Cổng bệnh viện...
Người qua lại vào ra nhiều.
Những khuôn mặt ngơ ngác.
Một không gian sống vội vã, bận rộn, tư lự, khổ ải...
Hành lang phòng bệnh.
Ngổn ngang những dáng vẻ đứng ngồi. Nhiều khuôn mặt lo lắng. Chẳng có khuôn mặt nào giống khuôn mặt nào.
Hiển nhiên là rất ít nụ cười và tiếng nói to, câu tếu táo.
Cảnh ngộ con người ở đây bối rối, ảm đạm. Họ thường là những thân phận gần đất xa trời.
Làm người là thế đấy: Sinh lão bệnh tử...
Ai muốn hiểu hết về con người xin hãy một lần vào viện hay đến bệnh viện ở những khoa hồi sức cấp cứu hay những khoa có bệnh nhân nặng.
Cả những người ngỡ như chả thiếu cái gì nếu cần trừ cái ốm đau, bệnh hoạn cũng xin hãy thử một lần đến đây cho được ngấm mùi nếm trải.
Phòng cấp cứu lặng phắc.
Đây là ngôi nhà của hai cõi.
Có thể là cõi sống.
Cũng có thể là ngấp nghé cõi chết.
*
Ling Ling từ đâu đó phía ngoài sấp ngửa chạy vào. Dáng cô ta nhoè nhoẹt, tướp táp trông như vừa từ cơn bão đi ra.
Mọi người ngăn Ling Ling lại. Quyết ngăn.
Mẹ cô đang được bác sĩ cấp cứu. Một vài bóng áo trắng lại qua như một dấu hiệu bình yên hoặc là “không gì đáng ngại” nếu họ không vội vã, cập rập.
Đứa con hư chỉ biết đứng lặng.
Khuôn mặt Ling Ling nhàu nhã.
Nhưng rõ hơn cả là những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má loang lổ son phấn vì những biến động gia đình của Ling Ling.
Giọt nước mắt ấy phải chăng nó đang như cái kính chiếu yêu về những điều đã trải qua đối với cô gái đang khóc rũ này.
Tối ấy...
Ai cũng biết là có Mãnh và Ling Ling ở quán cà phê Tư Diệc. Cái này Mãnh và Tư Diệc đã báo cáo với Trưởng Công an xã- Nghị quân báo.
Nhưng còn những chuyện tiếp theo đó trước khi Mãnh trở lại làm cái chuyện trả nợ tiền uống bằng thân xác mình cho Tư Diệc như hắn đã khai với công an về sự vô can của mình thì sao?
Một đàn ông hung hăng, ti tiện và hèn nhát. Mãnh ý. Ling Ling chẳng thể quên khi ấy.
Cô nhớ lại đoạn đối thoại vội vàng lúc Mãnh lẵng nhẵng theo sau mình. Không biết anh ta nói thật hay nói đùa:
- Trả tiền uống cho người ta đã rồi đi đâu hãy đi.
- Ai mời ai?
Có tiếng nói kề bên:
- Đáng bao nhiêu với em hả Ling Ling...
Ling Ling chua chát hỏi lại:
- Hừ... chị Tư không sợ em quỵt chứ?
Tư Diệc vui vẻ:
- Cô cứ đi. Đáng gì với con gái rượu bà Tống Thệp.
Sau đó là bờ đê, bãi cỏ cùng trò sàm sỡ Mãnh định giở ra.
Sau đó nữa là cuộc bỏ chạy của Ling Ling. Cùng chiếc xe cô ta như lao vào nơi vô định, chỗ không cùng.
Mãi rồi cô cũng phải tìm đến bến đậu giữa khuya khuắt.
Ngôi nhà của cô bạn gái cùng học ngày xưa giờ làm việc trên tỉnh mở cửa đón Ling Ling. Chồng cô ta đang đi làm ở nước ngoài.
Cô đơn lại gặp cô đơn.
Hai người san sẻ cho nhau.
Ling Ling bảo bạn:
- Tao muốn tìm chồng. Sắp tìm được rồi thì thấy kẻ sẽ làm chồng của mình nay mai tởm quá thế là bỏ chạy. Tao không chịu nổi những trò ấy.
Bạn Ling Ling bảo:
- Mày thế là may mắn đấy. Tao giờ như con chó bị xích. Chồng thì cứ đi biền biệt. Thỉnh thoảng lão về cho ít tiền rồi lại biền biệt tiếp. Có chồng như tao thì sướng nỗi gì? Cái máy xả “trét”, cái hòm giữ tiền cho lão. Cũng ngán lắm. Đàn bà chả nhẽ chỉ có thế?
Ling Ling ở lì nhà bạn mấy ngày. Chính cái sự bỏ đi vô tổ chức của cô mà bao nhiêu người vất vả.
Nhiều tiền lại luống tuổi nên chỉ biết sống gấp cho qua ngày. Riêng cái chuyện trai gái thì Ling Ling lại ra vẻ đứng đắn. Ling Ling cần một người chồng chứ không cần một sự ăn nằm trước đèn xanh. Đây cũng là điều bất ngờ về con gái ông Tống Thệp nếu ta muốn tìm hiểu.
Ông Công Mái cũng ra xe chạy ngay đến ngay bệnh viện khi nghe tin bà Tống Thệp bị đột qụy.
Khổ thân bà ta. Có tất cả mà như chả có gì. Khi cần đến sự chăm sóc của gia đình thì lại chẳng có ai.
Ông Công Mái sốt ruột chờ tin cái Bệp. Nghe nói Công an xã đã liên hệ được với Công an tỉnh tìm ra được chỗ Ling Ling cư ngụ. Ông tin là con bé khi biết tin mẹ như thế sẽ về ngay.
Giờ ông đứng đây ngoài hành lang chỗ có phòng cấp cứu như chờ sẵn sự trở lại của đứa con gái hư của bà Tống Thệp. Rồi cái Bệp cũng đã có mặt như ông đoán.
Khi thấy Ling Ling nguôi cơn đau vì nỗi mẹ mình ông hỏi ngay:
- Mày bỏ đi đâu mấy hôm nay hả cháu?...
Ling Ling bối rối:
- Cháu... cháu lên thăm nhà người bạn.
Ông Công Mái lắc đầu:
- Hư quá thôi. Thăm ai cũng phải nói cho gia đình biết chứ. Đi qua đêm đến mấy tối mà gia đình vẫn bặt tin.
Ling Ling biện bạch:
- Cháu chạy trốn mà bác. Nhưng cháu không hư...
Đôi lông mày của ông Công Mái nhíu lại.
Ông nhìn con bé cháu như đắn đo, dò xét rồi chậm chắc từng câu một ông bảo với Ling Ling:
- Dẫu sao thì việc cũng đã qua rồi, có làm lại cũng không làm được. Mày nói thật cho bác nghe xem nào. Mấy ngày qua mày ở đâu, làm gì. Đã có những chuyện gì xảy ra. Cháu cứ nói thật. Bác như bố mẹ cháu.
Ling Ling ứa nước mắt nữa:
- Cháu nói thật mà. Cháu dối bác cháu chết. Cháu chơi nhà con bạn gái ngày trước. Bác ơi... về đến nhà cháu mới hay tin mẹ cháu, bố cháu. Bác ơi, cháu bỏ nhà đi nhưng chưa hư. Bác có tin cháu không?
Ông Công Mái không gật và cũng không lắc đầu trước câu hỏi của Ling Ling. Ông chỉ nhìn nó...
Người bác sĩ và mấy cô y tá giúp việc từ phòng cấp cứu đi ra.
Họ nhìn mọi người đầu gật gật vẻ hy vọng.
Ông Công Mái vỗ nhẹ vào vai Ling Ling bảo:
- Vào với mẹ đi cháu! Khổ thân bà ấy...
Mặt ông Công Mái sắt lại đau đớn.
Ling Ling oà ra những nước mắt là nước mắt. Mặt cô con gái cưng nhà ông bà Tống Thệp lúc này trông giống như khoảnh ruộng khô bị luênh loáng nước do đê vỡ lũ lụt tràn vào...
Nhìn người đau khổ khóc, ông Công Mái không chịu được đã vội ngoảnh mặt đi chỗ khác. Đôi mắt ông nhìn ra phía ngoài bệnh viện nơi chỗ có con đường rộng đang lúc nhúc người xuôi ngược và bụi bậm mà cảm nhận ra cái vất vả của mỗi đời người, cái trớ trêu của những thân phận, những hoàn cảnh.
Xe đạp, xe máy, xe ngựa, xe ba gác, xe ô tô...
Người đi không.
Người cồng kềnh.
Những bánh xe đủ tốc độ khác nhau quay vòng.
Nhịp quay của bánh xe như vòng luân hồi của đời sống.
Có cảm giác như người và vật đang chen nhau, qua mặt nhau, vượt mặt nhau để vươn lên trước, để tồn tại.
Nhìn con đường mà nhận ra việc đua chen của đời sống con người thật hối hả và và ngày mỗi quyết liệt.
Ông Công Mái lấy bàn tay xoa mặt mình.
Có cảm giác mắt ông ươn ướt.
Khóc đấy mà không cũng đấy.
Giọt lệ của người thấm đẫm nỗi đời cùng các trải nghiệm không dễ gì có nhiều cũng không dễ gì khan hiếm.
*
Lộ ra một khuôn mặt.
Bụi bặm...
Hớt hải...
Đôi mắt trên khuôn mặt ấy đảo điên, tìm kiếm.
Có sự gì vội vã.
Có điều gì gian gian.
Khuôn mặt ấy như muốn lao lên.
Cái dáng người theo khuôn mặt ấy như đang muốn gạt ra khỏi hai bên những vướng bận để mà tìm kiếm cho mình những lợi lộc riêng tư gì đó ở giữa chốn nhiều đau thương và hoạn nạn này.
Đó là khuôn mặt thô xước như mảnh các- tông dính nước với dáng bươn bả của anh nhà báo dởm La Văn Liếng.
Người anh ta đang muốn tìm lúc này là ông Công Mái.
- Anh làm ơn cho hỏi ông Đại tá Công an làng Phẩm?
- Bác có thấy ông Công Mái đâu đây không...?
Và anh ta reo ầm lên:
- Ôi đồng chí Bao Công đây rồi...
Hai bản mặt gặp nhau, bắt được mạch nhau sau một cái nhìn.
Ông Công Mái khẽ nhếch cười.
La Văn Liếng thì cười hết miệng.
Môi anh ta vành rộng hết cỡ đến nỗi lộ ra cả những chiếc răng rụng, răng sâu và răng gẫy trong nham nhở một cái miệng như hang đá hoang sơ chưa được khai phá.
La Văn Liếng vừa thở vừa nói:
- May quá gặp được sếp ở đây.
Ông Công Mái lạnh lùng:
- Không dám. Tôi là Công Mái. Xin có lời chào “ký giả”.
La Văn Liếng ra vẻ khiêm nhường:
- Thưa... ngài đại tá. Em chỉ là...
Ông Công Mái bình thản hỏi thăm:
- Dạo này cậu làm ăn khá chứ?
La Văn Liếng gãi đầu:
- Khá cái chết tiệt. Giàu có gì cái nghề bán chữ này hả cụ.
Ông Công Mái nhếch miệng:
- Chú giấu ai chứ giấu cả tôi?
- Hề hề...
Ông Công Mái dồn hỏi tiếp:
- Lại muốn săn tin hả...
La Văn Liếng xoa xoa hai tay:
- Tuyệt vời. Sếp chỉ có từ đúng trở lên thôi...
Ông Công Mái lắc lắc đầu:
- Lại cho nhau đi tàu bay giấy đây...
La Văn Liếng gãi tai. Cái mặt ”ký giả” của anh ta cau lại:
- Sức khoẻ của cái nhà chị Tống Thệp thế nào ạ? Cả cái con bé bỏ nhà đi mất tích nữa.
Ông Công Mái thăm dò:
- Chú hỏi thăm hay muốn tìm tin.
La Văn Liếng dửng dưng:
- Thời gian đâu anh?
Ông Công Mái khó chịu:
- Nhưng có gì mà vội vã vậy?
- Thưa anh... đó là công việc.
Ông Công Mái giật mình:
- Tưởng gì. Cứ nghĩ là chuyện nhân nghĩa.
La Văn Liếng lắc đầu:
- Nhân nghĩa đâu mà bận tâm vào cái quân tham nhũng ấy hả bác?
Ông Công Mái nhướn mắt ngạc nhiên trước La Văn Liếng.
Cái nhìn chăm chắm của ông Đại tá Công an về hưu trực tính như hai mũi khoan khoan vào mặt tay thầy cò dởm.
Ông Công Mái nói từng tiếng một, lời chắc nịch như người khoẻ đang vung rìu chặt cây:
- Về đi. Về mà cuốc đất chứ đừng nên cầm bút nữa. Bút là chữ chứ không phải là mẩu gỗ mà bạ gì cũng làm lấy được. Thật có tâm hãy cầm bút.
La Văn Liếng xoè hai tay đứng chặn trước mặt ông Công Mái:
- Ô kìa... thưa bác.
Ông Công Mái sắc, gọn:
- Tránh ra cho tôi đi...
Ông Công Mái vượt nhanh qua mặt La Văn Liếng, bước lên phía trước.
Ông không quay lại...
Người ta nhìn thấy ông Công Mái vuỗi vuỗi tay ra phía sau lưng như người đang phủi bụi.
Đồ Sơn - Sầm Sơn, 2007-2008
P.Q