Hồi kháng chiến chống Pháp, ở Tây Bắc, ông Nguyễn từng là trung đội trưởng khét tiếng về tiễu phỉ ở vùng Hoàng Su Phì. Vì thế, nhận nhiệm vụ đi đánh phỉ Vàng Pao, ông nghĩ ngon ăn, nên khoái lắm. Riêng về thú tính thì phỉ xưa, phỉ nay vẫn thế, chặt đầu người không ghê tay, nhưng tinh vi thì mỗi lúc mỗi khác. Cho nên vừa chạm trán phỉ Vàng Pao, ông Nguyễn bị một vố đau.
Từ đầu mùa mưa, được máy bay Mỹ yểm trợ, phỉ Vàng Pao càn trắng Cánh Đồng Chum, bất chấp đó là đất của cả ba phái: Hữu, Trung lập và Cách mạng đang chia phần chiếm giữ. Ba phái đồn trú trên Cánh Đồng Chum, đôi khi cũng đánh nhau, nhưng vẫn giữ kiểu chiến tranh quy ước, tôi ở đây, anh ở đấy, anh không đụng đến tôi, tôi cũng không đụng đến anh. Nhiều khi sắp đến bun, bên này hoặc bên kia bắn lên một quả pháo xanh, thế là ngày mai hội hè múa hát thoải mái. Sau hội lại đánh nhau, đời còn dài, thong thả mà đi, vội chỉ tổ vấp.
Khác với các cuộc càn những mùa mưa trước, lần này Vàng Pao không chỉ xua quân chiếm đất mà vét dân đưa về thung lũng Sảm Thông, Long Chẹng, gái thì chia hai loại, trẻ đẹp ép làm vợ chỉ huy, làng nhàng làm vợ lính. Người cao tuổi đưa làm nương rẫy. Con trai từ 13 đến 50 buộc vào làm lính sau khi thử thách bắn trúng chân con lợn thả chạy trong rừng ở khoảng cách chừng mười mét.
Những bản làng trù mật của bà con các bộ tộc Lào trở thành mục tiêu tiến công càn quét, đốt phá của lính phỉ. Bà con bỏ bản làng, kéo nhau lên rừng chạy giặc. Phần đông bà con bảo nhau, cứ phía đông mà chạy là để về biên giới Việt Nam, sẽ có người cứu giúp. Nhưng cũng có những bản làng chỉ chạy quanh quẩn trong rừng, chờ hết giặc thì quay về bản cũ. Nhiều tốp người ở lâu trong rừng mưa hết gạo, hết muối, chỉ còn cầm hơi bằng rau củ rừng. Cứu bà con chạy giặc là nhiệm vụ cấp bách của nhiều đơn vị quân tình nguyện. Trung đoàn ông Nguyễn chia ra từng phân đội, súng vác vai, vai vác gạo tuồn vào ống bương cho khỏi ướt, lần rừng hú gọi người lạc rừng. Có nơi anh em gặp bà con đã đói lả trong hang đá, phải đổ cháo cho người già, con trẻ rồi mới cõng từng người ra khỏi rừng.
Có nơi cuộc cứu dân biến thành trận tao ngộ ác liệt.
Ấy là một chiều, bộ đội thuộc Đại đội 6 vừa nhô ra đầu thung lũng thì nghe tiếng trẻ con khóc thét, tiếng bà con í ới gọi nhau. Mừng quá, gặp được bà con rồi. Một đoàn người gồng gánh, mang vác vừa đi vừa chạy. Anh em ào đến giúp đỡ. Hai bên chưa gặp nhau thì một nhóm người đi lẫn trong bà con vội vàng hạ gánh, hạ gùi. Một tiếng hét lạc giọng: “Kẹo!”. Thế là súng nổ cả bốn phía. Anh em bị địch lừa bất ngờ, nhiều người ngã xuống ngay từ loạt đạn đầu. Có người kịp gỡ súng trên vai bắn trả nhưng khó biết bắn vào ai. Địch trà trộn vào dân, không thể lia từng loạt đạn, một vài anh em phải dùng lưỡi lê để chiến đấu. Những lưỡi lê ngập thân người, máu phun cầu vồng, ngập ngụa. Trận đánh sôi sục trong mưa. Sau bất ngờ bị đánh úp, anh em dần lấy lại được thế trận. Hoàn, chỉ huy đơn vị bị thương ở tay, sợ mọi người thấy địch đông, ta lại nhiều thương vong bỏ chạy, nên liên tục hô đánh tới, thà chết không hàng bọn phỉ, phải cứu bà con. Sau lời hô, tên phỉ biết đó là người chỉ huy, vung búa, bổ một phát, đầu Hoàn bị tách làm đôi, tõe về hai phía, vậy mà anh vẫn bước lên mấy bước rồi mới chịu ngã. Máu thịt vương vãi, tung tóe khắp lòng thung lũng hoa quỳ. Trận tao ngộ kinh hãi. Mãi tới khi anh em ta đang giành lại được ưu thế thì đường đột hai chiếc trực thăng vũ trang từ khe núi xồng xộc bay ra. Không ngờ bọn phỉ cũng đã hiệp đồng trước cho tình huống này. Những họng súng đại liên từ trên trực thăng cứ đầu người đội mũ cối mà bắn. Cuộc chiến dừng lại cho đến khi chiếc T-28 giội bom na-pan, đốt cháy cả thung hoa quỳ. Đêm ấy, anh em tổ công tác thương binh tử sĩ thu nhặt 16 thi thể đồng đội. Có những thi thể bị bom na-pan đốt cháy, còn lại bộ xương nhôm nhoam như củi cháy dở.
Ông Nguyễn ngồi như đá sau trận Đại đội 6 đi cứu dân bị đánh úp. Ba bữa, sáng, trưa, chiều cậu công vụ bưng cơm đặt trước mặt, ông không đụng đến đũa. Tóc ông đốm bạc chỉ sau vài đêm, còn vết sẹo trên trán đỏ giần giật như máu. Bấy giờ người chăm lo sức khỏe ông Nguyễn ngoài bác sĩ Mai điều từ bệnh viện Mặt trận xuống còn có Hiếu, tổ trưởng nuôi quân bếp trung đoàn bộ.
Bác sĩ Mai là Phó bệnh viện Mặt trận, vợ ông Đệ. Cặp này nổi tiếng đẹp đôi.
Có chuyện kể, một lần ông Đệ lên Sở chỉ huy Mặt trận làm việc, Tư lệnh hỏi:
- Anh đã qua bệnh viện thăm cô ấy chưa?
- Chưa anh ạ.
- Sao thế?
- Cô ấy cấm anh ạ.
- Cô ấy cấm hay anh cấm?
- Dạ, thực thì tôi cấm.
- Sao lại phải cấm? - Tư lệnh hỏi lại.
Ông Đệ gãi tay lên gáy:
- Dạ, thực là tôi không muốn diễu hạnh phúc của mình trong lúc mặt trận đang có nhiều anh em hy sinh.
Tư lệnh lắc đầu:
- Cậu vẫn là thằng sĩ quan học trò. Lính ra lính, từng trải sống chết, họ sẽ mừng khi thấy hạnh phúc của người khác.
Còn Hiếu cùng quê với tôi, nhà bên kia sông, hoàn cảnh lắm. Hôm nhập ngũ, Hiếu là người cuối cùng chạy ra xe ô tô đứng đợi đầu làng. Anh chàng không thể chạy vì hai đứa trẻ trứng gà trứng vịt bám hai bên ống quần. Gần đến xe, Hiếu loay hoay rút từ túi quần ra hai vốc lạc sống, đưa cho hai đứa, bảo, ăn hết rồi về nhà, đừng mách mẹ bố lấy lạc giống cho con, mẹ la. Tưởng anh chàng tí tuổi đã đống con, quanh quẩn xó bếp ăn vụng cả lạc giống của vợ thì “gọi đi” cho đủ quân số, chứ làm được nỗi gì. Vậy mà Hiếu đình đám phết. Sau mấy tháng huấn luyện anh được xếp làm nuôi quân. Cái tính nhà quê quen đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành của anh hóa ra được việc. Đơn vị sống trong rừng lúc còn đang mùa mưa, thiếu cả muối lẫn gạo, lại là dịp Hiếu tỏ cái tài lo toan cái ăn cho bộ đội. Thịt cá thì chả nói, nhưng rau củ, không khi nào Hiếu để bộ đội thiếu. Ông Nguyễn đi kiểm tra bếp ăn của một số đơn vị. thấy chỗ nào bộ đội cũng bị đói. Nhưng đến Đại đội 7 thì khác hẳn, bộ đội ăn xong còn nghêu ngao hát và đùa nghịch, đích thị là ấm bụng. Ông Nguyễn bảo tổ trưởng nuôi quân Hiếu: “Hậu cần trung đoàn có hội nghị tập huấn về chăm lo đời sống cho bộ đội, cậu là đại biểu đặc cách, mời phát biểu cách kiếm sống cho bộ đội ở rừng”. Hiếu từ chối vì không biết nói. Ông Nguyễn vẫn ép: “Cậu làm thế nào, nói thế”. Hiếu bảo: “Vậy em chỉ nói một câu là xong”.
Hiếu lóng ngóng bước lên diễn đàn trước cả trăm người. Ngẩn tò te một lúc, chàng nói: “Kinh nghiệm bòn rau rừng của tôi, là rau nào sâu ăn được, người cũng ăn được. Củ rừng cũng vậy, củ nào thú ăn được thì người ăn được. Cũng có khi tìm thấy củ trong hốc vách đá, thú không ăn trước thì tôi ăn trước, dặn anh em nếu tớ ngoẻo thì các cậu chớ đụng đến...”. Cả hội nghị vỗ tay như pháo bắn cấp tập. Sau hội nghị, Hiếu được giữ lại làm bếp trưởng trung đoàn bộ.
Một hôm Hiếu bảo tôi: “Từ nay tớ phải bồi dưỡng đặc sản để thủ trưởng lấy lại sức”. Tôi mò xuống bếp nuôi quân đang tất bật chuẩn bị bữa trưa. “Riêng thủ trưởng trưa nay ăn món bổ huyết, giãn xương cốt” - Hiếu bảo. Thì ra là món viên xương rắn rán. Hiếu kể, sáng nay anh suýt mất mạng với con cạp nong núi đá. Anh đi hái rau sớm. Vừa bước đến bãi rau mọc trên miệng hốc đá, bỗng dựng tóc gáy vì tiếng khẹc hãi hùng của loài rắn núi, khàn, căng hơi, sát khí. Chỉ cần động đậy là rắn tấn công. Hiếu đã được các chuyên gia sống lâu năm trong rừng Lào phổ biến, nên ứng dụng ngay, đứng chết cứng, trong khi con cạp nong vẫn vươn cao, cổ bạnh cỡ bàn tay xòe, sẵn sàng phun nọc độc khi bổ đầu xuống con mồi. Vị chuyên gia cà răng căng tai còn khuyên, nếu chẳng may bị rắn cắn, thì thuốc đặc trị phải nhờ các cô gái, nọc rắn mới mất tác dụng. Ở đây, lúc này, chỉ có một thân một mình, trong khoảnh khắc ngắn, Hiếu phải tính thay đổi tình thế, từ bị động sang chủ động để tránh con vật hung dữ. Quan sát Hiếu thấy, đôi mắt tròn, lồi của rắn dường như chỉ chăm chú phía dưới chân con mồi, là anh. “Thế thì mày chết với bố rồi”, vì tay cầm dao của anh vẫn có thể hoạt động. Toàn bộ sức hủy diệt của rắn độc là ở đầu. Hàm răng nhọn hoắt của rắn chỉ có hai chiếc răng nanh có lỗ thủng ăn thông với khoang chứa nọc độc ở mang là đáng sợ. Dù con mồi to gấp nhiều lần rắn vẫn làm chủ được là vì, đồng thời với bổ đầu cắn, lập tức nọc độc từ răng nanh phun vào vết thương của con mồi. Nọc độc làm con mồi không thể chống trả, xương và cơ mềm dần, thành khẩu phần cho rắn. Hiếu nói với tôi, tình huống với anh bấy giờ như đã rút chốt quả lựu đạn, phải ném ngay, chứ chậm vài giây là lựu đạn nổ trên tay. Đứng yên, nhưng cơ bắp thì vận động. Bao nhiêu sức dồn vào bên tay cầm chuôi dao. Thoắt một cái, như tia chớp, hoặc nhanh hơn thế, Hiếu lia lưỡi con dao quắm quen thuộc của người Mông, cắt ngang cổ con rắn. Đứt lìa đầu, nhưng rắn vẫn chống trả quyết liệt, văng thân quấn lấy một bên đùi Hiếu. Rắn mất đầu thì còn làm được trò trống gì. Mặc. Hiếu cứ để con rắn quấn một bên đùi, đi trong rừng. Đi một đoạn, con rắn tuột khỏi đùi, Hiếu nhặt xác rắn quấn một vòng quanh cổ như cái phu la, về nhà. Hiếu cho tôi thử trước một viên rắn rán.
Tôi bảo:
- Ở mặt trận mà được anh Hiếu bồi dưỡng thế này, ở suốt đời cũng được.
Hiếu vằn mắt:
- Cậu nói gở bỏ mẹ. Đánh đấm mà kéo dài thì con tớ thất học à?
- Bà xã anh đi đâu? - Tôi hỏi.
Hiếu lắc đầu:
- Chổng mông lên trời ngoài ruộng cả ngày chứ còn đi đâu. Nó ham công tiếc việc, giữ con bé lớn ở nhà chăn bò, không cho đi học, khổ thế chứ lỵ.