1. Âm nhạc của não trái và âm nhạc của não phải
Mọi người thường cho rằng khả năng âm nhạc, hội họa và các môn nghệ thuật khác là lĩnh vực thuộc não phải, trong khi khả năng tính toán và tư duy logic lại được nuôi dưỡng ở bán cầu não trái. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng chỉ cần học âm nhạc hoặc hội họa là đã có thể kích hoạt được não phải. Tuy nhiên, quan điểm này là sai lệch. Nếu khóa học âm nhạc tập trung chủ yếu vào việc học các bản hòa âm và đọc khuôn nhạc thì chỉ giúp bồi dưỡng cho não trái của trẻ.
Cho dù trẻ có thể chơi nhạc chính xác theo bản phối thì khả năng âm nhạc này cũng không mang lại nhiều giá trị về tình cảm và tâm hồn.
Những bài học âm nhạc thiên về não trái thường sử dụng các bài tập xướng âm và Bael. Các em được giao về nhà một đoạn nhạc bắt buộc phải luyện tập trước, và rồi thầy cô sẽ kiểm tra khả năng chơi nhạc của các em chính xác đến đâu trong giờ học tiếp theo. Cách học nhạc này đôi khi trở thành một cực hình, chính vì vậy, một số em thường hay khóc khi bị kiểm tra bài. Phương pháp Shichida tin rằng nếu một bài giảng không thể mang tới niềm vui cho trẻ thì đó không phải là một bài học tốt và tốt hơn hết là không nên dạy tiếp bài học đó.
Vậy thì một bài học nhạc theo định hướng não phải có gì khác biệt? Một người sau khi được đào tạo theo phương pháp não trái khó có thể chơi nhạc nếu không được xem bản nhạc. Trong khi đó, người học theo phương pháp não phải có thể chơi lại một đoạn nhạc ngay lập tức cho dù chỉ mới nhìn hoặc nghe qua một lần. Khi được đưa cho một chủ đề, họ có thể ứng biến và tự sáng tạo giai điệu của riêng mình. Nếu bạn muốn học nhạc, bạn nên áp dụng phương pháp não phải vì phương pháp này sẽ giúp bạn phát triển khả năng âm nhạc và dễ dàng chơi những bản nhạc dù bạn chưa bao giờ tiếp xúc với chúng trước đây.
2. Tại sao rất ít các nhạc sĩ có thiên hướng não phải?
Vào năm 1960, kênh truyền hình Osaka Yomiuri đã tổ chức một cuộc thi đánh đàn piano. Nhà sản xuất âm nhạc đứng cạnh một chiếc đại dương cầm lớn trong studio – nơi cuộc thi diễn ra. Có rất nhiều thí sinh háo hức tham dự cuộc thi. Mặc dù ai cũng tự tin vào khả năng âm nhạc của mình, nhưng phần lớn các thí sinh đều chỉ có thể chơi theo một bản nhạc được cho trước. Nhà sản xuất cảm thấy thất vọng và càng trở nên chán nản. Ông đưa cho mỗi ứng viên nhiều tình huống giả định và yêu cầu họ sáng tác những tác phẩm phù hợp với hoàn cảnh đó. Ban đầu, ông yêu cầu họ chơi những bản nhạc lôi cuốn, vui vẻ, sau đó là những bản nhạc sâu lắng, truyền tải được cảm xúc và phù hợp với bối cảnh. Cuối cùng, nhà sản xuất chỉ tìm được duy nhất một người có khả năng đáp ứng yêu cầu của mình.
Những nghệ sĩ học nhạc theo phương pháp não trái không thể đáp ứng được những yêu cầu bất ngờ như thế này bởi họ chỉ có khả năng chơi thể loại âm nhạc của não trái. Kết quả của cuộc thi trên chứng tỏ rằng trong số hàng trăm nhạc sĩ, chỉ có một nhà soạn nhạc duy nhất có thiên hướng não phải, dẫn đến giả thuyết nuôi dưỡng khả năng âm nhạc não phải thì khó hơn rất nhiều so với não trái. Nhưng việc này có thực sự khó đến như vậy không? Sự thật là đào tạo khả năng âm nhạc não phải dễ dàng hơn đào tạo khả năng âm nhạc não trái rất nhiều. Việc hiện nay không có nhiều nhà soạn nhạc thiên hướng não phải chỉ đơn thuần là do chúng ta còn ít biết đến phương pháp giáo dục não phải mà thôi.
3. Dễ dàng hơn khi học bằng não phải
Cô Y. N. ở Siga hỏi tôi rằng: “Tất cả các bạn bè của cô có con gái bốn tuổi đều đã được học piano. Tôi có nên cho con đi học piano không?”.
Tôi khuyên cô ấy rằng thay vì cho con đi học piano ngay lập tức, tốt hơn hết là đợi cho đến khi khả năng tưởng tượng não phải của con được kích hoạt. Một khi chạm được vào khả năng tưởng tượng não phải, cô bé sẽ dễ dàng lưu trữ tất cả những gì nghe hoặc nhìn thấy được ngay từ lần đầu tiên vào bộ nhớ hình ảnh của não phải, và có thể tái hiện lại chúng bất cứ khi nào.
Y. N. làm theo hướng dẫn của tôi và cô đã gọi lại cho tôi vào ngày mùng mười, tháng Tư năm sau. Cô kể lại: “Vài ngày trước, bạn bè của con gái tôi tới nhà chơi. Các con kể với tôi rằng con gái tôi là đứa trẻ duy nhất trong lớp không học piano, nhưng lại là đứa trẻ chơi piano tốt nhất. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe các bạn của con nói vậy. Tôi có thể làm gì cho con gái tôi bây giờ?”.
Tôi khuyên cô ấy rằng tốt nhất là tìm một nghệ sĩ piano giỏi để dạy đàn cho cô bé. Vì cô bé có thể nhớ được tất cả các nốt nhạc mà người giáo viên chơi một cách chính xác nên bé sẽ tiến bộ rất nhanh.
Không lâu sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại khác. Cô Y. N. rất may mắn khi hàng xóm của cô là một nghệ sĩ đàn chuyên nghiệp đã đặc biệt ưu ái nhận dạy con của cô. Cô bé tham gia lớp học một cách hào hứng và làm thầy giáo ngạc nhiên vô cùng vì khả năng quan sát và ghi nhớ chính xác của mình. Hai thầy trò học nhanh đến nỗi mỗi ngày có thể học tới mười trang sách. Cô bé đã thực sự sử dụng được rất tốt những khả năng não phải của mình để học piano.
4. Khả năng ghi nhớ tức thời của não phải
Con người thường sử dụng trí nhớ của não trái để ghi nhớ kiến thức, tuy nhiên bộ nhớ này thường nhanh chóng quên đi những thông tin đã được đưa vào. Trong khi đó, não phải có khả năng lưu trữ lại những gì nhìn thấy hoặc nghe thấy từ lần đầu tiên dưới dạng hình ảnh và có thể gợi lại thông tin tức thì, chính xác. Khả năng ghi nhớ của não phải còn được gọi là khả năng lưu giữ hình ảnh trực giác. Trong quá khứ, không ai biết đến loại trí nhớ này nhưng việc luyện tập phương pháp Shichida sẽ giúp kích hoạt khả năng này ở trẻ.
Một cậu bé hiện đang học lớp Bốn và bắt đầu theo phương pháp giáo dục não phải khi còn là học sinh lớp Ba. Cậu nhanh chóng kích hoạt được trí nhớ não phải khi sử dụng khả năng ghi nhớ bằng hình ảnh. Khi được yêu cầu vẽ tranh, cậu vẽ ra những hình ảnh rất đẹp. Khi được yêu cầu viết truyện, cậu sáng tác ra những câu chuyện có bố cục tuyệt vời. Điều làm mọi người ngạc nhiên nhất là mặc dù đã được học violin từ trước, nhưng tới bây giờ cậu mới có thể chơi các đoạn nhạc một cách hoàn hảo, chính xác như những gì cậu được nghe. Bằng việc luyện tập để nâng cao khả năng tưởng tượng, từ đó cậu bé đã phát triển được khả năng ghi nhớ tức thời.
Những đứa trẻ được kích hoạt não phải không chỉ nhận biết cao độ hoàn hảo, có thể tái hiện lại chính xác các tiết tấu âm thanh được nghe, mà còn có khả năng soạn nhạc trong tâm trí. Cho dù trẻ chỉ nghe bản nhạc một lần, khi con chơi nhạc cụ, những ngón tay của con sẽ di chuyển một cách tự nhiên và tái hiện lại bản nhạc chính xác. Yoichi Hiraoka(1), một nghệ sĩ saxophone nổi tiếng, đã từng nói: “Nếu tôi nghe một bản nhạc khi đứng cạnh một chiếc saxophone, những ngón tay của tôi tự di chuyển trên các phím và tôi sẽ chơi một bản nhạc giống y hệt bản nhạc tôi vừa nghe”. Các em bé có não phải phát triển đều có thể làm được việc này.
(1) Yoichi Hiraoka: Nghệ sĩ mộc cầm nổi tiếng của Nhật Bản đến từ Amagasaki, tỉnh Hyogo.
5. Các khả năng của não phải có quan hệ mật thiết với nhau
Có một điều hết sức quan trọng cần nhận ra, đó là tất cả các khả năng của não phải đều liên quan tới nhau thông qua hình ảnh. Khi trẻ bắt đầu trả lời đúng các trò chơi trực giác của não phải, bộ nhớ của não phải cũng sẽ được kích hoạt và cùng lúc đó, khả năng cao độ hoàn hảo được khơi gợi. Tôi đã nhận được nhiều báo cáo chứng minh cho điều này. Đây là một trong những báo cáo đó.
Con trai của chúng tôi năm nay sáu tuổi, bé bắt đầu tham gia lớp học Shichida từ tháng Chín năm ngoái. Thời gian đầu, con không trả lời đúng bất cứ câu hỏi trực giác nào và dần nản lòng. Tôi biết rằng việc cảm nhận sự hòa hợp giữa bố mẹ và con cái là vô cùng quan trọng, vì thế tôi thường ôm con thật chặt. Ông có biết không? Chẳng bao lâu con có thể trả lời đúng tất cả các trò chơi trực giác như thần giao cách cảm hay nhìn xuyên thấu. Thêm vào đó, trước đây con tôi chưa từng nghe đúng nốt nhạc hoặc hợp âm trong lớp thanh nhạc, vậy mà chỉ sau một tháng học ở viện, cậu bé bắt đầu nhận biết các nốt nhạc một cách dễ dàng. Không chỉ thế, cậu bé cũng luyện được kỹ năng nghe tiếng Anh rất tốt và phát âm lại chính xác những gì nghe được. Những kết quả tốt đẹp này chắc chắn là nhờ khả năng cảm thụ âm thanh của con đã tiến bộ rất nhiều.
Từ việc quan sát con trai mình, tôi đã hiểu tại sao giáo sư lại nói tất cả các khả năng não phải đều có liên quan mật thiết với nhau.
Các bài tập rèn luyện khả năng tưởng tượng, trực giác, khả năng ghi nhớ và tráo thẻ đều giúp phát triển khả năng âm nhạc. Vì vậy trẻ sẽ học tốt hơn nếu các lớp học thanh nhạc cũng có các hoạt động như hít thở sâu, thiền tập, gợi ý tích cực và hoạt động tưởng tượng.
6. Học âm nhạc với phương pháp giáo dục não phải
Việc kích hoạt năng lực tưởng tượng của não phải không khó. Sử dụng thẻ cam cho hoạt động tưởng tượng cũng giúp trẻ nhìn thấy hình ảnh một cách dễ dàng.
Thẻ cam là một tấm thẻ có màu da cam, ở giữa có một chấm tròn màu xanh dương đường kính khoảng hai đến ba xentimet. Sau khi nhìn chăm chú vào tấm thẻ khoảng hai mươi đến ba mươi giây, khi nhắm mắt lại, chúng ta vẫn nhìn thấy hình ảnh chấm tròn trước mắt. Ở giai đoạn đầu của hoạt động này, hình ảnh chúng ta nhìn thấy thường bị hoán đổi màu, tấm thẻ biến thành màu xanh dương còn chấm tròn biến thành màu cam. Bạn hãy nhìn lại tấm thẻ và nhắm mắt tưởng tượng thêm ba lần liên tiếp nữa.
Bằng việc lặp lại hoạt động này hằng ngày, bạn sẽ nhìn thấy màu sắc chính xác của tấm thẻ khi hai màu ở đúng vị trí của chúng mà không còn đổi chỗ cho nhau nữa. Đây chính là giai đoạn thứ hai. Càng luyện tập nhiều, chúng ta càng có khả năng giữ lại hình ảnh tái hiện càng lâu.
Ở giai đoạn thứ ba, bạn có thể có khả năng biến đổi màu của hình ảnh tưởng tượng từ chấm xanh sang đỏ hoặc vàng, hoặc biến đổi hình dạng từ tròn sang tam giác theo gợi ý của người hướng dẫn.
Khi đạt tới giai đoạn thứ tư, bạn sẽ có khả năng tưởng tượng hình ảnh một cách tự nhiên. Một khi đã ở trạng thái này, não phải của bạn đã hoàn toàn được kích hoạt. Bây giờ bạn có thể dùng khả năng hình ảnh này để hình dung mình đang chơi đàn piano hoặc violin. Bởi vì não bộ không phân biệt việc chơi đàn trong tưởng tượng hay thực tế, nên nếu bạn gợi lên hình ảnh bản thân đang biểu diễn thật tuyệt vời, thì bài biểu diễn thật của bạn cũng sẽ giống hệt như những gì bạn tưởng tượng.
Tưởng tượng với thẻ cam
Thực hành luyện khả năng tưởng tượng bằng thẻ cam có chấm xanh dương ở giữa.
Khi tiếp tục quá trình tưởng tượng, bạn có thể biến chấm tròn màu xanh dương thành các chấm có hình dạng và màu sắc khác nhau.
7. Khơi dậy khả năng cao độ hoàn hảo qua hoạt động rèn luyện khả năng tưởng tượng
Phương pháp giáo dục truyền thống rất khó phát triển khả năng cao độ hoàn hảo cho trẻ. Ngược lại, việc khơi dậy năng lực tưởng tượng bằng phương pháp giáo dục não phải sẽ giúp trẻ dễ dàng kích hoạt khả năng này. Đây là bức thư của một người mẹ là giáo viên dạy piano - người áp dụng phương pháp Shichida trong lớp dạy nhạc của mình. Bằng phương pháp giáo dục não phải, cô đã kích hoạt thành công khả năng cao độ hoàn hảo cho những trẻ được xem là quá tuổi để lĩnh hội khả năng này.
Tôi sẽ kể cho ông nghe về học sinh trong lớp học đàn của tôi. Cô bé đang học lớp Một và đã bắt đầu tham dự lớp học của tôi từ khi sáu tuổi hai tháng. Trước khi gặp tôi, bé từng học ở một trường dạy nhạc khác trong ba năm. Lần đầu tiên gặp cô bé, tôi đã kiểm tra xem liệu bé có khả năng cảm nhận âm nhạc tốt không nhưng hầu như bé không thể thực hiện được các bài tập mà tôi đưa ra. Vì mẹ của bé khăng khăng nói là cô ấy rất muốn con gái của mình đạt được khả năng cao độ hoàn hảo, nên tôi nói với cô ấy rằng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.
Trước khi bài học bắt đầu, tôi cho bé xem một tấm thẻ cam có chấm xanh dương ở giữa. Tôi hướng dẫn cô bé thực hiện bài tập thiền, hít thở sâu, quan sát thẻ cam và tưởng tượng, giống như những hoạt động tôi được học trong lớp học Shichida. Cô bé có khả năng nhìn thấy hình ảnh rất tốt ngay từ khi bắt đầu luyện tập. Bé thực hiện hoạt động tưởng tượng tốt đến nỗi khiến tôi phân vân liệu con có đang thực sự nhìn thấy những gì tôi gợi ý. Nhưng khả năng cảm thụ âm nhạc của bé tiến bộ rất nhanh nên tôi tin chắc rằng bé đã nhìn thấy những hình ảnh trong tưởng tượng.
Ban đầu, tôi hơi lo lắng vì cô bé đã sáu tuổi rồi nhưng chỉ sáu tháng sau, bé đã có khả năng nghe và đoán được bốn nốt hợp âm, không kể nốt đen và nốt trắng. Chắc chắn bé đã đạt được khả năng cao độ hoàn hảo. Khả năng nghe hợp âm của bé tương đương với một sinh viên chuyên ngành âm nhạc. Tôi kể cho mẹ cô bé nghe những gì tôi được học về não phải trong lớp học Shichida. Tôi nhấn mạnh rằng niềm tin của mẹ vào giá trị của phương pháp cũng như sự luyện tập thêm ở nhà đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của con.
Trải nghiệm này cho tôi thấy rằng, dù trẻ đã vượt qua ngưỡng tuổi được cho là thích hợp để phát triển khả năng não phải, chúng vẫn có thể kích hoạt khả năng này nếu được luyện tập đúng cách. Ba yếu tố: khả năng tưởng tượng, sự hứng thú vui vẻ trong buổi học và sợi dây liên kết khăng khít giữa trẻ, ba mẹ và thầy cô là nhân tố chính đóng vai trò quyết định. Nếu tôi chưa bao giờ được tiếp cận với phương pháp Shichida, có thể cô bé sẽ không có cơ hội phát triển khả năng cao độ hoàn hảo của mình.
8. Thẻ cam giúp nâng cao khả năng tưởng tượng
Dưới đây là báo cáo về việc rèn luyện tái hiện dư ảnh bằng phương pháp thẻ cam, dùng để phát triển khả năng tưởng tượng của não phải.
Từ tháng Tư năm nay, tôi bắt đầu áp dụng lại phương pháp thẻ cam trong lớp học của mình. Bài học bắt đầu khi ba mẹ và bé tập hít thở sâu, sau đó, ba mẹ ôm con âu yếm và khích lệ con. Tiếp đến là hoạt động tưởng tượng thẻ cam và các trò chơi luyện khả năng trực giác. Tôi hướng dẫn các bé nhìn chăm chú vào tấm thẻ mười giây, nhắm mắt lại để quan sát rồi sau đó mở mắt kể lại cho tôi nghe bé đã nhìn thấy những gì. Ngay sau đó, chúng tôi chơi các trò chơi trực giác. Từ khi sử dụng thẻ cam trong hoạt động tưởng tượng, tôi bắt đầu theo dõi độ chính xác của các câu trả lời trong tổng số năm lần chơi. Mặc dù chỉ mới áp dụng phương pháp hơn một tháng, điều kỳ diệu đã xảy ra trong tuần học đầu tiên của tháng Năm. Thông thường, tỉ lệ câu trả lời đúng là khoảng ba trên năm câu, nhưng buổi học ngày hôm đó, tất cả các học sinh chọn đúng cả năm trên năm câu trả lời. Các ba mẹ cũng vỡ òa trong niềm vui chúc mừng các bé. Từ đó, chúng tôi quyết định nghiên cứu sâu hơn về tầm quan trọng của hoạt động tưởng tượng với thẻ cam và tôi tự nhủ sẽ nỗ lực hơn nữa để giúp các bé đạt được những kết quả tốt đẹp hơn.
Trong lớp học âm nhạc, mặc dù chúng tôi có áp dụng hoạt động tưởng tượng nhưng lại không sử dụng nhiều thẻ cam trong lớp. Bởi vậy, tôi dự định sẽ áp dụng phương pháp này nhiều hơn nữa trong các giờ dạy của mình.
Đây là một bài báo cáo khác của cùng giáo viên:
Đã hơn bốn năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi dạy lớp cảm thụ âm nhạc ở Fukuoka và các em tham dự khóa học thường có được khả năng cao độ hoàn hảo sau một đến hai năm học. Các bé yêu thích và say mê âm nhạc thường phát triển khả năng này nhanh hơn. Một số bé hai tuổi tham gia lớp học từ lúc một tuổi rưỡi có thể nghe và chọn chính xác thẻ nốt nhạc. Một bé trai và bé gái hơn bốn tuổi trong lớp đã học hai năm có thể gọi tên chính xác cho hợp âm bốn nốt và các nốt đen. Hai bé còn biểu diễn lại chính xác một giai điệu ngắn dù chỉ mới được nghe một lần.
Điều này chứng tỏ khả năng cao độ hoàn hảo của hai bé này đã được kích hoạt và có mối liên kết vững chắc với não trái. Các bé còn lại trong lớp cũng đã có khả năng cao độ hoàn hảo nhưng chưa hình thành được kết nối tốt như vậy. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi các bé lớn lên và não trái dần chiếm ưu thế thì khả năng cao độ hoàn hảo này sẽ được liên kết và thể hiện rõ ràng hơn.
Một bé học sinh của tôi đã hoàn thành khóa học cảm thụ âm nhạc và đang bắt đầu chuyển sang học đàn piano. Tôi cảm thấy rất vui khi nghe về những thành công bé có được nhờ tham dự lớp cảm thụ âm nhạc của Shichida. Bé tiến bộ rất nhanh với khả năng cảm âm hoàn hảo. Thầy giáo dạy đàn của bé nói rằng tốc độ tiến bộ của bé nhanh gấp mười lần so với các bạn cùng trang lứa. Thêm vào đó, cô bé còn khiến thầy sửng sốt về sự ham học hỏi và khả năng lĩnh hội nhanh chóng các kiến thức về kết cấu phím đàn, nốt nhạc và giai điệu. Tuyệt vời hơn, cô bé còn có khả năng soạn nhạc thông qua hình ảnh.
Thật sự thì không phải tất cả các khả năng này của bé đều được thể hiện hết trong khóa học cảm thụ âm nhạc mà chúng bắt đầu xuất hiện sau đó. Cô bé có thể nghe thấy một giai điệu xuất hiện trong đầu và bé không cần phải có bất kỳ một nhạc cụ nào đó để chơi thử. Bé có thể đọc lướt và ghi nhớ nhanh các bản nhạc trong lớp học để học cách viết lại những giai điệu do chính mình sáng tác. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe mẹ bé nói rằng một số tác phẩm của bé có cả phần viết những đoạn nhạc đệm.
Kết quả tuyệt vời này đạt được khi chúng tôi theo đuổi kiên trì phương châm “Học phải thật vui”. Càng ngày tôi càng tin tưởng mạnh mẽ vào những hiệu quả mà phương pháp Shichida mang lại cho trẻ. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng giúp cho nhiều bé nhỏ được tiếp cận với phương pháp để phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Yukiko Beppu, lớp học Fukuoka
9. Khả năng tưởng tượng của não phải giúp phát triển khả năng ghi nhớ tức thời
Những trẻ có khả năng tưởng tượng của não phải dễ dàng đạt được khả năng cao độ hoàn hảo. Tại sao lại như vậy? Vì khả năng tưởng tượng của não phải vốn đã bao gồm cả việc gợi lại chính xác hình ảnh hoặc âm thanh trẻ mới nhìn hoặc nghe một lần. Vì vậy, kể cả khi bị cho là đã vượt quá ngưỡng tuổi để phát triển cao độ hoàn hảo thì trẻ vẫn có thể phát triển khả năng này nếu được dạy theo phương pháp giáo dục não phải. Một khi chức năng nghe của não phải được kích hoạt, trẻ sẽ phát triển khả năng cảm thụ âm thanh hoàn toàn khác biệt so với trẻ được hướng dẫn nghe bằng não trái. Dưới đây là ghi chép của một người mẹ ở quận Shiga.
Vào ngày mười chín tháng Năm, tôi tới lớp dạy đàn piano của con. Vì con tôi đang tiến bộ quá nhanh so với các bạn nên cô giáo của bé muốn gặp tôi để trao đổi: “Liệu việc cháu học mọi thứ quá nhanh như vậy có ổn không?”. Cùng lúc đó, cô giáo gợi ý chúng tôi nên chơi trò nghe - chơi hoặc viết lại các hợp âm. Tháng trước khi giáo viên đánh mỗi hợp âm hai lần và nói: “Đây là nốt đồ, fa, la. Còn đây là nốt si, rê, son”, cháu có thể nhận biết đúng hợp âm ngay tức thì. Cô giáo rất sửng sốt và nói rằng: “Thật là kỳ lạ khi con có khả năng cảm nhận cao độ nhanh và chính xác như vậy”.
Trong số các bé tham dự lớp học Shichida, một vài bé chưa từng tham gia bất cứ lớp âm nhạc nào nhưng vẫn có thể nhớ được các bài hát một cách tự nhiên qua giai điệu, thậm chí sáng tác thêm phần đệm rồi chơi lại bài hát đồng thời cả hai tay. Vài ngày sau, một việc bất ngờ đã xảy ra. Cậu bé S năm tuổi, chơi trò đóng vai thầy giáo dạy nhạc trong khi các bạn khác đóng vai học sinh. Điều đáng ngạc nhiên là cậu có thể chơi chính xác các hợp âm từ “đồ, mi, son” tới “si, rê, son” mặc dù chưa từng được nghe giảng. Cô giáo ấn tượng trước sự trình diễn của cậu và thắc mắc sao cậu có thể làm được như thế, cậu bé liền trả lời: “Con nhìn cô đánh đàn và con sẽ chơi được giống cô”. Đối với những em bé được tiếp cận với phương pháp giáo dục não phải, khả năng này là hoàn toàn bình thường.
Một ngày khác, tôi thuyết trình tại một trường mẫu giáo áp dụng phương pháp giáo dục não phải Shichida. Trường mẫu giáo này đã rất khéo léo lồng ghép hoạt động tưởng tượng vào các bài học âm nhạc và kết quả là các bé có khả năng chơi đàn rất hay. Các bé có thể chơi các bản nhạc cổ điển nguyên gốc (nghĩa là các đoạn không bị làm đơn giản hóa để dễ dàng hơn cho các bé) của các nhà soạn nhạc Chopin, Mozart, Beethoven. Khi tham gia cuộc thi đánh đàn piano, các bé nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải nhất. Sự ra đời của phương pháp giáo dục não phải trong đào tạo âm nhạc đã thay đổi hoàn toàn cách thức và nội dung giảng dạy trong lĩnh vực này.