Cả làng Giành, hôm nay được bữa ăn uống chưa từng có bao giờ. Toàn món mang từ thành phố về: Giò, chả, nem, thịt quay… món nào cũng đóng gói trong túi ni lông xếp trong những thùng các tông, hộp xốp được ô tô chở về trông hoa cả mắt. Ngay cả bàn ghế, bát đũa, đĩa, ly, nhà rạp… cũng được thuê mượn trên thành phố cho đồng bộ. Cả một đoàn hơn chục chiếc xe con, xe tải, xe mười hai chỗ, nối đuôi nhau thành hàng dài cho người xuống, cho hàng xuống, cứ tíu ta tíu tít. Một bữa đại tiệc sang trọng về thực đơn, cách bày biện nhưng lại dân dã về địa điểm vì được tổ chức trong sân nhà văn hóa của làng. Dân làng chẳng ai phải mó tay làm gì, bưng bê, kê, vác… đã có đội ngũ nhân viên mướn từ thành phố về đảm nhiệm, người nào cũng áo quần đồng phục, thoăn thoắt xếp sắp đâu vào đấy rất chuyên nghiệp, bài bản. Mọi người chỉ có mỗi việc đến đúng giờ theo giấy mời, vào đến cửa đã được các cô mắt xanh, mỏ đỏ dẫn vào bàn, trẻ con được bố trí khu riêng cũng đủ các món ăn, chỉ khác đồ uống, người lớn bia rượu thì chúng uống nước ngọt các loại đóng lon. Tuy không có các trò chơi dân gian như hội làng nhưng cái khoản ăn uống thì chẳng có lễ hội nào bằng.
Sau khi có đôi lời phi lộ, chủ tiệc mời mọi người vào bữa. Cứ hai, ba bàn lại có một cô áo váy ngắn khoe ngực nở, bắp đùi trắng, chân thon, rót mời rượu bia. Cánh đàn ông hể hả cười nói, đánh mắt ngắm trộm vóc dáng các cô gái. Cánh đàn bà nguýt ngoát, không biết tủi thân hay ghen tỵ, vội vã đưa mắt nhìn bàn tay mình, sửa lại cái áo nhăn nhúm cho ngay ngắn để đỡ mặc cảm vì tự dưng thấy mình bị đưa ra ngoài tầm ngắm của đấng mày râu. Rượu thơm, mồi ngon, lạ miệng, đẹp mắt vì được chế biến, bày biện theo cách thị thành. Các cặp đũa từ những bàn tay chai sần cày cuộc đưa lên những cái mồm hau háu nhai, nuốt, nói cười rôm rả, đưa cay tít mít. Rượu Tây sóng sánh màu hổ phách được các bàn tay trắng tròn nghiêng chai tiếp tục chảy vào cốc thuỷ tinh thấp khi vừa được các bàn tay sạm nắng đổ vào mồm như tổ dế. Từ ngày cha sinh mẹ đẻ bây giờ mới được nếm thứ rượu của giới ăn chơi, chứ ở cái vùng bán sơn địa này chỉ có loại nút lá chuối, nút lõi ngô. Mấy ông cao tuổi không quen, nhấp tý đã kêu mùi hăng quá, khó khà, chủ tiệc lại phải rỉ tai người nhà ra hàng bà Béo lấy một can hai mươi lít loại rượu gạo nấu thủ công bằng nồi chõ, ba ba gỗ.
Mấy chục năm, bây giờ từ bên Tây trở về nhận anh em họ hàng, làng xóm chả nhẽ lại tiếc vài lít rượu thì còn ra thể thống gì nữa. Cả can rượu chưa bằng một nửa chai ông già chống gậy. Và cũng mấy chục năm làng Giành mới biết mặt người từ nửa quả địa cầu về làng. Ai cũng mừng, ai cũng háo hức như người nhà mình trở về. Chuyện hội hè thì năm nào cũng có, na ná giống nhau, còn chuyện này bây giờ mới có, chẳng giống bất cứ cuộc vui nào của làng. Nó lạ. Lạ món ăn. Lạ đồ uống. Lạ cách phục vụ. Lạ cả việc đến ăn không phải mang theo phong bao như đám cưới, đám giỗ… Mấy người thì thầm có lẽ mỗi suất phải đến ba trăm ngàn đồng có dư ấy chứ. Người ta tiêu bằng đô la Mỹ thì thấm tháp gì so với thu nhập của họ ở bên xứ người. Cứ đánh chén cho thoả thích, biết đến khi nào mới được mềm môi, ngập chân răng như thế này. Bữa ăn hôm nay sẽ là đề tài để dân làng Giành bàn tán dai dẳng hàng tháng, có khi còn xôn xao sang các làng khác..
Phởn chí nhất vẫn là lão Phỉnh. Gọi là lão, phần do tuổi đã ngoài sáu mươi, phần vì tính cách của lão, gàn dở, ương ương, cố chấp. Gọi là Phỉnh, bởi, hễ ai có việc gì cần lão giúp, khen vài câu là lão hăm hở làm ngay, chẳng cần biết mình có làm được hay không. Ấy là cái tên người ta đặt cho từ lâu. Cả làng, từ người già đến đứa trẻ con đều gọi lão Phỉnh, mãi thành quen, quên cả tên cúng cơm cha mẹ đặt cho lão. Lúc đầu còn quắc mắt nhìn, nghe mãi thành lối mòn trong tai nên lão không giận. Cũng chẳng có ai tra xem gốc gác của lão. Cứ có cái tên để mà gọi không nhầm sang người khác là được rồi, xuất xứ không quan trọng. Tính ra lão là đời thứ hai sống ở cái làng này. Lão chẳng làm hại ai, chẳng ai sợ lão tranh cướp mất ngôi vị, của nả nhà mình. Quanh năm lão vất vưởng, quanh quẩn với mấy cây ăn quả như nhãn, ổi, khế ngọt… trong mảnh vườn rộng gần một sào, thừa hưởng của bà cô để lại. Bố mẹ lão ở đâu, là người thế nào cũng không ai biết. Người ta kể lại rằng, cách đây có đến hơn năm mươi năm, mưa rả rích gần tháng trời, đường làng nhão nhoẹt, lõng bõng bùn nước, có một người đàn bà gần năm mươi tuổi dắt thằng bé chín, mười tuổi đến làng. Chẳng cần hỏi han ai, người đàn bà kéo thằng bé đến ngôi nhà của ông bị bệnh hủi chết cách đây mấy tháng, nép mình ở mảnh vườn giáp rặng tre ngoài bìa xóm, cách những nhà gần nhất có đến vài trăm mét. Ông hủi chết, dân làng dùng dây thừng buộc vào chân, kéo ông ra ngoài bãi sông đốt xác, rồi đổ vôi bột xuống cái huyệt sâu hun hút chôn ông. Người ta định chôn ông xong quay về đốt ngôi nhà ông ở để trừ lây cái bệnh nguy hiểm, nhưng vừa đắp xong nấm mồ cho ông thì trời đổ cơn mưa rào. Chẳng ai còn để tâm đến việc đốt nhà nữa. Cái số ông già thật khổ, quanh năm thui thủi một mình với mảnh vườn trồng cây ăn quả, chẳng ai đoái hoài đến. Mọi việc từ sửa nhà dột, rào giậu đến vun xới cây cối đều một tay ông làm. Ông là người khéo tay. Những chiếc rổ, rá, giần, sàng ông đan vừa đẹp, vừa bền, nhưng dân làng chẳng ai dám mua. Ông nhờ người ta mang ra chợ bán, phiên nào cũng hết veo. Quả cây trong vườn, ông đều nhờ lũ trẻ trong làng trốn bố mẹ đến hái giúp, trả công cho chúng bằng những quả ổi, quả khế, chùm nhãn. Cũng may, lũ trẻ như điếc không sợ súng, chẳng biết lây bệnh là gì. Với chúng, quả ổi, quả khế, chùm nhãn hút chúng như nam châm hút sắt. Bố mẹ chúng mà biết là nhừ đòn. Ông lại nhờ người mang ra chợ bán hộ. Tiền bán quả, bán rổ rá người ta mua giúp ông gạo, muối, cá khô… để ở cổng, ông ra mà lấy. Có lần ông quên đến nửa đêm mới nhớ ra lấy. Có để cả tháng ở ngoài ấy cũng không lo mất, vì chẳng ai thèm lấy của người hủi bao giờ. Mấy lần, cán bộ y tế xã vận động ông đi trại phong chữa bệnh, ông nói già rồi không sống được bao lâu nữa nên không đi. Ông chết, thấy không có người thừa kế hương hoả, xã định thu hồi đất vườn của ông xây dựng nhà mẫu giáo nhưng dân làng phản đối sợ lây nhiễm bệnh cho trẻ con nên vẫn để đó. Bây giờ có người dắt theo thằng bé từ đâu đến ở, người ta chỉ to nhỏ đồn đoán là họ hàng nhà ông hủi. Chuyện người lạ đến ở căn nhà bệnh tật rồi cũng đi vào quên lãng, chẳng ai chú tâm đến. Thế là làng Giành mọc thêm hai nhân khẩu. Ngôi nhà, mảnh vườn có bàn tay thu vén, xới xáo của người đàn bà, quang quẻ, ngăn nắp hơn. Bọn trẻ nhỏ có thêm bạn mới. Ngoài giờ đi học, tha hồ chơi đùa dưới gốc cây trong vườn. Thằng bé được bà cô cho đến trường. Khốn nỗi, vì đi học muộn, mười bốn tuổi mới học lớp bốn. Ngộc nghệch nhất lớp, mải chơi, lười học nhất lớp. Việc học đối với nó chẳng nghĩa lý gì. Nó đâu cần học. Biết đọc, biết viết, cộng trừ nhân chia vài con số đơn giản là được rồi. Nhiều chữ để làm gì. Cái tạng nó cũng chẳng làm được ông nọ, bà kia. Nó bỏ học, ở nhà vun xới vườn tược với bà cô, khi rỗi việc, bẫy chim, bắt cá, chạy ra bãi chơi đùa với lũ trẻ chăn trâu, cắt cỏ.
Thằng bé cũng khéo tay chẳng kém gì ông hủi quá cố, nó đan rổ, rá nhoay nhoáy, nó còn biết làm lờ đánh cá rô, ống đánh lươn… Nó là thằng sát cá, lần nào đổ lờ, rút ống lươn cũng kiếm được kha khá. Ăn không hết, bà cô mang ra chợ bán thêm đồng mua dầu muối. Bao năm lam lũ, bà cô nó lưng còng gập, chân chậm, mắt mờ không làm được những việc đã từng làm, mọi việc nặng nhọc đều đến tay nó. Trước kia bà cô nuôi nó, bây giờ nó nuôi bà cô. Nó là đứa tuy ít học nhưng cũng biết phải trái, chăm chỉ làm lụng. Bà cô nó cũng có ý nhắm vài đám cho nó để giời có bắt đi cũng yên tâm nhắm mắt, vì đã xong phận sự gửi gắm của bố mẹ nó, nhưng chẳng đứa con gái nào chịu lấy nó làm chồng. Nhà nghèo không phải lý do không lấy được vợ, cái chính là người ta sợ cái bệnh của ông già hủi trong ngôi nhà truyền lại cho nó. Người ta cứ sợ bóng, sợ vía, hai cô cháu sống bao nhiêu năm có ai mắc bệnh đâu. Nó đành chịu phận. Bà cô mất, ngôi nhà trống vắng một nửa. Nó thương cô vất vả vì nó mà phải chịu bệnh tật, lúc chết vẫn còn đau đáu về chuyện nó chưa có vợ. Không ai lấy cũng hay, một mình riêng cõi, nó sinh ra thích uống rượu. Cá, lươn, quả ổi, quả khế đều thành đồ nhắm. Hứng lên, nó rủ bạn đến khề khà. Sống một mình lại hay. Đi đâu, làm gì, ăn gì, tùy thích. Chẳng ai ngăn cản, không như mấy thằng bạn sợ vợ con cằn nhằn, ngồi uống rượu cứ nhấp nhổm còn gì là sung sướng nữa. Nghĩ thế để tự an ủi, nhiều lúc nó cũng thấy buồn. Một mình thui thủi sớm khuya, “ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”, giá có vợ, có con vất vả hơn nhưng có người để nói chuyện, trêu đùa, thậm chí quát mắng, đánh chửi. Đằng này, chả nhẽ tự mình nói chuyện, chửi mắng mình, người ta lại bảo mình điên. Đã mang tiếng ở nhà ông hủi, bây giờ lại thêm cái tiếng là thằng điên thì ai còn dám bén mảng đến nhà nữa. Cả ngày, ngoài tiếng chim thảng thốt, tiếng gió lao xao trên tán cây là sự yên ắng đến chạnh lòng. Những lúc rảnh việc, ai có việc gì nhờ, nó giúp, không nề hà, nên mọi người mến nó, thi thoảng dúi cho cút rượu gọi là cảm ơn. Có mấy người lắm chuyện gán cho nó thêm cái tính ưa nịnh. Nó có phải là người có quyền thế gì đâu mà người khác phải nịnh để nhờ cậy. Độc thân, nghèo hèn như nó mà phải nịnh thì cả nhân gian lấy đó làm lẽ sống. Nó chẳng cần phải nịnh vẫn sẵn lòng. Những kẻ độc mồm không tha cho nó. Cái tên Phỉnh bắt đầu từ đấy. Lúc ở tuổi thanh niên gọi là anh Phỉnh, khi đến tuổi trung niên gọi là ông Phỉnh, vào tuổi già gọi là lão Phỉnh.
Lão Phỉnh khoái chí vì bữa cơm này không phân biệt giàu nghèo, sang hèn đều được ăn uống bằng nhau... Dân chủ quá! Người ta từ xa về có khác. Chỉ có vị trí ngồi là khác nhau. Dân ngồi với dân, người có chức sắc ở xã, ở thôn ngồi với nhau. Thế càng dễ ăn, dễ nói. Ngang bằng, phải phận, bỗ bã, chẳng phải ý tứ gì sất. Sướng thật! Thế này mới là cỗ chứ. Lão mong tháng nào dân làng cũng được đón ông hoặc bà Việt kiều từ trời Tây xa lắc về. Thời chiến tranh, nhà nào có người vào Nam hay ra nước ngoài là giấu biệt, chính quyền, đoàn thể có hỏi đến đều chối đây đẩy không phải người thân, họ hàng gì. Bây giờ, thời bình, quan hệ được cởi mở, ai cũng xán đến nhận họ hàng ngành trên, nhánh dưới, không nội thì ngoại từ đời nảo đời nào. Bỗng chốc họ hàng người từ bên kia trở về cứ phình ra gần hết cả làng. Cứ như lão được ăn, được uống cho thỏa thích, chẳng phải đắn đo, bứt rứt tìm lý lẽ để thân thích với ai, lại sướng. Hoàn cảnh, tính tình như lão, không may ai có họ hàng thật thì người ta cũng lảng tránh. Ai họ hàng với người nhà hủi. Tuy ở trong căn nhà, sử dụng mảnh vườn của ông hủi để lại cho cô cháu lão, nhưng thân thể lão khỏe mạnh, chẳng mang bệnh tật ghê gớm gì, thi thoảng nhức đầu, sổ mũi chỉ cần búi tóc rối với tý dầu hỏa là khỏi. Lão đâu có hủi như người ta vẫn thậm thụt nói với nhau. Khối người tính cách còn bệnh hoạn hơn hủi. Ăn cắp đủ thứ của tập thể, của người khác, thậm chí cả danh dự, cách nghĩ của người khác làm của mình để mưu lợi. Nghĩ mà chua xót. Người đi khỏi làng mấy chục năm, nay trở về có cỗ mời làng ăn, có tiền cho làng sửa sang đình chùa, miếu mạo, cho họ hàng thân thích mua sắm... Thế là nhất. Những người thân thiết được dịp vênh mặt lên với làng, chả bù cho ngày trước lúc nào cũng nơm nớp lo chính quyền gọi lên nhắc nhở, làng xóm bới móc. Như lão đây này, chả sợ ai hết. Lão có làm gì sai đâu mà phải sợ. Cái mà lão sợ nhất là không còn sức uống rượu. Khi nào uống vào thấy đắng trong cổ họng là sắp ốm. Tuy vẫn ra vào nhà lão nhờ việc này, việc nọ, xin quả ổi, quả khế, củ riềng... nhưng không ai dám chạm trực tiếp vào da thịt để cạo gió cho lão. Lão ra vườn bứt nắm lá tre, ngải cứu, lá dâu, hương nhu, tía tô, lá bưởi... đun nồi lá xông, trùm chăn cho toát mồ hôi hột là người nhẹ tâng, chẳng mất viên thuốc nào, ốm chạy khỏi người lão.
Lại uống. Từ từ mà uống để bụng quen dần. Lão thấy mình cũng khoa học ra phết. Chẳng gì lão cũng biết chữa bệnh cho mình bằng phương pháp Đông y cổ truyền. Người lão sắt lại. Da mặt nhăn nheo, đen đúa, thân thể còm nhom, thấp bé, khi lão đứng trông như cái dấu ngoặc đơn trong trang viết. Lão không biết nói đùa cũng chẳng biết nói dối. Ai trêu là sửng cồ lên ngay. Ai nói dối một lần như một vết chàm khó rửa trong lòng lão. Dửng dưng sự đời thế thôi, nhiều lúc lão cũng sâu cay theo cách hiểu giản đơn của lão làm nhiều người cứng lưỡi. Như chuyện nhận họ hàng với người Việt kiều, lão thủng thẳng bảo tại sao ngày còn bom đạn ai cũng chối bỏ người xa quê, bây giờ lại vồ vập người ta, nói xấu lẫn nhau để tranh phần thân thiết? Có cán bộ xã gặp lão, chào khinh miệt: “Chào lão Phỉnh, dạo này có người nào khen để cái mũi phồng lên không đấy?”. Lão nheo mắt, đốp lại: “Chào cán bộ, đầu gối quần sờn rồi kìa!”. Lão là vậy, đừng coi thường lão không biết gì mà nhỏ to nói xấu sau lưng lão. Cuộc đời phũ phàng đã dạy lão luôn đề phòng. Cuộc sống khốn khổ mách bảo lão phải giúp đỡ người khác.
Chiều tà, khi những tia nắng cuối cùng sắp bị gió đông nam thổi tắt, cái nóng đầu hạ bứt rứt khó chịu. Lão Phỉnh cởi cái áo chua loét mồ hôi, vắt vai, khật khưỡng từ đám lợp nhà xóm dưới về, nghêu ngao mấy câu đồng dao: “Ban đêm oi bức mặt trời/ Ban ngày mát mẻ trăng cười trên cao/ Ban đêm nắng đỏ hồng hào/ Ban ngày nhay nháy ông sao trên trời”. Một đứa trẻ con khóc tướng lên gọi mẹ nó đi ở phía bên kia đường. Mẹ nó dừng lại chờ. Thằng bé chạy qua. Một chiếc xe ô tô lao tới. Lão Phỉnh chỉ kịp nhào ra đẩy thằng bé ngã lăn vào vệ đường. Tiếng phanh ô tô rít ken két, khét lẹt. Lão Phỉnh bị hất lên, bắn ra, chân giãy giãy, tay quờ quạng, rồi bất động. Người ta vội đưa lão đi bệnh viện cấp cứu. Cú húc đã làm lão giập lá lách, gãy bốn xương sườn, đầu bị chấn thương. Lúc tỉnh lúc mê, lão thấy mình đang ngồi trên chiếc chõng tre ngoài sân, uống rượu với khế chấm muối, trước mặt lão rất đông người xếp thành hàng dài, tay ai cũng cầm một tờ giấy, chờ gọi tên vào nhà ăn cỗ mừng người mới từ xứ Tây trở về. Ai cũng cố chứng minh mình có họ hàng hang hốc với ông Việt kiều để được vào dự tiệc và nhận quà. Thiên hạ sao mà khổ nhục thế. Như lão đây này, nhẩn nha uống rượu với thứ mình làm ra có sướng hơn không. Đoàn người mỗi lúc một đông, họ chen lấn, xô đẩy, mồ hôi nhễ nhại. Ai cũng sợ hết chỗ, không đến lượt mình, đổ rạp vào chiếc chõng tre xiêu vẹo, kéo lão ngã nhào xuống đất, tay chới với vào khoảng không. Hấc! Hấc! Lão lờ mờ thấy bà cô cầm tay lão rủ đi. Lão cố giằng ra nhưng không được. Lão mấp máy môi từng tiếng chậm chạp: “Tôi... đi... rồi... nhà... đất... hiến... cho... xã...!”. Lão cảm giác như có ai đó nhấc bổng lên rồi lịm dần như đi vào giấc ngủ mỗi lần say rượu. Hai mẹ con được lão cứu, gào lên thất thanh: “Bác sĩ ơi! Ông... ông Phỉnh lại... lại bị ngất rồi!”. Cô bác sĩ chạy vào, nhìn lên máy đo nhịp tim thấy trên màn hình vạch một đường thẳng, đặt ngón tay lên mũi, vạch mi mắt lão, buồn rầu nói: “Ông ấy đi rồi!”. Mẹ đứa bé òa lên: “Ông Phỉnh ơi, mẹ con cháu biết đền ông thế nào cho xứng với ơn cứu mạng của ông đây. Ông cho phép mẹ con cháu được quấn khăn tang đưa ông về với tổ tiên”.
Chiếc lá vàng cây đại bên cửa sổ chỗ giường lão nằm nhẹ nhàng liệng rơi vào ngực lão. Bầu trời xám xịt đang được ngọn gió đông nam dọn quang đãng để đưa tiễn linh hồn một con người cả đời trong bể khổ về trời.