C
ó thằng bạn học của tôi hồi ni cứ ưa dùng cái câu: “Thì tui nói trữa rứa đọ!” “Trữa” là từ địa phương xứ Huế của từ “giữa”. Câu ni lối trước hay nghe lắm, nhất là mỗi khi họp đội, họp đoàn hay khi chạp giỗ chén chú chén anh ở làng quê. Giữa đám đông, có ai đó nói ra một câu chi hơi đụng chạm người khác chút, có người phản ứng, anh ta liền chống chế lại: “Thì tui nói trữa rứa đọ, ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi; đứa mô có tật thì giật mình!”
Ngôn ngữ địa phương nghe buồn cười như rứa nhưng mỗi khi gặp lại chợt kéo về cho mỗi người từng sinh ra và lớn lên từ làng cả một khoảng trời ký ức của một ngôi làng, một vùng đất; của những người thân vẫn còn hay đã khuất…
Ngồi lại với bạn học cũ, nghe thằng bạn ví von: “Ui chầu chầu, hai thằng bây thấy con Thắm là cứa loay quay như con trâu mà đạp dây mụi.” Con trâu ở quê tôi thường được xâu cái khoanh thép hình tròn trước mũi (mụi) để dắt đi dễ dàng khi cày bừa, khi đạp lúa ngày mùa. Thỉnh thoảng con trâu thường đạp sợi dây mụi khi nó ăn cỏ hoặc khi được cột vào gốc cây để nghỉ ngơi, nhìn nó cứ loay quay, lộn lui lộn tới rất buồn cười… Một thằng bạn khác bị trách: “Mi là khoai rồi, cưới vợ mà không mời tau!” liền lanh trí độp lại bạn mình: “Ở quê tau chi chơ khoai với môn thì đầy!” rồi cùng cười...
Nhưng vui nhất là chuyện về một lão nông đi qua nhà hàng xóm thấy mấy dĩa thịt vịt luộc ngon lành chuẩn bị vô mâm của mấy chú thanh niên. Chủ nhà mời: “Mời bác nhấm nháp với tụi tui tí cho vui,” liền xua tay từ chối đây đẩy: “Thôi mấy chú cứ tự nhiên cho, chi chơ thịt vịt, nhất là vịt xiêm tui không ưa chút mô cả, ăn vô phong mề đay nổi đầy người!” Tưởng rứa là xong, nhưng nấn ná chút khách lại nói: “Ui chào nhìn mấy trái ớt ngon hè, chén nước mắm thấm hè. Nì thấy ớt với nước mắm ngon quá thôi thì tui mần với mấy chú mấy miếng, khổ rứa đọ!”
Hồi nhỏ ở quê, tôi nghe cô Nhạ hàng xóm của nhà tôi kể chuyện những ngày đầu mới hòa bình, cô từ Hà Tây theo chồng (là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954) về quê chồng sinh sống; nghe người trong xóm sai con: “Mi lấy cấy chủi ra mà xuốt cươi đi!” (Mày lấy cái chổi ra mà quét sân) hay có mấy đứa con nít nói với nhau “Côi trốt mi có con chí!” (Trên đầu mày có con chấy) là chẳng hiểu mô tê chi cả. Nhưng chừng mấy tháng sau, sống với bà con chòm xóm quê chồng thì cô đã nghe và hiểu được giọng quê trọ trẹ miền Trung.
Từ “cươi” (sân) chừ ở mấy vùng nông thôn xứ Huế e cũng chỉ còn vài người già là vẫn hay dùng. Hôm qua có người bạn chụp ảnh cái sân ở quê nhà và chú thích là: “Ngoài cươi”; lại có cô bạn comment là “Côi cươi đưới rọn” (trên sân dưới ruộng), thấy vui vui lạ…
Nhớ những buổi chiều tà mùa hạ, trời nóng nên nhà mô cũng dọn cơm ra trữa cươi mà ăn buổi tối. Mà ăn cơm trữa cươi thì phải lấy mấy cái đòn ra mà ngồi. Đòn là mấy cái ghế nhỏ thấp. Ở nông thôn xứ Huế thì nhà mô cũng đóng vài ba cái đòn bằng gỗ để lót ngồi ăn cơm, cũng là một thứ đồ chơi cho mấy đứa con nít nhà quê.
Cái cươi mà bạn chụp ở quê là cái cươi mới xây dựng bằng bê tông sau này. Hồi trước nhà mô khá giả mới có cươi bằng gạch nung, còn phần lớn là những cái cươi được đắp bằng đất sét. Cươi bằng đất sét mà mưa xuống thì trơn, đó cũng là một điều kiện lý thú để mấy đứa con nít quê tôi rủ nhau chơi trò “trượt băng” trên đất, một buổi thay hết mấy cái quần đùi…
Nhưng công dụng lớn nhất của cái cươi là để chất lúa, đạp lúa rồi phơi lúa khi ngày mùa tới. Nhớ nhất là cảnh lúa cắt từ rọn (gặt từ ruộng) về xếp thành vòng tròn trữa cươi trước nhà rồi dắt trâu lên đạp. Tôi cũng mấy lần được dắt trâu đạp lúa trữa cươi khi ba tôi giải lao uống nước; những âm thanh “tắc, ri, hò” để điều khiển trâu đi tới, đứng lại, đi vòng quanh; rồi cả tiếng kêu “trâu ẻ…” khi chú trâu đột ngột dừng lại, cong cái đuôi lên để giải quyết chuyện riêng tư của mình, nghe thiệt quen thương lắm; nó gắn liền với mùi lúa mới, với cuộc sống ngày mùa vui thôn dã của quê tôi. Chuyện tưởng chừng như mới đó thôi mà chừ đã thành xa lơ xa lắc…