Ngày cuối của cuộc hành trình chúng tôi về Phôn Sa Vẳn, thị xã của tỉnh lỵ Xiêng Khoảng. Chủ tịch tỉnh Xiêng Khoảng Phu-mi Thíp-phạ-vôn tiếp chúng tôi tại nhà riêng, kiểu đón người thân lâu ngày gặp lại theo tục lệ của người Lào. “Xin các anh tự nhiên như ở nhà” - Ông chủ tịch nói vậy và bày rượu, ông tự rót cho mình một ly uống chào hỏi và chúc mừng gặp mặt những người anh em, rồi sau đó mới đến thứ tự khách trước, chủ sau, lần lượt ực một hơi, khà một tiếng, nghiêng miệng chén để mọi người biết trăm phần trăm rồi nhé. Xong vòng rượu thứ nhất coi như hoàn tất màn chào hỏi gặp mặt quen thuộc của người Lào.
Nhưng ở nhà Chủ tịch Phu-mi, một người vui tính xem ra màn chào hỏi cách rách hơn. Sau lời chào của ông chủ nhà, đến lượt bà chủ xuất hiện. Như tất cả phụ nữ Lào khoan hòa và thịnh tình khi tiếp khách, bà lết hai đầu gối trên sàn nhà trước mặt khách xin được cạn một ly mừng họp mặt, rồi lần lượt dâng rượu mời từng người. Lời mời dịu dàng, thân ái đến mức khó lòng từ chối...
Qua vòng rượu thứ hai tưởng màn chào hỏi đã kết thúc, nào ngờ cô gái cả ra chào khách. Cô giống một vũ nữ, tóc búi lệch, tấm phạ phe choàng qua vai. Như mẹ hiền thảo thế, dịu dàng thế, cô chúc sức khỏe mọi người bằng cụng ly. May thay hôm đó nhà có mấy người đi vắng, chứ nếu đủ mặt con cháu thì không biết đến khi nào cuộc chào mới xong để đến lượt khách đáp lễ...
Năm hoặc sáu lần khà rồi thì phải. Hơi men bắt đầu thấm tháp. Chuyện nở như ngô rang. Đã có người ngả nghiêng... Chủ nhà lại dốc ngược chai lần nữa. Vui lên các anh ơi. Ông khuyến khích, và bắt đầu kể những câu chuyện dân gian Lào hóm hỉnh. Chuyện vợ chồng, trai gái. Chuyện những anh chàng sợ vợ, những chàng tham lam, háu gái và tự biếm hoạ luôn cả mình để gây cười...
Rồi đột nhiên ông đứng dậy. Ông sẽ hát? Người Lào thường vẫn thế, để làm cho khách vui họ đem cả tiếng hát và múa lăm vông vào bữa tiệc. Nhưng không, ông bần thần ngồi xuống. Men rượu đã vừa đủ để ông đi xuyên qua được cả núi công việc của người đứng đầu tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào - Những công việc mà ông thường phải làm đến 15 giờ một ngày - để đặt được bàn chân lên con đường rừng thời chiến tranh.
Mùa mưa năm bảy lăm, một sớm, một chiều bom giội cả Cánh Đồng Chum hoang tàn. Những người Lào bỏ làng bản chạy vào rừng phía đông. Phía sau họ là Cánh Đồng Chum gầm réo, tiếng trực thăng đổ quân và đồn địch bọc thép gai xù ra như nhím.
Phu-mi là thầy giáo. Anh giáo trẻ lặn lội qua các cánh đồng bom đạn tìm gọi các em nhỏ, tập hợp chúng lại mở lớp dạy ngay trong rừng kháng chiến.
Lại đến lúc bom đạn đánh rát quá. Và đói, không thể ngồi yên dùi mài chữ nghĩa, cả thầy và trò hoá một đội quân quay lại chiến trường. Đội quân làm ngàn công việc như những người lính thực thụ: Vác gạo, tải đạn, cứu chữa thương binh, cứu đói những người mắc kẹt trong rừng sâu hang đá. Lại cũng có lần thầy trò lần về bản cũ, bới trong đống tro tàn vớ được chiếc chuông chùa, hò nhau khiêng lên rừng để có đêm bỗng gióng lên một hồi cho những người Lào lang thang chạy giặc đỡ nhớ về bản cũ.
Những ngày bom đạn rồi cũng qua.
Thầy giáo Phu-mi và đội thiếu sinh quân của thầy gặp những người lính tình nguyện vừa thắng giặc trong triền núi nở vàng rộm hoa quỳ. Họ ôm lấy nhau mà khóc, rồi gõ vào bất kỳ thứ gì có thể gõ lên nhịp Hoa Chăm pa ơi... Những bàn chân lăm vông giẫm nát cả vạt rừng.
Thầy giáo Phu-mi ngày ấy, giờ là Chủ tịch Xiêng Khoảng. Một ông Chủ tịch nặng lòng về quá khứ. Chủ tịch Phu-mi nắm lấy cả hai tay ông Nguyễn: “Nơi chúng tôi không một con đường nào, đỉnh núi nào ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng không từng thấm máu các chiến sĩ Việt Nam... Chỉ riêng trên vùng núi bao quanh Cánh Đồng Chum đã có hàng vạn chiến sĩ tình nguyện Việt Nam hy sinh. Vì thế, mấy chục năm hòa bình rồi, cứ mùa khô đến là anh em bộ đội Việt Nam lại lên núi đi tìm hài cốt đồng đội. Vào đêm trong trời, bà con ở thị xã Xiêng Khoảng vẫn nhìn thấy những đốm lửa như sao trên lưng núi. Đó là lửa sưởi ấm anh em đi tìm hài cốt đồng đội. Mỗi khi thấy đốm lửa ấy, nhà chùa dóng chuông để các bà, các cô nhìn lên núi nguyện cầu cho linh hồn các anh bộ đội Việt Nam được bình an”.
Chủ tịch Phu-mi đang nói bỗng tiếng chuông nhà chùa vọng đến. Nghe thấy tiếng chuông, bà Phu-mi và con gái vội bước ra hiên nhà. Ở đó hai mẹ con bà Phu-mi chắp tay hình búp sen trước ngực.
1971 - 1992 - 2018
Nhà sáng tác Đà Nẵng, Nha Trang