Làm một người hèn kém, vô giá trị, thiếu đứng đắn nhất trong làng, đến nỗi những tên giữ ngựa cũng chửi rủa được các anh – điều này mang lại một số lợi ích. Tôi nghĩ tôi đã quá ham thích thứ lợi ích đó đến mức trở nên bất thường mất rồi.
—Henry David Thoreau
Aristotle nói rằng một người cảm thấy không cần thiết phải sống trong xã hội thì anh ta hẳn phải là một con thú hoặc là một vị thần.1 Nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche đã thách thức sự phân biệt này: một người cảm thấy không cần thiết phải sống trong xã hội hẳn phải vừa là một con thú vừa là một vị thần – họ là một triết gia.2 Tôi đồng ý với nhận định này, tuy nhiên, tôi xin phản bác đôi chút việc Nietzsche mô tả những con thú thần thánh này như một triết gia. Những triết gia mà tôi biết có nhu cầu “sống trong xã hội” mạnh mẽ như bất kỳ ai. Một cái tên thứ ba, tôi nghĩ phù hợp với cách mô tả đó – những kẻ lập dị. Khi một triết gia như Nietzsche thành công khi sống “bên ngoài xã hội”, điều đó không phải bởi vì anh ta là một triết gia mà bởi vì anh ta là người lập dị. Trong việc lựa chọn lối sống, hầu hết mọi người đều tuân theo các tiêu chuẩn của xã hội mà họ đang sống. Sự tuân thủ thể hiện con đường ít kháng cự nhất. Nếu bạn tuân thủ – nếu bạn sống theo cách mà những người xung quanh bạn đã chọn để sống – họ sẽ chấp thuận lối sống của bạn. (Mọi người có xu hướng khen ngợi những người trông giống họ, vì đó là một cách để tự khen ngợi rằng bản thân được xã hội chấp nhận). Họ sẽ thưởng cho bạn sự ngưỡng mộ, tôn trọng và kèm theo một ít ghen tỵ.
1. Aristotle, quyển I, chương 2.
2. Nietzsche, 1.
Như tôi đã nói, chỉ có một chút cường điệu khi nói rằng mọi người sống không phải cho mình mà cho cả người khác. Đối với hầu hết mọi người, cuộc sống đòi hỏi một loạt các thỏa hiệp liên tục giữa những gì họ muốn cho bản thân và những gì người khác muốn và mong đợi ở họ. Do đó, hầu hết mọi người dần từ bỏ chủ quyền đối với chính mình. Họ từ bỏ nó để dâng cho người thân, cho hàng xóm, và thậm chí cho những người hoàn toàn xa lạ. Họ làm như vậy vì họ rất coi trọng sự ngưỡng mộ của người khác và sợ bị khinh thường và chế giễu.
Ngược lại, những kẻ lập dị từ chối việc từ bỏ quyền tự chủ với bản thân. Họ không chịu sống vì người khác. Họ có cái nhìn của riêng mình về những giá trị trong cuộc sống và lối sống nào mới là đáng sống. Nếu góc nhìn của họ trái ngược với quan điểm chung, thì quan điểm chung càng tệ hại hơn.
Những kẻ lập dị từ chối tuân theo các tiêu chuẩn của xã hội mà họ đang sống. Điều thúc đẩy người khác sẽ không thúc đẩy họ. Họ có thể chẳng thấy ích gì khi cố gắng gây ấn tượng với mọi người bằng một chiếc xe ô tô mới hoặc một ngôi nhà to đẹp. Ngược lại, họ có thể lập luận rằng bất cứ ai bị ấn tượng bởi những điều như vậy đơn giản là không đáng để tâm. (Một người lập dị thậm chí coi việc lái chiếc xe cà tàng của mình như một loại bùa hộ mệnh để xua đi những con người nông cạn, nếu không như vậy thì anh ta có thể sẽ phải đối phó với họ). Sau khi từ chối những cạm bẫy của sự thành công, người lập dị thường sẽ có ít nhu cầu phát triển thịnh vượng về mặt tài chính so với hàng xóm của họ và đặc biệt sẽ không cảm thấy bị bắt buộc phải dành cả ngày để làm một công việc mà họ ghét. Thay vào đó, họ sẽ dành tiền để làm những gì họ muốn, mặc dù những gì họ muốn rất ít tốn kém hoặc hoàn toàn không tốn kém.
Những kẻ lập dị rất đáng để tìm hiểu ở đây – một cuốn sách về ham muốn, không phải vì họ đã làm chủ được ham muốn nói chung mà vì họ đã làm chủ được ham muốn về mặt xã hội ở một mức độ đáng kể, mong muốn giành được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Và bằng cách vượt qua những ham muốn xã hội, những người lập dị cũng khuất phục nhiều ham muốn vật chất: nếu bạn không muốn giành được sự ngưỡng mộ của những người đánh giá người khác dựa trên loại xe họ lái, có lẽ bạn sẽ không muốn chiếc xe đó.
Những người lập dị không chỉ không thích nhiều thứ hàng xóm của họ thích, mà họ còn đưa ra những lý do hợp lý để không thích chúng. Họ ngụ ý rằng những thứ hàng xóm thích là ngu ngốc và do đó, những người hàng xóm cũng ngu ngốc ở một mức độ nào đó. Những lời này chạm đến tự ái của những người hàng xóm kia – những người lập dị nhanh chóng trở thành cái gai trong mắt những người xung quanh. Đôi khi, người ta đối phó với một kẻ lập dị bằng cách cố gắng khiến anh ta thay đổi theo hướng giống với họ hơn. Một người lập dị thực sự sẽ phớt lờ lời khuyên của họ và làm như vậy sẽ khiến họ nổi điên gấp đôi. Khi phớt lờ lời khuyên của họ, người lập dị đang chứng tỏ rằng anh ta không quan tâm đến những gì họ nghĩ. (Nói với ai đó rằng bạn không quan tâm những gì anh ta nghĩ là một trong những lời xúc phạm nặng nề nhất). Hơn nữa, khi phớt lờ lời khuyên của họ, không chịu để mình khuất phục trước áp lực xã hội, người lập dị đang ngụ ý rằng anh ta đang đứng ở bên ngoài – hoặc thậm chí tệ hơn, đứng ở trên – những “quy tắc” của xã hội mà anh ta sống. Phần còn lại của chúng ta phải tuân theo kỳ vọng của xã hội. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ để mua nhà, mua xe hơi, quần áo và kiểu tóc cần thiết để chiếm được sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Mặt khác, người lập dị cho rằng các quy tắc của xã hội không áp dụng cho anh ta. Thật bất công khi chúng ta phải tuân theo các quy tắc còn anh ta thì không. Xen lẫn với cảm giác bất công này là sự ghen tỵ – giá mà chúng ta có thể tự do sống cuộc đời mình chọn như những kẻ lập dị kia!
Những người hàng xóm của những người lập dị gần như chắc chắn sẽ buôn chuyện về sự ngu ngốc của anh ta. Họ cũng có thể công khai thể hiện sự khinh bỉ đối với anh ta. Họ có thể chế nhạo anh ta, chỉ để nhận ra rằng anh ta dường như không ngại bị chế giễu. (Anh ta thậm chí có thể chế giễu bản thân theo những cách mà họ không nghĩ có thể làm). Họ có thể nghĩ: sẽ không đời nào mời anh ta đến các buổi họp mặt, chỉ để nhận ra anh ta có thể sẽ không muốn đến ngay cả khi được mời. Những người hàng xóm sẽ kiên nhẫn chờ đợi anh ta phải trả giá cho sự lập dị của mình – để anh ta thấy sự ngu ngốc trong cách sống của mình và cuối cùng cầu xin sự ngưỡng mộ và tôn trọng của họ. Vấn đề là nhiều người lập dị dường như hoàn toàn hạnh phúc trong sự lập dị của mình. Hạnh phúc này chỉ làm tăng thêm sự bực tức của hàng xóm đối với họ.
Một số người lập dị tránh sự quấy rối của đồng loại bằng cách loại mình ra khỏi xã hội. Họ có thể sống ẩn dật ở một nơi xa xôi nào đó, hoặc họ có thể tiếp tục sống giữa mọi người nhưng ít giao tiếp xã hội với họ. Tuy nhiên, nhiều người lập dị không chạy trốn khỏi những người khác. Thay vào đó, họ tiếp tục là một phần của xã hội, đồng thời bác bỏ các chuẩn mực xã hội đã đặt ra. Họ biết rằng làm như vậy, họ sẽ trở thành thành phần thiểu số, nhưng họ chấp nhận thân phận thiểu số của mình. Khi bị hàng xóm chế giễu, họ nhún vai, nhận ra rằng đó là cái giá họ phải trả để được hưởng tự do xã hội. Họ cũng nhận ra rằng việc chống trả sẽ chỉ kích động thêm sự khinh miệt của hàng xóm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những người lập dị không chấp nhận một cách thụ động địa vị thiểu số, thay vào đó, họ cố gắng cải cách xã hội mà họ đang sống để làm cho xã hội nhìn ra những sai sót trong đường lối của mình và chấp nhận những giá trị lập dị của họ. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sự chú ý của mình đến hai chiến binh lập dị như đã mô tả – Diogenes thành Sinope (412-323 TCN) và Henry David Thoreau (1817-1862).
Diogenes và Thoreau đều thường được nhìn nhận là những triết gia và tôi có thể thảo luận về lời khuyên mang tính triết học của họ về ham muốn ở chương trước. Vấn đề là cả Diogenes và Thoreau đều không đưa ra lời biện minh mang tính “triết học” về tính lập dị của mình. (Chủ nghĩa Yếm thế – học thuyết mà Diogenes tâm đắc nên được mô tả như một lối sống hơn là một lý thuyết triết học. Theo nhà triết học Luis E. Navia, Chủ nghĩa Yếm thế không phải là một hệ thống ý tưởng như là “một phản ứng, một sự đáp trả đối với những điều kiện tồn tại của con người mà Chủ nghĩa Yếm thế thấy là không thể chấp nhận được từ góc nhìn của trí tuệ”).1
1. Navia, viii–ix.
Diogenes và Thoreau không khuyên chúng ta cầu nguyện, thiền định, chấp nhận cái chết hoặc lý giải một công án để vượt qua ham muốn xã hội và vật chất của chúng ta. Thay vào đó, họ khuyên chúng ta hãy nhìn những người hàng xóm của mình và học hỏi từ họ. Chúng ta nên xem xét cách họ sống hằng ngày – điều mà họ gọi là thành công và quan trọng nhất là họ có vẻ đau khổ và tuyệt vọng như thế nào. Chúng ta nên xem xét những mâu thuẫn hiển hiện trong lối sống của họ, ví dụ, cách họ làm việc chăm chỉ hơn để có thể có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Chúng ta nên quan sát cách họ bám chấp vào một số lối sống cố định mặc dù đã cố phớt lờ nhiều bằng chứng cho thấy rằng lối sống nói trên chẳng hề đưa họ gần và thậm chí là rời xa mục tiêu của chính họ. Đặc biệt, chúng ta nên chú ý cách họ cố chấp tin rằng món hàng tiêu dùng tiếp theo mà họ mua sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài, mặc dù chẳng món hàng nào trước đó đem lại điều đó. Chúng ta nên chú ý đến nhu cầu vô tận muốn nhận được sự chấp nhận từ bên ngoài về lối sống của họ và cách họ nổi đóa với bất kỳ ai chỉ ra khuyết điểm trong những giá trị mà họ níu giữ. Chúng ta nên nhận ra rằng nếu quan tâm về điều những vị hàng xóm này nghĩ về chúng ta thì rồi ta sẽ phải sống như họ. Và ta nên tự hỏi mình câu hỏi này: Đây có phải là điều chúng ta muốn từ cuộc sống – ước muốn được giống như họ?
Diogenes là học trò của Antisthenes – người sáng lập trường phái triết học yếm thế, ông là học trò của Socrates. Mặc dù Plato cũng là một học trò của Socrates, cách tiếp cận của ông đối với triết học khác biệt rõ rệt so với triết lý của Antisthenes hoặc Diogenes. Plato dành cả ngày để giảng về những lý thuyết triết học dài dòng và thiếu vắng những lời khuyên về cách sống – các bài giảng mà Diogenes cho là lãng phí thời gian.1
1. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 27.
(Điều đáng chú ý là Socrates, người ươm mầm trí tuệ Diogenes và Plato, dường như đã dành tâm huyết cho cả hai con đường triết học: ông quan tâm đến lý thuyết triết học nhưng đồng thời cũng sống cuộc đời của một người lập dị. Tôi nên nói thêm rằng Zeno của thành Citium, người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ, là một học trò của Crates – một nhà yếm thế; điều này sẽ giúp độc giả nhận ra một mối tương quan giữa nhà yếm thế và nhà khắc kỷ).
Bất cứ ai chọn lối sống lập dị đều có nguy cơ bị gắn mác là điên khùng. Thật vậy, Plato gọi Diogenes là một phiên bản Socrates bị điên.1 Bởi vì hầu hết mọi người đều là những kẻ tuân phục, họ chẳng thể hiểu lý do tại sao ai đó lại tự nguyện bỏ qua các quy ước xã hội rồi từ đó để mình chịu sự chỉ trích của xã hội. Có một điều chắc chắn rằng nhiều người lập dị không lựa chọn con đường đó; thay vào đó, sự lập dị của họ là một chứng bệnh. Những người lập dị tự nguyện sẵn sàng đối mặt với nguy cơ bị người đời xem là điên loạn vì họ đánh giá cao sự tự do vĩ đại mà một lối sống lập dị có thể mang lại: nếu sẵn sàng chấp nhận “điên khùng” như một phần biệt danh của bạn, bạn có thể sống cuộc sống của riêng bạn chọn thay vì phải tuân thủ các kỳ vọng của những người xung quanh.
1. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 54.
Chúng ta không có bất kỳ tác phẩm nào của Diogenes nhưng chúng ta biết về ông ta qua lời mô tả. Ông khinh thường sự giàu có và danh tiếng, sống cuộc sống đơn giản nhất có thể. Ví dụ, chúng ta được biết rằng ông ta sống trong một cái bồn tắm, mặc dù không rõ chính xác điều này có nghĩa là gì. (Navia nói đó một thùng đất nung lớn)2. Ông coi tiền bạc là gốc rễ của tất cả những điều xấu ác3 và nhìn nhận rằng những kẻ xấu tuân theo dục vọng trong khi các tôi tớ vâng lời chủ nhân của chúng.4 Ông lập luận rằng đồng bào của mình sẽ có được hạnh phúc nếu họ từ bỏ những sự nhọc công vô ích của họ và sống “thuận theo tự nhiên”; tuy nhiên, “vì sự điên rồ của mình mà họ chọn đau khổ”.2 Để bảo vệ cho lối sống thanh bần của mình, Diogenes lập luận rằng “chỉ những vị thần mới có đặc quyền sống mà không cần gì và chỉ những bậc thánh nhân mới có ít dục vọng”.6
2. Navia, 22.
3. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 53.
4. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 69.
5. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 73.
6. Diogenes Laertius, “Menedemus”, 109.
Diogenes nổi tiếng với sự dí dỏm của mình. Một lần, ông bị cướp biển bắt và bán đấu giá như một nô lệ. Khi người đấu giá hỏi ông thành thạo những gì, Diogenes trả lời: “Thành thạo việc thống trị nhân loại.” Sau đó, ông chỉ vào một kẻ giàu có trong đám đông người mua và nói: “Hãy bán tôi cho người đàn ông này, ông ta cần một chủ nhân.”7 Trong một dịp khác, có người hỏi Diogenes tại sao mọi người cho tiền những người què và mù nhưng không cho tiền các triết gia. Câu trả lời của ông: “Bởi vì mọi người lo lắng họ một ngày nào đó họ có thể trở thành què quặt hoặc đui mù, nhưng họ không bao giờ mong đợi một ngày nào đó sẽ đi con đường triết học.”8
7. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 77.
8. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 57.
Diogenes từng gặp qua Alexander Đại đế. Mặc dù Alexander Đại đế giàu có, quyền lực và nổi tiếng, Diogenes chẳng có chút ấn tượng gì với ông. Một lần nọ, Alexander nhìn thấy Diogenes đang tắm nắng. Ông bước lên, đứng che khuất Diogenes và hỏi xem Diogenes muốn gì không? Đó là lời đề nghị mà Alexander sẽ dùng đại quyền của mình để thực hiện cho ông. Diogenes trả lời rằng ông ước gì Alexander đừng đứng che nắng của ông nữa.1 Alexander đã bị ấn tượng bởi sự tự tại của Diogenes: ông nói rằng nếu ông không thể là Alexander, ông muốn trở thành Diogenes.2
1. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 41.
2. Diogenes Laertius, “Diogenes”, 35.
Diogenes chế giễu nhân loại vì đã tốn quá nhiều thời gian, nỗ lực và tiền bạc trong cuộc truy tìm khoái cảm tình dục. Ông nói qua cách ẩn dụ: “Ta tìm được nữ thần Aphrodite khắp mọi nơi mà không phải tốn một xu nào”. Diogenes nói rằng ngay cả loài cá, khi cần giải quyết sinh lý, chúng tìm ra cách làm việc đó mà chẳng cần quan hệ tình dục, về mặt này, cá còn nhạy cảm hơn con người nhiều. Ông ấy quan sát thấy rằng “Con người không muốn trả tiền để chân tay hay bất kỳ phần nào khác trên cơ thể bị cọ xát. Vậy mà, với bộ phận kia, họ đã dành quá nhiều thời gian và một số còn mạo hiểm tính mạng của mình trong cuộc trao đổi.”3
3. Dio Chrysostom, The Sixth Discourse: Diogenes, or on Tyranny, 261.
Epictetus – một nhà khắc kỷ nhưng lại đề cao đường lối yếm thế – được một người tham vấn vì anh ta muốn trở thành một người yếm thế. Lời khuyên của ông cho chúng ta một bức tranh toàn diện về cuộc sống của người yếm thế. Ông nói: “Anh phải hoàn toàn từ bỏ ý muốn đạt được bất kỳ thứ gì của mình, và chỉ muốn tránh xa cái ác bên trong, không được giận dữ, sân hận, ganh tỵ, nuối tiếc. Một cô hầu xinh đẹp, một cái tên đẹp, những sở thích hay bánh ngọt, không còn có nghĩa lý gì với anh.” Một nhà yếm thế “phải có một tinh thần kiên định đến mức trong mắt số đông, người đó bất động như một tảng đá. Những lời cay độc, đòn roi hoặc xúc phạm chẳng là gì với anh ta”. Ông miêu tả nhà yếm thế chân chính là sứ giả từ Thượng đế gửi xuống cho con người để giúp họ biết điều gì là tốt đẹp và xấu xa, để cho họ thấy họ là những kẻ lạc lối.
Một nhà yếm thế, theo Epictetus, chẳng có nổi một căn nhà và tài sản, ngoại trừ một lớp áo khoác tồi tàn. Ông ta ngủ trên mặt đất. Ông ta không có vợ con để thủ thỉ. Vậy mà dù thiếu thốn trăm đường, nhà yếm thế vẫn tuyên bố rằng ông ta không thiếu điều gì.
“Ta thiếu gì cơ chứ? Chẳng phải ta đã thoát khỏi nỗi đau và sợ hãi, chẳng phải ta đã đặng được tự do sao? Có bao giờ các người từng thấy ta thất bại trong việc đi theo chí hướng của mình hay rơi vào những điều ta muốn tránh né chưa?”1
1. Epictetus, Arrian’s Discourses of Epictetus, quyển III, chương XXII.
Dio Chrysoprasis, một người cùng thời của Epictetus, từng được mô tả như một “nhà khắc kỷ trên lý thuyết, một nhà yếm thế trong đời sống”,2 nói rằng Diogenes được xem như là thầy thuốc của tâm hồn. Ông đi bất cứ nơi nào mọi người tụ tập, học hỏi về những ham muốn và tham vọng của họ, và bằng cách giao tiếp với họ, ông cố gắng giúp họ hàn gắn linh hồn mục ruỗng. Ví dụ, ông có thể tiếp cận những người đã đến xem một cuộc thi thể thao và tuyên bố mình là một trong những người thi đấu. Khi họ chế nhạo ông và hỏi ai là đối thủ của ông, ông sẽ trả lời: “Bậc thượng nhân lấy những khó khăn của mình làm đối thủ lớn nhất, và với chúng, ông luôn chiến đấu không ngơi nghỉ cho dù là ngày hay đêm.”3 Những khó khăn được nói đến gồm sự đói khát, án đày ải, mất danh tiếng, cũng như lòng sân hận, khổ đau, tham vọng và sợ hãi.4
2. Arnold, 118.
3. Dio Chrysostom, The Eighth Discourse: Diogenes or On Virtue, 385.
4. Dio Chrysostom, The Ninth Discourse: Diogenes or the Isthmian Dis- course, 409.
Bậc thượng nhân cũng chiến đấu chống lại khoái lại. Diogenes nhìn nhận: “Chúng không dùng vũ lực công khai mà dùng mưu mô xảo trá và phù phép với độc dược chết người, cũng như Homer nói khi Circe đánh thuốc các chiến hữu của Odysseus.” Khoái lạc “chưa bao giờ sinh ra chỉ độc nhất một âm mưu mà là tất cả mọi loại mưu mô chước quỷ trên đời, và nó nhắm đến tiêu diệt con người bằng âm thanh, mùi hương, mùi vị, xúc chạm với thức ăn, nước uống và ham muốn xác thịt, bỏ bùa cả những kẻ đang tỉnh táo hay đang say ngủ.” (Nói theo cách này, Diogenes có vẻ như đã dự đoán thứ chúng ta gọi là BIS). Ông cảnh báo với chúng ta: “Chính khoái lạc, với một cái phẩy từ cây đũa thần, từ từ đưa nạn nhân rơi vào... một cái chuồng heo và nhốt hắn ta lại, và kể từ đó, kẻ kia phải tiếp tục sống như một con heo hay một con sói.” Đa số mọi người đều thua trong cuộc chiến đấu chống lại khoái lạc, bởi vì “không thể nào sống chung với khoái lạc hay thậm chí chỉ lảng vảng quanh nó trong phút chốc mà không bị nó bắt làm nô lệ”. Diogenes kết luận: “Đây chính là cuộc thi đấu mà ta kiên định duy trì, và khi đó, ta mạo hiểm cuộc sống của mình chống lại khoái lạc và khó khăn, thế mà chẳng có kẻ phàm nhân nào để tâm đến ta. Người trần không hề để ý đến ta mà chỉ chăm chăm vào đám vận động viên điền kinh và đám vũ công”.1
1. Dio Chrysostom, The Eighth Discourse: Diogenes or On Virtue, 391.
Henry David Thoreau là một người lập dị, mặc dù không đến mức như Diogenes. Vì lý do này, lối sống của Thoreau, đối với nhiều người có thể sẽ là lập dị, có vẻ phù hợp với tư cách là một hình mẫu hơn là của Diogenes. Mọi người đón nhận ý tưởng từ bỏ xã hội để tìm một căn nhà gỗ trong rừng hơn là một cái “bồn tắm” trong thành phố.
Thoreau đã biểu hiện tính cách lập dị ngay sau khi tốt nghiệp Harvard năm 1837. Việc làm khan hiếm do khủng hoảng tài chính nhưng Thoreau đã thành công khi trúng tuyển vào vị trí giảng dạy. Người chủ của ông phàn nàn rằng Thoreau không chịu đánh đòn học sinh. Thoreau hồi đáp bằng cách chọn ngẫu nhiên 6 học sinh và đánh đòn chúng. Sau đó, ông ta bỏ việc, chỉ hai tuần sau khi bắt đầu.1
1. Richardson, 5–6.
Trong suốt phần đời còn lại của mình, Thoreau đã dành năng lượng của mình để tránh xa bất cứ điều gì tương tự như thứ mà thế giới coi là thành công. Ông giảm bớt công việc đến hết mức có thể và thay vào đó dành cả ngày để đọc và đi dạo. (Khi đi bộ, ông nói, ông phục hồi “đứa trẻ bị mất” trong ông).2 Ông đã bước đi như một cách để giảm ham muốn của mình, cả về vật chất và xã hội, ở mức tối thiểu. Ông tự tin rằng: “Kỹ năng tốt nhất của tôi là giảm nhu cầu của mình xuống mức tối thiểu”.3 Những bước đi này lên đến đỉnh điểm trong thí nghiệm nổi tiếng kéo dài hai năm, khi đó ông sống trong một căn nhà nhỏ bên bờ Walden Pond: “Tôi vào rừng vì tôi muốn sống thật sâu sắc, chỉ đối mặt với những sự thật cần thiết của cuộc sống, và xem liệu tôi có học được điều mà cuộc sống này truyền dạy hay không. Kẻo lỡ đến khi cận kề cái chết, tôi mới nhận ra rằng mình đã không thực sự sống.”4 (Xin nói thêm Thoreau dường như đã tránh được nỗi lo ấy, bởi khi ông qua đời ở tuổi bốn mươi do bệnh lao, bạn bè nhận xét rằng họ chưa bao giờ chứng kiến cái chết nào thanh thản như vậy).5
2. Được trích dẫn trong Richardson, 257.
3. Thoreau, Thoughts (19, tháng Bảy 1851), 1.
4. Thoreau, Walden, 61.
5. Richardson, 389.
Thoreau xem nhẹ giá trị mà những người hàng xóm của mình theo đuổi; thực sự, phần lớn tác phẩm Walden để dành cho việc ghi lại sự ngu ngốc của họ. Theo Thoreau: “Mười hai kỳ công của Hercules so với điều mà những người hàng xóm của tôi đã làm chỉ là chuyện vặt vì những kỳ công kia chỉ có 12 lần là kết thúc. Mặc dù, tôi không bao giờ nhìn thấy những người đàn ông ấy bắt, giết quái vật hoặc hoàn tất bất cứ kỳ công nào. “Còn những nông dân có tiếng là “thành công” trong làng của Thoreau thì sao? Ông nói: “Tôi đã chứng kiến bao nhiêu linh hồn bất tử tội nghiệp gần như bị nghiền nát và tan thành mây khói bởi sức nặng của mình. Họ bò lết trên đường đời, tự đẩy mình đến trước một kho thóc cao 75 bộ, chuồng Augean chất đầy phân ngựa1 và một trăm mẫu đất, đồng ruộng, thảm cỏ, gia súc và bãi gỗ!”. Ông cũng tuyên bố những người hàng xóm của ông đã trải qua “cuộc sống tồi tệ và lầm lũi”, cuộc sống “tuyệt vọng trong yên lặng”. Họ là những nô lệ cứ ngỡ mình là người đánh xe chở nô lệ.2
1. Chuồng ngựa Augean là một trong 12 thử thách của Hercules. (BT)
2. Thoreau, Walden, 4.
Những người hàng xóm của Thoreau, theo cách nghĩ của ông, không chỉ làm sai, mà còn nghĩ sai: “Phần lớn những gì hàng xóm của tôi gọi là tốt thì tận tâm can tôi tin rằng đó là xấu, và nếu tôi từng hối hận về điều gì, có thể đó hành vi ngoan ngoãn của tôi. Con quỷ nào đã ám tôi khiến tôi lại cư xử tốt đẹp đến như vậy?”3 Ông cũng từng viết: “Niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại, vĩ đại và hạ tiện, và thực sự hầu hết các từ trong tiếng Anh đối với tôi không mang nghĩa giống những gì hàng xóm của tôi nghĩ.”4 Ông bác bỏ định nghĩa thông thường về thành công: “Nếu một người dành cả ngày cho công việc kinh doanh nào đó khiến anh ta trở nên giàu có như người ta gọi – tức là có nhiều tiền, nhiều nhà, nhiều kho thóc và nhiều gỗ, thì cuộc đời của anh ta đã là một thất bại, tôi nghĩ vậy.”5
3. Thoreau, Walden, 6.
4. Thoreau, Thoughts (18, tháng Mười 1856), 7.
5. Được trích dẫn trong France, 181.
Khi hạ thấp những người hàng xóm của mình, Thoreau không có ý tuyên bố mình giỏi hơn họ. Sự khác biệt chỉ đơn giản là ông ấy đã nhìn thấy được ánh sáng, còn họ thì không: “Nếu có ai nghĩ rằng tôi là kẻ háo danh, rằng tôi đặt mình lên trên những người khác và reo mừng vì sự thấp kém họ, hãy để tôi nói với họ rằng tôi có thể kể một câu chuyện đáng thương về bản thân tôi cũng như họ… Tôi có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn bằng một danh sách đầy những thất bại, và dòng đời tôi chỉ chảy một cách khiêm tốn như nước dưới khe mà thôi.”1
1. Được trích dẫn trong Richardson, 256–257.
Mặc dù Thoreau không phải là một ẩn sĩ, ngay cả trong những năm ông ở hồ Walden2, ông cũng có nhu cầu giao tiếp xã hội tối thiểu. Theo như Thoreau lo ngại, cái giá phải trả của việc tiếp xúc với người khác rõ ràng đã vượt quá lợi ích mà nó đem lại: “Những người quen của tôi đôi khi sẽ tự hỏi tại sao tôi lại tự làm nghèo bản thân bằng cách sống xa cách với cộng đồng này hay cộng đồng kia, nhưng tôi sẽ càng bần cùng hơn nếu tôi giao tiếp với họ.”3 Ở một đoạn viết khác, ông nhận xét rằng: “Xã hội, con người, không có giải thưởng nào có thể cám dỗ tôi; không một thứ gì. Điều thực sự thu hút quan tâm của cả một thị trấn, thành phố hoặc bất kỳ số đông nào toàn là một điều gì đó tầm thường. Tôi không hứng thú với những điều bình thường thu hút quần chúng. Những ham muốn và sở thích của họ đối với tôi dường như là điều phù phiếm”.4
2. Thoreau, Walden, 94.
3. Thoreau, Selected Journals (17, tháng Mười hai 1851), 142.
4. Thoreau, Selected Journals (24, tháng Bốn 1852), 157.
Mặc dù Thoreau không ưa giao thiệp với người khác nhưng ông lại rất thích bầu bạn với chính mình.5 Ông cũng cảm thấy tội nghiệp cho những người luôn cần có người khác: “Thương thay cho anh ta, người luôn muốn có bạn đồng hành, bởi anh ta không thích hợp để trở thành một người bạn đồng hành ngay cả với chính mình.”1
5. Thoreau, Walden, 91.
1. Thoreau, Thoughts (tháng Sáu, 1850), 83.
Thoreau khinh thường ham muốn mãnh liệt được hòa mình vào cộng đồng của những người hàng xóm: “Mong muốn mạnh mẽ được trở thành con người đáng kính trong mắt hàng xóm hơn trong mắt chính bản thân mình.”2 Nhưng nếu, giống như Thoreau, bạn tin rằng những người hàng xóm của bạn hoàn toàn lạc lối trong cách họ sống cuộc đời của họ, bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất khả thi nếu bạn là một người chân thật và dũng cảm: phải quên họ đi và sống với con người thật của mình; phải quyết định cuộc sống phù hợp với bạn nhất và quyết tâm sống một cuộc sống như vậy, bạn phải hành quân, như Thoreau, theo một tiếng trống lệnh khác.3
2. Thoreau, Thoughts (1845–1847), 214.
3. Thoreau, Walden, 217.
Nếu Thoreau không tán thành lối sống của hàng xóm, họ cũng phản đối lối sống của ông. Thoreau nhận ra rằng trong mắt những người hàng xóm “số phận tồi tệ và bất hạnh khiến tôi phải đi bộ trên những cánh đồng và rừng cây nhiều đến vậy, và chèo thuyền trên dòng sông này một mình.”4Và không chỉ những người nông dân và thương nhân của Concord không tán thành Thoreau, giới trí thức ở đó cũng vậy. Ralph Waldo Emerson đã trách Thoreau về sự thiếu ý chí của ông.5 William Ellery Channing nói về Thoreau: “Tôi không thể hiểu được ý nghĩa cuộc sống của anh ấy là gì.”6
4. Thoreau, Thoughts (18, tháng Mười 1856), 7.
5. Richardson, 299.
6. Được trích dẫn trong Richardson, 300.
Tất nhiên, đối với một người lập dị thực sự, việc nhận được sự coi thường từ người khác hoặc ít nhất làm họ vò đầu bứt tai vì khó hiểu là một dấu hiệu của thành công.
Thoreau từ chối các của cải vật chất mà hàng xóm của ông đã làm việc cật lực mới có được: “Hầu hết những thứ xa xỉ, và nhiều thứ được gọi là tiện nghi của cuộc sống, không những không phải là thiết yếu, mà còn là trở ngại rõ ràng đối với sự thăng tiến của nhân loại. Đối với những thứ xa hoa và tiện nghi, những người khôn ngoan nhất đã từng sống một cuộc sống đơn giản và đạm bạc hơn cả những người nghèo.”1 Nhìn chung, ông khẳng định rằng: “Mọi thứ tốt đẹp đều rẻ mạt; mọi thứ tồi tệ đều rất đắt đỏ.”2
1. Thoreau, Walden, 9.
2. Thoreau, Thoughts (3, tháng Ba 1841), 205.
Ông nghĩ rằng việc tích lũy một tài sản lớn là vô nghĩa, vì “sự giàu có dư thừa chỉ có thể mua được những thứ dư thừa mà thôi”.3 Thật vậy, theo quan điểm của Thoreau, sự giàu có không chỉ là vô nghĩa mà còn là điều xấu xa: “Từ kinh nghiệm của tôi, tôi thấy không có gì thực sự nghèo hơn cái được gọi là của cải.”4 Ông cũng tuyên bố rằng: “Có quá nhiều thì còn tệ hơn và xấu hơn là không có đủ.”5 Ông nói, chúng ta nên “vun trồng sự nghèo khó như một loại thảo mộc trong vườn, như cây xô thơm (ngoài nghĩa là một loại cây, từ “sage” còn có nghĩa là nhà hiền triết).”6
3. Thoreau, Walden, 220.
4. Thoreau, Selected Journals (20, tháng Một 1856), 231.
5. Thoreau, Selected Journals (18, tháng Mười một 1855), 223.
6. Thoreau, Walden, 219.
Thoreau khuyên chúng ta nên đơn giản hóa chế độ ăn uống của mình. Trong cuộc thử nghiệm của mình tại Walden Pond, ông ấy nhận thấy mình có thể ăn uống với 27 xu mỗi tuần.1 Tại Walden, ông sống trong một căn nhà gỗ rộng 6m2 do chính ông xây dựng với chi phí 28,12½ đô-la2 nhưng ông cho rằng thậm chí căn nhà này còn là nơi ở xa hoa hơn nơi một người khôn ngoan cần. Ông cũng có ý nghĩ hài hước về một chiếc thùng dài 1,8m và rộng 1m và nhắc nhở chúng ta rằng: “Nhiều người bị làm phiền đến cuối đời vì trả tiền thuê một chiếc hộp lớn hơn và sang trọng hơn. Ai rồi mà không chết lạnh trong một cái hộp cỡ chừng này.”3 Người ta tưởng tượng chiếc hộp của Thoreau là phiên bản New England của chiếc bồn tắm mà Diogenes từng ở.
1. Thoreau, Walden, 41.
2. Thoreau, Walden, 33.
3. Thoreau, Walden, 19.
Thoreau bác bỏ quan điểm thông thường rằng chúng ta nên dành cả ngày làm những công việc không phù hợp để kiếm sống: “Tất cả những công việc tầm thường và không thú vị, mệt mỏi và chẳng vui sướng gì đều là những công việc mà người ta sẽ trả tiền cho bạn! Mọi cách mà bạn kiếm tiền đều sẽ lôi bạn đi xuống mà thôi.”4 Lời khuyên của ông: “Bạn phải kiếm sống bằng cách mà bạn yêu thích.”5 Theo ông: “Mục đích của người lao động không phải để kiếm sống hay có được “một công việc tốt”,6 mà phải giỏi một công việc nào đó.” Thoreau khuyến khích chúng ta, khi mua đồ, đừng nghĩ đến việc chi phí bằng đô-la của món đồ mà hãy nghĩ đến sức lao động đã bỏ ra vì chúng – nghĩa là, phần cuộc sống mà chúng ta phải từ bỏ để có tiền mua được thứ kia.7 Tất nhiên, nếu thích những gì chúng ta làm để kiếm sống, giống như Thoreau, chúng ta không phải đánh đổi quá nhiều. Trong những trường hợp như vậy, tiền lương của chúng ta giống như phần trang trí thêm trên bánh kem mà thôi.
4. Thoreau, Thoughts (7, tháng Tám 1853), 162.
5. Thoreau, “Sống không luật lệ - Life Without Principle,” 359.
6. Thoreau, “Sống không luật lệ - Life Without Principle,” 358.
7. Thoreau, Walden, 21.
Nếu đơn giản hóa cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không cần lao động quá nhiều để kiếm sống. Thoreau ước tính rằng ông có thể đủ tiền chu cấp cho bản thân với 6 tuần lao động mỗi năm1, còn lại 46 tuần rảnh rỗi dành cho những nỗ lực quan trọng hơn, chẳng hạn như trở thành thanh tra viên tự bổ nhiệm và không được trả lương trong công cuộc nghiên cứu bão tuyết và mưa bão.2 Nói chung, chúng ta có thể dành thời gian làm điều gì đó mà những người bình thường sợ làm – chúng ta có thể theo đuổi những giấc mơ. Trong thời gian ở Walden Pond, Thoreau đã viết: “Tôi đã học được rằng: nếu một người tiến lên một cách tự tin theo hướng ước mơ của mình và nỗ lực sống cuộc sống mà anh ta đã hằng tưởng tượng, anh ta sẽ gặp được thành công ngoài mong đợi giữa đời thường.”3 Và chúng ta có thể dành những ngày của mình để sống không chỉ một cuộc đời mà còn nhiều cuộc đời hơn nữa trên cơ sở thực nghiệm. Chúng ta nên nhớ Thoreau đã rời bỏ Walden bởi vì theo ông, ông còn phải sống thêm vài cuộc đời nữa.4
1. Thoreau, Walden, 47.
2. Thoreau, Selected Journals (1845–1847), 90.
3. Thoreau, Walden, 216.
4. Thoreau, Walden, 215.
Nhà tâm lý học thần kinh người Scotland – David Weeks có lẽ đã gặp phải nhiều trường hợp lập dị hơn bất kỳ người nào khác. Weeks bắt đầu thực hiện một nghiên cứu về tính lập dị, chỉ để phát hiện ra rằng kiến thức khoa học về tính lập dị hầu như không tồn tại. Ông bắt đầu làm việc để lấp đầy khoảng trống này trong hiểu biết của chúng ta về những lối sống khác thường bằng cách nghiên cứu những người lập dị từ cổ chí kim. Kết luận của ông được trình bày trong cuốn sách Eccentrics: A Study of Sanity and Strangeness (tạm dịch: Những kẻ lập dị: Một nghiên cứu về sự tỉnh tảo và quái đản).
Weeks phát hiện ra rằng những kẻ lập dị luôn là những người thất bại trong mắt xã hội – ít nhất là nếu chúng ta sử dụng từ thất bại theo nghĩa thông thường của nó. Thế giới không nhìn nhận họ một cách nghiêm túc, hoặc tệ nhất là chế giễu họ. Những người lập dị cũng có xu hướng thất bại về tài chính, một phần là do họ thiếu địa vị xã hội. Khi những kẻ lập dị trở nên thịnh vượng thường có hai cách giải thích: hoặc họ được thừa hưởng một gia tài hoặc họ đã tìm ra cách để nhận được phần thưởng cho hành vi mà họ ám ảnh phải làm của mình. Weeks nêu lên một ví dụ về trường hợp sau: một người ám ảnh với những củ khoai tây, trở thành một thanh tra chính phủ về khoai tây – một công việc mà anh ta làm trong sự ham thích.
Weeks đã đưa ra một danh sách các đặc điểm mà những người lập dị có xu hướng giống nhau. Rõ ràng nhất, họ là những người không tuân phục. Họ cũng tò mò, sáng tạo, thông minh, duy tâm và cố chấp. Và họ bị ám ảnh – theo định nghĩa của từ này, những kẻ lập dị say mê cống hiến cho ít nhất một lý tưởng, cơ nghiệp hoặc sở thích nào đó. Mặc dù theo Weeks, những kẻ lập dị điển hình không chỉ dừng lại ở một nỗi ám ảnh mà còn tiếp tục phát triển thêm hàng tá nỗi ám ảnh nữa. Trong khi nỗi ám ảnh của những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế khiến họ đau khổ, thì nỗi ám ảnh của những người lập dị lại khiến họ thích thú.
Những người nổi bật giữa đám đông phải trả giá vì điều đó – một cái giá mà một người lập dị thực sự hoàn toàn sẵn lòng trả. Đồng thời, nhiều kẻ lập dị đã phát triển các kỹ thuật để giảm thiểu cái giá phải trả này. Có điều, họ không cố gắng cạnh tranh hay tìm kiếm sự tán dương của những người xung quanh. Họ nhận ra rằng làm như vậy là mời gọi sự nhạo báng và lạm dụng. Một điểm khác, như Weeks phát hiện ra, hầu hết những người lập dị đều có khiếu hài hước và thường là kiểu hài hước tinh quái. Có lẽ điều này đem lại cho họ một chiến lược đối phó quan trọng: bằng cách kể những câu chuyện hài về những “thất bại” của chính họ, họ tước đi vũ khí của những người chỉ trích. (Thật khó để đánh bại một người có khiếu hài hước kiểu tự trào). Ngoài ra, người nào có thể đưa những thất bại của mình ra ánh sáng khó có thể gặp phải những nỗi khổ tâm vì chính mình. Đối với nhiều người lập dị, thế giới là một nơi chưa bao giờ hết thú vị và vai trò của họ là trở thành một trong những nguồn giải trí lớn nhất của chính họ.
Mặc dù những kẻ lập dị thường là thất bại theo cách hiểu thông thường của từ này, nhưng Weeks nhận thấy rằng họ rất hạnh phúc và hạnh phúc của họ dường như là kết quả của sự bốc đồng. Weeks mô tả họ thường biểu hiện sự tự tin nổi bật và cảm thấy thoải mái trong con người của chính mình. Họ dường như cũng có khả năng nhận được niềm vui hơn hầu hết những người trưởng thành. Vì thế, những kẻ lập dị có phần nào đó giống như trẻ con: họ thích thú công khai và mãnh liệt với những thứ mà hầu hết chúng ta cảm thấy bình thường hoặc nhàm chán. Về mặt này, họ giống với những Phật tử Thiền tông đã tìm thấy sự giác ngộ.
Bên cạnh sự vui vẻ, những người lập dị thường rất khỏe mạnh và tráng kiện. Theo Weeks, họ đến gặp bác sĩ ít thường xuyên hơn nhiều so với những người bình thường. (Tất nhiên, việc họ không đến gặp bác sĩ có thể không phải là một dấu hiệu cho khả năng tự đánh giá sức khỏe của họ không tốt, Weeks cân nhắc và bác bỏ khả năng này). Họ cũng có xu hướng sống đến tuổi già. (Bất chấp lối sống nguyên thủy của mình, Diogenes đã sống đến gần 90 tuổi).
Weeks đưa ra lời giải thích cho sức khỏe và hạnh phúc của những người lập dị. Mặc dù họ thiếu “thành công”, những người lập dị sống cuộc sống ít căng thẳng. Họ chỉ đơn giản là không nhận ra rằng họ đã “thất bại”, định nghĩa của họ về thành công rất khác với định nghĩa thông thường. Và ngay cả khi họ thất bại theo định nghĩa của mình, họ có thể đáp lại bằng cách cười cho qua chuyện. Họ không tạo ra căng thẳng cho mình bằng cách đóng vai nạn nhân. Họ không dành cả ngày để phàn nàn về việc thế giới bất công như thế nào hoặc âm mưu trả thù người khác. Họ không có thời gian cho những hoạt động có hại cho tâm lý này, đơn giản là họ quá bận rộn với những sở thích khác nhau của mình. Theo Weeks, cuộc sống ít căng thẳng của họ sẽ giúp hệ thống miễn dịch trở nên khỏe mạnh, từ đó chuyển thành sức khỏe tổng thể và một cuộc sống trường thọ.
Khi nói điều này, tôi nên nói thêm rằng những người hằng ngày phải đối mặt với sự lập dị – cha mẹ, vợ/chồng hoặc con cái của họ – cũng có thể sẽ không tận hưởng cuộc sống giống như họ. Trừ khi họ cũng có tính lập dị, họ có thể cảm thấy bị buộc phải dành cả ngày để sửa chữa mớ hỗn độn xã hội do kẻ lập dị “dưới sự chăm sóc của họ” gây ra, và kết quả là cuộc sống của họ có thể khá căng thẳng.
Có một sự hoài nghi rằng đối với những kẻ lập dị cực đoan như Diogenes và Thoreau, tính bốc đồng không thực sự là một lựa chọn. Họ không thể ngăn được tính cách lập dị của mình ngay cả khi họ muốn. Tuy nhiên, những người lập dị ôn hòa hơn có lựa chọn khác. Đầu tiên, họ có thể kìm hãm việc thể hiện tính cách lập dị của mình. Weeks đã phát hiện ra một số lượng đáng kể những người lập dị ngay từ khi còn nhỏ đã nhận ra khả năng lập dị của mình nhưng lại che giấu xu hướng lập dị của họ với thế giới. Ông đã tìm thấy rằng phụ nữ lập dị thường có xu hướng tuân phục cho đến khi kết hôn và lập gia đình; khi căn nhà trống trải, họ cuối cùng có thể tự cho phép mình trở nên khác biệt. Những cá nhân có tính lập dị nhẹ khác tuân phục cho đến khi họ trở thành người lớn tuổi. Đây là một lựa chọn khôn ngoan, vì khi con người già đi, cái giá phải trả cho lối sống lập dị cũng ít đi: chúng ta chịu đựng sự lập dị ở một người già 70 tuổi tốt hơn phải chịu đựng điều này ở một người 40 tuổi, và chúng ta lại trông đợi sự lập dị ở tuổi 90. Nhiều người cao tuổi nhận ra điều này và sống với tính lập dị của mình như cá gặp nước. Cuối cùng, họ đã có thể là chính mình, cái quyền mà họ cảm thấy mình phải vất vả để kiếm được. Đối với những cá nhân này, tuổi già, mặc dù có những nhược điểm về thể chất, là thời điểm để họ gia tăng mức độ tự do xã hội và giảm bớt lo lắng về xã hội.
Một lựa chọn khác cho những người lập dị vừa phải là trở thành một người lập dị ngầm. Diogenes và Thoreau, như chúng ta đã thấy, công khai công kích các giá trị của những người xung quanh họ. Một người lập dị kín tiếng sẽ không làm điều này. Ngoài việc không quan tâm người khác nghĩ gì, anh ta sẽ không quan tâm đến việc thay đổi suy nghĩ của họ. Anh ta biết rằng nếu anh ta công khai chỉ trích những người hàng xóm thì sẽ chỉ khiến anh ta khó hoàn thành mục tiêu chính là được yên thân để theo đuổi sở thích của mình. Để đạt được mục tiêu này, anh ta sẽ sẵn sàng chấp nhận một địa vị xã hội khiêm tốn và trau dồi đức tính khiêm nhường. Anh ta sẽ cố gắng hết sức để thuyết phục người khác rằng anh ta không chơi trò chơi xã hội và do đó họ không cần phải xem anh ta như một đối thủ cạnh tranh. Về bản chất, những gì anh ta sẽ làm là chịu trận và chọn một tư thế phục tùng về mặt xã hội. Một khi mọi người không còn coi anh ta là một đối thủ trong xã hội, họ sẽ cảm thấy ít bị đe dọa bởi tính cách lập dị của anh ta và có nhiều khả năng sẽ chấp nhận anh ta vì con người của anh ta.
Giả sử ai đó phát hiện ra xu hướng lập dị trong bản thân và đang cân nhắc có nên trở thành một người “thực hành lối sống lập dị”, anh ta có thể bị cám dỗ để thử nghiệm tính lập dị và xem liệu nó có hiệu quả với anh ta hay không, liệu lợi ích của việc trở thành một người lập dị có lớn hơn cái giá phải trả về mặt xã hội hay không. Tuy nhiên, việc thử nghiệm như vậy có rủi ro bởi vì thử nghiệm đó có khả năng sẽ được lưu vào “hồ sơ vĩnh viễn” của người đó. Điều này sẽ không xảy ra nếu anh ấy thử nghiệm với thứ khác, chẳng hạn như thiền hay Chủ nghĩa Khắc kỷ. Bạn có thể “thử” tập Thiền trong nhiều thập kỷ hoặc đọc toàn bộ tác phẩm của Seneca mà không cần đòi hỏi hàng xóm của bạn trở thành người biết điều hơn. Tuy nhiên, để thử sống lập dị đúng cách, bạn phải làm như vậy ở nơi chốn đông người. Một kẻ lập dị giữ bí mật về sự bốc đồng của mình – kiểu lập dị cất trong tủ – không thực sự thực hành một lối sống lập dị và không thể hy vọng gặt hái được những lợi ích của tính bốc đồng.
Điều này có nghĩa là nếu thử nghiệm của ai đó với tính cách lập dị không thành công và anh ta quay trở lại với sự tuân phục, thế giới sẽ nhớ đến cuộc nổi loạn ngắn ngủi của anh ta và sẽ không tin tưởng anh ta nữa. Khi đã nhúng tay vào lối sống lập dị, anh ta sẽ làm vấy bẩn giấy chứng nhận tuân phục của mình. Thật vậy, trong thế giới kinh doanh, nơi sự tuân phục xám xịt thường là chìa khóa dẫn đến thành công, sự nghiệp có thể bị hủy hoại bởi một loạt các hành vi lập dị.
Người ta có thể trở thành một đệ tử Thiền tông bằng cách học theo một thiền sư, trở thành một người Công giáo bằng cách cải đạo, hoặc một người khắc kỷ bằng cách đọc các tác phẩm khắc kỷ. Tương tự như vậy, người ta có thể “trở thành” một kẻ lập dị không? Nhà bách khoa người Pháp Denis Diderot cho rằng nếu bạn là người không được sinh ra với tính cách lập dị, thì sau này khi lớn lên, bạn có thể làm rất ít để phát triển khả năng đó.1 Điều này là bởi vì tính lập dị đòi hỏi một mức độ can đảm và tự lực không thể học được. Và theo cách nói của Honoré Daumier: “Thật khó bị buộc phải sống trong một chiếc bồn tắm nếu một người không sinh ra là một nhà yếm thế.”2
1. Navia, 4.
2. Được trích dẫn trong Navia, 4.
Những phát hiện của David Weeks đã xác nhận những quan sát này. Phần lớn những người lập dị trong nghiên cứu của Weeks khi mới 8 tuổi đã biết rằng họ không giống những người khác. Điều này cho thấy rằng tính lập dị là do “gen di truyền”, điều này có nghĩa là trừ khi bạn là một người lập dị bẩm sinh, nếu không, bạn không thể chọn trở thành một người như vậy theo cách bạn có thể làm để trở thành một người Công giáo.
Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi từ họ, dù rằng chúng ta không phải là người lập dị bẩm sinh. Chúng ta không thể khiến bản thân ngừng quan tâm đến những gì người khác nghĩ, nhưng chúng ta có thể làm giảm dần danh sách những người có ý kiến mà chúng ta coi trọng. Mặc dù chúng ta sẽ rất khổ sở khi sống trong một cái bồn tắm trong thành phố hoặc một cái nhà gỗ ở trong rừng, nhưng chúng ta có thể quyết định rằng kích thước ngôi nhà sẽ được quyết định bởi nhu cầu nhà ở của chúng ta chứ không phải bởi mong muốn chung của xã hội. Nói tóm lại, chúng ta có thể chọn lối sống đó, một lối sống đơn giản hơn nhiều so với bạn bè, người thân và những người hàng xóm, nhưng không đơn giản đến mức họ cảm thấy khó chịu bởi nó.
Chúng ta cũng có thể học hỏi từ cách những người lập dị phản ứng với những người chỉ trích họ. Đặc biệt, chúng ta có thể phát triển khả năng tự trào (tự châm biếm mình). Ví dụ, nếu ai đó chế nhạo cách chúng ta ăn mặc, chúng ta có thể vô hiệu hóa những lời chỉ trích bằng cách bình luận: “Nếu bạn nghĩ bộ trang phục này xấu, hãy đợi cho đến khi bạn xem tôi mặc gì vào ngày mai!” Nếu ai đó chỉ ra lỗi của chúng ta, chúng ta có thể trả lời: “Cảm ơn bạn vì đã nhắc nhở, nhưng thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng tật xấu này thậm chí sẽ lọt vào danh sách năm cái tật xấu nhất của tôi đâu.” Và để ngăn bản thân để tâm những lời chỉ trích như vậy, chúng ta có thể hãy thầm nhủ thêm với chính mình: “Nếu cuộc đời của người này đáng sống, thì anh ta có lẽ đã bận bịu với cuộc sống đến nỗi sẽ không có thời gian để chỉ trích mình. Nếu mình để bụng những lời chỉ trích của anh ta một cách nghiêm túc, cuộc sống của mình có lẽ sẽ trở nên giống như cuộc sống của anh ta, và cuộc sống của mình cũng sẽ không đáng sống.”
Nhìn chung, chúng ta nên cố gắng phát triển óc hài hước về thế giới và vị trí của chúng ta trong đó. Ngay khi bắt đầu quá nghiêm túc với bản thân, chúng ta sẽ tự nộp mình cho những người xung quanh. Để giữ cho họ hạnh phúc, chúng ta sẽ phải sinh ra và hành động theo những tham vọng không đáng có. Chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống do ta lựa chọn, mà là cuộc sống mà họ muốn chúng ta sống. Tuy nhiên, nếu có thể học cách tự cười bản thân mình, chúng ta sẽ giảm nguy cơ trở thành nạn nhân của kiểu xã hội chuyên chế này.