1. Tại sao trẻ em là những thiên tài về ngôn ngữ?
Não phải tiếp thu ngôn ngữ rất dễ dàng. Trẻ nhỏ thường được xem là có khả năng ngôn ngữ thiên bẩm bởi chúng có thể nói được ngôn ngữ mẹ đẻ trôi chảy chỉ trong vòng ba năm. Vậy còn người trưởng thành thì sao?
Thậm chí sau ba năm học ngôn ngữ tại Mỹ, rất nhiều người Nhật Bản trưởng thành không thể đạt được kỹ năng nghe và nói tiếng Anh thuần thục. Những sinh viên ngoại quốc tại Mỹ thường phải tham gia một khóa học tiếng Anh trước khi được phép học theo chương trình chính quy. Chỉ khi đủ khả năng vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, họ mới có thể bắt đầu đăng ký những khóa học chính. Tuy nhiên, rất nhiều du học sinh Nhật Bản không vượt qua được kỳ thi này mặc dù đã theo học chương trình ngoại ngữ trong suốt ba, bốn năm trời. Tại sao lại như vậy?
Điều quan trọng cần hiểu là việc học ngôn ngữ không phải là quá trình tiếp thu kiến thức mà liên quan tới kỹ năng nghe ngoại ngữ đó.
Mỗi ngôn ngữ đều có một dãy tần số riêng biệt mà tai của người bản địa được lập trình để nghe và loại trừ dãy tần số của những ngôn ngữ khác. Tần số riêng của mỗi phương ngữ được gọi là “dải băng tần” (Nguồn: tư liệu của Tomatis(1)). Đôi tai sẽ tự động đóng lại đối với những tần số khác và đơn giản là không nắm bắt những âm thanh đó. Những gì mà chúng ta không nghe được thì chúng ta không thể phát âm. Chính cơ chế này là nguyên nhân khiến cho người Nhật Bản trưởng thành không thể nói được tiếng Anh lưu loát dù mất nhiều năm học tập. Muốn học được một ngôn ngữ, cần nắm rõ nguyên tắc này.
(1) Afred Tomatis: Từ cuối những năm 1940, trong khi ông đang nghiên cứu để chữa chứng rối loạn giọng nói cho một số ca sĩ, ông đã tìm ra mối liên kết giữa cơ chế nghe và cơ chế phát âm.
Những em bé sơ sinh có khả năng tiếp nhận được những dãy tần số rất rộng, từ 160 tới 16.000 Hz. Tuy nhiên, khi các bé lớn lên, tai các bé quen với tần số và nhịp điệu của ngôn ngữ mẹ đẻ, và cho đến khi các bé lên sáu tuổi, phạm vi của dãy tần số đã được thiết lập cố định. Sáu tuổi là cột mốc rất quan trọng. Một khi trẻ đã tới độ tuổi này, các kết nối thần kinh phục vụ khả năng nghe ngôn ngữ mẹ đẻ giờ đây đã được thiết lập vững chắc và không thể thay đổi.
Trong khi tiếng Nhật chủ yếu nằm ở dãy tần số lên tới 1.500 Hz, thì dãy tần số của tiếng Anh lại nằm ở trong khoảng 2.000 - 12.000 Hz. Điều này gây khó khăn cho người Nhật trong quá trình học tiếng Anh. Nguyên nhân khiến người Nhật cảm thấy tiếng Anh rất khó học không phải vì họ kém cỏi mà vì cơ chế nghe của họ không được điều chỉnh kịp thời để nắm bắt các âm thanh của tiếng Anh.
Các em bé sơ sinh và trẻ nhỏ rất có năng khiếu trong việc tiếp thu ngôn ngữ bởi chúng không hề gặp phải rào cản về phạm vi dãy tần số như ở người lớn.
2. Nắm bắt cơ chế nghe âm thanh
Như đã đề cập trong phần trên, việc học để hiểu và nói được một ngôn ngữ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế nghe. Nếu chúng ta muốn sử dụng thành thạo những ngôn ngữ khác, đầu tiên chúng ta cần hiểu cơ chế này hoạt động như thế nào.
Nhà ngôn ngữ học người Pháp Alfred Tomatis mô tả tai người có hai cánh cửa: màng nhĩ và xương bàn đạp.
Những câu nói phát ra trở thành rung động âm thanh lan truyền trong không khí tới màng nhĩ.
Trong trường hợp đứa trẻ còn đang trong bụng mẹ, những rung động âm thanh từ giọng nói của mẹ truyền đến bé thông qua xương trực tiếp tới tai giữa. Tai giữa kiểm soát những âm thanh được truyền đến bằng cách co bóp các cơ xung quanh xương búa và xương bàn đạp.
Chuyển động cơ xung quanh xương búa gây tác động tới màng nhĩ, bộ phận có chức năng như một thấu kính âm thanh, giống như thủy tinh thể của mắt, nơi các thông tin thị giác được truyền tới võng mạc. Trong khi đó, chuyển động của múi cơ xung quanh xương bàn đạp lại kiểm soát tai trong. Tai trong có vai trò như một lăng kính sắp xếp các thang âm khác nhau thành dãy âm thanh, giúp cộng hưởng lại những âm thanh đã đi vào tai và chuẩn bị cho thanh quản cộng hưởng đáp lại. Khi âm thanh được tai tiếp nhận, thanh quản sẽ cộng hưởng lại để phát ra âm thanh mô phỏng âm thanh nghe được một cách hoàn hảo. Vì thế, hoạt động phát âm có liên hệ mật thiết với hoạt động nghe.
Cứ như vậy, cơ chế nghe âm thanh của con người được hình thành. Khi âm thanh của một loại ngôn ngữ đi vào tai qua cơ chế này và được lưu lại bền vững trong trí nhớ, các tế bào thần kinh cảm giác nằm trong một dãy tần số nhất định sẽ được kích thích có chọn lọc. Sự hình thành cơ chế nghe với quy tắc nhận biết và phản hồi âm vị giúp chúng ta lĩnh hội được các âm thanh ở một mức tần số nhất định. Nhờ vậy, chúng ta có thể phát âm đúng âm thanh đã nghe và dần dần nói được ngôn ngữ đó. Vì thế, ngôn ngữ nên được học thông qua quá trình nghe, chứ không phải qua việc nhìn.
Hãy cùng cân nhắc khía cạnh sinh lý học và âm học trong quá trình lĩnh hội ngôn ngữ.
Hiển nhiên là chúng ta không thể mô phỏng lại một âm thanh mà chúng ta chưa từng được nghe. Nhưng nếu được nghe một âm thanh thật chuẩn xác, ta sẽ có khả năng phát âm đúng được âm thanh đó. Tomatis nhấn mạnh rằng ngôn ngữ chỉ có thể được tiếp thu dễ dàng khi chúng ta luyện tập đôi tai nghe và nhận biết âm thanh giống như đôi tai của đứa trẻ trong bụng mẹ. Khi đó, kể cả người trưởng thành cũng có thể lĩnh hội được những ngôn ngữ mới. Ông chỉ ra nguyên nhân khiến những đứa trẻ chậm nói là do không được tiếp cận với các kích thích ngôn ngữ cần thiết trong quá trình trẻ thiết lập cơ chế nghe và kết quả của sự thiếu sót này sẽ dẫn đến khiếm khuyết về nghe hay phát âm của trẻ. Một nghệ sĩ opera đến từ Venice không thể phát âm chữ cái R đã có thể thiết lập lại kênh nghe chuẩn xác bằng cách lắng nghe những âm thanh như đang ở trong dạ con qua một thiết bị đặc biệt được phát minh bởi Tomatis. Nhờ đó, cô có thể học được cách phát âm chính xác các phụ âm.
3. Thời kỳ trứng nước - Cơ hội vàng cho việc học ngoại ngữ
Một nguyên nhân khác giải thích cho lý do tại sao hầu hết trẻ nhỏ có thể tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ trong vòng ba năm đầu đời: đó là vì trẻ đã học ngôn ngữ bằng não phải một cách vô thức. Trong khi đó, người lớn thường sử dụng não trái để học ngôn ngữ một cách có ý thức. Việc sử dụng thành thạo một ngoại ngữ bằng não trái là không thể.
Hãy phân tích việc bộ não của một người trưởng thành hoạt động như thế nào khi người đó nói ngôn ngữ mẹ đẻ. Chúng ta cần phải tư duy rất nhiều trong khi giao tiếp. Khi nói chuyện, não bộ hoạt động ở tốc độ cao với hiệu suất vượt trội hơn máy vi tính vì cả người nói và người nghe luôn phải suy nghĩ để hiểu và duy trì cuộc hội thoại, đồng thời rà soát trí nhớ và đưa ra suy luận. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta sử dụng não phải. Khi nghe và hiểu ai đó đang nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, não phải lập tức được kích hoạt để tiếp nhận và xử lý nội dung thông tin bằng những hình ảnh.
Vậy còn khi nói và nghe một ngoại ngữ thì sao? Trong trường hợp này, con người thường sử dụng não trái để dịch và phân tích một cách logic, cũng như sắp xếp các từ ngữ lại với nhau để giao tiếp. Tuy nhiên, những người nói tiếng bản xứ có dịch lại những gì họ được nghe hay không? Dĩ nhiên là không. Họ nói và hiểu qua hình ảnh. Việc dịch lại để hiểu và nói là một chức năng của não trái trong khi nghe hiểu và trao đổi trong giao tiếp bằng hình ảnh là chức năng của não phải.
Từ khi sinh ra cho tới sáu tuổi là thời kỳ con người sử dụng não phải để học một cách tự nhiên qua hình ảnh. Đây là lý do tại sao trẻ nhỏ có thể tiếp nhận các ngôn ngữ một cách dễ dàng. Một khi trẻ đã qua sáu tuổi, não trái bắt đầu chiếm ưu thế và trẻ sẽ học ngôn ngữ một cách logic hơn là học qua hình ảnh. Điều này có thể khiến cho việc học ngôn ngữ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Việc học ngôn ngữ đáng ra không cần quá nhiều cố gắng như vậy. Ngôn ngữ cũng không nên được học theo cách học thuật và logic. Tốt hơn hết là nên phát triển cơ chế nói tự nhiên bằng cách tận dụng chức năng sinh lý học của não phải. Nhà ngôn ngữ học người Đức Leopold tuyên bố rằng, mặc dù học ngoại ngữ sau sáu tuổi không phải là không thể, nhưng thường thì con người sẽ khó để hoàn toàn sử dụng thành thạo được ngoại ngữ đó như tiếng mẹ đẻ bởi họ đang hoạt động ngược lại chức năng sinh lý tự nhiên của mình.
4. Chỉ ba mươi phút học nghe mỗi ngày
Vậy chúng ta nên làm gì để tận dụng cơ hội này và giúp trẻ nhỏ lĩnh hội được ngoại ngữ? Thực tế tất cả những gì chúng ta cần là cho trẻ nghe băng hai mươi tới ba mươi phút một ngày. Nếu trẻ được yêu cầu nghe thật kỹ và ghi nhớ, trẻ sẽ học với não trái một cách có ý thức. Thay vào đó, chúng ta nên bật băng trong khi trẻ đang ăn, chơi đùa hoặc đang trên xe ô tô để chúng có thể nghe một cách vô thức. Điều này sẽ kích thích việc học một cách tự nhiên qua não phải. Chúng ta cũng cần hiểu rằng khả năng nói và hiểu ngôn ngữ hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế nghe. Tôi sẽ mô tả phương pháp tôi sử dụng cho chính các con mình khi chúng học tiếng Anh khoảng hai mươi lăm năm trước.
Khi những đứa con nhỏ nhất của chúng tôi lên hai và ba tuổi, tôi luôn để một máy thu băng ở trên bàn ăn. Trong bữa sáng và tối, tôi bật băng tiếng Anh cho các con nghe bởi tôi muốn thử nghiệm vai trò quan trọng của cơ chế nghe trong việc học ngôn ngữ. Tôi bắt đầu với một cuốn băng dạy về từ vựng. Từ vựng là nền tảng của bất cứ ngôn ngữ nào và vì thế, bước đầu tiên là đưa cho trẻ càng nhiều từ vựng càng tốt. Tôi sử dụng những cuốn băng bài hát tiếng Anh, mục đích là giúp các con cảm thụ được nhịp điệu và ngữ điệu của một ngôn ngữ, sau đó sẽ là các loại băng có kèm sách tranh.
Cuốn sách tranh đầu tiên mà tôi lựa chọn rất đơn giản, chỉ có một dòng trong một trang, sau đó tôi dần tăng số lượng dòng chữ lên. Bởi lẽ trẻ nhỏ vốn đã thiết lập được một vốn từ vựng căn bản qua việc nghe các từ đó trước đây, não phải của trẻ có thể hiểu được nội dung mà không cần lời giải nghĩa bằng tiếng Nhật. Trẻ sẽ thấy khó khăn trong việc hiểu nếu thiếu từ vựng. Bởi vậy, việc cung cấp lượng từ vựng đầy đủ cho trẻ là rất quan trọng.
Khi trẻ bắt đầu học bằng sách tranh một dòng với nội dung đơn giản, chúng tự động nắm bắt được ý nghĩa của từ ngữ bằng cách ngắm nhìn hình ảnh. Mức độ khó được tăng dần. Trẻ nên được nghe càng nhiều băng với sách tranh càng tốt. Cha mẹ cần tin tưởng chắc chắn rằng con sẽ hiểu bất cứ cuốn sách thiếu nhi ngoại văn nào mà các phụ huynh ở nước đó cũng thường đọc cho các bạn nhỏ cùng tuổi.
Mặc dù tôi chỉ để các con tiếp cận với tiếng Anh trong ba mươi phút một ngày khi các con ăn, vậy mà chúng không hề gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong chương trình Anh ngữ chuyên sâu kéo dài một tuần vào kỳ nghỉ đông năm chúng học lớp Ba và lớp Năm. Thực tế là các con tôi còn giải thích giúp các anh chị học sinh lớn hơn khi họ không hiểu. Khi các con tôi sang Mỹ học đại học, chúng có thể tự tin giao tiếp ngay từ những ngày đầu tiên.
Con gái lớn của tôi theo học tại một trường đại học ở Michigan. Khi con tôi ở đó mới chín tháng, một công ty Nhật Bản yêu cầu trường giới thiệu một sinh viên làm phiên dịch cho ngài chủ tịch trong lễ kỷ niệm của công ty. Mặc dù có những sinh viên Nhật Bản đã học ở đó ba hoặc bốn năm nhưng trường đã chọn con gái tôi vì con bé được đánh giá là sinh viên thành thạo tiếng Anh nhất. Con gái tôi được coi là trường hợp đặc biệt bởi kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh của con rất hoàn hảo.
5. Dạy tiếng Anh với lý thuyết học tập bằng não phải
Lá thư dưới đây được viết bởi một người mẹ Nhật Bản, bà đã dạy tiếng Anh cho con gái bằng lý thuyết não phải.
Tôi từng làm việc tại một công ty truyền thông và hàng ngày luôn phải xử lý một lượng lớn những tin tức từ nước ngoài. Mặc dù tôi có thể dịch viết từ tiếng Anh sang tiếng Nhật và ngược lại, nhưng kỹ năng nghe nói của tôi không được tốt cho lắm. Đây là chuyện phổ biến thường xảy ra với những người Nhật được đào tạo theo chương trình ngoại ngữ tại các trường cấp hai truyền thống của Nhật. Tôi không thể phát âm tiếng Anh đúng bởi tôi không thể nghe những âm thanh đó một cách chính xác. “Rào cản âm thanh” này là một vấn đề nghiêm trọng đối với tôi và tôi muốn tránh cho con gái tôi gặp phải vấn đề tương tự như vậy. Từ khi con còn rất nhỏ, tôi đã để con tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ tiếng Anh rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian đầu tôi cũng rất băn khoăn về hiệu quả của việc lặp đi lặp lại nghe băng và xem video vì chỉ thi thoảng con mới bắt chước được vài câu nói.
Tuy nhiên, khi con đi học vào năm hai tuổi, tôi thấy rằng con đã tiến bộ vượt bậc, tiếp thu kiến thức vô cùng nhanh chóng. Con thích thú kể lại những cuốn sách tranh và băng hình, thi đua ghi nhớ từ mới với bạn bè. Năm lên ba tuổi, con có thể đọc sách tranh tiếng Nhật một cách dễ dàng. Sau đó, tôi đã mua cho con một cuốn từ điển tiếng Anh kèm hình minh họa vốn dành cho bậc tiểu học. Thật ngạc nhiên, con tỏ ra vô cùng thích thú và lật giở xem sách hàng ngày cho tới khi cuốn sách rách tơi tả.
Dần dần, con tôi bắt đầu thay đổi. Con nhìn vào cuốn từ điển và bắt chước viết ra các từ cũng như nhớ được cách phát âm các từ đó. Con cũng có thể hoàn thành bài tập về nhà rất dễ dàng mà không cần mẹ phải hướng dẫn nhiều.
Khi con lên bốn tuổi, tôi đưa con đi tham dự kỳ thi tiếng Anh của chính phủ Nhật Bản. Tôi không biết mình cần phải chuẩn bị cho con như thế nào. Thật may mắn, con có thể đọc được một chút và chúng tôi chỉ cần mất vài lần tập luyện viết câu ở thì quá khứ. Và rồi con đã thi đỗ. Nhưng khi con nói: “Con có thể nhìn thấy câu trả lời ở chỗ trống”, tôi cảm thấy hoài nghi. Tôi nghĩ chắc con bé gặp may mắn mà không nhận ra rằng con đã sử dụng rất tốt những khả năng của não phải trong kỳ thi vừa rồi.
Chẳng bao lâu sau, tôi mới nhận thấy sai lầm của mình khi được chứng kiến con thuyết trình tiếng Anh trong lớp. Cô giáo động viên con viết một mẩu chuyện bằng tiếng Anh. Con gái tôi rất thích sáng tác truyện, nhưng đó là lần đầu tiên con viết truyện bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ rằng con sẽ phải viết câu chuyện bằng tiếng Nhật trước, sau đó dịch sang tiếng Anh. Nhưng ngược lại, con gái tôi bắt đầu viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Mặc dù con có nhầm lẫn giữa thì quá khứ và hiện tại và mắc nhiều lỗi ngữ pháp, nhưng những ý tưởng con muốn nói và đề tài con muốn viết đều được thể hiện một cách rõ ràng.
Con trích trực tiếp một số những câu văn trong các mẩu chuyện mà con yêu thích vào bài văn của mình. Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy con có thể viết lại chúng rõ ràng đến như vậy. Mỗi khi nhớ về khoảng thời gian đó, tôi vô cùng cảm động. Không giống như những mẩu chuyện ngắn mà con hay đọc thuộc, câu chuyện đó khá dài và tôi băn khoăn không biết con có thể nhớ tất cả mọi thứ và kể lại trước lớp hay không. Tuy nhiên, trái với những lo lắng của mẹ, con đã kể lại được toàn bộ câu chuyện theo lối diễn đạt của mình chứ không phải là đọc thuộc lòng, cứ như thể con là nhân vật chính trong truyện vậy.
Giờ đây con đã lên năm tuổi và dạo này con rất thích nghe băng học nhanh mà chúng tôi bắt đầu sử dụng sáu tháng trước. Con đặt máy trên gối, bật cuốn băng yêu thích và nghe băng cho tới khi ngủ say. Con gái tôi đã tham dự kỳ thi tiếng Anh trình độ thứ tư khi mới năm tuổi và một ngày nọ, chúng tôi nhận được thông báo rằng con đã thi đậu. Một tuần trước kỳ thi, sự tiến bộ rõ rệt của con đã thuyết phục chúng tôi yên tâm rằng chắc chắn con sẽ đậu. Thấy khuôn mặt tươi cười của con sau kỳ thi và nghe bé nói: “Bài thi dễ mẹ ạ”, tôi cảm thấy rất vui mừng vì con đã đạt được những thành công trong việc học ngoại ngữ khi tôi dạy con theo phương pháp Shichida.
Ngày càng có nhiều người áp dụng lý thuyết giáo dục bằng não phải vào việc học ngôn ngữ. Tôi cũng vô cùng vui mừng khi có rất nhiều bậc phụ huynh rèn luyện cho con phương pháp nghe tiếng Anh tự nhiên bằng việc nghe băng mỗi ngày. Tuy vậy, nhìn chung những hiểu biết về khả năng ngôn ngữ của trẻ nhỏ vẫn còn hạn chế và tôi cũng rất buồn khi thấy khá nhiều tài liệu giáo dục lại nghi ngờ hiệu quả của việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ. Họ cho rằng đó chỉ là những cố gắng hão huyền vô ích của các bậc phụ huynh.
6. Báo cáo từ những người mẹ áp dụng phương pháp Shichida.
Bản báo cáo dưới đây là của mẹ bé H. E., một bé sáu tuổi theo học lớp Koiwa thuộc Viện Giáo dục Trẻ em Shichida. Bé bắt đầu học tiếng Anh bằng phương pháp Shichida vào tháng Sáu năm 1996, khi bé được bốn tuổi rưỡi và bé đã thi đậu kỳ thi dự bị bậc hai năng lực tiếng Anh ứng dụng.
Để giúp con gái học tiếng Anh, tôi bật các cuốn băng để con nghe và có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để con làm quen với ngôn ngữ này. Tôi bắt đầu cho con xem những cuốn sách tranh chỉ có một hoặc hai từ trong mỗi trang và dần dần con đã chủ động nghe những cuốn sách ở mức độ cao hơn dù tôi nghĩ chúng rất khó đối với trình độ của con. Tuy vậy, con vẫn ngồi yên và lắng nghe trong khoảng một tiếng đồng hồ, vừa nghe vừa đọc theo. Tôi cũng yêu cầu con kể lại theo trí nhớ. Tôi nghĩ rằng sự tiến bộ của con trong kỳ thi năng lực gần đây là do con đã tập nghe cuốn băng dành cho người mới bắt đầu như: “Sawako’s Day(2)”, cuốn băng theo chủ đề hàng tháng, tuyển tập băng con yêu thích “Wee Sing(3)” và những cuốn băng liên quan tới bài kiểm tra cũng như ôn tập tất cả các câu diễn đạt mà con đã thuộc lòng từ trước. Con gái tôi cũng nhận được điểm cao cho bài kiểm tra kỹ năng nghe nữa.
Dưới đây là tâm sự của một người mẹ về việc dạy con ngoại ngữ với PalKids(4) - học liệu tiếng Anh được phát triển theo phương pháp Shichida.
(2)(3)(4) Học liệu của Viện Giáo dục Trẻ em Shichida Nhật Bản.
Lần đầu tiên tôi tiếp cận với phương pháp giáo dục não phải của Shichida là thông qua một cuốn sách mà bạn tôi tặng khi tôi có bầu được năm tháng. Cả chồng tôi và tôi đều ghét môn tiếng Anh từ khi chúng tôi còn đi học. Tuy vậy, khi xem cuốn sách bạn tặng, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng hứng thú khi đọc những dòng trong sách viết: “Trẻ em là những thần đồng ngôn ngữ. Các bé có thể học nói tiếng Anh chỉ qua việc nghe băng”, và chúng tôi nghĩ rằng mình có thể thử áp dụng phương pháp này ngay với con. Từ khi con được sáu tháng tuổi, chúng tôi bắt đầu bật bài Mother Goose và những bài hát tiếng Anh khác, năm bé một tuổi chúng tôi bắt đầu với “Sawako’s Day”. Khi con lên ba, con bắt đầu theo học tại Học viện tiếng Anh cho trẻ em và chúng tôi vẫn không ngừng cho bé nghe băng và tráo thẻ mỗi ngày. Ban đầu, chúng tôi gặp khó khăn trong việc khiến bé tập trung nhìn vào những tấm thẻ. Có những lúc thực hiện hoạt động này hàng ngày dường như là một gánh nặng, nhưng giờ thì tôi chỉ chọn các hoạt động khiến con cảm thấy thoải mái và vui vẻ mà thôi. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất khi học cùng con là hãy tin tưởng con và làm cho hoạt động đó trở nên thú vị.
Khi con lên bốn tuổi, con bắt đầu học PalKids và điều này làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn bởi tôi không cần phải tự làm thẻ nữa. Tôi cũng hiểu được rằng không cần thiết phải bắt con nhìn vào thẻ. Con có thể tiếp thu thông tin nhờ nghe băng và đọc thuộc lòng các cuốn sách tranh. Kể từ đó, tôi bắt đầu bật băng nghe cho con mỗi ngày.
Vào tháng Chín, con tôi hoàn thành chương trình PalKids ba năm và trở thành học sinh lớp Một. Mặc dù con hay xấu hổ và không chủ động nói tiếng Anh, nhưng con lại hay nói theo các chương trình PalKids và theo những cuốn băng kể chuyện. Tiếng Anh đã trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của con.
Chúng tôi cũng chơi các hoạt động kể chuyện hoặc ngâm thơ, đọc thuộc lòng và con dần dần có thể ghi nhớ rất nhanh. Con tự học đọc rồi sau đó bắt đầu học viết. Con bé đã tham dự kỳ thi tiếng Anh vào mùa xuân và kết quả bài thi của con tốt hơn rất nhiều so với những gì tôi kỳ vọng. Có lần con còn nói chuyện với một bạn gái đến từ Úc trong chương trình trao đổi văn hóa. Mặc dù con hơi lo lắng nhưng chỉ sau vài câu trao đổi, con cũng đã tự tin hơn rất nhiều. Con tiến bộ từ từ theo cách của riêng mình, nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đã khiến tôi vui mừng bởi chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực không mệt mỏi.
Mẹ bé K. N., Tokyo
Chia sẻ từ một người mẹ khác cũng đến từ Tokyo:
Chúng tôi có hai con, một bé trai sáu tuổi và một bé gái hai tuổi. Cả hai đều thích tiếng Anh đến nỗi hàng ngày các con đều hát và nhảy theo băng hoặc đĩa CD. Quá trình học tiếng Anh bắt đầu lúc con trai tôi mới sáu tháng tuổi, khi đó tôi vừa ẵm bé vừa bật thật nhỏ những cuốn băng bài hát tiếng Anh và băng “Sawako’s Day”, Tôi dần tăng số lần bật băng và bất cứ khi nào bé tự chơi, các bài hát tiếng Anh cũng giống như những bài nhạc nền vậy. Con theo học tại Học viện tiếng Anh dành cho trẻ em từ lúc một tuổi rưỡi và bắt đầu kể từ khi con được chơi với thẻ hình, con dần dần nói được những từ tiếng Anh có nghĩa.
Chúng tôi cũng bắt đầu hoạt động kể chuyện bằng tiếng Anh và con rất đam mê hoạt động này bởi con thích kể chuyện cho cô giáo nghe. Không phải là lúc nào con cũng có thể kể được câu chuyện trôi chảy nhưng chúng tôi đã thực hiện hoạt động đó như một trò chơi vui vẻ. Khi bé lên ba tuổi rưỡi, chúng tôi bắt đầu sử dụng PalKids. Cùng lúc đó, tôi sinh con gái và rất bận bịu nên không dạy con được thường xuyên, tuy nhiên tôi luôn cố gắng bật những cuộn băng tiếng Anh lên cho con nghe mỗi ngày. Cứ như vậy sáu năm đã qua đi và tôi tin tưởng rằng con đã có những bước tiến bộ rất vững chắc. Hiện giờ, tôi nhận thấy con có thể:
1. Phát âm tốt
2. Có khả năng học thuộc lòng những câu rất dài từ sách tranh
3. Đọc và viết được những câu đơn giản
4. Khả năng nghe chính xác hơn cả tôi (điều này đã được chứng minh qua kết quả kỳ thi tiếng Anh gần đây).
Tôi nghĩ rằng những kết quả này có được là do sự tập trung một cách vô thức khi nghe tiếng Anh. Cũng giống như trẻ em Nhật học tiếng Nhật, tôi tạo ra cho con một môi trường mà tiếng Anh trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống thường ngày. Tôi thực hiện điều này chỉ bằng cách bật băng trong khoảng thời gian tối đa từ một đến hai tiếng một ngày. Với những cuốn sách tranh, tất cả những gì tôi cần làm rất đơn giản: lật trang sách khớp với cuốn băng kể chuyện để con vừa nghe vừa đọc. Tôi vẫn sẽ kiên trì bật băng cho con nghe hàng ngày vì tôi tin rằng khả năng tiếng Anh của các con sẽ còn phát triển tốt hơn nữa và một ngày nào đó, chúng tôi sẽ thấy các con đều trưởng thành và đạt được những thành công tốt đẹp.
H., Tokyo
Một bà mẹ khác cũng chia sẻ về cách dạy tiếng Anh tại nhà cho con như dưới đây:
Tôi bắt đầu sử dụng phương pháp Shichida khi con chúng tôi được hai tháng tuổi. Tôi cho con xem thẻ dot và thẻ tranh năm phút một ngày, đọc sách tranh và bật băng tiếng Anh cho con nghe. Tôi dành phần lớn thời gian để nói chuyện với con. Dù con chưa biết nói, tôi vẫn tâm sự với con rất nhiều điều và nhờ vậy, con trở thành một đứa trẻ sống rất tình cảm.
Khi con được sáu tháng tuổi, chúng tôi theo học tại lớp học dành cho trẻ nhỏ của Shichida. Mười lăm phút đầu của lớp học bao gồm nghe băng tiếng Anh và xem thẻ. Con tôi rất thích chương trình Sawako’s Day và các bài hát tiếng Anh dành cho trẻ nhỏ. Khi mới một tuổi, con đã bắt đầu nhớ được những bài hát tiếng Anh. Trong khoảng thời gian này, tôi tìm kiếm một lớp tiếng Anh tốt cho con và khi con được hai tuổi ba tháng, chúng tôi bắt đầu theo học tại Học viện tiếng Anh cho trẻ em Shinjuku.
Lớp học đó tuy kéo dài năm mươi phút nhưng tôi có cảm giác giờ học trôi qua rất nhanh. Nhiều thẻ tiếng Anh được tráo liên tiếp khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở nước ngoài vậy. Ban đầu, con hơi chậm hơn các bạn một chút nhưng dần dần con có thể bắt kịp tốc độ và bắt đầu giao tiếp được với giáo viên người bản xứ mà không còn thấy ngại ngùng nữa.
Năm ba tuổi, con tôi học kể chuyện theo tuyển tập Get Ready và Jelly Bean. Vào khoảng thời gian này, con bắt đầu hiểu được những cuốn băng mà tôi bật cho con mười phút mỗi ngày. Con còn dịch được dễ dàng những gì nghe được trong khi vẫn đang chơi xếp gỗ và hỏi tôi: “Trong băng họ vừa nói rằng …, đúng không mẹ?”. Buổi thuyết trình thường niên trước lớp cũng là một cơ hội học tập rất tuyệt vời và giúp con tự tin hơn.
Khi lên bảy tuổi, bốn năm rưỡi sau khi con bắt đầu theo học ở lớp, con đã hoàn thành chương trình PalKids ba mươi sáu tháng. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng con đã lĩnh hội một cách tự nhiên tất cả những từ vựng tiếng Anh về cuộc sống thường ngày. Khi con vẽ bức tranh về một sở thú, con không viết bảng hiệu bằng tiếng Nhật mà viết bằng tiếng Anh. Con cảm thấy rất thích thú khi xem những bộ phim Disney với lời thoại tiếng Anh.
Học ngoại ngữ là một việc không dễ khi sống tại Nhật Bản nhưng tôi tin rằng bộ học liệu PalKids sẽ khiến cho điều đó trở nên đơn giản hơn với chỉ mười hoặc mười lăm phút luyện tập hàng ngày. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục chương trình tiếng Anh với học liệu của Shichida để nuôi dạy con trở thành một công dân quốc tế.
K., Chiba
Tiếp theo là lá thư của một bà mẹ gửi cho chúng tôi, chia sẻ về quá trình học ngoại ngữ của chính mình và của con gái:
Ở trường đại học, chuyên ngành của tôi là một ngôn ngữ châu Á ít người biết đến. Mặc dù phần lớn trong số mười sáu sinh viên trong lớp khi bắt đầu khóa học chưa bao giờ tiếp cận với ngôn ngữ này, vậy mà cho tới kỳ nghỉ hè, chúng tôi đã có thể giao tiếp với nhau bằng những đoạn hội thoại đơn giản và học với tiến độ rất nhanh. Cho đến khi chúng tôi học năm cuối, tất cả mọi người đã có thể viết được một bài luận văn trong lĩnh vực chuyên môn bằng ngôn ngữ đó. Sau khi tốt nghiệp, tôi băn khoăn một thời gian dài về việc tại sao, làm thế nào mà tôi có thể học được một ngôn ngữ xa lạ chỉ trong vài tháng. Vậy mà tôi vẫn không tự tin về vốn tiếng Anh của mình, dù tôi đã được tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn nhỏ và theo học chương trình tiếng Anh chính thống được dạy ở trường học tới tận mười năm.
Khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng sự thành công của chúng tôi khi học thứ ngôn ngữ mới này là kết quả của việc học bằng não phải khi nạp lượng thông tin lớn với tốc độ cao. Chúng tôi phải ghi nhớ bảng chữ cái vốn chưa từng nhìn thấy trước đó chỉ trong một đêm và hàng ngày tra hơn một trăm từ mới trong từ điển.
Không lâu sau, chúng tôi đã có thể đoán được nghĩa của từ mới thông qua tình huống của câu và khi tập trung, chúng tôi có thể nhớ từ và câu mà chỉ cần xem chúng một lần. Còn với kỹ năng nghe, giáo viên của chúng tôi là một người bản ngữ và không giải thích bất cứ điều gì bằng tiếng Nhật trong suốt quá trình học. Ban đầu, tôi cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng nhưng dần dần khi nhìn lại tổng thể bài học, tôi lại có thể nắm bắt được sơ bộ nội dung của chúng. Trong khi đó, các lớp học tiếng Anh ở trường trung học lại sử dụng phương pháp học bằng não trái. Mọi thứ đều được dịch sang tiếng Nhật, kèm theo lời giải thích ngữ pháp chi tiết. Theo kinh nghiệm của tôi, điều này rõ ràng là không phù hợp với việc học ngôn ngữ.
Quay trở lại vấn đề dạy và học ngoại ngữ cho trẻ nhỏ, điều tôi muốn nhấn mạnh là nhờ có kinh nghiệm của bản thân về tính hiệu quả của phương pháp học bằng não phải, tôi nhận thấy học liệu dạy tiếng Anh PalKids theo phương pháp Shichida vô cùng hữu ích và thú vị. Con gái của chúng tôi hiện tại đang học ở tháng thứ ba mươi hai của chương trình. Mặc dù sự tiến bộ của con không hẳn quá vượt trội, con thực sự đã nắm bắt được rất nhiều từ mới và những câu chuyện con kể trôi chảy đến mức chồng tôi và mọi người cũng không thể bắt kịp. Con bé rất ham học, con đọc được những từ mà con chưa gặp bao giờ và cố gắng tự đọc những cuốn sách tranh mà chưa ai từng kể cho con. Khoảng một năm trước, khi chúng tôi bắt đầu chương trình PalKids, con đứng trên bậc cầu thang cao nhất nhìn xuống chỗ tôi và nói: “I’m coming down”. Tôi rất ngạc nhiên vì trong tiếng Nhật, từ được sử dụng trong tình huống này là “going” chứ không phải “coming”. Đối với tôi, việc lần đầu tiên thấy con sử dụng từ vựng đúng với ngữ cảnh đã khiến tôi bị thuyết phục hoàn toàn về khả năng học hỏi tuyệt vời của não phải.
Tôi học được rằng điều quan trọng nhất trong phương pháp giáo dục bằng não phải là cha mẹ cần luyện tập chăm chỉ hàng ngày với con mà không cần mong đợi kết quả. Bạn hãy luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, con bạn sẽ đạt được những thành công tốt đẹp.
Mẹ bé R. L., Shiga
7. Việc học ngôn ngữ bằng não phải ở bậc giáo dục trung học cơ sở
Từ những thảo luận trên, có thể thấy rõ rằng bộ não của trẻ dưới sáu tuổi hoạt động khác với trẻ trên sáu tuổi. Ban đầu, khi trẻ còn nhỏ, não phải thường chiếm ưu thế nhưng sau đó, não trái lại chiếm vị trí vượt trội hơn. Hiểu được điều này là vô cùng quan trọng.
Não trái là phần não ý thức và được phát triển qua việc tiếp thu kiến thức. Não phải là phần não vô thức và những gì não phải thu nhận được trong vô thức của trẻ sẽ trở thành nền móng cho trẻ phát huy được những tiềm năng tuyệt vời sau này. Nền giáo dục cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh là nền giáo dục cần phải dựa trên sự phát triển của não phải. Trong suốt thời kỳ vô thức từ khi sinh ra tới sáu tuổi, năng lực tưởng tượng của não phải hoạt động mạnh mẽ và giúp cho việc tiếp nhận thông tin ở trẻ diễn ra một cách tự nhiên.
Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, một hiệu ứng đặc biệt hoạt động trong vô thức của con người đã được phát hiện. Phần thông tin nằm sâu trong vô thức có thể được tái hiện lại thường xuyên dưới dạng hình ảnh, và trở thành một phần ý thức của chúng ta. Não trái giống như một chiếc máy tính chạy chậm, vận hành một cách có ý thức trong khi não phải lại hoạt động vô thức giống như một chiếc máy vi tính tự động xử lý tốc độ cao.
Chính chức năng xử lý tự động tốc độ cao này của não phải đã cho phép trẻ em trong độ tuổi từ không đến sáu tuổi hình dung nhanh chóng được câu trả lời đúng cho một phép toán khó. Điều này cũng giải thích cho khả năng học ngôn ngữ thứ hai một cách dễ dàng chỉ qua việc nghe băng một cách vô thức trong khoảng hai mươi tới ba mươi phút mỗi ngày ở trẻ hai hoặc ba tuổi.
Đây không phải là điểm khác biệt duy nhất trong cơ chế hoạt động của não trái và não phải, hoặc nói đúng hơn là giữa tư duy não phải ở trẻ em từ không tới sáu tuổi và tư duy não trái ở trẻ lớn tuổi hơn. Mặc dù có vô vàn những điểm khác biệt mà giới hạn của cuốn sách này chưa đủ để bàn hết, tôi vẫn muốn đưa ra những ví dụ trên để chứng minh rằng những khác biệt đó thực sự tồn tại. Nếu các bậc phụ huynh có hứng thú nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề này, tôi khuyên các vị nên đọc cuốn “Khoa học về kiến thức và sự sáng tạo” (The science of Knowledge and Creativity) được phát hành bởi Viện Giáo dục Trẻ em Shichida Nhật Bản.
Tôi sẽ không đi sâu thêm về vấn đề này nữa mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng trẻ nhỏ học tập bằng não phải và có thể học thành thạo bất cứ ngôn ngữ nào một cách vô thức. Sự chuyển đổi sang tư duy bằng não trái sau sáu tuổi sẽ khiến các bé gặp khó khăn hơn trong việc tiếp nhận ngôn ngữ mới.
Nhưng liệu điều này có nghĩa rằng nếu ba mẹ bắt đầu dạy con khi bé lên cấp trung học cơ sở, các bé sẽ không thể sử dụng ngoại ngữ lưu loát dù các bé có học bao lâu đi chăng nữa? Thực tế là nếu não bộ có thể quay lại trạng thái khi còn thơ ấu, con người vẫn có thể học và sử dụng ngoại ngữ trôi chảy. Các học sinh trung học được tắm mình trong môi trường ngôn ngữ mới từ sáng đến tối sẽ dễ dàng lĩnh hội ngôn ngữ đó. Các em học sinh đó đang sử dụng phương pháp học não phải mà không hề nhận ra. Các em đã chuyển đổi để trở về trạng thái não bộ của trẻ nhỏ, có nghĩa là kích hoạt não phải một cách tự nhiên. Não phải hoạt động khi não bộ sản sinh sóng alpha trong suốt quá trình nghỉ ngơi hay tập trung. Khi còn thơ ấu, não phải chiếm ưu thế và vì thế bộ não của trẻ nhỏ sản sinh sóng não alpha một cách dễ dàng, tạo ra điều kiện lý tưởng cho việc học bằng não phải. Để giúp cho những trẻ lớn hơn học một ngôn ngữ mới, tất cả những gì cần làm là tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến việc tiếp thu bằng não phải.
Trước hết, hãy cùng xem lại sự khác biệt giữa việc học bằng não phải và não trái.
Các đặc tính của việc học bằng não trái: nắm bắt tổng thể từ việc hiểu từng thành phần, cần quá trình tích lũy từng chút một, mang tính logic, yêu cầu phải hiểu quy trình.
Các đặc tính của việc học bằng não phải: hiểu các thành tố khi nhìn nhận nó trong tổng thể, thu nhận một lượng thông tin lớn mà không cần tính logic, vẫn lĩnh hội nắm bắt vấn đề mà không cần hiểu rõ từng bước trong quy trình.
Phương pháp học qua não trái bắt đầu với những câu như “Đây là cái bút”, tiến dần từ đơn giản tới những ngữ pháp phức tạp hơn và tập trung vào ghi nhớ, hiểu và tích lũy kiến thức. Phương pháp này nhằm phát triển khả năng xử lý thông tin theo dạng tuyến tính. Ngược lại, phương pháp học não phải không chú trọng tới ngữ pháp. Não phải phù hợp với việc xử lý lượng thông tin lớn, việc học tập mang tính toàn diện, đi từ tổng thể tới thành phần. Do vậy, việc hiểu ngữ pháp là không cần thiết. Phương pháp này nhằm phát triển khả năng xử lý thông tin theo dạng song song.
Nếu xử lý thông tin theo dạng tuyến tính trong khi giao tiếp, não bộ sẽ cố gắng phân tích những âm thanh nghe được rồi chuẩn bị, sắp xếp một cách logic những từ, câu sẽ được nói ra. Còn ngược lại, khi xử lý thông tin song song, não có khả năng xử lý một cách vô thức và có thể thực hiện cả hai quá trình trên cùng lúc.
Bản báo cáo dưới đây là của giáo viên S ở Kanagawa, người thực hiện phương pháp học bằng não phải trong lớp tiếng Anh tại một trường trung học ở Nhật Bản.
Tôi muốn kể lại cho giáo sư nghe những gì xảy ra ở trường trung học nơi tôi giảng dạy bộ môn tiếng Anh.
Tôi vẫn nhớ rõ ý kiến mang tính đột phá mà Giáo sư Shichida chia sẻ với tôi hai năm trước. Từ sau đó, tôi vẫn băn khoăn về cách tốt nhất để dạy tiếng Anh ở trường trung học, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay. Mặc dù tiếng Anh ngày càng quan trọng, nhưng số lượng học sinh không hứng thú với môn học tiếng Anh mỗi ngày một tăng bởi lẽ các em phải rất nỗ lực và chịu nhiều sức ép của những tiết học tiếng Anh mà mục tiêu chỉ là để thi đậu kỳ thi tuyển vào trung học phổ thông. Ngoài ra, các em còn phải làm vô số những bài tập bổ trợ tiếng Anh do nhà trường giao. Vấn đề lớn nhất của tôi là làm sao để thu hút được sự hứng thú của các em đối với môn tiếng Anh và giảm thiểu số lượng học sinh cảm thấy chán ghét môn học này.
Sau khi tham gia buổi hội thảo của ông, tôi đã ngay lập tức giải thích lý thuyết não phải của Shichida cho các học sinh của tôi và giúp các em hiểu được bốn điều sau:
1. Làm thế nào để thư giãn và tạo ra sóng não alpha khi học (Để đạt được mục tiêu này, tôi thường xuyên có hoạt động thiền trong vòng một phút đầu giờ trước khi bắt đầu),
2. Tầm quan trọng của hoạt động tưởng tượng,
3. Tiềm năng vô hạn của não phải,
4. Những suy nghĩ lạc quan, tin tưởng rằng bạn có thể làm được chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
Tôi chuyển từ những tiết học mang tính logic, tập trung vào ngữ pháp thành những giờ học qua hình ảnh và tập trung vào việc đọc thuộc lòng. Khi mới bắt đầu, phương pháp này yêu cầu nhiều thay đổi từ phía tư tưởng của cả người dạy và người học. Nhiều lần tôi lo lắng không biết rằng cách thức này liệu có mang lại hiệu quả hay không, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những học sinh từng không tỏ vẻ hứng thú với những tiết học ngữ pháp của não trái bắt đầu trở nên hăng hái tham gia trong lớp. Các em tự tin hơn sau khi được thư giãn và việc tập trung tưởng tượng cho phép các em nhớ dễ dàng kiến thức tiếng Anh trong sách giáo khoa. Các học sinh của tôi thậm chí còn có thể nắm bắt được ý của những câu tiếng Anh dài mà tôi nghĩ là hơi khó so với khả năng của chúng. Một khi đạt được những thành công bước đầu, “lý thuyết nền tảng” mà tôi truyền đạt cho các em cũng được phát huy mạnh mẽ và số lượng học sinh trong lớp cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh tăng lên nhanh chóng.
Đây đúng là điều kiện lý tưởng cho việc học tập và tôi đã đề ra những tiêu chí học tập sau cho các em học sinh:
1. Qua được những bài kiểm tra từ mới.
2. Kể lại bài viết trong sách giáo khoa.
3. Viết ra đáp án từ trí nhớ mà không cần nhìn lại sách giáo khoa.
4. Luyện tập trong sách bài tập.
Bài kiểm tra từ vựng không nhằm mục đích đánh giá, cho điểm mà để giúp các em học sinh nắm chắc vốn từ. Còn đối việc kể, tôi thường cho các em xem thẻ tranh và kể lại dưới dạng một câu chuyện, sau đó yêu cầu các em luyện tập phát âm thật nhiều lần.
Một việc quan trọng nữa là cần khuyến khích những học sinh cảm thấy nản lòng khi các em không thể ghi nhớ được. Tôi thường nhắc các em một cách hài hước rằng sự thư giãn mới là bí quyết của việc học bằng não phải. Khi nghe được điều này, các em ngay lập tức quay trở lại hít thở sâu và tập các bài tập thư giãn. Một khi các em đã có thể kể lại những bài học, các em sẽ dễ dàng gợi nhớ lại thông tin để làm bài tập trong sách. Điều này quả là một khám phá tuyệt vời.
Nhờ vậy, điểm trung bình tiếng Anh trong lớp của tôi đạt được trong bài thi tiếng Anh cấp quận cao hơn sáu điểm so với mức trung bình. Tôi đã hoàn toàn tin rằng thành quả mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay là nhờ có bài giảng về lý thuyết não phải mà tôi học được từ ông hai năm trước. Cảm ơn ông rất nhiều, Giáo sư Shichida.
Điều này lại một lần nữa chứng minh rằng việc dạy cho học sinh trung học bằng phương pháp não phải qua việc ghi nhớ tổng thể mà không cần giải thích rất hiệu quả và giúp các em tiếp thu nhanh hơn so với việc dạy từng chút một và giải thích kỹ một cách logic.