L
ần đầu tiên tôi được nhìn thấy nhà thờ Tháp Đôi là mùa hè năm tôi học lớp 3. Lần đó, tôi được ba chở đi coi đá banh giữa đội bóng làng tôi với đội bóng làng Xuân Viên - Quảng Trị. Ngang qua làng Thanh Hương, ba chỉ nói: “Nhà thờ Tháp Đôi đó con!” Thằng bé tôi khi đó đã sửng sốt khi nhìn thấy giữa những lũy tre của làng quê mọc lên một kiến trúc lạ, vừa cổ kính lại vừa hiện đại và rất đẹp; đó là hai tòa tháp cao đã nhuốm màu thời gian. Trong đó, một tòa tháp cao vút vẫn còn khá nguyên vẹn và một tòa tháp bị chặt đứt ngọn mà sau này tìm hiểu tôi mới được biết là do bị trúng bom trong một trận càn của lính Pháp về vùng quê này...
Kiến trúc này tôi đã mấy lần được nhìn qua phim, qua mấy tờ báo ảnh; nhưng ngoài đời thì đúng là tôi mới được thấy lần đầu và không ngờ nó lại tọa lạc ở một vùng quê nghèo xa ngái thành thị như làng Thanh Hương. Nhìn sự cổ kính, rêu phong và cả chút nào đó hoang phế nữa của hai tòa tháp của nhà thờ Tháp Đôi, tôi như thấy được sự ngưng đọng của thời gian với một cảm giác vui buồn lẫn lộn...
Nhà thờ Tháp Đôi là tên gọi dân gian để phân biệt với một nhà thờ nữa ở làng Hương Lâm gần đó, là nhà thờ Tháp Một. Nếu gọi tên chính xác phải là nhà thờ Thanh Hương và nhà thờ Hương Lâm. Cả hai nhà thờ này đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc...
Thực tình thì tôi chỉ nhìn nhà thờ Tháp Đôi từ bên ngoài ở hai tòa tháp chứ chưa một lần đặt chân vô. Bạn tôi quê ở Thanh Hương là người theo Công giáo, nhà ở ngay nhà thờ Tháp Đôi này kể rằng: “Ba tau có mấy lần lên tham gia sửa chữa mấy cái tháp nhà thờ. Trời nóng như đổ lửa nhưng trèo lên trên đỉnh tháp thì lạnh luôn...”
Vùng quê Thanh Hương của bạn là một vùng nông thôn có đông đồng bào Công giáo sinh sống. Bạn sinh ra trong một gia đình theo đạo, tính tình luôn xởi lởi, nói năng rất hài hước nên thả mô cũng sống được; rứa mà chuyện duyên số lại buồn. Có điều bạn luôn là một người ngoan đạo... Có lần, gần dịp Noel về làng Thanh Hương, gặp bạn, bạn nói đang chuẩn bị cho buổi tiệc đêm Giáng Sinh. Tôi chợt nhớ là đã lâu rồi không nghe tiếng chuông nhà thờ Tháp Đôi ngân vang khi mùa Giáng Sinh về.
... Đó là những buổi chiều sương lạnh cuối năm, lên ở nhà bạn chơi, tôi đã được nghe tiếng chuông lảnh lót, tiếng cầu kinh trầm buồn và tất nhiên, nghe nhiều rồi cũng thuộc được những thanh điệu và lời cầu kinh quen thuộc của bà con xóm đạo Thanh Hương. Cùng với âm thanh gần gũi, trầm ấm của tiếng chuông chùa làng thì âm thanh của tiếng chuông nhà thờ cũng đã đi vào ký ức của những người dân quê, trong đó có bạn và tôi.
Mấy đứa nhỏ ở gần nhà thờ Tháp Đôi gọi tiếng chuông nhà thờ theo âm thanh của nó là tiếng “kòng kèng”. Tiếng “kòng kèng” vang lên rộn rã vào lúc bảy giờ tối và năm giờ sáng để gọi bà con xóm đạo đi lễ nhà thờ. Không như chuông chùa, người thỉnh chuông dùng đùi thong thả thỉnh từng tiếng một ngân dài; chuông nhà thờ được treo trên cái gác xây cao và người ta dùng dây để kéo quả lắc chạm vào bên trong thành chuông làm âm thanh bật lên dồn dập, vang động.
Tôi nhớ những lần cuối tuần lên trú chơi nhà bạn, buổi sáng Chủ nhật, khi mở mắt ra thì cả nhà bạn đều đi đâu cả. Hỏi ra mới biết là họ đi lễ nhà thờ. Cái nếp sống của một gia đình Công giáo đã ăn sâu vào ý thức của bạn. Sau này, không còn sống ở quê nữa, bôn ba ở Sài Gòn nhưng dù có bận rộn hay chơi bời khuya đến mấy nữa thì cứ sáng Chủ nhật, bạn tôi vẫn thu xếp dậy sớm đi lễ nhà thờ.
Đã lâu rồi không gặp lại bạn cho dù vẫn nói chuyện với nhau qua facebook. Mùa Noel đang về làm tôi nhớ những buổi chiều ở làng Thanh Hương, nghe tiếng chuông nhà thờ đổ đều từng giọt rơi rung rinh giữa không gian làng mạc thật yên ả. Mà làng Thanh Hương - cái tên nghe như tên một người con gái ấy luôn để lại trong tôi những kỷ niệm thật hiền. Tôi vẫn còn nợ một cái hẹn đón Noel ở làng Thanh Hương cùng bạn, để nghe tiếng chuông khuya đổ từ nhà thờ Tháp Đôi...