Hãy thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống giống như loài bướm hút nhụy hoa, chẳng hề tổn hại đến hương sắc của đóa hoa kia.
— Đức Phật
Hầu như mọi tôn giáo đều yêu cầu các tín đồ kiềm chế ham muốn của mình, và gần như mọi tôn giáo đều đưa ra lời khuyên về cách kiểm soát ham muốn. Họ có thể khuyến khích một lối sống nào đó ít có khả năng gây ra những ham muốn không lành mạnh, hoặc có thể động viên các tín đồ hãy cầu nguyện hoặc thiền định để vượt qua những ham muốn đó.
Những ai gia nhập một tôn giáo thường được thúc đẩy bởi ham muốn. Một số người tham gia vì họ muốn khiến cho khoảng thời gian của họ trên thế gian này trở nên dễ chịu hơn. Họ có thể tìm kiếm sự an ủi tâm linh, muốn nhận được sự chấp nhận xã hội từ những người hàng xóm của họ, hay mơ mộng về đám cưới được tổ chức tại nhà thờ. Những người khác thì tham gia vì họ muốn kiếp sau của họ trở nên dễ chịu hơn: họ thích được hưởng niềm hạnh phúc vô tận nơi thiên đường hơn là nỗi khổ đau khôn tả ở địa ngục. (Cần nói thêm rằng ham muốn được sống mãi mãi trên thiên đường là một biểu hiện nữa của tính tham lam vô độ của con người. Đối với hầu hết mọi người, một cuộc đời thỏa mãn nơi trần thế đơn giản là chưa đủ; thay vào đó họ kiếm tìm một khoảng thời gian vô hạn của sự thỏa mãn bất tận, mặc dù còn chưa rõ ràng, như chúng ta sẽ thấy, liệu thiên đường có thỏa mãn được họ hay không).
Mục tiêu của tôi trong chương này và chương sau không phải là tán thành với bất kỳ tôn giáo và lời khuyên nào về vấn đề ham muốn. Chẳng hạn, tôi sẽ không tranh luận rằng Cơ Đốc giáo có phải là một tôn giáo thực sự hay không. Tôi cũng sẽ không cho rằng Cơ đốc giáo đưa ra một giải pháp tốt hơn Phật giáo về vấn đề ham muốn. (Một số người cho rằng Phật giáo là một “con đường giải thoát” hơn là một tôn giáo, nhưng vì mục đích của bài thảo luận này mà việc gộp nó cùng với các tôn giáo thì sẽ phù hợp hơn). Thay vào đó, mục tiêu của tôi là khám phá một loạt những lời khuyên từ các tôn giáo về vấn đề ham muốn.
Tôi đã mô tả về cuộc khủng hoảng ham muốn của Siddhartha. Ngài đã từ bỏ một lối sống xa hoa để lên đường tìm kiếm điều mang lại cho Ngài sự thỏa mãn hơn. Sau khi rời cung điện, Ngài đã đến thăm hai hiền triết, hy vọng rằng bằng cách ấy, Ngài có thể đạt được sự giác ngộ, nhưng họ không có thứ mà Ngài đang tìm kiếm. Sau đó, Siddhartha đến sống cùng với năm tu sĩ khổ hạnh và dành 6 năm thực hành cuộc sống khổ hạnh nghiêm ngặt nhất có thể. Ngài đã tước đi của bản thân một cách có hệ thống những lạc thú mà cuộc đời này mang lai. Ngài không chỉ nhịn ăn mà còn cố gắng giảm xuống tới mức mỗi ngày chỉ ăn một hạt gai dầu. Cuối cùng, cơ thể Ngài giống như một nhánh cây khô héo, nhưng Ngài phát hiện thấy việc từ bỏ những lạc thú trần tục không hề dập tắt được ham muốn hay dẫn đến sự giác ngộ mà Ngài mưu cầu. Ngài đã rời bỏ những tu sĩ khổ hạnh và bắt đầu những chuyến độc hành.
Ít lâu sau, trong khi đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, sự giác ngộ chợt đến với Ngài: “Hẳn rằng nếu chúng sinh tự nhìn thấy kết quả của tất cả các hành động xấu ác mình đã làm, họ sẽ thấy kinh hãi mà tránh xa chúng. Nhưng bản ngã đã che mắt họ, và họ cứ bám chặt vào những ham muốn độc hại của mình. Họ ham muốn khoái lạc cho bản thân và gây ra đau khổ cho người khác; khi cái chết mang họ đi, họ không tìm thấy sự bình thản; lòng khao khát sống của họ vẫn tồn tại mãi và bản ngã của họ vẫn nối tiếp ở những kiếp sau. Vì vậy, họ tiếp tục bị cuốn đi và không thể tìm ra lối thoát khỏi địa ngục do chính họ tạo ra. Và những khoái lạc của họ mới trống rỗng làm sao, những cố gắng của họ mới hoài công vô ích làm sao! Trống rỗng như cây chuối và vô nghĩa như bong bóng. Thế giới này đầy rẫy điều xấu xa và buồn phiền, bởi vì nó ngập ngụa dục vọng.”1Cách tốt nhất để chấm dứt những điều xấu ác và buồn phiền của thế giới là hãy vượt qua ham muốn. Khi nhận ra điều này, Siddhartha trở thành Phật, một bậc giác ngộ.
1. Carus, 39–40.
Hiểu biết sâu sắc của Đức Phật thường được trình bày dưới dạng Tứ diệu đế (Bốn sự thật cao quý). Sự thật cao quý đầu tiên đó là cuộc đời là bể khổ, và không chỉ đau khổ thể xác mà quan trọng hơn là nỗi đau khổ tinh thần. Học giả Phật giáo Tỳ Kheo Bodhi mô tả nó giống như cảm giác rằng cuộc sống của chúng ta là bất toại nguyện – một cảm giác “quanh quẩn ở rìa ý thức của chúng ta như một thứ cảm giác mơ hồ, không rõ ràng rằng mọi việc sẽ không bao giờ hoàn hảo, không bao giờ hoàn toàn tương xứng với những kỳ vọng của chúng ta về chúng.”2 Sự thật cao quý thứ hai đó là ham muốn và vô minh gây ra đau khổ. Vì ham muốn nên chúng ta cảm thấy bất mãn và do đó kéo theo cảm giác ganh tỵ, căm ghét và tức giận; vì sự vô minh mà chúng ta không nhận ra ham muốn là nguyên nhân gây ra sầu khổ cho ta. Sự thật cao quý thứ ba đó là bằng cách vượt qua ham muốn và có được sự khôn ngoan mà chúng ta có thể thoát khỏi khổ đau. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể đạt được sự khôn ngoan? Hiểu về nguồn gốc của khổ đau vẫn là chưa đủ bởi khoái lạc bắt nguồn từ việc thỏa mãn các ham muốn mãnh liệt đến mức chúng sẽ khiến chúng ta sớm quên đi bất kỳ bài học nào chúng ta đã học được. Thay vào đó, chúng ta phải nghĩ ra một chiến lược để ứng phó với ham muốn. Chiến lược này được nêu lên trong Sự thật cao quý thứ tư của Đức Phật, cho chúng ta biết rằng, cách tốt nhất để ứng phó với ham muốn là đi theo Bát Chánh đạo.
2. Bodhi, 6–7.
Như chúng ta đã thấy, Đức Phật đã thử nghiệm và khước từ chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa khổ hạnh; thay vào đó, Ngài khuyên chúng ta đi theo con đường trung đạo. “[Người Giác Ngộ] không kiếm tìm sự cứu rỗi trong khổ hạnh, nhưng cũng vì lý do đó mà ông ta cũng không đắm mình trong những lạc thú thế gian, cũng như không sống trong sự dư dật thừa mứa. [Người Giác Ngộ] đã tìm thấy con đường trung đạo… Có hai thái cực mà người đã từ bỏ thế tục không nên đi theo. Một mặt, đó là thói quen buông thả vốn đáng khinh, phù phiếm và chỉ dành cho người thích vật chất, thích những thứ trần tục và mặt khác, đó là thói quen tự hành xác, vốn đau đớn, vô ích và không có lợi.”1 Ngài bênh vực cho sự khước từ chủ nghĩa khổ hạnh của ngài bằng cách lập luận rằng một người “thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống không phải là điều xấu xa. Giữ cho thân thể khỏe mạnh là một bổn phận, vì nếu không thì chúng ta sẽ không thể tô điểm cho ngọn đèn trí tuệ và giữ tâm trí được vững vàng và sáng suốt”.2
1. Carus, 49.
2. Carus, 50–51.
Lời khuyên này làm dấy lên một mối quan tâm mới. Nếu chúng ta thừa nhận những ham muốn của mình thì chẳng phải là chúng ta đang làm tăng khả năng sa ngã trước chúng hay sao? Chẳng phải lời khuyên rằng nên đi theo con đường trung đạo gần giống lời khuyên một người nghiện rượu không cần bỏ hẳn đồ uống có cồn mà nên giảm xuống còn sáu lon bia một ngày ư? Như vậy thì chẳng phải theo lời khuyên này, anh ta sẽ lại bị dẫn dắt trở lại vào một dạng nghiện rượu không thể kiểm soát nổi hay sao? Đức Phật nhận ra những nguy hiểm vốn có trong việc thừa nhận những ham muốn của chúng ta. Do đó, Ngài đã đưa cho chúng ta một phương tiện sống Bát Chánh Đạo mà Ngài cho rằng sẽ cho phép chúng ta thỏa mãn một cách có chọn lọc những ham muốn mà ta không chịu khuất phục trước chúng.
Thật dễ dàng để nêu ra các phương diện của Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Tuy nhiên, chính xác thì những gì có liên quan đến việc tuân theo Bát Chánh Đạo vẫn còn để ngỏ cho những lời luận giải.
Theo Bodhi (Giác ngộ), chánh kiến bao gồm sự hiểu biết đúng về Bốn sự thật cao quý.1 Chánh tư duy phần nào bao gồm sự từ bỏ ham muốn: “Đường lối của thế giới này là con đường của ham muốn, và những người chưa chứng ngộ đi theo con đường này sẽ bị cuốn theo dòng dục vọng, tìm kiếm hạnh phúc bằng cách theo đuổi những đối tượng mà họ tưởng tượng là họ sẽ tìm thấy sự thỏa mãn.”2 Nhưng theo Đức Phật, thế giới đang nhầm lẫn về điểm này: “Người ta có thể cưỡng lại sự lôi kéo của ham muốn và cuối cùng sẽ từ bỏ được nó”, và lý do tại sao chúng ta nên vượt qua những ham muốn của mình không phải vì chúng sai trái về mặt đạo đức, mà vì chúng ta sẽ chịu đau khổ cho đến khi nào ta vượt qua được chúng.3 Làm cách nào ta có thể chiến thắng được ham muốn? Theo Bodhi, không phải bằng cách kìm nén những ham muốn của chúng ta, mà bằng cách “thay đổi quan điểm của chúng ta về chúng để chúng không trói buộc được ta nữa. Khi chúng ta hiểu được bản chất của ham muốn, khi chúng ta tìm hiểu kỹ về nó với sự chăm chú quan sát thì ham muốn sẽ tự động tan biến, mà ta không cần phải gắng sức.”4 Ngài nói rằng: một khi chúng ta hiểu được ham muốn thì “những chấp trước bị rụng xuống như lá cây, một cách tự nhiên và tất yếu.”5
1. Bodhi, vii.
2. Bodhi, 33.
3. Bodhi, 33.
4. Bodhi, 34.
5. Bodhi, 36.
Bodhi coi Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là những phương pháp hỗ trợ thanh tẩy tâm hồn. Chánh ngữ bao gồm không nói dối hay nói những điều nhằm mục đích gây đau khổ cho người khác, Chánh nghiệp bao gồm không trộm cắp hay tà dâm và Chánh mạng bao gồm không sát hại động vật hay bán những chất gây nghiện/chất kích thích. Chánh tinh tấn là nỗ lực giữ cho tâm trí chúng ta không còn những suy nghĩ bất thiện, trong đó nổi bật nhất là “năm trở ngại”: ham muốn xác thịt, tà tâm, sự đần độn và tình trạng uể oải, sự bồn chồn và lo lắng, và sự hoài nghi. Bằng việc sử dụng các kỹ thuật tâm lý khác nhau, chúng ta có thể loại bỏ những suy nghĩ bất thiện. Một trong số các kỹ thuật đó là loại bỏ một suy nghĩ bất thiện bằng suy nghĩ đối lập (tức suy nghĩ thiện lành). Nếu một cơn tham lam đang khởi lên trong lòng bạn thì hãy ép bản thân mình nghĩ đến những hành động hào phóng, rộng rãi. Vì những suy nghĩ trái ngược nhau không thể nào cùng một lúc xâm chiếm trong tâm trí nên suy nghĩ bất thiện sẽ bị trục xuất.1
1. Bodhi, 32, 69.
Để hiểu rõ hơn về quá trình thay thế suy nghĩ này, hãy xem xét phép ẩn dụ sau của Bodhi. Trong việc xây cất khung gỗ, ngôi nhà được giữ chặt với nhau không phải bằng đinh mà là bằng các chốt gỗ. Thỉnh thoảng, một chốt gỗ sẽ bị mục nát trong cột kèo, vì thế mà đe dọa đến sự toàn vẹn của ngôi nhà. Phương án giải quyết hiển nhiên là bỏ những chốt gỗ cũ, sau khi lôi nó ra và thay vào một cái chốt mới. Vấn đề là ngay sau khi cái chốt cũ bị lấy ra, cột kèo có thể bị rơi xuống và kéo đổ phần còn lại của ngôi nhà. Giải pháp khó nhận thấy hơn nhưng lại hiệu quả là dùng một cái chốt mới để đẩy cái chốt cũ ra. Theo cách tương tự, chúng ta có thể dùng một ý nghĩ mới để đánh đuổi một ý nghĩ cũ, bất thiện.2
2. Bodhi, 69.
Giả sử, chúng ta thấy mình đang khốn khổ vì những ham muốn xác thịt. Chúng ta có thể tìm cách đè nén chúng, song những nỗ lực của chúng ta có lẽ sẽ thất bại. Bodhi chỉ ra rằng: “Sự đè nén không giải quyết được vấn đề mà chỉ đẩy nó xuống dưới, nơi mà nó tiếp tục phát triển.”3 Do đó, các Phật tử đã phát triển những kỹ thuật để ứng phó với những ý nghĩ tình dục bất thiện. Một Phật tử khi bị quấy rầy bởi những ý nghĩ như vậy có thể thiền về cơ thể con người và trong quá trình này sẽ chăm chú vào bản chất tầm thường của nó: đừng nghĩ về bộ ngực đầy đặn và mái tóc màu nâu vàng nhạt của cô gái; thay vào đó, hãy nghĩ về phổi, phân, đờm, mủ, nước bọt hay bất kỳ bộ phận nào trong số 27 bộ phận cơ thể khác mà các kinh văn Phật giáo khuyến khích chúng ta nên hướng sự chú ý đến. Theo Bodhi, cách thiền này cho thấy, mặc dù một cơ thể trông có vẻ đẹp đẽ thì vẻ đẹp này là một ảo tưởng – những bộ phận cấu thành nên cơ thể là bất kỳ điều gì ngoại trừ vẻ đẹp. (Mục đích của bài thiền này không phải để gây ra ác cảm và sự ghê tởm mà là nhắc nhở chúng ta buông xả, dập tắt ngọn lửa dục vọng bằng cách cắt bỏ nguồn nhiên liệu của nó”.) Và nếu điều này vẫn không chấm dứt được những suy nghĩ bất thiện của chúng ta thì chúng ta có thể thực hiện một “bài thiền nghĩa trang” và mường tượng về cơ thể con người đang trong các giai đoạn phân hủy khác nhau.4
3. Bodhi, 34.
4. Bodhi, 83–85.
Hai thành phần còn lại của Bát Chánh Đạo là Chánh niệm và Chánh định. Chánh niệm bao gồm một kiểu chú tâm hay ý thức về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta và xung quanh ta. Chúng ta ghi nhận thế giới khi nó đến mà không cần phải liên tục tìm cách diễn giải nó. Do đó Chánh niệm liên quan đến việc không suy nghĩ, không đánh giá, liên tưởng, lên kế hoạch, tưởng tượng hay mơ ước. Vì những ý tưởng gắn với những hoạt động liên quan hoặc làm nảy sinh ham muốn. Chánh định bao gồm suy nghĩ tập trung, cân bằng, có thể được phát triển thông qua thực hành thiền định. Và thiền định cần phải thực hành nhiều, vì Đức Phật nói rằng: tâm trí của chúng ta giống như một con cá đang vùng quẫy trên cạn, nó không thể định lại ở một ý tưởng trong một thời gian mà sẽ sớm bị phân tâm bởi những ý tưởng khác.5 Nổi bật nhất trong số những thứ gây phân tâm đó là những ham muốn tự động nảy sinh trong đầu chúng ta. Một điều mà chúng ta đạt được nhờ thực hành thiền định là sự thấu suốt về cách thức mà các ham muốn phát sinh trong ta. Theo các Phật tử, hiểu biết sâu sắc này giúp chúng ta làm chủ ham muốn của mình một cách dễ dàng hơn.
5. Bodhi, 94.
Do đó, làm theo Bát Chánh Đạo là chấp nhận một lối sống nhất định. Điều này không có nghĩa là những ai tuân theo lối sống này sẽ ngay lập tức được chuyển hóa – tức làm chủ được những ham muốn của họ. Thực tế là nếu họ tiếp tục theo đuổi Bát Chánh Đạo trong nhiều năm hay nhiều thập kỷ thì họ sẽ dần dần thay đổi. Đây là một trong những hiểu biết quan trọng nhất của Phật giáo: không có phương thuốc chữa trị tức thì cho những ham muốn ngoài ý muốn. Trái lại, vượt qua ham muốn là một quá trình diễn ra chậm chạp, lâu dài, và những người tham gia vào quá trình này sẽ định kỳ gặp phải thất bại. Phật giáo không chỉ lường trước được những thất bại này mà còn cung cấp cho các tín đồ các kỹ thuật để ứng phó với chúng.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của Bát Chánh Đạo là bản chất thực tiễn và đời thường của nó – một người có thể đi theo Bát Chánh Đạo mà không cần phải trở thành nhà sư. Hãy xem xét câu chuyện về Anathapindika, một người đàn ông “giàu có đến mức không đong đếm nổi.” Ông ta đến gặp Đức Phật và giải thích về hoàn cảnh của mình: “Cuộc đời tôi luôn tất bật với công việc và đã tạo nên một khối tài sản lớn, vây quanh tôi là những sự ràng buộc. Nhưng tôi yêu thích công việc của mình và hết lòng chuyên tâm vào công việc. Nhiều người đang làm việc cho tôi và phụ thuộc vào sự thành công của việc kinh doanh của tôi.” Câu hỏi của ông ta dành cho Đức Phật là: “Lẽ nào tôi phải từ bỏ sự giàu có, nhà cửa và công việc kinh doanh, để trở thành kẻ vô gia cư thì mới đạt được phúc lạc của một cuộc đời tu trì hay sao?” Phật đáp: “Phúc lạc của một cuộc đời tu trì có thể đạt được bởi tất cả những ai đi theo con đường Bát Chánh Đạo cao quý. Kẻ nào bám chặt vào của cải thì nên vứt bỏ nó hơn là để lòng y bị nhiễm độc bởi nó; nhưng ai không tham của cải và sở hữu của cải, sử dụng chúng một cách đúng đắn thì sẽ là một phước lành cho đồng loại của anh ta. Không phải cuộc sống và của cải, quyền lực biến con người thành nô lệ, mà chính bởi sự bám chấp vào cuộc sống và của cải, quyền lực.”1
1. Carus, 72–74.
Và phần thưởng của việc thành công khi tuân theo Bát Chánh Đạo là gì? Đó là sự bình thản.
Thiền tông đại diện cho sự kết hợp giữa Phật giáo và Đạo giáo. Vì lý do này mà Thiền tông chứa đựng các yếu tố của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Các Phật tử Thiền tông bổ sung một số kỹ thuật vào lối sống Phật tử – việc thực hành mà họ tin là sẽ giúp tăng cơ hội giác ngộ. Vấn đề đối với việc viết về Thiền tông, cũng như Đạo giáo, là sự hạn chế về ngôn từ. Các thiền sư có một sự hoài nghi sâu sắc đối với ngôn ngữ và cho rằng những sự thật của Thiền tông không thể nào biểu đạt bằng ngôn từ. Yêu cầu một thiền sư giải thích ý nghĩa của Phật giáo, và ông ấy có thể đáp lại bằng cách dùng gậy đánh bạn.2 Quả thật, nếu có ai đó nói với bạn về ý nghĩa nội tại của Thiền tông thì khả năng cao anh ta là một kẻ mạo danh, vì trong Thiền tông, cũng như trong Đạo giáo: “Người biết không nói và người nói không biết.”3 Để khiến người ta hoang mang thêm, Thiền tông lại còn có nhiều trường phái khác nhau. Trong một thiền phái, một thiền sư có thể cắt đôi một con mèo để minh họa cho một luận điểm; trong thiền phái khác thì một hành động như thế sẽ là điều không thể tưởng tượng nổi.4 Ngay cả những nhà thần bí Cơ đốc giáo như Thánh John of the Cross (Người mang Thập tự) còn dễ tiếp cận hơn các thiền sư.
2. Watson, xiii.
3. Lão Tử, đoạn LVI.
4. Goldberg, Long Quiet Highway, 146–48.
Để hiểu được Thiền tông, người ta phải học nó, mà học về nó thì chẳng dễ dàng. Chẳng hạn, một môn đồ điển hình của Thiền tông sẽ thực hành tọa thiền, một phương pháp thiền mà anh ta phải ngồi yên hàng giờ liền với tâm trí trống rỗng nhất có thể. Nếu anh ta ngủ gục trong lúc đang ngồi như vậy, vị thiền sư của anh ta có thể dùng gậy đánh anh ta và hét vào mặt để anh ta tỉnh dậy. Còn lúc không tọa thiền thì anh ta có thể tham dự một bài giảng Thiền tông: “Núi là núi. Núi không phải là núi. Núi là núi.”1 Và bất chấp những điều đó, như một hoạt động nền tảng, thiền sinh Thiền tông có thể cố gắng “giải” một công án, chẳng hạn như “Âm thanh của một bàn tay là gì?” hay “Khuôn mặt ban đầu của bạn trước khi bạn được sinh ra là gì?” Không có một lời giải nào cho những câu đố này. Đúng hơn là, bạn “qua được” công án khi thiền sư cho rằng bạn đã thực sự hiểu được câu hỏi – tới lúc đó bạn sẽ được giao cho một công án khác để giải. (Ở một số trường phái Thiền tông khác, các nhà sư dành 30 năm để giải 50 công án). Thiền tông xét về nghĩa thông thường thì hoàn toàn phi logic – hoặc siêu logic, nói như vậy thì đúng hơn. Để hiểu được Thiền tông thì bạn phải sống trong thiền.
1. Goldberg, Long Quiet Highway, 109.
Điều này đưa chúng ta đến một nghịch lý quan trọng của ham muốn. Trong phần lớn cuộc đời, cách để đạt được thứ gì đó là chủ tâm biến nó thành mục tiêu của chúng ta rồi sau đó cố gắng để đạt được nó. Nhưng nếu mục tiêu của chúng ta là giải thoát bản thân khỏi vòng kiểm soát của ham muốn thì kỹ thuật này sẽ vô tác dụng. Trong quá trình ham muốn mãnh liệt để trở nên không còn ham muốn nữa, chúng ta tạo ra một ham muốn mới cho bản thân, và điều này đưa chúng ta, nếu có, đi xa khỏi mục tiêu là vượt qua ham muốn. (Có câu chuyện về một thiền sinh tìm đến một ngôi đền và hỏi rằng anh ta sẽ mất bao lâu để đạt tới giác ngộ nếu anh ta tham gia cộng đồng. “Mười năm,” thiền sư đáp. “Vâng, còn nếu tôi thực sự cố gắng và tăng gấp đôi nỗ lực của mình thì sao?” Câu trả lời là: “Hai mươi năm”).1 Điều này gợi ý rằng chúng ta cần sử dụng một kỹ thuật hoàn toàn khác biệt nếu muốn chiến thắng ham muốn.
1. Kornfield, 98–99.
Thực hành Thiền tông được cho là giúp chúng ta vượt qua ham muốn nhưng lại không mang tham vọng rằng chúng ta sẽ vượt qua được ham muốn. Thiền tông khuyến khích chúng ta làm việc gì đó mà không có mối quan hệ rõ ràng với việc chiến thắng ham muốn. Họ tin rằng trong lúc thực hành, chúng ta sẽ sao nhãng khỏi ham muốn và đạt được trạng thái tỉnh thức, lúc này chúng ta sẽ vô tình chạm được khoảnh khắc giác ngộ, cho phép chúng ta làm chủ ham muốn mà ta không mong cầu trước đó. Theo một thiền sư: “Đạt đến giác ngộ là một sự tình cờ. Thực hành tâm linh chỉ đơn giản là làm cho chúng ta dễ gặp phải sự tình cờ này.”2 Bởi lý do này mà thực hành Thiền tông có thể bao gồm việc dành những năm tháng của cuộc đời để giải những công án hay tập tọa thiền. Nó cũng có thể bao gồm cả những công việc thường nhật của chúng ta, thổi sáo, bắn cung hay biểu diễn trà đạo – những việc không phải là chủ tâm tìm kiếm sự giác ngộ.
2. Kornfield, 98.
Vì các Phật tử Thiền tông không trực tiếp tìm kiếm sự giác ngộ nên họ có thể trải nghiệm được sự giác ngộ một cách tự phát mà không trải qua việc thực hành Thiền tông. Hơn nữa, trải qua việc thực hành Thiền tông cũng không đảm bảo rằng họ sẽ đạt tới giác ngộ. Để minh họa, hãy xem xét câu chuyện về Hui-neng, một nông dân mù chữ tìm đến một tu viện với hy vọng trở thành một thầy tu, nhưng vì địa vị xã hội thấp kém của mình mà anh ta được đưa vào làm việc trong nhà bếp. Tuy nhiên, vị sư tổ của tu viện đã nhận ra trạng thái giác ngộ của Hui-neng, và đến lúc chỉ định người kế vị, ông đã chọn người phụ bếp này thay vì các nhà sư. (Ông cũng khuyên Hui-neng lên núi để lánh mặt một thời gian vì các nhà sư sẽ không vui trước việc ông là người được chọn).1
1. Watts, 91–92.
Điều mà các Phật tử Thiền tông “kiếm tìm” (có lẽ vậy) là sự giác ngộ, một khoảnh khắc mà sự phù phiếm của ham muốn trở nên sâu sắc và rõ ràng theo bản năng. Khoảnh khắc này được gọi là tun wu trong tiếng Trung Quốc và satori trong tiếng Nhật. Alan Watts mô tả về giác ngộ như một khoảnh khắc “con người hiểu được rõ ràng rằng mọi hành động có chủ ý – những ham muốn, lý tưởng, mưu mô – đều hoài công vô ích.” Đó là một khoảnh khắc mà một người “nhìn ra sự bám chấp của anh ta vào thế giới này là dây thòng lọng trói chặt ở cổ, sự bám chấp là thứ cướp đi của anh ta cuộc sống mà anh ta hằng ao ước đạt được. Và chẳng có cách nào thoát ra, chẳng có cách nào chối bỏ, chẳng có cách nào thông qua nỗ lực của anh ta, bằng một quyết định của ý muốn.” Đó là một khoảnh khắc mà “ý thức của ta về cái bẫy không thể thoát ra, trong đó ta là kẻ gài bẫy và cũng là người vướng bẫy, đạt đến điểm rạn vỡ. Người ta có thể gọi đó là “tu thành chính quả”. Trong khoảnh khắc này, mọi cảm giác ràng buộc đều tiêu tan, và chiếc vỏ kén quanh người con tằm mở ra để nó tung cánh bay như một con bướm đêm. Những mưu mô, lý tưởng, tham vọng và lợi dưỡng không còn cần thiết nữa, vì bây giờ người đó có thể sống một cách tự nhiên thanh thoát mà không cần phải cố gắng để trở nên tự nhiên thanh thoát.”2
2. Watts, 65–66.
Khoảnh khắc giác ngộ có thể đến vào lúc bạn ít ngờ tới nhất. Đôi lúc sự xuất hiện của nó thật là thơ mộng: vào một đêm hè năm 1420, một nhà sư 26 tuổi có tên Ikkyu đang ngồi trên một chiếc thuyền tại hồ Biwa, và tiếng gáy của một con quạ đã kích hoạt khoảnh khắc giác ngộ của nhà sư. Người ta cũng đạt được giác ngộ nhờ lắng nghe âm thanh tuyết rơi nhẹ,1 trong lúc dọn dẹp sau bữa ăn sáng,2 hay bị đánh bất tỉnh,3 và bị sét đánh.4 (Trong trường hợp cuối này, người đó đã giác ngộ theo nghĩa đen).
1. Stevens, 70.
2. Stevens, 84.
3. Stevens, 68–69.
4. Stevens, 81.
Đôi khi, khoảnh khắc giác ngộ thật khủng khiếp. Theo một câu chuyện Thiền tông, nhà sư Thần Quang đang ngồi thiền bên ngoài hang động của Bồ Đề Đạt Ma, với hy vọng rằng ngài sẽ chỉ dạy cho mình, nhưng Bồ Đề Đạt Ma cứ một mực từ chối. Tuyết bắt đầu rơi và Thần Quang vẫn ngồi thiền. Cuối cùng, trong cơn tuyệt vọng, Thần Quang đã chặt luôn tay trái của mình và đưa nó cho Bồ Đề Đạt Ma, Ngài rốt cuộc cũng chú ý đến ông. Ngài hỏi Thần Quang muốn điều gì.
“Con muốn được an tâm.” Ông đáp.
“Đem tâm ra đây ta an cho.” Bồ Đề Đạt Ma nói.
“Nhưng con không tìm thấy tâm.” Thần Quang đáp.
Bồ Đề Đạt Ma đã đáp rằng: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi đấy.”
Điều này đã kích hoạt khoảnh khắc thức tỉnh của Thần Quang. Theo Alan Watts, nó cũng có thể là trường hợp đầu tiên của việc sử dụng câu hỏi và câu trả lời như một phương pháp giảng dạy trong Thiền tông.5
5. Watts, 87.
Người đã giác ngộ tránh được nhiều lo lắng của việc ra quyết định. Anh ta có thể đưa ra quyết định, như Watts mô tả là “trong nháy mắt.”1 Cuộc sống trở nên đơn giản, các hành động mất đi sự màu mè, giả tạo. Đây là cách mà Watts mô tả về một cuộc đời đã chứng ngộ: “Tôi cảm thấy mình đang sống ở một thế giới mới mà trong đó, rõ ràng là tôi vẫn luôn sống. Ngay khi tôi nhận ra hành động tự nguyện và có mục đích của mình khởi phát một cách tự nhiên, giống như hít thở, nghe và cảm nhận, tôi không còn bị kẹt trong mâu thuẫn của việc cố gắng trở nên tự nhiên.” Thế giới mới này có “một sự minh bạch lạ thường hay thoát khỏi các rào cản,” và cư dân của nó – người đã đạt được chứng ngộ – đi đến cảm giác như “khoảng trống mà tất cả mọi thứ đang diễn ra”.2
1. Watts, 141.
2. Watts, 144.
Sự giác ngộ cũng cho phép sự lựa chọn ngoài mong đợi, theo Watts: “Việc tu tập Thiền tông phần lớn là buộc Phật tử phải đối mặt với những vấn đề nan giải mà họ được kỳ vọng tự xử lý mà không dừng lại để cân nhắc kỹ càng và chọn lựa.” Mục tiêu của các thiền sư phái Thiền tông là thay thế suy nghĩ có ý thức bằng hoạt động tự phát và đưa ra một lựa chọn để thực hiện nó một cách toàn tâm toàn ý.3
3. Watts, 148–51.
Một phần thưởng khác của sự giác ngộ đó là khả năng tận hưởng từng khoảnh khắc. Đối với hầu hết mọi người, khả năng này không đến một cách tự nhiên, bởi vì chúng ta được thiết lập về mặt sinh học để dành khoảnh khắc hiện tại cho việc nghĩ đến những khoảnh khắc trong tương lai. (Thời nguyên thuỷ, những người dành thời gian để trầm tĩnh chiêm nghiệm về hiện tại theo phong cách giống như Thiền tông thì ít có khả năng tồn tại và sinh sản hơn những người dành khoảnh khắc hiện tại để nghĩ về con sư tử ở đằng xa và lo lắng về bữa ăn tiếp theo lấy từ đâu). Sự chứng ngộ Thiền tông được cho là ban cho chúng ta một khả năng lạ thường để sống trong từng khoảnh khắc.
Đối với đa số mọi người, hiện tại đại diện cho một lát cắt cực nhỏ trong sự vô tận của thời gian. Còn đối với một người đã chứng ngộ thì khoảnh khắc hiện tại là tất cả những gì chúng ta có thể biết hoặc trải nghiệm. Chúng ta đang bị kẹt trong khoảnh khắc hiện tại, trong một hiện tại vĩnh hằng. Quá khứ và tương lai chỉ được biết đến nhờ suy luận. Vì người giác ngộ có khả năng sống trong khoảnh khắc hiện tại nên anh ta có thể trải nghiệm được vẻ đẹp và điều kỳ diệu đáng kinh ngạc ngay cả trong những khoảnh khắc bình thường nhất. Người chưa chứng ngộ thì không thể có được khả năng này.
Ví dụ, khi một người chưa chứng ngộ đang bị tắc đường, anh ta có thể sẽ ngồi trong xe với tâm trạng rối bời. Anh ta có thể lo lắng về tình trạng bị kẹt xe và tất nhiên đó là nỗi lo vô ích, vì anh ta chẳng thể làm được gì để thoát khỏi nó. Anh ta có thể nghĩ đến những việc mình phải làm khi đến văn phòng và cảm giác thật tuyệt vời khi được về nhà vào buổi chiều. Trong cùng một hoàn cảnh, người đã giác ngộ có thể ngắm nhìn bầu trời. Bầu trời không chỉ có màu xanh mà còn là màu xanh tuyệt đẹp thay đổi trong từng giờ, và nó thường có đầy những đám mây nhiều hình dạng, màu sắc và kết cấu luôn biến đổi. Còn nếu bầu trời u ám với những đám mây mù xám xịt thì anh ta có thể nhìn ngắm làn khói bay lên từ những ống pô xe ô tô trước mặt – những làn khói cuồn cuộn rồi sau đó tan biến và hư vô. Nếu trời mưa, anh ta có thể nghiên cứu cách mà những giọt mưa trên tấm kính chắn gió hòa vào nhau và chảy xuống theo những lối đi không đều. Quả thật, anh ta thậm có thể ngắm tấm kính chắn gió của xe: thật kỳ diệu làm sao khi một vật chất vừa chắn được gió vừa truyền ánh sáng! Con người đã chứng ngộ này sẽ trở thành một bậc thầy về hưởng thụ kín đáo, so với sự hưởng thụ phô bày mà hầu hết chúng ta đều mê say. Trong khi những người lái xe khác quanh anh ta đang cảm thấy buồn chán và lo âu thì người lái xe đã giác ngộ có thể trải nghiệm niềm hỷ lạc.
Khi nghe mô tả này về sự chứng ngộ, một số người sẽ chế giễu người có thể tìm thấy niềm vui khi chăm chú nhìn làn khói bay lên từ ống xả của những chiếc xe hơi đang chặn đường của anh ta. Một người như vậy thật giống như đứa trẻ ngây thơ và tệ hơn thì là một tên ngốc. Họ sẽ thương hại anh ta. Nhưng ai mới đáng thương hại hơn? Một người luôn không cảm thấy thỏa mãn và vì thế, họ phải trải qua những ngày tháng bất mãn chỉ để theo đuổi một hay hai khoảnh khắc thỏa mãn. Một người có thể tìm thấy sự mãn nguyện trong hầu hết những khoảnh khắc tầm thường nhất và vì vậy, tháng ngày của họ tràn đầy những khoảnh khắc thỏa mãn. Nếu thứ mà chúng ta quan tâm là sự thỏa mãn thì chính người đầu tiên mới đáng thương hại; nhưng tôi sẽ lập luận trong chương cuối cùng của cuốn sách này, hầu hết chúng ta không quan tâm đến sự thỏa mãn. Thay vào đó chúng ta chỉ quan tâm đến “thành công”, không chỉ khác biệt với sự thỏa mãn mà còn xung khắc với nó ở mức độ đáng kể.
Cảm giác đạt được sự giác ngộ sẽ như thế nào? Các trường phái Thiền tông khác nhau đưa ra những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Một số trường phái cho rằng một người chỉ có thể giác ngộ được duy nhất một lần; những trường phái khác thì cho rằng một người có thể giác ngộ nhiều lần. Một số trường phái thì nói rằng chỉ có thể có một mức độ giác ngộ – ấy là sự giác ngộ hoàn hảo; những trường phái khác thì lại nói rằng một số sự giác ngộ thì quan trọng hơn những sự giác ngộ khác. Một số trường phái thậm chí còn bác bỏ quan điểm về một khoảnh khắc giác ngộ mà thay vào đó tuyên bố rằng sự giác ngộ có thể diễn ra từ từ.
Điều lạ lùng là khi đạt được giác ngộ, một số cá nhân đã ăn mừng bằng cách lấy một tờ giấy chứng nhận. Chắc chắn là có điều gì đó không giống với Thiền tông khi một người đã chứng ngộ song lại quan tâm đến việc sở hữu một tờ giấy chứng nhận để xác thực cho điều này. Sự chứng ngộ đích thực, theo tưởng tượng của một người, lẽ ra nên khiến một ai đó không còn cần đến những tờ giấy ấy nữa.
Nếu một người đã chứng ngộ thì liệu điều đó có hiển lộ rõ ràng với những người còn lại trong chúng ta không? Liệu anh ta sẽ dành những tháng ngày của đời mình để ngồi ở đó với một vầng hào quang giống như Đức Phật không? Rõ ràng là không. Ikkyu, người đã giác ngộ nhờ sự kích động của tiếng quạ gáy, thích ngồi thiền vào ban ngày và chè chén say sưa trong thị trấn vào ban đêm. Sự giác ngộ dường như không làm giảm đi ham muốn tình dục và sở thích uống rượu mạnh của ông ta; quả thật, ông ấy đã viết về “việc lang thang suốt nhiều năm ở các nhà thổ và cửa hàng bán rượu”.1 Thiền sư Ryokan (1758-1831) cũng có niềm đam mê với rượu mạnh và từng viết về lần ngủ quên đầy yên bình với men say và sự vui vẻ trên một ruộng lúa. Ông cũng thích chơi trò trốn tìm với lũ trẻ con. Tuy nhiên, sự giác ngộ của ông cũng chẳng giúp ông thoát khỏi nỗi đau khổ – Ryokan từng viết về sự cô đơn khiến ông rơi lệ.2
1. Stevens, 55–56.
2. Stevens, 126ff.
Nhà văn Natalie Goldberg đã thực hành Thiền tông trong nhiều năm dưới sự dẫn dắt của một thiền sư – một người mà theo lời của bà là cực kỳ bình thường. Ông ấy đã kết hôn và thích xem tivi. Ông không chỉ thích ăn uống tại các chuỗi nhà hàng mà còn ăn thịt, mặc dù đã phát nguyện độ mọi chúng sanh. Ông đã mua và uống loại rượu rẻ tiền trong bình gallon (3,78 lit).1 Sau khi ông qua đời, Goldberg đã sững sờ khi biết rằng thiền sư của bà không phải là người đã làm chủ được những ham muốn – ông từng ngủ với các thiền sinh của mình.2 Goldberg cũng kể về một thiền sư khác từng đến giảng muộn 2 tiếng đồng hồ. Những thiền sinh kiên nhẫn ngồi đợi thầy thì cho rằng khi bắt họ phải đợi như vậy tức là ông ấy đang muốn dạy cho họ một bài học Thiền tông quan trọng nào đó. Sau này, bà phát hiện ra một lý do khả dĩ khiến ông đến muộn là vì ông nghiện rượu.3 Tóm lại, chỉ bằng việc xem xét những ham muốn mà con người đang phụ thuộc và mức độ mà họ phục tùng chúng, ta khó có thể phân biệt được ai đã chứng ngộ và ai chưa.
1. Goldberg, Long Quiet Highway, 136.
2. Goldberg, “Cuộc phỏng vấn”.
3. Goldberg, Long Quiet Highway, 86.
Tuy nhiên, những trường hợp này không nên bị xem là bằng chứng thực tế để bác bỏ Thiền tông vì không giúp chúng ta làm chủ được những ham muốn của mình. Có thể là các thiền sư nói trên chưa từng đạt được chứng ngộ. Hoặc có thể là họ đã chứng ngộ và việc tận hưởng thế giới sau đó của họ đã thoát khỏi sự ràng buộc của ham muốn. Cơn say rượu hoặc thói dâm đãng của họ có thể mang tính tự phát và “không cần nghĩ ngợi”. (Quả thật, Ikkyu cho rằng hành thiền mà vẫn thọ hưởng dục lạc và rượu sake thì cũng có lý như hành thiền trong rừng sâu núi thẳm).4 Cũng có khả năng là sự chứng ngộ của các thiền sư nói trên, tuy không giúp họ làm chủ được hoàn toàn ham muốn, nhưng cho phép họ làm chủ nó trong khả năng của con người. Phỏng đoán cuối cùng này, nếu đúng thì sẽ là một minh chứng cho thấy sức mạnh của ham muốn.
4. Stevens, 55–56.
Nhà văn và giáo viên thiền Jack Kornfield đã nghiên cứu điều gì xảy đến với con người sau khi họ đạt được chứng ngộ. Điều ông đã phát hiện ra là người giác ngộ vẫn phải giặt quần áo và đổ rác. Họ phải ứng phó với sự đố kỵ của những người xung quanh. Họ vẫn phải đối mặt với chuyện ly hôn, trầm cảm và cái chết của những người thân yêu. Nếu đã là cha mẹ thì họ thậm chí phải đối phó với đứa con cáu kỉnh ở tuổi vị thành niên. (Kornfield viết về một thiền sư có cậu con trai tuổi teen bỏ nhà đi chơi thâu đêm. Khi người cha âu lo chất vấn đứa con trai vào sáng hôm sau, cậu bé mỉa mai đáp: “Cha là một thiền sư và cha hãy nhìn xem mình còn chấp trước như thế nào”).1 Điều khiến những người chứng ngộ trở nên khác biệt là khi họ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, họ làm được như vậy bằng sự hiểu biết thấu suốt đạt được trong quá trình giác ngộ của họ.
1. Kornfield, xviii.
Các tôn giáo lớn trên thế giới như Cơ đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Ấn Độ giáo đều nhận ra tầm quan trọng của ham muốn trong các vấn đề của con người. Ba tôn giáo đầu tiên trong số này – Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo – dùng Kinh Cựu Ước để chứa đựng lời của Chúa. Tất nhiên là Kinh Cựu Ước bắt đầu bằng một câu chuyện cảnh báo về ham muốn, dục vọng và những hậu quả của nó: Eve chưa có mong muốn rõ ràng là ăn trái của loài cây biết điều thiện – ác cho đến khi con rắn đánh thức, hay đúng hơn là ham muốn được tạo ra trong Eva. (Mặc dù kinh Koran lặp lại câu chuyện về Adam và Eve nhưng câu chuyện là Adam bị Satan dụ dỗ).
Một phần ý nghĩa của việc trở thành một con chiên ngoan đạo là kiểm soát được một số ham muốn của bạn. Bốn trong số bảy tội lỗi chết người (đố kỵ, tham ăn, dâm dục và tham lam) có liên quan trực tiếp đến ham muốn, và ba tội lỗi còn lại (lười biếng, thịnh nộ và kiêu ngạo) có thể liên quan gián tiếp đến ham muốn, ví dụ, một người có lẽ nổi cơn thịnh nộ vì họ muốn sự việc khác đi. Điều Răn Thứ Mười rõ ràng kêu gọi chúng ta kiềm chế ham muốn của mình: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa hay bất cứ vật gì của người ta.” Điều quan trọng là lòng tham đã tạo ra danh sách ngắn gồm những hoạt động bị cấm của Chúa rằng tội ác của ham muốn này đáng được nhắc đến cùng với những tội ác như giết người và trộm cắp. (Một lần nữa, nếu chúng ta có thể chiến thắng được sự tham lam của mình thì chúng ta sẽ ít có khả năng phạm phải những tội ác đó).
Trong Cơ đốc giáo, mục tiêu không phải là dập tắt ham muốn, mà là vượt qua một số ham muốn đầy tội lỗi. Ví dụ, một tín đồ Cơ đốc giáo có thể ham muốn chuyện tình dục trong hôn nhân nhưng không ham muốn chuyện ấy ngoài hôn nhân. Làm thế nào các tín đồ Cơ đốc giáo vượt qua được những ham muốn xấu xa của họ? Phương thức chủ yếu là bằng cách cầu nguyện. Ví dụ, một tín đồ Cơ đốc giáo phát hiện thấy trong mình một ham muốn bước vào một cuộc tình bất chính thì có thể cầu nguyện để có sức mạnh đối phó với cám dỗ này.
Chắc chắn là không phải mọi lời cầu nguyện của tín đồ Cơ đốc giáo đều hướng tới việc chiến thắng được ham muốn; quả thật, một số lời cầu nguyện hướng đến việc thỏa mãn bản thân họ. Những lời cầu nguyện có thể mang tính vị tha như một con chiên có thể cầu nguyện cho hòa bình thế giới hay một người bạn đang đau ốm được bình phục. Lời cầu nguyện cũng có thể mang tính ích kỷ như một con chiên có thể cầu nguyện cho đội bóng yêu thích của anh ta chiến thắng giải Super Bowl hay anh ta sẽ trúng xổ số.
Lời cầu nguyện tạ ơn tạo thành một phần quan trọng khác của lời cầu nguyện Cơ đốc giáo. Chẳng hạn, khi người ta nói lời tạ ơn Chúa trong một bữa ăn, họ cảm ơn vì thức ăn mà họ sắp ăn. Nếu những lời cầu nguyện như vậy được thực hiện một cách chân thành và với sự hiểu biết thì chúng có thể ngăn cản người ta khỏi việc xem thường những thứ họ đã có. Nhờ vậy mà có thể gia tăng sự thỏa mãn với cuộc sống như nó vốn đã thế và do đó làm dịu xu hướng hình thành những ham muốn mới của họ.
Chúng ta hãy chú tâm vào những lời cầu nguyện của tín đồ Cơ đốc giáo nhằm ứng phó với những ham muốn ngoài ý muốn. Trong chừng mực nào đó, những lời cầu nguyện có tác dụng giải thoát bản thân khỏi những ham muốn ngoài ý muốn, vậy chúng vận hành như thế nào? Nói cách khác, cơ chế nào mà nhờ đó, lời cầu nguyện có thể dập tắt ham muốn? Có hai cơ chế mà một tín đồ Cơ Đốc giáo có thể chỉ ra. Một số người cho rằng lời cầu nguyện sẽ kích hoạt sự can thiệp siêu nhiên: Chúa gỡ bỏ ham muốn tội lỗi khỏi người đang dâng lời cầu nguyện. Ngài lấy nó ra khỏi tâm trí người đó như cách mà Ngài mang một khối u ra khỏi bộ não của người đó. Những tín đồ Cơ đốc giáo khác thì cho rằng lời cầu nguyện hoạt động bằng cách kích hoạt những quá trình tâm lý giúp dập tắt ham muốn ngoài ý muốn: Không phải Chúa đã loại bỏ ham muốn, mà chính là bản thân họ. Hầu hết các tín đồ Cơ đốc giáo sẽ cho biết thêm rằng các quá trình tâm lý được đề cập có hiệu quả vì người cầu nguyện tin vào Chúa. Có một điểm khác biệt quan trọng giữa một người vô thần tự nhủ với mình nhiều lần trong ngày: “Ước gì mình có thể chế ngự được những khuynh hướng dục vọng của mình.” và một tín đồ Cơ đốc giáo tự nói với bản thân: “Chúa ơi, xin hãy giúp con vượt qua được những ham muốn dục vọng của con.” Cầu khẩn đến một sức mạnh siêu nhiên biến một suy nghĩ ước ao thành một lời cầu nguyện, và có khả năng là những lời cầu nguyện hiệu nghiệm hơn những suy nghĩ mơ mộng. Quả thật, những lời cầu nguyện có thể giúp một tín đồ làm chủ được ham muốn của mình, ngay cả khi hóa ra Đức Chúa, người mà cô ấy hướng những lời cầu nguyện đó đến Ngài, cũng không tồn tại.
Theo nhà thần học ở thế kỷ 16 John Calvin, để một lời cầu nguyện được chân thật thì người dâng lời cầu nguyện phải – theo nghĩa bóng và có thể là cả nghĩa đen – phủ phục trước Chúa. Anh ta “phải từ bỏ mọi suy nghĩ vênh váo, tự đắc, dẹp bỏ mọi ý niệm về giá trị; tóm lại, phải dẹp bỏ mọi sự tự tôn mà khiêm nhường dâng hết vinh quang cho Chúa, không để mình đòi hỏi bất kỳ thứ gì cho bản thân, cho dù là nhỏ nhặt nhất, vì sự tự phụ thấp hèn sẽ bắt anh ta phải quay mặt đi”.1 Khi ấy, cầu nguyện tức là thừa nhận sự bất lực của bạn. (Nếu thứ mà bạn cầu nguyện nằm trong khả năng đạt được thì bạn đã không cần cầu xin nó). Hành động thỉnh cầu, giống như hành động ăn xin, là một trải nghiệm khiêm nhường. Calvin cho rằng sự khiêm nhường là điều quan trọng nếu chúng ta muốn kiểm soát những ham muốn của mình.
1. Calvin, quyển III, chương XX, đoạn 8.
Để hiểu thêm về tác động tâm lý của niềm tin vào một sức mạnh siêu nhiên, hãy xem xét về chứng nghiện rượu và ma túy. Chúng có tiếng là khó mà vượt qua. Một trong những cách thành công nhất để đối phó với chúng là thông qua chương trình 12 bước, và trong 12 bước thì bước quan trọng nhất là một người nghiện phải tin vào sự tồn tại của một sức mạnh siêu nhiên, thứ có thể giúp anh ta chiến thắng được chứng nghiện ngập của mình. Những người trong hội Người cai rượu ẩn danh không cho rằng trên thực tế có tồn tại một sức mạnh siêu nhiên. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng: trừ khi bạn tin vào sự tồn tại của một sức mạnh siêu nhiên thì mới có thể giúp bạn vượt qua chứng nghiện, bằng không, bạn khó mà chiến thắng được nó. Về mặt tâm lý thì chính niềm tin vào một sức mạnh siêu nhiên giúp bạn có được lợi thế. Cầu nguyện không phải là kỹ thuật duy nhất mà qua đó giúp những tín đồ Cơ đốc giáo cố gắng làm chủ ham muốn của họ. Chẳng hạn, tín đồ Cơ đốc giáo thuộc giáo hội Công giáo cũng dùng đến cách xưng tội. Một trong những điều mà một người có thể xưng tội đó là tiết lộ ham muốn tội lỗi của họ. Trên lý thuyết thì bằng cách tiết lộ những ham muốn như vậy trước một người bạn tâm giao đáng tin cậy, bạn làm tăng khả năng dập tắt ham muốn đang nói đến. Một lần nữa, kỹ thuật này dựa trên những hiểu biết tâm lý sâu sắc.
Ngoài việc cung cấp các kỹ thuật nhằm vượt qua những ham muốn bất thiện, Cơ đốc giáo còn mang đến cho người ta một động lực để chiến thắng chúng: Nếu họ làm được vậy thì họ sẽ tăng cơ hội được lên thiên đường.
Khái niệm về thiên đường rất quan trọng đối với những tín đồ Cơ đốc giáo thời kỳ sơ khởi. Họ thấy những người ngoại đạo được hưởng thụ cuộc đời thoải mái, đầy lạc thú, trong khi họ thì bị khinh miệt, bị săn đuổi, bị hành hung, và thường bị đọa đày để sống cuộc đời khốn khổ. Việc Đức Chúa ủng hộ lối sống của họ không mang lại nhiều an ủi. Họ muốn Chúa ban thưởng cho hành động của họ. Cuối cùng, họ muốn mình ở trên những kẻ ngoại đạo một bậc. Bằng không thì tại sao lại trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo?
Cơ đốc giáo có thể cho rằng việc làm chủ được những ham muốn của một người, theo ý Chúa, tự nó đã là phần thưởng. Tuy nhiên, một học thuyết như vậy có lẽ sẽ không đúng với các tín đồ Cơ đốc giáo thời kỳ đầu. Do đó, thay vì hứa hẹn về phần thưởng nơi trần thế, Cơ đốc giáo hứa hẹn về phần thưởng trên thiên đường. Điều đó có thể đúng với khi còn sống trên trần gian, những tín đồ Cơ đốc giáo thời kỳ đầu thường là những người đầy thất vọng khi thấy nhiều ham muốn cơ bản của họ chưa được thỏa mãn. Nhưng bằng cách kiềm chế ham muốn của họ lúc còn sống trên trần thế, họ có thể được phép đặt chân lên thiên đường, nơi mà những ham muốn của họ sẽ được thỏa mãn một cách tuyệt diệu. Sự tồn tại của thiên đường cho phép các tín đồ Cơ đốc giáo thấu hiểu tình trạng bị đày đọa của họ. Vâng, cuộc sống nơi trần thế của họ thật khổ sở. Vâng, cuộc đời họ thường bị rút ngắn. Phải, họ hy sinh theo những cách mà những kẻ ngoại đạo xung quanh không phải làm thế. Nhưng về lâu về dài thì tín đồ Cơ đốc giáo sẽ có được lợi ích lớn.
Trên thiên đường của tín đồ Cơ Đốc giáo, số phận nơi trần thế của con người sẽ đảo ngược: người nghèo thì giàu, còn người giàu thì thành nghèo. Hãy xem xét Lazarus, người nằm trước cửa nhà người giàu với cơ thể đầy những vết loét. Theo Kinh Thánh, khi Lazarus chết, anh ta được lên thiên đường; còn khi người đàn ông giàu có kia chết, ông ta phải xuống địa ngục. Khi người giàu cầu xin lòng thương xót, Abraham ở nơi thiên đường đáp: “Hãy nhớ rằng… tất cả những điều tốt đẹp đã đến với anh lúc còn sống, và mọi thứ xui rủi đổ xuống đầu Lazarus; bây giờ thì anh ta được an ủi ở đây, còn chính anh là người đang chịu thống khổ.”1
1. Luke 16:19–31 (Kinh Thánh tiếng Anh Mới).
Thiên đường là phần thưởng Cơ đốc giáo dành cho hành vi đúng đắn lúc còn sống trên trần thế, vậy thì phần thưởng đó sẽ là gì? Kinh Thánh nói rõ rằng thiên đường là nơi Đức Chúa sống – nơi ngai vàng của Ngài ngự trị và nơi Ngài đáp lại những lời thỉnh cầu. Kinh Thánh cam đoan với chúng ta rằng nếu sống ngay thẳng, chúng ta sẽ được lên thiên đường: “Phúc thay cho ai chịu đựng sự áp bức, hành hạ vì chính nghĩa; Nước Trời là của họ.”2 Và Kinh thánh nói với chúng ta rằng bất cứ ai khôn ngoan đều sẽ muốn lên thiên đường: “Phước cho anh em, khi anh em phải chịu sự lăng mạ và hành hạ cùng đủ mọi lời vu khống vì ta. Hãy chấp nhận điều đó với sự hân hoan và mừng rỡ, vì anh em sẽ có một phần thưởng lớn lao nơi thiên đường.”3 Dù vậy, Kinh Thánh lại gần như không nói gì về thiên đường trông ra sao và do đó, tại sao một ai đó lại muốn được đến đó.
2. Matthew 5:10.
3. Matthew 5:11–12.
Nhà tiên tri Ezekiel tuyên bố là đã nhìn thấy Chúa trên thiên đường. Ông cho biết là Chúa đang ở trên một viên ngọc lam dưới hình dạng một chiếc ngai vàng. Ngài từng có hình dạng con người nhưng nhìn như “đồng thau phát sáng, từ phần hông trở lên, Ngài tựa hồ ngọn lửa cháy rực trong lò. Phần dưới thắt lưng của Ngài thì tựa hồ ngọn lửa có ánh hào quang bao quanh.” Ông tóm tắt: “Tựa như một cầu vồng trên mây vào một ngày mưa là cảnh tượng của ánh hào quang bao quanh đó, nó giống như dáng vẻ của sự vinh hiển của Đức Chúa.”4 Sách Khải Huyền cũng đưa ra một mô tả về thiên đường:5 “Có một ngai vàng, và ngồi trên ngai là một người có vẻ ngoài giống như tia sáng của ngọc thạch anh và đá cornelian, và vòng quanh ngai vàng là một cầu vồng, sáng như một viên ngọc lục bảo.” Phía trước ngai vàng này có bảy ngọn đuốc rực lửa và xung quanh nó là hai mươi bốn trưởng lão mặc áo choàng trắng và đội vương miện vàng, ngồi trên hai mươi bốn chiếc ngai vàng. Trước dãy ngai vàng có bày vô số những chiếc ly.” Những miêu tả này rõ ràng nhằm mục đích gây ấn tượng, và chúng quả thực là gây ấn tượng. Ai lại không thích nhìn thấy một nơi như vậy chứ? Tuy nhiên, người ta sợ rằng nó sẽ giống như việc nhìn thấy các kim tự tháp hoặc thác Niagara: sau khi chiêm ngưỡng chúng trong vài giờ, người ta sẽ trở nên buồn chán. Sự mới lạ biến mất và họ sẽ bắt đầu khao khát được nhìn thấy một cảnh tượng mới. Tất nhiên trên thiên đường, sẽ không còn cảnh tượng nào khác dành cho bạn. Đó sẽ là một cảnh tượng vĩnh hằng. Là phần thưởng đấy!
4. Ezekiel 1.
5. Revelations 4.
Một số tín đồ Cơ đốc thời kỳ đầu không bị ấn tượng bởi hình ảnh này về thiên đường, mà thay vào đó họ nghĩ ra khái niệm về một thiên đường nơi trần thế. Thánh Irenaeus, sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ 2, mô tả về một thiên đường mà ở đó, con người có thể tận hưởng những ân phước vật chất mà họ có thể đã bị tước đoạt khi ở cuộc sống thực tại. Về cơ bản thì thiên đường của ông ấy là một Trái đất mà không có sự thất vọng. Những ai bước vào thiên đường này sẽ giữ lại được thân xác trần tục của họ. Phụ nữ sẽ sinh được tất cả những đứa con mà họ muốn. Khí hậu thì luôn lý tưởng. Rượu và ngũ cốc thì luôn dư thừa. Con người sẽ không cần phải làm việc để có ăn nữa vì Chúa sẽ cung cấp cho họ cao lương mỹ vị. Và sẽ không còn kẻ thù. Động vật hoang dã sẽ nằm dưới sự cai trị của con người. Sẽ không có ai phải chết. Trong thế giới đời thực, người sống ngay thẳng thường không đạt được thứ họ muốn, nhưng ở thiên đường trần gian của Irenaeus thì những mong muốn của người ngay thẳng sẽ được thỏa mãn. Irenaeus rõ ràng tin rằng những ham muốn vật chất của con người là có thể đáp ứng, vì vậy, nếu họ đạt được những thứ họ mong muốn thì họ sẽ sống hạnh phúc.
Sau đó, Giáo hội đã phủ nhận và cuối cùng là cấm quan điểm về một thiên đường trên Trái đất và nói chung là quan niệm về một thiên đường mà con người có thể thỏa mãn các ham muốn trần thế. Họ đưa ra một thiên đường siêu việt, nơi mà con người được trải qua những tháng ngày hạnh phúc và suy ngẫm về Chúa thay vì được thưởng thức mọi thứ bánh mì và rượu. Vào khoảng năm 400 sau Công nguyên, Thánh Augustine đã đưa ra một tưởng tượng như vậy về thiên đường. Ông đã trải nghiệm niềm vui sướng thần bí mà có vẻ như ông được gặp trực tiếp Đức Chúa. Ông nghĩ: chẳng phải sẽ rất tuyệt vời hay sao nếu niềm vui sướng vô ngần này có thể kéo dài vĩnh cửu? Và ông quyết định rằng: đây là cái mà con người sẽ được trải nghiệm ở đó.
Ban đầu Augustine tin rằng cư dân trên thiên đường sẽ không có thân thể. Thay vào đó, họ tồn tại dưới dạng linh hồn và sẽ dành trọn thời gian để chiêm ngưỡng Chúa. Khi làm vậy, họ sẽ tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn; đặc biệt là, họ sẽ không bao giờ biết chán khi nhìn Ngài: “Ngài sẽ là điểm kết thúc của những ham muốn của chúng ta, người mà chúng ta sẽ nhìn mãi nhìn mãi, yêu thương mà không biết chán, ca ngợi mà không biết mệt.”1 (Đối với Augustine, ham muốn được nhìn Chúa vừa mang tính thỏa mãn vừa không bao giờ thỏa mãn nổi).
1. Augustine, City of God, quyển 22, chương 30.
Augustine sau đó đã thay đổi những quan niệm này và nói rằng trên thiên đường, chúng ta có thể gặp gỡ bạn bè và gia đình theo cách thiêng liêng. Cụ thể là: chúng ta sẽ có cơ thể mà ta dùng để giao tiếp với họ. Cơ thể của chúng ta trên thiên đường sẽ được hồi phục, nếu bị bệnh ở trần thế thì chúng ta sẽ vĩnh viễn không bị bệnh trên thiên đường. (Có một ngoại lệ: những người tử vì đạo nếu có sẹo thì phải giữ lại những vết sẹo của họ, như một dạng huy hiệu danh dự vậy). Chúng ta có thể ăn uống, nhưng vì lạc thú chứ không phải vì đói khát. Đồng thời, trong đề án lớn của Augustine, dục vọng sẽ không tồn tại trên thiên đường, và để đảm bảo rằng bản ngã nơi thiên đường của chúng ta sẽ không có dục vọng thì cơ thể được cải tử hoàn sinh của chúng ta sẽ không chính xác về mặt giải phẫu.1
1. McDannell và Lang, 60–63.
Những tín đồ Cơ đốc khác thì đưa ra những khải tượng khác về thiên đường. Điểm chung của những khải tượng này là việc được sống trên thiên đường sẽ là một trải nghiệm thỏa lòng, mặc dù mỗi khải tượng đem đến một phần thưởng khác nhau, và chính bạn sẽ được tận hưởng phần thưởng đó – dù rằng sẽ có những quan niệm khác nhau về bản ngã nơi thiên đường của bạn chính xác sẽ ra sao. Tóm lại, Cơ đốc giáo liên quan đến một cuộc chiến không phải chống lại ham muốn nói chung mà là chống lại một số ham muốn. Phần thưởng cho việc giành chiến thắng trong trận chiến này là một số ham muốn khác sẽ được thỏa mãn, ở mức độ tối đa có thể và luôn vĩnh cửu.
Thánh John of the Cross (1542-1591) là một ngoại lệ quan trọng so với những điều được khái quát ở trên về Cơ đốc giáo. Ông cho rằng một trong những mục tiêu chính của bất kỳ tín đồ Cơ đốc nào ấy là vượt qua được ham muốn: “Hãy khước từ những ham muốn của anh và anh sẽ tìm thấy điều mà con tim anh khát khao.”1 Hơn nữa, dù ông tin vào thiên đường nhưng lại hiếm khi đề cập đến nó. Thay vào đó, ông nhấn mạnh những lợi ích đối với những người đang sống trên trần thế khi chế ngự được ham muốn của họ. Trước hết, họ sẽ tìm thấy sự bình thản, một điều khác và quan trọng hơn là họ sẽ đạt được sự hợp nhất với Chúa trong khi đang còn sống. Bây giờ chúng ta hãy xem xét một số lời khuyên của Thánh John về cách vượt qua ham muốn.
1. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 15.
Thánh John khuyên những ai đang tìm kiếm sự hợp nhất thiêng liêng, không phân biệt là những người mới bắt đầu hay những người tài giỏi, đều phải xoa dịu những ham muốn của họ, và để đạt được điều đó, ông ấy khuyên chúng ta tẩy sạch linh hồn đầy ham muốn, những dính mắc, và tham vọng của mình.2 Theo ông: “Để có được sự thỏa mãn trong mọi sự thì đừng đòi hỏi sự thỏa mãn cụ thể nào. Để có được tất cả thì hãy đừng mong cầu sở hữu một thứ gì.”3 Ông cũng nói thêm rằng: Chúa sẽ thưởng cho linh hồn nào “không còn ham muốn và sở thích nhất thời”.4
2. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 78.
3. Thánh John of the Cross, “Ascent”, quyển I, chương 13, đoạn 11.
4. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 98.
Thánh John khuyên chúng ta không nên vui mừng trước sự giàu sang tạm bợ của thế tục. Trái lại, chúng ta nên cho đi những thứ mà ta sở hữu, cho dù chúng ta có thể cần đến nó. Chúng ta cũng phải tuân phục trước ý chí của một quyền lực siêu nhiên: “Dù anh làm nhiều việc, nhưng nếu anh không từ chối ý thích của mình, không buông hết mọi mối lo âu về bản thân anh và những vấn đề của anh thì anh sẽ không đạt được tiến bộ.”5
5. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 72.
Thánh John nhận ra chúng ta dành phần lớn cuộc đời để có được sự ngưỡng mộ của người khác, ông cũng nhận ra sự ngưỡng mộ có thể gây hại ra sao. Ông khuyên chúng ta nên cố gắng hết sức để ngừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Ông cũng cho rằng thay vì làm những việc nhằm thổi phổng lòng tự tôn thì có thể làm những việc giúp nhằm hạ bớt lòng tự tôn của mình. Chẳng hạn, chúng ta nên giấu kín những việc làm tốt đẹp của mình, thậm chí cũng không nên tìm kiếm xem Chúa có biết những việc mà chúng ta làm không. Khi thấy mình trong một tình huống cạnh tranh, chúng ta nên chịu thua và nhường phần thắng cho người khác. Chúng ta không nên than phiền về người khác, cũng như đừng nên tìm kiếm sự tán đồng của họ. Quả thật, theo John, khi thỉnh thoảng có người khen ngợi, chúng ta nên “xem điều đó như lòng thương xót của Chúa”, vì chúng ta không xứng đáng với điều gì cả.1 Chúng ta nên hành động, nói năng và suy nghĩ với thái độ tự khinh thường mình, và chúng ta nên mong người khác đối xử với ta bằng sự khinh thường. Lời khuyên tóm lược của John về các mối quan hệ của chúng ta với người khác mang tính kiên quyết, không thỏa hiệp: “Hãy sống như thể chỉ có Chúa và chính bạn ở trên thế gian này, để trái tim bạn không bị giam giữ bởi bất cứ điều gì thuộc về con người.”2
1. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 145.
2. Thánh John of the Cross, “Sayings”, số 144.
Thánh John khuyên rằng: nếu chúng ta muốn vượt qua ham muốn thì nên chú ý nhiều đến những ham muốn nhỏ nhặt như thể chúng là ham muốn gây ra nhiều hệ quả. Theo đó, chúng ta phải cố gắng chế ngự ham muốn tán chuyện với người khác và bất kỳ sự ham mê nào đối với quần áo, một cuốn sách hay việc nấu nướng. Ông cho rằng những ham muốn vặt vãnh này có thể gây hại chẳng kém gì những ham muốn để lại nhiều hậu quả: “Một con chim bị trói bởi một sợi chỉ mỏng hay một sợi dây thừng nhỏ thì cũng chẳng khác nhau là bao. Ngay cả khi bị trói bởi sợi chỉ thì cũng chặt như thể bị trói bởi sợi dây thừng.”1 Ông đưa ra lời nhắc nhở sau: “Chúng ta đã chứng kiến nhiều người rời khỏi trạng thái hạnh phúc và ổn định trong những thực hành tâm linh của họ. Kết cuộc là họ đánh mất tất cả mọi thứ, đơn giản vì họ bắt đầu bị cuốn theo những cuộc chuyện trò và tình bạn dưới lớp vỏ thiện lành.”2
1. Thánh John of the Cross, “Ascent”, quyển I, chương 11, đoạn 4.
2. Thánh John of the Cross, “Ascent”, quyển I, chương 11, đoạn 5.
Để vượt qua những ham muốn của bạn, theo Thánh John, bạn nên “thường xuyên có mưu cầu bắt chước theo đấng Ki-tô trong mọi việc làm bằng cách làm cho cuộc sống [của bạn] phù hợp với cuộc sống của Ngài”. Để phù hợp với mưu cầu này, bạn nên “cố gắng để luôn hướng về những điều không phải dễ dàng nhất, mà là khó khăn nhất; không niềm vui sướng nhất, mà là sự khó chịu đáng ghét nhất; không phải sự thỏa mãn lớn nhất, mà là những điều chẳng mấy dễ chịu; không phải sự nghỉ ngơi, mà là sự khổ công; không phải thứ khuây khỏa, mà là thứ bất an; không phải đa số, mà là thiểu số; không phải những điều cao cấp và quý giá nhất, mà là điều thấp kém nhất và bị khinh bỉ nhất; không phải ham muốn điều gì đó, mà là chẳng muốn gì”.3 Điều này nghe có vẻ giống như chủ nghĩa khổ hạnh, trong sáng và đơn giản, nhưng chúng ta nên nhớ rằng mục tiêu tối hậu của John trong tất cả sự hy sinh này không phải là để chế ngự ham muốn, mà là để thỏa mãn ham muốn đạt được sự hợp nhất với Chúa của ông ấy.
3. Thánh John of the Cross, “Ascent”, quyển I, chương 13, đoạn 6.
Trong nhiều phương diện, quan niệm về ham muốn của Hồi giáo khá giống với Cơ đốc giáo. Giống như người Cơ đốc giáo, những người Hồi giáo bị buộc phải cố gắng chống lại một số ham muốn. (Tuy nhiên, danh sách những ham muốn bị cấm đoán của người Hồi giáo khác với người Cơ đốc giáo, ví dụ, đàn ông Hồi giáo có thể ham muốn lấy vợ kế, trong khi đàn ông Cơ đốc giáo thì không thể. Đàn ông Cơ đốc giáo có thể thèm ăn thịt lợn nhưng đàn ông Hồi giáo thì không thể). Giống như những người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo cầu nguyện để vượt qua được những ham muốn bị ngăn cấm đó và những người Hồi giáo giành chiến thắng trong trận chiến chống lại những ham muốn bất thiện thì sẽ được lên thiên đường.
Như chúng ta thấy, những người Cơ đốc giáo đã đùa cợt rồi cuối cùng cũng phủ nhận quan niệm về một thiên đường trần gian. Song những người Hồi giáo thì có vẻ như đã chấp nhận điều này. Theo Kinh Koran, thiên đường – nơi mà người ngay thẳng được bước lên sau khi chết – là một khu vườn. Chính xác hơn thì đó là một khu vườn cực lạc có “nhiều loài cây cối, hai suối nước đầy tràn và mọi loại trái cây”. Trái cây sẽ “nằm ở dưới thấp, ngay trong tầm tay”. Những người sống ở thiên đường sẽ “ngả lưng trên những chiếc ghế dài trên những tấm thảm, mà lớp vải lót của chúng là gấm dày”. Những chiếc ghế dài sẽ được “dát bằng vàng và ngọc đá quý”. Những người đang nằm trên ghế dài sẽ “được những tiểu đồng chờ đợi, mang những chiếc cốc và bình đựng nước cùng những ly rượu tràn đầy như một dòng suối đang chảy, thứ rượu không gây nhức đầu hay gây say”. Họ sẽ được thưởng thức “những trái cây tùy chọn và những món thịt chim họ hằng ham thích”. Họ sẽ có bạn đồng hành là “những trinh nữ với đôi mắt đen đáng yêu và trái tim thuần khiết như ngọc trai”.1 Những gì đang được mô tả nghe giống như một ốc đảo hoàn hảo – giấc mơ của những người du mục sống ở vùng sa mạc đã trở thành hiện thực. Nói cách khác, Hồi giáo cũng giống như Cơ đốc giáo, không nói về việc vượt qua ham muốn; mà là vượt qua một số ham muốn để chúng ta có thể thỏa mãn những ham muốn khác. Nếu điều đó không phải ở trần thế thì sẽ là trên thiên đường.
1. Kinh Koran, chương 56.
Với nhà Phật thì không có thiên đường. Khi tôi bắt đầu thực hiện nghiên cứu của mình, tôi nắm vững thực tế này như bằng chứng cho thấy quan điểm của Phật giáo về ham muốn về cơ bản là khác với của Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Tôi cho rằng Phật giáo xoay quanh việc vượt qua ham muốn, và phần thưởng khi làm được điều này là có một cuộc sống trần thế tốt hơn và bình thản hơn. Ngược lại, Cơ đốc giáo và Hồi giáo không tìm cách vượt qua ham muốn mà là tối đa hóa sự thỏa mãn những ham muốn của chúng ta. Nếu chúng ta kiềm chế một số ham muốn hôm nay thì sẽ được đền bù bằng những ham muốn khác được thỏa mãn trong tương lai, nếu không phải là ở cuộc sống hiện tại thì sẽ là ở thế giới bên kia.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu sâu thêm cho thấy sự khác biệt giữa quan điểm về ham muốn của Phật giáo và của Cơ đốc giáo cũng như Hồi giáo không lớn như tôi nghĩ. Bởi lẽ, việc thực hành đạo Cơ đốc hay Hồi giáo có thể cải thiện cuộc sống trần tục của chúng ta bằng cách cho phép ta chí ít cũng kiềm chế được những ham muốn của mình, nếu không muốn nói là dập tắt chúng. Hơn nữa, tuy các Phật tử không tin vào thiên đường như của Cơ đốc giáo hay Hồi giáo, nhưng họ tin vào kiếp sau. Suy cho cùng thì họ đều tin vào luân hồi. Cảnh giới mà một người hiện đang sống là kết quả của những lựa chọn được đưa ra trong các tiền kiếp, và cảnh giới mà người đó sẽ sống trong kiếp sau được định đoạt một phần bởi những lựa chọn mà anh ta đưa ra trong kiếp sống này. Theo học thuyết về nghiệp (karma), một người có thể cải thiện cuộc sống trong tương lai của mình bằng cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống này. Thật vậy, khi đưa ra những lựa chọn đúng đắn, bạn có thêm cơ hội để thoát khỏi vòng luân hồi, sinh tử. Lúc đó, đối với các Phật tử, điểm cốt yếu của việc kiềm chế ham muốn không phải nhằm dập tắt chúng mà là tối đa hóa mức độ mà các ham muốn được thỏa mãn. Về phương diện này, Phật giáo có điểm chung với Cơ đốc giáo và Hồi giáo.