ÁP THẤP
Bốn người ngồi trên bộ phô tơi kê hình chữ L ở phòng khách, mỗi người một trạng thái, một tư thế. Ông anh vợ thỉnh thoảng cầm điếu cày, rít mồi thuốc lào xoèn xoẹt, xỉ bã xuống cái xô nhựa; cậu em co cả hai chân lên ghế bọc da đen nhánh, miệng phì phèo thuốc lá, tàn thuốc tự do rơi, bay lả tả, khoanh tay bó gối xem ti vi; bà chị dâu nhai trầu quèo quẹo, lúc lúc lại với cái lon bia đã mài nắp nhổ toẹt vào, vây cả ra nền gạch men, với tay véo mồi thuốc lào kỳ kỳ vào hai hàm răng nâu sậm, vứt bã trầu vào xô nhựa đặt điếu cày, với cái ấm nhôm nấu lá chè tươi, rót ra bát, súc miệng òng ọc, nuốt chửng. Mùi hăng hăng, ngai ngái của trầu cau, mùi hôi khê khai của nước điếu, đầu mẩu thuốc lá khiến Toàn khó chịu. Nhìn họ, mắt ngưa ngứa, nhưng đành làm ngơ. Ngay hôm đầu, vừa vào nhà, đặt túi xách, ba lô xuống góc phòng khách, mấy nhà nông chính gốc ngó quanh, hỏi vợ chồng Toàn những thứ mà nhà không có sẵn. Toàn phải phóng xe máy đi mua chiều lòng họ. Có lần vui chuyện, vợ Toàn hỏi chị dâu: “Thời nào rồi mà chị còn ăn trầu?”. Toét cái mồm đỏ lòm, chị dâu bảo: “Ở quê, buổi trưa hay gọi nhau sang nhà hàng xóm uống nước chè tươi, các bà dúi cho, bảo ăn đi, thế là thành quen, không có nó nhạt mồm lắm”. Chịu tất. Toàn buộc phải ngồi cùng cho đúng phép. Ấm ức. Lơ đãng. Chốc chốc, Toàn lại đưa chén nước chè búp lên nhấp cho cục tức trôi xuống. Vợ Toàn đang loảng xoảng dọn dẹp sau bữa cơm tối. Hai đứa con Toàn, hôm đầu còn lên tầng hai đóng kín cửa học bài nhưng cũng không tránh được tiếng nói cười như lệnh vỡ của cậu và hai bác, phải chạy sang nhà bên cạnh ngồi học nhờ.
Cả tuần nay, tối nào cũng gần như thế. Nói chuyện rôm rả được mấy hôm đầu. Chuyện mãi cũng hết, chẳng lẽ đem chuyện nhà người ra nói. Tốt nhất là im lặng. Ngồi chán khắc kéo nhau đi nằm. Khơi chuyện ra có mà đến khuya. Nhưng thuốc lào, thuốc lá, trầu cau có chịu để cho những cái mồm kia nghỉ ngơi đâu! Lên phòng ngủ vẫn mang thuốc lào, trầu cau để có cái mà “ăn” khi thức giấc hay sáng sớm ngủ dậy. Chữ ít mà cái gì cũng hay. Rặt thứ cay đắng chứ bổ béo gì. Ớt cắn cả quả. Rượu ngô bữa nào cũng veo chai sáu lăm. Bia tráng họng vài lon. Thuốc lào, thuốc lá cả gói, gối điếu này đến điếu khác. Lá trầu không cả nạm, cau tươi cả chùm… Nhà cửa thường ngày sạch sẽ, mát mẻ là thế, bây giờ chẳng khác gì bãi chợ. Một, hai ngày đầu Toàn còn quét, kỳ cọ cho sạch, nhưng chỉ lúc sau đâu lại hoàn đấy, Toàn bỏ mặc vợ. Người nhà cô bày ra, cô phải dọn. Đành theo chủ nghĩa “ma ke no” vậy. Ngay cả cái việc như sử dụng nhà vệ sinh không đúng cách cũng khó nói. Các ông ấy đi tè không đẩy cái nắp đệm lên, cứ tương vào làm nước tiểu tung toé ra, khai rinh. Kéo chốt xả nước đánh roạt, phộc van lên, nước cứ chảy, người sau vào không có nước xả. Bà chị dâu ngồi đại tiện, léo cả hai chân lên bệ xí bệt, trơn trượt chân đập đầu vào tường chạy ra xuýt xoa với em dâu. Ông anh vợ hùng hổ ôm quần áo vào nhà tắm, vừa vặn vòi sen, tồng ngồng chạy vọt ra, kêu toáng lên vì nước nóng quá. Vợ chồng Toàn cười chảy nước mắt. Cô ấy phân trần: “Em đóng nước để lát nữa gội cái đầu, quên không dặn bác điều chỉnh nước chảy ra tay cho đúng độ hãy tưới vào người”. Những chuyện đại loại như thế làm vợ chồng Toàn vừa bực, vừa thương. Các bác ở quê lên, nhiều thứ mắt chưa từng ngó, nói chi đến cách sử dụng, vợ chồng Toàn cũng chủ quan không hướng dẫn, lại gặp tính sĩ diện không hỏi của các ông bà ấy nên mới ra cơ sự. Nói ra lại cho là khó tính, mấy khi hai vợ chồng bác cả và cậu lên thăm. Nếu là người phía nhà mình, Toàn sẽ nói thẳng, nhưng lại là người phía nhà vợ, khó lắm! “Vuốt mặt phải nể mũi”. Vợ Toàn cũng oải người, vui mừng chạy đâu mất, nén tiếng thở dài trong thanh quản, lẳng lặng lo cơm nước. Sự kiên nhẫn cũng có ngưỡng của nó.
*
Trước đó hơn tuần, nhận được tin mấy anh chị em bên vợ lên chơi, hai vợ chồng Toàn mừng lắm. Chẳng mấy khi các bác với cậu dưới quê lên thăm. Bàn nhau luân phiên xin nghỉ để đón tiếp. Chắc các bác và cậu cũng chỉ ở chơi được một, hai ngày là về còn lo việc đồng áng nên phải chu tất kẻo họ mạc chê cười. Nhìn mãi luỹ tre làng, lên đây đưa họ đi ngắm phố xá, hưởng chút cách sống thành thị cho biết. Ai ngờ, sau hai ngày, không thấy các ông bà ấy có ý định ra bến xe. Toàn sốt ruột thăm dò: “Nhà nông các bác lúc nào cũng bận nhiều việc lắm nhỉ?”. Bà chị dâu dùng ngón tay cái và ngón trỏ khoát mép mồm, nhổ nước trầu vào ống nhổ, đon đả: “Vừa làm cỏ lúa đợt một xong, ngô mới vun gốc, đang nông nhàn, chả mấy khi anh em có thời gian được gần nhau như thế này, nên chúng tôi bàn nhau, ở chơi với cô chú và các cháu thêm vài ngày nữa cho bõ công ngược tàu xe”. Ôi giời! Lý lẽ thế thì ai còn dám bóng gió để người ta biết ý mà xuôi nữa. Hai ngày đầu, vợ chồng Toàn thay nhau đưa đi thăm thú phố phường, đền miếu, siêu thị… Chỗ nào dưới quê không có đều đưa đến. Quà cũng đã mua mỗi nhà cái đầu đĩa, hai cái chiếu mành trúc, quần áo cho người lớn, trẻ con, tính theo đầu người cũng đã mua đủ. Ăn sáng, cơm trưa, tối được thay đổi món từng bữa… Chu đáo và tiếp đãi đã giữ chân họ lại. Một bữa, hơi men thốc lên đầu, bốc ra đằng mồm, bác cả thủng thẳng lý sự: “Ở thành phố sướng thật đấy, giặt máy, nấu cơm điện, bếp ga, bếp từ chả có tý bụi, tý khói nào, xoong nồi sáng loáng, nước máy bắt đến tận chỗ rửa rau, đãi gạo, rửa bát đĩa, cả nơi đi vệ sinh, tắm rửa. Nước trong vắt thế mà vẫn còn phải lọc bằng máy để nấu ăn. Nóng bức có máy điều hoà, quạt điều khiển từ xa. Rét có lò sưởi, tắm táp có bình nóng lạnh, thức ăn, thức uống bảo quản trong tủ lạnh chẳng sợ ôi thiu, chuột bọ, muốn ăn nóng có lò vi sóng… Ở quê làm gì có đầy đủ như thế. Mấy nhà khá giả có mua được mấy cái quạt điện nhưng khi nào thật nóng mới cho chạy một lúc rồi vội tắt ngay, sợ tốn điện, hỏng quạt. Không biết đến bao giờ dưới quê được như thế này?”. Nghe chẳng thấy mát chút nào. Toàn sẵng giọng: “Nông thôn bây giờ nhiều nơi cũng chẳng kém thành phố là mấy. Nhà cửa khang trang, khí hậu trong lành, lương thực thực phẩm do mình làm ra, không lo chất độc hại. Các bác hơn bọn tôi ở chỗ ấy”. “Chú nói chỗ nào ấy chứ, quê mình còn nghèo lắm. Mọi thứ trông cả vào hạt lúa, hạt ngô, làm gì ra tiền mà sắm sửa. Người ta vẫn nói “giầu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Đúng quá!”. Thôi, không tranh luận với các ông bà nữa. Rách chuyện. Các ông bà có ở trong chăn đâu mà biết. Có được nó và được sử dụng nó cũng phải bươn chải, bán trí tuệ, bán sức lao động. Cấm có thứ gì mà không phải dùng tiền. Mua tất, từ cái tăm đến mớ rau, hạt gạo. Còn ở quê những thứ ấy của nhà làm ra, chẳng phải mua, dư dả còn đem bán, được đồng nào các ông bà cất kỹ vào hộc tủ, đáy hòm, cấm có dám tiêu, bảo là để lo việc đại sự. Có tiền mua sắm những thứ thiết thân phục vụ mình chứ có phải đem cho thiên hạ đâu mà giữ bo bo, kêu khổ. Vẫn khư khư cái tính tiểu nông thì bao giờ mới khỏi khổ.
*
Trên màn hình, cô biên tập viên chương trình Dự báo thời tiết đang thông báo áp thấp nhiệt đới có khả năng đi vào biển Đông. Ông anh vợ nghe xong, quệt quệt cái đóm đang cháy vào thành cái bàn nước bóng nhoáng: “Cô chú ở trên này ăn ngon, ngủ yên. Bão lụt chẳng bao giờ sờ đến, nói gì đến cái anh áp thấp nhiệt đới lèm nhèm. Có chăng, mưa vài trận là hết. Dưới quê lo chống bão, chống lụt mệt nhoài mà đã chắc gì yên ổn với giời”. Yên, yên cái con khỉ! Đang nghẹn họng đây. Không đừng được, Toàn xa xôi: “Vùng áp thấp lần này nó rộng lắm, cái nhà này cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của nó đấy!”. “Chú nói thế nào chứ. Tôi chả thấy gì sất”. Nếu các ông, bà mà thấy được đã không làm đảo lộn nếp sống của gia đình này cả tuần nay rồi. Được đón tiếp, ăn chơi thì có sập nhà cũng không mảy may nghĩ đến sự tất bật của vợ chồng thằng này, ảnh hưởng đến học hành của các cháu. Toàn đứng dậy, vươn vai, ngán ngẩm, lủng bủng: “Các bác với cậu ngồi chơi, tôi sang nhà bên xem các cháu học bài thế nào”. Toàn bước ra cửa. Áp thấp trong căn nhà làm cho đầu óc u u mê mê, cổ họng rát ràn rạt, húng hắng ho. Cứ đà này có khi mạnh lên thành bão.