1. Báo cáo của một giáo viên ở Kobe
Cho phép tôi được bắt đầu với bài báo cáo của cô N, giáo viên một trường tiểu học tại Kobe. Sau khi tham gia buổi hội thảo về não phải dành cho giáo viên tiểu học, cô N đã áp dụng các bài tập tưởng tượng trong lớp và áp dụng tại nhà với con mình.
Con trai của tôi, Y, đã mất hết hứng thú học tập sau khi vào trường trung học và kết quả học tập của cháu chỉ đứng thứ một trăm trên tổng số một trăm mười tám học sinh khối Bảy. Giáo viên của cháu thậm chí còn gợi ý chúng tôi nên chuyển cháu sang trường khác. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi đã may mắn biết đến phương pháp giáo dục não phải. Hiện giờ, con tôi là một học sinh lớp Mười rất năng động và tôi thực sự cảm thấy biết ơn ông về điều đó.
Sự thay đổi này được nhen nhóm từ khi cháu tham dự bài diễn thuyết của ông trong buổi hội thảo đầu tiên về não phải. Hiện tại, cháu đứng ở top đầu của lớp trong những môn học mà cháu yêu thích như ngôn ngữ, văn học cổ điển, lịch sử Nhật Bản và lịch sử thế giới. Cháu còn đạt giải thưởng và đứng thứ mười lăm trong tổng số 54.710 học sinh ở kỳ thi thử cấp quốc gia về tiếng Nhật. Tuy nhiên, điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất chính là tạo dựng được mối liên kết và sự thấu hiểu sâu sắc giữa hai mẹ con. Cảm ơn ông rất nhiều.
Tôi cũng muốn chia sẻ với ông rằng tôi đã áp dụng phương pháp giáo dục não phải không chỉ để dạy con mà còn trong công việc của tôi ở trường tiểu học. Những em học sinh lớp Hai của tôi và cả ba mẹ các em đều rất vui mừng với những kết quả đạt được trong năm học này. Tôi bắt đầu dạy hoạt động tưởng tượng vào học kỳ đầu tiên của tháng Năm, tập trung vào việc luyện tập để phát triển khả năng tưởng tượng của học sinh. Đến kỳ thứ hai, tôi rèn luyện cho các em khả năng mô tả lại hình ảnh trong đầu mình thông qua vẽ tranh, viết, áp dụng hoạt động tưởng tượng khi học bài và chơi thể thao. Trong kỳ thứ ba, chúng tôi học cách đọc nhanh.
Vào mỗi thứ Hai trong suốt kỳ học đầu tiên (giờ học đạo đức), tôi sẽ giới thiệu một phương pháp mới và sau đó, chúng tôi tiếp tục học phương pháp đó mười phút mỗi ngày trong thời gian sinh hoạt lớp đầu giờ.
Tuần một: Hướng dẫn cách dùng thẻ đọc tốc độ nhanh (thẻ luyện mắt)
Tuần hai: Hướng dẫn cách sử dụng thẻ luyện viết
Tuần ba: Hướng dẫn cách đọc và nghe nhanh
Tuần bốn: Dành toàn bộ thời gian tiết học để dạy cách học thuộc lòng
Chúng tôi bắt đầu giờ sinh hoạt lớp với hoạt động thiền, tiếp theo là hít thở sâu và nói những câu gợi ý tích cực. Tôi thường sử dụng những gợi ý tích cực tùy thuộc vào từng hoạt động khác nhau, ví dụ như: “Tất cả những gì mà con học được ngay lập tức in sâu vào trong đầu con và con có thể tìm thấy nó bất cứ khi nào con cần”, “Những từ ngữ trong quyển sách này hiện ra trước mắt con”, “Con viết thật là đẹp”, “Con chạy rất nhanh trong cuộc thi marathon mà không bị mệt”. Sau đó, tôi để cho học sinh thực hiện một trong các phương pháp mà tôi đã lựa chọn từ luyện mắt, viết, nghe nhanh đến đọc thuộc lòng (giáo viên hướng dẫn phải luôn luôn ghi nhớ rằng gợi ý tích cực và thực hiện hoạt động tưởng tượng là hai yếu tố đặc biệt quan trọng).
Chỉ sau một tháng, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất khả quan dưới đây:
1. Các em có thể đọc sách nhanh và không những thế, chúng còn rất thích đọc.
2. Một số học sinh có khả năng nhìn thấy hình ảnh những trang sách hiện lên trong đầu khi chúng đọc thuộc lòng.
3. Rất ít bé ốm hay vắng mặt.
4. Ba mươi trên tổng số ba mốt học sinh có thể nhìn thấy hình ảnh tưởng tượng trong đầu.
Đồng nghiệp của tôi cũng bắt đầu cảm thấy hứng thú với phương pháp giáo dục não phải này và bắt đầu áp dụng nó trong lớp học của họ.
Khi hoạt động tưởng tượng được thực hiện hàng ngày trên lớp, trẻ sẽ trải qua một sự thay đổi lớn nhờ não phải vốn trước đây không được sử dụng nhiều thì nay đã được kích hoạt.
Như đã mô tả ở các trang trước, có rất nhiều khả năng kỳ diệu tiềm ẩn bên trong não phải. Kết hợp tưởng tượng trong hoạt động hàng ngày trên lớp giúp khơi dậy khả năng tiềm tàng đó và tạo ra những kết quả hoàn toàn khác biệt. Cách hiệu quả nhất để giới thiệu hoạt động tưởng tượng trong lớp học là chuẩn bị cho học sinh một bài học theo quy trình ba bước sau:
1. Thiền tập
2. Hít thở sâu
3. Gợi ý tích cực và tưởng tượng
Trong hoạt động thiền, hãy dạy trẻ tự nói những gợi ý tích cực với chính bản thân mình, “Hãy nhắm mắt lại và mình đang cảm thấy hoàn toàn tĩnh lặng và yên bình”. Sau một phút thiền tĩnh lặng là bài tập hít thở sâu mà không mở mắt theo từng nhịp tám giây. Đầu tiên, hãy để trẻ thở ra trong tám giây, đẩy ra khỏi cơ thể tất cả những cảm xúc tiêu cực. Sau đó lại hít vào thật sâu khoảng tám giây, cảm nhận cơ thể đang đón lấy nguồn năng lượng tích cực từ vũ trụ và làm mới toàn bộ cơ thể và tâm trí. Trẻ tưởng tượng ra hình ảnh của chính mình đang tràn đầy năng lượng và sự tự tin. Lúc này, cần hướng dẫn trẻ nên tập hít thở sâu không phải bằng ngực mà bằng bụng.
Sau đó, trẻ nên giữ hơi thở trong tám giây trong khi giáo viên sử dụng những gợi ý tích cực để giúp chúng nhìn được hình ảnh mà mình muốn. Đó có thể là một hình ảnh tích cực về não bộ các em có khả năng lĩnh hội mọi thứ được học trên lớp hay một hình ảnh về bản thân các em nhận được điểm tối đa trong bất cứ bài kiểm tra nào. Hình ảnh tưởng tượng giành chiến thắng trong một giải đấu thể thao hay hình ảnh chúng tự chữa khỏi bệnh cho mình cũng rất hiệu quả.
2. Báo cáo của H, một giáo viên ở Kochi
Đây là một lá thư chia sẻ khác mà tôi muốn giới thiệu với các bạn:
Cảm ơn những chỉ bảo tận tình của giáo sư đối với chúng tôi từ trước đến nay! Tôi nghe nói giáo sư sẽ đến Kochi vào ngày hai mươi ba tháng Ba và tôi đã lên kế hoạch chia sẻ với giáo sư rất nhiều thứ vào thời gian đó. Tuy vậy, tôi vẫn muốn viết thư trước để kể với giáo sư về kết quả tốt đẹp của quá trình áp dụng hoạt động tưởng tượng trong dạy học mà giáo sư đã hướng dẫn chúng tôi vào chuyến thăm hồi tháng Chín.
Một phần do tôi phải nghỉ vì mang bầu và chăm sóc con nhỏ, đội chơi của chúng tôi không có nhiều thời gian được đào tạo từ căn bản và chỉ gồm sáu thành viên. Chúng tôi đã thua trong trận đấu đầu tiên và gần như đã bị loại khỏi giải đấu. Điều này làm tôi cảm thấy rất tồi tệ. Nhưng tôi bắt đầu từ từ đưa hoạt động tưởng tượng vào trong các giờ luyện tập và kết quả là, trong các trận đấu cấp thành phố và cấp quận vào tháng Hai, chúng tôi đã đánh bại tám đội chơi hay nhất và bất ngờ trở thành nhà vô địch!
Tôi chỉ hướng các thành viên trong đội tập trung vào hai điểm duy nhất, đó là: chơi bằng cả trái tim (để cổ vũ mọi người và chính bản thân mình chơi hết sức) cũng như tự thuyết phục rằng mình hoàn toàn có thể làm được (để loại bỏ tư tưởng và suy nghĩ “Tôi không thể làm được”). Tôi cũng nói với cả đội rằng hãy hình dung về trận đấu ngày mai vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
Về phía mình, tôi cũng làm những điều giáo sư đã dặn. Tôi sẵn sàng cho mỗi trận đấu bằng cách thư giãn và tập trung vào hình ảnh tái hiện của chấm tròn màu xanh trên thẻ cam. Sau đó tôi tưởng tượng tiếp đến hình ảnh của trận đấu và niềm hân hoan của học sinh khi chúng giành chiến thắng, những hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu tôi. Có những lần chúng tôi giành chiến thắng chỉ nhờ tận dụng được tình huống đột nhiên xoay chuyển và vì các thành viên trong đội tin chắc rằng chúng tôi sẽ chiến thắng nếu không nản lòng bỏ cuộc. Cuối cùng, đội của chúng tôi đã thắng trong trận đấu thứ hai, thứ ba và cả giải đấu với rất nhiều tỉ số sát nút. Mỗi một chiến thắng đều khiến chúng tôi cảm động đến rơi nước mắt. Thưa giáo sư, chúng tôi cảm ơn giáo sư rất nhiều.
Vinh quang này đã trao cho những học sinh của tôi sự tự tin và dạy cho các em rằng nếu cố gắng, các em có thể đạt tới thành công. Hiện tại, chúng cũng đang dốc hết sức trong sự nghiệp học hành của mình.
Giống như tình yêu thương tự nhiên giữa cha mẹ và con cái, tôi cũng như những giáo viên khác, hiểu rằng cần phải dạy học bằng cả trái tim mình để nhận ra được giá trị của từng học sinh và khen ngợi các em. Trong suốt một năm nghỉ phép, tôi hiếm khi có cơ hội để gặp mặt học sinh hay duy trì liên lạc với các em. Sau khi quay lại, tôi cứ nghĩ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu vì đội của tôi yếu hơn và ít được chuẩn bị kỹ càng hơn bất cứ đội nào tôi đã từng huấn luyện. Ấy vậy, thật ngạc nhiên khi chúng tôi vẫn giành chức vô địch. Điều này đã mang lại cho tôi sự tự tin rất lớn.
Giáo sư Shichida, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới giáo sư từ tận đáy lòng.
3. Báo cáo từ giáo viên lớp học Shichida
Lớp học của chúng tôi bắt đầu từ tháng Chín năm ngoái và tôi muốn viết lại báo cáo về ba bé học sinh lớp Một trong mùa xuân vừa rồi.
Mỗi bé đều có những tính cách riêng rất mạnh. Tôi thường gặp khó khăn khi giúp lũ trẻ chơi với nhau vì chúng thường xuyên tranh cãi và ganh đua quyết liệt. Cuối cùng, tôi quyết định tập trung dạy các em hoạt động tưởng tượng. Trong khi làm hoạt động, tôi giải thích cho các em về mối liên hệ giữa trái tim và tâm hồn với giọng kể nhỏ nhẹ. Lũ trẻ rất thích thú được tưởng tượng biến thành tí hon và đi vào trong cơ thể của mẹ hay chui vào những bông hoa.
Vào một ngày, cả ba đứa trẻ đều đột nhiên bộc lộ những khả năng não phải của chúng.
H, một cậu bé mà trước đây luôn chỉ nhầm thẻ có hình ngôi sao thành thẻ màu vàng trong hoạt động trực giác thì nay lại có thể bất ngờ chọn được chính xác cả năm thẻ khi tôi hỏi thẻ nào ở đâu. Tôi rất cảm động khi thấy bé nhìn chăm chú và bắt đầu xác định vị trí các tấm thẻ.
Người làm tôi cảm động tiếp theo là bé T. Khi T bắt đầu học, não trái của bé đã phát triển khá mạnh nhưng bé lại thích hoạt động đọc nhanh. Cậu bé cho tôi thấy rằng khả năng não trái đã trợ giúp rất tốt não phải. Một hôm, khi tôi đưa cho bé một phiếu bài tập đọc nhanh (một đoạn văn gồm ba câu), cậu bé nhìn lướt qua và ngay lập tức lật úp lại. Tôi hỏi bé: “T, thế là đủ rồi sao? Con không cần đọc thêm nữa à?” nhưng bé đã đáp lại: “Dạ không, thế là được rồi thầy ạ”.
Sau đó, cậu bé bắt đầu viết nhanh và liên tục, chép lại chính xác những gì được viết trên trang giấy. Bé đã chứng minh cho tôi thấy sự kích hoạt não phải đã khơi mở khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh như thế nào. Tôi thực sự rất xúc động.
Vào cuối bài học, chúng tôi bắt đầu hoạt động ghi nhớ một nghìn hình minh họa, cứ một trang lại có năm mươi bức tranh. Đây là lúc mà bé thứ ba – bé Y thể hiện tài năng của mình. Y là một cậu bé có thiên hướng về não phải hơn não trái. Cậu bé gần như không bao giờ làm theo hướng dẫn của các môn học và thường chỉ hoàn thành khoảng một nửa các bài tập về nhà. Cậu bé thích tưởng tượng và có thể nhìn thấy được ánh hào quang, vì thế tôi đã cố gắng tìm một cách nào đó để liên kết những khả năng đó với não trái của bé.
Tôi bắt đầu dạy hoạt động ghi nhớ năm mươi hình minh họa trong mỗi trang sớm hơn nửa năm và sau đó đổi tiếp sang các hình khác. Tuần trước, tôi thử dùng lại năm mươi hình ảnh minh họa của sáu tháng trước và để cho học sinh nhớ lại. Y đã nhanh chóng nhận biết chúng bằng phương pháp liên kết giữa cặp ảnh.
Cậu bé có thể viết ra nội dung của cả năm mươi hình và có thể nhớ trọn vẹn hình ảnh của chúng: “Ở bốn góc là hình ảnh một con chó, một bông hoa tulip, một cái bút chì và một quả táo. Trong dòng này có …”.
Ngay khi tôi có cảm giác lũ trẻ đã đạt tới ngưỡng trong chuyện học hành và tôi cảm thấy bất lực như thể phải chống chọi với một bức tường thành kiên cố thì chúng trong cùng một ngày đã bất ngờ chứng minh cho tôi thấy khả năng não phải rất tuyệt vời của mình. Tôi vẫn tiếp tục dạy lớp học này vì tôi yêu học sinh và thấy chúng rất dễ thương. Ngày hôm nay, tôi muốn cảm ơn tất cả các em. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã chọn con đường trở thành một giáo viên.
S. Y., Lớp học Shichida
4. Hoạt động tưởng tượng nuôi dưỡng khả năng của các học sinh có năng khiếu đặc biệt
Cảm ơn Giáo sư Shichida vì tất cả những lời chỉ bảo của ông.
Hôm nay tôi muốn giới thiệu về hai học sinh đặc biệt đã tham gia lớp học ở Jiyogakuen. Bé đầu tiên là M. S., mới chỉ là học sinh lớp Một nhưng đã trở thành một vũ công solo chuyên nghiệp vào mùa thu vừa rồi. Cô bé được trả thù lao cho mỗi lần biểu diễn của mình. Đây quả là một thành tích nổi bật của cô bé.
M. S. đã tham gia lớp học Shichida khoảng năm năm, bắt đầu từ khi bé mới tám tháng tuổi và trong đó có một khoảng thời gian bị gián đoạn hai năm. Cô bé hiện đang theo học tại trường tiểu học của chúng tôi.
Cô bé bắt đầu học múa ballet cổ điển lúc hai tuổi rưỡi và sau đó giáo viên đã phát hiện ra cô bé là một tài năng xuất chúng. Khi gần năm tuổi, cô bé được xem một buổi biểu diễn ở nhà hát OSK, đặt tại Công viên Bảo tàng Ayameike, thành phố Nara, và từ đó cô bé bộc lộ hứng thú với nhạc jazz. Năm tuổi rưỡi, cô bé bắt đầu tham gia vào studio của bà Miki Aimoto - người đã biên đạo múa cho nhóm Johnny’s Junior (một nhóm nhạc pop Nhật Bản), và bắt đầu học nhảy nghiêm túc. Ngay từ khi mới bắt đầu, cô bé đã tỏa sáng giữa rất nhiều học sinh khác và các giáo viên của những studio khác nhận định cô bé là một tài năng vượt trội. Bà Aimoto rất tin tưởng vào tài năng của cô bé và tiếp tục truyền dạy bé các kinh nghiệm của mình.
M.S. kiên nhẫn và chăm chỉ học múa dưới sự hướng dẫn nghiêm khắc mà không hề phàn nàn. Cô bé tiến bộ nhanh chóng và cuối cùng được công nhận là một vũ công chuyên nghiệp.
Cô bé học rất nhanh, nhớ chính xác các động tác khi chỉ mới xem giáo viên làm mẫu. Hơn nữa, không chỉ đơn giản là sao chép lại những bước nhảy căn bản mà giáo viên làm mẫu, cô bé còn thêm vào đó những sáng tạo độc đáo của riêng mình.
Tôi rất vui khi biết mẹ bé tin rằng tốc độ ghi nhớ và khả năng sáng tạo của cô bé là kết quả nhận được từ quá trình giáo dục não phải khi bé còn rất nhỏ. M.S. cũng là một học sinh có thành tích học tập tuyệt vời. Cô bé học tập rất chăm chỉ và thực sự là một đứa trẻ rất đáng yêu.
Một học sinh đặc biệt khác là R, hiện đã học đến lớp Bảy. Tôi muốn chia sẻ với ông lá thư của mẹ cháu gửi cho chúng tôi.
R theo học ở Jiyugakuen từ khi mới sinh cho đến sáu tuổi. Vào mùa xuân của năm học đầu tiên ở trung học, cô bé đã gặp phải một tên lưu manh trên đường từ ga về nhà. May mắn làm sao, cô bé được cứu thoát kịp thời và không gặp phải tổn hại nào. Nhưng sau đó, gia đình cô bé bắt đầu nhận được những cuộc gọi đáng ngờ và cha mẹ bé cảm thấy rất lo lắng. Do đó, họ liền liên lạc ngay cho cảnh sát để tìm sự giúp đỡ.
Cảnh sát yêu cầu R hợp tác để tìm ra thủ phạm. Họ cho cô bé xem một vài bức ảnh và cô bé có thể nhận ra ngay khuôn mặt của kẻ phạm tội và cung cấp cho cảnh sát một đầu mối giá trị để bắt hắn.
Người mẹ kể cho chúng tôi rằng đó là kết quả của quá trình luyện tập trí nhớ não phải. Một mặt, tôi cảm thấy thở phào nhẹ nhõm vì rằng không có nguy hiểm nào xảy đến với con, mặt khác, một lần nữa tôi bị ấn tượng với trí nhớ xuất sắc của cô bé.
Mặc dù phải chịu áp lực và lo lắng rất lớn, vậy mà cô bé vẫn có thể sử dụng trọn vẹn khả năng não phải của mình để ghi nhớ khuôn mặt của tên tội phạm. Tôi thực sự cảm thấy ấn tượng với trí nhớ chụp hình chỉ có ở não phải.
Đó là câu chuyện về hai bé nhỏ mà tôi muốn chia sẻ lại với giáo sư. Tôi xin phép được dừng bút tại đây.
5. Hoạt động tưởng tượng giúp trẻ thay đổi tích cực
Tôi bắt đầu dạy các bài tập ghi nhớ một nghìn từ khóa (peg word(1)) bằng hình ảnh vào tháng Sáu. Các bé mà trước kia chỉ có thể ghi nhớ được khoảng ba mươi từ khi mới bắt đầu thì nay đã đạt tới tốc độ khoảng năm mươi từ mỗi tuần. Do không có đủ thời gian để viết chữ trong suốt buổi học nên tôi đã chuẩn bị thẻ và để các bé đặt thẻ lên bảng.
(1) Peg word: Hệ thống ghi nhớ được sử dụng trong lớp học Shichida nhằm phát triển khả năng ghi nhớ tuyệt vời của trẻ nhỏ.
Có một cậu bé trong lớp không thể nào nhớ được năm mươi hình ảnh cho dù chúng tôi có thực hiện nó trong lớp học bao nhiêu lần đi chăng nữa. Cậu bé khá nghịch ngợm, hiếu động và không thể tập trung được. Trong khi tôi có thể nghe được hơi thở của những bé khác dần trở nên chậm rãi và thư giãn trong suốt câu chuyện, tập trung toàn bộ vào bảng, thì C lại luôn sốt ruột và không chịu nghe hết câu chuyện.
Tôi nghĩ rằng có lẽ cậu bé đang chịu một áp lực nào đó, và có thể cậu không cảm nhận được đủ đầy tình yêu của mẹ dành cho mình. Mẹ cậu bé kể rằng từ khi con vào tiểu học, cô dành rất ít thời gian cho con và có xu hướng la mắng con thường xuyên hơn. Giáo viên của cậu ở trường cũng rất nghiêm khắc và thường mắng cậu bé vì những điều nhỏ nhặt. Giáo viên nói với mẹ cậu rằng cậu nói chuyện quá nhiều và hay nghịch ngợm ở trường. Điều này càng làm người mẹ mắng con mình nhiều hơn.
Tôi đã giải thích cho cô ấy tầm quan trọng của việc dành nhiều thời gian để thể hiện tình yêu thương của cô ấy với con bằng cách trao cho con thật nhiều cái ôm, massage cho con bằng tinh dầu và áp dụng năm phút thủ thỉ mỗi tối. Tôi cũng không quên nhắc nhở cô ấy hãy chăm chú khi nghe con kể chuyện và đừng ngắt lời bé. Mẹ cậu bé cam đoan với tôi rằng cô ấy sẽ cố gắng thực hiện hai điều ấy ngay khi trở về nhà.
Tuần tiếp theo khi C đến lớp học, cậu bé cười thật tươi và nói: “Thầy ơi, chúng ta không thể xem hình luôn được à? Con nhớ nó quá!”. Và cậu bé có thể đặt cả năm mươi bức hình vào đúng vị trí. Cả lớp đều rất bất ngờ và hét lên: “C! Thật tuyệt! Cậu làm được rồi này!”. Chúng vỗ vào vai nhau và mẹ cậu bé cầm lấy tay con, ôm lấy con thật chặt. Dĩ nhiên là tôi cũng rất xúc động khi C có thể làm được điều đó và niềm vui của tôi như được nhân đôi khi thấy các bạn quan tâm và động viên cậu như thế nào khi cậu bé đạt được thành công.
Chính cậu bé ấy cũng đã dạy cho tôi một vài điều. Khi chúng tôi làm bài tập ghi nhớ một nghìn từ khóa quan trọng, tôi đã dùng phương pháp gồm ba bước học được ở khóa học tiếng Anh. Đầu tiên, tôi kể một câu chuyện để liên kết các bức tranh trên bảng. Sau đó, tôi để các bé nhắm mắt lại và tái hiện lại các bức hình trên bảng trong khi tôi lặp lại những gì mà tôi đã nói. Cuối cùng là kiểm tra xem lũ trẻ đã nhớ đến đâu.
Vào một ngày, C nói với tôi rằng: “Thầy ơi, nghe một câu chuyện những hai lần thì quá nhiều. Con đã sẵn sàng để bắt đầu nhưng thầy lại cứ bắt con nghe thêm một lần nữa và con phát chán vì nó. Mà khi con phát chán, con cảm thấy không muốn làm gì nữa”. Tôi choáng váng vì cứ nghĩ rằng lặp lại câu chuyện hai lần sẽ giúp chúng nhớ chính xác hơn. Khi tôi hỏi những đứa trẻ khác xem chúng nghĩ gì, một vài bé nói rằng một lần là đủ rồi, trong khi có vài bé khác lại cảm thấy hai lần thì tốt hơn. Vì thế, tôi quyết định điều chỉnh phương pháp để phù hợp với từng đứa trẻ.
Tôi nhận ra rằng một vài bé thực sự chỉ cần nghe một lần là có thể nhớ được. Tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi lũ trẻ nói với tôi rằng: “Con nhớ rồi” chỉ sau khi nghe kể một lần. Bởi vậy, tôi không quên nhắc nhở chúng: “Khép hờ mắt lại và chụp một bức hình bằng máy ảnh trước trán của con nhé” trước khi chúng sắp xếp các tấm thẻ. Tôi nghĩ mình là một giáo viên khá cứng nhắc. Tôi sẽ cố gắng khắc phục điểm yếu này của mình.
Câu chuyện tiếp theo là về T, một cô bé học lớp Một.
T có khả năng tưởng tượng rất tốt và thậm chí đã nhìn thấy Chúa trong trí tưởng tượng của mình. Cô bé nói rằng Chúa sẽ dạy bé bất cứ cái gì mà bé yêu cầu.
Mẹ của bé nói với con: “Mẹ cũng muốn có thể dùng được các khả năng não phải của mình. Con có thể hỏi Chúa giúp mẹ được không?” và sau đó, cô con gái đã trả lời mẹ là: “Hãy dùng những hình ảnh”. Khi được hỏi cô bé đã nói chuyện gì với Chúa, bé đáp lại: “Đó là điều bí mật ạ!” và không kể cho tôi nghe. Có lẽ người lớn chúng ta vẫn chưa sẵn sàng nhận được một thông điệp như thế và đó là lý do vì sao cô bé giữ nó cho riêng mình.
Mẹ của T cực kỳ thích thú với sự phát triển của não phải và đã tham gia buổi hội thảo “Sự phát triển của não phải theo phương pháp Shichida” được tổ chức ở Sapporo. Cô ấy chia sẻ một cách hạnh phúc rằng đã bắt đầu cảm nhận được hình ảnh. Cô ấy cho tôi xem một bức tranh về Chúa mà con gái đã vẽ cùng với cô và rất cảm động rằng Giáo sư Shichida đã gửi thêm năng lượng vào trong bức tranh đó.
T có thể nhìn thấy những ánh hào quang. Những ánh hào quang đó phát ra những âm thanh mà cô bé có thể nghe thấy như “Nandala, Nandala”. Cô bé cũng rất giỏi trong việc tưởng tượng “bay lên” hay tự thu nhỏ mình lại và chui vào trong một cái cây để vẽ được mặt cắt bên trong gân lá.
Thêm vào đó, cô bé còn có khả năng chữa lành bệnh. Khi T đang chải răng, mẹ của T nói: “Mẹ bị đau đầu, con có thể chữa cho mẹ được không?”. Cô bé trả lời: “Được mẹ ạ!” nhưng vẫn tiếp tục đánh răng và nhìn về hướng khác. Tuy nhiên, ngay sau đó, mẹ của cô bé cảm thấy nóng dần từ cổ đến sau gáy và cơn đau đầu liền biến mất.
“Bay lên” là một loại tưởng tượng mà mọi đứa trẻ đều yêu thích. Trong một ngày nóng nực, bé Y lúc mới bốn tuổi đã hình dung thấy mình đang bay đến một viên đá nổi trong ly nước hoa quả của mình và la lên: “Ôi, lạnh quá! Thích thật đấy!”.
Cho phép tôi được giới thiệu phần báo cáo cuối cùng liên quan tới một học sinh khác của thầy Tamaki Okubo, một giáo viên trong lớp học Sapporo.
I là một bé gái hai tuổi thích chơi với thẻ dot. Bài tập yêu thích của bé là xếp các chấm tròn. Khi tôi huýt sáo và nói: “Xếp nào!”, cô bé nhặt tất cả các thẻ dot để xếp chúng lại thành các nhóm gồm mười chấm. Một hôm, cô bé nhìn vào đôi giày của mình và nói: “Xếp nào! Bốn mươi lăm!”. Mẹ của cô bé thấy lạ và nhận ra rằng dưới giày của cô bé có trang trí rất nhiều con vật nhỏ. Cô bé đã đếm chúng và khẳng định chắc chắn có bốn mươi lăm con. Mẹ cô bé rất xúc động khi chứng kiến điều đó.
6. Hoạt động tưởng tượng được sử dụng để dạy trẻ khiếm khuyết
Báo cáo tiếp theo là từ giáo viên Yasuhiro Tagaya tại lớp học ở Itabashi-minami.
Khoảng tám tháng trước, Y, hiện học lớp lớn ở trường mẫu giáo đã tham gia lớp học của tôi. Cậu bé bị sinh non và chỉ nặng 1.200 gram lúc mới sinh. Kết quả là, cậu bé bị suy giảm chức năng vận động và mặt của bé bị liệt một phần. Mặc dù cậu bé đã năm tuổi bốn tháng khi bắt đầu đi học, nhưng mức độ trí não của cậu bị chậm hơn hai năm và chỉ tương đương với một bé ba tuổi. Một trường mẫu giáo khác từ chối nhận cậu, vì vậy, cậu bé đã đến lớp học của chúng tôi.
Thành thật mà nói, ngôi trường này vừa mới mở và tôi cũng không thực sự tự tin vào bản thân. Tôi muốn từ chối trường hợp này nhưng mẹ của cậu bé đã khóc năn nỉ tôi khiến tôi không thể từ chối. Vì vậy, kể từ tháng đó, tôi bắt đầu những buổi học dạy riêng cho bé.
Mặc dù khả năng trí tuệ của Y rất thấp, nhưng cậu bé có thể bộc lộ rất nhiều những khả năng của não phải như sáng tác những bài hát cho riêng mình và nhảy theo những giai điệu dễ thương, hay vẽ các bức tranh sáng tạo với những cây bút màu. Tuy vậy, cậu bé không thể đọc hay viết và rất khó nhận ra bất cứ con số nào. Sự phát triển về nhận thức của con gần như chỉ là con số không.
Chương trình học của cậu bao gồm việc xem năm trăm thẻ trong suốt buổi học. Thêm vào đó, tôi yêu cầu mẹ của cậu bé cùng chơi các hoạt động trực giác với cậu ở nhà năm lần một ngày và ghi chép lại quá trình học ở nhà trong một trăm ngày. Trong mỗi bài học trên lớp, tôi cố gắng cầm tay cậu bé càng nhiều càng tốt, tôi hay nhìn vào mắt bé và cười với bé.
Trong khoảng một tháng học liên tục, cậu bé bắt đầu có những thay đổi rõ ràng hơn đến nỗi cả giáo viên của cậu bé ở trường mẫu giáo và các bà mẹ khác cũng bắt đầu nhận ra. Hai tháng rưỡi sau khi tham gia lớp học, cậu bé lần đầu tiên đạt giải nhất trong cuộc thi karuta dành cho trẻ mẫu giáo (một trò chơi truyền thống của Nhật Bản yêu cầu người chơi ghép các thẻ theo cặp). Điều này đã khiến mọi người xung quanh bé rất ngạc nhiên.
Gần đây, cậu bé có được điểm số gần như hoàn hảo trong các trò chơi trực giác và sự tiến bộ của cậu bé nhanh đến nỗi mọi người tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với cậu. Khi cậu bé đến khám ở Trường Đại học Y khoa Tokyo Joshi theo định kỳ sáu tháng một lần kể từ khi mới sinh, không chỉ bác sĩ chính mà kể cả các chuyên gia khác đến thăm khám cho cậu bé đã kinh ngạc khi nhìn thấy sự thay đổi của cậu. Họ thốt lên rằng họ chưa từng gặp một trường hợp như thế trước đây. Mẹ cậu kể rằng họ muốn biết về mọi thứ mà cậu bé đã làm trong sáu tháng qua và về lớp học này.
Kết quả của cuộc kiểm tra cho thấy cậu bé đã có trí tuệ tương đương như một trẻ sáu tuổi. Các chức năng vận động của cậu bé cũng phát triển giống như các bé bình thường. Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng trình độ của các bé mẫu giáo nhỡ với cậu bé. Trước đây, cậu bé thậm chí còn không thể đọc được chữ Hiragana, vậy mà bây giờ cậu có thể đọc và viết thành câu. Cậu bé cũng có thể đọc gần hết các chữ Hán giống như những đứa trẻ lớp Sáu ở trường tiểu học. Tôi tin rằng đây là thành quả ngọt ngào dành tặng cho những nỗ lực của cha mẹ cậu bé và tôi rất biết ơn họ. Tôi cũng rất vui khi đã quyết định giữ cậu bé lại vào ngày đầu tiên cậu đến với lớp học này.
7. Trẻ phát triển đáng kinh ngạc nhờ hoạt động tưởng tượng
Dưới đây là một bức thư từ một người mẹ có con tham gia lớp học Shichida.
Tôi là một bà mẹ có ba đứa con, tám tuổi, năm tuổi và một tuổi. Lần này, tôi muốn kể cho ông nghe về đứa con trai tám tuổi của tôi. Khi mang thai cháu, tôi có đọc một cuốn sách của ông viết về nuôi dạy trẻ, tôi đã làm theo và cố gắng nuôi dạy con theo phương pháp mà cuốn sách đề cập. Nhưng kết quả không như mong đợi và tôi đã nghĩ rằng có lẽ do tôi và chồng đều là những người có thiên hướng não trái nên con của chúng tôi không thể phát triển não phải được. Khi con trai tôi đến tuổi đi học tiểu học, tôi nghĩ có lẽ mình nên từ bỏ thôi. Nhưng rồi tôi quyết định tiếp tục vì nếu dừng lại bây giờ thì thật uổng phí công sức bấy lâu nay.
Vào tháng Bảy khi con học năm thứ hai ở trường tiểu học, con kể với tôi đã nhìn thấy một vài hình ảnh khi tham gia hoạt động nghe nhanh môn tiếng Anh trong lớp học Shichida. Tôi đã nghĩ: “Liệu điều đó có thật hay không?”. Con nói với tôi rằng khi con nghe tiếng Anh nhanh thì một tia sáng đột nhiên lóe lên trong đầu con và con nghe thấy tiếng Anh như tiếng Nhật vậy. Sau đó, con bắt đầu nhìn thấy và nghe thấy những hình ảnh như thế hàng ngày.
Trong hoạt động luyện mắt, các dòng kẻ bắt đầu xuất hiện như những tia sáng có màu sắc. Lần đầu tiên đọc sách của ông, tôi đã nghĩ điều đó không thể xảy ra, thế nhưng nó diễn ra chính xác như những gì ông đã miêu tả. Tôi rất ngạc nhiên khi những đứa con được nuôi dưỡng bởi cha mẹ có thiên hướng não trái như chúng tôi vẫn có thể được phát triển và trải nghiệm khả năng của não phải như vậy.
Kể từ đó, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chồng của tôi cũng tham gia luyện tập cùng với con phương pháp cảm nhận sóng để phát triển khả năng đọc nhanh. Con có thể đọc những gì được viết trong một cuốn sách dù mắt vẫn nhắm nghiền. Tôi thực sự kinh ngạc. Con nói rằng điều đó chẳng khác gì đọc khi mở mắt cả. Đầu tiên, con cảm thấy hình ảnh, sau đó, dần dần, con có thể nhìn và đọc hình ảnh rõ ràng. Các con số trong sách xuất hiện lúc đầu dưới dạng những chấm tròn và sau đó liền thay đổi thành những con số cụ thể.
Khi chạm vào một bức tranh vẽ một con dao, con nói: “Á, mẹ ơi, đau quá!” và dường như chỉ cần chạm hay dùng khứu giác ngửi là con có thể cảm nhận được đó là vật gì. Khi tôi đưa cho con một mẩu giấy với những chữ Hán có nghĩa là bầu trời màu xanh, bé có thể nhìn thấy màu xanh da trời. Với phương pháp đọc lướt nhanh bằng sóng, con có thể nghe hoặc ngửi thấy hình ảnh trước cả khi nhìn thấy nó.
Điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất là có một người bạn tưởng tượng đã xuất hiện bên con và dạy cho con rất nhiều thứ. Trước khi chúng tôi bắt đầu các bài tập Shichida, người bạn tưởng tượng này luôn hỗ trợ con và cho con những lời khuyên mỗi khi con gặp khó khăn.
Con có thể tự chữa bệnh cho chính mình khi bị đau đầu hay cảm cúm. Khi con đang làm bài kiểm tra chữ Hán ở trường, một cuốn từ điển xuất hiện trong đầu con, còn khi con làm toán, bảng cửu chương cũng liền hiện ra ngay lập tức.
Con còn có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra vào ngày hôm sau và nhìn thấy những ánh hào quang. Con nói với chúng tôi rằng: “Con chẳng bao giờ thấy mệt mỏi cả, vì năng lượng của vũ trụ luôn tràn ngập trong con. Con có thể cảm thấy nguồn năng lượng đó đi vào tâm trí con khi con bước đi”. Bây giờ, những điều như vậy đã trở nên hoàn toàn bình thường với gia đình chúng tôi.
Tôi thấy rằng hoạt động tưởng tượng trong lớp học Shichida thật tuyệt vời!
F. K., Thành phố Fukuoka.