Có Chăn Thi dẫn đường, nhưng ông Nguyễn không đi theo hướng Chăn Thi chỉ mà hăng hái mở tấm bản đồ vẽ chằng chịt những đường xanh đỏ và chi chít các dấu chấm tìm tới nơi ông từng gắn bó. Tôi chỉ nhớ mang máng nơi trung đoàn trú quân đêm đầu tiên sang Lào là ở khu rừng có con suối. Nhưng tìm ra đường cũ đâu dễ. Mấy chục mùa mưa đã qua, con đường mòn cũ nằm dưới các tầng lá mục. Cả vết dao trinh sát chém vào cây để đánh dấu lối đi trong rừng cũng đã liền sẹo. Cả con suối Khao ôm lấy vạt rừng kia dường như cũng đổi dòng. Rừng hồi sinh nên nước suối cũng phóng túng hơn thuở nào. May thay, có thứ không thay đổi là dáng núi. Đến một chỗ nhìn thấy núi bên này là hình đầu voi, bên kia là núi có một vạt mọc toàn cây sau sau lá đỏ, ông Nguyễn mới nhận ra nơi cũ. Thế là ông dẫn chúng tôi cứ đạp bừa lau lách, đi cắt theo tọa độ. Sục vào chỗ thâm u, có cây chò chỉ cao lớn vỏ xếp lớp như tê tê có bộ rễ nổi trên mặt đất, bạnh ra bốn phía như sắp chỗ ngồi cho thợ rừng, ông hỉ hả bảo, đây rồi!
Chúng tôi đặt chân lên đúng nơi ngày xưa trung đoàn từng dừng chân, thậm chí đúng cái gốc cây bộ đội ta từng dựng lán cho Trung đoàn trưởng Nguyễn. Trong lúc tôi, Chăn Thi và cậu cần vụ căng tăng làm lán cho cả nhóm thì ông Nguyễn và cô y tá Mần đóng ba chiếc cọc làm một cái giá như giá để ba lô ngay dưới gốc chò làm cái ban thờ. Ông Nguyễn thắp ba nén hương đem theo lên ban thờ, bảo chúng tôi đứng làm lễ ba chiến sĩ đầu tiên của trung đoàn đã ngã xuống nơi này.
Tôi nhớ hôm đó, trung đoàn bộ ở dưới bóng cây chò. Cái cành cây vắt áo bây giờ đã cao mấy lần đầu người. Các bộ phận phục vụ và chuyên môn như chính trị, tác chiến, hậu cần thì dạt cả xuống bờ con suối dưới kia lo cơm nước và chỗ trú qua đêm. Ven suối rất nhiều chuối rừng, bộ đội không kịp tìm rau cải xoong thì thái ruột chuối rừng nấu với thịt hộp cũng ăn tạm được. Mấy cậu nuôi quân còn đang đào bếp Hoàng Cầm thì nghe tiếng máy bay ù ù trên đầu. Kinh nghiệm nằm lòng của bộ đội, nếu bị máy bay trinh sát chỉ điểm bằng pháo khói thì bỏ suối chạy lên núi là vô sự. Còn bị thằng C-130 bắn đuổi, nhớ chạy ngang, không chạy dọc. Nhưng hôm đó là bom tọa độ. Bom tọa độ và pháo là hai thứ khó tránh nhất. Nó bất ngờ trên cao, vừa nghe thấy tiếng réo thì bom đạn đã nổ không biết đâu mà tránh. Trận bom tọa độ giội xuống dọc suối, nơi bộ đội ta mới dừng chân chưa kịp đào công sự. Tăng võng bay tơi tả. Ba chiến sĩ tổ văn thư bảo mật hy sinh. Anh em bới cây, cỏ, rác và đất moi ba cái thi thể còn nóng, chết vì sức ép, không xây xát gì. Cả ba như đang nằm ngủ, còn lành lặn, đến nỗi anh em ngại không đám đưa họ vào túi ni lông để mai táng. Ông Nguyễn bảo: “Phải có đứa chỉ điểm nó mới tọa độ nhanh đến thế”. Rồi ông chỉ thị di chuyển chỗ ở, đồng thời lệnh cho trinh sát, lần rừng tìm bằng được bọn chỉ điểm. Tưởng tìm kim đáy bể, nào ngờ sáng hôm sau, anh em trinh sát dẫn đến trước mặt ông Nguyễn hai thằng thám báo phỉ Vàng Pao, người lòng thòng như sợi dây, chỉ thấy chân với tay, ngực lép, trán dô khô trơ như cái hạt đào, mắt trắng, tóc bờm xờm phủ gáy, hoang dã và bụi. Ông Nguyễn bảo chiến sĩ làm địch vận biết tiếng Mẹo, hỏi nó, điện đài báo tin cho máy bay Mỹ tọa độ giấu ở đâu. Chiến sĩ địch vận hỏi thế nào hai thằng phỉ cũng không mở miệng. Chiến sĩ địch vận khảo cung thế nào, nó vẫn trơ như đá, mắt càng lúc càng lồi ra mở to hết cỡ, nhìn thẳng người tra khảo. Ông Nguyễn bảo: “Thôi, gô lại, trao cho bên bạn họ xử lý”. Cả hai thằng thám báo bị trói giật cánh khuỷu, cho tổ trinh sát dẫn đi. Chừng nửa giờ thì ba cậu lính trinh sát mặt không còn giọt máu chạy đến trước Trung đoàn trưởng Nguyễn, báo cáo tù binh chạy mất rồi. Họ kể, tới một ngọn núi, anh em bảo nhau nghỉ lấy sức, còn đang loay hoay hạ ba lô thì cả hai tên phỉ vội ôm lấy đầu, co người tròn lại, lăn xuống dốc. Anh em vừa bắn vừa đuổi theo xuống đến chân dốc, chỉ thấy ở đó lấm tấm vài vết máu, còn người mất tăm. Ông Nguyễn chỉ nói: “Đã biết thế nào là đánh phỉ Vàng Pao chưa!”, rồi bước đi, bỏ ba chiến sĩ vẫn đứng nghiêm. Trung đoàn bộ lại di chuyển. Đến chỗ mới, đại đội trưởng trinh sát gặp ông Nguyễn xin phép cho ba chiến sĩ kia được trở về đơn vị. Ông Nguyễn hỏi: “Thế ba cậu ấy không về đơn vị thì đi đâu?”. Đại đội trưởng thưa: “Thủ trưởng chưa có lệnh tha nên mấy cậu vẫn đứng nghiêm ở chỗ cũ”…
Tôi lặng nhìn ông Nguyễn đứng trước cái ban thờ vừa lập xong, lấy từ xắc cốt vải bạt đeo qua vai cuốn sổ, mở trang giữa, đọc tên ba liệt sĩ rồi gập cuốn sổ, nói lớn: “Thủ trưởng đến thăm các em”. Nói xong câu ấy, ông đứng nghiêng nghiêng, chiếc gậy điếu oằn xuống như muốn gãy. Gió rừng bỗng nổi rung, cây chò chỉ rụng xuống những quả màu nâu nhạt, khô quắt, có lẽ còn sót lại từ mùa trước.
Trung đoàn tình nguyện vào Thượng Lào hơn nghìn anh tươi rói, vậy mà hết chiến dịch, gom lại còn không đầy ba trăm tay súng gầy long nhong, cười chỉ thấy răng.
Sau này, ông Nguyễn lên Sư đoàn trưởng. Sư đoàn của ông là đơn vị cuối cùng tiếp nhận chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị năm bảy hai. Quần nhau với giặc ở khu thành cổ chỉ còn gạch vụn và bụi đất chừng một tháng, đến một chiều, cấp trên động viên tiếp tục đưa quân vào giữ thành để giữ thế thượng phong trên bàn đàm phán Pa-ri, ông Nguyễn nói gọn lỏn: “Tôi cho rút quân rồi!”.
Ở đầu máy bên kia giọng gay gắt: “Ai cho anh rút khỏi Thành cổ khi chưa có lệnh cấp trên?”.
Ông Nguyễn giơ bàn tay chỉ chĩa ra một ngón lên trước mặt: “Tôi chỉ còn một ngón tay”.
Ngón tay ông ví von ấy là sư đoàn chỉ còn một tiểu đoàn thiếu, toàn lính sinh viên mới từ trường đại học ra trận.
Đầu máy bên kia vẫn không thôi: “Kiểm sát quân đội sẽ đến làm việc với anh”.
Ông Nguyễn bất ngờ nổi nóng: “Vâng! Tôi chờ các anh ở bụi tre làng Nhan Biều”.
Sau cú điện thoại, ông Nguyễn có ý chờ ở bụi tre thêm mấy ngày, nhưng không thấy ai xuống làm việc để hạch tội về lệnh rút quân. Mấy năm sau cũng vẫn không thấy cấp trên hạch tội rút khỏi Thành cổ. Mãi cho đến tận năm sắp vào chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân năm bảy lăm, ông Nguyễn lên thăm anh Văn. Ông báo cáo lại câu chuyện rút khỏi Thành cổ với Tổng Tư lệnh. Anh Văn không nói mà ôm lấy ông Nguyễn, vỗ vỗ vào vai: “Cám ơn đồng chí!”.
Vậy là cầm quân từ trung đoàn, đến sư đoàn, rồi thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc ông chỉ huy quân đoàn, rất nhiều chiến sĩ dưới quyền ông hy sinh. Trong những người hy sinh, theo ông, ông thương nhất, tiếc nhất là những chiến sĩ mới vào chiến trường chưa kịp đánh đấm đã ngã xuống. Những người lính chưa kịp lập công đã hy sinh. Biết bao người ngã xuống còn chưa biết tên mới có một anh hùng? Rất nhiều chiến sĩ như thế, đặc biệt là thời kỳ ở Lào và giữ Thành cổ Quảng Trị, ông không thể nhớ hết. Cả cuốn sổ ông giữ trong xắc cốt cũng không ghi hết tên và quê quán của họ. Vì thế khi về hưu, ông lập hẳn cái ban thờ, gọi là thờ “chiến sĩ vô danh” ở nhà mình. Ban thờ nhỏ như ban thờ gia tiên, nhưng bày biện đủ hơn, có bức đại tự Tổ quốc ghi công và Đức-Lưu-Quang, bày bát nhang, đèn thái cực, đèn lưỡng nghi, bình hoa, đĩa quả, đỉnh hương, chén nước, chén rượu…
Ông Hậu bảo, ông cũng đã vài lần thắp nhang lên ban thờ chiến sĩ đã hy sinh ở nhà ông Nguyễn trong khu tập thể quân đội. Lạ là ông coi cả bà Cải, vợ ông, cũng là chiến sĩ ngã xuống như thế mặc dù bà chưa một ngày tham gia quân ngũ. Hỏi thì ông bảo: “Chị cậu khác gì lính. Cưới chị cậu xong, tôi đi kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ đến hơn ba năm tôi mới trở về thăm nhà, nhìn xuống gầm giường bà chị cậu bỗng rùng mình vì thấy đàn gián bò lẫn với những lủng củng chai lọ. Tôi đưa chân xua đàn gián, mới nhận ra đó chỉ là bã trầu bà ấy ăn trong bao nhiêu đêm chờ chồng. Bao nhiêu đêm bà ăn trầu và xay lúa để nén nhớ chồng. Đứa con đầu ra đời tròn ba tuổi, tôi mới lại về thăm nhà lần hai. Rồi đứa con thứ hai ra đời tròn ba tuổi, tôi mới về nhà để con nhận mặt bố trước khi quay lại chiến trường. Tôi với chị cậu cứ như mặt trăng mặt trời, cho đến khi tôi về hưu, có điều kiện chăm sóc thì bà ấy mất vì mòn mỏi nhiều năm quá”.
Đợi tàn hương trên ban thờ tạm dưới bóng cây chò, tôi rủ cô Mần xuống suối kiếm rau cải xoong. Suối Thượng Lào nhiều rau đặc sản này. Vì thế, chỉ một loáng chúng tôi đã có một ôm rau.
Cô Mần bảo: “Còn sớm, anh trông cho em tắm nhá!”.
Tôi mau mắn nhận lời.
Cô bảo: “Anh phải quay mặt đi đấy”.
Tôi hứa sẽ nhắm mắt. Tuy nhiên tôi gian lận, chỉ nhắm hờ. Ối giời, nóng hết cả người. Khi nuy, Mần hấp dẫn phết. Cứ lấy cái compa xoay một vòng thì chính là chân dung cô ấy. Tất cả đều tròn mưng cả lên, cả ngực, cả bụng, cả bắp chân, bắp tay và hơn thế nữa. Cái thân hình tròn trịa của Mần nhúng nước xóa bớt những nét thô nhám ngày thường.