Trong năm 2016, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang ở ngã rẽ. Chúng ta có nhiều công ty thành công cỡ vừa và có cả những công ty lớn mà thành công của họ truyền cho chúng ta rất nhiều động lực. Cộng đồng khởi nghiệp vẫn đang trong đà phát triển. Chúng ta cần những thương vụ thoái vốn lớn, cần những nhà khởi nghiệp có thể tạo ra được những giá trị thực sự. Chúng ta cần phải phát triển hơn nữa.
Thông qua những trang sách của “Bánh răng khởi nghiệp”, bạn sẽ thấy những hình mẫu các công ty sáng tạo đổi mới và có thể học được nhiều điều từ những thất bại cũng như thành công của các nhà sáng lập đi trước. Hãy học hỏi từ họ và hãy đi con đường của riêng mình.
Nhân dịp này, sau 5 năm quan sát hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, tôi muốn được điểm qua những điều mà tôi cho rằng đang là những thử thách lớn nhất đối với chúng ta trong thập kỷ tới. Đó là những thử thách buộc phải vượt qua nếu muốn tạo ra những công ty trị giá triệu đô và tỷ đô. Nếu bạn là nhà sáng lập thì chính bạn phải tự mình vượt qua những trở ngại này để xây dựng được công ty vĩ đại.
Việt Nam thực chất là một nơi có tinh thần khởi nghiệp cao. Người ta bán bánh mì và cà phê trên mọi góc đường. Nhưng có tinh thần thôi thì chưa đủ. Những người sáng lập còn phải suy nghĩ về cách mở rộng quy mô kinh doanh. Nếu bạn không nghĩ lớn, không mở rộng được quy mô kinh doanh thì doanh nghiệp bạn tạo ra chỉ là một công ty cỏn con, sẽ không hoặc ít tạo được những sự thay đổi.
Điều tuyệt vời của những công ty phát triển ở quy mô lớn đó là họ có thể thay đổi được cuộc sống của cả nghìn, cả triệu và có khi là cả tỷ người. Khi thực sự làm được như vậy, bạn đang thay đổi thế giới thông qua từng người từng người một. Đây là sứ mạng của nhân loại: Thay đổi thế giới, làm cho nó tốt hơn lúc bạn đến với nó. Do vậy việc đầu tiên mà những nhà sáng lập Việt cần phải cân nhắc là tại sao việc sở hữu một tầm nhìn và tư duy đột phá lại quan trọng đến thế.
Một khi nhà sáng lập hiểu được tại sao mình phải nghĩ lớn để tạo ra được những công ty vĩ đại, vấn đề tiếp theo đó là “LÀM THẾ NÀO?”. Hệ thống giáo dục của Việt Nam đã đào tạo ra cả một thế hệ những người không có tư duy phản biện, không có sự sáng tạo hoặc khác biệt. Có gì ngạc nhiên khi cha mẹ người Việt phải gửi con đi du học? Vì hệ thống này đã cản trở người Việt Nam đạt được tư duy đột phá.
Thế nên đây sẽ là câu hỏi hữu ích cho bạn: Tại sao McDonald trở nên lớn mạnh như vậy? Cho đến nay, công ty này vẫn là công ty hamburger lớn nhất thế giới. Đó là một câu chuyện dài, nhưng những người sáng lập của McDonald đã hiểu rằng họ không chỉ bán những cái bánh kẹp thịt. Họ suy nghĩ về cả một hệ thống bất động sản, chuỗi cung ứng, những thực đơn, các gia đình và những điều khác nữa. Những người sáng lập này hiểu rằng việc tìm một vị trí đắc địa là vô cùng quan trọng. Họ hiểu được việc có một thực đơn đơn giản và có thể dễ dàng nhân rộng sẽ cho phép họ cung cấp dịch vụ và chất lượng như nhau ở mọi nơi. Họ suy nghĩ sâu về tất cả các khía cạnh kinh doanh để đảm bảo rằng họ có thể mở rộng được quy mô của họ. Bạn có nghĩ về việc kinh doanh hay khởi nghiệp của mình như thế không? Bạn có hiểu những yếu tố nào quan trọng cho việc mở rộng quy mô của bạn?
Một vấn đề khác của những nhà sáng lập Việt đó là cái tôi quá lớn. Căn bệnh tồi tệ nhất trong giới kinh doanh Việt Nam đó là “cái tôi”. Tôi đã từng gặp rất nhiều người Việt là CEO, nhà sáng lập, nhà quản lý - những người quá tự tin khi cho rằng họ có thể tự mình làm được tất cả mọi thứ. Họ chẳng chịu thương thuyết hay hợp tác. Họ không muốn cho và nhận. Họ chỉ muốn nhận mà thôi! Tệ hơn nữa là họ thà tự mình kinh doanh nhỏ lẻ, ổn định còn hơn là đi hợp tác để cùng phát triển lớn.
Đây là vấn đề của cả một hệ thống chứ không phải chỉ là vấn đề của những nhà sáng lập. Nhưng nó bắt đầu từ tôi và bạn. Chúng ta cần hợp tác với nhau. Tất cả chúng ta cần phải học cách khiêm tốn và hướng đến việc hợp tác, để cùng kiếm tiền hoặc cùng nhau xây dựng công ty, thay vì cứ khăng khăng niềm tin mù quáng rằng chỉ một cá nhân là có thể tự mình làm được mọi chuyện.
Vấn đề cuối cùng mà tôi nhận thấy đó là có rất nhiều công ty khởi nghiệp tuy mạnh về công nghệ nhưng lại kém trong kinh doanh. Tôi nghĩ những công ty khởi nghiệp Việt Nam hiện nay cần phải học về kinh doanh nhiều hơn là về công nghệ. Có rất nhiều công ty tôi từng gặp xây dựng những công nghệ mà chính họ cũng chẳng biết phải làm gì với nó. Căn bản là họ không thực sự hiểu sản phẩm đó sẽ dùng để làm gì. Họ không nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và họ cũng chẳng biết sẽ kiếm tiền như thế nào. Ngay cả khi họ có cách để kiếm tiền, đó cũng chỉ là một cách tồi, nó không bền vững và không mở rộng được.
Các công ty khởi nghiệp cũng không biết làm thế nào để tìm kiếm thị trường, bán hàng hay giới thiệu sản phẩm. Vấn đề lớn nhất ở đây đó là sự kết hợp của những điều mà tôi liệt kê ở trên. Những nhà sáng lập vừa có cái tôi quá lớn, vừa rất ít hiểu biết về kinh doanh lại vừa có niềm tin thái quá vào công nghệ và sản phẩm của mình, đến nỗi họ cho rằng khách hàng sẽ tự tìm đến. Họ không hiểu rằng bán hàng là khía cạnh mấu chốt để có được khách hàng. Nguyên do cũng bởi họ đi theo chủ nghĩa cá nhân và không hợp tác với người khác.
Tôi cho rằng nghĩ lớn, hạn chế cái tôi và tìm hiểu thêm kiến thức kinh doanh chỉ là ba trong rất nhiều những thử thách trở ngại mà những nhà sáng lập phải tự đối mặt nếu muốn xây dựng công ty vĩ đại. Cuốn sách này bao gồm nhiều hơn ba vấn đề đó và tôi hy vọng bạn sẽ khắc cốt ghi tâm tất cả những điều này, tự đặt câu hỏi cho chính mình, tự làm mới mình và bước tiếp trên con đường trở thành những nhà sáng lập vĩ đại của Việt Nam.
Chúc may mắn cho công trình của bạn!
Đỗ Anh Minh
http://anhminhdo.com