Nước, bột lúa mạch và vỏ bánh mì lúa mạch tuy không phải là một chế độ ăn thịnh soạn nhưng không gì lạc thú bằng việc có thể tìm được cảm giác thoải mái trong những loại thức ăn này.
—Seneca
Lời khuyên triết học liên quan đến vấn đề ham muốn thì khác biệt với lời khuyên từ tôn giáo ở hai khía cạnh quan trọng: lời khuyên phải mang lại lợi ích cho chúng ta ở đây và ngay bây giờ, chứ không phải ở thế giới bên kia hay trong một số kiếp luân hồi ở tương lai; và nó phải dùng đến lý trí thay vì cầu nguyện hay thiền định để đem đến những lợi ích đó. Trong phần thảo luận của tôi về lời khuyên từ triết học, tôi sẽ tập trung vào ba triết lý Hy Lạp – Chủ nghĩa Khắc kỷ, Chủ nghĩa Hưởng lạc và Chủ nghĩa Hoài nghi – đã phát triển mạnh mẽ từ 2.000 năm trước. Quả thật, tôi gần như chẳng có gì để nói về các triết lý và triết gia thế kỷ 20. Tại sao lại bỏ qua triết học hiện đại? Bởi vì hầu hết các triết gia hiện đại lo ngại trước ý nghĩ có thể cho mọi người lời khuyên về cách sống tốt hơn. Họ thích dành những tháng ngày của đời mình để giải quyết những cuộc tranh luận mang tính lý thuyết, cách giải quyết chúng (nhưng hầu hết các cuộc tranh luận triết học đều chẳng bao giờ giải quyết được), những điều đó hoàn toàn chẳng tạo ra sự khác biệt nào trong cuộc sống của bất cứ ai không phải là một triết gia chuyên nghiệp. Hầu hết các triết gia hiện đại đơn giản là không cần đến “triết lý sống.”
Trái lại, đối với các triết gia Hy Lạp, lý do chính để thực hành triết học là để chúng ta có thể sống cuộc đời tốt đẹp hơn. Epicurus (341-270 TCN) cho rằng: “Thật rỗng tuếch là khi lời nói của một triết gia không chữa lành được nỗi khổ đau nào của con người.”1 Triết gia khắc kỷ Seneca (3 TCN-65) cũng đưa ra những ý kiến tương tự: “Mỗi ngày, một người học hỏi từ một triết gia cần phải gặt hái cho bản thân một điều tốt đẹp nào đó. Mỗi lần quay về nhà, anh ta phải là một người minh triết hơn hoặc đang trên con đường trở nên minh triết hơn.”2 Và mục tiêu đúng đắn của triết học là gì? Theo Seneca: “Triết học lấy trạng thái hạnh phúc làm mục tiêu của nó.”3
1. Epicurus, “Fragments: Remains Assigned to Certain Books,” số 54.
2. Seneca, Những lá thư, lá thư số 108.
3. Seneca, Những lá thư, lá thư số 90.
Điều đầu tiên cần nhận ra về các nhà khắc kỷ là họ không khắc kỷ, theo ý nghĩa của từ này (stoical – với chữ s viết thường). Theo từ điển, một người khắc kỷ là người “dường như thờ ơ hoặc không bị tác động bởi niềm vui, nỗi buồn, khoái lạc hay đau đớn”. Định nghĩa này có thể khiến chúng ta đi đến kết luận rằng các khắc kỷ gia là những bức tượng có cảm xúc. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy những nhà khắc kỷ (Stoics – chữ S viết hoa) không phải là những bức tượng. Trong số các nhà khắc kỷ, chúng ta tìm thấy Posidonius of Rhodes, người được mô tả là “đa tài và uyên bác, một sử gia và một nhà du hành, một người yêu thích khoa học đã tính được chu vi của Trái đất và chứng minh được mối liên hệ giữa thủy triều và các tuần trăng”.1 Chúng ta tìm thấy Cato the Younger, người đã dũng cảm chống lại chế độ độc tài của Julius Caesar. Chúng ta tìm thấy Seneca, một trong những nhân vật xuất sắc nhất ở thời đại của ông hay ở bất kỳ thời đại nào, ông xứng đáng có được một vị trí trong sử sách không chỉ vì các tác phẩm triết học của mình mà còn vì vai trò là cố vấn chính cho hoàng đế Nero, vì kỹ năng và sự thành công với tư cách là một nhà soạn kịch và vì sự nhạy bén về tài chính – giống như một nhà đầu tư ngân hàng thời hiện đại được sinh ra vào thế kỷ thứ nhất. Chúng ta cũng tìm thấy Marcus Aurelius (121-180), ngoài việc là triết gia khắc kỷ vĩ đại cuối cùng, ông còn là một hoàng đế La Mã và được tôn vinh là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất.
1. Clarke, 38.
Các triết gia khắc kỷ đồng ý rằng chìa khóa để có được một đời sống tốt đẹp là làm chủ ham muốn. Vì vậy mà Marcus Aurelius khuyên chúng ta hãy “chống lại những tiếng thì thầm của nhục dục”2 và đừng “buông mình vào những mơ tưởng có được thứ mà các anh chưa có”.3 Trong một cái nhìn tổng quát hơn, ông khuyên chúng ta: “Hãy xóa bỏ ý muốn nhất thời, kiềm chế cơn thôi thúc, dập tắt ham muốn.”4 Và phần thưởng chúng ta nhận được là gì khi làm chủ ham muốn? Đó là sự bình thản.
2. Marcus Aurelius, quyển 7, đoạn 55.
3. Marcus Aurelius, quyển 7, đoạn 27.
4. Marcus Aurelius, quyển 9, đoạn 7.
Điều quan trọng cần nhận ra là sự bình thản mà các khắc kỷ gia theo đuổi hoàn toàn không giống như sự bình thản do thuốc an thần mang lại. Đây là cách mà Seneca mô tả đặc điểm của sự bình thản: “Thứ mà chúng ta [những người khắc kỷ] đang tìm kiếm, đó là cách để tâm trí ta luôn theo đuổi một đường lối nhất quán và ích lợi, để nó có thể trở nên hòa ái với chính mình, và có thể nhìn nhận mọi sự tình với niềm an lạc. Sự an lạc này sẽ không bị gián đoạn, luôn an trú trong một trạng thái ổn định, không bao giờ bị nâng lên hay hạ xuống.”1
1. Seneca, Bàn về sự bình thản, phần II, đoạn 4.
Đoạn văn này không chỉ giải thích ý nghĩa của sự bình thản theo quan điểm của các khắc kỷ gia mà còn cho thấy họ không hề vô cảm. Một người khắc kỷ (stoic với chữ s viết thường) có thể dửng dưng trước niềm vui, nhưng một người khắc kỷ (Stoic – chữ S viết hoa) sẽ chào đón nó. Thật vậy, theo Seneca, một người là hiện thân cho các nguyên tắc khắc kỷ, một nhà hiền triết khắc kỷ thì “dù muốn hay không, anh ta cần phải luôn luôn cảm thấy hân hoan và có một niềm vui sâu sắc khởi phát từ bên trong. Anh ta thích thú với những nguồn vui của riêng mình và không hề khao khát niềm vui nào lớn hơn những niềm vui nội tại này.”2 (Seneca nói thêm rằng so với những niềm vui đó thì những khoái lạc do “cơ thể khốn khổ này” mang lại thật “nhỏ mọn, tầm thường và phù du.”)3 Trong một cái nhìn tổng quát hơn, các nhà khắc kỷ không tìm cách để vứt bỏ cảm xúc; mà họ tìm cách để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như cảm giác tức giận hay buồn đau sẽ phá hỏng sự bình thản của chúng ta. Họ đề cao những cảm xúc tích cực và những cảm xúc vui vẻ, là những thứ đứng đầu trong danh sách của họ.
2. Seneca, Bàn về cuộc sống hạnh phúc, phần IV, đoạn 4.
3. Seneca, Bàn về cuộc sống hạnh phúc, phần IV, đoạn 4.
Lời khuyên rằng chúng ta nên làm chủ ham muốn và nhờ đó sẽ đạt được sự bình thản chắc chắn là một lời khuyên tốt, nhưng nó để lại cho chúng ta câu hỏi rằng: chúng ta làm thế nào để làm chủ ham muốn? Các nhà khắc kỷ không ủng hộ chuyện chúng ta thiền định để chế ngự được những ham muốn như một Phật tử Thiền tông, hay cầu nguyện để có sức mạnh làm chủ được những ham muốn như một tín đồ Công giáo. Thay vào đó, họ cho rằng nếu chúng ta chú ý và suy xét cẩn thận về những ham muốn của mình thì chúng ta có thể giành thế thượng phong đối với những ham muốn đáng chê trách của chúng ta. Do đó, các khắc kỷ gia trở thành nhà quan sát sắc sảo về ham muốn. Lời khuyên của họ về cách làm chủ ham muốn dựa trên những quan sát này. Triết gia khắc kỷ Epictetus (50-138) nhận định rằng nếu chúng ta muốn giữ được sự bình thản của mình thì chúng ta cần ghi nhớ: “Một số thứ thì tùy thuộc ở ta và một số thứ thì không.”1 Trong đó, những thứ tùy thuộc ở chúng ta gồm quan điểm của ta, những thôi thúc, ham muốn và những ác cảm của chúng ta; những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát hoặc chỉ kiểm soát được phần nào gồm hoàn cảnh vật chất và danh tiếng của chúng ta. Epictetus có quan điểm sáng suốt rằng thật vô nghĩa khi phiền muộn về những thứ không tùy thuộc ở chúng ta. Làm như vậy là lãng phí thời gian và năng lượng, và kiểu phiền muộn này là công thức cho một cuộc đời đầy ắp thất vọng.2 Epictetus cho rằng bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều nếu bạn dành thời gian và năng lượng của mình để quan tâm đến những khía cạnh trong cuộc sống mà bạn có thể kiểm soát được. Nói cách khác, bạn chỉ nên chơi những trò chơi mà bạn chắc chắn sẽ thắng, vì vậy, bạn có thể trở thành người bất khả chiến bại.3
1. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 1
2. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 2.
3. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 19.
Chỉ muốn những gì nằm trong quyền hạn chúng ta có thể đạt được và giữ được, điều này không chỉ bảo vệ sự bình thản của chúng ta mà còn giúp chúng ta có được sự tự do tối đa có thể. Theo Epictetus: “Một người tự chủ là người có khả năng kiểm soát những việc anh ta làm hoặc không muốn làm, giành được nó hoặc tước nó đi. Do đó, bất cứ ai muốn được tự do thì không nên thèm muốn hoặc né tránh bất cứ thứ gì tùy thuộc ở kẻ khác. Bằng không, anh ta tất yếu sẽ trở thành một nô lệ.”1
1. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 14.
Epictetus nhận ra rằng vì chúng ta không thể kiểm soát được phần lớn những việc đang diễn ra xung quanh mình nên cuộc sống đôi lúc sẽ giáng một đòn xuống đầu ta.
Chúng ta có thể bị đau ốm. Những người thân yêu có thể sẽ chết. Những người khác có thể vu oan cho chúng ta. Tài sản của ta có thể bị đánh cắp hoặc hủy hoại. Chiến lược của Epictetus để đối phó với những đòn đánh này là hãy thuyết phục bản thân rằng những tai họa ấy đã được định mệnh an bài, rằng ta không thể nào tránh được chúng. Epictetus cho rằng một thái độ tin vào định mệnh sẽ giảm bớt nhiều đau đớn của những đòn đánh này. “Đừng tìm cách làm cho sự việc diễn ra theo ý muốn của anh,” – ông khẳng định – “mà thay vào đó hãy muốn chúng xảy ra như chúng đang xảy ra, và cuộc đời của anh sẽ tốt đẹp.”2 (Lời khuyên rằng chúng ta hãy an phận mà chấp nhận những đòn đánh cuộc đời giáng xuống nghe có vẻ kỳ lạ đối với những độc giả thời hiện đại, nhưng khi Epictetus đưa ra lời khuyên này, những con người thời kỳ đó lấy lý do này để xem thường số phận của họ).
2. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 8.
Seneca cho rằng một bước quan trọng để chế ngự được tính tham lam vô độ của chúng ta là phân biệt giữa những ham muốn tự nhiên và trái tự nhiên: “Những ham muốn tự nhiên thì có giới hạn, còn những ham muốn xuất phát từ quan niệm sai lầm thì không có điểm dừng, vì sự sai lầm thì không có điểm kết thúc.”3 Khi ấy ham muốn uống nước vì khát của chúng ta là một ham muốn tự nhiên – thì việc uống nước sẽ làm cơn khát của chúng ta bị dập tắt. Ngược lại, ham muốn giàu sang của chúng ta là trái tự nhiên vì bất luận chúng ta đạt được giàu sang bao nhiêu thì chúng ta vẫn sẽ muốn được giàu hơn. Seneca khuyên chúng ta hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động để thỏa mãn một ham muốn trái tự nhiên.
3. Seneca, Những lá thư, lá thư số 16.
Việc trấn áp những ham muốn xấu xa của chúng ta sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng Seneca khuyên chúng ta cân bằng nỗ lực này với nỗ lực cần thiết để thỏa mãn những ham muốn kia. Ví dụ, hãy xem xét ham muốn tình dục của chúng ta. Chống lại những ham muốn đó sẽ chẳng vui vẻ gì, nhưng đầu hàng chúng có thể làm chúng ta khổ sở, vì theo nhận định của Seneca: “Sự trong sạch cho ta thời gian rỗi rãi, sự phóng đãng thì không cho ta một giây ngơi nghỉ.” Nhìn chung, ông nhắc nhở chúng ta rằng: “Mọi đức hạnh đều dễ dàng bảo vệ, còn những thói hư tật xấu thì khiến ta mất rất nhiều thời gian, công sức để nuôi dưỡng.”1
1. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển II, đoạn 13.
Nếu sự bình thản là mục tiêu của chúng ta thì khi ấy, cơn giận dữ rõ ràng là kẻ thù của ta. Quả thật, nếu chúng ta không thể kiểm soát sự tức giận của mình thì chúng ta có thể trở nên khốn khổ, vì thế giới bất toàn này có quá nhiều thứ để khiến ta tức giận. Đây là mô tả của Seneca về cuộc sống đang chờ đợi kẻ không thể kiểm soát được cơn giận của y: “Anh sẽ nổi giận với hết người này sang người khác, với những nô lệ rồi sau đó là những nô lệ được trả tự do, với cha mẹ anh và sau đó là con anh, với những người quen rồi đến những người không quen biết; anh sẽ tìm thấy cơ hội để nổi giận ở khắp mọi nơi – trừ khi tâm trí can thiệp vào. Thật là lãng phí thời gian quý báu cho một việc chẳng hay ho gì!”2
2. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển III, đoạn 28.
Làm thế nào chúng ta có thể kiểm soát được cơn giận của mình? Trong bài luận “On Anger” (De Ira – Bàn về cơn giận), Seneca đưa ra một số kỹ thuật. Chẳng hạn, chúng ta thấy đã từng quá quen với lời khuyên rằng hãy đếm đến mười trước khi hành động theo cơn giận của ta. (Theo lời nói của ông thì “phương thuốc tốt nhất cho cơn giận là sự trì hoãn”).1 Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy lời khuyên tương tự như quá trình “thay thế suy nghĩ” của Phật tử được mô tả ở Chương 9: “Khi giận dữ, chúng ta nên biến mọi dấu hiệu [của cơn giận] thành thứ đối lập với nó: thả lỏng gương mặt, hạ giọng và bước đi chậm lại. Từng chút một, trạng thái nội tâm của ta sẽ sớm quay lại khớp với trạng thái bên ngoài.”2
1. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển II, đoạn 29.
2. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển III, đoạn 13.
Ở Chương 2, chúng ta đã khám phá ra ảnh hưởng sâu sắc của người khác đối với chúng ta. Việc chúng ta khao khát giành được sự ngưỡng mộ của họ có thể gây ra cho ta rất nhiều lo lắng và do đó mà phá vỡ sự bình thản của ta. Lời khuyên của Epictetus liên quan đến các mối quan hệ của chúng ta với người khác khá đơn giản: “Đừng để ý đến bất cứ điều gì mà ai đó nói về anh, vì chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của anh.”3 Nếu anh dành những tháng ngày của đời mình để lo lắng về những điều người khác nghĩ thì anh sẽ đánh mất tự do của mình: “Nếu anh hướng ra bên ngoài để muốn làm vừa lòng người khác thì chắc chắn anh sẽ đánh mất kế hoạch cuộc đời của mình.”4
3. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 50.
4. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 23.
Người khác cũng có thể làm xáo trộn sự bình thản của ta bằng cách xúc phạm chúng ta. Do đó Epictetus đưa ra lời khuyên về cách ứng phó với những lời xúc phạm. Theo ông, bạn cần nhận ra khi ai đó xúc phạm bạn, thứ khiến bạn bực bội không phải là bản thân lời xúc phạm – nó chỉ đơn thuần là câu chữ thôi – mà là phản ứng tâm lý của bạn trước lời xúc phạm.1 Nếu bạn nghĩ: “Mình đang bị xúc phạm nặng nề,” bạn sẽ cảm thấy đau nhói vì lời xúc phạm, nhưng nếu thay vào đó bạn nghĩ rằng: “Người vừa cố xúc phạm mình chẳng có gì quan trọng. Anh ta giống như một đứa con nít hay tiếng chó sủa. Tôi sẽ thật ngu ngốc khi để tâm đến những lời nói của anh ta.” thì bạn sẽ vô hiệu hóa được lời xúc phạm. Nói cách khác, bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị người khác xúc phạm thì bạn chỉ có thể tự trách chính mình mà thôi.
1. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 20.
Nhưng nếu chúng ta phớt lờ những lời lăng mạ của người khác thì tính nhất quán cũng kêu gọi chúng ta nên phớt lờ lời khen ngợi của họ. Nếu chúng ta không tin vào sự đánh giá của họ khi họ nghĩ xấu về ta thì chúng ta thật là thiếu trung thực về mặt lý trí khi bắt đầu coi trọng ý kiến của họ khi họ nghĩ tốt về mình. Bởi lý do này mà Epictetus khuyên rằng: “Nếu ai đó khen ngợi [một người khắc kỷ] thì anh ta cười thầm kẻ đã tán dương anh ta.”2 Quả thật, anh ta thậm chí còn đi xa hơn khi từ chối sự ngưỡng mộ của người khác: “Nếu người ta cho rằng anh đã đạt tới một điều gì đó thì hãy hoài nghi chính bản thân anh.”3 Và người khắc kỷ, ngoài việc thận trọng trước những ý kiến của người khác thì cũng sẽ không tin tưởng ý kiến về bản thân – anh ta sẽ “đề phòng với bản thân giống như đề phòng một kẻ thù đang mai phục”.4
2. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 48.
3. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 13.
4. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 48.
Người khác cũng có thể phá vỡ sự bình thản của chúng ta bằng cách đầu độc chúng ta bằng những ham muốn đáng chê trách. Nói cách khác, những ham muốn không lành mạnh giống như một căn bệnh truyền nhiễm, và cũng giống như việc chúng ta nên tránh một ai đó đang bị cúm vì sợ lây, chúng ta nên tránh người nào đang mắc phải, giả dụ, một ham muốn đối với danh vọng và tài sản. Theo Seneca, giao du với người như vậy và chúng ta sẽ sớm phát hiện thấy một ham muốn tương tự trong chính mình.1 Seneca cũng khuyên chúng ta tránh những người “u sầu và bất mãn với mọi thứ, những người cảm thấy thích thú mỗi dịp được ca cẩm” vì “người bạn mà lúc nào cũng bực bội và than thở về mọi chuyện chính là kẻ thù của sự bình thản”.2
1. Seneca, Bàn về sự bình thản, phần VII, đoạn 4.
2. Seneca, Bàn về sự bình thản, phần VII, đoạn 6.
Hầu hết mọi người coi việc sở hữu của cải là một phúc lành, nhưng các nhà khắc kỷ hiểu rằng sự giàu sang có thể phá vỡ sự bình thản của con người. Theo Seneca, nỗi buồn vì không có tiền thì ít hơn nỗi buồn vì mất nó. Trong một cái nhìn tổng quát hơn, bạn càng có ít của cải thì bạn sẽ càng ít phải lo âu.3 Do đó, mục tiêu liên quan đến tiền bạc nên là đạt được “một khối tài sản không ít đến mức rơi vào đói khổ, và cũng không quá xa với sự nghèo khổ”.4
3. Seneca, Bàn về sự bình thản, phần VIII, đoạn 2.
4. Seneca, Bàn về sự bình thản, phần VIII, đoạn 9.
Để đạt được mức độ sung túc khiêm tốn này, Seneca khuyên, chúng ta nên “thực hành sống kham khổ.” Tức là, chúng ta nên “thỉnh thoảng dành ra một vài ngày mà [chúng ta] sẽ tạm bằng lòng với những khẩu phần ăn thiếu thốn và rẻ tiền, cùng y phục thô kệch và kém chất lượng, và sẽ tự hỏi [bản thân]: Đây có phải là điều mà người ta từng khiếp sợ không?”.5 Sau khi thực hành sống kham khổ theo kiểu này, chúng ta sẽ khám phá ra rằng trên thực tế chuyện này không tệ như ta tưởng tượng, và vì thế, viễn cảnh một ngày nào đó lâm vào cảnh nghèo đói ít có khả năng phá vỡ sự bình thản của chúng ta. Thêm một thông tin có một chút kỳ lạ là Seneca, một trong những người giàu có nhất ở thời đại của ông, nhưng lại quá yêu thích cảnh bần cùng. Ông từng bị buộc tội là “ví dụ đáng chú ý nhất trong lịch sử về một người không sống được theo các nguyên tắc của anh ta”.6 Seneca đáp trả lại lời buộc tội này bằng cách chỉ ra rằng chẳng có gì sai trái khi tận hưởng sự giàu sang miễn là chúng ta không bám chấp vào nó. (Quan điểm này giống với quan điểm của Đức Phật, người mà, như chúng ta thấy ở Chương 9, đã nói với doanh nhân giàu có Anathapindika rằng: “Không phải cuộc sống, của cải và quyền lực biến con người thành nô lệ, mà chính bởi sự bám chấp vào cuộc sống, của cải và quyền lực”). Những người khắc kỷ không phản đối việc tận hưởng những điều mà cuộc đời mang lại, bao gồm sự giàu sang, tình bạn và sức khỏe, nhưng họ khuyên chúng ta tận hưởng chúng theo cách không biến ta thành nô lệ cho việc hưởng thụ chúng.
5. Seneca, Những lá thư, lá thư số 18.
6. Campbell, 14.
Các nhà khắc kỷ cũng khuyên chúng ta nên cố gắng để thấy vui với bất cứ thứ gì mà ta đang sở hữu. Nói cách khác, chúng ta nên làm những việc mà ta có thể làm để ngăn cản quá trình thích ứng tâm lý đã được miêu tả ở Chương 5. Theo hướng này, Marcus khuyên rằng khi chúng ta bắt đầu coi thường những vật sở hữu của mình thì ta nên ngẫm xem chúng ta sẽ khao khát chúng nhiều biết bao nếu như chúng không phải của ta.7 (Schopenhauer, người có triết lý sống mang xu hướng khắc kỷ, lặp lại lời khuyên này: “Thay vì cứ nghĩ mãi đến tất cả những thứ mà mình không có, chúng ta nên định kỳ dừng lại để nghĩ về việc chúng ta sẽ cảm thấy ra sao nếu ta đánh mất những thứ mà ta đang có”).8
7. Marcus Aurelius, quyển 7, đoạn 27.
8. Schopenhauer, Counsels and Maxims, 43–44.
Seneca cho rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống lại những ham muốn đáng chê trách bằng cách áp dụng một kỹ thuật được dạy bởi triết gia khắc kỷ (hoặc chí ít cũng chịu ảnh hưởng của phái khắc kỷ) Quintus Sextius: “Vào cuối ngày, trước lúc đi ngủ, [Sextius] sẽ tự vấn bản thân: “Ngày hôm nay ta đã thoát khỏi những phiền não nào? Đã cải thiện được những nhược điểm gì? Tiến bộ ở mặt nào? Liệu còn điều gì có thể tốt hơn thói quen xem xét lại toàn bộ một ngày không?”1 Seneca minh họa việc sử dụng kỹ thuật này của chính ông.2 Ông nhớ lại những sự kiện gần đây đã làm rối loạn sự bình thản của ông và ngẫm nghĩ về cách mà ông nên đáp lại trước những sự việc đó theo hướng phù hợp với các nguyên tắc khắc kỷ. “Bị từ chối một vị trí danh dự,” – ông tự mắng nhiếc mình – “ngươi lại bắt đầu tức giận với chủ nhà, với chủ lễ, với vị khách được xếp chỗ ngồi cao hơn ngươi. Ngươi mất trí rồi, ngồi đâu mà chẳng giống nhau cơ chứ? Liệu một tấm đệm có giúp anh được mọi người kính trọng hơn hay khiến anh nhục nhã hơn?”
1. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển III, đoạn 36.
2. Seneca, Bàn về Tức giận, quyển III, đoạn 37.
Trong một bài thực hành khác, ông hồi tưởng – lại lần nữa, với chính mình: “Tại bữa tiệc, một số người pha trò và bình phẩm về chuyện bạn bị cháy túi. Hãy nhớ tránh xa những kẻ ti tiện.” Qua những ví dụ đó, có thể thấy rõ rằng bản chất của con người chẳng thay đổi là bao trong 2.000 năm qua.
Các sinh viên của tôi có vẻ đánh giá cao nhiều lời khuyên của phái khắc kỷ nhưng lại cảm thấy hoang mang trước một số khía cạnh của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Thứ nhất, họ cảm thấy khó hiểu vì những người khắc kỷ xem một cuộc đời bình thản là mục tiêu của họ. Tại sao không phải là một cuộc sống đầy phấn khích? (Chắc chắn đây không chỉ là lời chỉ trích đối với chủ nghĩa khắc kỷ mà còn với những trường phái triết học Hy Lạp khác, cũng như Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Phật giáo và Cơ đốc giáo được diễn giải bởi Thánh John of the Cross). Mong cầu về sự bình thản dường như là một điều mang tính giai đoạn trong cuộc đời. Nhiều người trẻ tích cực tìm kiếm sự náo động và hỗn loạn. Nếu cuộc đời họ trở nên tĩnh lặng thì họ sẽ làm việc gì đó để phá tan sự tĩnh lặng đó.
Nhiều sinh viên của tôi cảm thấy ghét ý tưởng “an phận” với sự tĩnh lặng đó, và một lần nữa, họ chẳng muốn an phận với điều gì. Họ tưởng tượng rằng thế giới sẽ ban cho họ những thứ mà họ đang kiếm tìm, rằng họ sẽ bắt thế giới phải chiều theo ý muốn của họ. Đối với họ thì an phận là thừa nhận sự thất bại, điều đó có nghĩa là cuộc đời đã đánh bại họ. Nhưng khi họ từng trải hơn, họ thường nhận ra thế giới không chỉ không ban cho điều họ muốn mà còn định kỳ cướp đi những thứ mà họ đã vất vả để giành được. Sau nhiều năm tháng hay nhiều thập kỷ thất bại – thất bại hoàn toàn hay một phần – hầu hết mọi người nhận ra thế giới này sẽ không chiều theo ý muốn của họ. Đi cùng với nhận thức này là sự suy giảm trong mức năng lượng của họ: sự náo động, hỗn loạn khiến họ khó mà chịu đựng nổi so với trước kia. Sự yên bình bắt đầu có vẻ cuốn hút.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng việc không cam chịu “sống an phận” thật đáng buồn cười. Chỉ khi nào bạn an phận thì bạn mới có cơ may trân trọng những thứ mà bạn đã an phận, và chỉ khi nào đạt được sự trân trọng này thì bạn mới có cơ hội đạt được, nếu không phải là thành công của thế gian, thì cũng là một thứ gì đó thậm chí còn quý giá hơn – sự thỏa mãn.
Các sinh viên của tôi cũng thấy hoang mang trước những điều mà họ cho là lạnh lùng của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Họ tìm thấy một đoạn viết của Epictetus đặc biệt đáng quan ngại: “Đừng bao giờ nói: Tôi đã mất nó với bất cứ điều gì, thay vào đó, hãy nói: Nó đã được trả về lại nơi nó đến.” Vậy trong trường hợp con anh qua đời? Anh nói chúng được trả lại. Khi vợ anh qua đời? Anh nói cô ấy được trả lại.”1 Họ diễn giải đoạn này có nghĩa là một người khắc kỷ sẽ rũ bỏ cảm xúc với những người xung quanh anh ta. Thái độ của một người chồng khắc kỷ đối với vợ mình không phải là “Anh yêu em nhiều đến nỗi anh sẽ suy sụp nếu mất” mà thay vì thế “Anh yêu em, nhưng nếu có chuyện gì xảy ra với em thì anh vẫn sẽ ổn”. Các sinh viên của tôi đặt nghi vấn đối với tình yêu khắc kỷ này: nếu bạn không nếm trải cảm giác đau buồn cực độ trước việc mất đi ai đó thì bạn không thể thực lòng yêu người đó. Tôi nghĩ rằng cách giải thích này về Chủ nghĩa Khắc kỷ là sai lầm. Khi đưa ra lời nhận xét trên, Epictetus không nói rằng chúng ta nên giữ khoảng cách về tình cảm với mọi người. Chúng ta nên cho phép những mối quan hệ gắn bó khăng khít được tạo lập. Đồng thời, cũng nên nhận ra rằng cuộc đời có nhiều thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được, và nếu tìm cách kiểm soát chúng thì chúng ta sẽ trải nghiệm nhiều đau buồn và xáo trộn không cần thiết. Thật đáng tiếc, cái chết của một người thân yêu thường nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta.
1. Epictetus, Cẩm nang thư, đoạn 11.
Quả thật, một thái độ khắc kỷ đối với những người thân yêu có thể dẫn đến các mối quan hệ sâu sắc và trọn vẹn hơn một thái độ không khắc kỷ. Hãy xem xét về hai người chồng. Một người thì cho rằng vợ anh ta sẽ luôn luôn ở bên mình. Giả định này có thể dẫn đến việc anh ta xem nhẹ vợ mình – những việc mà anh ta có thể làm cho vợ hoặc nói với cô ấy ngày hôm nay có thể dễ dàng bị trì hoãn tới ngày mai. Nếu cô ấy chết, nhiều nỗi buồn khổ của anh ta sẽ là một biểu hiện cảm xúc của những cơ hội bị bỏ lỡ: “Giá như tôi...” Ngược lại, một người chồng khắc kỷ, sẽ không giả định rằng vợ anh ta sẽ sống bên anh mãi mãi; trái lại, anh ta sẽ giả định rằng cô ấy có thể bị số phận cướp đi mà không một lời báo trước. Vì lý do này mà người chồng khắc kỷ sẽ không để đến ngày mai những việc mà anh ta có thể làm hôm nay. Anh ta sẽ ít có khả năng xem nhẹ vợ mình, và nếu cô ấy có bị cướp đi thì vì thế mà anh ta sẽ ít tiếc nuối hơn về tất cả những gì mà anh ta có thể làm và đã làm cho cô ấy – suy cho cùng thì anh ta đã thực hiện chúng trong khả năng của mình, lúc vợ còn sống.
Khía cạnh này của Chủ nghĩa Khắc kỷ có một điểm giống với Thiền tông, cũng nhấn mạnh đến tính vô thường của vạn vật trong cuộc đời. Bởi vì mọi thứ có thể bị cướp đi mà không hề báo trước nên chúng ta cần cố gắng để tận hưởng chúng khi còn có thể. Về phương diện này, nhà văn và người thực hành Thiền tông Natalie Goldberg kể một câu chuyện về cách ứng phó với mất mát trong Thiền tông. Cô và các học viên khác tại một trung tâm Thiền tông biết tin một người bạn học thiền – Chris Pirsig, con trai của Robert Pirsig, tác giả cuốn sách Zen and the Art of Motorcycle Maintenance (tạm dịch: Thiền tông và nghệ thuật bảo dưỡng xe máy) đã vô tình bị đâm đến mức tử vong. Cô đã chờ đợi bài giảng hằng ngày của vị thiền sư với suy nghĩ rằng ông ấy sẽ nói điều gì đó giúp “mọi chuyện trở nên tốt hơn”. Vị thiền sư nói rằng: “Con người có một ý niệm mà họ rất thích rằng chúng ta sẽ chết vì tuổi già. Đây chỉ là một ý niệm. Chúng ta không thể biết được khi nào cái chết sẽ đến. Cái chết của Chris Pirsig đã đến. Đó là một lời dạy tuyệt vời về lẽ vô thường.” Có vậy thôi. Không tức giận, không nước mắt. Goldberg đã sốc trước thái độ có vẻ dửng dưng của vị thiền sư đối với cái chết của con trai mình.1
1. Goldberg, Long Quiet Highway xii–xiii.
Chủ nghĩa Khắc kỷ không quan tâm nhiều đến việc vượt qua nỗi đau buồn bằng việc ngăn cản cảm xúc đó. Nếu bạn sống cuộc đời của một người khắc kỷ hoặc cuộc đời của một Phật tử Thiền tông cũng vậy, bạn sẽ tận hưởng những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại khi còn có thể. Khi những điều tốt đẹp này biến mất, bạn sẽ ít có lý do gì để buồn khổ so với việc bạn giả định rằng những thứ mà ta đang xét đến có thể tồn tại mãi mãi để hưởng thụ. Bạn sẽ không tự chuốc khổ cho mình bằng những ý nghĩ “giá mà”. Chủ nghĩa Khắc kỷ không yêu cầu những tín đồ phải sống cuộc đời khắc nghiệt và vô cảm. Mặc dù, nó đòi hỏi họ phải nhận ra rằng có nhiều thứ trong cuộc sống mà họ không thể kiểm soát được, và hệ quả là nhiều thứ mang lại cho họ niềm vui chỉ mang tính nhất thời: của cải sẽ bị mất hoặc đánh cắp, tình bạn sẽ kết thúc, những người thân yêu rồi sẽ qua đời. Nhận thức này có thể khiến họ trở nên lạnh lùng, nhưng nó cũng cho phép họ hiện diện về mặt cảm xúc theo nghĩa là họ đang sống “trong từng khoảnh khắc”.
Epicurus đã sáng lập trường phái triết học mang tên ông. Những người theo phái Epicureans bất đồng với người theo phái khắc kỷ về một số học thuyết triết học cơ bản, ví dụ, họ bác bỏ thuyết định mệnh của phái khắc kỷ. Nhưng khi chúng ta xem xét triết lý sống của họ thì ta phát hiện thấy những người theo phái Epicureans có nhiều điểm tương đồng với phái khắc kỷ.
Ví dụ, phái Epicureans chia sẻ mục tiêu về sự bình thản của phái khắc kỷ. Theo Epicurus: “Thà rằng nằm trên tấm gỗ để được giải phóng khỏi nỗi sợ còn hơn là có chiếc giường bằng vàng và chiếc bàn đầy ắp đồ ăn nhưng trong lòng không ngớt rối bời.”1 Và giống như các nhà khắc kỷ, họ cho rằng chúng ta nên hoài nghi về những ham muốn mà chúng ta phát hiện thấy trong mình: “Mọi ham muốn đều cần được đối chất bằng câu hỏi này: Điều gì sẽ xảy ra với tôi, nếu tôi có được đối tượng mong muốn của mình và điều gì xảy ra nếu không?”2 Giả thuyết cho rằng nếu chúng ta hỏi câu hỏi này thì trong nhiều trường hợp, chúng ta sẽ thấy rằng có được thứ mà ta mong muốn sẽ làm chúng ta không tốt đẹp hơn so với việc không có được nó. Epicurus cũng đồng tình với Marcus rằng thay vì theo đuổi những món đồ sở hữu mới, chúng ta nên cố gắng để muốn những thứ mà ta đã có: “Chúng ta không nên phá hỏng những thứ mà ta đã có bằng việc ham muốn những thứ mà ta chưa có, mà hãy nhớ rằng thứ mà chúng ta đang sở hữu cũng là món quà của sự may mắn.”3
1. Epicurus, Fragments: Remains Assigned to Certain Books, số 48.
2. Epicurus, Fragments: Vatican Collection, số LXXI.
3. Epicurus, Fragments: Vatican Collection, số XXXV.
Epicurus cũng đồng ý với các nhà khắc kỷ về tầm quan trọng của việc làm chủ những ham muốn của chúng ta nếu ta đang tìm kiếm hạnh phúc: “Bất hạnh đến thông qua nỗi sợ hãi hoặc qua ham muốn phù phiếm và buông thả. Nhưng nếu một người kiềm chế được chúng thì anh ta giành được cho mình phước lành của sự thông tuệ.”4 Một phần quan trọng của việc làm chủ ham muốn đó là chiến thắng được ham muốn đối với địa vị xã hội của chúng ta. Thay vì tìm kiếm danh tiếng, mục tiêu của chúng ta nên là “sống cuộc đời mà không mấy ai biết đến”.5
4. Epicurus, Fragments: Remains Assigned to Certain Books, số 74.
5. Epicurus, Fragments: Remains Assigned to Certain Books, số 86.
Giống như các nhà khắc kỷ, Epicurus coi thường sự giàu có vật chất: “Khi đánh giá bằng mục đích tự nhiên của cuộc đời thì sự nghèo khó là tài sản lớn, còn giàu có vô biên là sự nghèo khó lớn lao.”1 Ông cho rằng sự giàu có hiếm khi nào bù đắp được cho nỗi cực nhọc cần thiết để đạt được nó.2 Hơn nữa, rất khó để gom góp được của cải trừ khi người ta chịu làm nô lệ cho “đám đông hoặc vua chúa”;3 do đó, để giành được tài sản, chúng ta thường từ bỏ tự do của mình. Theo ông: “Nhiều người khi trở nên giàu có, họ không tìm được lối thoát khỏi những vấn đề của họ mà chỉ chuyển sang một tai ương tồi tệ hơn.”4
1. Epicurus, Fragments: Vatican Collection, số XXV.
2. Epicurus, Fragments: Remains Assigned to Certain Books, số 73.
3. Epicurus, Fragments: Vatican Collection, số LXVII.
4. Epicurus, Fragments: Remains Assigned to Certain Books, số 72.
Bây giờ, chúng ta cần rõ ràng rằng, có sự tương đồng giữa các nhà khắc kỷ (Stoic – chữ S viết hoa) không phải là khắc kỷ (stoic – chữ s viết thường), tức là những người không thờ ơ trước niềm vui, nỗi buồn, khoái lạc và đau đớn và những người theo trường phái Epicureans (chữ E viết hoa) không phải là epicureans (chữ e viết thường). Từ điển định nghĩa một người epicurean là người “dâng hiến mình cho việc theo đuổi cảm giác khoái lạc, đặc biệt là khoái cảm từ thức ăn ngon và sự tiện nghi dễ chịu”. Còn những người theo trường phái Epicureans mà tôi vừa mô tả ở trên hầu như không giống với định nghĩa này. Theo lời của Epicurus: “Không phải là sự liên tục chè chén say sưa và truy hoan, không phải là sự thỏa mãn những dục vọng, cũng không phải là thưởng thức món cá và những thứ xa xỉ khác trên bàn ăn của người giàu tạo ra một cuộc đời hỷ lạc. Tác nhân thực sự làm tâm hồn ta phiền não chính là lý trí tỉnh táo, luôn tìm kiếm động cơ thúc đẩy cho mọi lựa chọn và né tránh cùng những tư kiến thấp hèn.”5
5. Epicurus, Thư gửi Menoeceus.
Giống như phái khắc kỷ và phái hưởng lạc, các nhà hoài nghi coi trọng sự bình thản, nhưng họ đưa ra lời khuyên khác nhau về cách đạt được điều đó. Như chúng ta thấy, mặc dù các nhà khắc kỷ không hề khắc kỷ và những người theo phái hưởng lạc không phải là người ưa hưởng lạc, nhưng các nhà hoài nghi thì trên thực tế lại rất hay nghi ngờ. Họ cho rằng chìa khóa cho một cuộc sống hạnh phúc và bình thản là từ chối hình thành niềm tin về thế giới xung quanh chúng ta.
Pyrrho of Ellis (360-270 TCN) đã sáng lập trường phái Chủ nghĩa Hoài nghi Hy Lạp (còn được gọi là Pyrrhonism). 500 năm sau Pyrrho, Sextus Empiricus đã bổ sung thêm cho sự phát triển của Chủ nghĩa Hoài nghi. Sextus cho rằng bao khổ đau của chúng ta là hệ quả của những quan điểm mà chúng ta đang gìn giữ. Giả sử bạn bị kim đâm, hiển nhiên là bạn sẽ cảm thấy đau. Nếu cây kim được dùng bởi một bác sĩ đang tiêm ngừa cúm theo yêu cầu của bạn thì bạn sẽ chấp nhận và chịu đựng cơn đau. Ngược lại, nếu cây kim được dùng bởi một kẻ tấn công lạ mặt thì nỗi đau đó sẽ nhân lên bội phần bởi cảm giác phẫn nộ của bạn khi bị tấn công. Cơn đau thể xác có thể y hệt như cơn đau do bác sĩ gây ra, nhưng nỗi đau tinh thần thì sẽ ở mức tột cùng. (Ý niệm này lặp lại ý niệm của phái khắc kỷ rằng thế giới xung quanh chúng ta không làm tổn thương ta nhiều bằng những suy nghĩ trong đầu óc của chúng ta).
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi hy vọng có thể giảm bớt nỗi đau khổ và đạt được phần nào sự bình thản và hạnh phúc trong cuộc sống của bằng cách từ chối nghĩ rằng mọi việc là tồi tệ: “Dù rằng [một người hoài nghi] phải chịu đựng đau đớn thông qua các giác quan của anh ta, song vì không cho rằng những thứ mà anh ta đang chịu đựng về bản chất là xấu xa, nên cảm xúc mà anh ta đang chịu đựng chỉ ở mức vừa phải.”1 Qua câu nói này, Sextus không có ý nói rằng Chủ nghĩa Hoài nghi cho phép các môn đồ của nó sống trong một thế giới hoàn hảo, thoát khỏi đau đớn và lo âu. Ông ấy thừa nhận rằng ngay cả người hoài nghi cũng sẽ phải chịu đựng cảm giác lạnh lẽo và đói khát. Nhưng khi họ làm vậy, bởi vì người hoài nghi không xem lạnh lẽo hay đói khát “về bản chất” là điều tồi tệ nên họ sẽ trải nghiệm ít đau đớn và lo âu hơn những người không theo chủ nghĩa Hoài nghi trong những điều kiện giống nhau.2
1. Sextus Empiricus, Sơ lược về chủ nghĩa Pyrrhonism, quyển III, chương XXIV.
2. Sextus Empiricus, Sơ lược về chủ nghĩa Pyrrhonism, quyển I, chương XII.
Ngoài việc giữ lại niềm tin của chúng ta về điều gì là tốt và xấu thì các nhà hoài nghi khuyên chúng ta giữ lại niềm tin của mình về điều gì là đáng ham muốn và không đáng ham muốn. Suy cho cùng thì ngay khi ai đó cho phép bản thân anh ta tin rằng một thứ gì đó là đáng ham muốn hay không đáng ham muốn thì anh ta đang khơi dậy trong bản thân, theo Sextus, “một cơn lũ những điều xấu xa”.3 Nếu anh ta không giành được thứ mà anh ta muốn thì “anh ta sẽ cực kỳ nhiễu loạn bởi lòng ham muốn có được nó,” còn nếu anh ta có được thứ mình muốn, “anh ta sẽ không bao giờ được nghỉ ngơi do quá vui mừng hoặc vì phải liên tục canh chừng cái mà anh ta mới giành được”.4 Để minh họa, ta hãy xem xét về ham muốn giàu sang. Theo Sextus, nếu một người có ham muốn đối với của cải nhưng lại thiếu nó thì tâm anh ta sẽ bị nhiễu loạn gấp đôi: anh ta sẽ phiền muộn vì sự nghèo khổ của mình và bởi sức lao động cần thiết phải bỏ ra để kiếm được của cải. Và nếu anh ta thành công trong việc kiếm được của cải thì tâm anh ta sẽ bị nhiễu loạn gấp ba “vì anh ta vui mừng thái quá, và bởi vì anh ta phải vất vả để đảm bảo rằng của cải vẫn ở lại với anh ta và anh ta đầy lo lắng và sợ hãi trước viễn cảnh của cải bị mất đi.” Ngược lại, người nào xem sự giàu có là không đáng khao khát mà cũng chẳng xấu xa “thì không bị xáo trộn khi thiếu nó cũng như quá mừng rỡ khi có nó. Dù ở trường hợp nào đi nữa, anh ta vẫn bình thản”.5
3. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 461.
4. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 441–443.
5. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 457.
Sextus viết rằng: “Bằng cách theo đuổi một cách sốt sắng và cực kỳ nỗ lực những thứ mà bản thân tin là tốt đẹp và đáng khao khát, mỗi người đã vô tình rơi vào tay ác quỷ nằm ngay sát nách.”1 Ví dụ, vì ta có niềm tin rằng tiền bạc là điều tốt đẹp nên chúng ta theo đuổi nó và biến bản thân trở thành kẻ chỉ biết tới tiền. Tương tự như vậy, niềm tin của chúng ta rằng danh tiếng là tốt đã mang đến “tai họa lớn” cho chúng ta. Sự ham muốn danh lợi và niềm tin rằng khoái lạc là điều tốt đã khiến chúng ta lâm vào “tình trạng sa đọa”; ngược lại, nếu chúng ta tuyên bố rằng “chẳng có thứ gì đáng phải mong cầu hay phải tránh né” thì chúng ta sẽ sống hạnh phúc và bình thản.2
1. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 445.
2. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 443–45.
Có thể lời khuyên này của những người hoài nghi chịu ảnh hưởng của triết học phương Đông bởi có bằng chứng cho thấy Pyrrho đã tháp tùng Alexander Đại đế trong các chiến dịch của ông ở phương Đông.3 Và khi xem xét triết học phương Đông, chúng ta thấy những quan điểm được đưa ra khá giống với quan điểm của người theo Chủ nghĩa Hoài nghi. Ví dụ như, hãy xem xét lời khuyên sau đây của Phật giáo về cách đạt được tâm tĩnh lặng: “Giải pháp là… tĩnh tâm, ngăn nó tạo ra sự phân biệt và nuôi dưỡng những bám chấp đối với một số hiện tượng này và ác cảm đối với những hiện tượng khác.” Tương tự vậy, “người ta nên cố gắng ngăn tâm trí tạo ra những kiểu phân biệt đối xử dẫn đến sự thèm muốn hoặc bám chấp”.4 Nhìn bề ngoài, điều này nghe có vẻ giống với lời khuyên của Sextus rằng chúng ta nên giữ lại niềm tin của ta về điều gì là đáng khao khát và điều gì là không.
3. Bett, 169.
4. Watson, xx–xxi.
Làm thế nào để có thể tránh hình thành những niềm tin về tính đáng thèm muốn? Trước hết là, tùy theo khả năng của mình, chúng ta có thể lờ đi những ý kiến của người khác. Đối với một người hoài nghi thì người khác rất nguy hiểm, vì họ là người chịu trách nhiệm chính cho những niềm tin mà chúng ta đang có. Quả thực, con đường dễ dàng nhất là tin theo những thứ giống như mọi người xung quanh bạn. Nếu bạn có cùng niềm tin với họ thì họ sẽ ngưỡng mộ và chào đón bạn; nếu bạn không chấp nhận những niềm tin của họ thì họ có thể phớt lờ bạn, xa lánh bạn, hoặc – nếu họ có đủ quyền lực và mê muội – sẽ bỏ tù bạn hoặc giết hại bạn.
Theo Sextus, biết rằng người khác đưa những tư kiến vào đầu chúng ta đã đủ tệ rồi; tệ hơn nữa, những niềm tin đang xét đến sẽ có khuynh hướng mâu thuẫn với nhau. Giả sử, chúng ta đang có thói quen, giống như phần lớn mọi người, là đánh giá liệu một điều gì đó là tốt đẹp hay xấu xa qua việc người khác có tin rằng nó là tốt đẹp hoặc xấu xa hay không. Vì hầu hết mọi thứ đều được theo đuổi bởi một số người và bị tránh né bởi những người khác, nên chúng ta sẽ bị thói quen này dẫn dắt để xem một điều gì đó là vừa đáng khao khát và vừa không đáng khao khát; hoặc nếu không, chúng ta sẽ cảm thấy hoang mang không rõ trong số những người này thì ai mới đúng. Như Sextus đã nói: “Nếu một người nghĩ rằng tất cả những thứ mà được mọi người theo đuổi trong bất kỳ trường hợp nào thì về bản chất là tốt đẹp, và tất cả những thứ bị mọi người né tránh thì bản chất là đáng xa lánh, vậy thì anh ta sẽ có một cuộc đời không thể sống nổi, bởi anh ta bị buộc phải theo đuổi và tránh né cùng một thứ trong cùng một lúc.” Ngược lại, nếu chúng ta nhớ rằng việc người ta ham muốn điều gì đó không làm cho nó trở nên đáng khao khát thì chúng ta sẽ có một cuộc đời “không còn nhiễu loạn.”1
1. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 441.
Trong số những người khác mà chúng ta cũng không nên nghe theo chính là các triết gia, chính xác hơn, Sextus gọi họ là những triết gia giáo điều. Những người này thường khuyên nhủ chúng ta đừng nên theo đuổi một đối tượng mà hãy theo đuổi một đối tượng khác cao quý hơn. Chẳng hạn, họ có thể khuyên chúng ta tìm kiếm phẩm hạnh thay vì sự giàu sang hay danh tiếng. Các triết gia đó – trong số ấy có các nhà Khắc kỷ và những người theo phái hưởng lạc – đưa ra lời khuyên này với hy vọng rằng nó sẽ giảm bớt nỗi khổ đau của con người. Nhưng theo Sextus, lời khuyên đó mãi mãi sẽ không đạt được mục tiêu bởi: “Người theo đuổi đối tượng A gặp đau khổ thì anh ta cũng sẽ khổ đau nếu theo đuổi đối tượng B thôi. Do đó, lời thuyết giảng của triết gia tạo ra một căn bệnh mới thế chỗ cho căn bệnh cũ.”2 Nếu có chuyện gì xảy ra, người ấy thậm chí có thể còn cảm thấy đau khổ nhiều hơn trước, vì bằng cách tuyên bố rằng phẩm hạnh thì quý giá hơn của cải, giàu sang, triết gia đang ám chỉ rằng phẩm hạnh thậm chí còn đáng để bạn chuốc lấy phiền phức nhằm đạt được hơn của cải, sự giàu sang.3 Chủ nghĩa Hoài nghi không ủng hộ cho một hệ giá trị nào, nó chống lại việc tin theo một hệ giá trị nào đó hoặc tin vào bất cứ điều gì.
2. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 451.
3. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 453, 471.
Một lời khuyên khác của nhà hoài nghi là sau khi dùng lý trí để trở thành người hoài nghi, chúng ta nên dừng lý luận về thế giới xung quanh. Theo Sextus: bằng cách sử dụng trí thông minh của mình để cố gắng tìm hiểu vấn đề tới tận cùng và cố gắng xác định điều nào là đúng, điều nào là sai khi đối mặt với những quan điểm trái chiều, “Người tài năng hy vọng rằng nhờ cách làm đó, họ sẽ đạt đến sự bình thản.” Nhưng theo “nguyên tắc chính” của Chủ nghĩa Hoài nghi, đối với mọi mệnh đề, đều có một mệnh đề tương đương và đối lập nhau, có nghĩa là chúng ta không bao giờ có thể đi đến tận cùng của mọi việc.1 Do đó thật vô nghĩa khi tìm cách dùng lý lẽ để thuyết phục chúng ta truy cầu sự bình thản. Sextus bình luận cụ thể về sự vô ích của việc dùng lý trí để kiểm soát một ham muốn rắc rối: ai cố gắng làm thế thì có khả năng “giữ lại điều xấu ác trong lòng” và do đó mà vẫn bị nhiễu loạn. Trong một cái nhìn tổng quát hơn, người nào dùng lý trí để kiểm soát những ham muốn của anh ta là “kẻ bất hạnh nhất trong tất cả mọi người.”2
1. Sextus Empiricus, Sơ lược về chủ nghĩa Pyrrhonism, quyển I, chương VI.
2. Sextus Empiricus, Against the Ethicists, 491.
Bất cứ ai khắc cốt ghi tâm những lời khuyên triết học được đưa ra trong chương này đều có thể bị coi là một người hơi lập dị. Nếu chúng ta tập sống kham khổ theo lời khuyên của Seneca thì chúng ta có thể đi bộ hay đi xe buýt thay vì lái xe hơi. “Tại sao anh ta lại không lái xe?” – hàng xóm của chúng ta có thể ngạc nhiên tự hỏi. Nếu chúng ta từ chối cho chụp ảnh để đăng lên tờ báo địa phương vì chúng ta muốn sống “cuộc đời ít ai biết đến”, theo lời khuyên của Epicurus, thì hàng xóm của chúng ta sẽ cho rằng chúng ta hơi kỳ lạ. Còn nếu chúng ta trở thành người hoài nghi chân chính và nghi ngờ tất thảy mọi thứ thì chúng ta sẽ không những bị coi là lập dị mà còn có khả năng bị coi là người mất trí.
Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ hướng sự chú ý của mình tới những người có hành vi lập dị, không phải là tác dụng phụ của cuộc chiến chống lại ham muốn của họ, mà là một vũ khí chính trong cuộc chiến chống lại sự hình thành của những ham muốn không đáng có. Những người lập dị mà chúng ta đang xét tới lập luận rằng hầu hết những ham muốn đáng chê trách của chúng ta nảy sinh vì ta quan tâm đến những điều người khác nghĩ về mình. Nếu như ta có thể dừng quan tâm – nếu chúng ta có thể chấp nhận sự lập dị thay vì trú ẩn trong sự tuân thủ – thì họ tin rằng chúng ta có thể gia tăng đáng kể cơ hội tìm thấy hạnh phúc của mình.