Chẳng biết cái tên Phố Ma được gọi từ thời điểm nào, do ai đặt, hỏi những người cao niên trong làng cũng chỉ được nghe nói lại là nó có lai lịch hẳn hoi, mỗi người kể một phách, nghe cứ u u mê mê chẳng có đầu, có đuôi gì cả. Chắp nối lại, người ta cũng lôi ra trong tản mạn được câu chuyện về nó, từ khi nó còn là bãi tha ma hoang vắng có người lạ cư trú đến thời “bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” bây giờ.
Khi xưa, xưa là khi nào cũng chẳng ai xác định được thời gian một cách rõ ràng, nó là bãi đất rộng đến hơn bốn mẫu, doi lên giữa đồng, cao hơn mặt ruộng có đến gần hai thước ta, bỏ hoang, cỏ lác, cỏ gianh, cây dại mọc um tùm, có hơn hai chục nấm mộ của những gia đình cố nông khi có người nhà chết không có nơi chôn cất mang ra đấy lấp vội lấp vàng cho xong cái nghĩa tử nghĩa tận, các ngôi mộ ít khi được ngó ngàng, ngôi nào còn thì thấp tè tè, cây cứt lợn, chó đẻ mọc che kín, nhiều ngôi không còn nấm bị cây cỏ mọc kín coi như mất mồ mả. Nhà quá nghèo, đến người sống còn bữa ăn, bữa nhịn, lại toàn chuối xanh, khoai, đầu mẩu sắn thay cơm thì làm gì có cúng giỗ người chết. Chẳng biết những người xấu số có được lên thiên đàng hay không, chỉ biết chết rồi vẫn không có ăn, cho dù chỉ cần bát cơm, quả trứng để nhớ ngày khuất núi, vẫn không có quần áo thay đổi, tiền tiêu dưới đấy, cho dù chỉ là hàng mã. Bãi đất chỉ cách ngòi Hồn một tràn ruộng, con ngòi rộng chừng năm, sáu mét, mùa đông xắn quần lội qua, bong bóng từ dưới bùn sủi lên xèo xèo, nhưng chẳng ai dám liều lĩnh khai khẩn trồng cấy cây gì. Cứ nghĩ đến những chuyện người nọ truyền người kia kể lại đêm đêm ma đói, ma khát hiện về múa may, gào thét, đuổi nhau đã khiếp lắm rồi, ai mà dám táo gan làm trên đất chơi đùa của ma mãnh… Ngay những người có ruộng sát thửa đất, rằm tháng bảy hàng năm còn phải biện xôi, cháo, hương, vàng mã ra cầu khấn mong được yên ổn cày cấy ruộng của mình, thế mà có năm ma xui, quỷ khiến chuột bọ vào phá chẳng cho thu hoạch hột nào. Chả thế mà trẻ con khóc quấy người ta dọa cho mày ra ngoài bãi tha ma là vội nhắm mắt ôm chặt lấy người lớn, im thít. Ban đêm, người lớn có chuyện gì cần sang làng bên không ai dại dột gì mà đi qua gần bãi đất ấy, thà phải đi vòng xa thêm gần hai cây số để không phải thần hồn nát thần tính về nằm ngủ cứ giật mình thon thót… Cứ thể, chuyện về bãi đất ly kỳ bí ẩn ngày càng được bồi đắp dày lên bằng những chi tiết hãi hùng…
Một đêm, trời tối mịt mùng, mưa rả rích, thỉnh thoảng những tia chớp nhoáng nhoàng kèm theo tiếng sấm sét đoành đoành dội xuống. Trong làng, nhà nhà kín cửa cầu mong chớp dừng, sấm im, mưa tạnh. Bỗng tiếng chó sủa con nọ theo con kia tru lên ầm ĩ. Người ta kêu nhau có trộm cướp vào làng. Thế là, lực điền hô nhau cầm gậy gộc, đội mưa gió đi bắt. Lùng sục chán, chẳng bắt được thằng trộm cướp nào, dân làng tản ra về chui vào mái rạ nhà mình hú hí với vợ con, hơi đâu mà đi rình bắt bọn “khốn nạn” trộm cắp của cánh nhà ngói cây mít. Họ có biết đâu, bọn trộm cướp ấy là hai kẻ khốn cùng đói rét dạt từ sông Cái vào làng mong kiếm chút gì vào bụng và chỗ trú thân qua đêm, nhưng vừa chớm vào đến đầu làng, lũ chó đã gầm lên khiến họ sợ hãi chạy ra đồng không mông quạnh. Nhờ ánh chớp, hai kẻ vật vờ thấy một cái lều nhỏ lợp lá chuối do bọn trẻ chăn trâu làm để chơi đùa trên bãi đất của ma mãnh. Chui vào lều, họ quờ quạng nhặt được mấy quả chuối dở xanh dở chín vứt lại. Họ chia nhau ngấu nghiến, rồi ôm nhau co quắp chờ trời sáng.
Những người đi làm đồng nhìn thấy họ, anh thì xắn quần lội lần theo bờ ngòi, các bờ ruộng bắt cua, bắt ếch, chị trên bờ đi theo, được con ếch nào lấy dây rạ buộc bụng, cua thì nhét vào túm rạ buộc hai đầu làm cái giỏ. Bọn trẻ lùa trâu, bò thả rông trên bãi tha ma, đi theo sau tròn mắt thấy tài mò cua, bắt ếch của anh chàng lạ mặt từ đâu đến. Họ dùng những thứ kiếm được đổi lấy gạo, ngô, nồi niêu và các thứ vật dụng khác… Đôi vợ chồng lạ lấy lều chuối làm nhà, rơm, rạ làm giường chiếu. Những ngày sau, họ đổi những thứ mò bắt được lấy cây, que làm cột kèo, lá mía làm cái lợp từ bọn trẻ chăn trâu. Cóp nhặt rồi cũng đủ làm cái “nhà”. Gọi là nhà cho nó “sang” vì có con người ăn ngủ trong đó không phải súc vật. Từ xa lạ, dần dần lũ trẻ trở thành thân thiết với vợ chồng họ. Chúng còn biết tên người vợ là Nhài, người chồng là Công. Một “mái nhà” xuất hiện giữa bãi hoang là sự kiện lớn của làng. Chức dịch trong làng lăm le định đuổi, nhưng rồi người nọ, người kia, nhất là những người có ruộng sát bãi, trong đó có ông phó lý, lên tiếng can ngăn nên cũng bỏ qua và rồi vợ chồng người mò cua, bắt ếch ở giữa bãi tha ma như một sự sắp định, chẳng ai hơi đâu mà đoái hoài đến kẻ tứ cố vô thân sống vật vờ cùng ma mãnh. Dây bí đỏ, bí đao, dây lang gặp đất lạ bò lan xung quanh nhà. Cái bụng người vợ ngày một căng lên. Vào đêm tối trời, người vợ trở dạ. Cuống quýt, người chồng liều mình chạy vào xóm tìm bà đỡ. Từ chối không được, bà đỡ đành xách đèn theo ra bãi tha ma làm việc nhân đức. Một cố nông thế hệ tiếp theo ra đời. Tiếng khóc chào đời của đứa trẻ như tiếp thêm sức sống cho bãi hoang. Đưa bà đỡ về, người chồng bước thấp bước cao kể chuyện mình:
- Chúng cháu ở tận gần đầu nguồn sông Cái. Gia đình cháu nghèo phải đi làm thuê cho gia đình nhà giàu, cháu là thằng ở cho nhà ông Phú Cường. Bà cả chỉ sinh được một mụn con gái đặt tên là Nhài, nên ông Phú Cường lấy thêm vợ hai sinh được hai cậu con trai, vì thế, mẹ con Nhài phải làm lụng chẳng khác gì người ở, chỉ khác là được ăn uống khá hơn bọn cháu. Cháu và Nhài thương nhau, nhưng vì không “môn đăng hộ đối” nên bị ông Phú Cường cấm đoán, còn đánh chửi đuổi cháu không mướn làm thằng ở nữa. Nhài có thai. Làng bắt vạ ông Phú Cường theo lệ làng. Ăn vạ chưa đủ, làng còn định gọt đầu bôi vôi vợ cháu, bỏ bè chuối trôi sông. Tại cháu mà Nhài phải chịu nhục. Tối ấy, nhân cơ hội cả làng rượu thịt say sưa, chúng cháu kéo nhau bỏ trốn. Sẵn có bè chuối trai đinh trong làng làm hồi chiều dưới bến sông để sáng hôm sau làng trừng phạt vợ cháu, chúng cháu xuôi bè về dưới này.
Bà đỡ thở dài:
- Rõ khổ! Liệu người làng anh có đi tìm không?
- Chẳng tìm đâu. Cái chính là làng đã được ăn vạ rồi. Tuy chưa gọt đầu bôi vôi được vợ cháu nhưng cũng đã đuổi chúng cháu đi khỏi làng. Ai hơi đâu mà tìm bắt bọn cháu về nữa. Chúng cháu xin ở lại đây, lấy bãi hoang này làm nơi trú thân, chịu khó mò cua, bắt ếch, trồng dây bí, dây bầu… nuôi nhau. Làng thương chúng cháu không đuổi là phúc lắm rồi. Cháu cảm ơn bà đã giúp vợ chồng cháu không lấy tiền công. Ơn này cháu ghi nhớ.
Cuộc sống khốn khó của cái gia đình cố nông “lớp dưới” cứ thế trôi đi theo năm tháng. Tần tảo lần hồi, nếp nhà của vợ chồng Công - Nhài được chắp vá rộng rãi dần. Trộm mụ, thằng bé sinh ra trong đêm giữa bãi tha ma cũng khoẻ mạnh, lớn dần lên. Khi thằng bé biết chạy, cũng vào một đêm mưa, tiếng chó trong làng sủa ầm ĩ. Người chồng trở dậy cầm cái thuổng đào ếch, hé mắt nhìn qua khe liếp: Một bóng người đang đi nhanh về phía nhà họ. Lại một người bị đuổi khỏi làng hay là bóng ma? Cái bóng nhập nhoạng đó đi nhanh đến cửa, khẽ khàng gõ vào phên cửa. Người chồng: “Ai đấy?”. “Anh Công, cho tôi vào nhà!”. “Ông là ai mà biết tên tôi?”. “Tôi là người tốt, không làm hại anh chị đâu!”. Cánh liếp được mở ra cho người lạ chui vào rồi sập lại. Tay người chồng vẫn lăm lăm cái thuổng, thủ thế. Người lạ cười hiền lành: “Anh bỏ cái thuổng xuống. Nhà anh chị có gì đáng cướp đâu?”. Người chồng dựng thuổng góc nhà, săm soi người lạ. Người lạ hé cửa nhìn quanh. Người chồng sẵng giọng: “Giờ này chỉ có ma và anh dám đến đây thôi!”.
Người lạ thì thào: “Tôi là cán bộ Việt Minh đi làm nhiệm vụ. Định vào làng nhưng lũ chó sủa dữ quá đành chạy ra đây. Anh chị cho tôi nấp nhờ, gần sáng tôi đi ngay!”. Nghe nói cán bộ Việt Minh, cả hai vợ chồng yên tâm. Họ đã nghe nói nhiều đến Việt Minh thương người nghèo, ghét kẻ bóc lột, chống Pháp và cường hào ác bá. Người lạ nói chuyện về cảnh nghèo khó của dân, cảnh áp bức của thực dân, phong kiến… vợ chồng Công nghe nở từng khúc ruột. Người chồng ngập ngừng: “Tôi muốn theo Việt Minh có được không?”. “Được chứ! Ai cũng có thể theo Việt Minh được để cùng nhau đuổi Tây, đánh đổ địa chủ ác bá, chia ruộng cho người nghèo”. “Tôi còn phải mò cua, bắt ếch, làm thuê… nuôi vợ con không theo anh đi xa được”. “Theo Việt Minh không nhất thiết phải đi như tôi. Anh chị ở đây là địa điểm rất tốt cho chúng tôi về gặp nhau. Khi chúng tôi họp anh ra ngoài canh gác, thấy động báo cho chúng tôi, như thế là đã giúp Việt Minh, đã theo Việt Minh rồi. Anh có biết chữ không?”. “Trước thì không, bây giờ vợ tôi dạy cho biết vài chữ, nhưng chưa biết nhiều”. “Thế cũng được. Đánh Tây và cường hào xong học tiếp. Khi cần chúng tôi sẽ giao thêm việc cho anh!”. Từ đó, túp lều giữa bãi tha ma trở thành nơi liên lạc, hội họp của tổ chức. Chức việc trong làng, bọn Tây trên bốt Thùng chẳng bao giờ nghĩ rằng vợ chồng anh chàng mò cua, bắt ếch chứa chấp Việt Minh. Nhiều lần, Công mượn cớ đi bắt ếch ở những cánh đồng khác hoặc đi bán cua, bán ếch để đưa thư hoặc truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên tới các cơ sở khác. Tưởng gì, làm Việt Minh thế này thì không khó, cái khó là, theo lời anh cán bộ dặn, phải khôn khéo để không bị chúng phát hiện, chẳng may bị chúng nó bắt được phải nhanh chóng huỷ tang chứng, bị đánh đau đến đâu cũng không khai báo. Làm cách mạng phải trung thành với tổ chức. Anh ấy còn giải thích cho vợ chồng Công hiểu nhiều điều lần đầu tiên được nghe.
Một sáng tinh mơ, vợ chồng Công nghe thấy trong làng tiếng trống ngũ liên. Lạ nhỉ? Bọn Tây ở bốt Thùng đã bị bộ đội ta tiêu diệt từ mấy tháng trước, bọn Tây ở thành phố, nghe cán bộ nói, đã rút hết. Bọn lý dịch tay sai, đứa thì chạy theo Tây, đứa thì co vòi lại không còn hống hách như trước. Sao dân làng lại thúc trống? Chuyện gì đã xảy ra? Hôm ấy, anh mới biết nhiều người trong làng đã tham gia Việt Minh, vào đội du kích bí mật từ lâu. Chả thế mà mọi việc trong làng các cán bộ Việt Minh đều biết cả, ngay việc dán giấy cảnh cáo vào cửa nhà những tên tàn ác, rồi việc vận động ủng hộ lương thực thực phẩm cho bộ đội đánh đồn… việc nào cũng đâu vào đấy như có phép lạ. Cán bộ Việt Minh giỏi thật. Bây giờ đến việc tịch thu ruộng đất của bọn làm tay sai cho Tây, chia cho dân nghèo. Thế thì thích quá! Vợ chồng anh cũng sẽ có ruộng không phải đi làm thuê cho ai nữa. Tiếng trống vẫn đổ hồi giục giã. Công vào góc nhà lấy cái thuổng đào ếch chạy vào làng. Lũ chó hôm trước còn ông ổng thi nhau sủa, bây giờ cụp đuôi nằm bẹp gậm giường. Đường làng người đi lại tấp nập, ai cũng hớn hở chào hỏi nhau, gọi nhau ra đình tập trung. Anh theo dân làng ra đình.
Nhà Công và nhiều nhà bần cố nông khác được chia ruộng kèm theo một phần trâu và cày bừa. Cả làng như có hội suốt mấy ngày liền. Cái kiếp trâu bò của những người như Công chấm dứt. Sau những ngày đó, thêm ba cặp vợ chồng trẻ ra dựng nhà ở bãi tha ma. Mấy nếp nhà dựng sát nhau, cùng trông ra một hướng, chẳng ai để tâm dưới nền nhà có mồ mả, hài cốt không. Những nấm mộ quanh đó, trừ những ngôi mất nấm, được mấy gia đình bảo nhau phất cây cỏ, đắp đất cao lên, hương khói. Người trong làng bảo: Một lũ liều ra sống cùng ma quỷ, rồi có ngày bị bắt đi, có hối cũng không kịp. Người sống trên đất ma mãnh lại nghĩ rằng: Cái nghèo bất đắc dĩ lôi họ ra đây an cư, ma quỷ ở xung quanh cũng rặt là người nghèo khi chết phải chôn ở đây cũng thương những người cùng cảnh ngộ nên không nỡ nào bắt những người như họ. Bãi tha ma đã thành xóm. Trong làng gọi là xóm Tha Ma, lâu ngày, người ta gọi tắt là xóm Ma. Xóm Ma có tên từ đó. Những người ở xóm Ma đùm bọc nhau đúng nghĩa “tắt lửa tối đèn”. Họ cùng nhau làm đồng hết ruộng nhà này sang ruộng nhà khác. Họ cùng nhau trồng cây ăn quả như nhãn, vải, bưởi… có hàng, có lối làm vườn chung. Có miếng ngon họ không quên gọi nhau cùng hưởng. Trẻ con, những đứa sáu, bảy tuổi được đi học ở đình làng, những đứa bé hơn mỗi ngày tập trung vào một nhà do người phụ nữ nhà đó trông nom theo kiểu luân phiên. Bọn trẻ con cũng thân thiết với nhau, biết nhường nhịn nhau, chúng bênh nhau chằm chặp, hễ đứa nào bị trẻ con xóm khác bắt nạt là cả nhóm xúm vào bảo vệ, rất ít khi chúng cãi chửi nhau. Người lớn, buổi tối tập trung tại nhà Công để học chữ do Nhài dạy. Lớp học được chính quyền khuyến khích. Khi có phong trào hợp tác xã, mấy nhà xóm Ma xin nhập ruộng vào đầu tiên, được gọi là tổ sản xuất xóm Ma. Hợp tác xã cho đắp con đường dài gần ba trăm mét có độ rộng kéo xe ba gác được, nối xóm Ma với trong làng. Mấy hộ xóm Ma trồng hai hàng xà cừ vừa chống xói lở vừa lấy bóng mát cho con đường. Xóm Ma ngày một xum xuê, không còn hiu hắt như trước, nhưng người trong làng vẫn cứ gợn gợn mỗi khi có việc phải ra xóm Ma. Ấy vậy mà người xóm Ma vẫn bình an. Người lớn ai cũng khoẻ mạnh, trẻ con vẫn lớn khôn.
Không biết do ai đặt bài vè từ lúc nào, trẻ con xóm Ma đứa nào cũng thuộc. Những hôm trăng sáng, chúng nắm áo nhau thành hàng, vừa đi vừa hát:
Ve vẻ vè ve/ Cái vè Phố Ma/ Có mấy mái nhà/ Đều cùng một hướng/ Mỗi khi đêm xuống/ Chó sủa gâu gâu/ Ma quỷ chạy mau/ Để người đến ở…
Bọn trẻ con trong làng cũng hát theo. Cái tên Phố Ma trong bài vè quen miệng trở thành tên mới của xóm Ma. Có người bảo đổi tên khác cho hay, nhưng nhiều người bảo cứ để Phố Ma cho nó rõ nguồn cơn, xuất xứ. Nhân khẩu Phố Ma tăng theo dòng chảy thời gian. Có đủ lứa tuổi: Trung niên, thanh niên, trẻ con. Ba thanh niên đầu tiên lên đường nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Dân cư Phố Ma náo nức mở hội của riêng mình. Người Phố Ma tổ chức ăn mừng niềm tự hào của Phố Ma đã có người tham gia vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc. Nam thanh niên chưa đến tuổi háo hức chờ đợi đến lượt mình. Các cô gái muốn mình là con trai để dễ dàng được ra trận, có cô viết đơn tình nguyện đi bộ đội hoặc vào thanh niên xung phong. Trẻ con mong chóng lớn để được như các anh. Mấy tháng sau, Phố Ma lại mở hội tiễn đưa hai cô gái lên đường tham gia thanh niên xung phong. Lúc này, nhà nào ở Phố Ma cũng có người đóng góp cho kháng chiến. Thắng lợi từ mặt trận bay về tới tấp trong niềm vui chung nhưng tin về người ở chiến trường cứ thưa dần. Hy vọng và lo lắng giằng xé từng ngày, từng nhà. Rồi đau thương trùm lên Phố Ma. Một người có giấy báo tử. “Con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Cả Phố Ma oà khóc. Lễ truy điệu tổ chức ở xã xong, Phố Ma tổ chức lễ cúng tế theo cách riêng. Người Phố Ma càng gắn bó với nhau hơn. Miền Nam giải phóng. Niềm hân hoan và sự ngóng đợi cứ theo vào từng bữa ăn, giấc ngủ của người Phố Ma. Những người ra đi lần lượt trở về. Năm người vào chiến trường: Một liệt sĩ; hai thương binh; một người bị nhiễm chất độc da cam. Thời gian làm cho những nỗi đau mất mát dịu dần. Phố Ma gượng dậy vượt qua. Theo sau những đám cưới là những cặp vợ chồng mới, những nếp nhà mới đối diện với dãy nhà có trước. Phố Ma trở thành hai dãy nhà nhìn sang nhau như phố thị. Cuộc sống yêu thương đùm bọc tưởng rằng nối tiếp qua các thế hệ. Nào ngờ…
*
Chuyện rạn nứt tình cảm từ khi giá đất tăng cao, các hộ hai bên theo nhau rào vây đất mình đang ở. Những nhà ở giữa lép vế khi không có cách nào mới rộng được diện tích. Thế là suy bì, tị nạnh. Họ đòi phân chia đất vườn chung trước đây ông cha gây dựng để nhà nào cũng có phần. Người chiếm phần hơn thì lý sự rằng không có một cam kết ràng buộc nào đây là vườn chung nên cứ chiếu theo đất hiện ở mà kéo thẳng ra phía sau và hai bên. Cuộc cãi lý nhùng nhằng làm Phố Ma mất đi tính cộng đồng và ngày càng căng thẳng. Chính quyền vào cuộc tuyên bố đây là đất công thổ từ xa xưa, mỗi gia đình chỉ được sử dụng nửa sào kê khai làm bìa đỏ, diện tích còn lại xã sẽ cấp cho những hộ trong làng đất chật, người đông khi xã di dời xong phần mộ trên đó vào nghĩa địa chân đồi cách đó vài cây số. Căng thẳng được gỡ mối, nhưng tình cảm giữa các gia đình Phố Ma không còn đậm đà như xưa. Có người độc mồm bảo “thương nhau lắm thì cắn nhau đau”. Người Phố Ma đổ lỗi cho mặt trái cơ chế thị trường, cho giá đất và cho thế hệ sau làm sứt mẻ tình nghĩa xóm giềng ông cha đã từng ăn ở với nhau. “Cháy hàng phố bình chân như vại” cũng bắt đầu gieo hạt khi một vài nhà có con làm ra tiền xây nhà tầng, mua xe ô tô. Ra mở, vào đóng là những động tác đầu tiên của vài nhà Phố Ma mỗi khi ra, vào nhà mình. Tối đến, nhà nào cũng “kín cổng cao tường” không còn cảnh sang nhà nhau ngồi hút thuốc lào, uống nước, chuyện trò thân tình. Lớp trẻ bảo bây giờ nhiều việc cần làm hơn là chuyện trò vô bổ. Truyền hình, mạng Internet, ngồi nhà là biết cả thế giới, sang nhà nhau làm gì cho rách chuyện. Lý sự thế thì người lớn tuổi muốn tâm giao cũng đành chịu ở nhà cho thoát cảnh con cháu cằn nhằn. Người Phố Ma đã thay đổi cách sống, nếp nghĩ nhất là khi xã cắm đất cho một số hộ đến Phố Ma di dời mồ mả, xây cất nhà. Phố Ma bây giờ như một đô thị thu nhỏ, có nhà hàng ăn uống, karaoke, cắt tóc gội đầu, cửa hàng bách hoá… Ngày nghỉ, xe ô tô du lịch các nơi về đậu kín sân, đường. Người Phố Ma cũng được thu lợi từ những dịch vụ của đô thị hoá. Có lẽ, nhà nào cũng mải mê tìm kiếm thu nhập mà quên cảnh đùm bọc nhau vượt qua khốn khó trước kia. Nhà sát nhau nhưng cả năm cũng không sang thăm hỏi nhau lấy một lần, trừ ông tổ trưởng dân phố, (gọi tổ dân phố cho nó mang màu thị thành, chứ Phố Ma vẫn thuộc sự quản lý của xã, chưa được công nhận là đô thị ở cấp nhỏ nhất (thị tứ)), đến từng hộ thông báo việc gì đó của xã hoặc thu các loại tiền quy định. Có người ngứa mồm bảo: “Bây giờ Phố Ma không còn mồ mả nữa nhưng những người sống ở đấy cũng ma mãnh chẳng kém gì. Cái thời con chấy cắn đôi đã lùi vào dĩ vãng”. Người Phố Ma thì chép miệng: “Hơi đâu mà chấp những lời đàm tiếu của thiên hạ. Cứ ngồi “há miệng chờ sung” có đến đời mục thất cũng không nhấc mình lên được”. Con gà tức nhau tiếng gáy, cuộc chạy đua ngấm ngầm giữa các gia đình càng làm cho tình cảm người Phố Ma ngày một nới rộng sinh ra chứng vô cảm. Nhà nào có việc vui hoặc buồn, người Phố Ma đến gọi là cho có mặt rồi vội vàng viện lý do đi như trốn chạy. Chủ nhân những ngôi nhà ở Phố Ma bây giờ là thế hệ thứ ba. Tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm ngay cả những việc nhiều người chưa dám làm. Họ đẩy những người thế hệ trước ra ngoài cuộc. Những người của thế hệ thứ hai, người nào ít tuổi nhất cũng đã ngoài sáu mươi, yên phận làm “thái thượng hoàng” thất sủng trong gia đình. Nhiều người sống như cái bóng, thoả mãn với cuộc sống con cháu sắp đặt. Một số người trong Chi hội cựu chiến binh muốn trở về với nếp sống ngày trước đã sống nhưng bị cánh trẻ gạt khỏi ý định với lý do: Già rồi, an phận cho con cháu yên tâm làm ăn, con cháu cung phụng. “Ốc còn không mang nổi mình ốc nữa lại lo cọc cho rêu”.
Trong các căn nhà Phố Ma luôn sôi động bởi những cuộc trao đổi làm ăn, những phi vụ bán mua, những dịch vụ đủ loại khiến cho nó cứ nháo nhào. Ánh đèn màu Phố Ma đã lôi những tệ nạn xã hội ở các nơi khác về. Gái bán hoa, kẻ hút chích, lũ cờ bạc, bọn buôn bán hàng cấm… coi Phố Ma là mảnh đất màu mỡ mới khai phá để hành nghề khiến chính quyền xã phải đau đầu tìm cách dẹp nhưng nó như cài bị bông đạp chỗ này lại phồng chỗ kia. Và rồi việc gì đến phải đến. Công an lần lượt triệt phá từng ổ. Hôm thì ổ tiêm chích, buôn bán ma tuý; hôm thì ổ mại dâm trá hình; hôm thì chiếu đỏ đen… Không những người ngoài đến gieo rắc mà con cháu Phố Ma cũng bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi. Trước tình hình ấy, bức xúc đã dồn nén những người cựu chiến binh đến đỉnh điểm. Ông Bằng - con trai cụ Công - người đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở bãi tha ma ngày trước, Chi hội trưởng Cựu chiến binh gặp ông trưởng thôn xin mở cuộc họp gồm hội viên cựu chiến binh, chi hội trưởng phụ nữ cùng một số thành phần tích cực khác. Sau một tuần chè nước, ông Bằng vào đề :
- Thưa các ông, các bà! Chúng ta đều biết Phố Ma của chúng ta đã và đang phát triển, đó là điều đáng mừng nhưng kèm theo sự phát triển đó là những tệ nạn xã hội kéo đến hoành hành, huỷ hoại lối sống lành mạnh mà cha mẹ chúng ta đã gây dựng nên. Ngày xưa, lúc còn trẻ con rồi lớn lên ra chiến trường trở về chúng mình đã coi nhau như người thân trong gia đình, san sẻ cái áo, miếng ăn cho nhau, nhà nào có việc gì là cùng chung sức giúp đỡ, các ông các bà chắc còn nhớ rõ. Bây giờ thì khác quá rồi. Cơ chế thị trường len lỏi vào từng ngõ ngách, vào từng nhà. Nhà nào cũng cửa đóng then cài kín mít, tình làng xóm bị ăn mòn, đạo đức con cháu chúng ta bị suy đồi, có đứa mắc vào vòng lao lý… Chẳng lẽ chúng ta là ông, bà, cha mẹ ngồi yên để chúng nó lần lượt trượt ngã? Hôm nay, với tư cách là bạn bè thuở trước, tôi mời các ông, bà đến đây để bàn việc khôi phục lại nếp sống thân tình, thân ái ngày xưa chúng ta đã sống. Mong các ông, bà cho ý kiến!
Nói một thôi dài, ông Bằng ngồi xuống thở. Im lặng. Mọi người nhìn nhau. Ai cũng muốn phải làm cái gì đó để cứu Phố Ma, nhưng làm thế nào thì chưa nghĩ ra cách hữu hiệu. Ông Bằng động viên: “Các ông, các bà có nhời đi chứ!”. Ông Thành trưởng ban đại diện Mặt trận phát biểu: “Ý kiến của ông Bằng đúng với suy nghĩ của chúng tôi. Phải bắt đầu từ chúng ta, những người làm ông, làm bà, cha mẹ phải gương mẫu thì mới lôi kéo chúng nó theo được”. Mọi người nhao nhao: “Đúng đấy, phải từ chúng ta. Không để con cháu bắt chúng ta phụ thuộc vào lối sống của chúng”.
Cuộc họp đang sôi nổi thì bỗng một tiếng nổ lớn phát ra từ một căn nhà ba tầng cách đó không xa làm rung chuyển các nhà xung quanh. Giật mình, ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì có tiếng kêu ngoài đường: “Nhà ông Tận nổ bình ga sập nhà rồi!”. Thôi chết rồi, nhà ông ấy mở hàng ăn uống, sử dụng bình ga lớn, không biết mọi người ở đó thế nào? Tất cả vội chạy đến nơi xảy ra tai nạn. Cảnh tượng tan hoang, mấy tầng nhà gần như đổ sập hoàn toàn, khói lửa vẫn đang rần rật bên trong. Tường hai nhà bên cạnh bị nứt toác, cửa kính vỡ vụn, mái tôn bị thổi bay… Dưới đống đổ nát có tiếng kêu cứu. Phố Ma nhốn nháo. Ông Bằng quát to: “Nhanh dập lửa, đào bới cứu người!”. Không có bình cứu hoả, mọi người giục nhau dùng nước dập lửa, hò nhau bẩy bê tông, bới gạch vữa nơi có tiếng kêu đang nhỏ dần. Khi cuộc giải cứu kết thúc thì trời đã tang tảng sáng. Người ta lôi ra được hai thi thể, đó là bà Tận và đứa cháu gái 12 tuổi, hai vợ chồng con trai ông Tận, ba người làm công bị thương đưa đi cấp cứu. Đau thương trùm lên Phố Ma.
Sau biến cố, người Phố Ma như choàng tỉnh khỏi cơn khát tiền. Các tổ chức xã hội hoạt động mạnh. Phố Ma xây dựng quy ước đời sống mới, loại bỏ các dịch vụ thiếu lành mạnh. Người lớn thân thiết nhau hơn, trẻ con rủ nhau đến trường. Ngọt bùi, vui buồn cùng nhau chia sẻ. Phố Ma trở thành điểm sáng về xây dựng đời sống văn hoá. Mọi người dân Phố Ma tha thiết đề nghị lên trên công nhận Phố Ma là phố. Phố giữa xóm làng và đổi tên Phố Ma thành Phố Mai để cái tên xa xưa chỉ còn trong dĩ vãng.