ALEXANDRE: Ta hãy tấn công không chậm trễ vào thứ khổng lồ này: bản ngã. Câu chuyện trong Sáng Thế Ký đã đưa ra một lời chẩn đoán sáng suốt. Sau khi nếm trái cấm, Adam và Eva: “Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” Nỗi xấu hổ, cảm giác tội lỗi, vị ngã, làm sao mà không bước vào vòng xoáy địa ngục này được? Việc mất đi sự hồn nhiên có lẽ là do tự cho mình là cái rốn, bắt đầu cưng quý hình ảnh bản thân, một mớ nhãn hiệu, cả khối ảo tưởng, tách rời thực tại và muốn làm trung tâm thế giới trong khi đòi một sự độc lập tuyệt đối.
Khuynh hướng ái kỷ bẩm sinh này mang lại cho ta những mâu thuẫn ghê gớm! Nếu tôi đứng tách riêng, nếu tôi nhốt mình trong những hình ảnh, nếu tôi cứ đóng một vai, làm sao tôi có được niềm vui đích thực? Nói một cách cụ thể, ngay khi tôi bám víu vào một ý niệm, ngay khi tôi gắn bó với con người tôi tưởng là mình, tôi chắc chắn sẽ thấy mình lãnh đủ. Để làm hỏng đời mình, tôi còn có phản xạ đáng sợ này: càng khổ, tôi càng có nguy cơ co dúm, thu mình. Cái vòng lẩn quẩn quỷ quái này! May sao tu tập đem lại cho chúng ta một lối thoát.
Làm sao bỏ được khuynh hướng tai hại cắt liên lạc với thế giới, với Chúa Trời và người khác này? Làm sao để chữa thói vị ngã? Vậy là tôi đã có thể ngừng sáng ra thức dậy làm người tiêu thụ tham lam để quan tâm hơn một chút đến người khác. Việc bỏ cái logic “tôi, tôi, tôi trước” không phải chuyện dễ. Thế nhưng cũng có cả vô vàn dịp để dừng việc nuôi một bản ngã phàm ăn. Khi cắt bít tết trong đĩa mà không rơi vào cảm giác tội lỗi có hại, tôi có thể thấy những nguyên tắc sai sử đời mình: Tại sao tôi tin rằng thú vui của mình đáng để giết một con thú?
Bài tập đơn giản thôi. Hãy phát hiện ra, để nhổ bỏ, cái thói quen đặt mình vào trung tâm, và đừng bao giờ biến người khác thành công cụ mà hãy yêu thương họ thật lòng. Có hôm một thầy tu đã nói thẳng với tôi thế này: “Thật sự giác ngộ là không để người khác sau mình nữa, không còn tự cho mình một đặc quyền đối với mọi chúng sinh.” Đúng là một việc lớn lao!
NHỮNG CĂN BỆNH CỦA BẢN NGÃ
CHRISTOPHE: Hiện nay, người ta không dùng từ “bản ngã” mà thường dùng từ “lòng tự trọng”. Nó được định nghĩa là tập hợp những cách nhìn nhận, đánh giá, xem xét, đối xử với bản thân. Về phần mình, tôi coi bản ngã là tập hợp những sự gắn bó với bản thân, với hình ảnh của mình, và tôi muốn được nói về những bệnh lý của nó cùng mọi hệ quả mà nó gây ra. Nhờ rất nhiều nghiên cứu mà ta biết rằng lòng tự trọng chịu ảnh hưởng sâu xa bởi các mối quan hệ xã hội. Thực ra, rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giá trị mà ta tự gán cho mình được cấu thành một cách mạnh mẽ, chưa nói là duy nhất, từ cảm tưởng rằng ta phải được người khác quý trọng. Nói cách khác, cái nhìn của người khác là thứ định hình cái nhìn mà ta tin là liên quan đến mình và nó thể hiện trên thực tế cách ta thấy mình trong mắt người khác.
Lòng tự trọng có hai căn bệnh trầm kha, cả hai đều gây ra những nỗi khổ ghê gớm. Trước hết là quá chấp ngã, điều ta thấy ở người ái kỷ, kéo theo đó là một hệ quả tức thì. Ta càng chấp ngã, ta càng muốn được ngưỡng mộ, ta càng cho mình hơn người khác và tự cho mình những quyền cao hơn. Do vậy mà những người ái kỷ có cách xử sự đặc thù, họ tự cho mình quyền chạy xe nhanh hơn người khác vì họ nghĩ mình lái giỏi hơn, vượt mặt tất cả mọi người đang xếp hàng chờ vì thời gian của họ thì quý giá hơn, lo cho lợi ích của mình hơn của người khác.
Nhưng còn một kiểu ám ảnh bản thân nữa, sự chấp ngã thái quá có liên quan đến những người thiếu lòng tự trọng. Đây là một chấp trước tiêu cực. Thực ra, những người này cũng có ám ảnh về cái nhìn và đánh giá của người khác như những người ái kỷ, nhưng thay vì tìm kiếm sự ngưỡng mộ hay thái độ phục tùng, họ lại rình theo sự đánh giá và chỉ trích vì họ sợ bị hắt hủi, sợ mọi người không yêu họ đủ.
Những công trình nghiên cứu về lòng tự trọng đã bắt đầu từ thập niên 1960. 50 năm sau, người ta đã có rất nhiều tiến bộ và hiểu rằng mục tiêu lý tưởng của lòng tự trọng là quên đi bản thân. Khi quan sát những người có lòng tự trọng tốt, ta nhận thấy rằng họ không hề vênh váo. Họ không cần mọi người nghĩ về họ và họ tận tụy trong mọi hành động, trong mọi mối quan hệ mà không đặt câu hỏi liên miên về mình. Người Mỹ dùng từ “quiet ego” có nghĩa là một bản ngã thanh thản, không còn ám ảnh về việc “Thiên hạ sẽ nghĩ sao về mình? Mình có đáp ứng được không?”
Làm sao để đạt được mục tiêu này? Khi ta yêu cầu ai đó có phức cảm, những người tự nghĩ mình không đủ đức tính tốt, nghĩ về điều gì ngoài họ, họ sẽ không đủ sức làm vậy. Trái lại, khi được chữa khỏi rồi, họ có khả năng ý thức được điều đó. Tôi nhớ một bệnh nhân đã nói với tôi về đề tài này: “Khi tôi ở bên những người tôi thấy ấn tượng, mà tôi thì không được sung mãn, tôi sẽ muốn biến thành một con chuột nhắt, biến đi để người ta khỏi bận tâm đến tôi. Lúc đó tôi nghĩ về công việc chúng ta làm trong trị liệu và dặn mình: ‘Đừng làm mình thành nhỏ nhít như vậy, mình không vĩ đại vậy đâu!’ Nói cách khác, mi đừng lo, thiên hạ không say mê mi, không phải lúc nào họ cũng nhìn mi, đánh giá mi. Miễn là mi không leo lên bàn rồi hú lên thì mi cũng có chỗ của mình giữa người khác mà không là đối tượng ám ảnh của họ.”
Có rất nhiều nghiên cứu về đề tài này, và một nghiên cứu in dấu trong tôi nhất đã chỉ ra, một cách nghịch lý, rằng sẽ ích lợi cho lòng tự trọng của một cá thể khi trau dồi cảm giác thuộc về, tình huynh đệ với người khác. Việc này không những không hạ thấp anh ta mà còn làm anh ta yên tâm và xoa dịu anh ta. Ngược lại, ham muốn lấn át tạo sự bất an, đe dọa và mệt mỏi. Đó là một sai lầm mà rất nhiều bệnh nhân không có đủ lòng tự trọng phạm phải. Họ có cảm giác là để được người khác chấp nhận, họ phải được người khác nể nang. Chẳng hạn, nếu họ có mặc cảm ít học, họ sẽ cố làm ra vẻ có học thức. Đây lại chính là cách trước kia chúng tôi sử dụng để trị liệu lòng tự trọng. Chúng tôi cố khôi phục giá trị bệnh nhân, khuyến khích họ tự nhìn mình một cách tích cực. Và thông thường, rất nhiều bệnh nhân nhút nhát, mặc cảm, có ấn tượng là, để không còn bị lấn át nữa, họ cần phải lấn át. Ngày nay, chúng tôi khuyên họ nên có những mối quan hệ chiều ngang mà không phải chiều dọc, và chúng tôi bỏ những câu chuyện lấn át này, vì chúng rất tai hại về cảm xúc. Chúng tôi biết rằng những đối tượng ái kỷ có những ám ảnh về việc thống trị, công nhận, khuất phục từ phía người khác là những người cực kỳ bất an, có các mức độ lo âu, căng thẳng, khó chịu cao. Những đối tượng thiếu lòng tự trọng cũng tương tự như vậy.
Tôi sẽ kết luận theo hai điểm. Một là, bản ngã là một cái xấu cần thiết, như một chiếc xe thuê. Chúng ta cần nó để đi qua cuộc đời, hệt như ta cần một phương tiện di chuyển để đi từ điểm này sang điểm khác – trừ phi ta là một ẩn sĩ hay một người quán tưởng không bước chân ra khỏi tự viện, như vậy thì có lẽ dẹp hẳn bản ngã đi thì đơn giản hơn. Trên các nẻo đường đời, có những xe gây ô nhiễm hơn những xe khác, những chiếc ô tô to bốn bánh ngốn rất nhiều xăng, muốn được người ta ngắm nghía, muốn được phép đi trước, nhưng cũng có những chiếc xe đạp nhỏ không gây ô nhiễm và không gây tiếng ồn. Tôi thấy dường như ta không thể tống khứ bản ngã, ném nó ra cửa sổ, mà ta chỉ có thể an tâm là nó không quá ô nhiễm cho người khác, không quá tốn kém cho chúng ta (về năng lượng, chăm sóc, bảo dưỡng…).
Điểm thứ hai là, ta không thể mong tống khứ bản ngã bằng cách xem thường nó. Ở những bệnh nhân bị chứng thiếu lòng tự trọng, giải pháp không phải là tiếp tục xem thường bản thân. Thường thì, họ vừa ám ảnh vừa bực tức về mình. Vậy là ta trở lại với cái khác biệt chính yếu này giữa chấp trước và vô chấp: mục đích không phải là xả bỏ không tha thiết bản ngã theo kiểu ám ảnh, mà là nỗ lực đạt đến chỗ không còn chấp ngã.
TỰ TIN ĐÍCH THỰC
MATTHIEU: Tôi thường có dịp nói về diệt ngã trong khi tu hành theo đạo Phật. Nhiều lúc mọi người thấy không thoải mái với phương pháp này. Họ hỏi: “Chẳng phải cần có bản ngã để sống ở đời sao?” hay: “Chẳng phải rất nhiều người bị những rối vọng tâm lý vì bản ngã của họ manh mún hay nhu nhược hay sao?”
Theo cái nhìn của đạo Phật, thay vì nói về bản ngã, hãy nói về nội lực. Sức mạnh này song hành với việc giải thoát khỏi cái ách của bản ngã, cội nguồn của mọi thứ làm độc tâm chúng ta.
Những nghiên cứu mà anh nói đã cho thấy là việc từ bi, quảng đại, khoan dung với bản thân cho phép ta có lòng tự trọng lành mạnh. Ngược lại, mọi phương pháp đã dùng, nhất là ở Bắc Mỹ, để gia tăng lòng tự trọng bằng cách giả tạo đều dẫn đến tính ái kỷ, đến nỗi mà, theo nhà tâm lý học Jean Twenge, từ 20 năm nay, người ta quan sát thấy ở Mỹ tính ái kỷ đã trở thành một bệnh dịch thật sự: 90% sinh viên được hỏi nghĩ rằng họ nằm trong số 10% người có năng khiếu nhất, 90% người lái xe (ngay cả những người mới gây tai nạn) tin chắc họ lái giỏi hơn người khác. Ta không cần phải là nhà toán học mới hiểu được rằng không thể nào có chuyện tất cả mọi người đều giỏi hơn mức trung bình!
Ở Mỹ, các bậc phụ huynh và thầy cô nhắc đi nhắc lại từ sáng đến tối với con cái là: “Con rất đặc biệt!” Trẻ con nghe theo. Chúng mặc những chiếc áo thun hay dùng các nhãn hiệu có ghi “Tôi đặc biệt”. Mười bộ đồ cho bé gái thì một bộ có gì đó nhắc đến “công chúa”. Tôi nhận được từ Mỹ một thiệp nhạc mừng sinh nhật ghi rằng: “Chúng tôi rất muốn bạn biết rằng bạn thật sự đặc biệt.” Thế nhưng, sau khi tổng hợp rất nhiều nghiên cứu, nhà tâm lý học Roy Baumeister đã kết luận rằng mọi nỗ lực và tiền bạc mà các nhà trường, phụ huynh và thầy thuốc điều trị đổ vào để khuyến khích lòng tự trọng chỉ đem lại những lợi ích nhỏ nhoi. “Sau bao năm,” anh ta kết luận, “tôi phải lấy làm tiếc mà nói rằng: hãy quên lòng tự trọng đi, thay vào đó, tập trung vào việc làm chủ mình và kỷ luật tự giác.”
Hiển nhiên là chúng ta không muốn mình rơi vào thái cực kia và, như anh đã nói rõ trong các tác phẩm của mình, Christophe, một lòng tự trọng “đúng” và lành mạnh là thứ không thể thiếu để phát triển trong đời sống, vì việc tự giảm giá trị bản thân một cách tai hại có thể kéo theo những rối vọng tâm lý trầm trọng và những đau khổ lớn lao.
Để kết luận, sự tự tin của một người ái kỷ là vô cùng mỏng manh vì nó dựa trên sự kênh kiệu của bản ngã đã mất liên lạc với thực tại. Khi Narcissus nhận ra là mình không có gì khác thường, rằng chàng ta không đẹp hơn, không thông minh hơn, không duyên dáng hơn, không có tài hơn mức trung bình, cú rơi thật tàn nhẫn và làm sinh ra trong chàng một nỗi giận dữ hay trầm cảm. Do vậy, không phải là bám vào một thực thể giả tạo của bản ngã mà ta đạt được một sự tự tin lâu bền. Tự tin đích thực sinh ra từ việc thoát khỏi cái bẫy và cái ách của bản ngã.
CÁI TÔI, NGƯỜI VÀ BẢN NGÃ
MATTHIEU: Chúng ta xem cái tôi của mình là một thực thể độc lập, tự trị và lâu bền. Điều này tất nhiên giúp ích cho ta sống ở đời, nhưng khái niệm này có thật sự tương ứng với thực tại hay không? Khi tôi xem bức hình mình hồi còn bé, tôi nghĩ thầm: “Thằng nhóc đạp xe này là mình đấy.” Từ sau giai đoạn này, tôi đã kinh qua đủ thứ và cơ thể tôi già đi, nhưng tôi tự nhủ: “Trước sau vẫn là mình đấy thôi.” Trong hiện tượng này, nhiều cơ cấu tâm thần xảy ra đồng thời: nhận thức về một “tôi”, nhận thức về một “người” và nhận thức về một “bản ngã”.
Cái tôi sống trong hiện tại; hắn là người suy nghĩ, sáng ra “tôi thức dậy”, “tôi tồn tại”, rồi “tôi lạnh” hay “tôi đói”. Nó tương ứng với kinh nghiệm về thực trạng của chúng ta.
Ý niệm người phản chiếu lịch sử của ta. Đó là một thể liên tục mở rộng ra đến toàn thể tồn tại của ta bao gồm các khía cạnh thể xác, tinh thần và xã hội. Sự liên tục của nó trong thời gian cho phép ta nối các hình ảnh của ta thuộc về quá khứ với những hình ảnh liên quan đến tương lai.
Còn lại là bản ngã. Một cách tự nhiên, ta xem nó làm nên cái lõi con người ta. Ta quan niệm nó như một toàn thể không thể phân chia và thường hằng định hình ta từ nhỏ cho đến lúc chết. Bản ngã là người chủ sở hữu của “thân xác tôi”, “ý thức tôi”, “tên tuổi tôi”. Thực chất thì ý thức của ta là một dòng năng động thường trực biến đổi, nhưng ta cũng không khỏi hình dung nó là một thực thể riêng biệt như một con thuyền xuôi dòng sông.
Một khi nhận thức về một “tôi” và một “người” kết tinh lại trong cảm nhận về danh tính còn mạnh mẽ hơn nhiều là bản ngã, chúng ta muốn bảo vệ và làm thỏa mãn bản ngã này. Chúng ta tỏ ra ác cảm đối với tất cả những gì đe dọa nó, và thấy cuốn hút theo tất cả những gì làm nó hài lòng và củng cố nó. Hai phản ứng này làm sinh ra vô số cảm xúc đối nghịch – giận dữ, ham muốn, thèm khát, đố kỵ...
Chỉ cần xem xét một chút bản ngã là đủ hiểu đây chỉ là một sự lừa phỉnh mà tác giả là tâm trí ta. Chẳng hạn ta hãy thử định vị nó. Khi tôi nói: “Anh mới đánh tôi” thì tôi không nói: “Anh mới đánh vào người tôi, nhưng cũng không sao vì đó không phải tôi.” Do vậy, tôi kết hợp bản ngã với thân xác mình. Ý thức của tôi thì không thể bị đánh được. Nhưng khi tôi nói: “Anh làm tôi buồn lòng”, tôi kết hợp bản ngã của tôi với những tình cảm của tôi, ý thức của tôi. Hơn nữa, khi tôi nói những tình cảm “của tôi”, ý thức “của tôi”, tên “của tôi”, thân xác “của tôi”, bản ngã có vẻ như là chủ sở hữu của tất cả những thứ này. Ta không rõ lắm làm sao mà một thực thể được ban cho sự tồn tại riêng lại có thể, theo cách nói của Arlequin, nhận hết mọi danh tính tương khắc này. Bản ngã do vậy không thể chỉ là một khái niệm, một cái nhãn tinh thần dán lên một quá trình năng động. Hẳn là nó hữu ích cho ta vì nó cho phép ta gom lại một tập hợp các tình huống hay thay đổi, các cảm xúc, suy nghĩ của ta, nhận thức về môi trường của ta, thành một tổng thể mạch lạc. Nhưng suy cho cùng nó là sản phẩm của một sinh hoạt tinh thần liên tục duy trì trong đời sống, trong tâm trí chúng ta, một thực thể tưởng tượng.
ALEXANDRE: Anh sẽ nói gì với một thiền sư thực hành những cú sốc điện và không ngần ngại, nếu cần, giáng cho một môn sinh vướng trong chấp trước một cái tát đau điếng?
MATTHIEU: Nếu tôi là một thiền sinh chân chính, tôi sẽ tự nhủ: “Ai đánh mình vậy, bàn tay của thầy, hay cái ý định dẫn dắt bàn tay đó?” hay còn nữa: “Cái gì làm mình thấy đau, má mình hay những cảm xúc của mình?” Chuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện một người bạn ở Hồng Kông đến tu học trong tự viện của chúng tôi ở Shechen, Nepal. Hơn một nghìn người ngồi dưới đất, san sát nhau bên trong điện. Đến một lúc, ai đó ngồi đằng sau cô này đánh một cú vào lưng để nhắc cô nhích lên một chút. Sự việc này làm xáo trộn cô cả giờ. Cô tự nhủ: “Mình từ xa lắc đến để thọ giáo về nhẫn nhục và từ bi, vậy mà có người cư xử thô lỗ với mình, trong khi chính anh ta cũng đến để học hỏi những điều này”. Nhưng một lúc sau, cô không nhịn được cười. “Con đã nhận ra,” cô kể lại với sư thầy của tự viện, “là thân con cảm nhận cú đánh trong vài giây, nhưng bản ngã của con thì chịu đựng nó cả giờ.”
Trở lại việc xem xét bản ngã, chúng ta thường đi đến kết luận rằng bản ngã là ý thức của chúng ta. Thế nhưng, chính ý thức này cũng là một dòng chảy không nắm bắt được: quá khứ đã chết, tương lai vẫn chưa sinh ra, hiện tại không có quãng thời gian nào. Làm sao mà bản ngã có thể tồn tại khi lửng lơ giữa cái không còn tồn tại nữa và cái vẫn chưa tồn tại? Còn phút giây hiện tại thì không thể nào sờ thấy được. Bản ngã không thể sống thọ nếu nó ngụ trong cái trong suốt của phút giây hiện tại, hoàn toàn không có những ý nghĩ tranh luận. Nó có nhu cầu sống bằng những sự nghiền ngẫm quá khứ và dự đoán tương lai.
Thế thì, nếu bản ngã chỉ là một ảo tưởng, thoát khỏi nó không có nghĩa là tiệt trừ cái cốt lõi tồn tại của chúng ta, mà chỉ là mở mắt chúng ta ra. Và vì sự chấp ngã của ta là ngọn nguồn của khổ, sẽ cực kỳ hữu ích nếu lật bộ mặt bịp bợm của nó.
Đừng sợ, khi vất bỏ bản ngã, ta không trở thành một thứ rau cỏ mà hoàn toàn trái lại. Paul Ekman có lần nói: “Tôi nhận ra rằng, ở những người tôi thấy như được phú cho những phẩm chất người khác thường đồng thời đem lại ấn tượng là tốt bụng, trong sáng và vui sống, như Đạt-lai Lạt-ma hay Desmond Tutu, họ có một bản ngã khó nhận thấy. Mọi người tự nhiên ước được ở bên họ, mọi người thấy mình được phong phú thêm. Những vị này là nguồn khích lệ cho người khác vì họ ít xem trọng địa vị, tiếng tăm, cái tôi của họ. Một sự vắng bặt tính vị ngã như vậy thật đáng ngạc nhiên.”
QUÊN MÌNH, VẮNG LẶNG BẢN NGÃ
ALEXANDRE: Lúc nào chúng ta cũng nghe thấy những từ bản ngã và cái tôi mà không hẳn biết chúng chỉ điều gì. Và nói thật thì tôi cũng thấy khó định nghĩa chúng. Theo tôi thấy, bản ngã giống như là một mớ ảo tưởng gồm những ham muốn, sợ hãi, cảm xúc, và hình ảnh mà, để khổ thêm, chúng ta bám vào. Cần phân biệt rõ cái tôi huyễn ảo này, cái mặt tiền và cái bên trong, nội tâm của chúng ta, nó nằm ngoài việc vật thể hóa. Thế nhưng, ý niệm bản ngã vẫn cứ mù mờ trong đầu tôi. Bởi vậy, làm sao tôi thoát khỏi nó được? Nhờ Christophe, tôi bắt đầu hiểu và phân biệt được nó. Từ lâu tôi đã hồ nghi khi nghe một sự ca tụng lòng tự trọng nào đó. Tôi sợ là nó thành sùng bái cá nhân. Nhưng, như Christophe đã chỉ ra, không có một nhân cách có cấu trúc tốt, không có một sự tự tin lành mạnh, chúng ta sẽ rơi vào rất nhiều cảnh nô lệ.
Tôi cũng muốn nhớ lại phân tích rất hay của Rousseau trong Luận về nguồn gốc và nền tảng của bất bình đẳng giữa con người. Ông đã phân biệt thương thân, thứ xúi mỗi cá thể lo cho mình, tránh xa nguy hiểm, với tự ái, một dục vọng rất mực xã hội. Chúng ta biết mọi tổn hại mà nó gây ra: ham mê dư luận, thèm khát cái bề ngoài, ham muốn thống trị, ham thích quyền lực. Thực ra, tự ái nảy sinh từ so sánh. Ta tự bịa ra một ý niệm về mình và ta chấp thủ vào nó, từ đó thêm khổ. Về cơ bản, nó không can dự gì đến thương thân, cái khuynh hướng nguyên sơ, loại bản năng bảo tồn giục chúng ta lo cho đời mình và, trong rất nhiều trường hợp, giúp chúng ta tiến lên. Không may là, lắm lúc, cái đà này đi xoắn ốc và thoái biến thành tính ích kỷ. Triết gia này đã cho tôi một chìa khóa hiệu quả để không chìm đắm trong sự tôn thờ cái “tôi” nhưng cũng không vì thế mà xoay tít trong sự tự khinh bỉ thảm hại.
Ramana Maharshi, hiền triết Ấn Độ vĩ đại, cũng đã mở đường cho tôi. Ông có thể giúp tôi tách khỏi cái tôi bung xung để về với cái sâu thẳm mà ở đó niềm vui và bình yên vốn có sẵn trong chúng ta. Tôi có thể học theo ông mà tự hỏi: Mình là ai? Nếu không bị ám ảnh thì sẽ thật giải thoát khi tự vấn: Mình có phải là thân xác, ý nghĩ, cái xe thổ tả của mình? Mình có phải là những tín ngưỡng, những chính kiến của mình?
Chúng ta còn được giải phóng hơn nữa nếu coi những cảm xúc rối bời là tín hiệu chấp ngã cuối cùng. Sao tôi cứ bám vào một ý nghĩ đến mức chịu khổ vì nó? Tại sao nhiều lúc tôi thà chết còn hơn thừa nhận mình sai? Tinh vi hơn, trong mảnh đất đời sống tâm linh còn có sự xâm lấn của tính ái kỷ đảo ngược: “Tôi sẽ cho anh thấy tôi không có bản ngã, rồi anh sẽ thấy…” Đứng trước nguy cơ này, có nhiều thứ phải làm thay vì khinh thường bản thân. Đúng hơn, ta nên lắng nghe khẩu hiệu của Spinoza: “Đừng chế nhạo, đừng khóc lóc, đừng căm giận, mà hãy hiểu.”
Truy đuổi những cơ cấu vây hãm ta trong bản ngã, phát hiện những ách nô lệ ta là một thách thức vui vẻ hơn là một phận sự. Và tại sao không khởi động ngày của mình bằng một bảng tổng kết nho nhỏ, một bản tin thời tiết nội bộ: “Nghe này, hôm nay, cái tôi bé nhỏ của tôi cục cựa dữ lắm. Tôi thấy không được khỏe lắm, tôi cực kỳ nhạy cảm và để người ta chấp nhận tôi, tôi sẵn lòng bò.”
Tôi cũng thích bài tập tôi đề nghị với các con khi chúng hơi nghịch ngợm. Chúng tôi giữ im lặng ít phút để quán tâm trí. Các Phật tử thỉnh thoảng so sánh tâm trí với một con khỉ con cực kỳ náo động chuyền từ cành này sang cành khác, không bao giờ yên. Thực hành, rất đơn giản, chỉ là không cố gắng thay đổi bất cứ gì, bình thản nhìn nó làm trò. Và tại sao không hết sức bình thản nói với nó: “Khỉ con, khỉ con đáng yêu!” Đặc điểm của tâm trí chính là bất như ý thường trực. Nó luôn luôn chịu ảnh hưởng của những cảm xúc nhiễu loạn.
Khi chúng ta cảm nhận được niềm vui, bản ngã lu mờ đi. Sẽ không còn cần phải chứng tỏ gì cả. Đó là lý do ta ôm nặng những trách móc cũng không ích gì. Trái lại, chúng sẽ có khuynh hướng làm gia tăng cái tôi nhỏ nhít. Do vậy, con đường giải thoát không đi qua một sự hành xác mà đúng hơn là đi qua sự hy sinh, niềm vui và chia sẻ. Những bài tập nho nhỏ lặp lại hằng ngày sẽ dẫn ta đến điều đó.
Khổ tu có thể diễn ra khi ưu tiên cái chúng ta hơn là cái tôi. Hơn nữa, ở Hàn Quốc, tôi biết được rằng người ta không nói “nhà tôi” mà nói “nhà chúng tôi”. Chúng ta cảm thấy tách biệt với người khác, bị cô lập, cuối cùng là làm tăng trưởng thêm nỗi khổ sở trong ta. Nếu sáng ra ta thức dậy chỉ với một mục đích là ngăn cái tôi nhỏ nhít của mình cào cấu bản thân, ta sẽ thấy đâu đâu cũng có trở ngại. Tại sao không bỏ cái lầm lạc trong cách nhìn do vị ngã xui khiến?
Có hôm, con gái tôi chơi trong công viên. Bất chợt, tôi nghe những tiếng kêu đau và khi thấy không phải con mình khóc, tôi nghĩ thầm: “May quá, không phải nó.” Điều này thật kỳ lạ. Ở đó có hai chục đứa nhóc, vậy mà chỉ một đứa khiến tôi thực sự để tâm. Có bao nhiêu sinh vật ngụ trên Trái đất? Thật là một sự tính toán sai lầm và thiếu tình yêu thương khi tôi chỉ bận tâm đến cái thân tôi, thậm chí người thân của tôi mà lơ là hàng tỉ người khác sống trên hành tinh của chúng ta. Sớm muộn gì rồi cuộc đời cũng sẽ lãnh trách nhiệm nhắc tôi rằng tôi không phải là trung tâm thế giới.