1. Sự khác biệt giữa việc đọc nhanh của não phải và não trái
Khi não trái đọc nhanh, hình ảnh không được sử dụng đến. Chúng ta thường được học cách đọc chữ rất nhanh. Tuy nhiên, khi áp dụng phương pháp đọc nhanh bằng não phải, việc đầu tiên cần làm là rèn luyện để có thể nhìn thấy hình ảnh. Trẻ em khi đã được luyện tập nhìn hình ảnh sẽ phát huy khả năng đọc nhanh một cách dễ dàng bởi hình ảnh giúp trẻ vừa đọc vừa hiểu nội dung cùng một lúc, giảm đi bước tư duy ngôn ngữ và tư duy logic, từ đó giúp tốc độ đọc trở nên nhanh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, đọc nhanh sẽ đẩy nhanh tốc độ suy nghĩ, mài dũa khả năng trực giác và linh cảm, giúp cho trẻ phát triển sáng tạo và khám phá ra nhiều điều mới lạ.
Với những trẻ đã phát triển khả năng tưởng tượng, cha mẹ hãy chú ý rèn luyện cho con kỹ năng đọc nhanh bằng não phải – dựa trên năng lực tưởng tượng của não phải. Trí nhớ hình ảnh giúp chúng ta ghi nhớ cả một trang sách khi chỉ nhìn qua một lần. Như vậy, chỉ cần luyện tập, việc làm chủ kỹ năng đọc nhanh sẽ là điều rất dễ dàng với những trẻ đã phát triển được năng lực tưởng tượng. Một cách tiếp cận khả năng của não phải hiệu quả khác là luyện tập hoạt động viết-trong-một-phút.
2. Bài tập viết-trong-một-phút
Cũng giống như những phương pháp luyện tập não phải khác, bài tập viết-trong-một-phút nên được tiến hành sau khi đã thực hiện các hoạt động thiền tập, hít thở sâu, đưa ra những gợi ý tích cực và thực hiện hoạt động tưởng tượng. Sau đó, cha mẹ đưa cho trẻ một trang sách từ một quyển sách tranh và yêu cầu trẻ đọc hết nội dung trong đó trong vòng một phút.
Khi hết giờ, trẻ sẽ úp trang sách xuống và viết lại những thông tin hoặc hình ảnh mà mình đã ghi nhớ.
Ban đầu, trẻ sẽ không thể viết lại được một câu nào, tuy nhiên, với sự lặp lại hàng ngày, trẻ sẽ dần dần phát triển khả năng ghi nhớ cho tới khi có thể viết lại được một hoặc hai câu rồi cuối cùng ghi nhớ được cả trang sách một cách hoàn hảo. Khi làm được điều này, trẻ sẽ có được khả năng ghi nhớ cả một trang sách dù chỉ nhìn qua một lần, giống như việc chụp lại một bức ảnh bằng máy ảnh. Như vậy, khả năng đọc nhanh của trẻ sẽ dần phát triển và tốc độ đọc cũng sẽ tự động nhanh hơn một cách tự nhiên.
Khi trẻ có thể ghi nhớ một trang sách, hãy bắt đầu tăng số lượng lên hai, ba trang và nhiều hơn nữa.
Tôi bắt đầu thực hành bài tập “viết-trong-một-phút” với con trai sau khi cho con tập thiền, hít thở sâu, sử dụng gợi ý tích cực và thực hiện hoạt động tưởng tượng. Ban đầu, tôi sử dụng một cuốn truyện tranh chỉ có chín dòng mỗi trang, được in với cỡ chữ lớn, nhưng rất hiếm khi con có thể viết được một nửa trang sách. Đôi khi tôi còn nhớ và viết được nhiều hơn con.
Nhưng tôi không lo lắng về việc con có thể viết được bao nhiêu dòng và tiếp tục luyện tập với con hàng ngày. Cho đến khi chúng tôi bắt đầu cuốn sách thứ hai, số lượng thông tin con có thể ghi nhớ để viết lại dần nhiều hơn và sự tập trung của con cũng tăng lên.
Sáu tháng trôi qua và khi bắt đầu với cuốn sách thứ tư, con có thể nhớ được nội dung với sự chính xác tuyệt vời. Mỗi trang sách có khoảng ba trăm chữ nhưng con có thể nhớ đúng hầu hết các chữ. Tốc độ viết của con cũng tăng một cách đáng kể. Cho dù tôi mua rất nhiều cuốn sách một lúc, con vẫn có thể đọc hết tất cả chúng trong một ngày. Chúng tôi đã mất hơn một năm để luyện tập được kỹ năng này và tôi rất tự hào rằng con đã nỗ lực không ngừng để đạt được nó.
Y. K., thành phố Sakai
Khi hai bé nhà tôi khơi mở được khả năng trực giác và có thể nhìn thấy hình ảnh, tôi bắt đầu làm theo lời khuyên của cô giáo và dạy chúng đọc nhanh bằng bài tập viết-trong-một-phút theo những bước dưới đây:
1. Mở cuốn sách tranh và đọc một trang trong một phút.
2. Viết lại những thứ đã nhìn thấy.
Con tôi có vẻ rất chăm chú và hào hứng mỗi khi ghi nhớ. Đầu tiên, chúng tôi chỉ bắt đầu bằng bảy chữ một ngày, thực hiện từ hai đến ba lần trong thời gian rất ngắn. Tôi tăng dần số lượng chữ từ bảy lên khoảng một trăm trong một tháng. Lúc đó, chúng tôi không luyện tập thường xuyên mà thường là hai đến ba ngày một tuần, mỗi lần thực hiện khoảng hai lần.
Chúng tôi bắt đầu với những cuốn truyện tranh ít chữ, nhưng số lượng như vậy dường như là khá dễ với con nên tôi đã sử dụng những cuốn sách dành cho trẻ mẫu giáo. Khi đã có thể ghi nhớ được một trăm từ thì con thường mất khá nhiều thời gian để viết lại mọi thứ. Bởi vậy, tôi chia thời gian thành những khoảng ngắn từ hai đến bốn phút để con viết.
Các con tôi đã có thể đọc “Edison”, một cuốn tiểu sử dành cho học sinh tiểu học – có độ dài khoảng hai trăm trang – trong vòng năm phút rồi sau đó là hai phút. Kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều nếu trước khi đọc, các con được thực hiện thiền tập, hít thở sâu, nghe những gợi ý tích cực và làm hoạt động tưởng tượng (Quá trình chuẩn bị cũng bao gồm cả việc tập cầm sách bằng tay phải và lật giở nhanh các trang sách bằng tay trái).
Có lần, một chuyện thú vị đã xảy ra. Bài tập về nhà của Naoya là học thuộc lòng một bài thơ. Vì vậy, sau khi về đến nhà, con đã mở sách và đọc nó ngay. (Vì muốn biết con ghi nhớ như thế nào nên tôi đã quan sát con trong cả quãng thời gian đó). Khi đã đọc cả bài thơ một cách trôi chảy, con đóng sách lại và nói: “Con đã ghi nhớ hết rồi”. Tôi hỏi: “Thật vậy sao? Con có thể đọc lại cho mẹ nghe được không?”. Naoya đã đọc lại cả bài thơ mà không sai một lỗi nào. Cũng bằng cách này, bé đã ghi nhớ được hai bài thơ khác nữa. Saori thấy vậy liền nói cũng muốn thử đọc và bé đã ghi nhớ cả bài thơ sau khi chỉ đọc qua một lần. Tôi thực sự rất vui khi nghĩ về thành quả của việc chúng tôi luyện tập đọc nhanh trong thời gian qua.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng khả năng này có thể được luyện tập rất đơn giản. Tôi thực sự rất xúc động khi được biết đến phương pháp này. Cám ơn ông rất nhiều vì nhờ có phương pháp của ông, giờ đây con tôi đã có thể đọc được rất nhanh.
K. S., Chiba
3. Thiền tập, hít thở sâu, gợi ý tích cực và hoạt động tưởng tượng là tất cả những yếu tố cần thiết cho việc đọc nhanh
Tôi muốn chia sẻ về khả năng đọc nhanh của cô con gái sáu tuổi của mình. Bé rất giỏi viết truyện ngắn và chơi trò đóng vai.
Chúng tôi bắt đầu hoạt động đọc nhanh với việc thiền tập, hít thở sâu và gợi ý tích cực. Khi không làm những bước này, con thường tiến bộ ít hơn hẳn. Sau đó, chúng tôi thực hiện hoạt động tưởng tượng. (Con sẽ nhìn vào thẻ cam với chấm tròn có đường kính 3 cm màu xanh ở giữa trong vòng một phút, sau đó nhắm mắt lại và tập trung vào hình ảnh hiện ra). Con gái tôi nói rằng khi nhắm mắt lại, con có thể nhìn thấy tấm thẻ và chấm tròn có màu giống hệt thẻ đã xem (Lưu ý: Khi bắt đầu luyện tập tưởng tượng với thẻ cam, thông thường ta nhìn thấy màu sắc bị đảo ngược lại – chấm cam trên nền xanh).
Sau đó, chúng tôi luyện tập với một chấm tròn duy nhất. Con tôi kể rằng khi tập trung nhìn vào chấm tròn màu đen, nó bắt đầu lớn dần lên cho tới khi cả căn phòng chìm trong màu đen.
Khi tưởng tượng, tôi cố gắng giúp con sử dụng cả năm giác quan. Con đặc biệt yêu thích việc sử dụng khứu giác và vị giác khi tưởng tượng.
Cảm giác ngòn ngọt của nước cam lan tỏa trong miệng con hoặc hương thơm dịu dàng của hoa hồng trong bể bơi hoàn toàn làm con trở nên thư thái và dễ chịu.
Khi luyện tập trí nhớ chụp ảnh tức thời bằng cách đặt những thẻ tranh vào tấm bảng kẻ ô, con có vẻ gặp khó khăn khi ghi nhớ khoảng hai mươi thẻ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục kiên trì luyện tập hàng ngày. Bỗng nhiên đến một hôm, con có thể ghi nhớ cả tấm bảng khi chỉ nhìn một lần. Hiện tại con đã có thể ghi nhớ tấm bảng có tới bốn mươi ô.
Sau khoảng hai tuần, con tôi có thể ghi nhớ được toàn bộ bốn mươi thẻ mà không cần nhìn lại hình mẫu. Tôi thực sự bất ngờ bởi chính tôi cũng không thể ghi nhớ hết được.
Khi luyện tập ghi nhớ các thẻ hình, tôi bắt đầu từ năm thẻ với phương pháp liên kết và bây giờ con đã có thể ghi nhớ được sáu mươi thẻ (Lưu ý: phương pháp liên kết bao gồm sử dụng từ ngữ kết nối các thẻ hình như “con lợn đang ăn củ cà rốt” để giúp con ghi nhớ thứ tự và tên của tấm thẻ bằng hình ảnh sống động.)
Tôi đang dùng quyển “Truyện ngụ ngôn của Aesop” để luyện tập hoạt động viết-trong-một-phút nhằm giúp con đọc nhanh. Hiện nay, con đã có thể viết chính xác những gì nhìn thấy sau khi xem một trong những câu chuyện ngắn từ ba mươi đến sáu mươi giây.
Cũng mất khá nhiều thời gian để con có thể viết hết nội dung ra giấy, bởi vậy tôi bảo con đọc lại những gì đã nhớ được. Thực sự con bé có thể nhớ được những tác phẩm rất dài với độ chính xác hoàn hảo. Tôi đã tạm hoãn lại cách học tiếp cận não trái và ưu tiên cho con luyện tập với não phải hàng ngày. Tôi hiểu rằng việc kiên trì luyện tập cùng quyết tâm mạnh mẽ có tầm quan trọng tới mức nào.
M. A. Chiba
Y. S., một cậu bé học lớp Sáu sống ở Chiba đã trải qua cùng một phương pháp luyện tập như vậy và bây giờ đã có thể ghi nhớ được một trăm thẻ nhờ phương pháp liên kết. Cậu bé cũng có thể nhớ được nội dung của cả một cuốn sách mà chỉ cần đọc hai lần trong vòng hai phút.
Phương pháp đọc nhanh bằng não phải
Thiền tập
Hít thở sâu
Gợi ý tích cực
1. Con hãy hình dung cơ thể của mình rắn chắc như một khúc gỗ vậy.
2. Khi mẹ nói “Thả lỏng”, tất cả mọi căng thẳng sẽ biến khỏi cơ thể con. Con hoàn toàn trở nên thư giãn.
Kết quả sẽ được cải thiện một cách đáng kể khi thực hiện thiền tập, hít thở sâu và sử dụng gợi ý tích cực trước mỗi hoạt động đọc nhanh.
Khi con tập trung nhìn vào chấm tròn màu đen, nó sẽ dần dần lớn lên.
4. Luyện tập với băng ghi âm sẽ giúp khơi mở khả năng đọc nhanh của trẻ một cách dễ dàng
Thực ra phương pháp dạy trẻ rất đơn giản, tất cả những gì bạn cần chỉ là một quyển sách, một quyển vở, một bút chì và một băng ghi âm. Đầu tiên, ghi âm lại những lời hướng dẫn cho việc thiền tập, hít thở sâu, gợi ý tích cực và cho hoạt động tưởng tượng; sau đó là hiệu lệnh cho hoạt động đọc nhanh và sau một phút, cuốn băng sẽ báo hiệu đến lúc dừng đọc. Con có thể tự mình bật đoạn băng lên và bắt đầu bài tập đọc trong một phút và tập viết. Sau đây là phần nội dung tham khảo cho đoạn băng ghi âm:
“Con đã sẵn sàng đọc nhanh chưa? Hãy nhắm mắt lại và hít thở thật sâu ba lần nào. (Dừng lại một lúc đủ để con hít thở sâu ba lần). Bây giờ, hãy từ từ thở lại như bình thường. Con có một chiếc Tivi ở trong đầu, nó giúp con có thể nhìn thấy những bức tranh một cách rõ ràng. Bây giờ hãy hình dung hình ảnh của con đang đọc nhanh nhé!
Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu, con mở sách ra và đọc thật nhanh! Tất cả những từ ngữ được viết trong đó đang lưu lại nhanh chóng trong đầu của con. Bộ não của con có thể ghi nhớ từng chữ một cách chính xác.
Tiếp theo, con nghe hiệu lệnh dừng lại. Khi đó, con cầm bút chì lên và viết lại thật nhanh lên tờ giấy trước mặt mình. Cây bút chuyển động nhẹ nhàng nhưng rất mau lẹ. Nhìn kìa! Con đã viết kín cả trang giấy rồi đấy.
Giờ con hãy mở mắt ra nào. Chúng ta sẽ bắt đầu tập đọc nhanh. Hãy đọc nhiều nhất có thể trong vòng một phút nhé. Sẵn sàng chưa, bắt đầu! (đợi một phút). Dừng lại! Bây giờ, con hãy viết những điều đã đọc lên giấy nào.”
Nếu bạn luyện tập hàng ngày, trong khoảng ba tháng, con bạn sẽ có thể viết được gần như mọi thứ bé đã đọc. Sau sáu tháng, thậm chí với những bậc cha mẹ không mấy hứng thú với hoạt động này cũng sẽ nhận ra sự khác biệt. Khi các bà mẹ nói, “Tại sao con không đọc sách và ghi chép những điều cần chú ý lại? Con phải biết đọc sách đúng cách chứ?”, bọn trẻ sẽ trả lời, “Nhưng con chỉ cần đọc một lần thôi bởi con đã ghi nhớ hết nội dung trong đầu rồi”.
Có một người mẹ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện được rằng điều này thực sự có thể trở thành hiện thực. Cô ấy gọi điện cho tôi để kể rằng con của cô đã thể hiện khả năng đọc nhanh ngay trước cả lớp và cậu bé còn nói rằng, “Ai cũng có thể làm được điều này nếu luyện tập trong vòng ba tháng”.
Một điểm quan trọng cần phải ghi nhớ khi thực hiện bài tập đọc nhanh đó là việc tưởng tượng rõ nét hình ảnh bản thân con đang ghi nhớ ngay lập tức những gì con sẽ đọc. Như vậy để phát triển khả năng đọc nhanh, trẻ cần phải có khả năng tưởng tượng tốt và gợi mở được năm giác quan của não phải.
Khi một người có khả năng trả lời được tất cả những đáp án của hoạt động trực giác “nhìn xuyên thấu”, người đó rất dễ dàng phát triển được khả năng đọc nhanh của mình.
5. Khả năng nhìn xuyên thấu và đọc nhanh
Một cách tiếp cận đơn giản và cơ bản khác để kích hoạt được các khả năng của não phải là để não bộ tiếp nhận một lượng lớn thông tin với tốc độ cao. Não trái hoạt động với nhịp điệu chậm rãi. Còn não phải hoạt động với nhịp điệu nhanh hơn nhiều lần. Nếu được tiếp nhận một lượng lớn thông tin với tốc độ cao nhất qua việc nghe và nhìn, bán cầu não phải sẽ ngay lập tức tự động kích hoạt.
Một người mẹ tên K. S. ở Chiba có một cậu con trai tám tuổi và một cô con gái sáu tuổi – các bé đều đã sử dụng khá tốt những khả năng của não phải. Cả hai chơi rất giỏi các trò chơi trực giác và có thể đọc được cả một cuốn sách chỉ trong hai phút. Sau đây là bức thư chia sẻ của bà K. S.:
Khi hồi tưởng lại, tôi nhớ rằng các con tôi đã bắt đầu kể cho tôi về việc có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh – đó là từ tháng Ba năm ngoái. Trước đó, tôi đã đọc cho các con một bài báo có nhan đề: “Giáo dục cho trẻ sơ sinh” – khiến cả hai bé đều rất hứng thú. Cả hai bé cùng nói rằng chúng muốn được kích hoạt não phải và vì vậy, chúng tôi bắt đầu thực hành tưởng tượng.
Trước đó, tôi cũng thực hành phương pháp đọc nhanh với các con. Tôi ghi âm một cuốn sách và bật nó hai lần với tốc độ bình thường, trong khi con tôi cũng cầm trên tay cuốn sách đó và đọc cùng. Sau đó, tôi bật đoạn băng với tốc độ nhanh hơn gấp bốn lần. Mặc dù khó khăn hơn một chút, nhưng nó thực sự đã giúp con tôi nghe dễ dàng hơn khi đoạn băng được bật lại ở tốc độ nhanh gấp hai lần.
Chúng tôi thực hiện bài tập này lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian khá dài. Tôi nhớ cô giáo đã nói rằng “nhiều thông tin, với tốc độ cao và liên tục sẽ rất tốt cho sự kích hoạt của não phải”. Vì thế, tôi tin rằng việc nghe nhanh thực sự rất tốt, tôi đã cho con luyện tập thường xuyên và giờ đây cả hai bé đều có thể đọc được rất nhanh.
K. S. Chiba
Bà mẹ đã đúng. Luyện tập nghe với tốc độ nhanh sẽ giúp các khả năng khác của trẻ được tỏa sáng như khả năng lĩnh hội nhanh, ghi nhớ tốt, nâng cao độ tập trung và sự sáng suốt bình tĩnh cho trẻ.
Trong các lớp học Shichida, hoạt động đọc nhanh giúp các bé có kết quả học tập trung bình có thể đạt được một sự tiến bộ rõ rệt chỉ trong một thời gian ngắn. Khi bắt đầu rèn luyện, các bé này thường không có đủ kiên nhẫn, gặp khó khăn trong việc lắng nghe người khác và không có khả năng ngồi học từ đầu đến cuối buổi. Tuy nhiên, hoạt động đọc nhanh đã biến chúng thành những đứa trẻ có khả năng tập trung tuyệt vời và chủ động lắng nghe, tiếp thu lời thầy cô giáo.
Thầy giáo bắt đầu bằng việc đọc một mẩu chuyện ngắn trong vòng năm phút và dần dần câu chuyện dài hơn lên bảy, rồi chín phút… Bọn trẻ không còn hiếu động nữa. Chúng đang bận tập trung vào việc lắng nghe khi câu chuyện được kể với tốc độ nhanh hơn. Chúng trở nên bình tĩnh, kiên nhẫn hơn và có thể ghi nhớ rất tốt những điều thầy giáo nói.
Việc đọc nhanh sẽ kích hoạt não phải, kích hoạt chức năng ghi nhớ lượng lớn thông tin và tự động xử lý thông tin với tốc độ nhanh. Và kết quả là toàn bộ bộ não cùng hoạt động một cách hiệu quả.
Như vậy, việc nghe nhanh và đọc nhanh giúp kích hoạt não phải. Vì khi trẻ nhắm mắt và cố gắng ghi nhớ những điều đã đọc hoặc nghe, những thông tin đó sẽ hiện lên trong suy nghĩ của trẻ dưới dạng những bức tranh hoặc biểu đồ. Trẻ tự động tìm thấy trong đó những thông tin như “có một bức tranh trong trang sách này và có những từ ngữ liên quan đến bức tranh như thế này…”.
6. Đọc nhanh giúp kích hoạt khả năng trực giác
Khi chúng ta luyện tập đọc nhanh và nghe nhanh, hình ảnh bắt đầu tự động xuất hiện mà không cần có tư duy ý thức, sau đó những hình ảnh sống động này sẽ trở thành hiện thực. Một người có khả năng đọc nhanh kể lại rằng khi họ nhìn thấy một người phụ nữ đứng ở sảnh sân ga, ngay trong khoảnh khắc đó, hình ảnh về người phụ nữ này đang ngồi bên cạnh họ trên tàu cũng tự nhiên xuất hiện. Khi họ lên tàu, đúng là người phụ nữ đó đã ngồi xuống bên cạnh họ. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng khả năng đọc nhanh sẽ giúp kích hoạt khả năng đoán trước tương lai của con người.
Khi trẻ khai mở được những khả năng trực giác qua hoạt động thần giao cách cảm và nhìn xuyên thấu, khả năng nhìn thấy tương lai sẽ bộc lộ một cách tự nhiên. Điểm quan trọng cần phải nắm rõ ở đây là, vì não phải hoạt động ở tốc độ rất cao, những kích thích nhanh, tốc độ cao rất cần thiết để kích hoạt được khả năng này. Kích thích càng tức thời, não phải càng hoạt động hiệu quả.
Con người sở hữu khả năng ghi nhớ thiên bẩm chỉ bằng một ánh nhìn. Đây được gọi là khả năng ghi nhớ hình ảnh tức thời. Đại văn hào người Đức là Goethe được cho là đã sở hữu khả năng ghi nhớ trực giác này. Tương tự, những nghệ sĩ và những tài năng lớn cũng được cho là đã nuôi dưỡng khả năng này một cách tự nhiên trong thời kỳ thơ ấu và sở hữu nó cho đến tận cuối đời.
Nhìn lướt nhanh trong vòng một phút là một phần quan trọng trong quá trình luyện tập đọc nhanh. Hoạt động này liên quan tới việc đọc lướt một cuốn sách trong vòng một phút, nhắm mắt và nhớ lại hình ảnh của những từ ngữ được in trong các trang sách rồi viết lại điều đã nhìn thấy trong tâm trí mình. Ban đầu, hầu hết chúng ta chỉ ghi nhớ được từ bốn đến năm từ nhưng khi đã bắt đầu quen với việc đọc lướt này, số lượng từ ngữ ghi nhớ được sẽ dần tăng lên.
Nhìn lướt nhanh trong vòng một phút cũng giúp tăng khả năng ghi nhớ từ vựng tốt hơn khi học ngoại ngữ. Hãy bắt đầu bằng mười từ và tăng dần số lượng từ vựng lên hai mươi, ba mươi… Dần dần, ta có thể ghi nhớ được một trăm từ cho mỗi lần học. Trong phương pháp luyện tập này, điều quan trọng là cần phải hình dung rõ ràng hình ảnh của bản thân có khả năng ghi nhớ tức thời tất cả thông tin. Hiệu quả của hoạt động tưởng tượng, trò chơi trực giác và khả năng ghi nhớ của các học sinh cũng được tăng lên rõ rệt nếu giáo viên và các em học sinh cùng lúc hình dung ra hình ảnh của các em đang đạt được kết quả tuyệt vời trong các hoạt động. Điều này cũng đúng với hoạt động đọc nhanh.
Có thể sẽ có phụ huynh lo lắng rằng với phương pháp đọc nhanh, nội dung mà người đọc hiểu được sẽ mơ hồ và không chính xác. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Khi kỹ năng đọc nhanh của con phát triển, khả năng nắm bắt nội dung sẽ được củng cố đồng thời ở bán cầu não phải. Việc loại bỏ cách tiếp cận của não trái bằng tư duy ngôn ngữ và tư duy logic sẽ giúp cho trẻ có khả năng tiếp thu nhanh và đạt được kết quả cao. Cùng lúc đó, khả năng trực giác được rèn luyện và sự sáng tạo, cảm hứng trong học tập cũng dễ dàng đến với trẻ hơn.
Sự thật là khả năng đọc nhanh phát triển cũng giúp kích hoạt khả năng trực giác, bởi chúng đều có liên kết với năng lực tưởng tượng mạnh mẽ nằm bên trong bán cầu não phải. Bà K. S. đã gửi cho tôi một bức thư về khả năng đọc nhanh của hai con mình:
Khoảng một tháng trước, con trai và con gái tôi đã bắt đầu đoán trúng được cả hai mươi lăm trên hai mươi lăm thẻ trong trò chơi trực giác. Con gái tôi (sáu tuổi) cũng có được kết quả tuyệt đối trong hoạt động nhìn xuyên thấu, thần giao cách cảm và chạm cảm nhận. Bé nói với tôi rằng có thể nhìn thấy rất rõ ràng dấu hiệu của từng tấm hình khi chỉ nhìn vào mặt sau của thẻ.
Chúng tôi đã luyện tập đọc nhanh hàng ngày và gần đây, tốc độ đọc của con đột nhiên tăng lên. Bây giờ cả hai đều có thể đọc một quyển sách trong vòng một phút.
Sau đây là một trường hợp khác thành công trong việc đọc nhanh:
Tôi đang nỗ lực sử dụng những tấm thẻ luyện tập đọc nhanh nhằm phát triển khả năng này cho cậu con trai đang học lớp Một. Tốc độ đọc của con đã tăng lên một cách đáng kể. Chúng tôi đã rất chăm chỉ thực hiện bài tập viết trong một phút. Bây giờ, cháu có thể đọc cuốn sách dày hai trăm trang một cách dễ dàng. Tôi đã nhận ra rằng khả năng đọc nhanh là phương pháp tối ưu nhất để kích hoạt não phải cho con.
Điểm số của cháu ở lớp Năm chỉ đạt mức trung bình. Khi chúng tôi bắt đầu sử dụng những tấm thẻ luyện đọc nhanh để kích hoạt não phải, điểm số bắt đầu được cải thiện chỉ sau một tháng và lần đầu tiên cháu đạt điểm số tuyệt đối trong bài kiểm tra trên lớp. Kể từ đó, con thường xuyên đạt được điểm cao như vậy. Tôi cũng đã rút ra một mẹo nhỏ trước khi thực hiện hoạt động đọc nhanh đó là luôn nhớ bắt đầu với hoạt động thiền tập, hít thở sâu, sử dụng những gợi ý tích cực và thực hiện hoạt động tưởng tượng.