Ông cũng không nhớ rõ ràng là ông được coi như người ở từ thời điểm nào, chỉ biết từ khi không phải đi làm việc cho Nhà nước nữa, mọi người trong cái gia đình này coi thường ông, nhất là người vợ ông rất mực thương yêu. Ông bị coi như người thừa, lúi cúi ra vào nhà, ngứa mắt họ. Ngứa mắt thì sai bảo làm việc lặt vặt cho khuất mắt. Ngồi không nó sinh ra mất nết. Ai cũng sai được, ngay cả mấy đứa cháu ông đến chơi với bà cũng sai khiến ông. Chúng bắt chước bà, nói với ông, toàn nói trống không, thậm chí còn quát gọi ông như quát thằng ở thời thực dân phong kiến. Ông lùi lũi chịu đựng. Nghe mãi thành quen tai. Làm mãi thành quen việc. Không phải ông trơ lỳ, nhiều lúc tủi cho phận mình, ông chỉ biết đờ người, nuốt nước mắt vào trong. Ông đâu phải thằng ăn tàn phá hại! Ông cũng có thân phận rõ ràng chứ đâu phải cù bất cù bơ. Đời là vậy. “Dậu đổ bìm leo”. Ông đâu có đổ. Ông vẫn đứng đàng hoàng. Mấy chục năm lăn lộn chốn quan trường, dẫu chức tước bé tẹo, bổng lộc cũng bé tẹo, nên khi cầm cái sổ lĩnh lương hưu vẫn còn nguyên vẹn cái tư thế của người hoàn thành nhiệm vụ. Từ ngày ông nghỉ chế độ, có vài triệu đồng lương hưu một tháng. Thấy ông bị gia đình đối xử tồi tệ, bạn bè thương ông, khuyên ông đi đâu đó tránh cặp mắt của bọn người thiếu tình, cạn nghĩa. Có người còn bảo ông “vùng lên”, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, nhưng ông không có gan làm thế. Dẫu thế nào, họ cũng là người thân của ông. Phu thê là cái nghĩa tao khang. Phu tử là trách nhiệm của đời. Mình phục vụ vợ con chứ có phải người dưng đâu. Chịu thiệt một tí cũng chẳng sao. Thế nhưng, “được đằng chân lân đằng đầu”, họ chẳng khác nào con sói trong truyện ngụ ngôn, xin gửi nhờ cái chân, nấn ná gửi tiếp cái tay, rồi cả người nhảy vào ăn thiịt con mồi. Ông không phải con mồi, vì người ta không thể ăn thịt ông. Họ muốn ông chết dần chết mòn trong buồn tủi, để một ngày nào đó xuống ba tấc đất là xong. Người ta bảo “chó chết hết chuyện”, ấy là khi ông ra đi. Còn bây giờ, để xem “vở kịch” về cuối đời của ông tiếp diễn thế nào…
Từ nhỏ, ông đã mồ côi cha mẹ, được bà dì goá cưu mang, tần tảo nuôi nấng cho ăn học cùng với hai đứa con nheo nhóc của dì, những mong sau này không dẫm phải vết chân nghèo khổ của họ hàng hai bên nội ngoại. Biết thân phận, cậu bé mồ côi chịu khó lao động phụ giúp dì, chịu khó học hành nên cũng học hết cấp hai. Phải tìm cách ra khỏi luỹ tre làng mới đổi đời được. Đủ tuổi, cậu tình nguyện vào bộ đội nhưng sức vóc còi cọc do ăn uống kham khổ, lao động cực nhọc nên không đủ điều kiện sức khỏe, cậu xin lên tỉnh miền núi học trung cấp lâm nghiệp với suy tính được Nhà nước nuôi hoàn toàn, ra trường được bố trí công ăn việc làm ngay tại địa phương. Cơm gạo Nhà nước, tuy độn ngô xay, mì hạt nhưng điều độ, không phải lao động vất vả, ngoài mỗi tháng một buổi lên rừng chặt củi góp cho nhà bếp, chỉ một thời gian ngắn, chàng trai mồ côi lớn phổng lên. Bảnh trai, học giỏi, ưa thích thể thao là mẫu người chọn lựa của các nữ sinh trường trung cấp chuyên nghiệp miền sơn cước. Dập dìu bên chàng là những gương mặt khả ái, đầy nữ tính. Tíu tít, nũng nịu, giận hờn là đặc tính của con gái khiến chàng trai nhiều khi phải căng mình ra dỗ dành. Khác với nhiều thanh niên khác, chàng trai không mảy may lợi dụng tình cảm của bạn gái dành cho mình, luôn chủ động giữ khoảng cách vừa phải, không làm mất lòng bông hoa nào, phần vì nội quy nhà trường, phần vì không muốn các cô gái sinh chuyện với nhau. Vì thế, lại càng cuốn hút các “nàng Kiều” đến gần hơn.
Tình cảm tuổi học trò rồi cũng qua khi kết thúc khoá học. Mọi người toả về các nơi nhận công tác. Chàng trai được phân công về một lâm trường với nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng ở đội sản xuất. Tận tụy với công việc, hoạt bát trong quan hệ, trung thực trong lối sống… Chàng trai bị nữ y sĩ trạm xá lâm trường, con gái giám đốc chinh phục. Đứa con đầu lòng ra đời được gần năm, chàng rể ông Phó giám đốc Sở N. bước vào giảng đường trường đại học. Học xong, anh con rể được bố vợ nâng đỡ trở thành Phó Ban quản lý dự án trồng rừng. Con gái ông Phó Giám đốc sở, học xong đại học hành chính tại chức được đề bạt làm Phó phòng Hành chính tại sở. Con đường quan lộ như mở ra trước mắt hai vợ chồng con người may mắn. Trước khi ông bố vợ nghỉ hưu với chức danh Giám đốc sở đã kịp bổ nhiệm chàng rể vào vị trí Chánh thanh tra sở. Hai đứa con của ông Chánh thanh tra sở đều đã trưởng thành, vợ chồng chúng nó đều có nhà riêng, xe pháo đủ cả. Ngôi nhà ba tầng giữa trung tâm thành phố tỉnh lỵ của Chánh thanh tra sở luôn đầy ắp tiếng cười của con cháu vào ngày nghỉ.
Cuộc sống không có gì để phàn nàn. Nhưng sự đời luôn tuân theo một trật tự nhất định. Bà Phó phòng Hành chính về hưu được bốn năm thì ông Chánh thanh tra sở nhận quyết định nghỉ chế độ. Hai người già sống trong ngôi nhà thênh thang, xem ti vi chán lại ngồi uống nước, ngóng ra đường nhìn dòng xe qua lại. Nhàn hạ, không còn áp lực trong công tác nhưng thu nhập giảm sút làm cho con người đổi tính, đổi nết, sinh tật đố kỵ, bẳn gắt. Bà Phó phòng Hành chính nghỉ hưu bắt đầu ca cẩm về sự hẫng hụt, không còn được nhoẻn cười khi được nhận những khoản tiền, vật phẩm giá trị. Cứ đến bữa ăn là bà lại kể lể về người cha quá cố của mình, nhờ có ông mà chồng bà, từ một kẻ tứ cố vô thân, mới có điều kiện ngóc đầu lên được. Nào là bà không may mắn lấy phải ông chồng cù lần chỉ chăm chắm với công việc không biết tận dụng mọi cơ hội thu vén cho bản thân chuẩn bị cho tuổi già... Người ta biết xoay xở nên có đủ thứ, mình có điều kiện để chấm mút mà không dám mạnh tay. Cái đồ chỉ biết chờ người ta dọn sẵn ngồi vào ăn. Bây giờ, mới trắng mắt ra, có muốn cũng không có chỗ để mà kiếm chác. Nghe mà nhức nhối, đàn bà mà, nói chán mỏi mồm, mũ ni che tai, ông lặng thinh. Bà ấy nói thế là lo cho cả hai vợ chồng già chứ đâu chỉ riêng cho mình bà ấy. Không có những khoản ngoài lương lót tay nên bà ấy cảm giác ngứa tay, nên nói cho dịu đi. Khi còn làm việc, ông cũng mang về cho cái gia đình này khá nhiều bổng lộc. Mỗi lần ông đưa cho bà ấy cất giữ, sao mà đon đả, tươi tắn thế. Ông phải giữ thân ông để khi đến tuổi nghỉ hạ cánh được an toàn. Khối kẻ tham lam đến phút chót. Chỉ có hạng người mặt mo mới làm thế! Có kẻ sắp đến ngày nghỉ vẫn nghĩ cách bòn rút nên phải đối mặt với pháp luật, lo chạy chọt các cửa, đến lúc được yên chuyện thì trở về trắng tay. Suy cho cùng, nhờ có bố vợ nên ông cũng hanh thông nhiều mặt. Có người năng lực, trình độ hơn ông, nhưng không có người nâng đỡ, muốn tiến thân phải dùng đủ mánh khoé, tiền bạc để vào ghế. Còn ông cứ ung dung bước vào các vị trí ông bố vợ đặt sẵn. Bây giờ có bị vợ đay nghiến, sai bảo, âu cũng là trả cái ơn, cái nợ cho vong linh ông bố vợ. Cái ông lãnh đạo nào đó ở nước ngoài nêu ra triết lý “tư tưởng là thống soái”, thế mà đúng. Tư tưởng ông bị khủng bố cộng với bệnh tăng huyết áp, viêm phế quản mãn tính nên từ ngày nghỉ đến bây giờ mới có năm năm mà trông ông sọm hẳn đi, chẳng khác gì người mới điều trị ở bệnh viện về. Chẳng ngày nào ông được yên cái thân già. Ngay đến bữa cơm, có hai ông bà, ông sắp ra đấy, chờ bà vợ ăn xong, ông mới ngồi vào ăn để không phải nghe những lời nhiếc móc. Đằng nào thì ông cũng phải dọn dẹp, rửa bát đĩa. Ăn sau cũng hay. Ông muốn ăn gì trên bàn thì gắp, ông ăn thế nào cũng không bị hứ hấm, nguýt ngoát. Ông như cái bô rác cho vợ xả nỗi bực dọc vô cớ. Ông đại tiện, bà ấy rỉa rói: “Ăn cho lắm vào để suốt ngày...!”. Khốn nạn cho ông, ăn uống được là bao, ăn sau, lại toàn những thứ bà ấy không ăn được nữa để lại. Ông tắm lâu lâu một chút, bà ấy móc máy: “Tắm sạch sẽ thế để hẹn hò với con nào?”. Oan cho cái thân ông, cơ thể ông thế này, ma nào nó dám vời đến để mà mang vạ vào thân… Hôm nào cũng vậy, khi mọi việc xong xuôi, ông lên phòng nằm nghỉ ngơi tý chút gọi là tái tạo sức lao động để thực hiện công việc buổi chiều: Lau dọn nhà cửa, chuẩn bị cơm chiều, kẻo chậm bữa lại bị mắng là đồ ăn hại.
Như một cái máy đã cài đặt sẵn chương trình, trừ việc đột xuất, còn lại ông cứ thế mà làm. Sáng, dậy sớm đi mua cho vợ bát phở, tô bún hoặc đĩa bánh cuốn, nhận tiền từ tay vợ và lời dặn mua các thứ, về nhà, cho quần áo vào máy giặt, quay ra tưới mấy cây cảnh, chuẩn bị nấu bữa trưa. Ngày nghỉ, tăng người, việc tăng lên, ông cuống cuồng bởi con cháu sai bảo, mệt phờ mà không dám kêu. Có kêu cũng chẳng ai đoái hoài. Những người trong cái gia đình đã từng được coi là “thường thường bậc trung” này chỉ duy có anh con rể là thương ông hơn cả. Nhiều lần, đưa vợ con đến chơi, thấy ông cặm cụi làm, anh bảo bố ngồi nghỉ, để con làm giúp. Bà mẹ vợ nguýt dài, dẩu mỏ: “Dâu là con, rể là khách. Anh đến chơi thì ngồi uống nước! Việc ai người ấy lo!”. Cũng là rể, nhưng ông chưa bao giờ được nghe câu mát lòng, mát dạ tuôn ra từ miệng bố mẹ vợ, khi ông bà còn sống. Đành rằng, thân phận anh con rể của ông khác ông ở điều kiện gia đình: Bố, trưởng ngành cấp tỉnh, mẹ có cửa hàng buôn bán đồ may mặc sẵn. Còn ông trưởng thành từ đứa trẻ mồ côi, nhờ hơi bố vợ mà có chút địa vị cỏn con. Dân gian người ta nói đúng, ông như “chó chui gậm chạn”, chi bằng âm thầm chịu đựng cho yên cửa nhà.
Một lần đang quét ngoài hiên nhà, ông thấy một chú bé rao bán những bức thư pháp in chữ nhũ vàng trên vải, ông mua bức có chữ nhẫn, hý hoáy treo trong phòng ngủ của mình. Nghe tiếng kỳ cạch, bà vợ ông dò vào, quắc mắt: “Ông treo cái chữ ấy để bêu riếu tôi là bóc lột sức lao động của ông, nên phải nhẫn nhục có phải không? Muốn yên thân thì ông vứt ngay đi cho tôi!”. Ông chưa kịp phản ứng gì, bà ấy đã giật xuống vo nhàu, vứt vào thùng rác. Ông lặng người, trân trân nhìn người vợ mà trước đây hai người đã dành rất nhiều lời ngọt ngào cho nhau để mơn trớn, yêu thương. Cái gì làm bà ấy thay đổi đến tàn nhẫn như vậy? Cuộc sống khó khăn? Bệnh tật? Lối sống thực dụng, ích kỷ? Nó tại cái gì, ông chưa thể cắt nghĩa được. Từ khi ông bị coi như thằng ở, ông ngủ riêng, không còn bụng dạ nào nghĩ đến chuyện chăn gối vợ chồng. Có tối, thấy nhạt mồm, nổi hứng, ông tợp mấy hớp rượu, râm ran khắp người. Ông mò vào giường bà ấy định tình cảm tý chút, xả cái ấm ứ trong người lâu nay chưa được giải phóng. Vừa ghé người vào mép giường, ông đã bị bà ấy đẩy bổ nhào xuống nền nhà. Từ đấy, ông cạch. Già rồi, nghí ngoáy tí thêm mệt. Ông tự an ủi mình.
Lọm khọm ngày qua ngày, ông như kẻ mắc chứng bệnh tự kỷ, chẳng muốn gặp ai. Điều đáng sợ nhất đối với ông là người ta quở trách ông nhu nhược, tỏ ý thương hại. Người ta còn nhiều việc quan trọng hơn là nhớ đến ông. Âu cũng là cái lẽ ở đời. Đến người thân của ông còn đối xử với ông như thế thì trách người khác sao được. Thuở nhỏ mồ côi cha mẹ, về già ông như người mồ côi tình vợ chồng, bố con, ông cháu. Nỗi buồn tủi vô tận thấm vào từng đường gân thớ thịt. Nhiều lúc, ông muốn đập phá tất cả rồi quyên sinh. Nhưng cái gan của ông do lòng tự ti bao năm nuôi dưỡng nên nó bé quá, không đủ sức vùng vẫy, thoát ra.
Chiều chủ nhật, bầu trời tối sầm, vần vũ. Sắp mưa. Thằng cháu nội bỗng dưng nổi cơn ngang ngược, đòi ăn kem. Bà vợ sai ông đi ra phố mua kem. Ông ngần ngại, vì mấy hôm nay, ông thấy người cứ gai gai sốt, ra đường gặp mưa thì ốm mất. Hai vợ chồng thằng con trai đang dán mắt vào ti vi xem bóng đá. Cô con gái đang khoe với mẹ bộ áo váy mới sắm được. Anh con rể dỗ dành thằng bé. Nó không nghe, bắt đích thân ông phải đi mua. Ông đứng bên cửa chần chừ. Bà vằn mắt, quát: “Đã mưa đâu! Đây ra chỗ bán kem chưa đầy cây số, xa xôi gì mà không đi mua cho nó. Ông định cho nó khóc hết hơi à?”. Ông cun cút nhấc từng bước chân nặng nề xuống đường. Gió ào ào. Trời bắt đầu mưa. Ông lướt thướt đi như chạy vào nhà. Mấy cái kem ốc quế giấu trong vạt áo không che được nước mưa và gió thổi, tan gần hết. Thằng cháu giãy lên bắt đền. Ông chỉ kịp vuốt nước mưa trên khuôn mặt nhăn nheo của mình rồi khụy xuống nền nhà bất tỉnh. Người ta vội vàng đưa ông đi cấp cứu. Trong cơn mê man, ông thấy mình đang cùng mấy em nữ sinh trường trung cấp lâm nghiệp chơi bài bôi nhọ. Mặt ông bị bôi nhem nhuốc. Tiếng cười đùa hồn nhiên dẫn ông về lâm trường gặp cô y sĩ. Ông dắt tay cô vào phòng cưới. Ông thấy mình ngất ngây hạnh phúc. Bỗng một cơn gió ào đến cuốn ông lên khoảng không rực rỡ ánh hồng. Ông kêu lên: “Tôi bay lên được rồi! Mình và con cháu không phải lo cho tôi nữa!”. Phía dưới, vợ, các con, các cháu nhìn theo, ai cũng muốn giơ tay níu ông lại. Nhưng ông đã bay lên, lên cao mãi… Giấc mơ lộn xộn nhưng thanh thản đã đưa ông về với cha mẹ mình. Ông ra đi mang theo thân phận như một thằng ở. “Thằng ở U sáu lăm”!