Nghe tiếng xe máy ngoài hiên, bé Phù Xiêu lon ton chạy ra:
- Hôm nay mẹ về muộn thế? Bà đã nấu xong cơm rồi!
- Con đi mẫu giáo có ngoan không?
- Con được cô khen đấy!
- Con mẹ giỏi quá! - Mẩy Y nhấc bổng con lên, hôn chùn chụt vào má, thằng bé ôm chặt cổ cô, hôn lại vào má mẹ rồi nó cười khanh khách.
Cách đây hơn ba năm, hồi ấy, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, Mẩy Y được điều về nhận công tác tại Công an huyện biên giới Mường Khoa, quê Mẩy Y. Mẩy Y như hạt giống quý, không những được các bác, các chú trong ngành kỳ vọng mà còn được lãnh đạo Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện rất quan tâm, vì trong lực lượng công an người dân tộc Dao rất ít, nhất là nữ. Biết mình được chú trọng, không vì thế mà Mẩy Y tự cho mình cái quyền đòi hỏi được ưu ái, cô thấy mình phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng với sự mong đợi đó. Mẩy Y được phân công ở đội vận động quần chúng để có dịp làm quen, tiếp xúc với nhiều địa bàn, nhiều đối tượng. Là người địa phương, Mẩy Y không khó khăn gì khi nhập cuộc vào đời sống người dân các dân tộc. Mỗi dịp xuống cơ sở, cô như hoà vào cuộc sống của họ. Nhiều lần, Mẩy Y ở lại cả tuần cùng đi nương, cùng ăn, cùng ở với gia đình họ nên được coi như người trong nhà, trong bản. Để Mẩy Y được rèn luyện thực tiễn trong gió sương, gian khổ, thử thách trong nguy hiểm, lãnh đạo công an huyện đã giao thêm nhiều nhiệm vụ đột xuất cho cô. Việc nào Mẩy Y cũng hoàn thành. Trong một lần tham gia cùng đồng đội phục kích bọn buôn bán ma tuý trong khu rừng sát biên giới, Mẩy Y nghe có tiếng oe oe khan khản của trẻ con, cô vạch cây, lần theo hướng tiếng khóc, Mẩy Y phát hiện bên trong chiếc áo hoa cũ là một đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn, dây rốn lòng thòng được buộc bằng sợi ni lông, chân tay cựa quậy yếu ớt. Cô vội bế lên, phủi lũ kiến đang bu khắp người đứa trẻ, chạy ra báo cáo chỉ huy. Cô được phân công đưa đứa trẻ về bệnh viện cấp cứu. Đứa trẻ sưng tấy khắp người, thoi thóp. Nhiều người không còn hy vọng đứa trẻ sẽ sống, nhưng thật kỳ diệu, sự tận tình của thầy thuốc và tấm lòng nhân từ của Mẩy Y, đặc biệt sức đề kháng không ai ngờ của nó, đứa trẻ được cứu sống. Tuy cuộc phục kích không thành công do bị lộ, nhưng mọi người rất vui vì đã cứu được một sinh linh bé nhỏ. Mẩy Y cứ day dứt về đứa trẻ bị vứt bỏ. Có thể nó là kết quả của cuộc trăng hoa vụng trộm của người lớn hoặc một lý do mù quáng nào đó cũng của người lớn, nó có tội tình gì đâu, tại sao nó lại phải chịu trừng phạt một cách thảm thương như vậy? Đây là một tội lỗi không thể tha thứ! Mẩy Y vừa thương, vừa oán trách người phụ nữ nào đó quá nhẫn tâm, bản thân đã phạm lỗi lầm không dám vượt lên dư luận hoặc sự cấm đoán nào đó để giữ lại giọt máu của mình mà dẫn đến tội ác. Mẩy Y sởn da gà, rùng mình. Cô thương đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đã bị bỏ lại trên rừng cho lũ kiến hành hạ. Cả tuần, Mẩy Y xin phép được có mặt tại bệnh viện cùng y, bác sĩ chăm sóc đứa trẻ. Vốn xuất thân từ một dân tộc vô cùng yêu quý trẻ con, được mẹ cô - cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy, đồng ý động viên, Mẩy Y đề nghị với lãnh đạo công an huyện cho cô được nuôi đứa trẻ.
Mẩy Y lấy họ mình đặt tên cho đứa trẻ khi làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định của pháp luật. Xong việc pháp lý, đến việc tâm linh, Mẩy Y điện cho bố cô đang ở trên xã mời thầy cúng xuống nhà ở thị trấn làm lễ nhận con nuôi theo phong tục của người Dao. Từ đấy, Lý Phù Xiêu là con của Mẩy Y. Đối với người Dao, con đẻ hay con nuôi đều được đối xử như nhau. Khi đã trở thành con nuôi, đứa trẻ không bao giờ được trở lại ở với bố mẹ đẻ của mình nữa, cho dù bố mẹ sinh ra nó ở gần đấy. Ban ngày, Mẩy Y thuê một phụ nữ đến nhà trông nom Phù Xiêu. Tối đến, ba bà cháu quấn quýt bên nhau. Nhà có tiếng trẻ con cười, khóc, tuy bận rộn nhưng vui hẳn lên. Lý Phù Xiêu lớn lên trong tình thương yêu của mẹ Lý Mẩy Y và bà ngoại.
Một sáng, vào ngày nghỉ, Mẩy Y đưa con đi chợ. Qua cổng, Mẩy Y thấy người quét chợ cứ nhìn chăm chăm vào bé Phù Xiêu. Mẩy Y đến bên:
- Anh Ngọa nhìn gì mà nhìn kỹ con tôi thế?
Người quét chợ vội quay mặt đi, trả lời:
- Mẩy Y à! Tôi thấy con trai cô xinh quá, tôi ngắm thôi mà.
- Anh lấy vợ đi rồi cũng có con như Mẩy Y thôi!
- Người mang tội, lại tàn tật, làm nghề quét chợ như tôi thì đứa con gái nào nó thèm lấy chứ. Giá như ở quê, tôi cũng đã có vợ, có con như bao người khác rồi.
Người quét chợ quay mặt đi giấu hai khoé mắt nhoè nhoà. Mẩy Y vô tình:
- Anh cứ nói thế chứ. Có ai cấm anh lấy vợ đâu! Toà án đã xử và giảm nhẹ hình phạt cho anh rồi mà, còn nhắc lại làm gì.
- Nhưng tôi ân hận lắm Mẩy Y ạ! Nếu không có Mẩy Y giúp thì tôi không biết làm gì để sống, để có chỗ ăn ở…
- Anh đừng nói chuyện đó nữa. Anh có nhận được tin mẹ anh ở dưới nhà thế nào không?
- Tôi thương mẹ lắm, nhưng không dám vác cái thân tàn này về, cũng không dám viết thư, sợ mẹ tôi buồn, sốt ruột lại mò lên trên này tìm tôi thì khổ lắm!
- Anh nghĩ sai về mẹ rồi. Mẹ anh buồn thì đúng rồi, nhưng không có người mẹ nào lại bỏ con cả, trừ khi…
Mẩy Y bỗng im bặt, vội vàng nắm tay con:
- Tôi đưa cháu đi chơi chợ đây!
*
Ngọa là một thanh niên quê miền xuôi, nghe người ta kháo nhau lên biên giới làm thuê dễ kiếm tiền lắm. Xin phép mẹ, Ngọa theo mấy người cùng làng lên đây làm “cửu vạn” cho những người buôn bán hàng qua biên giới. Là một thanh niên khoẻ mạnh, hoạt bát, thật thà nên Ngọa được các chủ hàng tin cậy, thường giao cho việc nhập hàng, kiểm hàng, trông coi hàng, đôi lần còn được theo chủ hàng đi giao dịch ở bên kia biên giới. Thạo việc, nên Ngọa không lọt qua được tầm ngắm của bọn buôn bán hàng cấm, chúng giăng bẫy bằng thủ đoạn đốt kho hàng đúng hôm Ngọa được giao nhập hàng và trông coi. Ngọa bị chủ hàng cho là nảy lòng tham, ăn bớt hàng rồi đốt kho nhằm phi tang, bắt Ngọa phải đền. Ngọa lấy đâu ra số tiền lớn để trả cho chủ hàng? Đang bí bách, lại bị thúc bách, hăm doạ, Ngọa được một người đàn ông lạ mách nước tham gia vận chuyển hàng cấm vừa nhẹ nhàng vừa kiếm được nhiều tiền. Người đó cho Ngọa vay tiền trả cho chủ hàng. Đối với Ngọa, hàng cấm với hàng buôn lậu hàng ngày Ngọa vẫn “cửu vạn” có khác gì nhau nên nhận lời. Hàng của chúng chỉ là những bọc nhỏ trong ba lô, đi theo từng tốp, có người mang vũ khí bảo vệ. Sau mỗi chuyến hàng, chúng thông báo số nợ của Ngọa nhỏ dần, chỉ bốn lần Ngọa đã được trừ hết số nợ đã vay. Ngọa phấn khởi lắm, nghĩ, từ đây Ngọa sẽ tích luỹ đến khi đủ tiền về xây nhà, lấy vợ cho mẹ vui. Ngọa biết hàng mình “cửu” thuê là ma tuý. Một con đường nguy hiểm. Nhưng đã cưỡi trên lưng cọp rồi muốn xuống cũng không thể xuống được, bỏ thì không thoát được luật rừng tàn độc của bọn chúng, không từ bỏ thì sẽ có ngày bị pháp luật trừng trị. Đành nhắm mắt, liều mình theo chúng, chờ cơ hội thoát thân. Một lần, người cùng mang hàng với Ngọa bị trượt chân ngã lăn xuống vực, chúng bỏ mặc người ngã đang kêu cứu thảm thiết dưới vực sâu, quát nhau đu dây xuống lấy cái ba lô chứa hàng lên. Ngọa rợn người thấy tính mạng những kẻ như Ngọa chỉ là con sâu, cái kiến không đáng cho chúng phải cứu. Cảnh người bạn trượt chân rơi xuống vực bị bỏ mặc ám ảnh Ngọa, Ngọa hoang mang, lo sợ một ngày nào đó, Ngọa cũng sẽ như người bạn kia bỏ xác dưới vực sâu. Có đêm, Ngọa thấy mình lao xuống cái hố hun hút như không đáy, Ngọa hét lên, choàng dậy. Một bàn tay bịt chặt lấy mồm Ngoạ: “Mày muốn chết hả?”. Tiếp theo là một cú thoi thẳng vào mặt khiến Ngọa choáng váng, máu mồm tứa ra. Phải tìm cách ra khỏi lối đi bịt bùng không có đường về này. Pháp luật sẽ khoan hồng những người lầm lỡ, biết hối cải. Người xưa có câu “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Muốn pháp luật giảm tội thì phải lập công. Ngọa sẽ trốn mang theo số hàng trong ba lô trình báo với công an để thoát khỏi nanh vuốt bọn chúng và được pháp luật xét giảm tội. Những biểu hiện khác thường của Ngọa không qua được mắt chúng. Ngọa không biết rằng bọn chúng theo dõi từng động thái, cử chỉ của Ngọa rất chặt.
Trong đêm mưa rả rích, trời tối đen, toán người lùi lũi xuyên rừng. Thời cơ đã đến, Ngọa dừng lại, cởi thắt lưng quần, chui vào bụi rậm. Cả toán vẫn lạo xạo bước. Ngọa chui sâu vào trong, được khoảng ba chục mét, Ngọa đứng lên định chạy thì tiếng quát vang lên: “Mày định trốn à? Không thoát đâu con ạ!”. Ngọa giật mình, hai đầu gối khuỵu xuống. Hai tên lôi Ngọa đến trước mặt tên cầm đầu toán vận chuyển. Hắn giắt súng vào thắt lưng, hua hua con dao nhọn trước mặt: “Mày định bỏ bọn tao, trốn về báo công an phải không? Tao trị mày theo luật của ông chủ quy định. Tao không giết mày ngay, làm thế thì nhẹ nhàng cho mày quá! Tao muốn mày nếm trải đau đớn trước khi đi chầu Diêm Vương để cho những thằng khác biết rằng phản bội bọn tao sẽ bị trừng phạt như thế nào!”. Cả bọn xúm quanh Ngọa, chúng đè Ngọa xuống, lấy khăn nhét vào mồm, một tên giữ hai tay, một tên ngồi lên một chân Ngọa, nắm chân còn lại nâng cao. Tên trưởng toán thuần thục đưa lưỡi dao sắc lẹm lướt phía sau cổ chân Ngọa. Ngọa rùng mình thấy lạnh cổ chân, đau đớn giãy đạp, quằn quại, miệng ú ớ. Tên trưởng toán dằn giọng: “Cái chân định chạy thì cho nó què trước. Đến cái tay đã nhận tiền của bọn tao bao nhiêu lần rồi thì từ nay không cần nó nữa!”. Một tên kéo cổ tay Ngọa ngửa ra cho tên cầm dao siết mạnh. Ngọa oằn người. Tên cầm dao vẫn thản nhiên: “Bây giờ, đến cái miệng định nói thì cho nó không nói được nữa”. Chúng giữ chặt đầu Ngọa, một tên bóp miệng cho há rộng, tên cầm dao thọc hai ngón tay vào kéo cái lưỡi ra, con dao chuẩn bị cứa ngang thì “đoàng”! Tiếng súng bất chợt vang lên. Cả bọn giật mình, nhớn nhác. “Tất cả giơ tay lên! Các anh đã bị bao vây. Ai chạy chúng tôi bắn!”. Ánh đèn pin lia vào mặt từng tên. Ngọa được đưa về bệnh viện cấp cứu. Những vết cắt vào động mạch chủ ở cổ chân, cổ tay bị mất nhiều máu, dây chằng bị đứt co lại. Chỉ cầm được máu không nối được dây chằng. Tại phiên toà xét xử, là người bị lôi kéo do hoàn cảnh bức bách, có ý định đầu thú, bị đồng bọn trừng phạt dẫn đến tàn tật nên Ngọa được hưởng án treo, đưa về địa phương quản lý. Ngọa xin được ở trên này không dám về quê. Làm gì? Ở đâu để kiếm miếng cơm hàng ngày với người mang án, lại tàn phế, Ngọa cũng chưa biết. Đường về nhà với mẹ như đã khép lại trước mắt Ngoạ.
*
Chợ vùng cao vừa là nơi trao đổi, buôn bán hàng hoá, sản vật, vừa là nơi tuyên truyền, giao lưu văn hóa của người dân các xã trong vùng nên chợ thị trấn huyện lỵ được xây dựng lại quy củ, rộng hơn, sạch đẹp hơn, cần có thêm lao động vệ sinh, trông coi. Tại phiên toà xét xử bọn người buôn bán, vận chuyển ma tuý, nghe Ngọa ăn năn, thành khẩn khai báo con đường dẫn đến phạm tội của mình, Mẩy Y thấy ở con người Ngọa nét chân thật của người lao động thôn quê vẫn còn rất đậm. Mẩy Y nảy ý định sẽ tìm cho Ngọa một việc làm phù hợp, khi biết tin Ban quản lý chợ cần tuyển thêm người quét rác kiêm gác chợ, cô trình bày ý kiến của mình với lãnh đạo công an huyện xin cho Ngọa làm công việc ấy. Ban quản lý chợ ngần ngại vì Ngọa tàn tật, lại đang trong thời gian thụ án. Mẩy Y đã bảo lãnh cho Ngọa. Không có chỗ ở, Mẩy Y đề nghị Ban quản lý bố trí cho Ngọa ở ngay vẩy trái đầu hồi dãy ki ốt sát cổng chợ để đóng mở cổng chợ thuận tiện. Ngọa trở thành người gác và quét chợ từ ngày ấy.
*
Mẩy Y đang trên đường đến cơ quan thì thấy nhiều người túm tụm giữa lòng đường. Cô dựng xe bên lề, vạch vòng người len vào. Một người đàn bà nằm dưới lòng đường ôm cái chân rỉ máu đang nhăn nhó. Mẩy Y cúi xuống xem vết thương, hỏi mọi người xung quanh được biết có thanh niên đi xe máy quệt vào khiến bà bị ngã. Cô dìu người đàn bà đến xe máy của mình, nói với một thanh niên đứng gần: “Anh ngồi sau xe giữ bác, tôi đưa bác vào bệnh viện băng bó!”. Người đàn bà được bác sĩ kiểm tra, rửa, băng bó vết thương, nói với Mẩy Y: “Bác chỉ bị thương phần mềm ở chân. Để bác ở đây theo dõi thêm. Cuối ngày không có biểu hiện gì khác thường, cô đưa bác về, chịu khó vệ sinh thay băng, vài ngày là kín miệng”. Mẩy Y ngẩn người: “Bác ấy là người đi đường gặp nạn, tôi đưa vào đây”. Bác sĩ ngạc nhiên: “Thế không phải là người nhà của cô à?”. “Không ạ! Để tôi hỏi nhà bác ấy ở đâu, tôi đưa về”. Người đàn bà cho biết, bà ở dưới xuôi đi tìm con trai làm thuê ở trên này đã mấy năm nay bà không nhận được tin tức gì. Con trai bà bảo lên biên giới làm thuê, cóp nhặt để về sửa lại cái nhà cho đàng hoàng còn cưới vợ. Bà khuyên nhủ thế nào con trai bà cũng không nghe. Nghe người ta bảo, có lần thoáng trông thấy con trai bà đang ở trên này, bà lặn lội lên tìm. Con trai bà làm gì, ở chỗ nào thì bà chưa biết. Mẩy Y băn khoăn chưa biết giúp bà bằng cách nào. Cô an ủi: “Bác cứ ở đây để các bác sĩ theo dõi thêm, chiều đi làm về cháu đón bác về nhà cháu nghỉ ngơi, ngày mai tính tiếp. Nhà cháu chỉ có ba bà con, bố cháu công tác trên xã, thỉnh thoảng mới về”.
Hết giờ buổi chiều, Mẩy Y đến bệnh viện đưa người đàn bà bị tai nạn giao thông về nhà mình, kể lại sự việc cho mẹ cô nghe. Mẹ cô chép miệng: “Khổ cho bà ấy! Con làm thế là đúng đấy. Cứ để bác nghỉ ở nhà ta rồi nhờ người tìm hỏi con trai giúp bác ấy. Làm phụ nữ khổ thế đấy con ạ!”. Mẩy Y bảo người đàn bà thay quần áo để cô giặt. Người đàn bà mở túi lấy quần áo, một tấm hình rơi ra. Mẩy Y cầm lên xem. Giật mình, cô hỏi người đàn bà: “Đây là con trai bác ạ?”. “Đúng rồi đấy! Năm nay nó ba mươi ba tuổi rồi. Ở quê, bằng tuổi nó đã có con đi học, đằng này không thấy nó về” - Bà sụt sịt - “Hai chị nó đi lấy chồng. Nó là con trai út ở với tôi, tôi mong nó lấy vợ sinh cho tôi đứa cháu nội để tôi vui tuổi già nhưng cho đến bây giờ chưa biết nó ở đâu!”. Mẩy Y vỗ về: “Bác cứ yên tâm, chúng cháu sẽ giúp bác tìm được anh ấy”. “Cháu nói thật chứ?”. “Vâng ạ!”.
Mẩy Y không ngờ con trai người đàn bà khổ hạnh này lại là Ngọa. Ngày mai, cô sẽ đưa bà đến gặp con trai mình, liệu bà có chịu đựng nổi khi thấy người con dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng khôn lớn, khoẻ mạnh lại tàn tạ như thế. Cô sẽ phải nói gì khi hai mẹ con gặp nhau trong hoàn cảnh quá phũ phàng này? Vết thương lòng của người mẹ sẽ không bao giờ khép miệng khi ngày ngày nhìn thấy con mình với một chân bị tật suốt đời, mỗi khi di chuyển phải quệt lê mặt đất, một tay thõng thượt đung đưa theo nhịp bước. Mẩy Y gần như thức trắng. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh người thanh niên bị bọn người man rợ cắt gân đang giãy đạp hòng thoát trong vô vọng lại dập dờn trước mắt. Cô ngồi dậy, nhìn bé Phù Xiêu đang ngon giấc, sợi dây chuyền bằng bạc có mặt hình trái tim màu xanh ngọc, khắc hai chữ N-P đeo trên cổ Phù Xiêu lại dẫn cô trở về với cảnh tượng đứa trẻ bọc trong chiếc áo nhàu bẩn, bị kiến bu đầy đang thoi thóp, trên người có sợi dây chuyền bạc để lại. Có lẽ người đàn bà vứt lại sợi dây chuyền trên người đứa con vừa sinh ra có ý như là sự sám hối tội lỗi của mình hoặc để ai đó nhặt được đứa trẻ, nuôi nó sẽ là vật để sau này tìm nhận ra con mình. Hai chữ N-P có thể đây là tên của đôi trai gái đã đến với nhau, vì lý do gì đó không lấy được nhau. Đôi trai gái này phải gắn bó với nhau lắm nên mới ghi dấu tình cảm của mình vào mặt sợi dây chuyền để nhớ về nhau. Một tình yêu đẹp nhưng không thành nên đã phải để kết quả mối tình của mình giữa rừng sâu núi thẳm. Cũng may, đứa trẻ đã được cứu sống, được làm người để trở thành con nuôi của Mẩy Y. Cô sẽ nuôi nó thành đứa con ngoan, sau này thành người công dân tốt. Mẩy Y khẽ khàng nằm xuống bên cạnh, ôm nó vào lòng.
*
Mẩy Y dắt con, dẫn người đàn bà chân đau tập tễnh ra chợ. Ngày chủ nhật, mới tám giờ, chợ đã tấp nập. Qua cổng chợ, nhìn vào vẩy trái, không thấy có người, Mẩy Y đưa người đàn bà qua các gian hàng tìm người gác chợ. Bé Phù Xiêu ôm quả bóng nhựa len lỏi chạy trước. Quả bóng bung khỏi tay nó, vướng vào chân người qua lại, nó chạy đuổi theo. Quả bóng xanh đỏ lăn lông lốc trước chân con ngựa thồ hàng đang đi tới. Con ngựa hoảng sợ chồm lên, hí vang, phi về phía trước. Mọi người dạt ra. Bé Phù Xiêu chạy theo quả bóng. Có tiếng hét to: “Con ngựa kìa…!”. Không kịp! Một bóng người lao ra đẩy thằng Phù Xiêu ngã nhào vào quầy bán chăn gối. Con ngựa đang đà lao vào người vừa đẩy Phù Xiêu. Cả người và ngựa nhào xuống lối đi đổ bê tông. Con ngựa chồm dậy. Người ngã quằn quại. Mẩy Y chạy lại đỡ con. Mặt bé Phù Xiêu trắng bệch. Sờ nắn khắp người con, thấy nó không sao, cô đến bên người đẩy cứu bé Phù Xiêu. Trời ạ! Người ấy là Ngọa. Mẩy Y nâng Ngọa dậy bảo mọi người gọi xe cấp cứu. Người đàn bà vội xán đến, gào lên: “Con trai tôi! Con ơi, sao mẹ lại gặp con trong tình cảnh này cơ chứ! Ai cứu con tôi với!”. Mẩy Y đỡ bà đứng dậy để mọi người khiêng Ngọa lên xe cứu thương, gửi bé Phù Xiêu, cùng bà theo xe về bệnh viện.
Các bác sĩ trong phòng cấp cứu trở ra, một bác sĩ thông báo: “Vết thương ở đầu nạn nhân chỉ bị chảy máu do cày mặt xuống đường, nhưng lá lách, gan bị giập, chảy máu trong. Tiên lượng rất xấu. Tình trạng này không thể đưa đi bệnh viện tuyến trên được, bệnh nhân sẽ tử vong dọc đường. Nếu gia đình đồng ý, bằng khả năng của mình chúng tôi sẽ cố gắng mổ cho bệnh nhân. Còn nước còn tát”. Mẩy Y nhìn mẹ Ngọa chờ ý bà. Bà quỳ sụp xuống, hai tay vái bác sĩ lia lịa: “Lạy ông! Ông hãy cứu con tôi…!”. “Chúng tôi sẽ hết sức! Nhưng không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra”.
Ca mổ kéo dài mấy tiếng. Ngồi chờ, Mẩy Y kể lại những việc Ngọa đã trải qua. Mẹ Ngọa nấc lên, cầm tay Mẩy Y:
- Nó là đứa có tội, cháu tốt với nó quá. Bác không biết lấy gì đền ơn cháu được. Ôi giời! Sao tôi lại khổ thế này chứ?
Chiếc băng ca đưa Ngọa đến phòng hậu phẫu. Mẩy Y cùng mẹ Ngọa theo vào. Bác sĩ cho cô biết Ngọa khó có thể qua được để cô tìm cách an ủi mẹ bệnh nhân chuẩn bị đưa về lo hậu sự. Ngọa nằm bất tỉnh đến chiều ngày hôm sau bàn tay lành lặn khe khẽ động đậy, mắt hé mở, miệng thều thào như nói thầm:
- Mẹ ơi! - Nước mắt Ngọa ứa ra.
Mẹ Ngọa nắm lấy tay con:
- Con ơi! Hãy cố lên. Mẹ sẽ đưa con về nhà sống với mẹ.
Mẩy Y cùng mẹ cô và bé Phù Xiêu đến bên giường Ngọa. Ngọa nặng nề với tay về phía bé Phù Xiêu, nó sợ hãi lùi lại, núp sau Mẩy Y. Ngọa nói trong hơi thở khó nhọc:
- Con… tôi… phải… không?
Mẩy Y ngẩn ra, hỏi lại:
- Anh nói gì thế?
- Phù… Xiêu… là… con tôi…!
Mẩy Y nghĩ Ngọa đang mê sảng, động viên:
- Ừ, nó là con anh, anh cố gắng mau lành để về với nó!
- Tôi… biết mình… không… không thể sống được. Cho… tôi xem cái… cái dây… chuyền… trên… cổ nó.
Mẩy Y lấy sợi dây chuyền trên cổ Phù Xiêu đưa cho Ngọa. Mắt Ngọa sáng lên, nhìn chăm chăm vào mặt dây chuyền. Ngón tay cái khẽ động đậy xoa lên hai chữ N-P. Nhìn động thái của Ngọa, Mẩy Y muốn biết tại sao sợi dây chuyền lại cuốn hút con người này đến thế. Bí mật về nó cần được sáng tỏ. Chỉ có Ngọa, con người sắp bước sang thế giới bên kia mới giải mã được bí mật đó. Ngọa lại đang rất yếu. Cô đoán chữ N có thể là chữ cái đầu tên Ngọa, còn chữ P là chữ đầu tên người con gái. Mẩy Y tò mò muốn tìm hiểu sự việc. Sức khoẻ của Ngọa mỗi phút giây càng xấu đi. Liệu Ngọa còn có thể kể cho cô nghe chuyện của Ngọa với sợi dây chuyền này không? Mẩy Y gặp bác sĩ nói ý muốn của mình. Bác sĩ cũng không dám chắc Ngọa còn sức để kể lại chuyện mình. Mẩy Y cầm lấy bàn tay đang giữ sợi dây chuyền của Ngọa như có ý động viên Ngọa hãy nói lên sự thật. Ngọa như được tiếp thêm sức lực đang tàn lụi, nói đứt quãng như sợ không đủ thời gian để nói hết chuyện của mình:
- Sợi dây chuyền này là tôi mua cho Phấn. Tôi lấy mũi dao khắc vào mặt dây chuyền hai chữ N và P để Phấn luôn nhớ đến tôi. Tôi và Phấn quen nhau khi cả hai chúng tôi cùng làm “cửu vạn”. Phấn lên trên này làm “cửu vạn” để chạy trốn cuộc tình bị ép buộc với một người câm, điếc nhưng gia đình giàu có ở quê, sau khi suýt bị lừa bán sang bên kia biên giới. Với tôi, Phấn là cô gái nông thôn khoẻ mạnh, thật thà, chịu khó. Tình cảm giữa hai kẻ làm thuê xa nhà nảy sinh. Chúng tôi ăn ở với nhau như vợ chồng, bảo nhau cố gắng dành dụm đủ tiền về quê thưa với bố mẹ hai bên cho chúng tôi cưới nhau. Phấn có thai, chúng tôi vui mừng bàn nhau cho dù chưa cưới xin nhưng phải giữ lại. Thế nhưng, số phận đã không cho chúng tôi bên nhau. Kho hàng bị đốt cháy, tôi cần tiền trả nợ, cần tiền cho Phấn sinh nở, tôi bị cuốn vào vòng xoáy kiếm tiền nên thường vắng mặt không có thời gian chăm sóc Phấn. Qua một số người, tôi được biết, Phấn bị bọn người xấu tung tin tôi đã đi theo cô gái khác ở bên kia biên giới không quay lại với Phấn nữa. Lời đồn như mưa dầm thấm lâu, Phấn lại là người cả tin, Phấn hận tôi đã bỏ rơi. Đến ngày sinh nở, Phấn không dám sinh con ở nhà trọ, chui vào rừng vượt cạn một mình, vứt con cùng với sợi dây chuyền lại là để trả thù tôi đã lừa dối Phấn, về chỗ ở lấy quần áo, từ biệt mọi người, bỏ đi đâu không ai rõ. Biết chuyện, tôi đau đớn vô cùng. Tôi đã có con mà không được thấy mặt con. Tuyệt vọng vì mất con, mất người mình gửi gắm yêu thương, tiền đền cho chủ hàng chưa xong, tôi lại càng lún sâu vào công việc đã bị bọn chúng dắt vào đường dây vận chuyển, buôn bán ma tuý, vướng vào tội lỗi và tàn tật. Tôi có ý nhờ người tìm kiếm Phấn dưới quê, ở bên kia biên giới nhưng đều không thấy tung tích. Tôi đành nuốt cục hận vào sâu trong bụng… - Ngọa thở dốc, nước mắt trào ra, lào phào kể tiếp - Mấy lần, thấy Mẩy Y dẫn Phù Xiêu vào chợ, như có sự mách bảo của thần linh, tôi thấy Phù Xiêu với tôi như thân thiết từ lâu. Sợi dây chuyền trên cổ Phù Xiêu như có ma lực cứ hút mắt tôi vào đấy, mỗi lần như vậy, người tôi ran lên, nhưng tôi sợ mình lầm nên không dám hỏi Mẩy Y về sợi dây chuyền và bé Phù Xiêu. Tôi dò hỏi, được biết Phù Xiêu là con nuôi của Mẩy Y nên tôi lại càng tin rằng nó là con trai tôi bị Phấn vứt bỏ trong rừng, được Mẩy Y và công an cứu sống. Tôi định ngày nào đó sẽ nói chuyện này với Mẩy Y, nhưng chưa kịp thì… -Ngọa nấc lên, dừng lấy sức, rồi nói tiếp - Nói ra được chuyện này, tôi thấy nhẹ người, có thể yên tâm nhắm mắt được rồi!
Ngọa đã dồn tất cả sức lực còn lại để nói. Dứt lời, Ngọa thở hắt ra mấy cái, bàn tay từ từ mở ra buông rơi sợi dây chuyền, cánh tay thõng xuống mép giường, mắt khép lại. Mẹ Ngọa ôm lấy con, gào lên thảm thiết:
- Con ơi! Con tôi… con tôi… Sao con lại bỏ mẹ mà đi thế này…!
Mẩy Y nước mắt lã chã, nâng mẹ Ngọa lên:
- Anh ấy đi rồi, bà có định đưa anh ấy về quê không?
Mẹ Ngọa run rẩy:
- Nó kiếm sống ở đây, con nó ở đây, cho nó ở trên này thôi!
Mẩy Y kéo bé Phù Xiêu lại gần:
- Con gọi bố ơi một tiếng đi!
Bé Phù Xiêu sợ sệt nhìn mặt Ngọa, cất tiếng:
- Bố ơi!
Mẩy Y đặt tay con vào tay mẹ Ngọa:
- Cháu nội của bà đây! Phù Xiêu, con gọi bà đi!
Như có bà mụ sai khiến, bé Phù Xiêu ôm lấy bà nội, lí nhí:
- Bà ơi!
Mẹ Ngọa kéo cháu vào lòng, nắm tay mẹ Mẩy Y, ngước nhìn cô:
- Phù Xiêu được cháu cứu sống, nuôi nó từ lúc lọt lòng, bà và cháu cho tôi gửi Phù Xiêu lại để nó được ăn học nên người - Bà nghẹn ngào - Cháu có tấm lòng Bồ Tát, cứu giúp những người khốn khổ như chúng tôi. Cháu thật tốt!
Mẩy Y lúng túng, mặt hồng lên. Từ ngày nhận công tác, Mẩy Y cũng đã giúp nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Cô đã cảm hóa được một đối tượng ra đầu thú để đồng đội bóc gỡ đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới, khuyên nhủ hai đối tượng từ bỏ cờ bạc tránh tan cửa nát nhà… Cô nghĩ, bất kỳ ai cũng sẽ làm như cô khi gặp những việc như thế, nhất là đối với những chiến sĩ công an, bởi, sự bình yên của cuộc sống để xã hội ngày một tốt đẹp hơn là mệnh lệnh tối thượng. Mọi người trong cơ quan vẫn gọi cô bằng cái tên trìu mến: Bà đỡ những phận đời bất hạnh. Bây giờ, bà nội Phù Xiêu lại ví Mẩy Y với Đức Phật từ bi, khiến cô cảm động, Mẩy Y nhẹ nhàng nói với bà:
- Đấy là nhiệm vụ của chúng cháu mà!