Hôm sau, Đường Lê thức dậy vì thông báo tin nhắn.
Lần nữa mở mắt thấy phòng cho khách nhà họ Lê, cảm giác sống lại thêm phần chân thật chứ không phải tự cô ảo tưởng trước khi chết.
Đường Lê ngồi dậy, cầm lấy điện thoại nắp trượt.
Chiếc điện thoại này do Đường Nhân đang mang bệnh đích thân dẫn cô vào tiệm mua trước sinh nhật tuổi 17 của cô.
So với những tỉnh thành khác của nước S, mức sống của Điền Nam rất thấp, nhất là những thôn làng gần biên giới Miến Điện.
Trước khi Đường Lê 8 tuổi, Đường Nhân là y tá cho một bệnh viện ở trấn trên Điền Nam.
Sau đó vì cứu một người bệnh mà Đường Nhân bất hạnh bị lây bệnh AIDS. Sau khi bệnh viện khuyên thôi việc, Đường Nhân dẫn theo con gái đến thôn làng xa xôi.
Không có công việc, cuộc sống hai mẹ con nghèo khó, nhưng vẫn có thể tự cấp tự túc.
Khi đó, mẹ đã giúp cô mua điện thoại di động, lại chuẩn bị cả vé tàu đi phương Bắc. Biết sức khỏe mình đã như đèn cạn dầu, thế nên sau khi giữ lại sinh hoạt phí cơ bản cho cô, bà đã dùng hết tiền tích cóp dư lại.
Cũng vì thế, dù đã quay lại nhà họ Lê được hai năm, cô vẫn không chịu thay chiếc điện thoại cũ này.
Trên màn hình hiện lên hai tin nhắn chưa đọc, ghi chú người gửi là “Ngô Tuyết Hàm”.
[Đường Lê, hôm nay cậu có về trường không?]
[Vừa rồi giảng viên lớp tiếng Anh lại điểm danh. Cô ấy nói nếu vắng mặt ba lần sẽ không đạt bài thi cuối kỳ. Cậu bị điểm danh hai lần rồi, tốt nhất là cậu phải đến lớp tiếng Anh vào thứ Năm đấy.]
Nhìn ba chữ Ngô Tuyết Hàm, Đường Lê thoáng hoảng hốt.
Ngô Tuyết Hàm – bạn học ở Học viện Nghệ thuật, cũng là bạn cùng phòng giường dưới của cô.
Tháng sáu năm ngoái Đường Lê tham gia kỳ thi đại học.
Sau khi cô quay lại nhà họ Lê, Lê Văn Ngạn đã sắp xếp cô vào trường tư mà Lê Diên Nhi đang theo học.
Cô lớn hơn Lê Diên Nhi một tuổi, theo lý phải trên Lê Diên Nhi một lớp.
Nhưng lúc ở Điền Nam, vì tình hình sức khỏe của mẹ, từ lớp mười một, cô đã không tập trung học hành được. Sau khi đến Thủ đô, tiến trình học tập không thể bắt kịp các bạn lớp mười hai khác. Cộng thêm cuộc sống ngột ngạt ở nhà họ Lê, dù học lại một năm, thành tích của cô cũng chẳng khởi sắc là bao.
Sau cùng Lê Văn Ngạn đẩy cô vào một học viện tầm thường.
Học viện điện ảnh Thủ đô mà Lê Diên Nhi thi đậu cũng ở đối diện học viện này.
[Buổi sáng mình sẽ về trường.]
Nhắn tin trả lời xong, Đường Lê rời khỏi giường rửa mặt thay đồ.
Quần áo cô để lại nhà họ Lê không nhiều.
Mở cửa tủ quần áo, cô nhìn chiếc áo khoác len hở cổ.
Sau đó, cô mặc áo thun, cầm theo áo khoác và điện thoại xuống tầng.
Bảy giờ kém năm, những người khác nhà họ Lê vẫn chưa dậy. Người giúp việc đang chuẩn bị bữa sáng trong phòng bếp.
Đường Lê vào phòng ăn, nhìn thấy sandwich kẹp trứng gà và thịt hun khói bèn ngồi vào vị trí đó, vừa cầm dao nĩa lên thì bên tai truyền đến tiếng “ấy” ngăn cản lộ rõ ý chê trách.
Đường Lê ngẩng đầu, thím Ngô đặt ly sữa lên cạnh bàn.
“Sandwich làm cho cô Hai.” Thím Ngô khẽ nhíu mày, bất mãn nhìn Đường Lê: “Nếu cô Hai ngủ dậy thấy mất bữa sáng, không biết sẽ làm ầm lên thế nào đâu.”
Nếu là trước kia, Đường Lê nghe như vậy sẽ lẳng lặng đặt dao nĩa xuống.
Nhưng sáng nay cô chẳng những không nhường sandwich mà còn cầm dao nĩa ung dung cắt một góc.
Thấy thím Ngô há miệng như mình mong muốn, ý cười bên môi Đường Lê càng tươi: “Cũng là cô chủ trong nhà, Lê Diên Nhi có thể ăn sandwich còn tôi thì không chắc?”
Cô mà cũng được xem là cô chủ à?