Kinh nghiệm sống đã dạy chúng ta rằng, chỉ có một vũ khí bền bỉ trong cuộc chiến chống lại những rối loạn tâm thần. Đấy là thông qua cảm xúc, chúng ta có thể khám phá sự thật duy nhất về tuổi thơ của chính mình. Vậy ta có thể giải phóng bản thân khỏi những ảo tưởng không? Lịch sử chứng minh rằng, ảo tưởng ẩn mình ở khắp mọi nơi, mỗi cuộc đời đều tràn ngập những hão huyền, có lẽ là vì sự thật thường khó chấp nhận với chúng ta. Dẫu thế, sự thật quan trọng đến mức nếu lờ nó đi, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt, thường dưới dạng những rối loạn nghiêm trọng. Để trở nên toàn thiện, về lâu dài chúng ta phải khám phá ra sự thật về chính mình, một sự thật có thể mang lại đau đớn trước khi cho chúng ta cảm giác tự do. Nếu ta chọn để bản thân hài lòng với “sự khôn ngoan” thường tình, chứ không phải những cái thật ẩn sâu, ta sẽ mãi ở trong địa hạt của ảo tưởng và sự tự huyễn hoặc.
Tổn thương mà chúng ta trải qua trong suốt thời thơ ấu không thể nào xóa nhòa, vì chúng ta không thể thay đổi điều gì ở quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi chính mình ở hiện tại. Chúng ta có thể khôi phục bản thân và tìm lại sự vẹn toàn đã mất của chính mình bằng cách lựa chọn nhìn nhận phần sự thật luôn tồn tại trong cơ thể và nhận thức rõ về nó. Con đường này dù không dễ đi, nhưng là con đường duy nhất mà đến cuối cùng, chúng ta có thể bỏ lại sau lưng ngục tù khắc nghiệt vô hình của tuổi thơ và tiến về phía trước. Chúng ta trở nên tự do bằng cách thay đổi bản thân, từ những nạn nhân không ý thức được về quá khứ, thành những con người có trách nhiệm ở hiện tại, hiểu rõ về quá khứ và từ đó có khả năng sống cùng nó.
Hầu hết mọi người đều làm điều ngược lại. Họ trốn tránh, không muốn biết thêm bất kì điều gì về quá khứ của mình. Họ không nhận thức được rằng, quá khứ luôn luôn thôi thúc và định hình hành vi của họ ở hiện tại và cả trong tương lai. Họ tiếp tục sống trong hoàn cảnh của thời thơ ấu với những cảm xúc bị dồn nén. Họ lờ đi thực tế và cho rằng hoàn cảnh đó không còn tồn tại nữa. Họ vẫn đang tiếp tục sợ hãi và né tránh những hiểm nguy từng xảy ra, nhưng sự thật những nguy hiểm đấy từ rất lâu đã không còn nữa rồi. Họ bị điều khiển bởi những kí ức vô thức, những cảm xúc bị dồn nén, và những nhu cầu bản năng định nghĩa hầu hết tất cả những gì họ làm hoặc không thể làm.
Sự dồn nén những tổn thương do bị lạm dụng tàn nhẫn trong suốt thời thơ ấu sẽ khiến con người ta hủy hoại cuộc đời của chính họ và những người khác. Trong cơn khao khát trả thù vô thức, họ có thể dính vào những hành vi bạo lực, thiêu trụi nhà cửa và hủy hoại công việc, và gây tổn thương thể chất cho người khác. Họ sử dụng sự hủy hoại này để che giấu sự thật về chính họ và tránh né cảm giác tuyệt vọng về sự đau đớn mà họ trải qua khi còn bé. Những hành động thế này thường được thực hiện dưới cái mác của “lòng yêu nước” hoặc những đức tin tôn giáo.
Có những người chủ động tiếp diễn sự tra tấn đã từng xảy ra với chính mình trong các câu lạc bộ tự hành xác dưới đủ loại hình thức, bằng những hành vi khổ dâm hoặc bạo dâm. Họ coi những hoạt động đấy là “sự giải phóng”. Nhiều phụ nữ xỏ khuyên lên đầu ngực có thể tạo dáng chụp ảnh cho tạp chí, rồi tự hào nói rằng họ chẳng cảm thấy đau đớn gì, và thậm chí thấy điều này còn khá thú vị. Chúng ta không cần nghi ngờ về những gì họ tuyên bố. Rõ ràng những người phụ nữ này từ sớm đã phải học cách không cảm thấy đau đớn. Và ngày hôm nay, họ có thể làm bất kì điều gì để không cảm thấy nỗi đau mà thời con gái phải chịu đựng, khi bị cha mình lạm dụng tình dục, thậm chí họ phải tự lừa mình rằng chuyện đấy chẳng đáng gì cả.
Một nỗi đau bị chôn giấu có thể tự phơi bày chính nó một cách kín đáo. Như với một người phụ nữ bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ chẳng hạn, cô phủ nhận sự thật về thời thơ ấu của mình. Để không cảm thấy đau đớn, cô liên tục trốn tránh quá khứ thông qua đàn ông, rượu bia, chất kích thích và những thành tựu. Cô luôn cần một cảm giác phấn khích để quên đi sự buồn chán. Bất cứ một khoảng lặng nào cũng có thể gợi lại cảm giác cô đơn mãnh liệt về thời thơ ấu, và cô không cho phép điều đấy tồn tại. Cô sợ cảm giác ấy còn hơn cả cái chết. Cô sẽ tiếp tục trốn chạy, trừ khi cô nhận ra rằng việc nhận thức về những cảm giác xưa cũ không hề khó khăn, mà còn có thể giải phóng cô khỏi những nỗi đau ấy.
Sự dồn nén những tổn thương thời thơ ấu không chỉ ảnh hưởng đến cuộc đời của một cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến những điều cấm kị trong xã hội. Cơ chế tiểu sử đã minh họa rất rõ điều này. Chẳng hạn, trong mục tiểu sử của các nghệ sĩ nổi tiếng, ta có ấn tượng rằng cuộc đời của họ bắt đầu ở thời điểm dậy thì. Trước đó, chúng ta được nghe kể rằng, họ có một thời thơ ấu “hạnh phúc”, “vui vẻ” hoặc “không có rắc rối”, một thời thơ ấu “đầy sự tước đoạt”, hoặc “cực kì sôi động”. Nhưng những nhà viết tiểu sử này không quan tâm đến gốc rễ của những vấn đề cụ thể đan xen và ẩn khuất đằng sau thời thơ ấu ấy. Tôi sẽ minh họa điều này bằng một ví dụ đơn giản sau.
Trong hồi kí của mình, Henry Moore 1 đã mô tả cách ông dùng dầu mát-xa lưng cho mẹ để giảm cơn đau thấp khớp. Đọc hồi kí đấy, giờ đây tôi đã hiểu hơn về những tác phẩm điêu khắc của Moore: Về những người phụ nữ tuyệt vời có dáng ngồi tựa lưng và cái đầu nhỏ bé. Đấy là hình ảnh người mẹ được nhìn từ đôi mắt của một cậu bé, cái đầu ở tít trên cao trở nên bé lại và tấm lưng gần ngay trước mặt trở nên rất rộng. Cách mô tả này có thể không được nghệ thuật cho lắm, nhưng với tôi, đây là minh chứng mạnh mẽ rằng trải nghiệm của một đứa trẻ có thể kéo dài trong vô thức của chúng. Và khi trưởng thành, chúng ta có cách để tự do bộc lộ những ấn tượng này ra bên ngoài. Có thể thấy rằng, kí ức của Moore không liên quan đến một sự kiện khủng hoảng nào cả, và do đó, nó được thể hiện nguyên vẹn. Nhưng cũng có những trải nghiệm sang chấn thời thơ ấu vẫn ẩn nấp và mắc kẹt trong bóng tối, và chìa khóa để ta thấu hiểu cuộc đời mình cũng bị giấu đi theo chúng.
1 Henry Moore (1898-1986): Nhà điêu khắc người Anh. Ông nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc bằng đồng hoành tráng, bán trừu tượng, được đặt ở nhiều nơi trên thế giới như những tác phẩm nghệ thuật công cộng. Ngoài điêu khắc, Moore còn là họa sĩ, ông đã vẽ loạt tranh The Blitz mô tả người London trong Thế chiến Thứ hai, cùng với các tác phẩm hội họa trên giấy (ND – những chú thích không phải của tác giả).