Đôi khi tôi tự hỏi, liệu chúng ta có thể đong đếm được mức độ cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi mà chúng ta phải chịu đựng khi còn bé hay không. Ở đây tôi không có ý nói đến những đứa trẻ hoàn toàn bị bỏ rơi hoặc không được quan tâm đến, và cả những đứa trẻ luôn ý thức rõ điều này, hoặc ít nhất đã lớn lên với nhận biết rằng sự thật đấy tồn tại. Ngoại trừ những trường hợp cực đoan và những trường hợp hiển nhiên này, có rất nhiều người đến tận khi lớn, họ tìm đến trị liệu với niềm tin rằng tuổi thơ của họ được bao bọc và sống hạnh phúc.
Tôi thường xuyên tiếp xúc với những người luôn được khen ngợi và ngưỡng mộ vì tài năng và thành tựu của họ. Họ là những người đã trải qua khổ luyện trong năm đầu tiên của cuộc đời. Họ là những đứa trẻ thậm chí từ 1 tuổi rưỡi cho đến 5 tuổi đã có thể chăm sóc em mình. Như ta vẫn thường nói, những người này luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Họ có một ý thức mạnh mẽ và ổn định về sự tự tin. Nhưng không như bạn nghĩ, thực tế không phải như vậy. Họ có thể làm tốt, thậm chí rất xuất sắc, ở bất kì nhiệm vụ nào họ đảm nhận. Họ được ngưỡng mộ và có nhiều người ghen tị. Họ có thể thành công như họ muốn. Nhưng đằng sau những vinh quang sáng rỡ ấy là những cơn trầm cảm, cảm giác trống rỗng và thờ ơ. Họ luôn có ý nghĩ rằng cuộc sống của mình là vô nghĩa. Những cảm xúc tiêu cực đen tối đấy sẽ thống trị họ khi “liều thuốc” về cảm giác vĩ đại không còn tác dụng: khi họ không còn ở “đỉnh cao”, không còn thực sự là “siêu sao”; hay bất cứ khi nào họ chợt cảm thấy họ không thể vươn tới một hình ảnh lí tưởng hoặc khi họ không đạt được một tiêu chuẩn nào đó. Sau đấy, họ sẽ cảm thấy phiền não vì những nỗi lo, vì cảm giác tội lỗi và xấu hổ sâu sắc. Đâu là nguyên nhân cho những xáo trộn bên trong những con người thành công và giỏi giang này?
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, họ sẽ cho người nghe biết rằng cha hoặc mẹ họ, hoặc cả hai là những người thấu hiểu. Từ khi còn bé, dù biết mình bị hiểu lầm, nhưng họ vẫn cảm thấy rằng lỗi là ở họ, họ không có khả năng bộc lộ bản thân theo cách phù hợp. Họ kể lại chi tiết những kí ức xa xưa nhất mà không hề có sự cảm thông nào với đứa trẻ họ từng là. Bất ngờ hơn, những cá nhân này không chỉ có một nội quan rõ ràng, mà ở một chừng mực nào đó, còn có khả năng thấu cảm với người khác. Tuy nhiên, với thế giới thời ấu thơ của mình, họ lại tiếp cận bằng cảm xúc bị bóp méo, điển hình là sự thiếu tôn trọng, thôi thúc kiểm soát và thao túng và đòi hỏi những thành tựu. Họ rất thường xuyên thể hiện sự khinh thường và mỉa mai, thậm chí là nhạo báng và nghi ngờ về chính mình khi còn bé. Nhìn chung, đằng sau khao khát thành công của họ không hề có sự thấu hiểu cảm xúc của bản thân. Họ cũng không thực sự trân trọng những thăng trầm trong tuổi thơ của mình. Họ không nhận biết được về nhu cầu thực sự của mình. Họ chôn vùi câu chuyện quá khứ hoàn hảo đến mức chính họ nuôi dưỡng mộng tưởng về một tuổi thơ tốt đẹp.
Tôi muốn làm rõ một số giả định chung, đấy là nền tảng để mô tả tinh thần và tâm lí của tuýp người này:
• Từ những năm đầu đời, đứa trẻ có một nhu cầu căn bản là được nhìn nhận và tôn trọng với tư cách là chính mình ở bất kì thời điểm nào;
• Ở đây, “với tư cách là chính mình ở bất kì thời điểm nào”, là tôi đang muốn nói đến cảm xúc, cảm giác và cách thể hiện của đứa trẻ từ sớm;
• Trên tinh thần tôn trọng và vị tha với cảm xúc của mình, ở giai đoạn tách khỏi người thân, đứa trẻ có thể từ bỏ sự cộng sinh với người mẹ và từng bước tiến đến giai đoạn phát triển cá tính và sự tự lập;
• Nếu cha mẹ có thể trang bị những điều kiện cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con mình, thì bản thân họ cũng phải lớn lên trong một môi trường như thế. Nếu là vậy, họ có thể đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc mà đứa trẻ cần để phát triển niềm tin;
• Khi không được trải qua môi trường sống lành mạnh khi còn nhỏ, bản thân bậc cha mẹ cũng bị thiếu thốn. Trong suốt cuộc đời mình, họ sẽ tiếp tục tìm kiếm những gì cha mẹ họ không thể cho họ vào đúng thời điểm, tức là tìm kiếm sự hiện hữu của một người hoàn toàn hiểu và coi trọng họ;
• Tất nhiên, sự tìm kiếm này không thể thành công hoàn toàn, bởi nó liên quan đến một tình huống mãi mãi đã là quá khứ, đấy là giai đoạn ngay sau sinh và trong suốt thời thơ ấu;
• Tuy nhiên, một người với một nhu cầu không được thỏa mãn ở trạng thái vô thức (vì bị dồn nén), sẽ bị thôi thúc tìm kiếm niềm vui thông qua các giải pháp thay thế, sao cho anh ấy có thể lờ đi câu chuyện tuổi thơ bị dồn nén của mình;
• Đối tượng tốt nhất trở thành nguồn vui thay thế là những đứa con của chính họ. Một đứa trẻ sơ sinh hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ chúng, và bởi sự quan tâm của họ là cần thiết để đứa trẻ tồn tại, đứa trẻ sẽ làm tất cả những gì có thể để có được sự quan tâm này. Từ những ngày đầu đời, đứa bé sẽ vận dụng mọi nguồn lực của mình để hướng tới mục tiêu này, giống như một cái cây nhỏ đang hướng về phía mặt trời để tồn tại. Khi làm việc với mọi người, tôi thường xuyên được nghe những câu chuyện tuổi thơ tương tự nhau, có một số điểm tôi cho là đáng chú ý:
• Một người mẹ 2 sâu thẳm bên trong có những cảm xúc bất an, sự cân bằng của cô phụ thuộc vào cách hành xử của đứa con. Người mẹ này có thể che giấu nỗi bất an của mình trước đứa con và tất cả mọi người bằng vẻ ngoài khắc nghiệt, độc đoán, thậm chí là chuyên quyền;
• Đứa trẻ có một khả năng tuyệt vời trong việc nhận thức và phản ứng theo trực giác và vô thức với nhu cầu này của người mẹ, hoặc của cả cha và mẹ, tức là nó tiếp nhận vai trò được gán lên mình một cách vô thức;
• Vai trò này đảm bảo “tình yêu thương” cho đứa trẻ, hay đúng hơn đây có thể coi là sự lạm dụng của cha mẹ. Đứa trẻ cảm nhận rằng mình được cần đến, và nhu cầu này đảm bảo cho nó một mức độ an toàn căn bản.
2 “Người mẹ” ở đây có nghĩa là người gần gũi nhất với đứa trẻ trong những năm đầu đời. Đây không nhất thiết là người mẹ về mặt sinh học, hoặc là một người phụ nữ. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, nhiều người cha đã đảm đương vai trò làm mẹ này.
Khả năng nhận thức và phản ứng với nhu cầu của cha mẹ sau đó được đưa trẻ dần phát triển và trau dồi. Theo hướng này, đứa trẻ không chỉ (i) trở thành người mẹ (hay những người bạn, người an ủi, người khuyên bảo, người ủng hộ) của chính mẹ mình, mà còn (ii) chịu ít nhất một phần trách nhiệm với anh chị em của mình. Và cuối cùng, (iii) đứa trẻ phát triển một sự nhạy bén đặc biệt với những dấu hiệu vô thức trước nhu cầu của người khác. Không ngạc nhiên khi sau này họ thường trở thành những nhà trị liệu tâm lí. Bằng câu chuyện tuổi thơ của mình, họ tràn đầy hứng thú khám phá những gì đang diễn ra trong vô thức của người khác. Sự phát triển và trau dồi khả năng nhạy bén này đã giúp đứa trẻ sống sót, và giờ khi lớn lên, giúp nó theo đuổi công việc kì lạ này. Tuy vậy trong đấy cũng chứa đựng những mầm mống của rối loạn cảm xúc: Nếu nhà trị liệu tâm lí không nhận thức được sự dồn nén trong mình, anh ta có nguy cơ dùng bệnh nhân của mình như một tải thể thay thế để đáp ứng những nhu cầu chưa được thỏa mãn của bản thân, và khiến họ phụ thuộc vào anh ta.