Tháng 3, 2017
HỒI NHỎ, TÔI MƠ ƯỚC RẤT ĐƠN GIẢN. Tôi muốn có một chú chó. Tôi muốn một ngôi nhà có cầu thang - một ngôi nhà hai tầng dành cho một gia đình nhỏ. Vì một lẽ nào đó, tôi cứ muốn được ngồi trong một chiếc station wagon(1) bốn cửa chứ chẳng phải chiếc Buick(2) hai cửa mà cha tôi rất yêu thích và tự hào. Tôi từng nói với mọi người rằng sau này khi lớn lên, tôi sẽ làm bác sĩ nhi khoa. Vì sao ư? Vì tôi thích được ở quanh trẻ nhỏ, và cũng vì tôi nhanh chóng nhận ra rằng đó cũng là một câu trả lời làm vui lòng người lớn. Ái chà, trở thành bác sĩ! Lựa chọn vậy mới là lựa chọn chứ! Thuở đó, tôi thường thắt bím, thích sai bảo ông anh trai của mình và luôn cố gắng đạt được điểm A ở trường bằng mọi giá. Tôi giàu tham vọng, mặc dù tôi không rõ mình đang nhắm đến điều gì. Giờ thì tôi thấy câu “Lớn lên con muốn làm gì?” là một trong những câu hỏi vô nghĩa nhất mà người lớn thường dùng để hỏi một đứa trẻ. Cứ như chỉ cần trưởng thành là xong. Cứ như chỉ cần trở thành ai đó hay cái gì đó rồi là xong.
Cho tới lúc này, tôi từng là một luật sư. Tôi từng là phó chủ tịch một bệnh viện và giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ giới trẻ khởi nghiệp. Tôi từng là một sinh viên da đen thuộc tầng lớp lao động theo học ở một trường đại học uy tín chủ yếu dành cho người da trắng. Tôi từng là người phụ nữ duy nhất, lại còn là người phụ nữ Mỹ gốc Phi duy nhất, trong rất nhiều sự kiện mà tôi tham dự. Tôi từng là cô dâu, từng là một người mẹ trẻ bị căng thẳng quá mức, một đứa con gái buồn đau vì biến cố gia đình. Và gần đây hơn, tôi từng là Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ - một công việc không được chính thức xem là công việc, nhưng đã mang lại cho tôi một vị thế mà tôi chưa bao giờ có thể hình dung ra được. Công việc ấy thử thách tôi nhưng cũng khiến tôi cảm thấy mình bé mọn, nó nâng tôi lên nhưng cũng có lúc khiến tôi phải hạ mình, đôi khi tất cả những thứ ấy diễn ra cùng lúc. Giờ đây tôi mới đang bắt đầu hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra trong những năm tháng vừa qua - từ thời điểm năm 2006 khi lần đầu tiên chồng tôi bắt đầu nói về việc anh sẽ tranh cử tổng thống đến buổi sáng mùa đông giá rét năm 2017, lúc tôi bước vào chiếc limo cùng với Melania Trump để cùng đến dự lễ nhậm chức của chồng bà. Quả là một chặng đường dài.
Khi là Đệ nhất Phu nhân, bạn sẽ được chứng kiến những đối cực của nước Mỹ. Tôi đã dự những buổi tổ chức quyên góp trong những tư dinh không khác gì viện bảo tàng nghệ thuật, nơi chủ nhân của nó sở hữu những bồn tắm nạm ngọc sáng loáng. Tôi đã đến thăm những gia đình mất tất cả trong cơn bão Katrina, chứng kiến họ vừa mừng vừa tủi khi may mắn còn giữ lại được chiếc tủ lạnh hay lò nướng chưa bị hỏng. Tôi đã gặp những kẻ lố lăng, rỗng tuếch và giả tạo. Tôi cũng đã gặp những thầy cô giáo, người thân của những quân nhân và rất nhiều người khác nữa - những người có nghị lực sâu sắc và mãnh liệt đến kinh ngạc. Và tôi đã gặp những đứa trẻ - rất nhiều đứa trẻ ở khắp nơi trên thế giới - khiến tôi bật cười và khiến lòng tôi ngập tràn hy vọng; những đứa trẻ phước thay đã quên đi cái danh vị tôi là ai ngay khi chúng tôi bắt đầu cùng vui chơi và lao động trong vườn.
Kể từ thời điểm bất đắc dĩ phải bước vào một cuộc sống không còn tính riêng tư, tôi đã từng được tung hô như là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới rồi lại bị đạp xuống thành một “mụ đàn bà da đen giận dữ”. Tôi đã rất muốn hỏi những kẻ phỉ báng ấy rằng phần nào trong danh xưng kia là quan trọng nhất đối với họ - “mụ đàn bà” hay “da đen” hay “giận dữ”? Tôi đã phải tươi cười khi chụp hình với những kẻ đã dùng những tên gọi kinh tởm để nói về chồng tôi trên truyền hình quốc gia nhưng vẫn muốn có một tấm ảnh kỷ niệm đóng khung đặt trên lò sưởi nhà mình. Tôi còn nghe những thứ rất nhơ nhớp trên Internet đồn đoán đủ thứ về tôi, thậm chí họ còn thắc mắc tôi là đàn bà hay đàn ông. Có một nghị sĩ Mỹ đương nhiệm đã từng lấy mông tôi ra làm trò. Tôi đã từng tổn thương. Tôi đã từng tức giận. Nhưng thường thì tôi cố cười cho qua chuyện.
Vẫn còn rất nhiều điều tôi còn chưa hiểu hết về nước Mỹ, về cuộc sống, và về những gì tương lai sẽ mang lại. Nhưng tôi thật sự hiểu về bản thân mình. Cha tôi, ông Fraser, đã dạy tôi phải lao động chăm chỉ, luôn tươi cười và giữ lời hứa. Mẹ tôi, bà Marian, dạy tôi biết nghĩ cho mình và hiểu giá trị lời nói của bản thân. Khoảng thời gian chúng tôi còn ở trong căn hộ chật chội ở South Side, Chicago, cha và mẹ đã cùng giúp tôi hiểu rõ giá trị trong câu chuyện của gia đình, câu chuyện của bản thân tôi, và câu chuyện lớn hơn của đất nước chúng tôi. Kể cả khi câu chuyện ấy không tốt đẹp cũng chẳng hoàn mỹ. Kể cả khi câu chuyện ấy trần trụi chứ không màu hồng như ta mong đợi. Chuyện đời ta là thứ mà ta có, là thứ của riêng ta, là cái gì đó mà ta sở hữu.
Suốt tám năm, tôi sống trong Nhà Trắng, nơi có rất nhiều cầu thang - chưa kể vô số thang máy, một đường bowling, và một phòng chuyên trách hoa tươi. Tôi ngủ trên chiếc giường có tấm trải làm từ vải lanh Ý. Bữa ăn của vợ chồng tôi do một đội ngũ đầu bếp đẳng cấp thế giới chuẩn bị, được bày biện bởi bàn tay của những chuyên gia lão luyện - hơn cả các bậc thầy làm việc tại bất kỳ nhà hàng hay khách sạn năm sao nào. Những nhân viên mật vụ mặt lạnh như tiền, được trang bị đầy đủ tai nghe và súng ống, luôn túc trực ngoài cửa phòng, cố hết sức giữ khoảng cách với đời sống riêng tư của gia đình chúng tôi. Rồi chúng tôi cũng quen với cuộc sống đó - sự lộng lẫy xa lạ của ngôi nhà mới, và cả sự hiện diện thường trực, yên ắng của những người lạ mặt luôn ở xung quanh.
Nhà Trắng là nơi hai cô con gái của chúng tôi chơi bóng cùng nhau khắp các dãy hành lang và trèo cây ở khu vực bãi cỏ phía Nam ở sau tòa nhà. Nhà Trắng là nơi Barack ngồi làm việc muộn về đêm, trầm ngâm trước những báo cáo và những bản thảo diễn văn trong Phòng Hiệp ước, cũng là nơi Sunny, một trong hai chú chó của nhà chúng tôi, đôi khi vẫn làm bậy trên thảm. Tôi thường đứng ở Ban công Truman quan sát du khách tạo dáng bằng gậy selfie, có người nghía mắt qua rào sắt, đoán xem điều gì đang diễn ra bên trong. Do cửa sổ phòng buộc phải đóng kín vì lý do an ninh, nên có những ngày tôi cảm thấy ngột ngạt đến nỗi tôi phải lên tiếng gắt gỏng để có được một chút không khí trong lành. Có những lần khác tôi lại cảm thấy sửng sốt trước vẻ đẹp của hoa mộc lan tây trắng rộ nở trong vườn, trước cái chộn rộn thường nhật của hoạt động công vụ hay vẻ oai nghiêm của một buổi nghênh tiếp theo nghi thức quân đội. Cũng có những tháng ngày tôi cảm thấy căm ghét chính trị. Và cũng có những khoảnh khắc khi vẻ đẹp của nước Mỹ và con người Mỹ choáng ngợp tới mức tôi chẳng thể nào thốt nổi thành lời.
Và rồi tất cả kết thúc. Ngay cả khi nhìn thấy ngày này đang đến, ngay cả vào những tuần cuối cùng ăm ắp những lời chia tay xúc động, thì cái ngày cuối cùng ấy vẫn rất đỗi mơ hồ. Một bàn tay đặt lên quyển Kinh thánh; một lời thề được lặp lại. Đồ đạc của vị tổng thống này được khuân ra ngoài trong lúc đồ đạc của vị tổng thống kia được khuân vào trong. Những tủ quần áo được dọn sạch sẽ và chất đầy trở lại chỉ trong vỏn vẹn vài giờ đồng hồ. Tương tự, có những mái đầu mới sẽ kê lên gối mới - những khí chất mới, những mộng ước mới. Và khi mọi thứ đã xong, khi ta bước ra khỏi cánh cổng của địa điểm trứ danh nhất thế giới lần cuối, ta phải một lần nữa tìm lại chính bản thân mình.
Vậy thì cho phép tôi được bắt đầu tại đây, bằng một việc nhỏ vừa xảy ra không lâu. Khi đó tôi đang ở bên trong ngôi nhà gạch đỏ mà gia đình vừa chuyển vào. Ngôi nhà mới này tọa lạc chỉ cách nơi ở cũ của chúng tôi chừng vài cây số, trên một con phố yên tĩnh. Chúng tôi vẫn còn đang thích nghi với nơi ở mới này. Đồ đạc trong phòng khách được sắp xếp giống cách bài trí ở Nhà Trắng. Chúng tôi có những món kỷ vật được đặt khắp nhà để nhắc nhở rằng tất cả những sự việc ấy đã từng xảy ra và có thật - những tấm ảnh chụp gia đình sum vầy ở Trại David, những chiếc ấm làm bằng tay của các bạn sinh viên thổ dân da đỏ trao tặng, một quyển sách do đích thân Nelson Mandela ký tặng. Chỉ lạ là đêm đó cả nhà đều đi vắng. Barack đang đi xa. Sasha đi chơi với bạn. Malia thì đang sống và làm việc ở New York, hoàn thành gap year(3) trước khi bước vào đại học. Chỉ có tôi, hai chú chó và một ngôi nhà trống vắng, tĩnh lặng - điều hoàn toàn xa lạ với tôi trong suốt tám năm qua.
Lúc đó tôi bỗng thấy đói. Tôi đi từ phòng ngủ xuống cầu thang vào nhà bếp, lẽo đẽo theo sau là hai chú chó. Tôi mở tủ lạnh. Tôi thấy một ổ bánh mì. Tôi lấy ra hai khoanh và cho vào lò nướng. Tôi mở tủ bếp để lấy một chiếc đĩa. Nói ra thì nghe lạ lùng, nhưng việc lấy một chiếc đĩa từ kệ bếp mà không có ai khác cứ khăng khăng để họ làm thay cho, rồi tự đứng bên lò nướng chờ bánh mì nóng giòn khiến tôi có cảm giác mình đã trở về gần với cuộc sống mà trước kia tôi đã từng có. Mà cũng có thể đây là cuộc sống mới của tôi chăng?
Cuối cùng thì tôi không chỉ làm bánh mì, mà là làm bánh mì phô mai. Tôi cho hai lát bánh có kẹp miếng phô mai béo ngậy ở giữa vào lò vi sóng. Rồi tôi cầm đĩa bánh ra sân sau. Tôi không cần phải báo với ai mình đang đi đâu. Tôi cứ đi thôi. Tôi mặc quần ngắn, đi chân không. Cái lạnh cắt da của mùa đông cuối cùng cũng tan. Mấy bông hoa nghệ tây bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất dọc theo bờ tường sau nhà. Không khí thoảng hương xuân. Tôi ngồi trên bậc thềm ở hàng hiên, cảm nhận hơi ấm của mặt trời ban ngày hãy còn đọng lại ở phiến đá dưới chân. Có tiếng chó sủa đâu đó từ xa, hai chú chó nhà tôi nghiêng đầu lắng nghe, thoáng chút bối rối. Tôi chợt nhận ra đó là âm thanh chói tai lạ lùng đối với chúng, bởi lẽ trước đây trong Nhà Trắng chúng tôi không hề có ai làm hàng xóm, chứ nói gì đến “chó hàng xóm”. Đối với chúng, mọi thứ đều mới mẻ. Trong lúc hai chú chó lao đi khám phá quanh sân, tôi ngồi trong bóng tối ăn bánh mì, cảm thấy thật dễ chịu khi được ở một mình. Tôi không bận tâm đến nhóm cận vệ có vũ trang đang ngồi cách tôi chưa đầy một trăm thước tại một chốt chỉ huy mới được xây dựng ngay bên trong ga-ra, cũng không mấy bận tâm đến một thực tế là vào thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa thể ra đường mà không có các cận vệ đi theo. Tôi không nghĩ về vị tổng thống mới, và tôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì về vị tiền nhiệm của ông ta.
Tôi chỉ nghĩ đến việc chút nữa tôi sẽ vào nhà, rửa đĩa, sau đó về lại phòng ngủ, có thể mở một cánh cửa sổ để đón khí xuân - thật tuyệt vời làm sao. Tôi cũng nghĩ sự tĩnh lặng đang mang lại cho tôi cơ hội thật sự để ngẫm nghĩ về những chuyện đã qua. Khi còn là Đệ nhất Phu nhân, sau khi một tuần bận rộn kết thúc, tôi sẽ cần ai đó nhắc cho tôi nhớ cả tuần đó tôi đã làm gì. Nhưng thời gian nay đã khác xưa. Ngày hai cô con gái của tôi vào Nhà Trắng, chúng mang theo mấy bộ đồ chơi búp bê Polly Pocket, một chiếc mền có tên Blankie, và một chú cọp nhồi bông tên Tiger. Giờ đây hai đứa đã vào tuổi vị thành niên, trở thành những cô gái trẻ trung có kế hoạch và có tiếng nói của riêng mình. Sau khi rời Nhà Trắng, chồng tôi đang tự điều chỉnh để thích nghi với cuộc sống mới. Còn tôi, tôi đang ở nơi mới mẻ này, với rất nhiều điều muốn nói.
(1) Station wagon: kiểu xe ô-tô phổ biến, có phần thân xe dài hơn các loại ô-tô thông thường để chở được nhiều đồ hơn. (Tất cả chú thích là của biên tập viên).
(2) Buick: một trong những thương hiệu xe ô-tô lâu đời nhất nước Mỹ.
(3) Gap year: một năm tạm dừng việc học để trải nghiệm cuộc sống, thường là sau khi tốt nghiệp trung học và trước khi vào đại học; đây là thời gian để các bạn trẻ nghỉ ngơi, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, hoạt động xã hội, làm tình nguyện viên, đi làm, đi du lịch,…