HÃY LÀM CHO CHÚNG CÙNG XOAY!
XÁC ĐỊNH XEM LIỆU CÁC ĐƯỜNG RÃNH CỦA MỖI BÁNH RĂNG CÓ QUÁ PHỨC TẠP? CHÚNG TÔI HY VỌNG BẠN SẼ NHANH CHÓNG NẮM VỮNG NHỮNG NGUYÊN TẮC NỀN TẢNG TRONG KHUNG LÝ THUYẾT CỦA GIÁO TRÌNH. DÙ VẬY, VIỆC KINH DOANH VẪN CHẲNG HỀ DỄ DÀNG! CÓ THỂ BẠN PHẢI DÀNH CẢ ĐỜI ĐỂ TÔI LUYỆN. THẬM CHÍ, DÙ BẠN TỰ TIN MÌNH ĐÃ HIỂU THẤU ĐÁO VÀ ỨNG DỤNG ĐƯỢC LÝ THUYẾT Ở TỪNG CHƯƠNG THÌ BẠN VẪN CÒN MỘT PHẦN CỰC KỲ QUAN TRỌNG: ĐỒNG BỘ HÓA CÁC CHƯƠNG VÀ LÀM CHỦ CHÚNG NHƯ MỘT ĐƠN VỊ HOÀN CHỈNH.
Giả sử một bánh răng bị kẹt hoặc bị thay đổi hướng xoay. Điều này có thể làm chậm tiến độ của cả quá trình hoặc khiến cho dự án bị hủy bỏ. Chính vì vậy, bước tiếp theo là xem xét lại toàn bộ quá trình tương tác giữa các bánh răng và làm cho chúng phối hợp nhịp nhàng như một hệ thống đồng hồ.
Chúng tôi hạn chế việc hướng dẫn quá nhiều về cách ứng dụng giáo trình Gear Up, nhưng sẽ kết thúc nó với một vài gợi ý có thể giúp bạn đồng bộ hóa tất cả bánh răng và hoàn tất việc tạo ra một chiến lược độc đáo tập trung vào việc thâu tóm khách hàng cho dự án kinh doanh của mình.
Hãy nhớ rằng, bạn có thể nhận thấy những điểm không phù hợp khi lắp ghép các bánh răng với nhau. Trong trường hợp này, hãy xem xét nội dung được trình bày dưới đây, đồng thời cân nhắc những đánh giá chân thật nhất của bản thân từ chương “Kiểm nghiệm thực tế” và nghiên cứu lại các vấn đề tiềm ẩn. Sau đấy, sửa chữa chúng, thay đổi những gì cần thiết, rồi kiểm tra lại lần nữa. Vì chúng tôi không thể nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của những hoạt động này, sự chú ý đến tính tương tác giữa các bánh răng sẽ quyết định khả năng sống còn trong cơ hội kinh doanh của bạn.
Hãy cùng phân tích một vài điểm tiếp xúc giữa các bánh răng sau đây (bạn cũng cần tìm hiểu về khu vực giao thoa giữa các bánh răng khác). Thử thách đặt ra là nên tập trung vào sự tương tác nào và làm cách nào để sử dụng thời gian, nguồn lực hiệu quả nhất.
YẾU TỐ THỎA MÃN CỦA BẠN CHỨA ĐỰNG NỖI ĐAU NÀO?
Điểm tiếp xúc đầu tiên nằm giữa nỗi đau của khách hàng và yếu tố thỏa mãn. Việc xử lý một cơn đau cụ thể có tạo nên sự thỏa mãn hay không? Nếu không, bạn cần điều chỉnh yếu tố thỏa mãn của mình để phù hợp với người tiêu dùng hoặc thay đổi phương pháp xác định khách hàng tiềm năng và nỗi đau từ họ. Trong thực tế, bạn có thể sẽ phải đồng thời thực hiện cả hai quá trình trên.
ĐỒNG BỘ HÓA CÔNG THỨC BÁN HÀNG CỦA BẠN
Các bánh răng “yếu tố thỏa mãn”, “thâu tóm khách hàng” và “mô hình kinh doanh” là bộ phận trọng tâm trong quá trình tạo dựng cơ hội kinh doanh. Vì sao vậy? Rất dễ hiểu: Ý tưởng thuần túy của bạn không tạo nên một doanh nghiệp thành đạt. Chỉ khi có thể vận hành và kết hợp các bánh răng kể trên, bạn mới có thể thiết lập các công thức bán hàng độc đáo và hiệu quả.
Hãy quan sát các điểm giao thoa giữa những bánh răng quan trọng này. Tại đấy, chúng có thể bị cản trở và không thể xoay đồng bộ. Để giải quyết, bạn phải áp dụng yếu tố thỏa mãn như một công cụ duy trì lòng trung thành của khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Lợi nhuận cao cùng khả năng tiết kiệm thời gian và nguồn lực sẽ là các thành quả đầy hấp dẫn. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng cách thực hiện việc đấy. Làm thế nào để đảm bảo khách hàng sẽ luôn có một nụ cười trên môi ngay từ lần đầu gặp gỡ và thông suốt quá trình sử dụng sản phẩm và dịch vụ từ công ty bạn?
Khi phát triển một cơ hội kinh doanh, khâu thâu tóm khách hàng thường được xem như một hoạt động tách biệt. Trên thực tế, tại nhiều công ty, việc đưa chuyên viên bán hàng và marketing vào đội ngũ vốn không được tán thành rộng rãi và phải rất lâu sau họ mới được kết nạp cùng khá nhiều lời phàn nàn từ các nhà sáng lập và kỹ sư. Hiển nhiên, đấy không phải là cách thức khôn ngoan để phát triển cơ hội kinh doanh! Thâu tóm khách hàng phải nằm trong số các phương pháp chuyên biệt để thu hút lợi nhuận và giảm thiểu tối đa chi phí của một công ty. Nói cách khác, quá trình này luôn là một phần của yếu tố thỏa mãn. Không có khách đồng nghĩa với không có tiền, mà kinh doanh không ra tiền thì sẽ không ai vui.
Có rất nhiều cách thức áp dụng yếu tố thỏa mãn vào mô hình kinh doanh. Nhiệm vụ của bạn là cân nhắc những giải pháp giúp cải tiến trải nghiệm của khách hàng đồng thời vẫn thu lại lợi nhuận và giảm chi phí. Bạn cần loại bỏ tất cả những ý tưởng lẫn đề xuất không đóng góp rõ ràng vào tháp chức năng – hiệu quả – thỏa mãn. Hãy tham vấn thật kỹ lưỡng từng ý tưởng: “Điều này có giúp gia tăng giá trị của sản phẩm và dịch vụ hay không?”.
Bây giờ, chúng ta sẽ đào sâu hơn vào mảng đồng bộ hóa. Khi bạn thực hiện, hãy xem xét cách mà 3 bánh răng làm nên công thức bán hàng – “yếu tố thỏa mãn”, “thâu tóm khách hàng” và “mô hình kinh doanh” – như thể đó là 1 bánh răng độc nhất. Nếu nhận thấy công thức bán hàng của mình chưa đồng nhất thì bạn cần tách rời các bánh răng, đánh giá mức độ ảnh hưởng lẫn nhau của các bánh răng và đồng bộ hóa lại lần nữa.
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG
Ở CÁC CHƯƠNG TRƯỚC, CHÚNG TA ĐÃ TẬP TRUNG TỐI ĐA HÓA HIỆU SUẤT HOẠT ĐỘNG Ở MỖI BÁNH RĂNG VÀ BÂY GIỜ LÀ LÚC ĐỂ NÂNG CAO HIỆU SUẤT TƯƠNG TÁC GIỮA CHÚNG. NẾU MỘT BÁNH RĂNG BỊ KẸT, NÓ CÓ THỂ ĐE DỌA TÍNH MỆNH CỦA CẢ DOANH NGHIỆP. BẠN SẼ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG VÀ KHIẾN CHÚNG XOAY NHANH HƠN?
Bạn đã đồng bộ được các mảng “thâu tóm khách hàng” và “đội ngũ” chưa?
Ý tưởng: “Bạn có một đội ngũ sành sõi lĩnh vực công nghệ, nhưng lại mù tịt về khoản thâu tóm khách hàng”.
Bạn phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Ý tưởng: Google: Bán hàng là một bài toán. “Tôi có thể biến anh chàng làm kỹ thuật trở thành một người bán hàng tốt, hơn là biến một anh chàng bán hàng thành một anh làm kỹ thuật tốt. Cách bán hàng tốt nhất nằm trong chính sản phẩm”.
“Mô hình kinh doanh” và “thâu tóm khách hàng” đã được đồng bộ chưa?
Ý tưởng: “Giá thành cao có khiến chi phí thâu tóm khách hàng tăng đột biến”.
Bạn phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Ý tưởng: “Một công ty truyền hình cáp đã thay mức giá thành cao và cố định bằng các gói dịch vụ hằng tháng. Giải pháp này giúp giảm chi phí thâu tóm khách hàng và tăng tổng doanh thu về dài hạn”.
CÔNG THỨC BÁN HÀNG ĐỘC ĐÁO CỦA BẠN CÓ TRỞ NÊN ĐỘC ĐÁO HƠN QUA CÁCH BẠN LÀM VIỆC VỚI CÁC ĐỐI TÁC?
Một liên minh tốt là điều xứng đáng để bỏ công xây dựng. Một khi đã nhận định được khả năng đóng góp của đối tác vào công thức bán hàng, bạn sẽ tiến đến sự đột phá thật sự trong quá trình tiếp cận và đánh giá một cơ hội kinh doanh. Chính vì vậy, bạn phải tự thách thức bản thân và đối tác của mình để cùng nghiên cứu tạo nên một công thức độc đáo hơn. Với mục tiêu phát triển khâu thâu tóm khách hàng, liệu bạn có thể thuyết phục được các đồng minh đưa sản phẩm của mình vào gói hàng của họ? Kết hợp yếu tố thỏa mãn của hai bên để cùng gia tăng giá trị sản phẩm? Thêm nhiều con số 0 vào bảng chi tài chính bằng cách tăng cường tương tác với họ? Và thúc đẩy doanh thu trong liên minh nhờ vào đồng bộ hóa mô hình kinh doanh của cả hai?
Nếu không chắc chắn về sự tương quan giữa các bánh răng vừa đề cập, bạn sẽ không có đủ cơ sở để tiếp tục kết hợp số còn lại. Bạn có thể lạc quan về bản thân và đội ngũ ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu chưa thực sự hoàn thành công đoạn này, bạn sẽ gặp khó khăn khi bắt đầu triển khai cơ hội kinh doanh trên thực tiễn.
Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy tiếp tục đọc!
(Đừng gian lận nhé! Đọc qua loa không tốt đâu).
BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU?
Có thể bạn đã quyết định sẽ không thâm nhập thị trường toàn cầu. Chẳng sao cả! Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phần lớn các công ty e ngại quá trình này bởi vì công thức bán hàng hiện tại của họ không mang tính cạnh tranh toàn cầu hoặc vì họ vẫn đang phải chứng minh tính hiệu quả của việc giải quyết nỗi đau cho khách hàng.
Nếu thực sự không “vươn ra biển lớn”, bạn có thể bỏ qua bánh răng này và tiếp tục với chương cuối cùng – “kiểm nghiệm thực tế”. Ngược lại, một khi đã muốn tiếp cận thị trường quốc tế, bạn phải cố gắng liên kết bánh răng này với những cái trước đấy. Có thể bạn đang đi đúng hướng, nhưng trước lúc đưa doanh nghiệp mình vượt khỏi biên giới chính quốc, bạn cần kiểm định mọi thứ (chúng tôi muốn nhấn mạnh là MỌI THỨ) đã thực hiện dựa trên góc nhìn toàn cầu của bản thân. Bạn sẽ phải bắt đầu từ chương 1 và đi qua mỗi bánh răng một lần nữa (nhiệm vụ sẽ không quá nặng nề nếu bạn làm tốt từ đầu). Vì không có bất kỳ đường tắt nào, bạn hãy cố gắng dò dẫm lại các bảng hướng dẫn, nhưng lần này là với một ý chí và tư duy khác biệt – một tầm nhìn bao quát cả thế giới!
Tốt! Giờ bạn không chỉ có một công thức bán hàng độc đáo mà còn tiến thêm được một bước trong việc nâng công thức đấy lên cấp độ toàn cầu. Với điều đó, bạn đã sẵn sàng để chinh phục thế giới!
Chắc hẳn bạn đã biết điều tiếp theo phải làm là gì...
XOAY NHỮNG BÁNH RĂNG!
Đến thời điểm này, chúng tôi hy vọng bạn đã có khả năng cảm nhận tốt hơn về tính tương tác giữa các bánh răng cần tập trung. Hãy tiếp tục, lùi lại, tiến lên và đừng bao giờ ngần ngại mạo hiểm. Đừng bao giờ lùi bước trước những lĩnh vực đầy thách thức và chướng ngại. Chính những khó khăn ấy sẽ gầy dựng sự kiên cường trong bạn và khiến các cơ hội kinh doanh thêm vững vàng.
HÃY HÀNH ĐỘNG
Sau tất cả những nỗ lực đơn độc trong ký túc xá hoặc một cái hầm để xe nào đấy, bạn cần bước ra ngoài và tự tạo may mắn cho chính mình bởi vì may mắn sẽ không tự đến với bạn. Bạn đang sở hữu một chiến lược rất độc đáo tập trung vào khâu thâu tóm khách hàng. Nếu kết hợp điều này với sự đam mê trong việc tìm giải pháp cho nỗi đau của khách hàng thì bạn sẽ còn tiến xa hơn nữa. Nhiệm vụ hiện tại là áp dụng các kế hoạch đã vạch ra. Sẽ chẳng có ai có thể làm thay cho bạn, nhưng rất có thể bạn sẽ tìm được những người bạn đồng hành cùng tham gia với bạn.
PHẠM SAI LẦM
Sẽ rất khó để phát triển một giải pháp hoặc chiến lược hoàn hảo – có thể giải quyết vấn đề chỉ với lần thử đầu tiên. Trong quá trình thực hiện, sai lầm là không thể tránh khỏi. Những chiến lược kinh doanh tốt nhất là sự đúc kết từ những lỗi lầm và bài học mà bạn nhận được trong quá trình tương tác với các khách hàng, đối tác, đối thủ, đồng đội và từ nhiều nguồn khác. Thomas Edison đã từng nói: “Có rất nhiều người thất bại trong cuộc đời này vì không nhận ra rằng họ đã đến rất gần với thành công khi vừa quyết định từ bỏ.”
ĂN MỪNG THÀNH CÔNG
Thông thường, chúng tôi không khuyến khích bạn đề cao những thành quá đạt được. Tuy vậy, việc ăn mừng từng thành công (dù là nhỏ nhất) trên con đường khởi nghiệp là điều vô cùng tuyệt vời. Đừng quá lo lắng, nếu chỉ hét lên vài tiếng “Hoan hô!” thì bạn sẽ chẳng bị thiên lôi phạt đâu. Mặc dù điều này sẽ không giúp bạn hạn chế được những vấp ngã về sau (ai rồi lại chẳng tiếp tục phạm sai lầm!), nhưng thái độ lạc quan sẽ dẫn dắt bạn đến với những thành công khác trong tương lai.
KHÔNG BAO GIỜ CÓ HỒI KẾT
Quá trình kinh doanh từ một ý tưởng đến một doanh nghiệp thành công là một chặng đường dài vô định. Nghệ thuật kinh doanh nằm ở việc điều chỉnh liên tục 9 bánh răng để chúng ăn khớp nhau. Nếu thường xuyên bị thay đổi thì kế hoạch A khởi điểm sẽ dễ dàng chìm vào quên lãng. Ngay tại thời điểm bạn chính thức khởi động dự án, có thể nó đã mang tên G rồi. Ngày nay, có rất nhiều công ty cực kỳ thành đạt đã trải qua hàng loạt thăng trầm, biến cố. Họ gặp phải vô số những thất bại nhỏ và rất nhiều sai lầm trước khi tìm được hướng đi đúng đắn nhất. Chính vì vậy, sự vấp ngã và kinh nghiệm sẽ mang bạn đến những bậc thang thành tựu cao hơn.
Các doanh nhân tiên phong và nhà điều hành thành công đều có khả năng hiểu và giải quyết những thách thức trong tất cả bánh răng và đồng bộ hóa chúng. Họ đều đam mê với việc xử lý nỗi đau của khách hàng, bằng cách đi từ bánh răng này đến bánh răng khác để tạo nên một giải pháp chung hữu hiệu nhất. Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công ty, doanh nhân và những nhà điều hành thất bại ê chề, vì họ chỉ tập trung vào một bánh răng duy nhất. Chỉ một không bao giờ là đủ! Bạn phải giữ được cả 9 bánh răng trên lòng bàn tay thì mới mong thành công được.
Tóm lại, thương trường là chiến trường và nghệ thuật kinh doanh là chìa khóa để chiến thắng. Một lần nữa, chúng tôi hy vọng Gear Up sẽ giúp bạn tiến đến đỉnh vinh quang.
THỬ THÁCH: ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG
ĐIỀU TIÊN QUYẾT CHÍNH LÀ LÀM CHO CÁC BÁNH RĂNG CHUYỂN ĐỘNG ĐÚNG HƯỚNG. KINH DOANH KHÔNG HỀ DỄ. MẶC DÙ BẠN ĐÃ HIỂU RÕ TẤT CẢ CÁC BÁNH RĂNG NHƯNG VIỆC LÀM CHỦ QUÁ TRÌNH ĐỒNG BỘ HÓA CÓ THỂ SẼ KÉO DÀI CẢ ĐỜI! NẾU MỘT TRONG SỐ CHÚNG BỊ TRỤC TRẶC HOẶC THAY ĐỔI HƯỚNG ĐI, QUÁ TRÌNH NÀY CÓ THỂ BỊ TRÌ HOÃN HOẶC HỦY BỎ HOÀN TOÀN.
THEO BẠN, TẠI NHỮNG ĐIỂM GIAO THOA NÀO, TRỤC TRẶC KỸ THUẬT DỄ XẢY RA NHẤT? CÁC BÁNH RĂNG NÀO KẾT HỢP VỚI NHAU HIỆU QUẢ NHẤT?
Hãy đánh dấu ✔ vào những ô nơi các bánh răng tương tác tốt nhất.
Hãy đánh dấu ✗ vào những ô tiềm ẩn rủi ro.
Nếu bạn đánh dấu ✗ , hãy quay trở lại các chương trước, xem xét và xử lý các lỗi tồn đọng.