Hài lòng (tính từ): Lòng mong muốn của một người được giới hạn trong những gì họ có (dù điều đó có thể ít hơn những gì họ có thể mong muốn); không bị xao động trước ham muốn bất cứ điều gì khác, hoặc nhiều hơn thế.
– Từ điển Oxford
Những ham muốn của chúng ta, như đã phân tích, có một vòng đời của riêng chúng. Chúng ta thường không nắm quyền lựa chọn mà thay vào đó, chúng ta khám phá ra những ham muốn trong mình. Ngay cả khi chủ ý hình thành nên những ham muốn mới theo một cách hoàn toàn lý trí, khi xem xét chúng, ta thường thấy rằng đó là những ham muốn phương tiện, việc thỏa mãn chúng cuối cùng sẽ cho phép ta thỏa mãn một ham muốn mà chúng ta không lựa chọn.
Nhiều ham muốn của chúng ta có thể được giải thích bằng sự hiện diện của một hệ thống động cơ sinh học bên trong, hay còn gọi là BIS. Hệ thống này lập trình một phần của mạch thần kinh con người theo quá trình từ xưa đến nay. Chúng ta được thưởng bằng những cảm giác tốt đẹp về mặt thể chất và tinh thần vì làm một số việc và do đó mà ta muốn làm chúng; chúng ta bị trừng phạt bởi những cảm xúc tồi tệ vì làm những việc khác và do đó không muốn làm chúng. Chúng ta có được hệ thống này thông qua một quá trình chọn lọc tự nhiên: tổ tiên tiến hóa của chúng ta, những người đã có một số động cơ hành động được gắn sẵn thì có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn những người không có chúng.
Về mặt tiến hóa, cách ham muốn này giúp chúng ta rất nhiều. Nó đưa chúng ta đến vị trí như hiện tại – giống loài thống trị trên hành tinh này. Trong khi các loài khác phải thích nghi trước những thay đổi của môi trường thì chúng ta có một khả năng chưa từng có tiền lệ là biến đổi môi trường, vì vậy, chúng ta không bị đòi hỏi phải thích nghi. Nhưng dù cách ham muốn của chúng ta đã cho phép ta phát triển mạnh với tư cách là một giống loài, nhưng trong nhiều trường hợp, nó không cho phép chúng ta phát triển với tư cách cá nhân. Nhiều người đã dùng những tháng ngày của cuộc đời mình một cách thiếu suy xét để kiếm những phần thưởng do BIS mang lại, dù xét cho cùng thì đó là điều hiển nhiên. Họ tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác vì cảm giác thật tuyệt khi được ngưỡng mộ, mà để giành được sự ngưỡng mộ này thì họ có thể sẽ tậu một chiếc xe hơi đắt tiền và một ngôi nhà lớn với đầy những thiết bị gia dụng mới nhất. Nếu không thể thỏa mãn được những ham muốn do họ tạo ra thì họ sẽ thấy bất mãn, còn nếu có thể thỏa mãn được chúng thì họ sẽ tiếp tục tạo ra những ham muốn mới, và vì thế vẫn cứ không thỏa nguyện.
Đôi lúc những người này nhận ra rằng mình đang ở trong một guồng quay khoái lạc. Họ nhận ra những ham muốn mà họ đã đáp ứng trước kia không làm nảy sinh hạnh phúc dài lâu. Và khi thỏa mãn những ham muốn này, họ chỉ đang ứng phó với các triệu chứng của vấn đề của ham muốn chứ chưa đi đến tận gốc rễ của nó. Họ bắt đầu nhận ra rằng cuộc sống này còn có nhiều thứ đáng để quan tâm thay vì chỉ là dành những ngày tháng cuộc đời để theo đuổi phần thưởng do BIS mang lại. Họ bắt đầu lo sợ rằng cuộc đời mà họ đang sống chẳng có ý nghĩa và một ngày nào đó họ sẽ gặp phải một kịch bản ác mộng mà Thoreau đã nói – rồi sẽ tới lúc phải chết, và họ nhận ra mình chưa từng sống.
Trong phần giới thiệu của cuốn sách này, tôi đã cảnh báo với độc giả rằng tôi sẽ không mang đến cho họ một “giải pháp thần kỳ” để loại trừ những ham muốn ngoài ý muốn. Bây giờ thì mọi điều đã sáng tỏ, lời cảnh báo này là hợp lý. Trong các chương “lời khuyên” trước, chắc hẳn đã có dữ kiện nào đó giúp chúng ta tìm ra được một phương cách nhanh chóng, dễ dàng và chắc chắn để xóa bỏ những ham muốn đáng chê trách.
Một điều khác cần nhận ra là các cá nhân và nhóm khác nhau mà chúng ta đã thảo luận thì đưa ra những lời khuyên khác nhau và trong nhiều trường hợp thì đối lập nhau về cách làm chủ ham muốn. Một số thì khuyên chúng ta nên gia nhập một cộng đồng tôn giáo, trong khi những người khác thì khuyên chúng ta cứ tiếp tục sống trong “cõi đời này” nhưng hãy tránh sự ngưỡng mộ của những người xung quanh. Một số thì khuyên ta nên cầu nguyện, thiền định, giải các công án hoặc suy ngẫm về khả năng được sống đời đời trên thiên đường hay một sự đầu thai tốt để kiềm chế những ham muốn của chúng ta. Tuy nhiên, các nhà khắc kỷ thì bác bỏ lời khuyên này và thay vào đó, họ cho rằng chúng ta nên dùng lý trí để chế ngự được các khuynh hướng tạo ra những ham muốn bất thiện. Đến lượt các nhà hoài nghi, họ bác bỏ lời khuyên này và cho rằng lý luận về những ham muốn của chúng ta chỉ khiến cho sự bình thản của chúng ta bị phá vỡ. Chúng ta nên làm gì với những lời khuyên khác nhau này? Chúng ta không thể nào làm theo tất cả.
Tôi tin rằng mỗi chiến lược kiểm soát ham muốn được mô tả ở các chương trước đều có hiệu quả. Bằng chứng cho điều này là những ai đã áp dụng bất kỳ chiến lược nào trong số này, trong nhiều trường hợp, đều đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc làm chủ ham muốn của họ. Tôi cho rằng, một người nên áp dụng chiến lược nào thì còn tùy vào tính cách và hoàn cảnh của họ. Nếu bạn nhận ra tính lập dị của mình khi còn nhỏ – một người lập dị bẩm sinh – bạn có thể nên noi theo bước chân của Thoreau, nhưng trái lại, nếu bạn nhận ra trong bản thân một nhu cầu xã hội mạnh mẽ thì không thể nào bắt chước theo Thoreau được. Nếu bạn tin rằng Chúa hiện hữu thì bạn nên cầu nguyện để Ngài giúp đỡ trong việc chống lại những ham muốn độc hại, nhưng đối với một người vô thần thì những lời cầu nguyện đó sẽ vô ích. Nếu bạn được nuôi dạy trong một cộng đồng Hutterite, để kiểm soát được ham muốn của mình, bạn thì nên tiếp tục sống trong cộng đồng đó; còn những ai không được nuôi dạy trong cộng đồng Hutterite thì sẽ không có phương án này.
Nếu chúng ta lùi lại và xem xét nhiều chiến lược khác nhau để ứng phó với ham muốn thì ta sẽ thấy rằng bất chấp sự khác biệt, chúng có chung một số hiểu biết sáng suốt – chúng ta không nên tin tưởng vào những ham muốn của mình. Không phải ham muốn nào khi được phát hiện cũng cần chúng ta làm chủ. Nhiều ham muốn “tự nhiên” có tính ký sinh: chúng cư trú trong chúng ta mà không được mời, và trong khi sống trong ta, chúng tìm cách điều khiển kế hoạch sống của chúng ta. Chúng ta nên cố gắng để giải thoát bản thân khỏi những ham muốn này, giống như cách mà ta sẽ cố gắng tẩy sán dây ra khỏi cơ thể mình.
Chúng ta cần phải cẩn thận trong việc tìm đến người khác để xin lời khuyên về cách ứng phó với ham muốn. Bởi suy cho cùng thì hầu hết mọi người đều là nô lệ cho những ham muốn của họ và do đó không thể đưa ra lời khuyên hữu ích. (Nếu chúng ta kể với bạn bè rằng ta đang cố gắng để vượt qua ham muốn được giàu sang và nổi tiếng thì họ có thể nhìn ta một cách khó hiểu và kết luận rằng chúng ta đã bị tẩy não bởi một giáo phái nào đó hoặc đang là nạn nhân của chứng trầm cảm). Ngoại lệ cho điều này là nếu bạn bè của chúng ta – ví như trường hợp chúng ta đang sống trong một cộng đồng Hutterite – có cùng chí hướng về tầm quan trọng của việc làm chủ ham muốn; trong trường hợp này, quay về với họ có thể giúp chúng ta giành chiến thắng trong những cuộc chiến chống lại ham muốn của mình. Những ai không có được hàng xóm, bạn bè và người thân sáng suốt thì có thể tìm đọc những tác phẩm của Đức Phật, Epictetus hay Thoreau để nhận được sự hỗ trợ tinh thần.
Việc làm chủ ham muốn sẽ là một chiến lược bao gồm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, chúng ta tìm cách ngăn chặn sự khởi phát của những ham muốn đáng chê trách. Điều này có nghĩa là tránh một số ảnh hưởng, tránh xa một số người mà những ham muốn của họ có thể lây nhiễm cho ta, hay thậm chí là tránh “cả thế giới”. Trong giai đoạn thứ hai, chúng ta cố gắng dập tắt những ham muốn ngoài ý muốn đó – những ham muốn bất chấp những nỗ lực ngăn chặn của chúng ta để tiếp tục nảy sinh. Điều này có thể liên quan đến việc cầu nguyện Đức Chúa giúp đỡ để vượt qua một ham muốn hoặc suy ngẫm xem chúng ta thật ngớ ngẩn làm sao khi có ham muốn đó.
Chúng ta nên nỗ lực để tăng hiểu biết về ham muốn. Để giành chiến thắng trong một trận chiến thì việc biết rõ kẻ thù sẽ có ích cho ta. Do đó, ai muốn làm chủ được ham muốn thì nên hiểu được cách hoạt động của nó và tại sao chúng ta muốn những thứ đó. Để phát triển hiểu biết này thì chúng ta có thể suy tư, thiền định, đọc về triết học hoặc xem xét nghiên cứu của các nhà tâm lý học về vai trò của vô thức trong việc hình thành ham muốn và cách thức mà quá khứ tiến hóa ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Trong đó, những điều mà chúng ta cần hiểu là:
• Những ham muốn của chúng ta thường không tồn tại một cách biệt lập. Thay vào đó, chúng xuất hiện vì một thứ ham muốn khác và đóng vai trò là những ham muốn phương tiện. Hơn nữa, một ham muốn có khả năng làm nảy sinh hàng ngàn hoặc thậm chí là hàng triệu ham muốn phương tiện. Nói cách khác, ham muốn giống như những vi sinh vật bị rớt xuống một cái ao ấm áp và giàu dinh dưỡng. Khi bỏ mặc cho chúng tự xoay sở thì chúng sẽ sinh sôi nảy nở cho đến khi cái ao trở thành một đầm lầy hôi hám. Chính vì thế mà chúng ta nên hết sức thận trọng đối với những ham muốn “ban đầu” mà ta hình thành.
• Chúng ta có nhiều nguồn ham muốn trong mình và chúng có thể làm nảy sinh các ham muốn trái ngược nhau. Cụ thể là, cảm xúc của ta có thể làm phát sinh một ham muốn mà lý trí của chúng ta thấy không thể chấp nhận và ngược lại. Khi điều này xảy ra, chúng ta sẽ không thể nào thỏa mãn được mọi ham muốn của mình.
• Khi nói đến việc hình thành ham muốn, lý trí của chúng ta thường có vị trí kém quan trọng hơn so với cảm xúc của chúng ta. Chúng ta có được năng lực suy luận, lý trí không phải để ta có thể vượt qua được những cảm xúc của mình và những ham muốn do cảm xúc làm khởi sinh, mà để chúng ta có thể đáp ứng những ham muốn đó một cách hiệu quả hơn. Trí tuệ có khả năng hình thành ham muốn, nhưng chúng thường sẽ kém động lực hơn so với những ham muốn do cảm xúc tạo thành. Quả thật, những người vẫn còn lý trí nhưng cảm xúc lại ngừng làm nảy sinh ham muốn thì họ sẽ giống như một người bị trầm cảm.
• Chúng ta có quyền kiểm soát lớn nhất đối với những ham muốn ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của chúng ta. Nếu tôi phát hiện thấy mình có một ham muốn tặc lưỡi thì tôi có thể dễ dàng dập tắt nó. Song nếu tôi nhận ra mình đang yêu một ai đó thì tôi có thể sẽ bất lực trong việc chống lại những cảm xúc của mình.
• Chúng ta có một BIS và nó định đoạt ở một mức độ đáng kể những ham muốn hình thành trong ta. Giả sử BIS của chúng ta, thay vì tưởng thưởng cho ta vì kết bạn với người khác, thì lại trừng phạt chúng ta. Khi ấy, chúng ta khó mà trở thành người quảng giao. Hoặc giả sử BIS của chúng ta, thay vì mang lại cho ta một phần thưởng khi tạo ra một cơn cực khoái trong quan hệ tình dục, thì lại trừng phạt chúng ta bằng cơn đau dữ dội. Trong những trường hợp này, chúng ta sẽ khó mà dốc sức cố gắng thu hút một bạn tình. Nói chung, nếu BIS của chúng ta không tưởng thưởng cho ta vì trở thành sinh vật yêu thích chuyện tình dục và có tính xã hội, thì những ham muốn của chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Cụ thể là, những ham muốn vật chất của ta sẽ ít hơn và đơn giản hơn, ví dụ, hầu hết mọi người muốn có một ngôi nhà thật to không phải vì chính ngôi nhà mà vì họ có thể nhận được sự nể phục – hoặc không thì sự ganh tỵ – của người khác.
• “Quy tắc thưởng phạt” của BIS không được đặt ra để khuyến khích chúng ta có một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. BIS là một hệ quả của quá khứ tiến hóa của chúng ta. Chúng ta có BIS vì tổ tiên tiến hóa của chúng ta, ai có nó thì có nhiều khả năng tồn tại và sinh sản hơn những ai không có. Nỗi bất hạnh và cảm giác cuộc sống vô nghĩa không ảnh hưởng đến sự tồn tại và sinh sản của loài người – dù khốn khổ, họ vẫn ăn, vẫn uống, biết trốn thú săn mồi và làm tình. Vì vậy, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến sự tiến hóa BIS của loài người.
• Chúng ta có thể chọn từ bỏ những phần thưởng mà BIS của ta đem lại và chấp nhận những hình phạt của nó. Dù đói nhưng chúng ta có thể chọn bỏ qua bữa trưa. Mặc dù chúng ta cảm thấy thèm muốn, nhưng ta có thể chọn kiêng cữ chuyện ấy. Chính vì ta có nhiều nguồn ham muốn trong mình nên điều này có thể xảy ra: cảm xúc của chúng ta có thể thôi thúc ta ăn trưa – cơn đói bụng có cảm giác thật tệ nhưng trí năng của chúng ta, nếu nó được phát triển đủ tốt, thì có khả năng gạt bỏ những cảm xúc ấy. Thật vậy, rõ ràng là nếu chúng ta thiếu ý chí, chúng ta sẽ ít có khả năng làm chủ những ham muốn của mình. Thay vì vậy, chúng ta sẽ giống như chó, mèo, chuột nhảy và cá sấu, tuân theo mệnh lệnh của BIS mà không cần suy nghĩ.
• Chúng ta là những người tham lam vô độ. Có được đối tượng mà ta ham muốn gần như luôn làm giảm đi tính đáng khao khát của nó đối với chúng ta. Chúng ta trải nghiệm sự thích nghi tâm lý: chúng ta xem thường đối tượng mà ta đã đạt được và bắt đầu cảm thấy bất mãn. Để vượt qua cảm giác này, chúng ta tạo ra một ham muốn mới và cố gắng thỏa mãn nó vì nghĩ rằng lần này sẽ khác và ta sẽ đạt được sự thỏa mãn dài lâu.
• Cách tồi tệ nhất để giải quyết cảm giác bất mãn của chúng ta là cố gắng thỏa mãn những ham muốn xuất hiện trong ta. Làm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự mãn nguyện lâu dài, vì ham muốn mà ta thỏa mãn sẽ sớm được thay thế bằng ham muốn khác. Điều này cũng giống như cố gắng giải quyết chứng nghiện heroin bằng cách cố gắng dùng thêm một liều heroin nữa. Trong trường hợp nghiện heroin, tốt hơn là ta nên từ bỏ hẳn thói quen này, và trong trường hợp của ham muốn thì tốt hơn là ta nên làm chủ những ham muốn của mình càng nhiều càng tốt.
• Cách tốt nhất để đạt được sự mãn nguyện lâu dài không phải là thay đổi thế giới và địa vị của chúng ta trong thế giới, mà là thay đổi bản thân ta. Cụ thể là, chúng ta nên cố gắng để muốn những thứ mà ta đã có. Khi làm thế, chúng ta nên nhớ rằng trong hầu hết các trường hợp, những thứ mà ta có – dù đó là công việc, chiếc xe hơi, con cái hay người bạn đời của ta – là thứ mà chúng ta từng ao ước hay thứ mà ai đó kém may mắn hơn chúng ta từng khát khao. (Ngay cả một người bị liệt hai chân cũng đang sống cuộc đời trong mơ của một người bị liệt tứ chi, mà đến lượt người này lại đang sống cuộc đời trong mơ của ai đó đang mắc phải hội chứng bị khóa trong1.) Chúng ta nên cố gắng tận hưởng giấc mơ này thay vì phớt lờ nó để chạy theo giấc mơ khác.
1. Locked-in syndrome là một tình trạng thần kinh trong đó cơ thể bị tê liệt hoàn toàn, ngoại trừ mắt. Những người này thường có ý thức về môi trường xung quanh nhưng họ “bị khóa chặt”, không thể di chuyển bất kỳ nhóm cơ nào trong cơ thể, chỉ còn giữ lại các cử động bằng mắt). (ND)
• Làm chủ hoàn toàn ham muốn là việc bất khả thi. Mục tiêu của chúng ta không nên là loại bỏ toàn bộ ham muốn, điều này chẳng khác nào việc tự sát và gần như là không thể. Thay vào đó, mục tiêu của chúng ta nên là đạt được khả năng làm chủ những ham muốn của mình ở mức độ nào đó. Cụ thể là, thay vì hình thành những ham muốn phù hợp với lập trình tiến hóa của chúng ta – thay vì chỉ biết tuân theo mệnh lệnh BIS của chúng ta – chúng ta nên, trong khả năng của mình, kiểm soát quá trình hình thành ham muốn.
• Việc làm chủ ham muốn sẽ không dễ dàng. Nó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực lâu dài từ phía chúng ta và sẽ gặp phải những trở ngại. Nhắc đến điều này thì tôi muốn nói thêm rằng việc làm chủ ham muốn sẽ không khó như chúng ta tưởng. Trước hết, một khi chúng ta đã hiểu được những ham muốn của mình thì nhiều cái trong số chúng đơn giản sẽ biến mất; chúng sẽ tan biến như Bhikkhu Bodhi từng nói: “Tựa như những chiếc lá của một cái cây, một cách tự nhiên và tự phát.” Hơn nữa, khi đã suy xét mọi khía cạnh thì nỗ lực cần thiết để làm chủ ham muốn có lẽ ít hơn so với nỗ lực mà chúng ta phải bỏ ra để cố gắng thỏa mãn bất cứ ham muốn nào chợt lóe lên trong đầu ta. Quả thật là một người cố gắng làm chủ ham muốn thì sẽ phải dành thời gian để suy ngẫm về những ham muốn của anh ta và cách nào là hiệu quả nhất để vượt qua chúng. Anh ta có thể cần dành thêm chút thời gian rỗi rãi của mình để đọc về lời khuyên của các triết gia hoặc thiền định. Nhưng một cách tiếp cận khác, cố gắng để thỏa mãn dòng ham muốn không có hồi kết sẽ cam go hơn rất nhiều. Ai thực hiện cách tiếp cận này có thể buộc phải bỏ cả quãng đời trưởng thành của anh ta để làm một công việc mà anh chán ghét để có đủ tiền chi trả cho những đối tượng mà anh ta ham muốn. Ngày tháng của anh ta có thể sẽ quay cuồng, còn người đã nỗ lực để làm chủ ham muốn của mình thì sẽ tận hưởng cuộc đời tương đối bình thản. Như chúng ta đã thấy, quá khứ tiến hóa đã áp đặt BIS lên chúng ta. Hơn thế nữa, những động lực của nó được tính toán không phải để khuyến khích chúng ta có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa, mà làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bất mãn – thèm muốn nhiều hơn, bất kể chúng ta đã có bao nhiêu. Chúng ta không thể thoát khỏi BIS của mình vì dù thích hay không, chúng ta vẫn phải sống một cuộc đời với những phần thưởng của BIS đang nhử trước mặt và những lời đe dọa thầm thì về hình phạt của nó. Thật không may, đây là tình trạng vốn có của loài người.
Để hiểu rõ hơn về tình cảnh khó khăn của chúng ta, hãy xem xét về tình cảnh của những nô lệ. Họ bị chủ nhân của mình bóc lột. Ông ta thuê một đốc công có nhiệm vụ giám sát những hoạt động hằng ngày của nô lệ và thưởng hay phạt họ để khiến họ giúp chủ nhân đạt được mục tiêu của ông ta. Hệ thống động lực mà chủ nhân đã áp đặt lên họ là không thể thương lượng, và dù muốn hay không, những người nô lệ của ông ta phải sống hết đời dưới hệ thống động lực này.
Tương tự vậy, loài người chúng ta có một “chủ nhân tiến hóa” – quá trình tiến hóa đã tạo nên chúng ta. Vị chủ nhân này tìm cách bóc lột, khai thác chúng ta. Mục tiêu của ông ta là muốn chúng ta còn tồn tại và sinh đẻ, và để đạt được mục tiêu này, ông ta dùng một đốc công – BIS của chúng ta – người giám sát những hoạt động hằng ngày của chúng ta và khen thưởng hoặc trừng phạt chúng ta để khiến chúng ta làm việc, hay nói cách khác, để khiến chúng ta thực hiện các bước cần thiết để tồn tại và sinh sản. Sống dưới sự cai trị của một chủ nhân giác ngộ là một chuyện, người luôn nghĩ đến hạnh phúc của những nô lệ của ông ta, nhưng chủ nhân tiến hóa của chúng ta lại chẳng mảy may quan tâm đến chuyện chúng ta có sống cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa hay không. Ông ta sẽ chỉ quan tâm đến nỗi khốn khổ và cảm giác vô dụng của chúng ta nếu điều đó gây trở ngại cho mục tiêu tồn tại và sinh sản. Ví dụ, nếu chúng ta trở nên chán nản tới mức thờ ơ trước những phần thưởng và hình phạt của ông ta thì ông ta có thể thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện điều kiện sống của chúng ta (hay đúng hơn là cải thiện điều kiện sống của con cháu chúng ta – quá trình tiến hóa cần có thời gian), nhưng chúng sẽ là những bước đi tối thiểu cần có. Rồi sau đó, nó sẽ trở lại bóc lột chúng ta như thường lệ.
Người ta tự nhiên có thể muốn biết liệu con người có thể sống một cuộc đời ý nghĩa trong những hoàn cảnh đó được không. Tôi tin là được. Suy cho cùng, hãy xem xét về tình cảnh của những nô lệ. Họ có thể không thoát được chủ nhân của mình và hệ thống động lực của ông ta, nhưng họ có thể lập ra kế hoạch cuộc sống của cá nhân họ và đặt nó lên trên kế hoạch của ông ta đối với họ. Chẳng hạn, họ có thể không cam chịu để cho cảnh nô lệ phá hoại những giá trị sống của họ. Cụ thể là, họ có thể thề nguyện làm tất cả những gì trong khả năng để giúp đỡ những người bạn nô lệ. Điều này sẽ dẫn đến việc định kỳ từ chối giúp chủ nhân đạt được các mục tiêu của ông ta, vì làm thế thì sẽ phá hoại mục tiêu mà họ đã đặt ra cho bản thân, thuận theo kế hoạch cuộc sống của họ. Ví dụ, nếu chủ nhân lệnh cho họ quất roi lên một nô lệ khác thì họ sẽ từ chối. Tất nhiên là nếu họ làm vậy thì họ có thể sẽ bị vị đốc công của chủ nhân trừng phạt, nhưng đây sẽ là một cái giá quá hời để được sống một cuộc đời đầy ý nghĩa – có lẽ không phải là ý nghĩa xét theo phương diện vũ trụ, nhưng có ý nghĩa về phương diện cá nhân, và điều đó mới được cho là quan trọng.
Chúng ta – “những nô lệ của tiến hóa” – có thể dùng một chiến lược tương tự để ứng phó với hoàn cảnh của mình. Chúng ta có thể lập ra một kế hoạch cuộc sống cho cá nhân và đặt nó lên trên kế hoạch do chủ nhân tiến hóa áp đặt lên ta. Nếu làm thế, chúng ta không đơn giản là chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của ông ta nữa; mà thay vào đó sẽ nắm lấy cuộc sống của mình và làm gì đó với nó, một việc mà ta thấy ý nghĩa. Nhờ đó mà chúng ta sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, trong khả năng cho phép.
Cần lưu ý rằng khi tạo ra một kế hoạch cuộc sống thì ấy là ta đang đánh lừa chủ nhân tiến hóa của ta. Ông ta ban cho chúng ta khả năng ham muốn vì làm thế sẽ tăng cơ hội đạt được mục đích là đảm bảo rằng chúng ta vẫn tồn tại và sinh sản. Nằm trong khả năng ham muốn là khả năng lựa chọn trong số các tùy chọn được mở ra cho chúng ta. Cụ thể là, chúng ta có thể chọn làm điều gì đó mà BIS của ta sẽ trừng phạt ta khi làm thế. Khi tạo lập một kế hoạch cho cuộc sống, trên thực tế thì chúng ta đang lạm dụng khả năng lựa chọn của mình: chúng ta đang dùng nó không phải để đạt được những mục tiêu mà chủ nhân tiến hóa đã đặt ra cho ta, mà là để hoàn thành những mục tiêu khác mà chúng ta đặt ra cho bản thân mình, những mục tiêu gây xung đột với ông ta. Việc lừa dối bạn bè và hàng xóm hay thậm chí là lừa sếp ở nơi làm việc có thể là sai trái, nhưng tôi cho rằng lừa dối chủ nhân tiến hóa của chúng ta không làm nảy sinh những vấn đề đạo đức tương tự.
Đến lúc này, độc giả có thể mong đợi tôi tán thành kế hoạch cuộc sống của ai đó đặc biệt có ý nghĩa. Tôi thấy mình không thể làm được chuyện đó. Tôi cho rằng có nhiều kế hoạch sống khác nhau, và nếu chọn theo thì sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của một người. Kế hoạch sống của bạn có thể hoàn toàn khác với của tôi, song cuộc đời của cả hai chúng ta vẫn có ý nghĩa.
Trong cuốn sách này, chúng ta đã gặp, trong số những người mà chúng ta xem xét, nhiều kế hoạch cuộc sống khác nhau như kế hoạch cuộc sống của Đức Phật, Merton, Thoreau và những nông dân Amish, v.v.. Những người này hẳn nhiên là đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa. Kế hoạch cuộc sống của họ có thể không cho phép họ đạt được thành công trong xã hội, nhưng họ đã đạt được thứ gì đó thậm chí còn mang giá trị lớn lao hơn nhiều – đó là sự mãn nguyện. Họ không dành những tháng ngày đời mình để ước ao rằng họ có thể trở thành người khác, hoặc được sống một cuộc đời khác với cuộc đời họ đang sống. Trái lại, họ chấp nhận cuộc đời và số phận của mình. Tôi cũng cho rằng một kế hoạch cuộc sống có thể mang lại ý nghĩa mà không cần phải trở nên kỳ cục như kế hoạch cuộc sống của Đức Phật, Merton, và những người khác.
Những nhận xét đó nghe như thể là tôi tin rằng bất kỳ kế hoạch cuộc sống nào cũng sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của một người, nhưng không phải thế. Tôi cởi mở đón nhận một loạt các kế hoạch cuộc sống. Tôi thậm chí cũng cởi mở đón nhận những kế hoạch sống mà có các mục tiêu rất khó để đạt được. Tuy nhiên, tôi không tán thành với những kế hoạch cuộc sống mà các mục tiêu của nó không thể nào đạt được. Việc làm theo một kế hoạch như vậy có thể khiến cho một người có cảm tưởng như cuộc đời anh ta thật ý nghĩa – quả thật, anh ta sẽ bận rộn dùng những ngày tháng cuộc đời để theo đuổi các mục tiêu của mình – nhưng nếu không thể đạt được mục tiêu thì mọi hoạt động của anh ta sẽ thành ra vô ích.
Cuộc sống có nhiều trường hợp những người, do sự hấp tấp, thiếu suy xét hoặc nắm sai thông tin, mà họ theo đuổi một mục tiêu theo cách phản tác dụng. Một người quen của tôi đã chơi một trò chơi tại lễ hội, trò chơi như sau: nếu người chơi giành được 100 điểm thì họ sẽ được nhận một phần thưởng lớn – một chiếc tivi, tôi nghĩ thế. Lúc đầu, người này rất dễ giành được điểm. Nhưng càng chơi thì họ càng khó giành thêm điểm, song cậu vẫn cứ tiếp tục chơi và bị ám ảnh với việc nhận được giải thưởng. Cuối cùng, sau nhiều giờ chơi, và sau khi tiêu số tiền còn nhiều hơn cả giá trị của chiếc tivi thì cậu hiểu ra trò chơi này được thiết kế sao cho người chơi không thể giành được 100 điểm để chiến thắng. Cậu tìm đến cảnh sát và lấy lại được tiền của mình.
Tiếc thay, kiểu hành vi phản tác dụng tương tự này cũng có thể xảy ra khi chúng ta hoạch định cuộc sống của mình. Một người nào đó có thể kể với chúng ta rằng mục tiêu của cô ấy trong cuộc sống là tìm được niềm hạnh phúc dài lâu – hiển nhiên đây là một mục tiêu đáng trân trọng – rồi cô ấy lên kế hoạch để đạt được mục tiêu này bằng cách giành được của cải vật chất và địa vị xã hội. Dựa theo các bằng chứng được trình bày trong cuốn sách này, chúng ta có thể tự hỏi liệu với cô ấy, đây có phải là một cách khôn ngoan để theo đuổi mục tiêu của mình hay không. Khi mưu cầu hạnh phúc theo cách này, cô ấy có thể đang leo lên một chiếc máy chạy bộ và nó sẽ chẳng đưa cô ấy đến gần mục tiêu của mình hơn. Mỗi món đồ cô mua, mỗi nấc thang địa vị mà cô đạt được sẽ chỉ kích thích cô ham muốn nhiều của cải hơn và những địa vị cao hơn.
Một ngày nào đó, khi người phụ nữ này ngộ ra kế hoạch cuộc sống của cô ấy là một sai lầm chết người – rằng cô ấy đang chơi một trò tương đương như trò chơi tại lễ hội và người chơi không thể nào giành chiến thắng – thì sẽ chẳng có viên cảnh sát nào mà cô có thể tìm đến để đòi lại những năm tháng nỗ lực đầy sai lầm. Nếu may mắn, cô sẽ ngộ ra điều này khi vẫn còn thời gian để sửa đổi kế hoạch cuộc sống của mình và khiến nó trở nên có chút ý nghĩa.
Đây là những gì đã xảy ra với Siddhartha Gautama. Ngài đã mất ba thập kỷ đầu tiên của đời mình cho việc theo đuổi khoái lạc một cách thiếu suy nghĩ cho đến khi ngộ ra sự phù phiếm và vô nghĩa của kế hoạch cuộc đời của mình. Điều tương tự cũng xảy ra với Thomas Merton. Rồi sau đó cả hai người đàn ông này đều tìm ra kế hoạch cuộc sống mới cho thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời họ.
Trong trường hợp mà con người, chẳng hạn như người phụ nữ được mô tả ở trên, lập ra những kế hoạch cuộc sống mà những mục tiêu là bất khả thi thì thật là bi kịch. Người phụ nữ này có thể sống một cuộc đời đầy ắp niềm vui và bình thản dù hoàn cảnh sống của cô ấy như thế nào. Cô ấy có thể tìm được niềm vui trong những việc bình thường nhất. Cô ấy chỉ cần biết lựa chọn kế hoạch sống phù hợp. Tuy nhiên, cuộc sống của cô có thể đầy ắp những lo lắng, đố kỵ, cay đắng và bất mãn (ví dụ, cô bị người ta hắt hủi khi tìm cách bước vào một cộng đồng mới hay không đủ khả năng mua những thứ mình muốn) và chỉ thi thoảng cô mới có được những khoảnh khắc vui sướng đến vỡ òa (có lẽ là, sau khi giành được một thành công về mặt xã hội hoặc mua một món hàng khá đắt đỏ).
Cuộc đời của bạn có phải là thiên đường hoặc địa ngục hay không, ở một mức độ đáng kể, không phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn mà phụ thuộc vào bản thân bạn và mức độ mà bạn đã làm chủ được ham muốn của mình. Nếu chúng ta chọn một người mà anh ta đã mất khả năng kiểm soát những ham muốn của mình và cho anh ta mọi thứ anh muốn – một dinh thự lớn, một chuyên cơ riêng, các bài báo nịnh nọt trên các tạp chí và một tỷ đô-la trong nhà băng – thì anh ta cũng sẽ sớm bất mãn như trước khi chúng ta biến giấc mơ của anh thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu chúng ta chọn một người đã làm chủ được ham muốn của bản thân và sau đó đày anh ta ra một hoang đảo – như cách mà Seneca bị Hoàng đế Claudius đày đến một nơi hẻo lánh1, anh ta có lẽ sẽ bất chấp tình cảnh thiếu thốn và cảm thấy hài lòng khi sống ở đó hơn vị tỷ phú sống trong dinh thự xa hoa của mình.
1. Seneca, “To Helvia,” 439.
Khi vạch ra một kế hoạch cuộc đời thì mục tiêu sống lớn lao của chúng ta nên là gì? Theo những người đã được đề cập tới trong cuốn sách này, mục tiêu của chúng ta không nên theo đuổi sự thành công xã hội như đạt được tiền tài và danh vọng, mà thay vào đó là nên đạt được sự mãn nguyện. Điều quan trọng không phải là mức độ nổi tiếng và tài sản tuyệt đối của một người, mà là mức độ nổi tiếng và tài sản đã đủ với anh ta hay chưa, liệu anh ta có cảm thấy mãn nguyện với nó không. Kỳ vọng của anh ta đối với danh vọng và tiền tài càng thấp thì anh ta càng dễ đạt được sự mãn nguyện.
Ai đó có thể cho rằng thành công xã hội cũng đem đến sự thỏa mãn – quả thật, lý do mà người ta theo đuổi thành công xã hội là để họ có thể trở nên mãn nguyện. Nhưng khi chúng ta nhìn vào những người đã đạt được thành công theo nghĩa đó, ta lại thấy sự thành công của họ không dập tắt được cảm giác bất mãn đã xui khiến họ chạy theo thành công. Theo lời của Epicurus: “Không có thứ gì thỏa mãn được kẻ không thấy thỏa mãn với những thứ nhỏ bé.”1
1. Epicurus, “Fragments: Remains Assigned to Certain Books,” số 69.
Giả sử, để khỏi cãi cọ, Epicurus đã chọn rằng mình sai. Giả sử, chúng ta gặp được một người, nhờ nhiều thập kỷ nỗ lực đến hao mòn mà đạt được thành công xã hội, và giả sử khi đạt được nó, anh ta có được sự thỏa nguyện lâu dài. Người này, dù đã có được sự thỏa mãn, song vẫn đáng thương hại vì anh ta có thể đạt được sự mãn nguyện mà lại chẳng tốn sức lực là bao, hoặc anh ta không thể cảm thấy thỏa mãn. Trong trường hợp đầu tiên, chúng ta nên thấy tội nghiệp cho anh ta vì đã lãng phí công sức của mình, đã quá chăm chỉ cố gắng để có được thứ mà người ta có thể dễ dàng đạt được. Giá như anh ta biết làm chủ những ham muốn của mình. Anh ta giống như một người đã đi đến tận Tây Tạng để mua một loại trà nào đó, mặc dù nó đang được bày bán trên thị trường. Còn trường hợp thứ hai, nếu người này không thể nào có được sự thỏa nguyện nếu không đạt được thành công xã hội thì chúng ta cũng nên thương hại anh ta vì con người anh ta quá khó để cảm thấy thỏa mãn. Anh ta giống như một người chỉ có thể trở nên khỏe mạnh nếu phải trải qua nửa tá những cuộc phẫu thuật. Giá mà anh ta có thể tận hưởng một cơ thể khỏe mạnh mà không cần đến tất cả những can thiệp y tế đó!
Tôi tin rằng một người vừa có thể đạt được sự thỏa mãn vừa thành công trong cuộc đời, nhưng thường thì khi điều này xảy ra, đó không phải vì thành công mang lại sự thỏa mãn cho anh ta. Thay vào đó, điều mang lại sự thỏa mãn cũng có thể mang đến thành công cho anh ta. Điều này đã xảy ra với Diogenes: Sự thờ ơ của ông trước thành công, ngoài việc cho phép ông cảm thấy thỏa nguyện với cuộc sống của mình còn khiến ông trở nên nổi tiếng. Đó cũng là những gì đã xảy ra với Merton, người đã trở nên nổi tiếng mặc dù sống cuộc đời của một tu sĩ dòng Trappist. Tuy nhiên, đối với đa số chúng ta, sự lựa chọn giữa thành công xã hội và sự thỏa nguyện lại thường loại trừ lẫn nhau. Nói chung, để đạt được danh vọng hay tài sản thì một người phải được thúc đẩy bởi tham vọng, mà một người đầy tham vọng thì khó có thể hài lòng với hoàn cảnh của mình.
Tuy nhiên, ai đó có thể bình phẩm rằng nếu tất cả mọi người đều khắc cốt ghi tâm lời khuyên đừng theo đuổi thành công xã hội, mà thay vào đó là hãy tìm kiếm sự mãn nguyện, thì thế giới nơi chúng ta đang sống sẽ bị ngừng trệ. Thay vì là một thế giới đầy ắp những kẻ tham vọng, chúng ta sẽ có một thế giới đầy những người như Thoreaus, Mertons và Epicuruses. Những con người dễ bằng lòng này sẽ từ chối dành nhiều giờ làm công việc mà họ chán ghét. Kết quả là xã hội sẽ phát triển khá chậm. Sẽ không có những chiếc xe SUV, cũng chẳng có trung tâm thương mại và những dinh thự, lâu đài.
Tôi có hai câu trả lời để đáp trả sự chỉ trích này. Đầu tiên là gần như khó xảy ra trường hợp tất cả mọi người sẽ khắc ghi lời khuyên ở trên. Qua nhiều thiên niên kỷ và các nền văn hóa, chỉ có một số ít cá nhân đủ giác ngộ để nhận ra rằng chắc chắn cuộc đời còn nhiều thứ khác hơn là phải chấp nhận khó nhọc mỗi ngày để phục vụ cho BIS của mình. Không có lý do gì để nghĩ rằng điều này sẽ thay đổi trong tương lai. Quả thật, trong những thập kỷ gần đây, nhiều bằng chứng cho thấy ngày càng nhiều người sẵn sàng chiều theo những đòi hỏi của BIS của họ. Thứ hai là ngay cả trong trường hợp hiếm có là chúng ta thấy mình đang sống trong một thế giới đầy những người giống như Thoreaus, Mertons và Epicuruses, cũng như không có những chiếc xe SUV, trung tâm thương mại, dinh thự, điều này cũng đâu có tệ lắm? Lời chỉ trích ở trên dựa trên giả thuyết rằng thành công xã hội và những cạm bẫy của nó là thứ đáng thèm muốn. Nếu chúng ta bác bỏ giả thuyết này – như Thoreau, Merton và Epicurus chắc chắn sẽ làm – chúng ta sẽ làm giảm mức độ của lời chỉ trích.
Nhân đây, cũng cần lưu ý rằng mặc dù Thoreau, Merton và Epicurus không phải là người tham vọng theo lối thông thường – tức dành những tháng ngày của đời mình để nỗ lực giành được danh tiếng và tài sản nhưng khó mà suy luận rằng họ lười biếng. Trái lại, tháng ngày của họ đầy ắp các hoạt động mà họ thấy mãn nguyện, dù hoạt động mà chúng ta đang xét đến khó mà giúp họ có được thành công xã hội.
Ai đó có thể bác bỏ lời khuyên của tôi bằng cách chỉ ra rằng tôi thật thiếu nhất quán khi nói về việc lựa chọn một kế hoạch cho cuộc sống để đặt chồng nó lên trên kế hoạch của chủ nhân tiến hóa đã thiết lập cho chúng ta. Xét cho cùng thì ở các chương trước, tôi đã chứng minh bằng tư liệu rằng những lựa chọn “của chúng ta” phần nhiều là do sự sắp đặt trước, do vô thức quyết định thay vì ý thức. Do đó, suy ra rằng bất kỳ kế hoạch cuộc sống nào mà “chúng ta” chọn thì không thực sự là kế hoạch của chúng ta. Bất kỳ kế hoạch nào khác ngoài kế hoạch mà tiến hóa đã đặt ra cho ta thì được coi là kế hoạch của chúng ta. Nhưng làm sao để việc thuận theo kế hoạch không phải của chúng ta có thể mang lại cuộc sống ý nghĩa?
Tôi tin rằng điều mà người phản bác này đang kiếm tìm là một loại ý nghĩa mang tầm vóc vũ trụ. Và tôi thì không tin rằng loại ý nghĩa như vậy sẽ xuất hiện. Nhìn từ quan điểm vũ trụ thì sự tồn tại của chúng ta chỉ là một sự cố bất ngờ. Vũ trụ không chỉ có thể sống tốt khi thiếu chúng ta mà hàng tỷ năm qua, nó đã sống tốt rồi. Cái mà chúng ta nên chấp nhận đó là hiểu ý nghĩa theo một mức độ thấp hơn – hãy gọi nó là ý nghĩa cá nhân. Khi “chọn” một kế hoạch cho cuộc sống, tôi đang làm những gì tôi muốn làm với cuộc đời mình, dù “cái tôi” đang xét đến, nếu chúng ta có thể tin tưởng vào các nhà tâm lý học, là một điều gì đó khá bí ẩn. Điều này có làm cho cuộc đời tôi “thực sự” có ý nghĩa không? Chắc là không, nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ khiến cho cuộc đời tôi trở nên ý nghĩa hơn về mặt cá nhân so với việc tôi cứ dành những tháng ngày của đời mình một cách dại dột để cố gắng kiếm được phần thưởng và tránh những hình phạt của BIS.
John Stuart Mill từng viết rằng thà làm một con người bất mãn còn hơn là một con lợn thỏa mãn, và thà làm Socrates bất mãn còn hơn là một tên ngốc thỏa mãn. (Ông nói thêm rằng: “Nếu tên ngốc hay con lợn có một quan điểm khác biệt thì đó là bởi họ chỉ biết được một mặt của vấn đề của họ mà thôi. Trái lại, một con người thỏa mãn hay Socrates thì biết đến cả hai mặt của vấn đề”.)1 Mill dừng phần so sánh của mình ở đó nhưng chúng ta có thể bổ sung thêm một điều nữa: thà làm Socrates thỏa mãn hơn là Socrates bất mãn. Tương tự như vậy, thà làm Merton thỏa mãn với lời thề giữ im lặng, thà làm một nông dân Amish thỏa mãn nhưng không thể dùng điện thoại di động, hay Thoreau đầy mãn nguyện, dù sống trong một căn nhà gỗ nhỏ rộng khoảng 14 mét vuông, hơn là trở thành một tỷ phú bất mãn, dù ông ta có thể nói chuyện, có thể dùng điện thoại di động và sống trong một dinh thự khổng lồ. Bạn có thực tâm nghĩ rằng một tỷ phú hay một nữ diễn viên đình đám thì sống hạnh phúc hơn bạn, hay có được nhiều tiền như vị tỷ phú hoặc sự nổi tiếng của nữ diễn viên sẽ giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn hiện tại? Đúng là vị tỷ phú và nữ diễn viên trông thật hạnh phúc: các tạp chí có những điều tuyệt vời như vậy để nói về lối sống xa hoa của họ. Cũng đúng rằng trên lý thuyết, vị tỷ phú và cô diễn viên đáng lẽ nên sống hạnh phúc vì họ đang sở hữu thứ mà đa số mọi người đều muốn. Nhưng đó không phải là câu hỏi. Đúng hơn, câu hỏi đặt ra là: liệu trên thực tế họ có hạnh phúc hơn bạn không? Tôi cho rằng điều này còn tùy ở mức độ mãn nguyện của bạn, vị tỷ phú và nữ diễn viên với những thứ mà mỗi người có được. Nếu bạn mãn nguyện hơn họ thì khi ấy hoàn toàn có khả năng rằng họ kém hạnh phúc hơn bạn, bất chấp của cải và danh tiếng của họ. Và bởi vì vị tỷ phú và nữ diễn viên sẽ khó mà đạt được thành công như hiện tại nếu họ là kiểu người dễ bằng lòng, thỏa mãn, nên có khả năng là bạn cảm thấy thỏa mãn hơn họ và do vậy mà bạn cũng hạnh phúc hơn.
1. Mill, Utilitarianism, 10.
Đúng là bằng cách theo đuổi của cải vật chất và địa vị xã hội mà chúng ta có thể kiếm được những phần thưởng do BIS của ta mang lại, song những phần thưởng ấy chưa chắc sẽ bù đắp trọn vẹn cho những gian lao mà chúng ta phải chịu đựng khi theo đuổi chúng, đặc biệt là khi chúng ta nhớ lại bản chất phù du của những phần thưởng đó. Mục tiêu trong cuộc đời chúng ta có phải là trở nên giàu có hay không? Vậy thì chúng ta nên khắc ghi vào lòng câu châm ngôn của Đạo giáo, được lặp lại trong nhiều nền văn hóa, rằng “người biết đủ là người giàu có”.1 Tôi nghĩ rằng Lão Tử đã đúng khi ông tuyên bố rằng “Không biết đủ là tai họa lớn nhất”.2
1. Lão Tử, đoạn XXXIII.
2. Lão Tử, đoạn XLVI.