Nếu tôi gọi thức ăn trong một nhà hàng, tôi có thể được tự do lựa chọn món mình thích trong số nhiều lựa chọn. Nhưng tôi không được tự do lựa chọn ý thích của mình. Tôi không thể tự nói với mình: “Từ trước đến nay mình luôn ghét rau bina, nhưng chỉ trong hôm nay mình sẽ thích nó.” Tôi đang có hứng làm gì, tôi thích gì và ghét gì, đó là những thứ mà tôi không nắm quyền kiểm soát.
—Bryan Magee
Loài người chúng ta là giống loài sống với động lực. Tất cả chúng ta vốn có sẵn trong mình một hệ thống động lực sinh học bên trong – chúng ta sẽ gọi tắt thứ này là BIS (a biological incentive system). Chúng ta mang trong mình BIS bởi vì những vị tổ tiên nào trong chuỗi tiến hóa của chúng ta sở hữu thứ này thường có khả năng sinh tồn và giao phối cao hơn những cá nhân không có. Tại sao tình dục lại cho ta khoái cảm? Bởi vì nếu tình dục làm cho người ta cảm thấy tồi tệ (thay vì đưa con người đến cực khoái lại khiến con người đau đớn quằn quại) thì có lẽ người đó sẽ không màng đến việc sinh sản và sẽ không thể trở thành tổ tiên trong phả hệ của ai đó. Tại sao bị bỏng lại cho ta cảm giác tồi tệ đến vậy? Bởi vì nếu ai đó thích bị bỏng (những vết bỏng thay vì gây ra cơn đau đớn lại kích thích khoái cảm) thì anh ta sẽ khó có thể sống sót được – sẽ lao vào sở thích tự hủy hoại bản thân với những vết bỏng, và do đó khó có thể sinh sản được, điều này cũng có nghĩa là anh ta khó có thể trở thành tổ tiên trong phả hệ của một ai đó.
Để hiểu sâu hơn về bản chất của những hệ thống động lực, ta hãy cùng xét đến tình huống trong công sở. Một quản lý cấp trung chịu trách nhiệm đặt ra một bảng thưởng phạt để quy định những hoạt động nào của nhân viên sẽ được thưởng hoặc phạt và phần thưởng hoặc hình phạt đó là gì. Cô ấy có thể làm ra một văn bản với nội dung như: những nhân viên bán hàng hoàn thành chỉ tiêu bán hàng của mình sẽ được thưởng một bữa tối miễn phí tại một nhà hàng gần đó, và những nhân viên nào bị phát hiện ăn cắp đồ dùng văn phòng sẽ bị sa thải. Cô ấy sẽ đưa bảng quy định thưởng phạt đó cho quản lý bộ phận bán hàng, người này sẽ thông báo cho những nhân viên bán hàng về hiệu lực của nó cũng như những thưởng và phạt của họ dựa theo quy định nào.
Để một hệ thống thưởng phạt phát huy tác dụng, những phần thưởng của nó phải là những thứ mà tập thể nhân viên cảm thấy đều ưa thích và hình phạt là những thứ họ không mong muốn. Chẳng hạn, sẽ thật ngốc nghếch khi thưởng cho những nhân viên bán hàng hoàn thành chỉ tiêu với tiền lương bị cắt giảm và phạt những nhân viên bị phát hiện ăn cắp văn phòng phẩm với một chuyến đi miễn phí đến một địa điểm du lịch. Điều này có nghĩa là một hệ thống thưởng phạt hiệu quả phải xét đến ý muốn của những đối tượng mà nó chi phối. (Cũng có nghĩa ta không thể chi phối hành vi của những sinh vật không biết ước muốn bằng hệ thống thưởng phạt được). Điều khoản trong bảng quy tắc thưởng phạt cũng sẽ phải thống nhất với nhau: ta không thể thưởng và phạt cùng một hành vi, cũng không thể phạt nhân viên vì làm những việc (như nói chuyện với khách hàng) cần thiết để đem đến những hoạt động đáng được thưởng (như bán được hàng). Một bảng hệ thống thưởng phạt cũng sẽ phải cố định. Nếu hằng ngày hoặc hằng tháng, công ty đều có những điều chỉnh lớn trong quy tắc thưởng phạt thì nhân viên sẽ không thể theo dõi được chính xác những điều khoản đó. Một hệ thống thưởng phạt với những quy tắc không thống nhất và ổn định sẽ không thể được coi là một hệ thống, và hiệu quả của nó đối với hành vi con người sẽ không thể đoán trước được.
Hơn nữa, để có thể phát huy hiệu quả, một hệ thống thưởng phạt phải trao phần thưởng như đã hứa và thực hiện hình phạt như đã răn đe trong những điều khoản. Nếu một hệ thống thiếu đi cơ chế chấp hành quy định, tác dụng của nó lên hành vi con người sẽ rất hạn chế. Trong trường hợp đó, người ta chỉ xem bảng quy tắc như một tờ giấy không hơn không kém. (Trên thực tế, trong bất kỳ nơi làm việc nào, nhân viên đều rất giỏi trong việc nhận ra những quy tắc nào được chấp hành và những quy tắc nào không, và họ sẽ phớt lờ những quy tắc đó). Cuối cùng, để một hệ thống thưởng phạt phát huy hiệu quả tối đa, tập thể cần phải biết đến sự tồn tại của nó. Cũng vì lý do này mà những công ty đều phát cho nhân viên những bảng quy tắc, có thể trong một phần của sổ tay nhân viên.
Để hiểu rõ hơn những lợi ích của việc công bố rõ hệ thống thưởng phạt, ta xét đến trường hợp của hai công ty có cùng một danh sách quy tắc và cùng có mức độ chấp hành như nhau, nghĩa là họ thưởng và phạt cho hành vi của nhân viên là tương tự nhau. Ví dụ, họ đều thưởng cho những nhân viên đạt được chỉ tiêu bán hàng một bữa tối miễn phí, và đều sa thải những nhân viên bị bắt quả tang ăn cắp văn phòng phẩm. Tuy nhiên, công ty thứ nhất công khai nội dung quy tắc thưởng phạt, còn công ty thứ hai giữ bí mật về bảng quy tắc đó.
Ở công ty đầu tiên, những nhân viên mới sẽ không chỉ được xem bảng quy định thưởng phạt mà còn được yêu cầu ký vào một văn bản xác nhận rằng họ đã đọc và hiểu nó. Trái lại ở công ty thứ hai, nhân viên không được xem và nghe bất kỳ điều gì về quy định thưởng phạt này nhưng vẫn được thưởng và bị phạt dựa theo quy định đó. Dễ thấy rằng một nhân viên kinh doanh làm cho công ty thứ hai khi đạt được chỉ tiêu bán hàng sẽ cảm thấy bất ngờ khi tìm thấy một vé quy đổi bữa tối miễn phí trong hòm thư điện tử và sẽ còn ngạc nhiên hơn khi không ai nói cho anh ta biết tại sao lại nhận được nó. Nhân viên này cũng sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến một nhân viên khác (người mang tiếng xấu là hay đem văn phòng phẩm của công ty về nhà) bị sa thải mà không có bất kỳ lời giải thích nào. Dựa vào những sự kiện đó, người nhân viên kinh doanh kia sẽ mù mờ đưa ra kết luận rằng công ty của anh ta đang có một hệ thống thưởng phạt.
Hệ thống thưởng phạt ngầm của công ty thứ hai sẽ dần định hình hành vi của nhân viên, nhưng nó sẽ kém xa về hiệu quả so với hệ thống thưởng phạt công khai của công ty thứ nhất. Ở công ty thứ hai, nhân viên sẽ không thể biết được công ty trao thưởng hay xử phạt loại hành vi nào cho đến khi có người thực hiện hành vi đó và rồi được thưởng hay chịu phạt. Ngay cả sau đó, những nhân viên có thể sẽ rút ra kết luận sai lầm về hành vi mà họ được thưởng hay bị phạt: những nhân viên bán hàng nhận được vé ăn tối miễn phí có thể ngộ nhận rằng họ được thưởng vì giữ cho bàn làm việc sạch sẽ chứ không phải đạt được chỉ tiêu bán hàng. Đa số công ty đều hiểu rõ những lợi ích của một hệ thống thưởng phạt công khai. Bởi đã bỏ ra tâm huyết để làm ra danh sách thưởng phạt chỉn chu như vậy, họ sẽ làm mọi thứ có thể để nhân viên nhận ra những quy tắc kia.
Khi bàn về điều này, tôi xin nói thêm rằng trên thế giới, đa số công ty thường có cả những quy tắc thưởng phạt công khai và không công khai. Ví dụ, không có bảng quy tắc thưởng phạt công khai của một công ty nào nói rằng nếu bạn ngáp hay ợ hơi trong khi sếp đang nói chuyện với mình thì bạn sẽ bị phạt, nhưng có thể bạn vẫn sẽ bị phạt đấy. Đa số nhân viên nhận ra rằng bảng quy tắc thưởng phạt bất thành văn của họ cũng quan trọng ngang bằng bản quy tắc chính thức, và họ dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu chi tiết về những quy tắc bất thành văn kia.
Tương tự như một hệ thống quy tắc thưởng phạt tại công sở, BIS của chúng ta cũng có một hệ thống thưởng phạt quy định hành vi nào của ta sẽ được thưởng hoặc phạt cũng như phần thưởng và hình phạt đó là gì. Bảng quy tắc thưởng phạt này được viết vào hệ thần kinh của chúng ta. Cũng giống như bất kỳ hệ thống thưởng phạt hiệu quả nào khác, nó vừa nhất quán vừa ổn định. Hơn nữa, BIS của chúng ta thực hiện những điều khoản thưởng phạt rất quyết liệt: nó ban thưởng cho chúng ta khi ta thực hiện hành vi này và phạt chúng ta khi ta thực hiện hành vi kia.
Khi nói rằng BIS của chúng ta thưởng hay phạt hành vi của mình, tôi không có ý nói rằng nó thưởng hay phạt mọi hành động của chúng ta. Ví dụ, trong điều kiện bình thường, BIS của tôi chẳng hề quan tâm khi tôi tặc lưỡi: nó cũng sẽ không ban thưởng hay trừng phạt tôi vì làm việc đó. (Trừ khi điều đó làm cho lưỡi tôi bị tổn thương, lúc đó thì hẳn BIS sẽ quan tâm rồi). Về mặt này, BIS lại giống với hệ thống thưởng phạt mà người ta có thể thấy tại một công sở. Sếp của bạn có thể thưởng cho bạn vì hoàn thành một biểu mẫu và phạt bạn khi bạn không hoàn thành, nhưng sẽ hoàn toàn chẳng bận tâm chuyện bạn điền biểu mẫu đó bằng bút mực xanh hay đen.
Ta nên lưu ý rằng BIS có hai cách để thưởng và phạt chúng ta. Cách đầu tiên và dễ thấy nhất, nó có thể đưa ra phần thưởng và hình phạt theo hình thức thể lý. Nếu chúng ta chưa ăn uống, nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy đói bụng, và nếu bị một con muỗi đốt, nó sẽ làm chúng ta cảm thấy một cơn ngứa khó chịu. Nếu trong cơn đói bụng, chúng ta cố ăn một cây sâm độc, BIS sẽ trừng phạt chúng ta bằng cách làm ta thấy đắng khủng khiếp. Nhưng nếu lúc đó chúng ta ăn một quả chuối chín vàng, nó sẽ thưởng cho chúng ta một cảm giác dễ chịu khi no bụng. Tương tự, nếu chúng ta ân ái, BIS sẽ thưởng cho chúng ta những khoái cảm vật lý thật dữ dội.
BIS của chúng ta hóa ra là một hệ thống thưởng phạt ngầm. Chúng ta không thể đọc được bảng quy tắc thưởng phạt của BIS bởi lý do đơn giản là nó không được viết thành văn tự; thay vào đó, nó được viết trong hệ thần kinh của chúng ta. Chúng ta nhận ra phần thưởng và hình phạt mà nó đưa ra thông qua một quá trình thử nghiệm và mắc lỗi. Chúng ta đưa ngón tay vào lửa và cảm thấy đau, chúng ta kết luận rằng BIS trừng phạt ta vì để mình bị bỏng. Đó chắc chắn là một cách vận hành một hệ thống thưởng phạt kém hiệu quả, nhưng rõ ràng là đủ hiệu quả để cho phép giống loài chúng ta sinh sôi nảy nở.
Như ta đã thấy, những quy tắc thưởng phạt thiếu tính ổn định trong công ty sẽ tỏ ra kém hiệu quả. Nếu một bảng quy tắc thưởng phạt thay đổi từng ngày hay thậm chí từng tháng, nhân viên sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi hình thức thưởng phạt nào đang được thực hiện, và hành vi của họ sẽ không thể được thay đổi theo đúng khuôn mẫu hệ thống. Tuy nhiên, tính ổn định quá mức đối với một bảng quy tắc thưởng phạt cũng có thể tạo ra vấn đề. Giả dụ như một công ty sản xuất điện thoại trải qua hàng thập kỷ mà không thay đổi bảng quy tắc. Kết quả là công ty tiếp tục thưởng cho những nhân viên nỗ lực bán điện thoại quay số bằng tay, trong khi công nghệ đã thay đổi, và sẽ không thu được lợi nhuận từ việc bán những chiếc điện thoại này. Trong trường hợp đó, những quy tắc thưởng phạt với mục đích tăng lợi nhuận cho công ty không còn đạt được mục tiêu đó nữa. Đa số công ty nhận ra mối nguy hại này và thường xuyên cập nhật bản quy tắc thưởng phạt để phản ánh đúng những thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Một kiểu khác cần phải lưu ý về những hệ thống thưởng phạt, đó là ngay cả khi một công ty cập nhật bảng quy tắc của họ thường xuyên, những nhân viên láu cá sẽ tìm ra cách để lách luật – những cách để đạt được phần thưởng mà hệ thống buộc phải ban ra dù không cần phải làm những điều có lợi cho công ty. Những nhân viên này có thể tạo ra những văn bản giả về việc họ đã đạt được chỉ tiêu bán hàng trong khi trên thực tế thì không. Những phần thưởng mà công ty đưa ra một cách vô nguyên tắc cho những nhân viên này sẽ trở nên phản tác dụng. Do đó, các công ty sẽ phải luôn đề phòng những “tay khôn lỏi” và có thể sẽ phải điều chỉnh hệ thống thưởng phạt của họ để tránh việc bị nhân viên dắt mũi.
BIS căn bản là thưởng cho chúng ta vì hành vi làm tăng khả năng sống sót và sinh sản, trong khi phạt ta vì hành vi làm giảm khả năng đó. Nhưng BIS lại trao thưởng cho chúng ta vì lấp đầy bao tử với đồ ngọt và thức ăn đầy chất béo – rõ ràng là vị của chúng rất ngon lành – mặc dù việc đó làm tăng khả năng chúng ta sẽ qua đời sớm. Tương tự, BIS điên cuồng thưởng cho chúng ta khi ta hít á phiện, mặc dù việc đó có thể cắt giảm khả năng sống sót và sinh sản. Tại sao lại thế?
Những thức ăn ngọt và béo đem lại vị ngon bởi vì vị tổ tiên nào của chúng ta thích vị của những thức này – vào thời mà nạn đói là mối nguy luôn thường trực – thường gắn với khả năng sống sót và sinh sản. Kết quả là BIS trao phần thưởng cho ta vì cho rằng ăn những thứ đó là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề là nhu cầu dinh dưỡng đã có sự thay đổi. Đối với đa số con người hiện nay, nguy cơ chính trong dinh dưỡng không còn là đói ăn mà là những căn bệnh bắt nguồn từ thói quen tiêu thụ quá mức những thực phẩm ngọt và béo. BIS của chúng ta đã không được điều chỉnh để bắt kịp với những thay đổi về mặt dinh dưỡng này. Nói cách khác, BIS của chúng ta như công ty điện thoại vẫn còn thưởng cho nhân viên bán hàng vì nỗ lực bán những chiếc điện thoại quay số bằng tay.
Và khi một người trong cơn phê với thuốc phiện, người đó đang “dắt mũi” BIS của mình: anh ta đang lừa nó trao cho anh ta một phần thưởng là khoái cảm mà anh ta chẳng làm gì để xứng đáng với điều đó. Trái lại, những tổ tiên trong chuỗi tiến hóa của anh ta phải đạt được những thành tựu to lớn, như leo lên được vị trí con đực đầu đàn trong bầy để nhận được phần thưởng đó. Nói cách khác, người sử dụng thuốc phiện giống như một nhân viên bán hàng nhận được phần thưởng dành cho người đạt chỉ tiêu bán hàng không phải bằng cách bán được hàng mà bằng cách nộp lên những tài liệu khống.
Từ những ví dụ này, ta thấy một điều rõ ràng rằng BIS của chúng ta cũng có khuyết điểm. Nếu chúng ta làm cho một công ty với một hệ thống thưởng phạt sai lầm, chúng ta có thể nghỉ việc và làm ở một nơi khác. Nhưng chúng ta lại không thể rời khỏi BIS theo cách đó. Dù thích hay không, chúng ta đều bị mắc kẹt với nó và những khuyết điểm của nó hết cuộc đời này. Tôi sẽ còn nhiều điều để bàn về tình trạng bất như ý của chúng ta – bị ép phải sống dưới một hệ thống thưởng phạt đầy khuyết điểm – trong chương tiếp theo.
Cũng như cách mà hệ thống thưởng phạt tại công sở định hình những ngày làm việc của một nhân viên, những chuỗi ngày của chúng ta được định hình bằng BIS của ta, thứ có công dụng như một cái roi để lèo lái chúng ta trong đời sống thường nhật. Khi thức dậy, chúng ta nằm trên giường và nhận ra mình đang muốn đi vệ sinh – hay BIS đang trừng phạt chúng ta vì nhịn tiểu quá lâu. Chúng ta ngồi dậy và đi đến nhà vệ sinh. Trên đường đi, chúng ta vô tình đá ngón chân vào đồ đạc, và BIS trừng phạt chúng ta vì sự bất cẩn bằng cách bắt ta trải qua cảm giác cực kỳ đau đớn. Không lâu sau khi quay lại giường, chúng ta lại cảm thấy lo lắng về hệ thống bơm nước của chiếc xe. Nó đã phát ra âm thanh tích tích kỳ lạ mấy tuần liền nhưng ta vẫn chưa đem nó đi sửa. Bằng cách tạo ra cảm giác bất an bên trong, BIS đang trừng phạt ta vì sự lơ đãng này.
Chúng ta đẩy nỗi lo này ra khỏi tâm trí mình, để rồi chợt nhận ra mình đang đói bụng, BIS đang trừng phạt vì ta để cho đường huyết bị hạ thấp. Chúng ta xuống bếp ăn sáng, và khi đang quyết định xem nên ăn gì, chúng ta nhớ lại rằng BIS sẽ thưởng nếu ta ăn đồ ngọt và béo. Kết quả là chúng ta hậu đãi bản thân một bữa sáng với thịt xông khói, trứng, bánh bơ và siro táo. Sau bữa sáng, trong khi đọc báo, chúng ta đọc được một bài báo ca ngợi mình. Chúng ta cảm thấy một cơn vui sướng dâng trào, vì BIS đã thưởng cho chúng ta bởi ta đã đạt được địa vị xã hội. Chúng ta ăn cho tới khi cảm giác đói được thay thế bằng cảm giác thoải mái của sự no bụng, một phần thưởng từ BIS vì đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Chúng ta chỉ mới thức giấc được hơn một giờ, nhưng suốt trong thời gian đó, BIS đã làm việc khá tích cực.
Bởi BIS của chúng ta tích cực như vậy, chúng ta thường lãng quên sự có mặt của nó trong tâm trí mình. Chúng ta đã nằm trong guồng quay hệ thống thưởng phạt này quá lâu – từ lúc sinh ra hay có thể là trước khi sinh ra – đến nỗi chúng ta mặc định rằng những hành vi của mình hoặc sẽ được thưởng hoặc sẽ bị phạt. Chúng ta chẳng khác nào những kẻ nô lệ, những kẻ chẳng bao giờ dừng lại để suy nghiệm về câu hỏi: điều gì đã cho “chủ nhân” cái quyền để sai bảo chúng ta, cũng bởi ta đã sống kiếp nô lệ suốt cuộc đời này. Thực tế thì ta còn chẳng hề biết được tự do sẽ như thế nào.
Hãy lưu ý rằng nếu BIS có những điều khoản thưởng phạt khác thì hành vi của chúng ta cũng đã khác rồi. Giả sử như việc thức giấc vì cảm thấy mắc đi vệ sinh, nhưng thay vì cảm thấy tồi tệ, ta lại thấy thỏa mãn, như việc được ăn no. Trong trường hợp này, chúng ta sẽ không cảm thấy bị ép buộc phải rời khỏi giường hoặc nếu đã rời khỏi giường thì ta sẽ đi uống nước chứ không phải đi tiểu. Tương tự, giả sử sirô có vị đắng thay vì vị ngọt, chúng ta có thể đã không chìm đắm trong những chiếc bánh nướng kèm sirô.
Thậm chí nếu chúng ta hoàn toàn không có BIS – nếu hành vi của chúng ta không chịu thưởng phạt bởi hệ thần kinh của mình – sẽ không có ai bảo ta phải làm gì khi thức dậy. Thực ra, nếu không có BIS để thúc đẩy chúng ta, có lẽ chúng ta chỉ nằm bệt trên giường như một người trong cơn trầm cảm sâu.
Điều khoản thưởng phạt của BIS được định ra bởi hệ thần kinh của ta, bằng cách các neuron được thiết lập và lượng các hormone và chất truyền dẫn thần kinh có trong cơ thể ta. Thay đổi hệ thần kinh hoặc thành phần hóa học trong cơ thể thì bạn sẽ thay đổi luôn những điều cho ta cảm giác tồi tệ hoặc tốt đẹp. Ví dụ, thử rút hết chất dẫn truyền thần kinh serotonin ra khỏi cơ thể thì khả năng cảm thấy hưng phấn sẽ gặp sự cố; thực tế, chúng ta sẽ trượt dài trong cơn trầm cảm. Thử lấy đi testosterone của nam giới thì việc nhìn một người phụ nữ xinh đẹp sẽ không còn mang lại cảm xúc thoải mái như trước.
Mặc dù gene của chúng ta là yếu tố chủ chốt quyết định BIS nhưng những yếu tố khác cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ. Thực tế, mặc dù chúng ta có mã gene định sẵn trong suốt quãng đời của mình, BIS của chúng ta vẫn thay đổi theo thời gian. Một số những thay đổi này được “lập trình từ trước.” Ví dụ, cấu tạo gene của chúng ta quyết định chúng ta sẽ đến thời điểm dậy thì ở một độ tuổi nhất định. Trong giai đoạn dậy thì, hormone của chúng ta thay đổi dẫn đến việc BIS cũng bị thay đổi; kết quả là những thứ làm cho ta cảm thấy thích khi cảm nhận, nếm, nhìn và ngửi cũng thay đổi theo. Những sự thay đổi khác của BIS không được lập trình trước theo cách này mà dựa vào trải nghiệm cuộc sống của ta. Giả sử như chúng ta bị ngã khi cưỡi ngựa, trừ khi chúng ta cưỡi trở lại ngay lập tức, bằng không, BIS sẽ mãi mãi bị thay đổi: chúng ta sẽ sinh ra một nỗi sợ với ngựa, và kết quả là thứ từng cho ta cảm giác rất tuyệt giờ lại mang lại cảm giác tồi tệ.
Đôi khi, điều làm ta cảm thấy tồi tệ thay đổi không phải bởi sự thay đổi trong BIS mà vì một thay đổi trong cơ thể ta. Giả sử như ta bị bong gân mắt cá chân, mặc dù BIS của ta trước đó thưởng ta một liều endorphin khi chạy bộ, nhưng giờ nó sẽ phạt ta khi ta chỉ cố gắng đi lại. Trong trường hợp này, không giống như lần ngã khỏi ngựa, không phải BIS thay đổi mà chính là cơ thể ta. Dù sao thì hãy lưu ý rằng BIS của ta cũng đã trừng phạt ta vì làm trẹo chân của mình trước cả khi bị bong gân rồi. Cũng vậy, trước khi ngã ngựa, BIS cũng không trừng phạt ta vì leo lên một con ngựa, nhưng sau cú ngã thì hình phạt được đặt ra. Cú ngã đó đã lập trình lại BIS của ta.
Để hiểu rõ hơn cách BIS bị chi phối bởi trải nghiệm cuộc sống, hãy xét đến thức ăn. Thức ăn cho ta khẩu vị và mùi hương theo một cách nào đó nhờ vào hệ thần kinh thực vật, mùi vị đó ngon hay dở lại phụ thuộc vào BIS. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những thứ độc hại thường có vị đắng, những vị tổ tiên trong chuỗi tiến hóa của ta có BIS được thiết lập rằng những cây chứa chất độc thường mang vị đắng khó chịu và hạn chế ăn những thứ đó. Những vị tổ tiên này có nhiều cơ hội sống sót hơn những vị tổ tiên không có BIS được thiết lập như vậy. Tương tự, chẳng phải ngẫu nhiên mà có những món khoái khẩu với chúng ta (hay chính xác hơn là khoái khẩu với tổ tiên chúng ta) như trái cây chín thường sẽ có vị ngọt thanh dễ chịu.
Sở thích về thức ăn được tạo ra bởi BIS thì không hề cố định. Trên thực tế, hãy xem xét cách những em bé hình thành sở thích ăn uống. Mặc dù chúng có thể ghét ăn những thứ đắng hoặc cay nhưng chúng có thể gặm mọi thứ. Chúng dường như dám ăn thử tất cả những thứ trong tầm tay và khiến cha mẹ phải luôn đề phòng, đảm bảo cây cảnh trong nhà và hóa chất độc hại ngoài tầm với của chúng. Mặc dù, đến tuổi chập chững biết đi, đa số sở thích ăn uống cũ sẽ hoàn toàn biến mất và chúng trở thành những người kén ăn nhất quả đất.
Sở thích ăn uống của chúng ta có thể thay đổi trong vài phút ngắn ngủi, đó là kết quả của những sự thay đổi ngầm của hệ thống bên trong chúng ta. Nhà tâm lý học Michel Cabanac đã làm một thí nghiệm với những người ăn kiêng, họ được yêu cầu ngửi sirô cam. Họ cảm thấy nó có mùi hương dễ chịu cho đến khi họ ăn vào một hợp chất glucose. Trong 15 phút, sirô cam không còn có mùi ngon lành nữa, sau 1 tiếng, nó lại trở thành thứ mùi khó chịu.1
1. Cabanac, 1105.
Chúng ta cũng được lập trình về mặt sinh học để sinh ra sự chán ghét đối với những thực phẩm có thể gây bệnh. Những sự chán ghét này đôi khi khá vô lý nhưng vẫn mang tính bắt buộc. Với điều này, nhà tâm lý học Robert Ornstein kể về câu chuyện của một nhà tâm lý đang ăn món thịt bò thăn phi lê với sốt béarnaise, món ưa thích của ông vào bữa tối, trước khi đến buổi opera với người vợ của mình, thì ông đột nhiên bị cảm. Kết quả của chuỗi dài sự kiện này là ông phát sinh một cảm giác chán ghét không phải với opera, không phải với người vợ và không phải với người đã lây bệnh cúm – vốn là căn nguyên của căn bệnh, mà là với món bò sốt béarnaise. Ornstein nói: “Khuynh hướng tạo ra sự liên quan giữa cơn buồn nôn và vị thức ăn trước đó mạnh đến mức nó phủ quyết mọi lý lẽ.”1
1. Ornstein, 69.
Sở thích thức ăn ở chuột cũng có thể được thay đổi qua việc mắc chứng buồn nôn sau khi ăn thứ gì đó. Những nhà thí nghiệm để chuột thử chất tạo ngọt saccharin và rồi tiêm muối lithium vào, thứ tạo ra cảm giác buồn nôn. Những con chuột sau đó liền tránh xa saccharin. Đáng lưu ý, khi những nhà thí nghiệm để cho chuột thử saccharin và rồi cho chúng bị sốc điện, những con chuột lại không phát sinh sự chán ghét với saccharin.2 Trong trường hợp này, cảm giác buồn nôn có thể lập trình lại BIS của chúng, nhưng cú sốc điện thì không thể.
2. Wagner, 78.
Chúng ta hầu như không kiểm soát được sở thích ăn uống của mình. Một người thích vị thịt bò có thể nghĩ đó là món khoái khẩu do chính anh ta lựa chọn, nhưng đa phần anh ta thích nó bởi vì anh ta được nuôi dạy để thích nó. Nếu anh ta dành khoảng thời gian tuổi thơ của mình lớn lên ở Ấn Độ và trưởng thành trong một gia đình Hindu, khi lớn lên có thể sẽ cảm thấy buồn nôn với mùi thịt bò. Trái lại, người không thích mùi thịt bò có thể không phải ghét nó vì khẩu vị mà bởi vì một dấu ấn như Robert Ornstein đã gặp phải.
Như ta đã thấy, một vấn đề với hành vi phản xạ thuần nhất đó là nó không cho phép sự linh hoạt trong phản ứng của chúng ta với các kích thích từ môi trường. Trong khi đó, hành vi được xúc tác bởi động lực cho phép chúng ta phản ứng một cách linh hoạt với môi trường xung quanh: chúng ta có thể chọn cách phản ứng với một kích thích đang đến. Do đo, mặc dù sở hữu một BIS, chúng ta có quyền lựa chọn khá lớn trong việc quyết định nên ăn gì. Chúng ta có thể chọn trong số tất cả những thứ cho ta vị ngon, bởi vì BIS của ta được lập trình như vậy. Chúng ta cũng có thể chọn ăn thứ cho ta vị dở tệ, cũng lại bởi vì BIS được lập trình như vậy. Chúng ta làm thế để làm hài lòng một vị chủ nhà, để thắng một vụ cá cược, hay nếu trong tình huống cấp bách không có gì khác để ăn, chúng ta sẽ ăn để duy trì sự sống.
Bên cạnh việc cho phép chúng ta phản ứng linh hoạt với những kích thích, những ví dụ nêu trên cho thấy bản thân BIS của chúng ta cũng linh hoạt theo cách nó luôn thay đổi điều kiện động lực của mình – những phần thưởng đã hứa và những hình phạt được đề ra. Hãy suy xét lại sở thích ăn uống của ta. Mặc dù BIS của ta quyết định những sở thích đó, nó cũng rất linh hoạt trong cách đưa ra quyết định. Đầu tiên, BIS được lập trình để sở thích ăn uống của chúng ta thay vì cố định từ lúc sinh ra lại phụ thuộc vào những thức ăn khi ta còn là một đứa trẻ. Và một khi những mùi vị này được xác lập, chúng có thể được tái thiết tạm thời qua quá trình tiêu hóa và tái thiết lập vĩnh viễn nếu chúng ta mắc bệnh sau khi ăn một loại thức ăn nào đó. Nếu việc sở hữu một BIS là một lợi thế bởi sự linh động mà nó cho phép thì việc sở hữu một BIS linh hoạt – những phần thưởng và hình phạt có thể được lập trình lại – còn tốt hơn thế nữa.
Những động vật ban đầu có lẽ đã có những BIS cố định trong suốt quãng đời, rồi sau đó phát sinh những BIS mới tốt hơn có thể thay đổi dựa trên độ tuổi của con vật. Trong thời kỳ đầu, những BIS đó sẽ đưa ra những hình phạt và những phần thưởng này, thời gian sau chúng lại đưa ra những hình thức thưởng phạt khác. Rồi lại có những BIS có thể được thay thế do trải nghiệm sống của con vật. Một con vật có thể không để ý đến giống loài khác cho đến khi một con thuộc giống loài tấn công nó. Cuộc tấn công có thể sẽ tái thiết lập BIS của con vật để trong tương lai nếu nó gặp một con thuộc giống loài tương tự tiến lại gần, nó sẽ trải qua cảm giác sợ hãi.
Ta nên biết rằng việc sở hữu một BIS có thể tái thiết lập cho phép quá trình học hỏi cơ bản diễn ra. Nếu một con vật tấn công một con vật khác và con vật bị tấn công có đủ năng lực trí não, nó có thể nhớ cuộc tấn công và tổng hợp thông tin từ đó. Nếu con vật bị tấn công có BIS được lập trình lại, BIS của nó có thể bị thay đổi bởi cuộc tấn công để con vật đó sẽ cảm thấy sợ hãi mỗi khi nó thấy một con vật nhìn trông giống như kẻ đã tấn công nó. Nó có thể không “nhớ” được cuộc tấn công trước đó và do đó không biết tại sao nó lại cảm thấy sợ hãi, nhưng nó cũng sẽ phản ứng trước sự hiện diện của con vật kia bằng cách chạy trốn. Theo nghĩa nào đó, con vật này đã học được từ việc bị tấn công.
Bằng cách xác định điều gì cho ta có cảm giác tuyệt vời và điều làm ta thấy tồi tệ, BIS có sức ảnh hưởng rất lớn đến những ham muốn mà ta phát sinh ra – chúng ta thường muốn những thứ tuyệt vời và tránh xa những thứ tồi tệ. Những ham muốn này được phản ánh trong hành vi của ta. Con đường ít truân chuyên nhất đó là hành xử theo cách thuận theo BIS của ta – cố giành được phần thưởng và tránh những hình phạt nó đưa ra.
Thực vậy, sự tương đồng trong hành vi con người có thể quy về sự tương đồng trong hệ thống động lực của họ, thứ mà họ bị chi phối. Nếu chúng ta đến thăm một doanh trại quân đội, chúng ta nhanh chóng nhận ra những binh sĩ mặc đồ giống nhau và kết thúc câu nói của họ bằng câu “Thưa chỉ huy.” Đó chẳng phải là một sự trùng hợp mà là kết quả trực tiếp của việc hệ thống động lực được người huấn luyện áp đặt lên họ. Nếu chúng ta rời khỏi doanh trại và đến một nhà hàng đồ ăn nhanh gần đó, chúng ta sẽ nhận ra mặc dù nhân viên nhà hàng đều cư xử theo một cách giống nhau – họ ăn mặc và kết thúc bằng câu hỏi: “Bạn có muốn gọi thêm khoai tây chiên không?” nhưng họ hành xử khá khác biệt với những binh sĩ. Những nhân viên nhà hàng cư xử giống nhau bởi vì nhà hàng áp đặt hệ thống động lực lên họ và họ hành xử khác với binh sĩ bởi vì hệ thống động lực của họ khác với hệ thống của những binh sĩ.
Như đã thấy, cấu tạo gene của ta có ảnh hưởng rất lớn đến BIS. Bởi vì con người có cấu tạo gene giống nhau nên họ có BIS giống nhau và do đó thường cư xử theo cùng một lối giống nhau. Một binh sĩ và một nhân viên nhà hàng có thể cư xử khác nhau trong một số mặt nào đó, nhưng trong đa số lĩnh vực họ đều cư xử giống nhau; ví dụ, thường cả hai đều sẽ thích đồ ngọt, rượu, những lời tán thưởng, tình dục và họ đều ghét thức ăn đắng hoặc ôi thiu, không muốn bị trật chân, bị người khác mắng chửi và xa lánh.
Vào thế kỷ 20, những nhà khoa học xã hội phần đông đều bỏ qua lĩnh vực bản chất con người. Nhưng tôi xin phản biện rằng: bởi vì con người có những BIS giống nhau, chúng ta rõ ràng là có một bản tính chung. Thực vậy, người nào ngộ ra được những phần thưởng và hình phạt đưa ra bởi BIS của con người hay hiểu rõ được bản chất của con người có thể dễ dàng dự đoán được điều người khác sẽ làm trong nhiều trường hợp khác nhau. Tôi cũng xin nói rằng đó là một phần rất quan trọng bởi vì BIS của con người khác so với BIS của bò hay ngựa (bởi hệ thần kinh khác nhau, kết quả của sự khác biệt trong cấu trúc gene) nên bản tính của người khác với ngựa và bò.
Tôi xin nói thêm rằng giữa con người, bản chất nam khác với bản chất nữ. Bởi vì nội tiết tố của nam giới, và có lẽ cả cấu trúc não của họ, khác với phụ nữ, BIS của nam giới khác với phụ nữ; do đó, những gì mang lại cảm thấy tốt đẹp với một người đàn ông có thể không đem lại cảm giác tốt đẹp đối với một người phụ nữ, và ngược lại. Bởi vì mọi người có xu hướng làm những gì cho ta cảm giác tốt đẹp và tránh làm những gì ta cảm thấy tồi tệ, nam giới có xu hướng cư xử khác với phụ nữ. Đó là vì sự khác biệt trong BIS của họ, tôi sẽ nói rằng (hầu hết) đàn ông bị hấp dẫn tình dục bởi phụ nữ và (hầu hết) phụ nữ bị hấp dẫn tình dục bởi đàn ông. Tôi cũng nghĩ rằng sự khác biệt trong BIS chịu trách nhiệm về sự khác biệt giới tính ở một mức độ đáng kể, bao gồm cả sự khác biệt trong cách chơi của trẻ em trai và trẻ em gái.
Lúc này, một số người có thể trách tôi vì đã bỏ qua yếu tố môi trường trong hành vi con người: không chỉ BIS của họ khiến đàn ông và phụ nữ hành xử theo cách của họ mà sự giáo dục họ nhận được cũng có một tác động lớn. Tôi hoàn toàn đồng ý với tuyên bố này. Thứ nhất, bởi vì chúng ta có BIS, chúng ta thường cân nhắc đến môi trường khi quyết định cách cư xử. Rốt cuộc, cho dù BIS khen thưởng hay trừng phạt đều được xác định bởi cách chúng ta tương tác với môi trường của mình ở mức độ nào đó. Vì vậy, vào một ngày lạnh giá, BIS có thể thưởng cho chúng ta vì đã đứng trước một ngọn lửa đang cháy bừng bừng nhưng trừng phạt chúng ta vì đã đứng trong ngọn lửa đó. Tôi cũng đồng ý rằng những tương tác trong quá khứ với môi trường có thể ảnh hưởng đến hành vi hiện tại của chúng ta. Điều này có thể xảy ra, như chúng ta đã thấy, khi bị ngã ngựa, hoặc bị ốm sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó.
Tại sao các bé gái lại thích chơi búp bê? Tại sao những bé trai, thay vì chơi búp bê, lại thích chơi những trò chơi liên quan đến tranh đấu? Tôi cho rằng chúng làm như vậy phần lớn là do những phần thưởng được đưa ra bởi BIS. Đối với (hầu hết) các cô gái, chúng thấy thoải mái khi thực hiện những hành động chăm sóc, và chúng chơi với búp bê. Đối với (hầu hết) các chàng trai, chúng không cảm thấy thoải mái (hoặc không thoải mái như bé gái) khi thực hiện hành động chăm sóc, và vì vậy chúng không làm điều đó. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ có một xu hướng môi trường trong hành vi của trai và gái. Cụ thể, bên cạnh việc thưởng cho cô bé vì đã có hành động chăm sóc, BIS của một bé gái cũng sẽ thưởng cho bé vì đạt được sự tán đồng của người khác. Do đó, nếu những người xung quanh bé tán đồng việc bé chơi với búp bê, bé sẽ thấy vui gấp đôi, bé sẽ được thưởng cho việc có hành động chăm sóc và cả việc dành được sự khen ngợi của người khác.
Khi một bé gái được khen ngợi vì đã chơi búp bê, một hệ thống động lực bên ngoài được áp đặt lên hệ thống khuyến khích nội bộ mà tôi gọi là BIS. Nếu một bé gái đã tiếp xúc với một hệ thống khuyến khích bên ngoài khác, giả sử như bị cha mẹ đánh hơn là được ca ngợi vì đã chơi với búp bê, hành động của bé sẽ bị ảnh hưởng theo một cách khác. Phần thưởng mà bé nhận được (từ BIS) vì đã có hành động chăm sóc sẽ bị áp đảo bởi sự trừng phạt (từ cha mẹ), và do đó bé sẽ cảm thấy tồi tệ khi chơi với búp bê và bé sẽ ít chơi búp bê hơn – ít nhất là khi bố mẹ cô bé còn ở đó để điều hành hệ thống khuyến khích bên ngoài. Nếu các trận đòn đủ tệ hại, nó có thể dẫn đến việc tái lập trình BIS của cô bé. Trong trường hợp này, ngay cả khi cô bé được cứu khỏi cha mẹ bạo hành, việc chơi đùa với búp bê sẽ không còn mang lại cảm giác dễ chịu nữa.
Không thể phủ nhận rằng hệ thống khuyến khích bên ngoài có thể định hình hành vi của chúng ta. Nhưng điều cần lưu ý khi xem xét các hệ thống này là chúng chỉ hiệu quả nếu chúng tính đến và khai thác BIS của một người (hoặc sinh vật). Giả sử một cô gái có một BIS rất bất thường, một BIS khiến việc đánh đập trở nên dễ chịu. Hành vi của cô ấy sẽ không bị thay đổi bởi hệ thống khuyến khích bên ngoài vừa mô tả. Thật vậy, nếu một sinh vật thiếu BIS và do đó không có gì cảm thấy tốt hay xấu đối với nó, các hệ thống khuyến khích bên ngoài có thể không ảnh hưởng đến hành vi của nó.
Chúng ta có thể tranh luận về việc liệu BIS của các bé gái có được lập trình “tự nhiên” để thưởng cho chúng vì đã có hành động chăm sóc hay không. (Tôi nghĩ là có, nhưng nhiều nhà nữ quyền sẽ không đồng ý). Chúng ta cũng có thể tranh luận về việc liệu các bé gái có bị tổn thương khi có cha mẹ cho phép hoặc khuyến khích chúng chơi với búp bê hay không. (Tôi nghĩ là không, nhưng một lần nữa, nhiều nhà nữ quyền sẽ không đồng ý). Tuy nhiên, điều không thể chối bỏ chính là việc một bé gái chơi với búp bê được quyết định bởi việc cô bé có cảm thấy thoải mái hay không ở một chừng mực nào đó. Vì thế, việc bé gái cảm thấy thế nào phụ thuộc phần lớn vào BIS của cô bé ấy, và khi các hệ thống thưởng phạt bên ngoài ảnh hưởng đến cảm giác của cô bé, cha mẹ bé làm điều đó bằng cách khai thác BIS của cô bé.
Con người mặc dù có một điểm chung bởi vì các BIS của họ giống nhau, sự khác biệt trong các BIS riêng lẻ sẽ gây ra sự khác biệt trong xu hướng hành vi lâu dài của các cá nhân, nói cách khác, sẽ gây ra sự khác biệt về tính cách.
Tại sao chúng ta cư xử như vậy? Tại sao chúng ta lại hướng ngoại hơn là hướng nội? Tại sao chúng ta hay tọc mạch hơn là thờ ơ? Tại sao chúng ta là người thích chăm sóc hơn là cạnh tranh? Điều gì quyết định các đặc điểm tính cách chúng ta? Ở một mức độ đáng kể, chúng ta không được quyền quyết định BIS xác định chúng cho chúng ta. Là những con người nhạy cảm, chúng ta muốn cảm thấy thoải mái và tránh xa cảm giác tồi tệ. Chúng ta có cá tính riêng vì chúng ta có xu hướng đi theo con đường ít đối nghịch nhất đối với BIS của chúng ta. Nếu BIS khen thưởng chúng ta vì đã thu hút được sự chú ý của người khác, chúng ta có thể là người hướng ngoại, nhưng nếu BIS khiến chúng ta cảm thấy khó xử và đau đớn khi giao tiếp với người khác, chúng ta có thể là người nhút nhát. Nếu BIS thưởng cho chúng ta cảm giác hài lòng khi học được những điều mới, chúng ta có khả năng là người ham học hỏi; nhưng nếu không có được cảm giác như vậy, chúng ta có thể thờ ơ với việc tiếp thu kiến thức. Nếu BIS thưởng cho chúng ta cảm giác thỏa mãn khi giúp đỡ người khác, chúng ta có khả năng trở thành người thích chăm sóc, nhưng nếu BIS thưởng cho chúng ta cảm giác chiến thắng khi đánh bại người khác, chúng ta có khả năng trở thành những người thích cạnh tranh.
Như đã thấy trước đó, BIS của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian. Một số thay đổi được lập trình trước và một số thay đổi khác là kết quả của kinh nghiệm sống. Khi BIS thay đổi, tính cách của chúng ta cũng có thể thay đổi theo. Ví dụ, sự khởi đầu của tuổi dậy thì làm thay đổi BIS bằng cách thay đổi các hormone có trong cơ thể, và bằng cách thay đổi BIS, nó sẽ thay đổi tính cách của chúng ta. Một đứa trẻ ngọt ngào ở tuổi lên 4 có thể là một thiếu niên hay hờn dỗi ở tuổi 14. Kinh nghiệm sống cũng có thể ảnh hưởng đến BIS và do đó thay đổi tính cách của chúng ta. Ví dụ, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ có nhân cách khác với những đứa trẻ được sống bình thường.
Tương tự như vậy, bệnh tật có thể thiết lập lại BIS và do đó làm thay đổi nhân cách của chúng ta. Ví dụ, sự khởi phát của bệnh tâm thần phân liệt ở một người trưởng thành trẻ tuổi có thể gây ra sự thay đổi hoàn toàn về tính cách cá nhân của họ, và sự khởi phát của bệnh Alzheimer ở một người cao tuổi có thể làm mất đi bất kỳ tính cách nào mà họ có thể đã có. Đó cũng không hẳn là một thảm kịch. Nhà thần kinh học Oliver Sacks kể về một người phụ nữ 90 tuổi, vốn là người nhút nhát nhưng vào những năm cuối của tuổi 80, bà bắt đầu cười khúc khích, kể chuyện hài và tán chuyện với mọi người. Bạn bè bà nhận thấy điều này và rất lo lắng. Hóa ra, người phụ nữ mắc chứng bệnh Neurosyphilis và bệnh đã tái phát sau khi “nằm im” trong 79 năm. Căn bệnh này có thể dễ dàng điều trị, nhưng người phụ nữ không chắc mình muốn được điều trị – bà ấy thích là một người hướng ngoại. Giải pháp rất đơn giản: cho người phụ nữ dùng penicillin sẽ ngăn ngừa tổn thương não nhưng sẽ không chữa lành tổn thương đã gây ra.1 Sacks cũng kể về một phụ nữ trong một thời gian ngắn đã thay đổi từ một nhà nghiên cứu hóa học khép nép thành một người chơi chữ bốc đồng và khôi hài, đầy châm biếm và những lời đùa cợt dí dóm. Nguyên nhân của sự thay đổi tính cách này là do một khối ung thư biểu mô lớn trong não của cô ấy.2
1. Sacks, 97–99.
2. Sacks, 97–111.
Lưu ý rằng người phụ nữ này không chọn trở thành một người thích chơi chữ; cũng không phải vì vậy mà cậu bé 4 tuổi ngọt ngào chọn biến đổi thành một thiếu niên xấu tính. Tính cách của chúng ta phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì lý do đơn giản là BIS chịu trách nhiệm về tính cách phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Người ham học hỏi không chọn tính tò mò: cô ấy cảm thấy rất vui khi học được những điều mới, và cô ấy chọn học hỏi. Người nhút nhát cũng không chọn nhút nhát. Thật vậy, người nhút nhát có thể ước mình mở lòng hơn, nhưng anh ta bất lực, chỉ bằng một hành động duy ý chí cũng không thể thay đổi sự thật rằng anh ta cảm thấy không thoải mái khi giao tiếp xã hội. Anh ta không thể đơn giản thức dậy vào một buổi sáng và quyết định rằng anh ta sẽ không còn ngại ngùng nữa, cũng như không thể thức dậy và quyết định rằng anh ta sẽ không còn cảm thấy đói khi không ăn gì cả.
Khi nói điều này, tôi không có ý rằng chúng ta không thể hành động ngược lại tính cách của chính mình. Rõ ràng chúng ta có thể. Chỉ là việc đó yêu cầu một nỗ lực rất lớn. Người nhút nhát có thể hành động như thể mình chẳng hề nhút nhát. Anh ta có thể đến một quán bar, tiếp cận những phụ nữ lạ mặt và đi hát karaoke, nhưng BIS sẽ trừng phạt anh ta trong suốt thời gian đó và trao cho anh ta rất ít phần thưởng, nên nỗ lực đó hẳn sẽ làm anh ta mệt mỏi. Tương tự như thế, người cởi mở có thể dành đêm thứ Bảy để đọc sách trong thư viện, nhưng chắc chắn anh ta sẽ rất khổ sở.
Về mặt nào đó, chúng ta bị mắc kẹt trong tính cách của mình. Hầu hết mọi người nhận ra điều này và chấp nhận tính cách mà họ bị mắc kẹt. Họ làm nhiều việc với tính cách đó nhất có thể – đó là thứ họ phải chung sống hoặc tránh bị xung đột.
Ngoài việc xác định tính cách của chúng ta, tôi nghĩ rằng BIS cũng chịu trách nhiệm cho những biến động ngắn ngủi trong phần tính cách mà chúng ta gọi là tâm trạng. Người ta cho rằng tâm trạng được tạo ra bởi những thay đổi thành phần hóa học trong não bộ, rồi sự thay đổi lại tiếp tục ảnh hưởng đến thứ cho ta cảm giác tốt và xấu. Ví dụ, hãy uống chút rượu và thành phần hóa học trong não của bạn sẽ bị thay đổi tạm thời, làm kích hoạt một loại tâm trạng nào đó. Ở một số người, tâm trạng gây ra do rượu này cho họ cảm giác hưng phấn; trong khi đối với một số người khác thì mang lại cảm giác không mấy tốt đẹp.
Giả sử như khi chúng ta đang bị tâm trạng chi phối thì có ai đó bình luận về việc này. Khả năng đầu tiên của chúng ta là gạt đi lời khuyên của họ, bởi vì suy cho cùng, đồng ý với điều này tức là thừa nhận rằng hành vi hiện tại của chúng ta theo một nghĩa nào đó là đang thiếu tự chủ, và đó là điều mà hầu hết mọi người đều làm một cách miễn cưỡng. Tuy rằng trong thâm tâm, chúng ta công nhận sự thật trong những gì họ nói. Điều thú vị trong những trường hợp như vậy là việc chúng ta một khi đã nhận ra rằng tính khí của ta lúc đó không được tốt, nhưng việc vô hiệu hóa nó lại vô cùng khó khăn. Nếu là một tâm trạng là tốt, chúng ta đã không muốn vô hiệu hóa nó; nếu nó xấu, chúng ta sẽ thấy rằng cần một nỗ lực thực sự để có thể vui vẻ trở lại, hay chí ít là tỏ ra vui vẻ. Khi đang có tâm trạng xấu, không nhất thiết chúng ta phải gắt gỏng với những người khác. Chỉ là việc trở nên cáu kỉnh cho ta cảm giác thoải mái một cách kỳ lạ, và hành xử dịu dàng lúc đó chẳng hề dễ chịu chút nào. Con đường ít kháng cự nhất là tỏ ra cáu kỉnh và do đó, là con đường mà hầu hết mọi người đang có tâm trạng tồi tệ lựa chọn.
Trước khi đi sâu hơn vào cuộc thảo luận của tôi về BIS, hãy cho phép tôi làm rõ một điều: mặc dù tôi nghĩ rằng BIS định hình hành vi của chúng ta theo nhiều cách quan trọng, nhưng tôi không nói rằng hành vi của chúng ta được lập trình sẵn giống như hành vi của một chiếc máy vi tính. Máy vi tính phản hồi thế giới theo kiểu phản xạ hoàn toàn nhất định. Khi có một kích thích, chúng không được chọn cách phản ứng; ngược lại, chúng phải làm chính xác những gì mà chương trình của chúng yêu cầu.
Một số hành vi của chúng ta – chính xác hơn là hành vi phản xạ – được lập trình theo cách này. Ví dụ, khi nghe thấy một tiếng động lớn và bất ngờ, chúng ta sẽ giật mình. Chúng ta không có lựa chọn trong vấn đề này. Đặc biệt, chúng ta không có quyền lựa chọn phản ứng của bản thân đối với tiếng ồn. Tuy nhiên, hầu hết các hành vi của chúng ta không được lập trình theo cách đó. Giả sử, một bác sĩ sắp tiêm cho chúng ta, ta không thể chọn liệu việc tiêm có đau không, bởi vì chúng ta có BIS, bị tiêm hẳn sẽ phải đau. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn phản ứng của bản thân đối với cơn đau: có thể ngồi yên khi kim đâm vào da hoặc có thể rút tay lại.
Mặc dù BIS cung cấp cho chúng ta động lực để cư xử và không cư xử theo một số cách nhất định, chúng ta vẫn có khả năng bỏ qua những động lực này. Ví dụ, BIS sẽ thưởng cho chúng ta cảm giác cực khoái nếu quan hệ tình dục, nhưng chúng ta có thể chọn sống độc thân – miễn là có thể đối phó với cảm giác thèm muốn mà BIS tạo ra khi ta kiềm chế ham muốn tình dục. Và BIS sẽ trừng phạt chúng ta bằng cơn đói nếu bỏ lỡ bữa ăn, nhưng ta có thể chọn bỏ bữa trưa. Nói cách khác, chúng ta có thể điều chỉnh hệ thống thưởng phạt sinh học của mình.
Điều này cũng đúng với các hệ thống thưởng phạt phi sinh học. Ví dụ, hệ thống thưởng phạt tại nơi làm việc có tính chất cưỡng chế, tuy nhiên, những người chịu sự điều chỉnh của chúng vẫn giữ được quyền tự do. Nhân viên có thể thờ ơ với hệ thống thưởng phạt của công ty, mặc dù làm như vậy sẽ cản trở triển vọng nghề nghiệp của họ. Tương tự như vậy, những người lính trong trại huấn luyện không cần phải kết thúc mỗi câu bằng “Thưa chỉ huy”. Thay vào đó họ có thể sử dụng “Đồ đầu to”. Họ sẽ phải trả giá đắt để làm như vậy, nhưng họ vẫn có thể làm được.
Chúng ta chọn bỏ qua BIS của mình, có nghĩa là chúng ta đang sử dụng sai khả năng lựa chọn. Cũng không có gì quá lạ lẫm khi chúng ta sử dụng sai di sản tiến hóa của mình theo cách này. Hãy xem xét khả năng nghe của chúng ta: chúng ta đã phát triển khả năng này để có thể phát hiện những kẻ săn mồi, nhưng thay vào đó chúng ta sử dụng nó để nghe nhạc. Chúng ta đã phát triển một chiếc mũi để có thể ngửi thấy mùi thức ăn tốt hơn; ngoài việc sử dụng nó cho mục đích này, chúng ta sử dụng nó để giữ mắt kính của mình, một công dụng mà sự tiến hóa hoàn toàn không lường trước được. Không có gì sai với kiểu sử dụng sai mục đích này. Thật vậy, trong Phần 3 của cuốn sách này, tôi sẽ đề xuất rằng: bằng cách sử dụng sai một cách có ý thức khả năng lựa chọn của chúng ta, bằng cách bỏ qua một số phần thưởng và hình phạt của BIS, trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể mang lại ý nghĩa cuộc sống cho chính mình.
Các nhà tâm lý học tranh luận về việc liệu hành vi của con người có “cố định” hay không. Theo một nghĩa của từ cố định, điều đó là không thể chối cãi. Hầu hết “hệ thống điện” của chúng ta ở dạng tế bào thần kinh có thể được nhìn thấy qua kính hiển vi. Phần còn lại của hệ thống điện ở dạng hóa chất, bao gồm chất dẫn truyền thần kinh và hormone, không thể nhìn thấy nhưng vẫn có thể phát hiện được. Hành vi của chúng ta được xác định bởi những gì xảy ra trong hệ thống điện này.
Mối liên hệ giữa thần kinh và hành vi tốt nhất nên nghiên cứu ở động vật đơn giản. Hãy xem xét loài giun đũa Caenorhabditis elegans, chúng có hệ thần kinh chỉ có 302 tế bào. Các nhà khoa học đã sử dụng nó để chứng minh mối liên hệ giữa hệ thống thần kinh và hành vi. Ví dụ, họ đã sử dụng tia laser dẫn đường bằng kính hiển vi để xem sự phá hủy một tế bào thần kinh ảnh hưởng đến hành vi của một con giun như thế nào.1 Hệ thống dây thần kinh của con người, tất nhiên, phức tạp hơn nhiều so với loài giun tròn, nhưng tất cả các hành vi của chúng ta vẫn có thể được giải thích theo hướng cấu trúc hệ thần kinh. Thật vậy, trong phạm vi mà môi trường định hình hành vi của chúng ta, nó làm được điều đó bằng cách tác động lên hệ thần kinh. Nếu chúng ta hiểu rõ về hệ thống dây thần kinh của mình (điều này có lẽ không thể xảy ra), chúng ta có thể dự đoán chính xác cách con người sẽ phản ứng với các kích thích khác nhau và các lựa chọn mà họ sẽ thực hiện trong các trường hợp khác nhau.
1. Clark và Grunstein, 67.
Với luận điểm này, ai đó có thể phản đối rằng nếu các lựa chọn mà chúng ta đưa ra được xác định bởi hệ thống dây thần kinh của chúng ta, thì chúng thực sự không phải là lựa chọn. Ta có thể cảm thấy như thể chúng ta đang đưa ra những lựa chọn, nhưng đây chỉ là một ảo tưởng: thứ “lựa chọn” mà chúng ta buộc phải thực hiện thì không phải là một lựa chọn thực sự, cho dù nguyên nhân là do hệ thần kinh của chúng ta hoặc do điều gì đi nữa.
Ở đây tôi sẽ không cố gắng trả lời câu hỏi muôn thuở về việc liệu con người có tự do ý chí hay không. Chỉ xin nói rằng tôi hoàn toàn nghiêng về lời của triết gia David Hume: trái ngược với quan điểm phổ biến, lời khẳng định rằng các lựa chọn của chúng ta được quyết định theo quy luật nhân quả thì cũng đồng nghĩa với tuyên bố chúng ta có ý chí tự do. Đối với Hume, một lựa chọn được đưa ra một cách tự do nếu lúc đưa ra lựa chọn, chúng ta cảm thấy rằng mình có những lựa chọn thay thế rộng mở và có thể chọn trong số chúng. Mặc dù hệ thống thần kinh của chúng ta quyết định các lựa chọn mà chúng ta đưa ra, nhưng chúng chỉ tự do khi được thực hiện với một quá trình lựa chọn thích đáng.
Tôi tin rằng những lựa chọn chúng ta đưa ra được xác định theo quan hệ nhân quả. Các định luật vật lý không chỉ dừng lại ở hộp sọ của chúng ta. Những gì xảy ra trong đầu chúng ta cũng tuân theo những quy luật này giống như những gì xảy ra bên trong máy tính, và những gì xảy ra bên trong đầu chúng ta sẽ quyết định những lựa chọn mà chúng ta đưa ra. Đồng thời, rõ ràng là chúng ta có khả năng “lựa chọn”, thực sự, đó là một khả năng mà chúng ta thực hiện gần như không ngừng khi tỉnh táo. Rõ ràng, quá trình chúng ta đưa ra lựa chọn khác với quá trình mà máy tính “đưa ra lựa chọn”.
Điểm mấu chốt của việc có một BIS, như chúng ta đã thấy, đó là nó cho phép chúng ta vượt qua những hành vi phản xạ được lập trình sẵn và những giới hạn của chúng. Đó là lý do những kỹ sư được mô tả trong chương trước cung cấp cho con gà mái một khả năng lập luận, nếu không, con gà mái không thể xem xét những hành động phù hợp và chọn đúng một hành động để thực hiện. Ở mức độ động lực cao hơn, một sinh vật không chỉ có khả năng chọn trong danh sách các hành động khả thi mà còn có khả năng nghĩ ra các hành động khác để thêm vào danh sách.
Tương tự máy vi tính, con người được lập trình một cách cố định, nhưng điểm khác biệt là chúng ta được thúc đẩy bởi động lực. Quá trình của động lực đòi hỏi khả năng đưa ra lựa chọn, ngay cả khi khả năng này theo nghĩa nào đó là một ảo tưởng. Chúng ta phản ứng với các kích thích không phải theo cách phản xạ mà bằng cách đưa ra những cách phản ứng khả thi và lựa chọn trong số chúng. Khi quyết định lựa chọn nào, chúng ta lại xét đến chuyện BIS của chúng ta sẽ khen thưởng hay trừng phạt ta khi đưa ra một lựa chọn cụ thể, và chúng ta thường sẽ quan tâm không chỉ đến phần thưởng và hình phạt tức thời mà còn về cách chúng ta sẽ được thưởng và phạt trong dài hạn. Ví dụ, chúng ta có thể đưa ra một lựa chọn để chịu một số cơn đau tức thời (chẳng hạn tiêm ngừa bệnh cúm) nhưng lại giảm bớt khả năng phải gánh chịu cơn đau đáng kể (do một cơn cúm mang lại) trong tương lai.
Có được khả năng lựa chọn là một phần của việc có khả năng ham muốn. Những động vật chỉ dựa vào phản xạ thuần túy thôi không cần phải đưa ra lựa chọn. Và có khả năng khao khát có thể là một phần của một thỏa thuận trọn gói: những con vật có được khả năng này cũng đã được cấy ghép với một hệ thống thưởng phạt sinh học khiến một số thứ trở nên đáng mơ ước và những thứ khác thì không. Nói cách khác, khả năng lựa chọn luôn đi cùng những thứ đính kèm thế này: chúng ta có thể chọn thứ ta muốn, nhưng được lập trình để nghĩ về những thứ ta muốn hơn thứ khác. Vì thế, chúng ta theo nghĩa nào đó bị buộc phải đưa ra những quyết định này hơn là những quyết định khác.
Điều đó giống như chúng ta mặc cả với Đấng tạo hóa đã sinh ra chuỗi tiến hóa. Ông ấy sẵn sàng cấp cho chúng ta (qua một quá trình chọn lọc tự nhiên) khả năng để ham muốn, nhưng chỉ khi chúng ta đồng ý để ông ấy cấy vào trong mình một hệ thống thưởng phạt để dẫn dắt mong muốn của chúng ta, ông ấy mới có thể hoàn thành mục tiêu của mình – đó là giúp chúng ta tồn tại và sinh sản. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đã không tham gia vào bất kỳ cuộc mặc cả nào; thay vào đó, thỏa thuận trọn gói này đã bị ép buộc đối với chúng ta. Và nếu Đấng tạo hóa hỏi liệu ta có đồng ý với cuộc trao đổi này hay không, thì chúng ta có thể nói gì? Chắc chắn không thể nói rằng chúng ta thích cuộc trao đổi khác bởi nếu thiếu khả năng muốn, ta cũng không thể thích bất cứ điều gì.
Người ta thuyết phục chúng ta rằng khi Adam và Eve hiểu biết về điều thiện và điều ác chính là lúc nhân loại sụp đổ. Lần đầu tiên họ nhìn nhau trong trạng thái khỏa thân. Để trừng phạt, Đức Chúa Trời tuyên bố rằng kể từ đó, Eve sẽ phải chịu đau đớn khi sinh nở và Adam sẽ phải làm việc để kiếm ăn. Họ đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng, và chúng ta, con cháu của họ, đã phải thừa hưởng di sản khổ nhọc của họ.
Tôi muốn góp ý một chút, điều tương tự như thế có thể xảy ra khi động vật có được khả năng ham muốn. Cùng với khả năng này là sự xáo trộn trong cảm xúc và khả năng phải chịu đau đớn và đau khổ. Hơn nữa, khi ham muốn nảy sinh trong động vật – như ham muốn ăn uống hay giao hợp – chúng cảm thấy buộc phải làm việc để thỏa mãn những ham muốn đó. Và bởi vì khả năng ham muốn đã được di truyền vào chúng, tình trạng của chúng được truyền sang thế hệ con cháu. Con người chúng ta tiếp tục phải trả giá cho việc tổ tiên của chúng ta đã đạt được khả năng mong cầu.