Người đàn ông đứng ngược sáng, mặc áo sơ mi trắng, vóc dáng trên mét tám, ánh đèn phòng rọi lên bả vai trông rực rỡ êm dịu.
Không thấy rõ gương mặt anh, nhưng Đường Lê nhận ra được đây không phải người nhà họ Lê.
Kiếp trước, cô chưa từng thấy người nào như vậy ở nhà họ Lê. Trên người đối phương có khí chất của một bậc bề trên.
Dù Lê Văn Ngạn là nghị viên quốc hội, cũng xem như một người có chức vị cao, nhưng xét về sự uy nghiêm do tích lũy mà thành thì không được như người đàn ông trước mắt.
Trong phút chốc…
Đường Lê đứng đó, đi cũng dở ở không xong.
Cô không ngờ căn phòng này lại có người, đối phương còn đứng ngay ban công. Cô những tưởng giờ trong biệt thự nhà họ Lê không còn ai nữa…
Dù gì cũng tối rồi, lại là tiệc thọ 65 tuổi của bà cụ Lê, giống như thím Ngô, đưa quần áo cho cô xong là vào vườn hoa hỗ trợ ngay.
Đã là đầu tháng Mười, mới tầm 6 giờ tối mà bóng tối đã bao trùm. Phía sau Đường Lê là ánh đèn rực rỡ vừa thắp. Dưới quầng sáng lờ mờ, bóng dáng gầy gò của cô trông thật gầy yếu.
Xuyên qua cửa ban công nửa hé, Đường Lê thấy rõ bày trí bên trong. Đây là phòng sách của Lê Văn Ngạn.
Như kiểm chứng suy đoán của cô, giọng cảm thán của Lê Văn Ngạn truyền đến từ trong phòng: “Về đề án thay đổi y học, trong quốc hội có rất nhiều ý kiến bất đồng…”
Cùng là con gái, nhưng cô không được Lê Văn Ngạn yêu thích.
Mẹ cô đặt tên cô là “Lê” vì muốn gửi gắm nỗi nhớ nhung Lê Văn Ngạn lên người cô. Nhưng hai năm trước, cô ôm hũ tro cốt của mẹ, ngồi tàu lửa hai ngày hai đêm đến thủ đô, lần đầu nhìn thấy Lê Văn Ngạn, sự chờ đợi và thấp thỏm của cô đã hóa thành hư vô, chỉ còn lại mê mang và bàng hoàng không thể diễn tả.
Trước khi qua đời, mẹ đã đưa cô một địa chỉ, nhưng không nói cô biết ba cô có nhà ở thủ đô, cũng như có một người vợ đoan trang nhã nhặn và hai cô con gái xinh đẹp.
Đường Lê còn nhớ vẻ mặt Lê Văn Ngạn lúc đó. Ông ta chẳng muốn nhìn cô con gái này thêm cái nào.
Khi ấy Lê Thịnh Hạ 22 tuổi, Lê Diên Nhi 16 tuổi, và cô vừa đón sinh nhật tuổi 17.
Đường Lê sống kham khổ với mẹ hơn mười năm ở biên giới nước S và Miến Điện, đã quen quan sát nét mặt và lời nói của người khác. Dù là thái độ của Lê Văn Ngạn hay của bà cụ Lê, cô đều ý thức được xuất thân của mình không ổn.
Kiếp trước, vào năm thứ năm cô kết hôn với Hàn Kế Phong, trong một lần tham dự dạ tiệc với chồng, gặp được bậc chú bác với thân phận cao là người quen cũ của mẹ cô.
Đến lúc đó cô mới biết, mẹ cô – Đường Nhân – không phải “người thứ ba”. Hai mươi mấy năm trước, Lê Văn Ngạn thực hiện nhiệm vụ nằm vùng cấp một ở biên giới, để đánh vào sâu trong phía địch, ông ta đã lợi dụng cô cả Đường Nhân có ý với mình khi ấy, tình cảm đôi bên phát triển, thậm chí còn kết hôn.
Sau đó nhiệm vụ kết thúc, ba Đường Nhân mất mạng, Đường Nhân cũng mất tích.
Không lâu sau, Lê Văn Ngạn được điều về thủ đô. Chẳng ai ngờ rằng khi ấy Đường Nhân đã mang thai.
Kiếp trước Đường Lê về lại nhà họ Lê, đến khi cô mất mạng vì bị cảnh sát đặc chủng bắn nhầm, suốt chín năm trời, Lê Văn Ngạn không hề nói rõ về thân thế với cô.
***
“Nếu đề án thay đổi y học được thực hiện, chi tiêu hằng năm về sau của Bộ Tài chính sẽ tăng.”
Trong phòng sách, giọng nói của Lê Văn Ngạn càng lúc càng rõ ràng.
Ông ta đang đến gần ban công.
Khi Đường Lê cho rằng chắc chắn mình sẽ bị bắt gặp thì người đàn ông trước mắt lại xoay người, tiện tay kéo rèm vải dày rồi đi vào trong.
Đường Lê vẫn còn hồi hộp, nhưng trong đầu lại hiện lên cái nhìn trước khi người đàn ông xoay người, dịu dàng như quan sát bé mèo bướng bỉnh, gương mặt anh tuấn nho nhã hiện ý cười nhẹ.