C
àng nắng nóng gay gắt làm tôi càng nhớ những bụi tre, bờ tre của xóm cũ. Trưa mùa hạ, trong một lần ra khỏi thành phố, tôi đã được ngồi dưới một bờ tre cán giáo xanh mát ở một làng quê để nhớ lại, cảm lại những trưa hè quê cũ khi mà nông thôn chưa có điện và những bờ tre đã che mát cho con người hiền hòa như thế nào...
Một anh bạn đùa khi tôi cứ đưa chiếc điện thoại lên bấm lia lịa chụp mấy bụi tre xanh: “Chú cứ chụp mấy bụi tre nhiều vô để viết chuyện ‘Sau lũy tre làng’, bao nhiêu là chuyện!” Tôi biết ngụ ý của anh là những chuyện buồn hay hủ tục của làng quê sau lũy tre làng. Nhưng tôi lại nghĩ khác, sau lũy tre làng thân thương ấy là tình làng nghĩa xóm, là tối lửa tắt đèn, là cách ứng xử hài hòa chan chứa của người dân nông thôn với vạn vật chung quanh từ bờ tre đến giếng nước, cầu ao... Tôi thấy làng quê này đang thật may mắn còn giữ được bờ tre và ngẫm thật buồn vì những bờ tre của làng tôi đã không còn nữa từ mấy năm rồi.
Quê tôi gọi loài tre này là tre cán giáo. Đó là giống tre thân nhỏ, cành không có gai và cây chen san sát nhau thành từng bụi to. Tre cán giáo có thật nhiều công dụng với nhà nông. Trước hết, thân tre dùng để làm cán cho các loại nông cụ từ cuốc, cào, chổi hay bộ tròn trào. Tre cán giáo còn dùng để gác giàn bí giàn bầu hay cả giàn bếp...
Ở ngã ba đầu xóm Kế của tôi có bốn bụi tre cán giáo bóng mát mùa hè để người già và lũ trẻ hóng gió. Vui nhất là chuyện hồi nhỏ, chúng tôi lấy những chiếc mo nang từ thân tre cắt ra làm chong chóng quay tít trong ngọn gió nam. Những bụi tre cán giáo thân thuộc đó không biết bị canh bỏ từ bao giờ.
Mới đây đọc trên facebook của một người bạn kêu gọi người quê đóng góp để bê tông hóa một con đường đất. Tôi nhắn bạn chớ chặt bờ tre hai bên đường uổng lắm. Bạn nói sẽ bằng mọi cách giữ lại, nghe thật mừng. Nóng quá mà nghĩ chừ về quê chắc cũng phải bật quạt vù vù chống nóng thôi chứ bờ tre mô nữa mà hóng gió. Giá mà xóm quê của tôi còn giữ lại được những bờ tre...
Lâu rồi tôi không thấy lại lũ chim chèo bẻo. Hồi xóm tôi còn những bờ tre dày, cứ vài ba ngày lũ chèo bẻo lại về làm náo động cả lên. Lũ chim sâu, chim sẻ chắc chắn thấy chèo bẻo là phải núp rồi nhưng cỡ diều hâu hay quạ gặp đàn chèo bẻo cũng phải sợ. Lũ chim lông đen đuôi dài, mắt sắc này rất giỏi gây chiến và rất đoàn kết; chúng mà đánh nhau với bất cứ loài chim nào thì chỉ có từ thắng đến thắng. Đánh nhau xong, chèo bẻo hội quân trên mấy ngọn tre kêu ồn ào một chập nữa mới chịu bay đi.
Xóm tôi, tre cán giáo ít được trồng hơn giống tre gai. Tre gai là cách gọi của tôi chứ thực tình tôi không biết giống tre quen thuộc của làng tôi thân thẳng, cao và cành có gai được gọi là tre chi. Giống tre này được gọi là tre, không có tên đệm để phân biệt với tre cán giáo, tre là ngà hay mung, hóp...
Hồi đó, có giàu sức tưởng tượng đến mấy thì những người làng cũng không ai có thể nghĩ đến chuyện một ngày nào đó xóm tôi, làng tôi sẽ mất đi những bờ tre xanh. Đứng từ cánh đồng làng nhìn về phía làng là thấy cả một rừng tre xanh ngút khổng lồ. Những ngày gió nam nóng kéo qua làng, những ngọn tre quắp lại, bạc đi nhưng tre không bao giờ chết vì hạn hán. Nhà chú Trai đầu xóm tôi cả ba mặt là những bờ tre. Bờ tre đó nối nhau, kéo dài từ nhà này sang nhà khác đến truông độn cát. Và ngay ở cái lùm sát cạnh truông độn cát của nhà ông cố tôi và nhà ông Trung cũng là những lùm mung hay còn gọi là lồ ô. Những cây mung nhỏ có lỗ ở thân được lũ con nít yêu thích vì chúng là vật liệu để làm súng bắn hột bì lời nổ lép bép, một trò chơi vô cùng hấp dẫn của trẻ con nông thôn hồi đó. Tôi nhớ có lần lủi lên lùm của ông cố chặt mung, tôi và thằng Hùng “bọp” bị lũ ong vò vẽ tấn công chạy bán sống bán chết, nhưng cũng không thoát. Thằng Hùng “bọp” bị châm một phát lên mí mắt còn tôi bị ngay vai đau điếng.
Trở lại với những bờ tre xanh mát hai bên lối xóm quê tôi. Cứ bên bờ tre, nhà mô cũng đào một con mương để thoát nước mùa mưa và cũng để rễ tre không ăn sâu vào vườn sẽ lấy chất đất của những vồn rau, vồn cà. Cái bờ ao đó cũng mang lại nhiều thú vị cho tuổi thơ của tôi và bè bạn trong xóm. Mùa mưa nước đầy để lũ cá, ếch, nhái về ở. Mùa nóng ao khô nhưng đất ẩm cũng là chốn nương nhờ của giun, dế. Bờ ao còn là bờ xanh của mấy cây lá lốt, mấy bụi riềng, là những món gia vị ngon trong bữa ăn hàng ngày của mỗi nhà.
Khi mô rễ tre đâm ra trắng bờ ao là biết trời sắp có mưa. Rồi tre đâm những ngọn măng trên cành gọi là măng vòi. Măng vòi muối chua, nấu canh với các loài cá đồng hoặc xào với con trìa là món ngon khó cưỡng. Để bây chừ, mỗi lần về quê, tôi vẫn không quên ghé qua chợ Nịu mua măng vòi muối chua và thêm vài ký trìa phá Tam Giang. Tôi nhớ ngày xưa trời nóng nực, xúc chén cơm chan canh măng vòi nấu với cá rô đồng ra ngồi bờ tre bên nhà, gió hiu hiu lay mấy ngọn tre vừa đủ mát. Vừa ăn vừa nhìn con chim gõ kiến kêu “chạch, chạch” cần cù gõ mỏ vô thân tre bắt kiến...
Quê tôi có câu thành ngữ: “Đêm nghe chó - Ngày ngó tre.” Câu này đại ý là chỉ cần nghe tiếng chó sủa vào ban đêm, nhà nào chó sủa to, rõ biết là nhà có của, nuôi được giống chó tốt lại cho chúng ăn uống đầy đủ. Còn ban ngày chỉ cần nhìn hàng tre, nhà nào tre dày san sát, thân tre to, thẳng đều đích thị là nhà có của ăn của để. Cũng có thể hiểu, nhà giàu thì cái hàng rào phải kín, phải cao, ngó tre là biết... Hồi xưa, tre còn được bán cho người dân làng biển. Những ngư dân muốn đóng mới hay tu sửa ghe thuyền thì phải mua tre tốt ở các làng ruộng. Thường những nhà có điều kiện thì họ chẳng bán tre làm chi, chỉ có những nhà nghèo mới bán tre để đong gạo khi mùa giáp hạt tới. Cũng vì thế, tre tốt là bờ tre nhà giàu...
Lại nhớ những lần nhà tôi chuẩn bị lợp lại mái nhà tranh đã bị dột mùa mưa. Từ trước khi lợp nhà khoảng chừng nửa năm, ba tôi chọn những cây tre đực thân đã ngả màu vàng xanh, đốt dài, chặt xuống và vác lên hồ đầu xóm để ngâm tre. Ngâm như thế tre sẽ tăng thêm độ bền và nhất là chống được mối mọt. Rồi đến gần ngày lợp mái nhà, ông cố xuống giúp ba tôi chọn những cây tre cái để chẻ lạt. Chẻ lạt lợp nhà là cả một nghệ thuật mà chỉ những người khéo tay và có kinh nghiệm như ông cố mới làm được. Những sợi lạt tre dài được ông cố trau chuốt nhìn rất đẹp mắt.
Hồi nhỏ, tôi hay ngồi lê la nhìn mấy người già làm việc để được nghe họ kể chuyện. Ông Giảng là ông ngoại của thằng Lợi cạnh nhà tôi cũng là một thợ tre. Ông chẻ lạt, đan rổ rá dần sàng và cả đóng cối xay lúa từ tre đều rất tinh xảo. Ông vừa làm việc vừa đọc vè, kể chuyện cho lũ con nít nghe. Bài vè của ông về tên 100 loài cá thiệt hay mà lâu quá nên tôi chẳng còn nhớ nổi một câu nào. Nhưng câu chuyện ông đạt giải nhất trong một cuộc thi kéo cày thì tôi còn nhớ được. Cái thời chàng trai Giảng mới lớn lên, cả vùng chỉ có mấy con trâu của nhà địa chủ nên ai mạnh khỏe phải kéo cày thay trâu. Ông Giảng kể một ngày ông kéo cày đến ba sào ruộng, ăn một bữa hết mấy đấu gạo. Trong lần thi thố của các chủ đất, ông Giảng đã thắng các thợ kéo cày còn lại trong vùng và được thưởng mấy thúng lúa...
Cũng như ông cố hay ông Giảng, làng tôi hồi đó có những thợ tre. Chủ nhà kêu họ đến nhà để đốn tre đóng cối xay lúa, đan vạt giường hay nôi tre cho con trẻ... Họ làm như vậy cũng chỉ lấy đôi ba đồng tiền công nhưng cơm nước thì phải có mấy món ăn theo cách nói của người quê là già dặn chút, nghĩa là phải có chút thịt, chút cá tươi tươi...
Hồi đi học, tôi thuộc mấy câu trong tùy bút của nhà văn Thép Mới: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín...” hay “Cối xay tre nặng nề quay, từ ngàn đời nay xay nắm thóc...” Tôi vẫn thích nhất những căn nhà ở làng quê được bao bọc bởi những bờ tre cạnh những thửa ruộng. Khi lúa chín vàng thì đó là một bức tranh thôn dã hiền hòa, trù mật. Ngày mùa, nông dân gặt lúa ngồi nghỉ mát dưới bóng tre. Người nông thôn từ bao đời nay đã biết ơn những bờ tre che chắn. Tôi còn nhớ cơn lụt lớn năm 1983, ba tôi đã bám vào những thân tre để bồng bế bà nội và lũ con đến nơi tránh lũ. Khi nước rút rồi, những vật dụng trong nhà trôi ra vườn đã được bờ tre giữ lại cho người...