TRƯỚC KHI LÀM “CÁI GÌ”,
PHẢI BIẾT “GỒM NHỮNG AI”.
CHỌN ĐÚNG BẠN ĐỒNG HÀNH
“VẬY CÁC BẠN LÀM GÌ?” LÀ THẮC MẮC ĐẦU TIÊN CỦA RẤT NHIỀU NGƯỜI VỀ MỘT CÔNG TY MỚI. “ĐỘI NGŨ CỦA BẠN GỒM NHỮNG AI?” LÀ CÂU HỎI QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM. BẠN KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ NẾU KHÔNG CÓ NHÂN LỰC CỤ THỂ VÀ CŨNG KHÔNG THỂ XÂY DỰNG NGUỒN NHÂN LỰC NẾU KHÔNG BIẾT MÌNH CẦN GÌ! TỪ NGÀY ĐẦU TIÊN, HÃY CHẮC RẰNG BẠN LUÔN ƯU TIÊN CHO VIỆC THÀNH LẬP ĐỘI NGŨ.
Tất cả phụ thuộc vào việc “chọn đúng bạn đồng hành” như Jim Collins đã nhận định trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to Great). Hãy xem công ty của bạn như một chiếc xe buýt vi vu trên đường còn bạn đang xây dựng ý tưởng sơ khai về điểm đến, trong khi đường sá khá ngoằn ngoèo và lộ trình có thể thường xuyên thay đổi. Nếu vậy, bạn sẽ mang theo những ai? Đội ngũ khởi nghiệp của bạn phải bao gồm những tài năng tận tụy, có khả năng hoàn thành công việc, có tư duy khác biệt và đủ 5 vai trò chủ chốt.
TÀI NĂNG TẦM CỠ!
Nếu không có nhân tài, công ty của bạn sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì. Nền tảng giáo dục - đào tạo, kinh nghiệm và năng khiếu của mỗi người trong đội ngũ sẽ làm tăng thêm tài sản cốt lõi của công ty. Bao quanh mình bằng những tài năng tận tụy thuộc hàng “đỉnh”, vậy là bạn có thể bắt đầu chuyến xe buýt khởi nghiệp!
KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC
Tất cả thiên tài trên thế giới sẽ chẳng đưa bạn đến đâu nếu họ không có khả năng hoàn tất công việc. Một khi không thể tương tác với đồng đội của mình hoặc suy sụp vì áp lực, những tài năng đấy sẽ hoàn toàn vô dụng! Vì hành trình khởi nghiệp không dành cho những kẻ hay bỏ cuộc giữa chừng, tất cả mọi người trên xe đều phải thích nghi với những vấn đề như lộ trình thường thay đổi, thời hạn công việc gấp rút, nhiều khúc mắc cần xử lý và những lần ra mắt sản phẩm. Để vận hành ổn thỏa chuyến xe buýt, hãy chắc chắn rằng các nhân tài mà bạn tin dùng có thể hoàn thành được công việc.
TƯ DUY KHÁC BIỆT
Những bậc thầy trong việc tận dụng cơ hội kinh doanh luôn biết kết hợp khả năng nhìn xa trông rộng với lòng nhiệt huyết và đam mê dồi dào của đội ngũ nhân viên. Với lối tư duy khác biệt này, họ giúp công ty mình tự tạo dựng số phận. Những người tư duy khác biệt thách thức những chân lý hiện tại và các giải pháp đã được kiểm nghiệm theo thời gian. Họ làm việc vượt giới hạn để xác định các sản phẩm “đột phá nhưng chưa hiện hữu” sẽ được thiết kế vào khi nào và như thế nào. Vì lẽ đấy, yếu tố tư duy khác biệt sẽ ngăn xe buýt của bạn đi lòng vòng!
5 VAI TRÒ CHỦ CHỐT
Để tối đa hóa 3 thuộc tính trên, hãy đảm bảo chúng hiện hữu trong 5 vai trò chủ chốt ngay trong đội ngũ của bạn: nhà cải cách, nhà truyền giáo, nhà sản xuất, nhà quản trị và người hợp nhất. Tất cả đều có vai trò quyết định! Nếu thiếu, dù chỉ một người, đội hình của bạn sẽ không hoàn thiện.
Nhà cải cách
Điểm đầu tiên phải kể đến đó là một nhân vật mà tài năng của họ sẽ “làm sáng” cả một doanh nghiệp. Hãy nghĩ về các quý ngài Isaac Newton, Thomas Edison, Bill Gates và Steve Jobs, tất cả bọn họ đều tinh nhuệ trong “nghệ thuật” tư duy khác biệt ở lĩnh vực của mình. Nếu nhóm quản lý có một nhà cải cách phi thường như những bậc khai sáng trên đây, bạn đã sẵn sàng xây dựng cơ đồ rồi đấy! Còn nếu chưa tìm được ai tương tự, bạn cũng đừng âu lo, vẫn còn những cơ hội khác để kết nạp một thành viên như thế! Bên cạnh đấy, một số sáng kiến tối ưu từ nhà cải cách sẽ khiến việc xử lý các vấn đề cũ kỹ thường ngày trở nên hấp dẫn hơn hoặc làm mới những giải pháp đã được thể nghiệm – chứng minh từ trước.
Nhà truyền giáo
Đây là típ người ta cần để định hình và truyền đạt một số ý tưởng phức tạp. Hãy hình dung một quý ông nhảy khỏi máy bay với đôi mắt mở to long lanh, trong khi vừa thuyết giảng các ý tưởng cho bàn dân thiên hạ, vừa lo việc tiếp đất đúng lúc, đúng chỗ và mở đúng nút bung dù. Đây là một nhà truyền bá lý tưởng kinh doanh hạng nhất – một kẻ loạn trí độc nhất vô nhị nhưng vô cùng hữu ích. Với đam mê, tầm nhìn và thái độ quyết liệt – không thể cản phá, người này (kể cả sau một hai cú tiếp đất cấp tốc và… gây sốc) sẽ biến viễn cảnh trong đầu nhà cải cách thành các dự án kinh doanh hoàn chỉnh.
Các lãnh tụ tôn giáo hay lý luận rằng việc trở thành tín đồ sẽ dẫn đến hòa bình và hạnh phúc thiêng liêng. Cũng như thế, một nhà truyền giáo khởi nghiệp phải thuyết phục cả đội ngũ, khách hàng, nhà đầu tư và các bên liên quan rằng dự án kinh doanh mới này là con đường đúng đắn để một doanh nghiệp vươn đến đỉnh cao thành công. Vậy điều gì làm nên một nhà truyền giáo giỏi? Đấy là sự quan tâm nhiệt tình đến các nỗi đau của khách hàng (thường là bằng chi phí vui chơi với bạn bè hay gia đình) và tư duy sáng tạo để tìm cách xử lý chúng. Ngoài ra, người này sẽ sống rất thanh đạm, như đi máy bay hạng thường, ở khách sạn giá rẻ và không ăn gì ngoài mì gói. Theo quan điểm của giới truyền giáo, tiền bạc là công cụ để phát triển các dự án, không phải dùng để phung phí vào những chuyện hưởng thụ vớ vẩn.
Đối với nhà truyền giáo, dường như những nhiệm vụ bất khả thi lại vô cùng hợp lý và đường hướng tương lai thì hoàn toàn rõ ràng. Họ là các “giáo sư xoay chuyển(18)”, có thể “khoe mẽ” cực kỳ thuận tai về mọi sản phẩm với hàng tá câu chuyện tuyệt vời đến mức hầu hết người nghe sẽ vui sướng truyền miệng cho bạn bè. Họ có thể vấp ngã, đứng dậy và tiếp tục tiến lên mà không mất nhịp, vì luôn nhận ra rằng thất bại chỉ là một phần trò chơi và mỗi bước đi sai lầm sẽ mang cả nhóm đến gần giải pháp hơn. Dĩ nhiên, các thầy truyền giáo chẳng hề yêu thương lỗi lầm (làm gì có ai như vậy!), nhưng để phát triển năng lực của bản thân, họ sẽ gắng sức xoay xở, học hỏi từ chúng và thậm chí chấp nhận bị khiển trách vì chúng.
(18) Giáo sư xoay chuyển: nguyên văn là “spin doctors” - từ lóng chỉ những người có khả năng khiến người nghe suy nghĩ theo hướng họ muốn.
Vốn dĩ việc điều hành một công ty đã cực kỳ áp lực và còn tồi tệ hơn nhiều nếu công ty đó đang thất bại. Liệu sản phẩm có hoạt động được? Liệu chúng ta có đủ tiền để trả lương nhân viên? Liệu có ai đấy sẽ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta? Các nhà truyền giáo sống trong một thế giới đầy rẫy những câu hỏi như vậy nhưng vẫn duy trì được vẻ thanh nhã của mình. Khi mọi nỗ lực dường như vô vọng, họ vẫn thể hiện vẻ lạc quan, khiếu hài hước và cố gắng thuyết phục nhân viên lẫn nhà đầu tư tiếp tục chiến đấu.
Nhà sản xuất
Những nhà cải cách và truyền giáo là các cá nhân xuất sắc trong việc hình thành doanh nghiệp. Nhưng để duy trì ưu thế có được từ lần ra mắt thành công, ta cần một chuyên viên có thể “hô biến” một ý tưởng thành tài sản hay dịch vụ hữu hình. “Pháp sư siêu việt” đấy chính là nhà sản xuất! Dĩ nhiên, chuyện đưa một ý tưởng lên bản vẽ, biến nó thành một mẫu thử nghiệm, rồi trưng bày cho một nhóm nhỏ các khách hàng đầu tiên là một vấn đề hoàn toàn khác so với việc phát triển các quy trình sản xuất sản phẩm hàng loạt (với số lượng lớn lặp đi lặp lại) và sửa đổi những quy trình đấy khi sản phẩm được cập nhật. Các nhà sản xuất luôn đánh giá cao bản chất lặp đi lặp lại của việc cung ứng hàng hóa ở số lượng lớn và thấu hiểu tầm quan trọng của công việc hậu cần cũng như quy trình hoạt động tại doanh nghiệp mình. Có thể trên tất cả, nhà sản xuất sẽ lấy làm tự hào trong việc phát triển một dây chuyền sản xuất hiệu quả, trước nguy cơ gián đoạn và chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai.
Nhà quản trị
Nếu những nhà cải cách, thầy truyền giáo và nhà sản xuất thấy được khả năng bổ trợ lẫn nhau của mỗi người, họ sẽ tương tác cực kỳ tốt trong giai đoạn khởi đầu(19) của công ty, đưa dự án kinh doanh hướng đến mục tiêu tối thượng. Hiển nhiên, họ sẽ vô cùng hài lòng với thành tích đạt được, cho đến khi nhận được một lốc đơn đặt hàng “khủng bố” và phải thay đổi phương thức hoạt động, từ xu hướng “chui nhủi để tồn tại” sang “vươn lên và phát triển”. Thế đấy! Ngay khi ăn mừng xong thì bắt tay vào làm việc ngay thôi!
(19) Giai đoạn khởi đầu: nguyên văn là “garage phase”, ngụ ý rằng các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian đầu thường làm việc trong một hầm để xe chật chội để tiết kiệm chi phí tối đa.
Khi bạn cần tuyển nhiều thành viên hơn để tiếp tục kinh doanh, các vấn đề tăng trưởng sẽ phát sinh. Thêm nhiều nhân viên hơn đồng nghĩa với việc xác lập vai trò mới trong tập thể, phác thảo nhiều nhiệm vụ hơn, chỉnh sửa các phương pháp cũ và điền một núi giấy tờ.
Đây là thời điểm khó khăn đối với tất cả mọi người, đặc biệt là các nhà cải cách. Bấy giờ, cái viễn cảnh “cao quý và xán lạn” trong đầu họ buộc phải thay đổi để cân xứng với mục tiêu thực tế. Nếu điều đấy làm thế sự kém vui thì cũng chẳng thể khác được, công ty phải phát triển hoặc chấp nhận lụi tàn. Lúc này, ta cần đến một nhà quản lý – người sẽ sắp lại trật tự tại doanh nghiệp đang hỗn loạn này. Các quản trị viên sẽ yêu cầu kế hoạch tiến độ, ngân sách và kế hoạch theo dõi để giải quyết cơn ác mộng về quản trị. Cùng với những tập tài liệu, dữ liệu và nguồn lực điều hành, cả đội ngũ sẽ nhận được sự thanh thản đáng mong đợi.
Tình trạng nhẹ nhõm này thường không kéo dài. Trong lúc nhà sản xuất đang bận rộn với việc gắn kết mọi thứ(20) và thực hiện các nhiệm vụ, nhà cải cách và nhà truyền giáo sẽ lại lần nữa nhìn thấy “chân lý(21)” (có thể là một chân lý khác và hơi chệch hướng so với cái đầu tiên!) và sự khủng hoảng lại xuất hiện. Một quản trị viên ưu tú sẽ sớm nhận thấy khuynh hướng hoạt động đối nghịch của các cá nhân trong tổ chức, một khi chức năng của họ đã được tối ưu hóa đầy đủ. Trước khi toàn thể đội hình vấp ngã trước các bất đồng, hãy cầu cứu sự giúp đỡ từ thành viên cuối cùng: Người hợp nhất!
(20) Gắn kết mọi thứ: nguyên văn là “connecting the dots” – một cụm từ trứ danh được Steven Jobs dùng trong các bài phát biểu.
(21) Chân lý: ngụ ý nói rằng các nhà cải cách và truyền giáo hay thay đổi quan điểm kinh doanh và khuynh hướng hoạt động; điều này thường xuyên dẫn đến bất đồng trong nhóm điều hành.
Người hợp nhất
Tại thời điểm này, công ty cần một người chỉ huy – một kẻ có khả năng thương lượng giữa các phòng ban khác nhau, đưa ra phản hồi đối với những thay đổi và tập trung vào chiến lược tổng thể để giữ cho đội ngũ cùng nhìn về một hướng.
Ví dụ, giả sử mục tiêu đề ra là xây dựng một đấu trường. Nhà cải cách sẽ thấy một viễn cảnh lớn lao của dự án, nhà truyền giáo sẽ say sưa thuyết giảng và nhà sản xuất thì bắt đầu xác định sẽ cần mua những vật liệu xây dựng gì hay nhà cung cấp là ai. Nhà quản trị cũng đang tập trung thiết lập nguyên tắc thi công, xem xét các giấy phép xây dựng và thiết lập những điều kiện làm việc công bằng cho người lao động.
Người hợp nhất lặng lẽ quan sát hoạt động của tất cả bọn họ, chú ý kỹ càng đến mọi phương diện và điều phối các vai trò khác nhau một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi nhà cải cách tuyên bố: “Quên kế hoạch đấu trường đi mấy bồ! Hãy xây một tòa nhà vạn năng có bộ phận thực tế ảo!”. Lúc này, người hợp nhất sẽ nhẹ nhàng xoa dịu nhà cải cách (nếu vẫn cần anh ta để thực hiện dự án) hoặc sẽ điều phối sang làm dự án khác. Chung quy, người hợp nhất là cái “đinh chốt” giữ mọi thứ gắn kết với nhau.
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TỐT KHÔNG PHẢI ĐIỀU DỄ DÀNG
Năm vai trò mà chúng tôi vừa mô tả có bản chất rất mạnh mẽ, rất kiên cường. Thực sự khó để khiến họ tương tác nhịp nhàng và hành động cùng một hướng. Bạn sẽ tốn hàng giờ với việc đàm phán và tranh luận, để giải thích các nhu cầu khác biệt của mỗi người, tranh cãi về nỗi đau của khách hàng và giải quyết hàng đống các thứ khác. Hãy cố gắng lên! Mặc dù rất mệt mỏi nhưng bạn sẽ thấy được sự tiến bộ và có thể đẩy nhanh kế hoạch so với dự tính, vì những đồng đội này sẽ giúp đảm bảo tương lai của công ty. Nhà cải cách thắp sáng ý tưởng, nhà truyền giáo và nhà sản xuất tạo nên hứng thú, còn nhà quản trị giúp trả thuế đúng hạn, kiểm soát hàng tồn kho và giữ cho công ty hoạt động ổn định. Trong khi đấy, người hợp nhất sẽ xông xáo tới lui, thu hẹp các khoảng cách và đảm bảo công ty là một mãnh sư oai dũng chứ không trở thành một con hươu cao cổ.
Một lưu ý cuối cùng: Nhiều khả năng nhóm của bạn không đáp ứng được chính xác như đội ngũ lý tưởng được mô tả trên đây. Trong trường hợp đội hình hiện tại có ít thành viên và công việc tập trung chủ yếu vào nhân lực, bạn có thể thử cho phép một thành viên đóng nhiều vai trò khác nhau (vừa là nhà cải cách vừa là nhà quản trị chẳng hạn). Điều này sẽ hữu ích trong một khoảng thời gian nhất định, chỉ khi các vai trò đấy khớp với bản tính của họ, vì đòi hỏi một cá nhân hoàn thành vai trò không ăn khớp với bản tính của anh ta là một sự lãng phí rất lớn về thời gian và nguồn lực. Thay vào đó, hãy khuyến khích tất cả thành viên tập trung vào vai trò hiệu quả nhất mà họ đang thực hiện, sau đấy mới áp dụng những điểm mạnh, tư duy khác biệt vào công việc.
ĐỘI NGŨ CỦA BẠN GỒM NHỮNG AI?
BẠN CÓ THỂ CÓ HOẶC CHƯA CÓ ĐỘI NGŨ. CÂU HỎI QUAN TRỌNG LÀ: BẠN ĐÃ CÓ ĐỘI NGŨ PHÙ HỢP CHƯA?
Ai đang ở trên chuyến xe buýt?
Những cá nhân nào đã cam kết tham gia dự án kinh doanh của bạn?
Tại sao?
Tại sao họ được mời? Tài năng, các mối quan hệ, tiền bạc hay những lý do khác?
ĐỘI NGŨ TƯƠNG LAI CỦA BẠN
BẠN ĐÃ BIỆN GIẢI ỔN THỎA VỀ ĐỘI NGŨ HIỆN TẠI CỦA MÌNH. TIẾP THEO, HÃY CÂN NHẮC CÂU HỎI KẾ TIẾP: CÒN AI KHÁC CÓ THỂ ĐỒNG HÀNH VÀ CHINH PHỤC THỬ THÁCH CÙNG BẠN?
Còn nhân tài nào khác bạn muốn họ gia nhập?
Vai trò nào bạn biết đang còn thiếu trong đội ngũ?
Tại sao?
Bạn cần lấp đầy những khoảng trống năng lực(22) nào?
(22) Khoảng trống năng lực: nguyên văn là “competence gaps” – khoảng cách giữa cấp độ năng lực hiện tại của nhân viên trong một doanh nghiệp và cấp độ năng lực cần thiết họ phải có.
Ai phải bước xuống xe?
Những thành viên nào không giúp ích được cho nhóm (mặc dù đã tham gia khá lâu)?
TẠO DỰNG ĐỘI NGŨ CHO RIÊNG BẠN
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ HÒA HỢP CÁC THÀNH VIÊN VÀO “HỘP VUÔNG HOÀN HẢO” BÊN DƯỚI?
Tên một nhân vật bạn dự định tuyển vào đội hình: _______________________________________
TƯ DUY KHÁC BIỆT: Đây có phải là người nhìn xa trông rộng?
Ý tưởng: “Steve Jobs có thể tạo ra thị trường mới và biến đổi thị trường đang tồn tại”.
TÀI NĂNG: Người này có năng lực như thế nào?
Ý tưởng: “Anh ta / cô ta là nhà vô địch nặng ký trong lĩnh vực của mình”.
KHẢ NĂNG HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC: Người này có khả năng hoàn thành được các công việc được yêu cầu không?
Ý tưởng: “Người này luôn hoàn tất nhiệm vụ đúng thời hạn mà không cần nhiều sự định hướng”.
Lưu ý: Hãy lấp đầy chuyến xe buýt với những thành viên phù hợp; bằng không, bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả.
NHÂN LỰC
TẤT CẢ CÁC VAI TRÒ TRONG ĐỘI NGŨ CÓ THỂ BAO HÀM 3 THUỘC TÍNH NÒNG CỐT ĐƯỢC ĐỀ CẬP Ở NHỮNG TRANG TRƯỚC. MỘT NHÓM LÀM VIỆC TỐT SẼ GỒM 5 VAI TRÒ CHỦ CHỐT.
Hãy ghi danh thành viên trong nhóm của bạn:
Nhà cải cách:
______________________________________________
Nhà truyền giáo:
______________________________________________
Nhà sản xuất:
______________________________________________
Nhà quản trị:
______________________________________________
Người hợp nhất:
______________________________________________
TẠI SAO BẠN ĐÚNG?
HÃY LÝ GIẢI VÌ SAO CÁC BẠN LÀ ĐỘI NGŨ THÍCH HỢP NHẤT ĐỂ TRIỆT HẠ NỖI ĐAU CỦA KHÁCH HÀNG
Bàn về những khả năng của nhóm bạn:
Ý tưởng: “Cả đội chúng tôi tổng cộng đã có 100 năm kinh nghiệm trong môn lướt sóng”.
Đam mê của nhóm bạn:
Ý tưởng: “Lướt sóng là tôn giáo của chúng tôi”.
Nguồn lực của nhóm bạn:
Ý tưởng: “Chúng tôi có quan hệ khăng khít với tay lướt sóng nổi danh tại Santa Cruz. Họ rất muốn biểu diễn bằng ván lướt sóng của công ty trong cuộc thi kế đến. Ngoài ra, chúng tôi cũng có bạn bè đã thành danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và muốn đầu tư vào sản phẩm ván lướt mới này”.
Lưu ý: Đây là lúc để biến một ý tưởng thành cơ hội kinh doanh của bạn!
TÓM TẮT CHƯƠNG – ĐỘI NGŨ
Mặc dù việc chiêu mộ thành viên ưu tú không hề dễ dàng nhưng vì đội ngũ quản lý là tài sản lớn nhất của công ty bạn hãy nỗ lực tìm kiếm! Cần đảm bảo rằng bạn đã lựa chọn những cá nhân có đầy đủ tư duy khác biệt, tài năng và khả năng hoàn tất nhiệm vụ. Thường thì nhà cải cách và nhà truyền giáo sẽ là các thành viên đầu tiên và một khi doanh nghiệp bắt đầu tăng trưởng, bạn sẽ cần thêm vào nhà sản xuất, nhà quản trị và người hợp nhất. Trước khi thu thập nhân tài để khởi nghiệp, hãy giải đáp một vài câu hỏi sau. Nếu có bất kỳ câu trả lời nào là “không” thì bạn cần phải đánh giá lại đội ngũ của mình!
CÁC CÂU HỎI CẦN ĐƯỢC TRẢ LỜI:
1. Đội ngũ của bạn có những tài năng hàng đầu không?
2. Họ có tư duy khác biệt và khả năng hoàn tất nhiệm vụ được giao không?
3. Bạn đã tập hợp đủ 5 vai trò chủ chốt: nhà cải cách, nhà truyền giáo, nhà sản xuất, nhà quản trị và người hợp nhất hay chưa?
ĐỒNG BỘ HÓA CÁC BÁNH RĂNG CỦA BẠN... ĐỒNG BỘ HÓA VỚI ĐỘI NGŨ
Đội hình tốt nhất sẽ tận dụng được sức mạnh của tất cả bánh răng! Hãy chắc chắn rằng bạn đã tập hợp được một nhóm tiên phong cho cơ hội kinh doanh của mình.
GHI NHỚ
Nếu không chọn đúng bạn đồng hành thì chuyến xe của bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả!
CÂU CHUYỆN MINH HỌA
Đội ngũ nhân sự – Yếu tố quan trọng của nhà khởi nghiệp
Có nhiều bạn hỏi tôi rằng yếu tố nào là quan trọng nhất khi tôi quyết định đầu tư vào một công ty khởi nghiệp giai đoạn seed-stage (giai đoạn trước khi có sản phẩm hoàn chỉnh). Tôi có thể trả lời ngay mà không cần suy nghĩ, đó chính là đội ngũ nhân sự của công ty (Team), đây chính là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải là sản phẩm, thị trường hay lượng người dùng hiện tại. Các bạn có thể nghĩ về mỗi công ty khởi nghiệp như là một chiếc thuyền nan đi trên biển lớn vậy. Có quá nhiều yếu tố rủi ro và những điều bất ngờ không lường trước được. Ngay cả khi bạn đã có một sản phẩm tốt, thị trường sẵn sàng đón nhận, bắt đầu được nhiều người biết đến và sử dụng thì vẫn có những thử thách có thể xảy ra như sự thay đổi về luật pháp, các công ty lớn nhảy vào cạnh tranh hoặc thị hiếu người dùng thay đổi. Chỉ khi có một đội ngũ có khả năng lèo lái tốt, công ty mới có thể thích ứng và vượt qua những khó khăn bất ngờ đó được.
Đội ngũ ở đây gồm 2 nhóm: sáng lập viên và nhân viên chủ lực của công ty.
Hãy nói về sáng lập viên trước. Đa số những công ty thành công lớn đều có trung bình 2 hoặc 3 sáng lập viên vì hiếm có ai toàn diện về mọi mặt. Một người giỏi về mặt kỹ thuật sẽ hiếm khi giỏi về mặt kinh tế, hoặc ngược lại. Cho nên các bạn cần tìm một hoặc hai người có những điểm mạnh bổ sung thêm cho các bạn. Ngoài ra, có người đồng sáng lập sẽ giúp các bạn bớt cảm thấy cô đơn trên con đường lập nghiệp. Khi các bạn nản lòng nhất, người đồng sáng lập là nguồn động viên và giúp đỡ lớn nhất cho bạn.
Phần thứ hai của đội ngũ là những nhân viên chủ lực của công ty. Những người đầu tiên các bạn tuyển vào công ty làm việc là những người hết sức quan trọng. Theo kinh nghiệm của tôi, đừng bao giờ tuyển những người dưới mức kỳ vọng của bạn cho dù bạn đang cần người đến mức nào đi nữa. Những nhân viên đầu tiên sẽ là người nằm gai nếm mật với các bạn và hy sinh cho công ty những lúc công ty khó khăn nhất. Họ cũng sẽ là người tạo nên “văn hóa” (culture) cho công ty. Lợi thế lớn nhất một công ty khởi nghiệp là tốc độ. Những nhân viên chủ lực của công ty sẽ là những người quyết định công ty của bạn thích ứng nhanh hay chậm với những thử thách.
Chỉ khi nào bạn có một đội ngũ khiến bạn hoàn toàn tin tưởng giao phó công việc, khi đó bạn mới có thể thành công được.
Vũ Duy Thức
Nhà đầu tư Thiên thần (Angel Investor)