LUÔN ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ TÀN KHỐC.
CHỈ CÓ SỰ THẬT MỚI LÀ “THẬT SỰ”.
Ở CHƯƠNG (BÁNH RĂNG) CUỐI CÙNG NÀY, TA CÓ MỘT SỐ CÂU HỎI HÓC BÚA CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI: LIỆU Ý TƯỞNG SẼ THẬT SỰ HOẠT ĐỘNG? NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP, TỒI TỆ VÀ QUÁI ĐẢN ĐÃ ĐƯỢC PHÔ BÀY HẾT HAY CHƯA? CÁC VẠCH TĂNG TRƯỞNG TRONG BẢNG TÀI CHÍNH CÓ ĐÚNG VỚI THỰC TẾ? LIỆU CHÚNG TA CÓ THỂ XỬ LÝ TẤT CẢ NHỮNG NHÂN TỐ THƯỜNG BIẾN NÊU TRÊN? LIỆU CÓ THỂ VƯƠN TỚI THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI TỪ PHÒNG LÀM VIỆC TẠI HẦM ĐỂ XE? LIỆU CƠ HỘI HỢP TÁC VỚI WALMART LÀ KHẢ THI? KHẢ NĂNG BIẾN Ý TƯỞNG THÀNH HIỆN THỰC CAO HAY THẤP?
Kiểm nghiệm thực tế là quá trình thẩm định cơ hội kinh doanh để xác định xem chúng có thực tiễn và hợp lý hay không.
TẤN CÔNG VÀO ĐIỂM NHẠY CẢM – TÍNH THỰC TIỄN
Tại sao bạn muốn thành lập công ty? Tiền bạc, danh vọng, cơ nghiệp hay chỉ là nung nấu quyết tâm chữa trị nỗi đau cho khách hàng? Quan trọng hơn, bạn đã chuẩn bị để đi đến đích bằng ý tưởng của mình chưa? Tại sao ý tưởng này phải thành công? Hầu hết các ý tưởng thường không thành công! Chúng ta luôn dành sự tôn trọng cho những người có giấc mơ, nhưng thành thật mà nói, đa số họ đều thất bại. Điểm mạnh và điểm yếu của ý tưởng này là gì? Thế mạnh của đội ngũ ra sao? Có thể bạn sẽ rất cuồng nhiệt bởi đam mê, nhưng chỉ đam mê thôi không đủ.
Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu!
XÁC ĐỊNH CÁC NGUY CƠ
Hãy nghiên cứu các chương – bánh răng – và xem xét những yếu tố rủi ro có liên quan. Xác định ít nhất một điểm rủi ro ở từng bánh răng, sau đấy lập phương án giải quyết.
Lưu ý: Đây là kế hoạch "đừng làm hỏng chuyện" của bạn.
KHÁCH HÀNG
Nỗi đau của khách hàng sẽ ảnh hưởng đến những ai ngoài vòng tròn thân thiết của bạn, bao gồm gia đình, bạn bè và những tay ngờ nghệch(23)? Rất nhiều lần chúng tôi nghe mọi người trình bày một số ý tưởng dựa trên nhu cầu hoặc ham muốn của riêng họ, nhưng ý tưởng cần phải ưu việt hơn thế – phải xử lý được một vấn đề phổ biến hơn. Hãy ghi nhớ câu nói từ chương “Khách hàng”: Khi đồng hành với khách, bạn sẽ bán được hàng. Nhưng nếu nỗi đau bạn biết quá nhỏ nhoi và không có thị trường, nó không phải là một cơ hội khởi nghiệp thực sự mà chỉ là một dự án theo sở thích(24).
(23) Gia đình, bạn bè và những tay ngờ nghệch: nguyên văn là “family, friends, and fools” (gọi tắt là “3 Fs”) – những cá nhân đầu tiên để chia sẻ các ý tưởng kinh doanh sơ khai.
(24) Dự án sở thích: nguyên văn là “hobby project” – một dạng dự án bắt nguồn từ sở thích nghiên cứu và học hỏi, không vì mục tiêu kinh doanh.
YẾU TỐ THỎA MÃN
Bạn có thực sự sở hữu một yếu tố thỏa mãn hay mới chỉ thêm một chức năng khác, rồi gọi nó là yếu tố thỏa mãn? Đừng tự lừa dối bản thân mình nhé! Bạn có thể phản pháo rằng: “Một chân đế dựng iPad khá là ngầu dành cho xe hơi chính là yếu tố thỏa mãn của chúng tôi!”. Rất tiếc, nó không bền vững! Trên thực tế, ngay lúc mà bạn quyết định sản xuất chân đế dựng iPad đấy, những đối thủ của bạn có khi đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm tương tự và bán nó ra thị trường hàng tháng trước rồi. Thế đấy! Chưa có yếu tố thỏa mãn nào ở đây cả! Hãy trả lời lại lần nữa, yếu tố thỏa mãn bạn đang xây dựng là gì? Liệu khách hàng có thủ thỉ với bạn bè xung quanh họ về “quyền năng” mà nó mang lại?
THÂU TÓM KHÁCH HÀNG
Một khi sản phẩm của bạn đã mang yếu tố thỏa mãn bền vững, hãy tính toán số lượng khách hàng tiềm năng mà nó có thể thu hút. Công thức bán hàng độc đáo là gì? Làm thế nào để có được những bước tiến thần kỳ, sáng tạo nhằm hấp dẫn khách hàng?
Giả sử kế hoạch đề ra là dẫn dụ được 150 khách mới trong 12 tháng, tức 3 người mỗi tuần! Hãy tính thử xem: Hiện bạn có 300 đăng ký từ khách hàng tiềm năng (lead) mới mỗi tuần và cần bắt đầu các cuộc tiếp xúc dài hơn, kỹ lưỡng hơn với ít nhất 30 người trong số đấy để có được 3 khách hàng mỗi tuần. Hiển nhiên, việc phát minh yếu tố thỏa mãn hoàn toàn khác so với chuyện thuyết phục bàn dân thiên hạ tin tưởng nó. Liệu đội ngũ quản lý có đủ khả năng hoàn thành việc này? Hãy nhớ rằng, bạn không thể “vứt” nhiệm vụ quảng bá sản phẩm cho một trung tâm tư vấn hoặc nhóm bán hàng mới tuyển. Toàn bộ đội ngũ hiện tại phải làm công việc bán hàng cho tới khi tìm ra được một công thức bán hàng độc đáo. Khi đấy, các nhóm khác ngoài công ty mới có thể đảm đương trọng trách này.
MÔ HÌNH KINH DOANH
Bạn sẽ kiếm tiền như thế nào? Hiện đã có con số 0 nào trong bảng chi chưa? Liệu đã có đủ những con số 0 cần thiết? Giảm thiểu chi phí chưa hẳn là điều đáng để tự hào, vì nó chỉ cho phép bạn hoạt động tốt hơn chút đỉnh. Nhưng khi bản thu chỉ toàn là những con số 0 thì cần phải xem lại mô hình kinh doanh. Nhiều hơn một khoản thu ư? Cơ cấu giá và thu phí có độc đáo không? (Thế giới sẽ chẳng cần thêm một hình thức dùng miễn phí mà lại đầy quảng cáo nữa đâu!)
ĐỐI TÁC
Các đối tác phù hợp với cơ hội của bạn là ai? Họ đã sẵn sàng để gia nhập liên minh chưa? Những đồng minh hiện tại mới chỉ khiến bạn “tạm hài lòng”? Hãy đảm bảo các giá trị họ có thể mang lại và những lợi ích bạn có thể trao đi.
ĐỐI THỦ CẠNH TRANH
Hãy thực tế! Vì khi bạn là lính mới, rất khó để trở thành đấu thủ vượt trội trong một thị trường sẵn có. Ai mà đánh bại nổi Oracle(25) trên sân nhà của họ chứ? Thay vào đấy, hãy cố gắng thay đổi trò chơi và đi theo con đường mà các đối thủ không bao giờ nghĩ đến. Chắc hẳn có một Đại Dương Xanh ở đâu đó để bạn thỏa chí vẫy vùng!
(25) Oracle: một hãng sản xuất phần mềm trứ danh ở Hoa Kỳ do Larry Ellison thành lập, cung cấp hệ quản trị cơ sở dữ liệu phổ biến trên thế giới.
VƯƠN RA BIỂN LỚN
Bạn quyết định mở rộng kinh doanh ra phần còn lại của thế giới – thị trường có sức bật tốt nhất hay những nơi có điều kiện thuận lợi nhất? Về phần Internet, nó vốn dĩ không có giới hạn, có chăng là việc thiếu tầm nhìn sẽ giới hạn khả năng phát triển của ý tưởng.
ĐỘI NGŨ
Bạn đã tổ chức được một đội ngũ đầy tài năng và thích hợp với cơ hội hiện tại hay chưa? Tại sao họ không gia nhập các công ty tiếng tăm trong ngành? Họ chỉ lên xe cho đủ đội hình hay thực sự là những viên ngọc quý đầy tiềm năng?
Hãy trung thực về vấn đề kỹ năng và tham vọng. Các giải đấu lớn đòi hỏi một đội bóng khác biệt và đôi khi bạn cần “thay máu” thành viên, thậm chí có khi nhà truyền giáo lại chính là những người nên đi tìm công việc khác. Tại sao? Vì để phát triển công ty, bạn sẽ cần một tổ hợp các kỹ năng chuyên biệt hơn là khả năng sáng lập.
BẤT CHẤP TẤT CẢ
Những rủi ro lớn nhất trong ý tưởng kinh doanh của bạn và việc tiến hành nó là gì? Bất kỳ cuộc chơi mạo hiểm nào cũng cần có rủi ro, vì không can trường luôn đồng nghĩa với thua cuộc! Đầu tiên, xác định các rủi ro. Sau đấy, đánh giá và ngăn chặn rủi ro xảy ra. Kế đó thiết lập phương án xử lý trong trường hợp nó xảy ra. Đánh giá khả năng các rủi ro rơi ra ngoài tầm kiểm soát cũng là điều rất sáng suốt. Cuối cùng, hãy ước lượng tổn thất đối với dự án nếu những rủi ro đó thực sự xảy ra.
Dẫu sự thật có thể làm bạn nản lòng, các mục tiêu vẫn cần phải được mở rộng. Với điều kiện những rủi ro đã được xác định ngay từ đầu, việc dành ra 3 năm “chui nhủi” trong hầm xe là chuyện rất đỗi bình thường. Tuy vậy, các tay mơ thường hay nổi hứng tuyên bố sẽ tung ra sản phẩm mới trong vòng bốn tháng và sau đấy lại mất gần ba năm để phát triển nó. Đồng ý rằng, sẽ có lúc công ty phải thông báo tin xấu, đại loại như cần nhiều thời gian hơn để phát triển mẫu thử, nhà máy sản xuất ở Nam Cực đã không hoàn thành, nhân viên marketing đang bị “đơ não” hay đội ngũ bán hàng không thể chốt bất kỳ giao dịch nào. Không sao cả, những chuyện này hoàn toàn bình thường! Nhưng cần tránh kiểu thông báo gây bất ngờ này. Hãy trung thực một cách tàn nhẫn, đối mặt với những sự kiện, lên kế hoạch phòng tránh và sẵn sàng đối mặt khi chúng xảy ra.
HÃY CHUẨN BỊ ĐỂ GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM
Hình dung bạn thành lập một doanh nghiệp cung cấp năng lượng với ý tưởng mua lại tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô để sản xuất điện. Bạn có kế hoạch lắp đặt chúng ở Vịnh San Francisco để bắt đầu việc sản xuất điện. Dù ý tưởng của bạn rất sáng tạo, nhưng nó cần được phân tích kỹ lưỡng trước khi bắt đầu phát triển mẫu thử. Hãy xem xét những vấn đề sau khi thực hiện kiểm nghiệm thực tế:
1. Phân tích môi trường
Hãy xác định các yếu tố chính trị, kinh tế vĩ mô, luật lệ, công nghệ và sinh thái then chốt ảnh hưởng đến công việc đang thực hiện ở những thị trường khác nhau và các khu vực khác nhau.
2. Phân tích đạo đức
Phân tích này khá đơn giản. Tất cả là ở bản thân mình! Bạn có cảm thấy thoải mái với việc kinh doanh đang được triển khai? Có bất kỳ vấn đề đạo đức nào ảnh hưởng đến bạn và đội ngũ không? Nếu không an lòng với những việc trên, hãy quay trở lại và sửa đổi nội dung cụ thể ứng với từng chương (bánh răng) khác nhau. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể ngẩng cao đầu và tự hào về cơ nghiệp mình đang cố gắng xây dựng.
RỦI RO TRONG TỪNG BÁNH RĂNG
XÁC ĐỊNH RỦI RO Ở TỪNG CHƯƠNG. BẮT ĐẦU VỚI CHƯƠNG CÓ TẦM ẢNH HƯỞNG NHẤT ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CỦA BẠN.
Mô tả và xác định rủi ro ở chương ___________________ (Ví dụ: Đối thủ):
Ý tưởng: “Ý tưởng sản phẩm của bạn sẽ bị đối thủ sao chép”.
Làm sao để ngăn chặn điều đấy?
Ý tưởng: “Bằng sáng chế cần được công nhận. Nhãn hiệu cần được đăng ký. Các đoạn mã nguồn lập trình cần được bảo mật”.
Mức độ khốc liệt?
Ý tưởng: “Lựa chọn giữa các mức: thấp, vừa và cao”.
Nếu điều đấy xảy ra, bạn sẽ giải quyết thế nào?
Ý tưởng: “Tìm kiếm cơ hội để tham gia cuộc chơi với đối thủ và tung ra sản phẩm phiên bản 2.0, kể cả khi nó chưa sẵn sàng”.
Nào, hãy xác định những điểm rủi ro ở từng chương!
TỔNG HỢP NHỮNG NỖI SỢ HÃI
ĐẶT NHỮNG ĐIỂM RỦI RO BẠN ĐÃ XÁC ĐỊNH VÀO BẢNG SAU, THEO MỨC ĐỘ QUAN TRỌNG:
BẮT ĐẦU - NGỪNG LẠI - TIẾP TỤC
NHỮNG VIỆC NÀO BẠN CẦN TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN, NGỪNG LẠI HOẶC TIẾP TỤC, NHẰM ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU NHANH CHÓNG HƠN?
TÓM TẮT CHƯƠNG – KIỂM NGHIỆM THỰC TẾ
Chẳng mấy ai muốn dành thời gian và công sức để xác định những sai sót trong ý tưởng của mình, đặc biệt là lúc kế hoạch đề ra đang tiến triển tốt. Mặc dù khá rắc rối, đây là việc phải được hoàn thành! Hãy dành nguồn lực để xác định những rủi ro tiềm tàng và luôn để mắt đến tình hình chung tại công ty để nhận biết khi nào cần phải thay đổi. Khi mọi thứ đi chệch hướng, khoảng thời gian giữa việc phát hiện, hành động và hoạch định lại công việc sẽ ngắn hơn nếu bạn dành thời gian kiểm nghiệm thực tế và luôn trong tư thế sẵn sàng cho mọi vấn đề có thể nảy sinh.
HÃY TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI CUỐI CÙNG, NHƯNG QUAN TRỌNG NHẤT:
1. Bạn đã hoàn thành các bước tính toán chưa?
2. Rủi ro ở đâu? Làm cách nào để phòng tránh?
3. Nếu chúng thực sự xảy ra thì bạn sẽ làm gì?
4. Mức độ “tàn khốc” công ty bạn có thể gánh chịu?
5. Xác xuất điều đó xảy ra cao hay thấp?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN... ĐỒNG BỘ HÓA VỚI KIỂM NGHIỆM THỰC TẾ
Đồng bộ hóa tất cả các chương với “bánh răng” kiểm nghiệm thực tế! Điều này có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong việc phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro.
GHI NHỚ
Đối mặt với sự thật tàn khốc và ứng biến.
CÂU CHUYỆN MINH HỌA
Ý nghĩa của việc kiểm nghiệm thực tế
Sự nhiệt huyết, đam mê cùng với ý tưởng – điều mà bạn cho là và tin là đúng dựa trên kinh nghiệm thực tiễn bạn tích lũy được trong suốt nhiều năm trong ngành – cũng như kiến thức sẵn có của bản thân về sản phẩm và nhu cầu cần được giải quyết của khách hàng có đủ để giúp bạn tiếp tục con đường khởi nghiệp chông gai? Khi mà nền tảng/kiến thức về công nghệ, tài chính, thiết lập mô hình kinh doanh, xác định các rủi ro… của bạn chưa thực sự vững chắc? Và khi bạn luôn tin tưởng những cộng sự của bạn sẽ thực hiện điều đó tốt và hiệu quả như bạn mong đợi?
Câu chuyện sáng lập Triip.me và hành trình đưa Triip.me đến với vị trí hiện tại quả thực không hề đơn giản. Đằng sau những lời khen về sản phẩm tốt, ý tưởng hay, triển vọng trên các trang báo nổi tiếng nước ngoài, các giải thưởng về khởi nghiệp… có bao nhiêu giọt nước mắt, có bao nhiêu “nhát dao” cắt sát vào tim gan và có bao nhiêu trăn trở khác khiến chúng tôi giật mình thức giấc hàng đêm? Những tảng đá của trách nhiệm, đam mê, niềm tin và khát vọng thành công cứ đè nặng đè nặng đến mức đã có lúc chúng tôi tưởng chừng muốn buông bỏ tất cả.
Khi chúng tôi quyết định bán ngôi nhà duy nhất của mình và dồn toàn bộ tâm sức tập trung cho công ty là lúc chúng tôi xác định một niềm tin vững chắc vào thành công của công ty. Nhưng nếu là bạn, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi về nhà, các con bạn luôn nhắc bạn nhớ về những kỷ niệm đẹp, sự tiện nghi thoải mái ở ngôi nhà cũ và ước gì có một phòng riêng như trước? Không chỉ thế, nhiều vấn đề khác cũng liên tục ập đến, áp đảo và khiến tinh thần, ý chí cũng như cảm xúc của bạn bị thử thách liên tục… Đó là những gì mà chúng tôi đã và đang trải qua.
Vậy, kiểm nghiệm thực tế có ý nghĩa như thế nào trên hành trình khởi nghiệp này?
Đó chính là động lực thúc đẩy, là điều nhắc bạn nhớ tại sao bạn bước đi trên con đường này. Không ai khác, chính khách hàng và phản hồi của khách hàng là liều thuốc thiết yếu giúp chúng tôi đứng vững; giúp bồi đắp cho đam mê, niềm tin và tinh thần của chúng tôi ngày càng vững chắc để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Hãy đảm bảo luôn kiểm nghiệm thực tế từ những vị khách hàng “khách quan” (những khách hàng xa lạ không có mối liên hệ nào với bạn) để hiểu rõ sản phẩm bạn, xem xem sản phẩm đó có phải là liều thuốc đúng và đủ để chữa lành “nỗi đau” của khách hàng hay không. Đồng thời, khi mọi thứ bạn lên kế hoạch đều sụp đổ, hãy xem lại xem bạn đã tìm đúng “chỗ đau” của thị trường, của khách hàng chưa hay đó chỉ là “nỗi đau” của bạn và của nhóm nhỏ các bạn mà thôi.
Lâm Thị Thúy Hà
Cổ đông - Sáng lập viên Triip.me