Chúng tôi có cuộc sống tuyệt vời! Thế giới ngoài kia chẳng hề biết được họ đang khuyết thiếu thứ gì.
—Một cặp đôi người Amish, trích bởi Donald Kraybill
Thật sai lầm khi nói về việc người theo đạo Tin lành lựa chọn tham vọng. Có rất nhiều giáo phái Tin lành, và những giáo phái này nói chung có các nhánh chính và nhánh phụ. Một trong những điều làm nên sự khác biệt giữa các giáo phái là cách nhìn của họ về ham muốn, các giáo phái khác nhau thì dán nhãn bất thiện cho các ham muốn khác nhau. Vì vậy, khi hầu hết các giáo phái Tin lành coi việc các tín đồ khiêu vũ không có gì sai, nhưng một số giáo phái Baptist miền Nam lại coi mong muốn này là bất thiện. Trong một số giáo phái, ví dụ, phái Amish cổ, danh sách những ham muốn bị cấm đoán là khá dài, trong khi ở những giáo phái khác, ví dụ, Unitarians, thì lại khá ngắn. Và trong khi các giáo phái khác nhau đồng ý về năng lực của lời cầu nguyện sẽ giúp các tín đồ vượt qua những ham muốn bất thiện và đồng ý rằng thiên đường là phần thưởng của chúng ta khi vượt qua được chúng, thì những giáo điều này lại khác với các kỹ thuật kiểm soát ham muốn khác. Ví dụ, một số giáo phái sử dụng áp lực cộng đồng để giúp những người thuộc giáo phái duy trì ham muốn của họ trong tầm kiểm soát; trong khi những người khác cho rằng chúng ta không nên phán xét những người hàng xóm của mình.
Trong chương này, tôi sẽ xem xét việc đối trị ham muốn của các giáo phái Tin lành khác nhau, bắt đầu từ người Amish. (Khi tôi nói “Amish”, ý tôi là người Amish theo truyền thống cũ; nhiều nhận xét sau đây sẽ không áp dụng cho các giáo phái Amish “tiến bộ” hơn). Mặc dù chỉ có 100.000 người Amish ở Mỹ nhưng họ vẫn được quan tâm đặc biệt trong bất kỳ cuộc điều tra nào về ham muốn bởi vì cuộc chiến của họ chống lại lòng tham của mình rất gắt gao và có thể được cho là có phần bất thường.
Người Amish rất khác biệt. Họ ăn mặc khác biệt, nói một ngôn ngữ khác biệt (khi nói chuyện với nhau) và đi quanh vùng bằng xe buggy. Một phản ứng được mọi người coi là bình thường thì đối với người Amish lại là kỳ quặc vì họ là những người cuồng tín tôn giáo, hoặc vì họ đang chống lại sự tiến bộ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng điều làm cho người Amish khác biệt phần lớn là ở chiến lược của họ để đối phó với dục vọng. Hành vi của người Amish được giới hạn bởi một bộ quy tắc bất thành văn được gọi là Ordnung. Nó cho phép người Amish đi trên ô tô nhưng không được lái xe, sử dụng máy kéo trong chuồng trại nhưng không phải trên cánh đồng và sử dụng giày trượt nhưng không sử dụng xe đạp. Theo Ordnung, người Amish không thể có một tủ lạnh trong nhà riêng nhưng có thể có một cái trong nhà của một người hàng xóm không phải người Amish. Họ có thể sử dụng máy tính nhưng không được sử dụng máy vi tính.
Nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống của người Amish là Gelassenheit, phục tùng người có thẩm quyền cao hơn. Cơ quan quyền lực cao hơn được đề cập đến ở đây bao gồm cả Chúa và cộng đồng người Amish. Nếu bạn là người Amish, những người hàng xóm của bạn sẽ có tiếng nói đáng kể về cách bạn sống cuộc sống của mình. Người Amish nổi tiếng vì sự xả thân và hy sinh đến mức họ có thể hy sinh mong muốn của mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và của những người xung quanh.
Như nhà xã hội học Donald B. Kraybill đã nói, trong khi những người Mỹ không phải người Amish đang bận tìm kiếm chính mình1 thì người Amish đang nỗ lực để đánh mất chính mình. Người Amish không phải là những người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, họ là những người theo chủ nghĩa xã hội cứng rắn vì sẵn sàng chịu đựng sự chế giễu của thế giới bên ngoài để sống theo lý tưởng cộng đồng họ. Nhiều người cho rằng mục tiêu chính của người Amish là sống mãi ở thế kỷ XIX. Giả định này là không chính xác. Những gì người Amish tìm kiếm là một phong cách sống thuần nhất. Họ nghĩ rằng nhiều tiện nghi của cuộc sống hiện đại – hầu hết trong số đó xuất hiện trong thế kỷ 20 – khiến lối sống đó rơi vào nguy hiểm. Đặc biệt, họ nghĩ rằng nếu điều mà con người quan tâm là một ý thức cộng đồng mạnh mẽ thì đột phá công nghệ của thế kỷ trước được coi là lời nguyền rủa chứ không phải diễm phúc.
1. Kraybill, 33. Hầu hết những cuộc thảo luận của tôi về người Amish đều dựa trên cuốn sách này.
Người Amish không xa lánh công nghệ, họ chấp nhận nó một cách có chọn lọc. Họ áp dụng các công nghệ mà họ nghĩ sẽ gắn kết cộng đồng và tránh xa các công nghệ mà họ nghĩ sẽ làm suy yếu nó. Theo lời của Kraybill: “Người Amish nghi ngờ rằng bên dưới ánh hào quang của sự tối tân kia ẩn giấu một lực lượng chia rẽ mà theo thời gian có thể chia cắt và xóa sổ cộng đồng gắn bó của họ. Ông nói thêm rằng nỗi sợ hãi này không hề vô lý, vì sự tách biệt xã hội là một hệ quả rất lớn của quá trình công nghiệp hóa1.
1. Kraybill, 19.
Điều cần nhận ra về sự đột phá công nghệ đó là con người hoàn toàn có thể sống mà không có chúng. Trên thực tế, đối với phần lớn lịch sử của nhân loại, con người đã sống mà không có những công nghệ đó. Khi một công nghệ mới xuất hiện, nếu chúng ta áp dụng nó, nó sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta, nhưng liệu công nghệ có luôn biến cuộc sống của chúng ta tốt hơn? Người Amish cảm thấy rằng nhiều thay đổi đem lại do sự đột phá trong công nghệ là những thay đổi khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Đặc biệt, họ lập luận rằng việc sở hữu điện thoại, máy vi tính và máy rửa bát trong nhà không cải thiện cuộc sống của mọi người, nếu những gì họ tìm kiếm là một ý thức cộng đồng mạnh mẽ và mối quan hệ gia đình gắn kết.
Nếu chúng ta chỉ ra cho người Amish rằng máy rửa bát là thiết bị giúp tiết kiệm công sức lao động, họ sẽ hỏi chúng ta đang tiết kiệm lao động để làm gì. Liệu chúng ta có tiết kiệm công sức để có được nhiều thời gian rảnh rỗi hơn không? Nếu đúng như vậy, chúng ta sẽ làm gì với thời gian rảnh rỗi đó? Tận hưởng sự nhàn rỗi ư? Người Amish coi giải trí là một trở ngại lớn đối với hạnh phúc, bởi vì chúng ta chỉ giải trí khi chúng ta không có gì để làm đến nỗi những ham muốn không lành mạnh rất có thể phát sinh. Người Amish nhắc nhở chúng ta: bàn tay nhàn rỗi là công xưởng của quỷ dữ. Kết quả là, người Amish không quan tâm đến việc tiết kiệm lao động; thay vào đó, họ quan tâm đến việc tăng cường lao động để lấp đầy thời gian rảnh rỗi. (Bởi người Amish làm việc rất chăm chỉ và từ chối chi tiền cho mỗi tiện ích tiêu dùng đi kèm nên họ thường trở nên khá giàu có. Thậm chí, còn có những triệu phú là người Amish).
Nếu chúng ta hỏi người Amish tại sao họ từ chối sử dụng điện từ hệ thống điện chung – họ không phản đối việc sử dụng điện được rút ra từ pin hoặc trong một số trường hợp, từ máy phát điện tại chỗ – họ sẽ trả lời rằng việc dựa dẫm vào thế giới bên ngoài để cung cấp điện cho họ nghĩa là đang làm yếu đi khả năng tự lập của họ. Đối với người Amish, sự tự lập quan trọng hơn sự tiện lợi của năng lượng đến từ những nguồn bên ngoài. Và sau khi nói điều này, chúng ta nên hiểu được mức độ tự lập mà người Amish theo đuổi: họ hoàn toàn không gặp vấn đề gì khi chỉ dựa vào các thành viên khác trong cộng đồng để giúp đáp ứng nhu cầu của mình; họ phản đối việc dựa dẫm vào những người bên ngoài cộng đồng của họ.
Tất nhiên, khi dựa vào pin và máy phát điện, người Amish đang dựa vào những người bên ngoài cộng đồng của họ để cung cấp cho họ năng lượng. Pin họ sử dụng được sản xuất bên ngoài, cũng như nhiên liệu tiêu thụ bởi máy phát điện của họ. Thêm nữa, nếu tất cả các nguồn điện bên ngoài đột nhiên cạn kiệt – nếu đường dây điện bị chết, các nhà sản xuất pin ngừng sản xuất pin và dầu, các công ty ngừng bán nhiên liệu – người ta cho rằng người Amish, những người chỉ quen dùng pin và máy phát điện tại chỗ, sẽ sống sót tốt hơn phần lớn chúng ta.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của người Amish là giữ cho tham vọng cộng đồng trong tầm kiểm soát. Hầu hết chúng ta đều tìm kiếm sự nổi bật cá nhân. Chúng ta muốn người khác chú ý, tôn trọng hoặc ngưỡng mộ. Chúng ta thậm chí có thể muốn người khác ghen tỵ với mình. Những mong muốn xã hội này chi phối cuộc sống của chúng ta ở mức độ đáng kể. Chúng quyết định nơi chúng ta sống, cách chúng ta sống và làm việc chăm chỉ như thế nào để duy trì lối sống đã chọn. Người Amish hoàn toàn ngược lại. Họ không ăn mặc để gây ấn tượng, họ ăn mặc phù hợp. Nếu là người Amish, việc ăn mặc để khiến bản thân thu hút sự chú ý, rằng bạn khác với những người còn lại hoặc khủng khiếp hơn là tốt hơn những người còn lại thì đó hẳn là điều cuối cùng bạn ham muốn làm. Tương tự như vậy, những chiếc xe buggy của người Amish trông giống nhau vì họ không muốn một chiếc xe nổi bật. Người Mỹ làm việc quần quật để theo kịp bạn bè, ngược lại, người Amish cố gắng để không nổi trội hơn người hàng xóm của mình.
Khi người Amish thể hiện niềm kiêu hãnh, đôi khi là tự mãn, những người hàng xóm nhanh chóng chỉ trích họ và đưa họ trở lại vị trí của mình. Để tránh điều này, người Amish đã cố gắng hết sức để duy trì hình ảnh khiêm tốn. Nếu một người Amish viết một bài báo cho một tờ báo, anh ta có thể không ký tên tác giả, và nếu có giành được giải thưởng, anh ta có thể yêu cầu các tờ báo không in tên khi đưa tin về giải thưởng.
Việc trở thành một mục sư mang lại uy tín đáng kể cho một người Amish. Điều này làm tăng khả năng mọi người sẽ “vận động hành lang” để có được vị trí này hoặc sẽ cư xử theo kiểu tự hào khi đạt được nó. Để tránh tệ nạn này, các mục sư Amish được chọn rất kỹ lưỡng, và khi được chọn, ông ta phải sống khiêm nhường hơn hàng xóm của ông. Những người Amish bình thường có thể có kính chắn gió trên xe buggy nhưng các mục sư Amish không thể cho phép mình sống xa xỉ như vậy.
Bằng cách cố gắng hòa nhập thay vì nổi bật, người Amish đã ngăn chặn toàn bộ những tham vọng xã hội có thể khiến họ phải đau khổ. Những người cố gắng vượt mặt hàng xóm của mình đang dấn thân vào một loại cạnh tranh xã hội lạ lùng. Nếu thua, họ cảm thấy những cơn ghen tức dâng trào; nếu thắng, họ có thể đã phải bỏ ra một chi phí đáng kể và có nguy cơ trở thành mục tiêu ghen tỵ của những người hàng xóm. Một người tỉnh táo sẽ suy nghĩ lại về việc dấn thân vào một cuộc thi mà dù thắng hay thua bạn đều là người thiệt. Theo Kraybill, đó là bởi vì người Amish rất thận trọng trong suy nghĩ nên họ từ chối cạnh tranh xã hội với những người hàng xóm: “Nỗ lực kìm hãm lòng ích kỷ, kiêu hãnh và quyền lực của người Amish không dựa trên tiền đề của bản thân thế giới vật chất hay lạc thú là xấu xa. Người Amish tin rằng điều xấu xa ngự trị trong tham vọng phải đứng trên người khác, chứ không phải trong bản thân thế giới vật chất.”1
1. Kraybill, 32.
Sự đồng nhất trong xã hội của người Amish còn có những lợi ích khác. Ví dụ, tiêu chuẩn ăn mặc của người Amish giúp họ không phải tốn thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi mốt thời trang. Thật tuyệt khi thức dậy vào buổi sáng mà không phải lo lắng về việc mặc trang phục nào. Về sự đồng nhất của người Amish, Kraybill nhận xét là “giải phóng họ khỏi lối sống phải lựa chọn liên tục”.2
2. Kraybill, 70.
Bởi họ không tin tưởng vào những tác động bên ngoài, những thứ có thể làm suy yếu cộng đồng của họ, người Amish tránh xa các công nghệ khác nhau. Nhiều chương trình truyền hình chế giễu tôn giáo và các giá trị gia đình, các quảng cáo được chiếu trong các chương trình này cố gắng dẫn dắt mọi người sinh ra những nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ mà họ không thực sự cần. Với những giá trị của người Amish, sẽ thật ngu ngốc nếu họ phải trả tiền chỉ để phải chịu tác động của những ảnh hưởng này, và vì vậy, họ từ chối truyền hình. Điện thoại bị phản đối với người Amish không chỉ vì nó bắt họ phải giao tiếp và bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài mà còn vì nó thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng người Amish – việc trò chuyện qua điện thoại có thể thay thế việc giao tiếp trực tiếp. (Trên thực tế, người Amish chỉ lên án dùng điện thoại ở nhà, họ vẫn cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích công việc). Xe ô tô cho phép mọi người đi đến các vùng không phải của người Amish dễ dàng hơn nhiều và do đó, sẽ phải tiếp xúc với những ảnh hưởng không phải của người Amish. Vì lý do này, người Amish phản đối quyền sở hữu ô tô riêng.
Về mặt nào đó, các lệnh cấm của người Amish có vẻ là khá tùy tiện nhưng không phải vì thế mà chúng không hợp lý. Ví dụ, hãy xem xét quy tắc của người Amish nói rằng nông dân có thể sử dụng máy kéo trong chuồng trại của họ – chủ yếu để hỗ trợ cho thiết bị nông nghiệp – nhưng không được sử dụng trên cánh đồng. Người Amish đưa ra lý do sau đây cho sự cấm đoán này. Giả sử nông dân được phép sử dụng máy kéo của họ trên đồng ruộng. Không lâu sau, họ sẽ đưa chúng ra khỏi trang trại. Họ có thể lái xe đến thị trấn để lấy những thứ hàng nặng mà khó có thể chở bằng xe buggy. Và khi họ ở trong thị trấn, họ có thể tiết kiệm một chuyến đi và mua hàng tạp hóa. Sau đó, họ có thể đưa máy kéo vào thị trấn chỉ để lấy hàng tạp hóa. Nhưng nếu bạn có thể đi máy kéo vào thị trấn, tại sao không đi ô tô thay thế? Và nếu bạn có thể đi ô tô vào thị trấn, tại sao bạn không thể lái đến những nơi xa hơn? Người Amish lập luận rằng việc cho phép máy kéo trên đồng ruộng cũng giống đặt họ trên đỉnh của một con dốc trơn trượt, và cái kết là họ sẽ sử dụng ô tô để đi đến những nơi xa hơn, điều này dẫn đến làm suy yếu cộng đồng. Người Amish sử dụng lập luận con dốc trơn trượt tương tự để biện minh cho việc họ cấm kéo điện cho các ngôi nhà. Nếu có điện, sẽ có vẻ ngu ngốc khi không sử dụng đèn, lò vi sóng và tivi – tất cả những thứ đó, theo người Amish, sẽ làm suy yếu lối sống của dân Amish.
Những lập luận về con dốc trơn trượt như những lập luận nêu trên có phần đáng nghi ngờ: rốt cuộc, không có lý do hợp lý nào dám chắc rằng một người đang ở trên đỉnh dốc trơn trượt lại không thể ở đó mãi. Người Amish sẽ đồng ý với nhận định này nhưng tiếp tục chỉ ra rằng thứ bôi trơn những con dốc kia không phải là lý lẽ mà là tâm lý con người. Mặc dù, đúng là mọi người có thể ở lại mãi trên đỉnh dốc trơn trượt, nhưng hầu hết mọi người không ở lại đó. Họ bước một bước vô tư lên phía trước, và trước khi họ nhận thức được điều đó, họ đã trượt dài xuống đáy dốc. Sự dè chừng của người Amish đối với những con dốc trơn trượt xuất phát từ kinh nghiệm của họ với các nhóm thoát ly. Khi điện thoại xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, một số người Amish bắt đầu sử dụng nó. Các giám mục Amish vì lo sợ hậu quả của việc áp dụng công nghệ mới này đã cấm liên lạc qua điện thoại. Một nhóm người quyết định rằng họ không thể tuân theo lệnh cấm này. Năm 1910, họ tách ra để thành lập nhà thờ của riêng mình và từ đó, họ bắt đầu trượt xuống con dốc bằng việc sử dụng đầu tiên là máy kéo và đèn điện, sau đó là ô tô. (Người Amish dường như nuôi dưỡng ước muốn bị kìm nén sở hữu một chiếc ô tô; theo lời của một người Amish: “Điều đầu tiên mọi người làm khi rời nhà thờ Amish là có được một chiếc xe hơi”).1
1. Kraybill, 213.
Bất cứ ai muốn giải quyết ham muốn đều phải thông qua những quy tắc tự mình đặt ra. Thật vậy, nếu chúng ta nhìn vào cuộc sống của chính mình, chúng ta có thể nhận ra nhiều quy tắc tự áp đặt, do ta tự chế ra. Đối với rượu, chúng ta có thể cấm mình uống một mình, uống trước khi mặt trời lặn, uống rượu mạnh hoặc uống rượu đắt hơn số tiền quy định. Đối với thẻ tín dụng, chúng ta có thể tự cấm mình để số dư chuyển sang cuối tháng vì chúng gây ra các khoản phí tài chính. Hoặc chúng ta có thể cấm bản thân sử dụng thẻ tín dụng, hoặc giới hạn bản thân trong một số lượng thẻ nhất định hoặc một hạn mức tín dụng nhất định. Đối với giải trí, chúng ta có thể từ chối trang bị một chiếc tivi trong nhà vì sợ sự hiện diện của nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, hoặc có thể có một chiếc tivi nhưng lại từ chối mua truyền hình cáp. Chắc chắn là rất khó để biết chính xác vị trí mà chúng ta vẽ ra giới hạn đối với hành vi của mình nhưng có thể sử dụng lý luận con dốc trơn trượt để cho thấy tầm quan trọng của việc vẽ ra một mức giới hạn cụ thể – thậm chí là một vạch tùy ý – để ngăn chặn một sự thoái hóa từ trong lối sống của chúng ta.
Việc áp dụng các quy tắc sống tự đặt ra cũng là một cách quan trọng để chống lại sự vô độ của con người. Theo lời của triết gia Schopenhauer: “Giới hạn luôn đi đến hạnh phúc. Chúng ta càng hạnh phúc khi độ dài tầm nhìn, vòng tròn công việc, các điểm tiếp xúc của chúng ta với thế giới càng hạn chế và giới hạn.”1
1. Schopenhauer, “Counsels and Maxims,” 21.
Nếu bạn không kiềm chế được bản thân, bạn sẽ luôn muốn nhiều hơn nữa và từ đó bạn sẽ bị ném vào chiếc máy chạy bộ của sự thỏa mãn hài lòng. Bằng cách tự mình đặt ra các giới hạn, chẳng hạn đối với việc sử dụng thẻ tín dụng, bạn đang thừa nhận nguy cơ bạn có thể sử dụng nó một cách thiếu tỉnh táo và tự thông báo với bản thân rằng ít nhất trong trường hợp này, ngươi nên học cách hài lòng với một khoản tín dụng hạn chế, bởi vì ta sẽ không cho ngươi sử dụng nhiều hơn. Một cái nhìn đặc biệt sâu sắc của người Amish về ham muốn, đó là những giới hạn tự đặt ra và tự thực thi với hành vi của chúng ta vốn cực kỳ mong manh. Đó là lý do mà người Amish để cho cộng đồng của họ thiết lập và thực thi các giới hạn hành vi. Khi người Amish phá vỡ các quy tắc của Ordnung, họ có thể được yêu cầu công khai thú nhận tội lỗi, có thể phải quỳ xuống trước những người hàng xóm của họ. (Đạo Công giáo cũng dựa vào xưng tội để khiến các tín đồ của mình cư xử phù hợp với các quy định của nhà thờ, nhưng lời xưng tội đó chỉ được nói với một người giải tội, người sẽ giữ bí mật về tội lỗi của họ). Nếu không chịu xưng tội, người Amish vi phạm đó có thể bị tuyệt giao.
Bản án tuyệt giao của người Amish có tính răn đe rất lớn. Đối với một người Amish, việc phải từ bỏ cuộc sống cộng đồng của họ để ra sống với “thế giới bên ngoài” là một điều khó khăn. Họ sẽ gặp khó để có thể hòa nhập với xã hội. Và nếu vẫn ở lại trong cộng đồng của mình dù đã bị tuyệt giao, họ sẽ bị mọi người xa lánh. Những người Amish khác vẫn có thể nói chuyện với những cá nhân bị xa lánh nhưng không thể bắt tay với họ. Họ có thể chu cấp gì đó cho các cá nhân bị xa lánh nhưng không thể nhận bất cứ điều gì từ họ. (Do đó, một người phụ nữ bị xa lánh không được trực tiếp gửi con cái cho mẹ của cô, thay vào đó, đứa trẻ phải được gửi qua một người trung gian.) Nếu một người bị xa lánh đến dự đám cưới của người thân, người đó có thể phải ngồi tại một bàn riêng biệt. Theo lời của một người Amish, một người bị xa lánh sẽ cảm thấy mình không hơn kém gì một con dê hoặc một hạt bụi.1
1. Kraybill, 137–139.
Dĩ nhiên, hình phạt xa lánh là một bản án xã hội mạnh mẽ, đủ mạnh để làm cho tất cả, trừ một số ít người Amish, kiềm chế những ham muốn của họ trong giới hạn theo quy định của luật Ordnung. Tất nhiên, hình phạt xa lánh chỉ có tác dụng nếu một người quan tâm đến những điều mà các thành viên trong cộng đồng của anh ta nghĩ về anh ta và chỉ khi anh ta còn biết xấu hổ. Đối với những người hàng xóm không phải dân Amish, hình phạt xa lánh sẽ hoàn toàn không có tác dụng. Hãy thử nghĩ đến những con người bị thua trong trận chiến với ham muốn, họ không có chút xấu hổ mà thay vào đó còn tham gia một chương trình trò chuyện trên truyền hình để khoe khoang với tất cả thế giới về thất bại của họ.
Rất hữu ích khi ta đối chiếu hình ảnh tương phản giữa sự kìm hãm của những thế lực xã hội với người Amish và sự khước từ những thế lực tương tự của nhiều người phương Tây hiện đại. Khi những người phương Tây này tham gia vào một tôn giáo, họ không phục tùng theo sự sắp đặt và không cố gắng điều chỉnh hành vi của mình theo mệnh lệnh của hội thánh đặt ra; thay vào đó, họ vận động mọi người thay đổi các giáo điều của nhà thờ để cải sửa chúng phù hợp với lối sống họ đã chọn. Và với lượng thành viên ngày một đông hơn, những hành động can thiệp tối thiểu vào lối sống của họ cũng bị coi là không thể chấp nhận được: thay vì đến nhà thờ, họ tạo ra tôn giáo cá nhân của riêng họ. Đó có lẽ là sự kết hợp các phần bằng nhau của Do Thái giáo, Giám Lý giáo và Khoa học Cơ đốc, với một chút hương vị Phật giáo để thêm phần sáng sủa cho hỗn hợp. Kể từ khi tạo ra tôn giáo, họ là chức sắc của chính mình, có nghĩa là nếu họ không trừng phạt bản thân vì những vi phạm thì không ai được phép làm điều đó. Điều nguy hiểm là tôn giáo cá nhân này sẽ không làm gì để giúp họ kiềm chế tham vọng của mình, vì lý do đơn giản là họ sẽ không bao giờ tự trừng phạt.
Giả sử có một người hàng xóm, khi quan sát lối sống của họ, đã chỉ trích những cá nhân này. Giả sử cả cộng đồng đều lên án những lựa chọn mà họ đưa ra trong khuôn khổ tôn giáo cá nhân của họ. Trong những trường hợp này, những người bị chỉ trích thường sẽ không chú ý đến sự lên án của những người hàng xóm. Họ thậm chí khó có thể cảm thấy xấu hổ. Thay vào đó, những người lên án kia sẽ bị kết án ngược với tội danh còn tồi tệ hơn vì đã phán xét họ.
Nhiều người muốn được tự do tuyệt đối để theo đuổi những đối tượng ham muốn của họ. Họ không chỉ muốn người khác phải bỏ qua điều này mà còn phải tán thành với việc họ làm. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng việc không đặt giới hạn nào cho tham vọng của bản thân đồng nghĩa với họ không bao giờ có khả năng đạt được sự hài lòng. Thật vậy, một người Amish, khi phải đối mặt với sự sỉ nhục nếu anh ta sở hữu một chiếc điện thoại trong phòng khách, hoàn toàn có cơ hội giữ được hạnh phúc lâu bền hơn những người ngày đêm nỗ lực để thỏa mãn bất kỳ tham vọng nào xuất hiện trong đầu anh ta, bất kể Thượng Đế hay hàng xóm của anh ta có nghĩ gì đi nữa.
Tham gia một tôn giáo có thể đem lại một số lợi ích cho chúng ta. Điều đó có thể giúp chúng ta hòa hợp với những người hàng xóm của mình, cho phép chúng ta tổ chức đám cưới tại nhà thờ, hoặc làm cho chúng ta dễ được chấp nhận hơn với tư cách là một ứng cử viên chính trị. Hoặc thậm chí điều đó có thể giúp chúng ta lên thiên đường. Nhưng một trong những điều quan trọng nhất khi tham gia một tôn giáo là nó cho phép chúng ta thay đổi bản thân bằng cách giúp làm chủ những ham muốn của mình. Khi làm được việc này, chúng ta sẽ được tăng thêm cơ hội để có một cuộc sống hạnh phúc, có ý nghĩa. Nhưng đáng buồn thay, có quá nhiều người tuyên thệ trung thành với một tôn giáo lại từ chối để cho sự biến đổi này diễn ra.
Người Amish có tổ chức một nghi thức chuyển đổi giúp sáng tỏ tham vọng của con người với tên gọi rumspringa, có nghĩa đen là “chạy rông”. Trẻ em Amish được nuôi dưỡng với Gelassenheit trong tâm trí: từ những ngày đầu tiên, chúng được dạy về tầm quan trọng của sự phục tùng ý muốn của Thượng Đế và cộng đồng. Do đó, khi đến tuổi thanh thiếu niên, chúng cư xử cực kỳ tốt. Tuy nhiên, khi chúng bước sang tuổi 16, kỷ luật được cởi bỏ. Ngày xưa, rumspringa nói đến một mức độ hòa nhập giữa các chàng trai trẻ và các thiếu nữ. Nó cũng liên quan đến các cuộc nổi loạn nhỏ chống lại quyền lực cộng đồng: trong những năm 1950 và 1960, thanh niên Amish có thể cắt tóc ngắn hơn những bậc tiền bối của họ, và trong những năm 1970 và 1980, họ có thể nuôi tóc dài hơn. Tuy nhiên, đến những năm 1990, rumspringa trở thành một thứ hoàn toàn nhuốm màu trần tục. Thanh thiếu niên Amish bắt đầu ăn mặc như người bình thường. Họ cũng tiệc tùng, đến các buổi khiêu vũ với bia và nhạc sống. Họ cài những máy phát đĩa (chạy pin) vào xe buggy. Nếu giàu có và được chiều chuộng, họ sẽ tậu cả xe hơi thể thao.
Tất nhiên, những gì mà những thanh thiếu niên Amish này đang làm là hoán đổi từ sự phục tùng này sang sự phục tùng khác, nhưng có lẽ họ không nhận ra được điều này.
Vào cuối những năm 1990, đối với một số thanh niên Amish, rumspringa đã trở thành một thủ tục đi quá giới hạn. Họ đã thử nghiệm với ma túy, và vào năm 1998, hai thanh thiếu niên người Amish bị bắt vì bán cocaine cho một băng nhóm mô tô Pagans. Họ bị kết án 12 tháng tù, một bản án mà nhiều người Amish cho là quá khoan dung.1
1. Kraybill, 184.
Vào cuối thời kỳ rumspringa – thường xảy ra khi họ ở độ tuổi từ 19 đến 22 – thanh niên Amish phải đưa ra lựa chọn. Họ có thể tham gia nhà thờ – người Amish, giống như tất cả các giáo phái Anabaptist, tin vào phép rửa tội dành cho người lớn – trong trường hợp họ chọn từ bỏ những thú vui của thế gian, hoặc có thể tiếp tục tận hưởng những thú vui này nhưng phải từ bỏ những lợi ích của cuộc sống cộng đồng và không thể kết hôn trong phạm vi tín ngưỡng của người Amish. Điều đáng chú ý là 90% thanh niên Amish, đối mặt với sự lựa chọn này, từ bỏ thú vui trần tục để tìm những thú vui khắc khổ hơn do lối sống Amish đem lại. Có lẽ đó là bởi vì họ nhận ra rằng việc giữ ham muốn trong chừng mực do cộng đồng đặt ra cuối cùng sẽ dẫn đến hạnh phúc hơn là cố gắng thực hiện bất cứ ham muốn nào nảy ra trong đầu, hoặc có lẽ là bởi vì họ đã bị tẩy não trong suốt 16 năm đầu đời đến nỗi không thể hình dung ra một sự tồn tại nào khác thay thế.
Người Amish cho phép thời kỳ tự do tuổi trẻ này vì hai lý do. Đầu tiên, bắt nguồn từ niềm tin thần học của họ. Bởi vì họ tin vào lễ rửa tội của người lớn, quyết định gia nhập nhà thờ của một người phải được tự do và người đó phải được thông báo trước. Nếu con cái của họ không bao giờ được phép khám phá những lựa chọn thay thế cho lối sống của người Amish thì quyết định gia nhập nhà thờ của chúng không hề tự do và cũng không được báo trước.
Lý do thứ hai là tính thực tế. Để các cộng đồng Amish tồn tại, điều quan trọng là các thành viên của họ phải là những cá nhân có cùng chí hướng, những người hiểu tầm quan trọng của việc tuân thủ ý chí của cộng đồng. Nếu người Amish buộc những đứa con theo chủ nghĩa cá nhân của họ tham gia vào cộng đồng, họ sẽ gieo mầm mống của sự bất hòa trong tương lai.
Rumspringa cũng cho chúng ta biết điều gì đó về sự phát triển của trẻ. Các bậc cha mẹ không phải người Amish chứng kiến đứa con đáng yêu và ngọt ngào của họ lớn lên và trở thành một cậu thiếu niên, một người quái đản, nổi loạn và khó ưa. Họ có thể tự hỏi liệu chúng có có trở nên như vậy không nếu khi xưa họ nghiêm khắc hơn, nếu họ đã nuôi dạy chúng bằng bàn tay cứng rắn và loại bỏ mọi ảnh hưởng xấu. Kinh nghiệm của người Amish cho thấy rằng ngay cả khi bạn nuôi dạy con bằng bàn tay cứng rắn và kiểm soát cẩn thận môi trường sống của chúng, chúng vẫn sẽ nổi loạn chống lại quyền lực của bạn.
Những người Hutterites là một nhóm tín đồ theo đạo truyền thống khác. Trong khi người Amish sống chủ yếu ở Pennsylvania, Ohio, Indiana và các bang xung quanh, người Hutterites sống ở Montana, Nam Dakota, và các tỉnh Alberta, Saskatchewan và Manitoba. Người Hutterites cổ hơn người Amish hơn một thế kỷ nhưng đến Bắc Mỹ muộn hơn một thế kỷ. Đối với những người quan sát bình thường, người Hutterites giống với người Amish. Điểm giống nhau rõ ràng nhất là ý muốn sống tách biệt với thế giới. Cả hai nhóm đều thực hiện các bước để ngăn chặn những ảnh hưởng từ bên ngoài. (Người Hutterites biện minh cho lệnh cấm truyền hình bằng cách chỉ ra rằng: “Tivi mang đến sự hủy diệt, và Hollywood là ống cống của thế giới”.)1
1. Được trích dẫn trong Kraybill and Bowman, 33. Hầu hết những cuộc thảo luận của tôi về người Hutterit đều dựa trên cuốn sách này.
Nông nghiệp là nghề chính của cả người Hutterites và người Amish. Những người theo chủ nghĩa Hutterites cũng đồng ý với người Amish về tầm quan trọng của việc chiến đấu với lòng kiêu hãnh và ý muốn của bản thân, và họ phục tùng theo lời khuyên của tôn giáo. Cuối cùng, quan điểm tôn giáo của người Hutterites giống với quan điểm của người Amish vì cả hai nhóm đều có nguồn gốc từ những người theo chủ nghĩa Anabaptists.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng, người Huttterites và người Amish khác nhau trong vài khía cạnh. Người Huttteries thoải mái với công nghệ hơn là người Amish. Tại trang trại, người Hutterites sở hữu xe tải, xe vans và máy kéo mà chẳng cần đắn đo. Ở trong nhà, họ tận dụng tối đa nguồn điện từ xa. Trong nhà bếp, họ sử dụng lò nướng và tủ lạnh điện, tuy nhiên không được có máy rửa bát. (Lệnh cấm máy rửa bát dường như là một ví dụ cho thấy những lãnh đạo là đàn ông đã tự đặt ra các ranh giới này).
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa người Huttteries và người Amish và là điểm khác biệt đáng xem xét nhất khi ta tìm hiểu về tham vọng, đó là quan điểm của họ về tài sản cá nhân. Người Amish cho phép điều đó. Họ sở hữu nhà cửa, trang trại, xe ngựa. Một người Amish không chỉ giàu có mà còn có thể là triệu phú. Người Hutterites, mặt khác, không cho phép tài sản riêng tư, ngoài quần áo và vài vật dụng cá nhân. Họ sống trong khu nhà chung. Mỗi vùng của người Hutterites có một cụm tòa nhà có thể bao quanh các nhà ăn chung và một nhà thờ. Họ không làm việc để được trả lương. Một số cộng đồng cho thành viên một khoản trợ cấp tiền mặt để có tài sản riêng, nhưng số tiền đó khá ít ỏi – dưới 10 đô-la mỗi tháng. Nếu bạn rời khỏi cộng đồng Hutterite, bạn chỉ rời đi với quần áo trên người và vài vật dụng cá nhân. (Khi được rửa tội, bạn phải từ bỏ mọi quyền sở hữu tài sản để sung vào quỹ chung). Người ta ước tính rằng chỉ có 5% người Hutterites chọn cách rời khỏi cộng đồng.
Tài sản cá nhân thúc đẩy các ham muốn có được những thứ người khác có, cảm giác ghen tỵ đi cùng với mong muốn này, và tham vọng đó không thể ngừng nghỉ, cho dù họ có sở hữu bao nhiêu đi nữa, họ vẫn muốn nhiều hơn. Cấm tài sản cá nhân chính là loại bỏ một trong những nguyên nhân chủ yếu của cuộc tranh chấp và sự bất mãn giữa những cá nhân. Không có gì ngạc nhiên khi người Hutterites tin vào điều này. Điều có thể gây ngạc nhiên là những giáo phái cổ khác, những người sẵn sàng làm tất cả để tránh khỏi những khát khao không lành mạnh, lại không đưa ra lệnh cấm tài sản cá nhân.
Cuộc chiến chống lại quyền tư hữu rất khó khăn vì theo lời của một nhà lãnh đạo Hutterites ở thế kỷ 17: “Con người bám víu vào tài sản như con sâu bướm bám vào lá bắp cải.”1 Để thực hiện việc cấm sở hữu tư nhân, người Hutterites dạy con cái của họ phải chia sẻ. Và bởi vì họ sống trong những khu vực gần nhau như vậy nên rất khó để bất cứ ai vi phạm điều cấm – tai mắt có ở khắp nơi. Những người bị bắt quả tang đang tích lũy tài sản có thể bị yêu cầu phải xưng tội trước công chúng. Các hình phạt khác có thể là bị làm cho mất mặt giữa cộng đồng, chẳng hạn như bị buộc phải ăn một mình hoặc ngủ trong nhà trẻ. Lệnh cấm tài sản tư nhân của họ dường như đang phát huy tác dụng – người Hutterites được cho là nhóm cộng đồng lâu đời nhất và thành công nhất ở Bắc Mỹ. Chẳng có lý do gì người Hutterites để yếu tố bên ngoài thâm nhập vào cuộc sống của mình. Đối với họ, cuộc sống trong một vùng cư dân Hutterites mang lại một phần thưởng kép. Phần thưởng đầu tiên trên Trái đất này là nơi họ tận hưởng ý thức cộng đồng sâu sắc và không còn nhiều lo lắng của cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, họ không phải lo lắng về việc leo lên từng nấc thang sự nghiệp hay ảo ảnh về sự thành công, và họ không phải lo lắng về việc nghỉ hưu của mình. Phần thưởng thứ hai sẽ đến ở trên thiên đường; thực vậy, họ coi các vùng dân cư của họ là tiền sảnh của thiên đường.
1. Kraybill và Bowman, 26.
Mặc dù người Hutterites từ bỏ tài sản riêng, họ cũng như người Amish, cho phép quan hệ tình dục trong hôn nhân. Nhưng chẳng phải khả năng “sở hữu tình dục” của người khác làm nảy sinh những ham muốn còn bất thiện hơn khả năng sở hữu những thứ tài sản hay sao? Ngoài việc từ bỏ tài sản riêng tư, tại sao lại không từ bỏ tình dục? Tại sao không thực thi đời sống thủ tiết toàn cộng đồng? Một số nhóm tôn giáo, chẳng hạn như Giáo hội Công giáo, yêu cầu một số thành viên (các linh mục) phải sống độc thân. Những người Shaker rất đáng chú ý vì yêu cầu tất cả các thành viên phải độc thân. Tín đồ Shaker có tên chính thức là Cộng đồng thống nhất của những Tín đồ Chúa giáng thế lần hai (United Society of Believers in Christ’s Second), nguồn gốc của họ là tín đồ tin lành dòng Camisard của Pháp, những tín đồ được sinh ra sau sự kiện Thu hồi Sắc lệnh Nantes vào năm 1685. Tín đồ Shaker đến nước Mỹ năm 1774.
Người Shaker giống với Hutterites ở một số khía cạnh. Họ không ngại sự tiến bộ – máy cưa đĩa và máy giặt là một trong những phát minh được cống hiến bởi Shakers. Và giống như những người Hutterites, họ xóa bỏ tài sản cá nhân – trong các cộng đồng Shaker, đất đai và các tòa nhà thuộc sở hữu chung. Nhưng không giống như Hutterites, họ không dung thứ cho những mối quan hệ tình ái giữa các thành viên. Người Shaker cho rằng việc sống độc thân cải thiện cơ hội đạt được sự cứu rỗi của một người. Nó cũng thúc đẩy ý thức cộng đồng mạnh mẽ, một điều khá quan trọng đối với các tín đồ Shaker. Hầu hết các tôn giáo đều có chiến lược tăng trưởng kép – họ thu hút thành viên bằng cách truyền giáo và họ yêu cầu các tín đồ phải nuôi dạy con cái của họ trong phạm vi tôn giáo. Người Hutterites và Shaker là những trường hợp ngoại lệ đối với chiến lược này. Người Hutterites không truyền giáo, cũng không chào đón những người sẽ cải đạo với vòng tay rộng mở. Tuy nhiên, họ là những người có tỉ lệ sinh rất cao. Trong nửa đầu thế kỷ 20, tỷ lệ sinh của họ là 10 người con trên một gia đình điển hình khiến họ có lẽ trở thành nhóm tôn giáo phát triển nhanh nhất trên hành tinh. Người Shaker thì khác, họ chỉ phát triển bằng cách cải đạo. Các cá nhân chưa kết hôn cũng đến tham gia, các gia đình cũng vậy. (Khi một cặp vợ chồng kết hôn tham gia, họ sẽ phải từ bỏ quan hệ tình dục sau này, cũng như bất kỳ sự gắn bó đặc biệt nào với nhau). Tín đồ Shaker cũng nhận và nuôi dạy trẻ em mồ côi, khi trưởng thành nhiều em đã chọn sống cuộc đời tín đồ Shaker. Bất chấp trở ngại này đối với sự phát triển của họ, những tín đồ Shaker đã đạt được kết quả khá tốt. Từ một số ít thành viên đến Mỹ vào cuối thế kỷ 18, Shaker đã phát triển lên con số 6 nghìn người vào thời kỳ đỉnh cao của cộng đồng – khoảng một thập kỷ trước Nội chiến. Ngày nay, rất ít tín đồ Shaker còn lại. Sự suy giảm của họ được cho là do những thay đổi xã hội nhiều hơn là do cách sống độc thân. Độc thân là gì? Về mặt lịch sử, sống độc thân chỉ đơn giản là chưa kết hôn. Ngày nay, một người độc thân là người kiêng quan hệ tình dục, kể cả trong hoặc ngoài hôn nhân. Và đối với những người trong một số dòng tu, độc thân bao hàm nhiều thứ hơn là kiêng quan hệ tình dục, họ cũng kiêng thủ dâm. Sống độc thân không hề dễ dàng. Xét cho cùng, về mặt sinh học, chúng ta có một sự ràng buộc với những ham muốn tình dục nảy sinh trong bản thân ta. Những gì chúng ta cần, nếu muốn sống độc thân, là một chiến lược để ngăn chặn những ham muốn này.
Một trong những chiến lược như vậy liên quan đến việc loại bỏ các nguồn kích thích tình dục khỏi môi trường của chúng ta. Chúng ta có thể đạt được điều này bằng cách sống một mình, nhưng sự cô độc thật sự rất ngột ngạt. Ngoài ra, chúng ta có thể sống trong một cộng đồng đơn giới, nhưng ngay cả khi đó, sự hiện diện của những người khác cũng có thể làm nảy sinh những suy nghĩ về tình dục. Vì lý do này, các tu viện thực hiện các biện pháp để ngăn các thầy tu vô tình kích động các thầy tu khác. Ví dụ, trong tu viện ở Tabennisi, Pachomius đã hướng dẫn các thầy tu phải che đầu gối khi ngồi, dùng gối che phía sau khi cúi và không giúp lấy gai ra khỏi bàn chân của nhau.1
1. Abbott, 100.
Nếu một cộng đồng hòa nhập hai giới, như những người Shaker đã làm, thì cần phải quan tâm nhiều hơn nữa để ngăn ngừa nam giới và phụ nữ kích thích cảm xúc tình dục trong nhau. Vì lý do này, Luật Millennial của Shakers cấm đàn ông và phụ nữ ở một mình với nhau, làm việc cùng nhau, trò chuyện riêng, viết thư cho nhau, đi qua nhau trên cầu thang, thử quần áo của thành viên khác giới, vẫy tay hoặc thậm chí chớp mắt với nhau. Phụ nữ không thể sửa quần áo của đàn ông khi anh ta đang mặc chúng. Phụ nữ cũng được yêu cầu không được ngồi “bắt chéo chân hay ở bất kỳ tư thế khó xử nào” tại các buổi họp của tín đồ Shaker.2
2. Andrews, 266–268.
Những người mà chủ nghĩa độc thân của họ được thúc đẩy bởi tôn giáo thường sử dụng lời cầu nguyện như thứ vũ khí trong cuộc chiến chống lại cám dỗ tình dục. Theo lời của một nữ tu, được trích dẫn bởi tác giả và nhà thơ Kathleen Norris, người đã dành một khoảng thời gian đáng kể để sống trong những căn lều và tu viện với những người với lời tuyên thệ độc thân: “Người ta cần một đời sống cầu nguyện sâu sắc để duy trì một cuộc sống độc thân. Chỉ nhờ lời cầu nguyện mà những lựa chọn khó khăn mới được thực hiện, theo thời gian, chỉ có lời cầu nguyện mới có thể mang lại cho tôi khả năng siêu việt, vượt khỏi ham muốn tầm thường mà đời sống độc thân đòi hỏi.”3 Và tất nhiên, những người sống trong các căn hộ và tu viện luôn ý thức rằng các giới đều cấm liên quan các hoạt động tình dục và rằng họ sẽ phải chịu sự sỉ nhục nếu bị bắt gặp tham gia vào các hoạt động như vậy. Điều này tạo cho họ một nguồn động lực để giữ lời thề độc thân của mình. Theo Norris, mặc dù các nữ tu mà cô ấy phỏng vấn được cho là sẽ sống độc thân, nhưng họ đã đưa ra lời khuyên nhỏ về cách họ có thể duy trì cuộc sống độc thân của mình. Như một nữ tu giải thích: “Chúng tôi bị bỏ lại một mình để giải quyết điều này, bởi vì vấn đề tình dục đơn giản là không được bàn đến.”4
3. Norris, 261.
4. Norris, 256 .
Một kỹ thuật khác để duy trì cuộc sống độc thân là nuôi dưỡng lòng căm thù sâu sắc đối với những người khác giới. Kỹ thuật này dường như rất phổ biến với các tu sĩ trong thiên niên kỷ đầu tiên, mặc dù hầu hết các tu sĩ hiện đại, thay vì là những người ghét phụ nữ, thông qua cuộc sống độc thân, đã nảy sinh lòng ngưỡng mộ với phụ nữ vì phụ nữ dường như vượt trội hơn nam giới ở khả năng này, những mối quan hệ của nam giới với phụ nữ thường một phần được thúc đẩy bởi tình dục.
Ngay cả khi ta có thể từ bỏ tình dục, tại sao ta lại phải làm như vậy? Đây là câu hỏi lớn cho những bộ óc hiện đại. Tại sao lại từ chối tận dụng cơ hội để hưởng thụ? Trước khi trả lời câu hỏi này, ta cần chỉ ra rằng hầu hết mọi người thường từ chối tận dụng mọi cơ hội để có được niềm vui. Ví dụ, hầu hết mọi người từ chối sử dụng cocaine hoặc heroin, mặc dù họ biết rằng làm như vậy sẽ rất thú vị. Và ngay cả trong lĩnh vực tình dục, hầu hết chúng ta đều “sống độc thân có chọn lọc” – đôi khi chúng ta bỏ qua cơ hội quan hệ tình dục. Chúng ta có thể từ chối quan hệ tình dục với gái mại dâm hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nếu đang ở trong một mối quan hệ ổn định, chúng ta có thể từ chối việc phản bội bạn đời của mình. Hiếm có người tận dụng mọi cơ hội tình dục đến với họ. Lý do cho điều này rất đơn giản: những thú vui liên quan đến tình dục, giống như những thú vui liên quan đến việc sử dụng ma túy, đều có cái giá phải trả. Chúng ta độc thân có chọn lọc bởi vì chúng ta nhận ra rằng đôi khi, cái giá phải trả cho việc quan hệ tình dục hoàn toàn không đáng. Điều khiến những người độc thân thực sự trở nên đặc biệt chính là niềm tin của họ rằng cái giá phải trả không bao giờ xứng đáng. Họ nghĩ rằng khi ta tồn tại vì tình dục, chúng ta mất nhiều hơn được. Cái giá của tình dục là gì? Theo người Shaker, tình dục làm giảm cơ hội cứu rỗi của bạn, một cái giá rất đắt phải trả. Người Shaker cũng nghĩ rằng những người thích sống với tình dục phải trả một cái giá trong cuộc đời trần thế này. Một lý do khác nữa, ý thức cộng đồng mạnh mẽ chỉ có được khi mọi người coi cộng đồng như gia đình của mình và điều này không thể xảy ra khi những người trong cộng đồng coi một số thành viên là gần gũi hoặc gắn bó hơn các thành viên khác. (Như Norris nhận xét: “Những người xuất gia sống độc thân vì một lý do rất thực tế: kiểu sống cộng đồng mà họ khao khát không thể duy trì nếu mọi người kết đôi”).1
1. Norris, 118.
Ngay cả khi chúng ta không quan tâm đến việc lên thiên đường hoặc nuôi dưỡng ý thức cộng đồng mạnh mẽ, chúng ta phải trả giá cho tính dục của mình. Khi chúng ta trải qua ham muốn, chúng ta bị phân tâm khỏi bất cứ điều gì chúng ta có thể làm, và tình yêu có thể lấp đầy tâm trí của chúng ta với những suy nghĩ từ bên ngoài, từ đó làm giảm khả năng tập trung của ta. Tính dục làm ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng – hút cạn năng lực mà đáng lẽ ta phải dành cho những việc “cao quý hơn”.
Những người độc thân hy vọng rằng bằng cách kiềm chế hoặc tốt hơn là dập tắt ham muốn tình dục, họ sẽ lấy lại được sự tập trung và có thể dành cả ngày để làm những gì họ nghĩ cần phải làm thay vì những thứ mà chương trình tiến hóa yêu cầu họ phải làm. Những người độc thân có cơ hội tiếp tục hoàn thành công việc tốt hơn nhiều so với những người sống chung với tình dục và sẽ có nhiều năng lượng hơn để hoàn thành được bất kỳ nhiệm vụ nào họ đặt ra cho mình. Do đó, Norris cho rằng những người độc thân đã cố gắng “chuyển hóa năng lượng tình dục của họ cho một mục đích khác ngoài quan hệ tình dục và sinh sản.”1
1. Norris, 117.
Những con người sống với tình dục phải trả một cái giá khác trong những mối quan hệ của họ. Tính dục của họ làm vấy bẩn mối quan hệ với các thành viên khác giới hoặc các thành viên đồng giới, nếu họ là người đồng tính. Những con người sống với tình dục có xu hướng phân loại những người họ gặp theo mong muốn chọn bạn tình. Một người đàn ông tại một bữa tiệc có thể bỏ dở cuộc trò chuyện với một người phụ nữ giản dị, thông minh để đi qua bên kia và trò chuyện với một người phụ nữ, mặc dù hấp dẫn đến nổi bật nhưng đã không hề sử dụng bộ não trong nhiều tuần. Một người phụ nữ có thể từ chối tình bạn của một người đàn ông vì cô ấy nghi ngờ rằng điều anh ấy thực sự theo đuổi là tình dục, hoặc có thể từ chối tình bạn của anh ấy vì sợ rằng điều đó sẽ làm giảm cơ hội hấp dẫn tình dục của cô đối với một số người đàn ông khác. Các mối quan hệ xã hội của những người độc thân không bị nhuốm màu tương tự. Người độc thân trân trọng người khác không phải vì họ là bạn tình tiềm năng mà vì họ là những con người.
Tương tác xã hội với một người độc thân có thể là một trải nghiệm mới mẻ và mở mang tầm mắt. Theo Norris: “Sự hấp dẫn của những người độc thân đó là họ có thể khiến chúng ta cảm thấy được trân trọng cho dù chúng ta là ai. Cách trò chuyện chừng mực của họ, cách lắng nghe và phản hồi với sự chú tâm tuyệt đối dường như luôn là một điều kỳ diệu. Họ lắng nghe mà không chiếm hữu, không áp đặt bản thân lên người khác.”1Norris mô tả một sinh viên đại học béo phì và giản dị, trong cuộc trò chuyện với các tu sĩ trẻ, đã rất ngạc nhiên khi chú ý đến những gì cô ấy nói cũng như ngang bằng với những gì người bạn cùng phòng xinh đẹp của cô ấy nói. Những người độc thân thường trải qua một loại tình yêu mà phần lớn chúng ta hiếm khi có được. Tình yêu của người độc thân không có phép loại trừ – họ không cho phép bản thân dành tình yêu cho người này nhiều hơn dành cho người khác. Tình yêu của họ cũng không phải là sở hữu – họ không cố gắng sử dụng hoặc lợi dụng người mà họ dành tình yêu; ngược lại, họ đang cố gắng giúp đỡ người đó. Theo lời của một nữ tu: “Sống độc thân có nghĩa là trước hết trở thành một người yêu thương theo cách giải phóng chính mình để có thể phục vụ người khác. Nếu không thì cuộc sống độc thân chẳng có ích lợi gì.”2
1. Norris, 121.
2. Norris, 255.
Tình yêu độc thân giống như tình yêu mà cha mẹ dành cho con cái. Tình yêu thương của cha mẹ nói chung không hề là có điều kiện (tình yêu thương cha mẹ dành cho một đứa con không làm giảm bớt tình yêu thương của họ dành cho những đứa con khác) cũng không có tính chiếm hữu (những bậc cha mẹ tốt không tìm cách bóc lột con cái mà giúp chúng phát triển). Những ai đã từng trải qua tình yêu thương của cha mẹ đều biết đó là điều tuyệt vời như thế nào. Hãy tưởng tượng bạn có thể trải nghiệm cùng tình yêu thương tương tự như vậy không chỉ đối với một vài đứa trẻ mà còn đối với tất cả mọi người xung quanh bạn.
Những con người sống với tình dục thích suy nghĩ rằng họ được tự do và những người độc thân thì bị đè nén. Người độc thân có quan điểm ngược lại về mọi thứ. Norris nói: “Khi những người độc thân trưởng thành nói về giá trị của cuộc sống độc thân, “tự do” là từ họ thường dùng. Tự do giữ năng lượng của họ tập trung vào thánh chức và cuộc sống vị tha, tự do yêu nhiều người mà không chung thủy với bất kỳ ai trong số họ.” Theo một nữ tu, độc thân lành mạnh “có nghĩa là không tập trung vào ‘những điều tôi đã từ bỏ’ mà vào những thứ được giải phóng nhờ sự từ bỏ đó, vì vậy, tôi được phục vụ nhà thờ và những người khác”.1
1. Norris, 262.
Cộng đồng Oneida được thành lập bởi John Humphrey Noyes tại Oneida, New York, vào năm 1848 và sau đó do ông lãnh đạo. Noyes đã đến thăm một cộng đồng Shaker trước khi thành lập Oneida và bị thu hút bởi cách sống của họ. Thật vậy, ông ấy đã viết: “Nếu tôi tin vào một thiên đường của người Shaker thì bây giờ tôi đã là một Shaker rồi.”2 Cộng đồng Oneida của ông ấy giống các cộng đồng Shaker ở một số khía cạnh: tài sản tư nhân bị bãi bỏ và lợi ích ích kỷ phải được hy sinh vì lợi ích của cộng đồng. Và giống như người Shaker, động lực chính của ông ấy trong việc thành lập một cộng đồng là tôn giáo. (Noyes thực hành Chủ nghĩa hoàn hảo, một tôn giáo được mô tả là “một sự ly khai từ chủ nghĩa Giáo đoàn tại New England”.)3 Ông ấy cũng đồng ý với người Shaker rằng ham muốn tình dục khiến mọi người kết đôi và hình thành các đơn vị gia đình, gây tổn hại nhiều đến cộng đồng, và những ham muốn này phải được xử lý nếu muốn một cộng đồng vững mạnh.
2. Được trích dẫn trong Foster, 89.
3. Foster, 86.
Noyes nghĩ rằng cách tốt nhất để giảm bớt sức tàn phá của ham muốn tình dục không phải là ngăn chặn chúng, như những người Shaker độc thân đã làm, mà là thỏa mãn chúng. Lý lẽ của ông như sau: “Việc cấm quan hệ tình dục hoàn toàn và bạn đạt được kết quả tương tự, để loại bỏ những ghen tuông và xung đột về sự độc chiếm, chúng ta sẽ làm cho quan hệ tình dục được tự do. Trong vấn đề này, người Shaker đã thể hiện sự khôn ngoan của họ. Nhưng họ đã hy sinh sức sống của xã hội để giữ lấy sự yên ổn của nó.1
1. Được trích dẫn trong Foster, 89.
Trong cộng đồng Oneida, tình yêu tự do ngự trị. Không ai kết hôn với ai, đúng hơn là mọi đàn ông đều kết hôn với mọi phụ nữ. Mọi người thường xuyên chuyển đổi bạn tình. Khi giữa hai người phát sinh thứ giống như một mối quan hệ độc quyền – thứ “tình yêu đặc biệt” đe dọa cộng đồng, họ phải chịu sự chỉ trích từ các thành viên cộng đồng, mọi người sẽ lên án họ và yêu cầu họ điều chỉnh lại lối sống. Nếu một cá nhân không ăn năn hối lỗi, các đặc quyền tình dục của họ có thể bị đình chỉ hoặc hạn chế. Ví dụ về trường hợp tình yêu đặc biệt của một cặp vợ chồng, họ được thông báo rằng nếu họ muốn ở lại cộng đồng, họ phải có con ngoài mối quan hệ đó. Và họ đã tuân theo. Điều này đã chứng tỏ tình yêu đặc biệt là vấn đề rất nan giải.2
2. Foster, 107.
Noyes nghĩ rằng việc cho phép quan hệ tình dục sẽ có tác dụng làm giảm giá trị của chúng. Nếu một người quan hệ tình dục thường xuyên và với đủ những người khác nhau, tình dục sẽ mất tác động cảm xúc của nó; nó trở thành cảm xúc tương đương với một cái bắt tay. Thật vậy, Noyes cho rằng không có lý do gì các tôn giáo hay các lối sống khác, phải coi quan hệ tình dục khác với một cái bắt tay. Theo ông: “Hành vi kết nối tình dục bên ngoài là vô tội và chính đáng như bất kỳ hành động nào khác.”3 Tương tự như vậy, ông lập luận rằng: “Trong một cộng đồng thiêng liêng, không có lý do gì quan hệ tình dục nên được giới hạn bởi luật lệ còn việc ăn uống thì không, và chẳng có gì đáng xấu hổ trong tình dục hơn chuyện ăn uống”. 4
3. Được trích dẫn trong Foster, 79.
4. Được trích dẫn trong Foster, 81.
Người ta sẽ tự hỏi liệu trong thời trước khi có biện pháp tránh thai hiệu quả, thí nghiệm Oneida có phải là một công thức cho việc sinh nở liên tục hay không. Mặc dù Noyes không phản đối việc quan hệ tình dục nhưng ông cho rằng việc đàn ông xuất tinh vào phụ nữ là không đúng. Ông nói rằng làm điều này tương đương với hành vi phi đạo đức của việc “bắn viên đạn vào người bạn thân nhất chỉ vì muốn lấy đạn ra”.5 Ông cũng không đồng tình với hành động dừng ngang cuộc ân ái của người đàn ông, điều mà ông nói là lãng phí. Những gì ông ủng hộ là “sự kiềm chế dục vọng của đàn ông” – điều mà nhà sử học Lawrence Foster đã gọi là “giao hợp độc thân”6 – trong đó người đàn ông không xuất tinh trong khi giao hợp hoặc sau khi bỏ tình dục hoàn toàn7. Phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh dạy cho các thành viên mới kỹ thuật này. (Cộng đồng đôi khi được phép giao hợp vì mục đích sinh sản, trong trường hợp đó rõ ràng là đã không cấm xuất tinh, nhưng chỉ khi một người nam và người nữ được cộng đồng cho phép hoặc được cộng đồng yêu cầu quan hệ tình dục để sinh sản).
5. Được trích dẫn trong Foster, 94.
6. Foster, 95n.68.
7. Foster, 94.
Quan hệ tình dục độc thân dường như là một phương tiện kiểm soát sinh đẻ hiệu quả và nó có lẽ đã làm cho phụ nữ quan hệ tình dục thú vị hơn. Nhưng liệu nó có ngăn được những ràng buộc tình cảm hay không thì vẫn còn tranh cãi. Bản thân Noyes dường như đã trải qua một tình yêu đặc biệt dành cho một thành viên cộng đồng tên là Mary Cragin. Cộng đồng Oneida tồn tại gần 32 năm và ở thời kỳ đỉnh cao có 250 thành viên. Cuối cùng nó đã bị giải tán một phần vì căng thẳng nội bộ và một phần vì áp lực bên ngoài – người Mỹ ở thế kỷ 19 không hoan nghênh sự hiện diện của một cộng đồng với tình yêu tự do như vậy.
Nếu Noyes còn sống đến ngày hôm nay, ông hẳn sẽ ngạc nhiên vì sự lan truyền của quan điểm xử lý ham muốn tình dục mà ông đã đưa ra. Ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, quan điểm “tình dục là đáng xấu hổ” từng gây rắc rối cho mọi người vào những năm 1960 đã được xóa bỏ. Tình dục đã biến từ một hoạt động rất đặc biệt, tham gia với một người đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt, trở thành một thứ gì đó được xảy ra một cách tình cờ, như cách một người có thể chơi bowling. Trong khuôn viên trường đại học, chẳng hạn, nhiều học sinh tự hào không phải về điểm số hoặc khả năng làm việc chăm chỉ của họ mà là về lối sống tình dục thăng hoa của họ. Họ thích suy nghĩ rằng họ không giống như cha mẹ của mình – và chắc chắn không giống như ông bà cố của họ – họ được tự do.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp chính ông bà của họ là những người được tự do – họ kiểm soát ham muốn tình dục của mình hơn là bị nó kiểm soát. Ngược lại, lớp con cháu được giải phóng về giới tính lại đang làm chính xác những gì mà chương trình tiến hóa của họ thúc giục họ làm: quan hệ tình dục khi có cơ hội. Thay vì được tự do, họ đã tự cho phép mình trở thành nô lệ cho bộ phận sinh dục của mình. Thật vậy, họ bị lệ thuộc sâu sắc đến nỗi một số người trong số đó đã biến sự thiếu kiềm chế về mặt tình dục, tức sự tuân theo mệnh lệnh của chương trình tiến hóa một cách không do dự, thành một phần trung tâm của bản sắc cá nhân của họ. Họ giống như những nô lệ luôn cảm thấy tự hào khi lao động cho chủ nhân của mình. Nhờ thành công trong việc vượt qua bản án “tình dục là đáng xấu hổ” và sự thiếu kiềm chế trong tình dục mà nhiều phụ nữ trẻ mang thai ngoài giá thú. Khi rơi vào tình cảnh này, họ thường làm xáo trộn cuộc sống của chính mình: thay vì có thể sống cuộc đời mà họ lựa chọn, họ phải cố gắng cân bằng giữa việc làm mẹ với việc đi học và làm việc với mức lương tối thiểu dù họ có thể không thích công việc đó. Cha của những đứa trẻ cũng tương tự như vậy, phải sắp xếp việc học và một công việc sẽ cho phép họ chu cấp các khoản tiền cấp dưỡng. Cuộc sống của những đứa con của họ cũng xáo trộn không kém, nhưng đây là một câu chuyện khác.
Đôi khi thanh thiếu niên bỏ tất cả để có thai. Họ đã chứng kiến việc làm cha mẹ làm thay đổi những người xung quanh và muốn một sự thay đổi tương tự với chính mình. Nhưng điều họ không nhận ra là sự biến đổi này chỉ xảy ra khi một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh vì đứa con của mình. Những sự hy sinh có thể xảy ra bởi vì người phụ nữ đã đạt được một mức độ làm chủ mong muốn – những gì cô ấy muốn cho bản thân đơn giản không còn quan trọng nữa. Và bởi vì cô ấy đã thay đổi nên những điều cô ấy làm sẽ không thực sự là những hy sinh nữa. Khi một người phụ nữ trẻ mang thai nhưng không chịu hy sinh cho đứa con thì quá trình thay đổi sẽ không thể diễn ra. Thay vì thấy làm mẹ là một trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và phong phú, cô ấy có lẽ sẽ thấy nó vô cùng khó chịu.
Đối với những người được giải phóng tình dục mà tôi đã mô tả, độc thân là một điều không thể xảy ra. Đối với họ, nhược điểm của việc tự kiềm chế tình dục rõ ràng lớn hơn lợi ích. Nhưng khi còn là những đứa trẻ, họ vốn đều sống độc thân và có một cuộc sống đủ đầy. Và khi già đi, nhiều người trong số họ sẽ quay trở lại với lối sống độc thân do kết quả của các quá trình tự nhiên. Một số sẽ than thở về sự suy giảm tình dục của mình, nhưng với những người đang tìm cách làm chủ ham muốn thì điều này đúng là một phước lành. Kịch sĩ Hy Lạp Sophocles khi ở tuổi già và được hỏi liệu ông còn có thể ân ái ở tuổi này không, ông trả lời rằng: “Ta rất hoan hỷ vì đã thoát khỏi nó, giống như kẻ nô lệ trốn thoát khỏi một gã chủ nhân điên cuồng và độc ác.”1 Những người tự do tình dục ngày nay, vì không nhận thức được điều này nên họ tự hào đeo những sợi xích của cùng một vị chủ nhân.
1. Plato, Plato’s Republic, quyển 1.