hiểu biết và làm chủ tâm, ta đến được giai đoạn mà ta có thể điều khiển các cảm xúc ngay khi chúng nổi lên. Khi quá trình này trở nên quen thuộc đến mức các cảm xúc trước đây vẫn làm ta rối bời tiêu tan ngay khi xuất hiện, chúng không thể khuấy động tâm ta được nữa. Chúng cũng không thể thể hiện ra thành hành động và lời nói làm hại chính ta và người khác. Phương pháp này đòi hỏi rèn luyện, vì ta chưa quen đối trị ý nghĩ theo cách này.
TA CÓ THOÁT KHỎI NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC ĐƯỢC KHÔNG?
MATTHIEU: Nếu có thể thoát khỏi gông cùm của những cảm xúc gây hủy hoại cho ta thì đó là vì chúng xa lạ với bản tâm ta. Theo đạo Phật, khía cạnh nền tảng của ý thức, năng lực nhận biết thuần túy, phẩm tính của tâm mà ta gọi “trong sáng”, là một không gian tuyệt đối mà các cảm xúc xuất hiện như mây trời, chỉ trong chốc lát, do ảnh hưởng của các hoàn cảnh mà cũng chỉ là nhất thời. Khi chúng tiêu cực, ta dùng các phương pháp khác nhau để thoát khỏi chúng, còn khi chúng tích cực, ta tập luyện để phát triển chúng.
Những người quán tưởng biết điều đó. Họ dò xét kỹ càng sự hiện diện tỉnh thức này, họ không tìm thấy ở đó hận thù, tham lam, đố kỵ, ngã mạn, hay độc tâm. Điều này có nghĩa là các cảm xúc tiêu cực chỉ có thể xảy đến theo cách “duyên sinh”, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và thói quen. Và có thể thoát khỏi chúng. Mặt trời có thể bị mây che, nhưng điều đó không ngăn mặt trời tiếp tục soi sáng.
Để quay lại với câu hỏi của Alexandre, có thể quật ngã từng cảm xúc tiêu cực của ta được không? Để chúng tự suy yếu đi thì không đơn giản hơn sao? Kinh nghiệm cho thấy là, nếu ta quen để cho chúng tự tung tự tác, chúng sẽ phát tác như một chỗ nhiễm trùng mà ta không xử lý kịp thời. Chúng sẽ ngày càng mạnh và bám rễ trong tâm ta. Ta sẽ lại một lần nữa rơi trong quyền hành của chúng ngay khi sức nặng cảm xúc của chúng đạt ngưỡng nguy kịch. Hơn nữa, ngưỡng này sẽ không ngừng hạ xuống. Ta sẽ ngày càng mau nổi giận, ta sẽ ngày càng chóng lo âu. Điều này không có nghĩa là cần kìm nén cảm xúc. Đây là một giải pháp ngắn ngủi ít có cơ may đạt tới cái bình yên nội tâm. Hoặc là những cảm xúc tiêu cực vốn cố hữu trong tâm ta, trong trường hợp đó muốn vất bỏ nó thì phải đấu với cái đã thành một phần của ta, và chỉ đi đến thất bại. Hoặc là sự hiện diện của chúng trong tâm ta là do các nguyên nhân và điều kiện nhất thời, do vậy mà có thể giải thoát khỏi chúng.
Điều cơ bản, trong thời gian đầu, là có được một sự khôn khéo nhất định để nhận biết những cảm xúc tiêu cực, rồi vô hiệu hóa chúng nhờ sự trợ giúp của phương thuốc phù hợp. Để đạt được điều đó, đạo Phật dạy rất nhiều phương pháp mà không có phương pháp nào là cao siêu hơn phương pháp nào, việc chọn lựa chúng tùy thuộc vào hoàn cảnh và khả năng của mỗi người. Một số phương pháp thì trực tiếp và rõ ràng, như tập từ tâm để chống lại ác tâm. Ta không thể, cùng lúc, vừa muốn điều tốt lại vừa muốn điều xấu cho ai đó.
Một số phương pháp thì xảo diệu hơn, như là vẫn ý thức đầy đủ các cảm xúc mà không đánh đồng mình với chúng. Ta đã bàn về điều này rồi. Nhận thức đầy đủ cái lo âu không phải là lo âu, nó chỉ là nhận thức. Tôi không hề là người thiền giỏi, nhưng tôi thường xuyên cố gắng áp dụng phương pháp này. Khi tôi đến sân bay mà bị kẹt xe chẳng hạn, tôi lo lắng nghĩ đến chuỗi hệ quả diễn ra nếu tôi nhỡ chuyến bay – nhỡ chuyến bay kế tiếp, rồi nhỡ cuộc hội thảo đã được sắp xếp từ nhiều tháng... Nếu tôi cố thư giãn trong chánh niệm về trạng thái này, như thể tôi điềm nhiên quán tưởng về một dòng thác ồ ạt đổ xuống trước mặt, mới đầu tôi có cảm giác như cái lo lắng sẽ dai dẳng ăn sâu. Nhưng nếu tôi tiếp tục quán sát nó bằng cái nhìn chánh niệm, nó sẽ yếu đi, đồng thời khoảng không chánh niệm trở nên bao la hơn. Đến một lúc nỗi lo chỉ còn là một phản chiếu mờ nhạt của cái ban đầu, và cuối cùng nó sẽ tiêu tan.
Còn rất nhiều phương pháp khác phù hợp với nhu cầu và căn cơ của mỗi người. Chẳng hạn tôi có thể cố nhìn xem cái cảm xúc quấy đảo tôi tự nó là gì. Hận thù không phải một tên điên cuồng cầm vũ khí xông vào tôi, hay một tảng đá lăn ầm ầm trên núi xuống nghiền nát tôi. Tôi có thể có ấn tượng là nó mạnh mẽ, thế nhưng đây chỉ là cái đầu óc bịa đặt ra. Và nếu tâm trí tôi bày đặt ra nó, tâm trí cũng có thể thoát khỏi nó. Tại sao để nó chi phối tôi như vậy? Đã thế còn không có gì mà nắm bắt, nó chỉ là không khí. Trong thuật ngữ Phật giáo, ta nói rằng cảm xúc này là “trống không”, “không có tự tính”. Nhận ra sự thật này tự nó đã giải phóng ta rồi. Điều này không có nghĩa là lúc ấy ta sa vào thuyết hư vô, mà ta đi từ trạng thái tinh thần nô lệ sang trạng thái tự do. Trong các kinh sách viết về thiền, thỉnh thoảng ta so sánh tâm tự tại với nước, còn tâm bị trói buộc bởi những cái đầu óc xây nên với nước đá. Chỉ cần hâm nóng đá là nó trở lại thành nước. Thầy Dilgo Khyentse Rinpotche của tôi có nói: “Đá chỉ là nước đông lại, còn nước là đá tan ra. Nhận thức của ta về thế giới cũng vậy. Bám lấy thực tại và để mình bị những cơn giằng co hành hạ thì chẳng khác nào chắn sự luân lưu trôi chảy của tâm. Hãy làm tan đá khái niệm, rồi thì ta sẽ có nước luân lưu tự tại.”
CHRISTOPHE: Những phương pháp hành vi và nhận thức cũng khá gần với cái anh mô tả: với chúng tôi, cảm xúc bao giờ cũng có một nguyên nhân, dù đó là nguyên nhân bên ngoài (một sự kiện làm ta hài lòng hay làm ta hung hăng), hay nguyên nhân có liên hệ với các trạng thái sinh học (ví dụ mệt mỏi hay thiếu ngủ) hay với các hình ảnh tâm trí (khi ta hình dung trong đầu một tình huống, ta có thể cảm thấy xấu hổ về cái ta đã làm, hay sợ hãi, buồn bã, có lỗi, giận dữ…). Chúng tôi xem cảm xúc là một lối phản ứng chưa thành lời trước hoàn cảnh. Chúng thường xuất hiện khi ý nghĩ còn chưa nảy ra trong óc, ví dụ khi giận dữ hay sợ hãi, cơ thể ta sẽ co dúm và phản ứng còn trước cả khi ta mường tượng ra cái làm ta bực tức hay lo lắng. Trong sự tiến hóa của các loài, cảm xúc luôn đi trước sự xuất hiện của ngôn ngữ nói, và do vậy, chúng chiếm một vị trí hàng đầu so với khả năng hình thành quan niệm, dù rằng, ở người, chúng không thể tách rời với tư duy, như một lá bài hay đồng tiền không thể tách mặt sấp với mặt ngửa. Cảm xúc cũng đồng thời xuất hiện trong tâm trí ta bởi những cảm thọ và ý nghĩ hay một sự điều chỉnh trong thế giới quan của ta. Đó là chỗ ban đầu cảm xúc đánh lừa được ta. Ta có thể có ấn tượng rằng chính thế giới đặt ra vấn đề, trong khi thế giới quan của ta mới là cái bị cảm xúc chi phối. Thế rồi, thứ ba, có những hệ quả của cảm xúc. Mọi cảm xúc đều kéo theo cái ta gọi là chương trình khuynh hướng hành động. Cơn giận đưa đẩy đến hành động hung hăng hay bạo lực, nỗi buồn dẫn tới rút lui, nỗi sợ đưa đẩy tới chỗ trốn chạy, sự xấu hổ tới chỗ che đậy, tới chỗ trốn tránh...
Vậy thì phải làm gì khi tôi đau khổ? Làm gì khi tôi cảm thấy mình bị những cảm xúc tiêu cực, hủy hoại, đau đớn chi phối? Lời khuyên đầu tiên có tầm quan trọng cơ bản: đừng đợi đến phút chót. Công việc nhận ra và điều chỉnh hằng ngày, đều đặn, kiên nhẫn, bao giờ cũng hiệu quả hơn là can thiệp khẩn cấp khi đám cháy bùng lên.
MATTHIEU: Chính vì vậy mà ta thường so sánh xuất phát điểm của cảm xúc tiêu cực với một đốm lửa dễ dập tắt, còn các trạng thái cảm xúc mà ta để mấp mé thành đám cháy rừng thì khó mà khống chế.
CHRISTOPHE: Thật ra thì giải quyết những tức tối nho nhỏ, những nỗi buồn, những lo lắng, những nỗi xấu hổ nho nhỏ thì dễ hơn nhiều so với đám cháy lớn của những cảm xúc đó. Trong cách nhìn này, tôi khuyến khích nên tự quan sát thật nhiều, nghĩa là tôi khuyên nên ghi nhật ký rồi thiết lập mối quan hệ giữa các sự kiện trong đời sống với tác động cảm xúc chúng có đối với ta, rồi với các suy nghĩ và cách xử sự chúng sinh ra. Ghi ra những cảm xúc của ta, phân tích đường đi, tính nhân quả, dư chấn của chúng, tất cả những điều này trông vậy mà rất phức tạp. Trong óc ta thấy dường như điều đó rõ ràng, nhưng khi chuyển sang viết, ta mới nhận ra tự hiểu mình là một nỗ lực ghê gớm! Việc sắp xếp hợp lý này là đòi hỏi hàng đầu. Nó là một phần trong phép vệ sinh đời sống cho sự cân bằng bên trong.
Kiểu công việc thứ hai thuộc loại kinh nghiệm: mỗi lần cảm xúc nổi lên, hãy dành thời gian dừng lại để thăm dò nó bằng chánh niệm. Nói theo cách đơn giản là không tìm cách thay đổi nó, kiểm soát nó, làm nó biến mất hay uốn cong nó theo cách này hay cách khác, chỉ chấp nhận nó, quan sát cái gì làm nên nó, những thể trạng nào tạo thành nó, nó sinh ra kiểu ý nghĩ nào. Đó chính là những hành động mà bệnh nhân được chúng tôi chỉ cho các phương pháp thiền chánh niệm thực hiện. Đây rõ ràng là một trong những cơ cấu quan trọng giải thích cho việc, trong mọi nghiên cứu, người ta đều nhận thấy là thực hành đều đặn chánh niệm sẽ khai thông một sự điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Vẫn trong loại phương pháp kinh nghiệm thứ hai này có các chiến lược cụ thể hơn cho các cảm xúc sợ hãi hay xấu hổ có hại thường nhen nhóm trong một số tình huống. Lúc đó chúng tôi dùng các bài tập nhằm “làm cạn kiệt” cảm xúc. Để làm vậy, chúng tôi cho bệnh nhân vào các tình huống mà họ sẽ cảm nhận cảm xúc ở một mức độ cực kỳ mạnh và không thoải mái – chẳng hạn, chúng tôi cho họ hát trên tàu điện ngầm để ai cũng nhìn họ, hoặc cho họ đứng giữa một nhóm bệnh nhân khác. Nếu bệnh nhân trong trạng huống thật, trong đời thật, họ sẽ cố cắt ngang cảm xúc này bằng các chiến lược bỏ trốn: họ rời khỏi phòng, toa tàu, hay nếu không chạy trốn được, họ cố nghĩ về chuyện khác hay cụp mắt xuống, để giảm mức căng thẳng trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Ở đây, chúng tôi khuyến khích họ không cụp mắt xuống, ở lại trong hoàn cảnh, chấp nhận cảm xúc đó. Đây là cái chúng tôi gọi là “phơi mình ra” trong các trị liệu pháp hành vi. Thật ra vấn đề là không nghe lời cảm xúc: “Dù mi ở đó, sợ hãi ạ, nhưng tao cứ ở lại đây, trong hoàn cảnh này, thở đều, để ý nghĩ biến đi…” Và khi lặp lại đều đặn các kinh nghiệm này, bệnh nhân sẽ thấy rằng sức mãnh liệt của cảm xúc giảm dần và họ thoát khỏi quyền lực của những cảm xúc có hại quá mức này.
Tiếp theo có một kiểu chiến lược thứ ba, mà giờ tôi dùng ngày càng nhiều khi làm việc với tâm lý học tích cực, và chắc là nó giống với cách nhìn phương thuốc mà Matthieu thường nói. Cái đó như sau: trong ngày, trong đời, tôi càng cảm thấy nhiều các cảm xúc tích cực, yêu thương, ngưỡng mộ, trắc ẩn, hạnh phúc, an lạc, niềm vui, cao thượng thì sẽ càng có ít không gian cho các cảm xúc đau đớn, tàn phá, tiêu cực xuất hiện, lan tràn và thành đám cháy.
CÓ CHỨNG NGHIỆN CẢM XÚC ĐAU ĐỚN HAY KHÔNG?
ALEXANDRE: Trong tâm hồn người có một thứ làm tôi thấy cuốn hút mà cũng sợ hãi, đó là khả năng tự làm hại mình. Cảm giác có lỗi và nghiền ngẫm để làm gì nếu không phải để làm hư hoại đời sống chúng ta? Một người bạn hay lo tâm sự với tôi rằng anh cảm thấy một khoảng trống, nói thẳng ra là một cảm giác thiếu thốn, khi nỗi sợ hãi để anh ta thở một chút. Cái nghiện tàn nhẫn này từ đâu mà ra? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Paul đưa ra một chẩn đoán rất đáng ngạc nhiên: “Tôi không làm điều lành mình muốn, mà lại làm điều dữ mình không muốn.” Có một số thói quen mà dường như không có lập luận hợp lẽ nào đủ mạnh để cãi lại được: đơn giản thôi, tôi thích hạt điều, ăn thì tôi bị lở miệng, thôi thì, tôi ăn cho rồi! Có vô số xung đột bên trong biến nội tâm ta thành bãi chiến trường. Ở đây cũng vậy, bước đầu tiên là bình thản nhìn các trận đánh này mà không muốn điều chỉnh vấn đề ngay lập tức. Cái yếu đuối của ý chí chơi tôi nhiều vố rồi, và tôi cũng lắm khi cười nó. Vì những lý do y học, tôi phải gầy đi. Do vậy tôi nhờ đến một huấn luyện viên và anh ta dứt khoát khuyên tôi chơi thể thao. Anh ta nói thêm rằng điều cốt lõi diễn ra trong bếp và tôi cần thay đổi các thói quen ăn uống. Anh ta còn chưa ra khỏi cửa thì tôi đã chạy tới tủ lạnh để tha hồ chè chén rồi: nếu mọi chuyện đã nguy sẵn rồi, thôi thì cho tới luôn! Sao lại có cái phá hoại gần như tức thì này? Trên mảnh đất hạnh phúc, tôi cũng phát hiện thấy các lực hủy hoại đó. Nó như thể đầu óc tôi bị mắc một chứng bệnh tự miễn dịch để làm hỏng sự toàn vẹn của nó.
MATTHIEU: Chuyện đầu óc bướng bỉnh cứ kéo dài cái làm nó khổ là một trong những khía cạnh của vô minh. Nhà sư Ấn Độ Tịch Thiên có viết:
Muốn thoát ra,
Ta lại ném mình vào bể khổ;
Ta mong cầu hạnh phúc, mà bởi vô minh,
Hủy hoại nó như kẻ thù.
Vấn đề của chúng ta là nghiện các nguyên nhân gây khổ. Cái nghiện này hình thành thế nào? Ban đầu, một cảm giác dễ chịu xui ta cứ tìm thêm cái sinh ra nó. Nhưng vì bản chất của các cảm giác dễ chịu là giảm dần khi ta nếm trải, nó dần dà trung tính và cuối cùng trở thành khó chịu. Thế nhưng, chúng ta tiếp tục ham muốn nó. Khoa học thần kinh chỉ ra rằng các mạng lưới não có liên hệ với lạc thú không phải là các mạng lưới có liên hệ với ham muốn. Điều này dẫn đến chuyện, bằng lặp lại, ta có thể củng cố mạng lưới nối liền với ham muốn đến mức muốn cái đã không còn dễ chịu và thậm chí làm ta khổ. Đó gần như là định nghĩa về nghiện. Ngay cả khi ta không muốn khổ, ta cũng không khỏi lại sa vào những tình huống làm ta khổ.
Còn về chuyện thỉnh thoảng ta thích chọn cái làm ta đau, Eckhart Tolle giải thích hiện tượng này theo cách hình tượng. Khi bản ngã thất bại trong các công cuộc ái kỷ, để tiếp tục tồn tại, nó chuyển sang một kế hoạch B bằng cách xây nên một “thân khổ”, một chiến lược thay thế để củng cố danh tính nó, lần này là theo kiểu làm nạn nhân. Như vậy thì bản ngã có thể tồn tại bằng cách sống nhờ những kêu ca và đả kích. Và ngay cả nếu không ai muốn nghe ta, ta cũng cứ vừa tự kể đi kể lại câu chuyện buồn của mình vừa than thân trách phận. Ta dồn hết mọi thứ cho cái thân khổ này. “Thân khổ là một kẻ nghiện bất hạnh”, Tolle nói. Anh ta sống nhờ những ý nghĩ tiêu cực và bi kịch nội tâm, nhưng chịu đựng kém những ý nghĩ tích cực. Anh ta sống bằng cách thường trực nghiền ngẫm quá khứ và lo lắng tương lai. Anh ta không biết sống trong không khí trong lành của phút giây hiện tại tuyệt không có những thứ bịa đặt của đầu óc.
CHRISTOPHE: Tại sao chúng ta lại đến nước tự làm mình khổ? Câu hỏi này có liên quan đến rất nhiều người. Bản thân tôi cũng có thể làm những chuyện mà tôi biết chúng sẽ làm hại tôi, như làm việc quá nhiều chẳng hạn! Trái lại, tôi không chắc là chúng ta thích khổ. Tôi nghĩ rằng quả thực ta cũng có thể làm mình khổ, làm lại theo cách vô lý, biết rằng mình tự làm khổ mà vẫn tiếp tục. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta thích khổ! Một ví dụ: trước kia, trong tâm thần học, một số đồng nghiệp của chúng tôi có khuynh hướng xem nhẹ những phụ nữ bị những kẻ thống dâm đánh đập. Họ lẫn lộn hai điều. Khi một phụ nữ nói: “Tôi yêu anh ta dù anh ta đánh đập tôi”, điều này không có nghĩa là: “Tôi yêu anh ta vì anh ta đánh đập tôi.” Chuyện này có hơi giống vấn đề bạo lực ta gây ra cho bản thân, rất thường xảy ra, vì ta không biết làm sao khác, như một con chó tự gãi điên cuồng và tự làm mình bị thương, nhưng ở nó cảm giác ngứa quá dữ dội.
MATTHIEU: Bồ tát Long Thọ, triết gia Phật giáo lớn của Ấn Độ thế kỷ II, đã viết rằng khi ngứa mà gãi thì tốt, nhưng sẽ sung sướng hơn nhiều nếu không còn ngứa nữa! Ngài kết luận là, nếu thỏa mãn ham muốn thì tuyệt, nhưng thoát khỏi nó thì còn hay hơn nhiều.
CHRISTOPHE: Đôi khi chúng ta làm những chuyện phi lý và đau đớn chỉ vì buồn chán. Một nghiên cứu gần đây thật ngạc nhiên chỉ ra rằng, khi người ta cho học sinh vào một phòng trong 10 hay 15 phút, và cho chúng chọn hoặc không làm gì cả hoặc tự chịu những sốc điện nho nhỏ, một số lớn (gần 2/3 nam và 1/3 nữ) thích được chích điện hơn! Ta nên nghĩ rằng thế hệ trẻ ngày nay, thường xuyên bám vào màn hình và nhạc, đã mất thói quen ngồi không và quán sát nội tâm, hơn là nghĩ rằng chúng bị thúc đẩy bởi chứng thống dâm!
Với dinh dưỡng cũng tương tự như vậy. Phần lớn thời gian, ta không ăn vì ta đói, mà vì thèm ăn, vì ta thấy đồ ăn hấp dẫn, hoặc vì đã đến giờ ngồi vào bàn. Ta nhầm lẫn thú vui này với thú vui khác: Mình có thấy đói thật không? Hay mình chỉ muốn ngồi vào bàn với bạn bè? Hay là mình muốn ăn chỉ vì như vậy có vẻ hay? Ta đang thiếu ý thức, một sự vắng mặt với chính mình. Do vậy, vấn đề là những đau khổ mà ta bắt mình chịu, hay những sai lầm ta phạm phải khi thỉnh thoảng biết mình làm điều đó, nhưng lúc làm, ta không để tâm lắm đến cái ta thật sự cần. Đúng là luôn chăm chú theo dõi và khó khăn với bản thân thì có vẻ phiền phức hay nhọc nhằn, nhưng nếu ta như vậy một chút xíu, thường xuyên hơn một chút, ta có thể làm giảm rõ rệt những đau khổ gắn liền với các cách xử sự này. Đó là một cái khó kinh điển trong các chứng nghiện. Dùng ma túy rõ ràng là làm hại mình. Nhưng ta không hề muốn đau khổ: ban đầu, ta tìm thú vui; cuối cùng, ta tìm cách để không chịu đựng trạng thái thiếu nữa.
MATTHIEU: Giải thoát khỏi nghiện là một thách thức thực sự vì ba lý do. Trước hết, nếu chỉ khuyên người bị nghiện ghét đối tượng của mình thì chưa đủ. Thường thì, người nghiện đã chán ghét, nhưng họ không khỏi muốn thêm cái làm họ chán ghét. Tiếp đến, bỏ được một thứ nghiện đòi hỏi nỗ lực ý chí ghê gớm. Thế mà, một trong các tác dụng của nghiện là làm suy yếu hoạt động của những vùng trong não có liên hệ với ý chí. Cuối cùng, để khỏi nghiện, cần tập làm chủ ham muốn bốc đồng gắn liền với chứng nghiện này. Thế mà hóa ra nghiện ức chế hoạt động của hồi hải mã, một vùng trong não cho phép, lúc bình thường, biến một luyện tập, dù đó là gì, thành những biến đổi về mặt chức năng và cấu trúc của não – cái ta gọi là khả biến thần kinh. Ba trở ngại này khiến việc cai nghiện đặc biệt khó khăn.
ALEXANDRE: Con đường hạnh phúc đòi hỏi quên đi tất cả những gì đã học. Trong thần bí Cơ Đốc giáo, cũng như trong truyền thống Thiền tông, chúng ta được khuyên nên chết đi, từ bỏ tất cả: những niềm tin, thói quen, ham muốn, ảo tưởng. Thế tại sao không bắt đầu ngay lập tức việc dọn trống bên trong này? Khi đạo Phật nhấn mạnh chánh mạng này, nó cho tôi thấy rằng không thể có được hạnh phúc nếu tôi sống một đời phóng túng, căng thẳng, ích kỷ. Làm sao tôi có thể về với bình yên nếu, từ sáng đến tối, tôi chỉ nghe theo bản ngã? Để từng chút một tháo gỡ mình khỏi đời sống hằng ngày đối nghịch với sự bình yên trong tâm hồn, có lẽ cần tập các đức tính tốt để trở nên đức hạnh. Ở đấy cần một cuộc chuyển hóa. Nếu tôi đợi được tự tin rồi mới có hành động tin tưởng, tôi có nguy cơ không bao giờ tiến bộ… Trái lại, ngay từ bây giờ tôi cần cố gắng có những hành động cụ thể.
May mắn là, trong lĩnh vực này, ta không đơn độc, đôi khi ta chỉ cần thấm nhuần lối sống của những người đi trước ta trên đường. Còn ai hay hơn trong việc cho ta một cái đà mới để nhổ bỏ từng độc tâm một? Trái lại, đức hạnh của ta sẽ lụi tàn khi bầu bạn với những kẻ gièm pha và xấu bụng. Nếu suốt ngày ta mải lo gieo trồng những hạt giống xấu, chẳng lạ nếu đâu đâu ta cũng thấy bụi rậm và gai…
Thiền là học cách tháo kíp nổ những quả bom trút ào ào trong tâm trí ta và để các kịch bản mà ta tin là chắc chắn tan biến đi. Khi tâm trí dọn trên khay cho ta cái tệ nhất trong những cái tệ, hãy chỉ nhìn, không làm gì cả. Khi cơn bão tinh thần hoành hoành, việc kiềm chế phản ứng đôi khi cần một thứ can đảm siêu nhân. Một việc có ích là nhận ra rằng thứ thời tiết thất thường làm lung lay bản ngã của tôi có lẽ lên đến 10 độ Richter cảm xúc nhưng tôi không vì vậy mà gục ngã. Hãy luôn để cho cảm xúc qua đi, nếu ta không nuôi dưỡng nó, nó sẽ tự yếu đi. Việc khổ tu lâu dài này, lặp lại ngàn lần mỗi ngày, chính là để mình trôi dạt giữa sóng để thấy rằng chúng không kéo dài.
Các cha sa mạc có thói quen nhắc rằng, ta càng chú ý đến mình, ta càng khổ. Và cái thách thức chính là ở chỗ nhận lãnh cái nghịch lý này: chăm sóc kỹ bản thân, tôn trọng nhịp điệu riêng, trong khi đó giải thoát mình khỏi cái tôi nhỏ nhít làm ta điên loạn. Nhổ bỏ những cảm xúc tiêu cực thì thuộc về chạy marathon hơn là chạy nước rút, do vậy mà có cái nguy cơ ta kiệt sức dọc đường. Cho nên, hết sức cấp bách, ta hãy bắt đầu loại trừ mọi cái làm ta cồng kềnh. Trong số các cảm xúc đè nặng, sự cự tuyệt và nổi loạn vẫn chưa thôi hoành hành. Câu chuyện của một ni sư Thiền tông đã cho tôi một bài học đáng nể. Cô bị một bệnh ung thư không chữa được và người phụ nữ 40 tuổi này tâm sự với tôi rằng một thời gian dài cô xem bệnh như một đối thủ. Hàng tháng trời, cô dậy để ra trận và đấu với kẻ thù cho đến ngày, nhờ thiền, cô đã bắt đầu xem ung thư như bạn, một sứ giả, một người giải thoát. Không cần phải lãnh một cú to lớn như vậy để bắt đầu sự thay đổi toàn triệt cái nhìn, bắt đầu biến cải. Những phiền nhiễu nho nhỏ chính là những dịp để tiến bộ. Hãy thiền, hãy cố hiểu biết, hãy tiến lên, tất cả những việc này đều tốt. Nhưng đừng bao giờ thiếu một lòng kiên nhẫn vô cùng với những yếu kém của ta: thỉnh thoảng trong thử thách, chúng ta cần chút đình chiến để buông vũ khí.
MATTHIEU: Như tôi đã nói, từ Tây Tạng mà ta dịch là “xả bỏ” thực ra gợi lên sự quyết tâm giải thoát. Đến một lúc nào đó, ta không chịu được chứng nghiện những nguyên nhân gây khổ nữa. Khi một con chim xổ lồng, ta không thể nói là nó từ bỏ cái lồng mà là nó thoát khỏi đó. Cái lồng bằng sắt hay bằng vàng thì cũng vậy thôi.
CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ VÔ CẢM
MATTHIEU: Một số người hình dung rằng việc giải thoát khỏi cảm xúc sẽ dẫn đến cái trống rỗng bên trong và biến ta thành những xác sống. Họ lẫn lộn cái trống rỗng đầu óc với cái tự tại của tâm. Mục đích không phải là làm tiêu tan những ý nghĩ và cảm xúc, mà là ngăn chúng sinh sôi nảy nở và nô dịch ta. Các thầy và nhiều người thực hành đã đạt một sự tự tại lớn bên trong, nhưng họ không trở thành rau củ. Trái lại, họ tỏ ra có nhiều phẩm chất tốt hơn người khác. Đạt-lai Lạt-ma, theo tôi, là một tấm gương hoàn hảo về lòng can đảm, niềm vui, từ tâm và cởi mở với người khác. Vậy nhưng ngài chỉ là đã vượt qua các trạng thái tinh thần thường ngày vẫn làm đảo điên tâm ta. Khi loại khỏi không gian tinh thần của mình lòng hận thù, oán giận, tham lam và các cảm xúc nhiễu loạn khác, ta dành chỗ cho lòng nhân ái, niềm vui và bình yên bên trong.
CHRISTOPHE: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi ta để những người thiền có kinh nghiệm phơi ra trước các tình huống có thể kích hoạt các cảm xúc – hình trẻ em bị dị tật hay những cảnh buồn – ta nhận thấy rằng họ không hề bị cùn nhụt cảm xúc. Ta chỉ quan sát thấy một sự khuếch tán tác động cảm xúc trong não họ khác với ở những người không thiền. Đáng chú ý là có ít sự kích hoạt hơn tại một số vùng nhất định thuộc vỏ não trước trán và những vùng đó có liên hệ với các quá trình tự tham chiếu (tập trung vào bản thân, nghĩ về bản thân). Nói chung, sự kích hoạt cảm xúc có tồn tại (thiền không làm cho ta vô cảm), sự nhạy cảm không biến đổi, nhưng khả năng phản ứng của não không còn như trước (thiền cho phép rút lui nhiều hơn).
MATTHIEU: Người ta đã thực hiện những nghiên cứu bao gồm đồng thời cả những người thực hành thiền lẫn những người không thực hành. Trong những nghiên cứu đó, họ sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ để thấy những vùng và mạng lưới não được kích hoạt. Mấu chốt là nhận ra những vùng nào trong não trở nên tích cực khi một người thực hành đang thiền về nhất tâm, về lòng nhân ái, về sự có mặt cởi mở. Mỗi loại thiền có một “dấu ấn” khác nhau trong não. Dần dà, nhờ tu tập, não biến đổi, về mặt chức năng và cơ cấu. Người tu tập, tất nhiên, cũng thay đổi, vì đó là mục đích của việc này. Trong một nghiên cứu, người ta cho luân phiên những người thiền lâu năm và một nhóm người mới bắt đầu thiền nghe tiếng kêu của một phụ nữ đang khiếp sợ. Lúc đó người ta nhận thấy rằng những người thực hành đã vững nghe những tiếng kêu kinh hoàng mà không bộc lộ phản ứng tránh né hay khổ sở. Đồng thời, người ta thấy ở họ cả một loạt cảm xúc tích cực như thấu cảm, nhân từ, từ bi bắt đầu hoạt động, trong khi những người trong nhóm kia, khi nghe cũng tiếng kêu đó, lại tìm cách thực hiện một kiểu gây mê tinh thần. Những người thực hành thiền cũng phản ứng theo kiểu tương tự khi ta cho họ chịu đau. Họ cảm nhận cường độ ít ra cũng bằng, nếu không nói là hơn, những đối tượng chưa rèn luyện, nhưng họ ít tỏ ra sợ sệt hơn khi cường độ cái đau tăng lên, tìm lại được sự bình thản nhanh hơn khi cái đau dừng.
LÀM SAO ĐỂ VUN TRỒNG LÒNG NHÂN TỪ
MATTHIEU: Trong đạo Phật có một ý niệm nền tảng mà ta bắt gặp trong tâm lý học tích cực: vắng mặt các trạng thái tinh thần tiêu cực thì không nhất thiết kéo theo sự hiện diện của các trạng thái tinh thần tích cực. Nói cách khác, niềm vui không chỉ là vắng mặt nỗi buồn, từ tâm không phải là vắng ác tâm. Khi chỉ chữa các trạng thái tiêu cực, ta đạt đến một trạng thái trung hòa, nhưng không phải các trạng thái tích cực đóng góp vào cảm giác viên mãn.
CHRISTOPHE: Để bổ sung cho điều anh nói, trong khuôn khổ trị liệu, khi chúng tôi chữa cho ai đó bị trầm cảm, mục đích không phải là để họ trong trạng thái trung hòa, mà trong một trạng thái họ có thể lại cảm thấy những cảm xúc tích cực. Các cảm xúc dễ chịu này sẽ do những sự tình cờ trong đời sống, do người khác, đem đến cho họ, nhưng nếu chúng tôi không chỉ cho họ cách đón nhận chúng tốt hơn hay tự xây dựng chúng, thì như vậy vẫn chưa đủ.
MATTHIEU: Trong tâm lý học tích cực, người ta nói rằng việc vắng bóng trạng thái bệnh lý không nhất thiết là một trạng thái tối ưu, đó chỉ là một trạng thái “bình thường”, trong khi đó trạng thái tối ưu cần được vun trồng trong chính mình. Nói cách khác, trạng thái bình thường chỉ cho phép vận hành bình thường, nhưng để sống theo kiểu tối ưu, hay thực hiện đầy đủ tiềm năng của mình, ta cần vun trồng các giá trị khác nữa, ví dụ nhân từ và từ bi, đồng thời giải phóng tâm trí mình khỏi ảnh hưởng của những ý nghĩ nhiễu loạn.
CHRISTOPHE: Tôi tin vào một sự lan tỏa tình thương, lòng nhân từ, dịu dàng và trí thông minh. Mỗi lần ta có một hành động dịu dàng, cảm mến, yêu thương, mỗi lần ta khai sáng cho ai đó bằng cách khuyên bảo, ta cải biến một chút tương lai của nhân loại theo chiều hướng tốt. Còn mỗi lần ta nói một điều độc địa, ta làm một điều hung ác, và ta lặp lại, ta làm mất thời gian của sự tiến bộ nhân loại. Do vậy, việc mỗi người vun trồng nhiều nhất có thể được những tình cảm và hành vi tích cực là vấn đề sống còn cho tất cả mọi người.
MATTHIEU: Để vun trồng lòng nhân từ, cần bắt đầu từ chuyện ý thức rằng, một cách nền tảng, chúng ta rất sợ khổ và khát khao được hạnh phúc. Giai đoạn này đặc biệt quan trọng đối với những người có hình ảnh tiêu cực về mình, hay người đã chịu đựng quá nhiều và cho rằng mình sinh ra không phải để được hạnh phúc. Những người ấy trước hết cần học cách bao dung và nhân từ với chính mình.
Khi ta đã nhận ra cái khát vọng hạnh phúc này rồi, quan trọng là biết điều đó là như nhau với tất cả mọi người. Lúc đó ta sẽ cảm thấy gần với người khác hơn, ta quý trọng nguyện vọng của họ và quan tâm đến số phận của họ.
Cuối cùng, ta cần tập có lòng nhân từ. Mới đầu, sẽ dễ dàng hơn khi nghĩ về ai đó ta yêu quý. Ta để cho mình ngập tràn một tình yêu và lòng nhân từ vô điều kiện với người đó, ta ở lại trong trạng thái này vài giây. Tiếp đó ta mở rộng lòng nhân này ra cho người khác mà ta ít quen hơn. Họ cũng muốn được hạnh phúc. Rồi ta còn đi xa hơn nữa. Ta ôm trọn trong lòng nhân của mình cả những người không phải với ta, và những kẻ làm hại tất cả mọi người. Ta không mong họ làm được những hành vi có hại, mà ta mong họ được giải thoát khỏi lòng hận thù, tham lam, tàn ác hay dửng dưng, và mong họ lo cho lợi lạc của người khác. Ta nhìn họ như một bác sĩ nhìn bệnh nhân ốm nặng nhất. Cuối cùng, ta sẽ bao trọn toàn thể nhân loại trong một tình cảm yêu thương không biên giới.
HẠNH PHÚC, NIỀM VUI
CHRISTOPHE: Là người hướng nội trầm tĩnh, từ lâu tôi vốn ngờ vực niềm vui vì tôi thấy rằng nó có thể kéo ta đi quá xa, rằng nó rất gần với sự háo hức và ngây ngất. Trái lại, tôi thấy hạnh phúc dường như là một cảm xúc tích cực vô cùng dễ chịu. Hạnh phúc có hai lợi thế so với niềm vui. Nói chung, nó không đẩy đến chỗ náo nức, và nó kín đáo; vì nó tập trung vào bên trong hơn, do vậy nó không làm phật ý người khác. Sau đó, tôi đã xem lại cách phân loại này và tôi thấy rõ là niềm vui, ở khía cạnh lây lan, ngẫu hứng, có thể đem lại cho người khác rất nhiều điều. Khi người ta yêu thương vui vẻ, ta sẵn lòng để mình vui lây.
ALEXANDRE: Nếu tôi thiết tha với niềm vui thì đó là vì tôi thấy nó có vẻ đơn giản hơn, dễ có hơn là hạnh phúc. Tôi có cảm tưởng là câu mệnh lệnh “Hãy hạnh phúc bằng mọi giá” bỏ lại không ít người bên vệ đường. Tôi thấy niềm vui khiêm nhường hơn, gần với những cái yếu kém của chúng ta hơn. Tôi cũng có thể đạt tới đó dẫu tôi chịu những cơn đau kinh niên hay đang chịu tang. Không có gì nặng nề khi đi theo tiếng gọi của nó. Ngay cả người vất vả từ sáng đến tối cũng có thể cảm nhận được nó. Sao lại đánh đồng niềm vui với sự bồng bột, sự phiến diện, trong khi trước hết nó là một tiếng “vâng”, một sự bằng lòng sâu xa và đích thực với thực tế như nó diễn ra? May sao, Spinoza nhắc rằng niềm vui là đoạn đường con người đi từ sự hoàn thiện ít đến sự hoàn thiện nhiều hơn. Mỗi lần cuộc sống giành được đất, mỗi khi tôi tiến bộ, niềm vui làm tôi nở tấm lòng. Một bước nữa thôi thì dứt khoát là bản ngã sẽ bùng vỡ. Trong Ngày thứ tám trong tuần, Christian Bobin gợi lên “một niềm vui sơ đẳng của vũ trụ, mà ta làm tăm tối đi mỗi khi ta vờ là ai khác, hay biết điều gì đó”.
MATTHIEU: Tôi có cảm tưởng là chúng ta đồng ý với nhau về cơ bản, nhưng chúng ta cho các từ “vui” và “hạnh phúc” nghĩa khác nhau một chút. Đạo Phật mô tả một hạnh phúc sâu xa, trong tiếng Phạn là sukha, nó thấm nhuần và nằm bên dưới mọi kinh nghiệm của ta, dù đó là niềm vui hay nỗi đau, nó đồng thời còn là một trạng thái sáng suốt đã vượt ra ngoài những độc tâm và nhận thấy chân tánh của vạn sự. Nó có liên hệ chặt chẽ với việc hiểu sự vận hành của tâm. Niềm vui, ananda, phần nào là sự tỏa sáng từ sukha. Nó đong đầy lạc phúc cho phút giây hiện tại và, khi nó ngày càng thường xuyên hơn, tạo nên một thể liên tục mà ta có thể gọi là “niềm vui sống”.
Một số nhà tâm lý học đã khẳng định là không thể hạnh phúc trong tù, vì theo họ, hạnh phúc mà ta nếm trải trong tình cảnh như vậy là vô lý. Vậy mà có một người Mỹ, Fleet Maul, bị kết án nhiều năm tù vì một vụ buôn ma túy. Anh ta sống lâu ngày trong một xà lim không có cửa sổ và đông đúc, ở đó lúc nào cũng ồn ào. Chính trong hoàn cảnh cực kỳ khó chịu như vậy anh ta bắt đầu thiền nhiều giờ mỗi ngày. Mới đầu, anh ta thấy vậy khó quá – ta dễ hiểu điều đó – nhưng anh ta kiên trì. Hết tám năm, anh ta đã hoàn toàn tin chắc hiệu quả của tu tập, sức mạnh chuyển hóa của lòng từ bi và chuyện bản ngã không có thực tính.
Một hôm, anh ta được gọi đến đầu giường một tù nhân khác sắp chết là bạn anh ta và trong năm ngày, anh ta có mặt bên người kia lúc hấp hối. Sau sự kiện này, anh ta cảm thấy thường xuyên hơn một sự tự tại và niềm vui bao la. Tự tin bên trong dẫn anh ta đến chỗ chứng nghiệm cái gì đó không thể hủy diệt, độc lập với hoàn cảnh, trong khi hoàn cảnh của anh ta khó mà chịu nổi. Tôi nghĩ rằng vấn đề là sukha, nó là một cách sống và nhận biết thế giới lâu bền hơn là một niềm vui thoáng qua.
ALEXANDRE: Tôi hoàn toàn thán phục những người vui vẻ bền chí bất chấp những đòn của số phận. Nghèo khổ, bất công, bệnh tật, không có tiếng nói quyết định. Cái bí ẩn này, niềm hy vọng này đáng để cả thiên hạ bàn đến. Cảm nhận được một niềm vui đích thực tức là phát hiện ra trong tất cả mọi thứ một dịp để giải thoát, đi lên và có lẽ thậm chí là vui mừng. Sự sẵn sàng bên trong này, cái hy sinh khiêm nhường và sâu thẳm vô cùng này vượt xa cái cảm giác thuần túy. Đây không phải là một tiếng hô vang cảm thán ngây thơ mà là một sự tán thành thẳng thắn, bình yên, một cái “vâng” thận trọng với thực tại. Tôi thấy vui vì thánh Paul biến niềm vui thành hoa trái của tinh thần, việc niềm vui vẫn là thứ những người trần trụi nhất chạm tới được làm tôi mừng và thấy an ủi vô bờ. Chúng ta không nên tôn sùng các cảm xúc – điều này chứng tỏ chúng ta vẫn còn chấp trước vào chúng. Ta cần du hành tay không.
MATTHIEU: Mỗi người biểu đạt bản thân bằng những từ có một nghĩa nào đó đối với họ. Nhưng tôi thấy hình như niềm vui Alexandre nói tương ứng với cái người khác mô tả là một sự tự tại bên trong cho phép họ đối mặt nghịch cảnh.
CHRISTOPHE: Tôi chỉ thấy khó chịu vì sự phân chia thứ bậc – “niềm vui thì hay hơn là hạnh phúc” hay “hạnh phúc thì hay hơn niềm vui”. Mọi cảm xúc tích cực, niềm vui, hạnh phúc, xảy đến khi ta cảm thấy có liên hệ hài hòa với thế giới, trong khi đó thì các cảm xúc tiêu cực luôn là cái đánh dấu sự đoạn giao giữa thế giới và ta, dù đó là giận dữ, buồn bã hay sợ hãi. Niềm tin sâu xa của tôi là, đối với những người bình thường như chúng ta, và không kể vài hiền triết, thì niềm vui, hạnh phúc, tình yêu nhất định là những trạng thái không bền, ta không cảm thấy theo cách lâu dài. Thật ảo tưởng khi muốn cất chúng vào hộp. Cần chấp nhận một lần cho xong cái ý rằng chúng ta là những người làm thời vụ của hạnh phúc, niềm vui, tình yêu, và điều đó hoàn toàn bình thường. Vì vậy mà cần chú tâm làm cho chúng nảy sinh đều đặn trong đời ta. Ta cần cả hai: khi tôi hạnh phúc, tôi thấy như tôi hòa giải với quá khứ và tương lai; trong khi đó thì niềm vui làm tôi neo chặt vào hiện tại, và cho tôi mọi thiện ý tôi cần để sống phút giây này.
ALEXANDRE: Ý niệm vô thường chữa khỏi rất nhiều giày vò. Và cái ý là một người làm thời vụ của hạnh phúc có tính an ủi vô cùng. Khi ta chịu buông tay không còn bám víu vào bất kỳ thứ gì thì ta mới có thể từng bước thoát ra khỏi những giằng co, bất ổn. Đối với người đau khổ mỗi ngày, thật khích lệ khi thấy rằng không yếu đuối, mệt mỏi, bệnh tật hay khuyết tật, tóm lại là không có sự khiếm khuyết nào trên đời ngăn cấm được niềm vui. Bài tập thích hợp là dám có thái độ vô chấp trong mọi lúc. Mọi sự đều phù du, ngay cả bất ổn. Và lời của Spinoza nói lên cái cốt lõi và tôi dùng làm cương lĩnh: “Hãy làm cho tốt và cứ vui vẻ.”
MATTHIEU: Hạnh phúc đóng hộp là ảo tưởng rằng ta có thể kéo dài vô tận một kiểu ngây ngất thường trực, theo cách nói của Pascal Bruckner, dựa trên hoàn cảnh, trong khi đó thì về bản chất, kiểu hạnh phúc này chỉ có thể phù du và mong manh. Có lẽ ta có thể nói rằng niềm vui liên quan đến tính chất của giây phút hiện tại, còn hạnh phúc, sukha, liên quan đến một cách sống lâu dài tương ứng, theo một cách nào đó, với điểm cân bằng bên trong chúng ta. Một trạng thái mà, như Bernanos nói, “không gì làm biến tính được, như những vùng nước bao la bình lặng, bên dưới bão tố”.
LỜI KHUYÊN CỦA CHÚNG TÔI ĐỂ DÙNG ĐÚNG CẢM XÚC
Lời khuyên để có hoan hỉ sâu xa
MATTHIEU
• Rèn luyện sự chú tâm để nhận ra các cảm xúc tiêu cực vừa lúc chúng nổi lên. Ta dập tắt một tia lửa thì dễ hơn là một đám cháy rừng.
• Học cách nhận biết rõ hơn cảm xúc của mình. Tập phân biệt những cảm xúc góp phần vào sự bình yên của ta và của người, với những cảm xúc hủy hoại sự bình yên đó.
• Khi các hệ quả tai hại của cảm xúc tiêu cực đã xuất hiện rõ ràng, hãy làm quen với thuốc giải chúng, đó là cảm xúc tích cực.
• Vun trồng các cảm xúc tích cực cho đến khi chúng là một với ta.
Đối mặt cảm xúc
CHRISTOPHE
• Ta hãy yêu quý tất cả mọi cảm xúc. Mọi cảm xúc đều là những tín hiệu về nhu cầu của ta. Các cảm xúc tích cực cho chúng ta biết rằng nhu cầu của ta là đã được thỏa mãn hay đang được thỏa mãn. Các cảm xúc tiêu cực cho biết là các nhu cầu của ta chưa được thỏa mãn. Hãy lắng nghe và suy ngẫm về những gì đang diễn ra với các nhu cầu nền tảng của ta, từ đó mới hành động.
• Vun trồng những cảm xúc dễ chịu. Để ý duy trì chúng chứ không chỉ dựa vào sự tự động và thói quen của ta. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có những cảm xúc dễ chịu nhiều gấp hai ba lần cảm xúc khó chịu đem lại một sự thăng bằng tối ưu, và thiết thực (ta không thể luôn có tâm trạng vui vẻ).
• Đừng nản chí. Một trong những chuyện lớn lao trong đời ta là tập có thăng bằng cảm xúc. Và ta sẽ đều đặn tái phạm, liên tục là nạn nhân của sự giận dữ vô lý, lo sợ vô cớ, buồn bã thái quá. Hành trình sẽ rải rác những cú trượt ngã, ta cần tính đến điều này ngay từ đầu. Vì vậy mà tôi ghét các tục ngữ như “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nó nói rằng về cơ bản ta không bao giờ thay đổi. Ta đang trong giai đoạn học hỏi, do vậy ta cần chấp nhận những “tái phạm”. Không có lối tắt trên con đường này. Nhưng cuối cùng rồi ta cũng sẽ luôn đến đích nếu ta tiếp tục bước…
Thực hành, cho qua, dọn trống
ALEXANDRE
• Cho qua. Thiền khuyên chúng ta không nên xem cảm xúc như địch thủ. Khi đó, tu hành sẽ cốt là không lên chuyến tàu những cảm xúc nhiễu loạn nữa, mà nhìn các toa chạy qua: “Ê, kia là giận dữ”, “Ê, kia là sợ hãi”. Việc dám vô chấp cho phép chúng ta đi qua bão tố mà không vong mạng. Nếu giận dữ, sợ hãi hay buồn bã đến thăm ta thì cũng chẳng sao. Miễn là chúng không bao giờ trọ lại trong lòng. Vậy nên, ngàn lần mỗi ngày ta hãy để cho qua…
• Thực hành. Việc học bơi, nổi và dịu dàng nhìn các con sóng đi qua cần thời gian, rất nhiều thời gian. Bình yên chỉ xuất hiện từng chút một. Vì vậy mà cần chuyên tâm thực tập hằng ngày.
• Dọn trống đền thờ tâm trí ta. Từ lâu tôi đã tin rằng hạnh phúc bắt nguồn từ chinh phục. Hôm nay, tôi tin rằng, đúng hơn, vấn đề là dọn trống chúng ta. Thay vì gom góp những khả năng hay hiểu biết, ta hãy đổ tất cả những gì đè nặng ta: thói quen, suy nghĩ, sợ hãi, tham lam… Nằm dưới hàng tấn bùn là quặng lạc phúc, niềm vui đích thực. Do vậy ta hãy đuổi đi cái vô ích, và xem các chướng ngại trong đời sống như phương tiện thiện xảo để đến đó.