Mỗi cá nhân đều mang trên mình dấu ấn của thân phận con người.
—Michel de Montaigne
Như đã thấy, chúng ta buộc phải sống theo một hệ thống động lực. Hệ thống đó – tôi gọi nó là hệ thống động lực sinh học hay gọi tắt là BIS – được cài đặt trong chúng ta. Vì nó mà một số điều chẳng hạn như quan hệ tình dục cho ta cảm giác thật tuyệt vời, và những thứ khác chẳng hạn như bị bỏng làm ta cảm thấy tồi tệ. Chúng ta vẫn được phép giữ lại khả năng chống lại BIS của mình: ví dụ, chúng ta có thể hành động trái với các phần thưởng của nó và cố tình làm bỏng chính mình, và chúng ta có thể kiềm chế quan hệ tình dục. Tuy nhiên, sự kháng cự như vậy đi kèm với một cái giá phải trả. Ta cần phải có ý chí mạnh mẽ để từ chối những phần thưởng được BIS treo lơ lửng trước mặt và thậm chí phải có ý chí sắt đá hơn để tự nguyện chịu các hình phạt của nó.
BIS đã được áp đặt cho chúng ta mà không được chúng ta đồng ý. Điều này có thể tạm chấp nhận nếu thế lực chịu trách nhiệm về sự áp đặt có tính cách nhân từ và nghĩ đến lợi ích của chúng ta khi đưa ra những quy tắc thưởng phạt của BIS. Đặc biệt, mọi chuyện sẽ êm đẹp nếu thế lực này làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng chúng ta có cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa. Nhưng không phải như vậy. Thế lực được đề cập đến, cụ thể chính là quá trình chọn lọc tự nhiên, hầu như chẳng quan tâm đến việc liệu chúng ta có hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hay không. Điều nó quan tâm là chúng ta sống sót và sinh sản. Miễn là cảm giác bất hạnh và vô vọng của ta không làm giảm cơ hội sống sót và sinh sản của chính mình, bất chấp những cảm xúc này, miễn là chúng ta thực hiện các bước cần thiết để sống sót và quan hệ tình dục – quá trình lựa chọn tự nhiên thờ ơ với mọi thứ còn lại.
Thật vậy, nhờ quá khứ tiến hóa, chúng ta được lập trình để cảm thấy không hài lòng với hoàn cảnh của mình, bất kể đó là gì. Một người ban đầu hài lòng với những gì anh ta có – người đã dành cả ngày nằm dài trên thảo nguyên châu Phi nghĩ về cuộc sống tốt đẹp như thế nào – ít có khả năng sống sót và sinh sản hơn người hàng xóm đã dành mọi khoảnh khắc thức dậy để cố gắng cải thiện điều kiện sống của mình. Chúng ta, hậu duệ tiến hóa của những con người này, đã thừa hưởng khuynh hướng đó đối với sự không hài lòng. Dù chúng ta sở hữu một số thứ thì BIS vẫn sẽ khiến chúng ta không ngừng muốn hành động và thay đổi nhiều hơn.
Tóm lại, đây là thân phận của con người: bởi vì chúng ta có BIS, chúng ta buộc phải sống dưới một hệ thống thưởng phạt mà chúng ta không nghĩ ra, chúng ta không thể trốn thoát, và những động lực của nó chẳng những không hề được tính toán để khiến chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa, mà chúng còn khiến ta cảm thấy bất mãn nếu ta phản ứng lại với chúng.
Thực ra, nói rằng chúng ta buộc phải sống dưới một hệ thống thưởng phạt có sẵn là một lời nói quá. Suy cho cùng, chúng ta có thể tác động vào hệ thống BIS của mình. Đặc biệt, chúng ta có thể thay đổi thành phần hóa học của não và từ đó thay đổi BIS. Uống rượu có thể thay đổi định nghĩa cảm giác tốt và xấu đối với chúng ta trong vài giờ. Các loại thuốc như Prozac làm thay đổi mức độ dẫn truyền thần kinh trong não của con người và do đó làm thay đổi BIS của họ. Thuốc an thần gây trở ngại cho khả năng BIS trừng phạt chúng ta bằng những cảm giác lo lắng, khó chịu. Chúng ta cũng có thể thay đổi hoạt động của BIS bằng cách thúc đẩy quá trình sản xuất hormone của mình. Nam giới không kiểm soát được ham muốn tình dục có thể sử dụng một loại thuốc như DepoProvera. BIS của anh ta, thứ trước đây trao huân chương cho anh ta mỗi khi quan hệ tình dục, bây giờ sẽ trở nên im lặng một cách lạ thường.
Khi y học tiến bộ, thông qua sự kết hợp giữa thuốc và phẫu thuật, một ngày nào đó chúng ta có thể thay đổi BIS của chính mình một cách an toàn, hiệu quả và lâu dài. Chúng ta có thể xác định cụ thể những gì BIS sẽ thưởng và không thưởng cho chúng ta – nói cách khác, chọn thứ sẽ cho ta cảm thấy tốt đẹp và tồi tệ. Khả năng thay đổi BIS dẫn đến một câu hỏi giả thuyết thú vị: nếu có thể thiết kế lại BIS của mình, chúng ta nên sử dụng quyền năng này như thế nào?
Ban đầu người ta có thể đề xuất rằng nên sửa đổi BIS của mình bằng cách loại bỏ khả năng cảm thấy tệ và nâng cao khả năng cảm thấy tốt. Tại sao ta không thể trải nghiệm cảm giác chiến thắng khi bước ra khỏi giường mỗi sáng? Tại sao ta không trải nghiệm cơn cực khoái mỗi khi chúng ta hít vào? (Hãy thử tưởng tượng điều này: với mỗi lần thở ra, bạn lại cảm thấy một tiếng rên nhỏ của sự sung sướng). Hoặc tại sao không liên tục trải nghiệm cảm giác cực khoái? Điều này nghe có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng cần lưu ý rằng BIS hiện tại của chúng ta thưởng cho hành vi làm tăng cơ hội sống sót và sinh sản của chúng ta (hay nói đúng hơn là tăng cơ hội sống sót và sinh sản của tổ tiên tiến hóa của chúng ta) và nó trừng phạt hành vi làm giảm cơ hội đó. Do đó, việc thay đổi BIS sẽ ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và sinh sản của chúng ta.
Sau đó, giả sử rằng chúng ta chuyển đổi BIS hiện tại của mình thành một BIS luôn cho ta cảm giác tốt đẹp. Một người nào đó gắn chặt với cảm giác cực khoái liên tục có lẽ sẽ chỉ nằm đó trong sự sung sướng, cảm thấy không cần ăn uống hay thậm chí hít thở, và anh ta sẽ sớm bỏ mạng. Điều này đưa chúng ta đến một đề xuất cấp tiến khác: thay vì thay đổi BIS, tại sao không loại bỏ nó hoàn toàn? Con người mà phải chịu những phần thưởng và hình phạt của BIS thì không thực sự tự do.
BIS là một bạo chúa vô hình, hắn luôn ép buộc chúng ta phải thực hiện mệnh lệnh của hắn. Bằng cách loại bỏ BIS, chúng ta có thể lật đổ tên bạo chúa này và sống cuộc sống mà chúng ta lựa chọn. Đề xuất này nghe có vẻ hấp dẫn – giải phóng nhân loại bằng cách loại bỏ BIS – nhưng suy nghĩ sâu hơn cho thấy những hạn chế của cuộc sống mà không có BIS. Như chúng ta đã thấy trong Chương 4, ham muốn của chúng ta có nguồn gốc từ cảm xúc và lý trí. Cảm xúc của chúng ta rất giỏi trong việc hình thành thứ tôi gọi là những tham vọng khoái lạc: chúng thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những gì làm ta cảm thấy tốt đẹp và tránh những gì làm ta cảm thấy tồi tệ. Trí tuệ của chúng ta dành phần lớn thời gian để tạo ra những mong muốn cụ thể, việc hoàn thành chúng sẽ dẫn đến việc thỏa mãn những mong muốn do cảm xúc tạo ra. Tuy nhiên, nếu không có BIS, sẽ không có thứ gì làm cho ta cảm thấy tốt hay xấu nữa, và cảm xúc của chúng ta sẽ cạn kiệt vì nó là cội nguồn của mọi ham muốn. Nếu không có những ham muốn khoái lạc được tạo ra bởi cảm xúc, trí tuệ của chúng ta thấy nó không cần phải làm gì nhiều cả. Tất cả những gì còn lại sẽ là những ý muốn vô thưởng vô phạt được hình thành bởi trí tuệ của chúng ta, chẳng hạn như ý muốn tặc lưỡi của tôi. Nhưng như ta đã thấy, những ý muốn này nói chung chỉ là những ý muốn yếu ớt.
Vậy hãy tưởng tượng bản thân không còn BIS như hiện tại. Chúng ta có muốn ăn không?
Sẽ không có phần thưởng nào (hương vị dễ chịu và cảm giác no nê) cho việc làm đó và không có hình phạt (cơn đói) cho việc nhịn ăn. Chúng ta có muốn sinh sản không? Hoạt động tình dục sẽ không tốt cũng không xấu, và nó sẽ không kết thúc bằng một cơn cực khoái. Chúng ta cũng sẽ không hứng thú gì với con cái của mình. Là những con người có lý trí, chúng ta có thể nghĩ rằng sẽ thực hiện các bước để đảm bảo chúng ta tồn tại và sinh sản, nhưng tại sao lại phải tồn tại và sinh sản? Động lực gì khiến ta phải làm vậy? Tại sao cứ sống trong một thế giới mà sống không có phần thưởng nào? Con người mà không có BIS sẽ giống một người trầm cảm: dành cả ngày để nằm trên giường. Hoặc con người không có BIS sẽ giống như một nhân vật phản diện đầy trí tuệ trong một cuốn tiểu thuyết ảm đạm của Nga: sẽ ra khỏi giường chỉ để tự hỏi mục đích sống là gì.
Chúng ta có thể không thích có một BIS do tự nhiên áp đặt lên mình. Chúng ta có thể không thích phải đối phó với một BIS; có thể không thích cách BIS thúc giục ta làm những việc mặc dù có lợi cho sự sống sót và sinh sản, nhưng lại không mang lại lợi lạc gì cho hạnh phúc. Nhưng cuộc sống không có BIS hẳn là sẽ còn tồi tệ hơn cuộc sống có BIS.
Thay vì suy nghĩ về các cách để thay đổi BIS, chúng ta hãy thực tế và suy nghĩ về cách tốt nhất để sống với BIS hiện tại của mình.
Có ba lựa chọn trong việc xử lý BIS. Chúng ta có thể trở thành những người theo chủ nghĩa khoái lạc: coi BIS của mình như một thực tế của cuộc sống và dành cả ngày để tìm kiếm thú vui cho nó và tránh những hình phạt mà nó đặt ra. Hoặc có thể trở thành những người khổ hạnh và đấu tranh chống lại BIS. Nếu điều gì đó làm ta cảm thấy thoải mái, chúng ta có thể từ chối làm điều đó, và nếu điều gì đó làm ta cảm thấy tồi tệ, chúng ta có thể mở rộng vòng tay chào đón chúng.
Phương án cuối cùng, chúng ta có thể đi con đường trung đạo giữa chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa khổ hạnh. Chúng ta có thể lập kế hoạch của riêng mình để sống theo kế hoạch do BIS đề ra. Đôi khi, sống thuận theo kế hoạch của mình sẽ giúp chúng ta nhận được phần thưởng từ BIS. Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ vui vẻ chấp nhận chúng. Trong trường hợp khác, sống theo kế hoạch của chính mình đồng nghĩa với việc từ bỏ phần thưởng do BIS đưa ra hoặc thậm chí tệ hơn, trở thành nạn nhân của các hình phạt của nó. Chúng ta sẵn sàng trả cái giá này vì biết rằng không có cách nào để tránh né điều đó, nếu mục tiêu của chúng ta là có một cuộc sống ý nghĩa nhất có thể, đồng hành với sự tồn tại của BIS trong chúng ta.
Xin nói thêm, tùy chọn thứ ba này là lời dạy mà Đức Phật đã khuyên răn, không phải vì Ngài nghĩ về BIS. Đức Phật từng sống trong khoái lạc giữa cung điện nguy nga của cha mình nhưng Ngài thấy điều đó không đem đến cho Ngài lợi lạc. Ngài rời khỏi cung điện và thực hành khổ hạnh nghiêm ngặt, “quyết tâm hành xác và đàn áp những dục vọng tự nhiên.”1 Sau sáu năm thực hành điều này, Đức Phật nhận ra sự vô ích của việc chiến đấu với BIS của mình vào mọi lúc và từ bỏ khổ hạnh để đi theo cái mà Ngài gọi là con đường trung đạo.
1. Carus, 34.
Để thực hành khổ hạnh, chúng ta cần phải làm chủ hoàn toàn mong muốn của mình, đó là cách duy nhất để có thể liên tục bỏ qua các phần thưởng mà BIS đưa ra. Để thực hành chủ nghĩa khoái lạc, chúng ta không cần phải làm chủ dục vọng của chúng ta, mà chỉ cần nghe theo BIS của mình và làm theo mệnh lệnh của nó. Để đi theo con đường trung đạo, ngược lại, chúng ta cần làm chủ được đáng kể nhưng không cần phải hoàn toàn những ham muốn của mình, công việc của chúng ta sẽ khó khăn hơn so với người theo chủ nghĩa khoái lạc nhưng dễ dàng hơn so với người theo con đường khổ hạnh.
Nếu chúng ta muốn làm chủ được dục vọng của mình ở một mức độ đáng kể, điều quan trọng là hiểu được cách tham vọng hoạt động. Nếu cuốn sách hoàn thành sứ mệnh của mình thì người đọc có thể sẽ đạt được sự hiểu biết này. Nhưng điều dễ thấy đó là sự hiểu biết này sẽ không thể giúp chúng ta làm chủ ham muốn. Trên thực tế, sự hiểu biết về ham muốn ban đầu có thể đem lại cho người ta sự thất vọng to lớn. Khi tôi dạy một khóa học tại trường đại học về chủ đề dục vọng, một sinh viên đã bày tỏ sự thất vọng bằng những lời sau: “Vâng, thầy đã thuyết phục được em. Em có một cái đầu đầy những ham muốn mà em không hề có quyền lựa chọn. Em bị giam cầm bởi quá trình tiến hóa trong quá khứ. Sẽ tốt hơn nếu em có thể làm chủ những ham muốn của mình. Thừa nhận điều này thật dễ dàng, còn thực hiện thì khó khăn làm sao.”
Tôi hiểu những khó khăn mà nữ sinh này gặp phải. Nhờ nghiên cứu của mình, tôi đã nhận thức sâu sắc hơn về quá trình mà ham muốn hình thành trong tôi. Tôi biết điều gì về quá trình tiến hóa của mình đã khiến tôi hình thành một tham muốn cụ thể và thậm chí tôi có thể suy đoán về những gì diễn ra trong não khi tôi tạo ra nó.
Tuy nhiên, tất cả những kiến thức này không ngăn cản tôi hình thành những ham muốn bất hảo. Thật vậy, sự hiểu biết đó còn khiến sự phát sinh của ham muốn trở nên khó chịu hơn nhiều. Khi một người lạ xúc phạm tôi, tôi tức giận và muốn cho anh ta một bài học, mặc dù tôi biết mình sẽ không bao giờ gặp anh ta một lần nữa. “Điều này thật ngu ngốc!” tôi nói với bản thân mình, nhưng cơn giận vẫn tồn tại. Một ngày sau, tôi vẫn suy nghĩ về những điều tôi muốn nói với người này. “Điều này thực sự, thực sự ngu ngốc!” tôi tự nhủ, nhưng những suy nghĩ phiền phức vẫn tiếp tục hành hạ tôi.
Điều mà sinh viên nói trên tìm kiếm, điều tôi tìm kiếm và điều mà một độc giả ôm hy vọng thành công trong việc thực hành con đường trung đạo cũng sẽ tìm kiếm, đó là lời khuyên về cách làm chủ ham muốn. Do đó, trong bốn chương tiếp theo, chúng ta hãy chuyển sự chú ý của mình vào một số lời khuyên đã được đưa ra trong nhiều thiên niên kỷ và trên khắp các nền văn hóa về cách chúng ta có thể có một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa bằng cách kiểm soát ham muốn của chính mình. Trong hai chương đầu, tôi nói về lời khuyên tôn giáo, trong chương thứ ba, tôi mô tả lời khuyên triết học, và trong chương thứ tư, tôi cho rằng điều tốt nhất có thể được mô tả là lời khuyên của người lập dị: những người đưa ra lời khuyên này đã không dựa vào khuôn khổ tôn giáo hoặc hệ thống triết học, nhưng lời khuyên của họ vẫn đáng để xem xét.
Khi giải thích những lời khuyên về việc đối phó với ham muốn, người ta không thể tránh khỏi gặp phải các vấn đề về diễn dịch. Ví dụ, khi tôi nói chuyện về lời khuyên của Phật giáo liên quan đến ham muốn, tôi đang nói đơn giản hóa đi nhiều. Có rất nhiều cách kiến giải về cùng một chủ đề trong Phật giáo, và chúng khác nhau về các chi tiết trong giáo lý của Đức Phật về vấn đề ham muốn. (Và khi nói đến Thiền tông, câu hỏi ở đây không phải là cách kiến giải nào mới là chính xác mà là liệu có bất kỳ kiến giải nào là chính xác hay không – liệu Thiền có nên được diễn giải bằng lời lẽ thông thường hay không). Tương tự như vậy, khi tôi nói về lời khuyên của triết gia khắc kỷ Epictetus về vấn đề tham vọng, trên thực tế, tôi đang nói về cách giải thích của tôi về lời khuyên của ông ấy; các học sinh khác nhau của Chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ tìm thấy thông điệp khác nhau trong tác phẩm của ông. Tôi không cố đưa ra lời kết luận cuối cùng và đanh thép trong bất kỳ lĩnh vực nào mà tôi xem xét.