Lâu mới lại nằm võng trong rừng, tôi thấy khó ngủ. Chăn Thi cũng thế, võng đung đưa suốt. Ông Nguyễn dậy nhen lửa. Ông ngồi đun nước bằng bi đông nhôm treo lủng lẳng trên bếp. Cả bộ đồ uống nước thời trận mạc ông vẫn giữ và không quên đem theo. Ông muốn sống lại những ngày như ngót ba mươi năm trước. Chiến tranh rất lạ, là tạo ra những thói quen, cả những thói tạm bợ, cẩu thả nhưng ai đã qua thời đó thì giữ mãi, như cái cách uống trà của ông Nguyễn chẳng hạn. Nước sôi, ông bỏ nhúm trà vào bi đông, rồi úp chụp xuống chiếc ca Mỹ bằng i-nốc có quai. Chúng tôi quen với cách pha trà như thế này, và không phải lúc nào cũng dừng lại để đun nước. Khi hành quân, người đi trước treo cái ống cóng nước suối vào đầu gậy, vác chìa ra phía sau lưng. Người đi sau, cầm bó đuốc đốt vào đáy cóng. Đi một chặng ngắn là có trà nóng.
Đã lâu rồi tôi lại có dịp ngồi uống trà với ông Nguyễn qua bếp lửa.
Từ hôm vào rừng Lào ông đằm tính hơn, không như mọi khi thất thường nổi nóng, hoặc đôi khi quá tự tin vào thức giác của mình, bất đồ thay đổi công việc nào đó từng bàn nát nước, rồi thúc ép và lôi kéo mọi người phải tuân theo bằng mọi giá. Trải qua nhiều thử thách những tính tốt và xấu của ông nhào trộn vào nhau, trở thành người chỉ huy có cá tính. Cá tính làm cho cả nếp sinh hoạt bình thường của ông không nhạt nhẽo. Sợ nhất là người nhạt, ở đâu cũng thế. Lính tráng khoái cá tính của ông, thêu dệt ra vô số các giai thoại. Ngay cả khi ông đã về nghỉ, những giai thoại về ông vẫn lan truyền ở đơn vị. Trong quân đội sống theo mệnh lệnh, cả tập thể trăm người, nghìn người chằn chặn giống nhau như quân cờ trên bàn cờ, cho nên ít nảy ra người có cá tính, nhất là cấp chỉ huy. Ông Nguyễn là người trong số ít đó.
Đã nói đến bộ đội tình nguyện ở Thượng Lào thì không quên đến bếp lửa rừng. Sống lửa rừng, chết cũng lửa rừng. Thời đánh giặc, chúng tôi từng đốt biết bao bếp lửa rừng và lửa có chúng tôi nên mới có dịp bập bùng trên những đỉnh cao từ thuở khai sinh chỉ có sương mù. Bộ đội chốt trên núi đốt lửa trong hầm, chống lại cái lạnh thấu xương phả ra từ đá núi. Sống trong rừng đại ngàn, tổ nuôi quân đốt những cây gỗ khô cháy đượm vừa giữ lửa đêm này qua đêm khác và xua thú. Những con voi có thính giác tinh nhạy, biết chỗ nào bộ đội ta cất gạo, muối để ăn vụng. Còn trong rừng hoang, hổ biết nơi nào có mùi phân hủy thức ăn để tìm đến. Hổ hung hãn nhưng sợ lửa. Gặp hổ, chỉ cần khua khúc củi cháy dở lên làm tàn than tung tóe là hổ bạt vía. Cũng có những con hổ liều lĩnh lao tới con mồi. Tránh để bị hổ vồ, phải nhanh tay chống cây gậy nhô lên khỏi đầu. Đấy là bài học của các chuyên gia sống nhiều năm trong rừng Lào. Hổ sợ vật nhọn, thấy đối phương có gậy giơ cao là bỏ cuộc. Bộ đội luồn sâu trong rừng đói, đốt lửa trong mái che để nướng củ quả và cả những con ếch, con nhái bắt được để chống đói. Lửa vẽ nhom nhem những gương mặt ngồi chờ mùi cháy vừa khét vừa thơm bốc ra từ những thứ nướng trên ngọn lửa. Có bếp lửa rừng, là đốm tín hiệu báo rằng chúng tôi vẫn đang ở đây, làm chủ cánh rừng này.
Trong các loại thịt thú chỉ thịt bò nướng ăn không muối còn có vị đậm. Ông Nguyễn biết việc này, bảo tôi xách máy ảnh đi theo. Tốp đi có bốn người, ngoài ông và tôi còn có một cán bộ Ban Dân vận và một chiến sĩ dắt theo một con bê từ Nghệ An sang. Ông dẫn chúng tôi thẳng đến Sở chỉ huy Tỉnh đội Xiêng Khoảng. Ông xin lỗi ông Khăm Tày, bấy giờ là tỉnh đội trưởng về việc bộ đội ta trót bắn con bò của dân vì đói. Hậu cần trung đoàn đã mua con bê, nhờ Tỉnh đội đem trả cho bà con. Ông Khăm Tày kêu giời: “Sao các anh lại làm thế?”. Ông Nguyễn bảo: “Cấp trên của chúng tôi quy định, bộ đội tình nguyện sang Lào chiến đấu chỉ được dùng của bạn củi khô, nước uống và không khí…”. Ông Khăm Tày ôm choàng lấy ông Nguyễn: “Đồng chí ơi, bộ đội tình nguyện đánh giặc bị đói, bắn con bò của dân mà đòi bồi thường, vậy xương máu các anh đổ xuống ở đây, chúng tôi lấy gì bồi thường cho các bà mẹ Việt Nam?”. Thế là hai vị chỉ huy ôm ghì lấy nhau. Ông Khăm Tày người cao lớn, tay dài, ôm ông Nguyễn chật cứng như gắn bằng keo con voi.