“Hãy đặt tương lai vào một đôi tay đáng tin cậy – đó là đôi tay của chính bạn.”
- Khuyết danh
CHAMPION
Heart of a Champion
TRÁI TIM NHÀ VÔ ĐỊCH
"Trái tim = Tâm hồn, can đảm và lòng nhiệt thành."
Những vấn đề của trái tim
Đã bao nhiêu lần bạn được nghe câu nói này: “Nếu không đặt trái tim mình vào việc đó, bạn sẽ chẳng bao giờ thành công”? Trái tim ở đây nghĩa là gì? Chẳng phải nó luôn nằm ở đó, bên trong lồng ngực chúng ta sao? Nói một cách đơn giản, trái tim ở đây là sự quan tâm và tinh thần hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Bạn đã từng được yêu cầu làm một việc nào đó mà mình không hề thích rồi chứ? Bạn sẽ luôn chần chừ và né tránh bắt tay vào việc. Có thể đến cuối cùng thì bạn vẫn phải thực hiện, nhưng bạn không hề đặt trái tim mình vào trong đó. Bạn chỉ bỏ ra chút ít nỗ lực, nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao mà thôi.
Trao gửi trái tim.
Như đã đề cập ở chương trước, trở thành một vận động viên chuyên nghiệp đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và rèn luyện gắt gao trong nhiều năm liền. Nếu bạn không đặt trái tim mình vào trong đó, bạn sẽ không thể nào vận dụng tốt nhất mọi nguồn lực của bản thân để vượt qua. Hãy hỏi bản thân, rằng đó có phải là điều bạn muốn? Bạn có đang thực sự thực hiện đúng ý nguyện của mình? Bạn có đang mơ tưởng hay ước ao được làm một việc nào đó khác hơn vào lúc này? Bạn không thể nào có tình yêu hay sự nhiệt tình giả tạo dành cho thể thao được. Nếu bạn thực sự yêu thích và đam mê, bạn sẽ không từ bỏ dù việc luyện tập có vất vả đến mấy, hay những khó khăn xuất hiện thường xuyên thế nào đi nữa.
Tennis hay golf?
Marcus, như bao bạn trẻ khác ở tuổi của mình, cũng có một ước mơ lớn. Cậu mê đắm tennis và mong muốn trở thành một Roger Federer tiếp theo. Nhưng cha mẹ cậu lại có một mong ước khác – cũng lớn lao không kém – dành cho con mình, là trở thành một tay golf lừng danh như Tiger Woods. Là một chàng trai vâng lời, Marcus thuận theo ý muốn của cha mẹ, tất nhiên là một cách bất đắc dĩ. Cậu tặc lưỡi nghĩ rằng có thể theo thời gian, cậu sẽ yêu thích môn thể thao này. Song, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Marcus không thể hòa nhập được với golf, nhưng cậu không muốn làm thất vọng cha mẹ mình. Cuối cùng thì cậu trở thành một tay golf bình thường, không đạt được giấc mơ lớn lao mà cha mẹ đã kỳ vọng. Tệ hơn nữa, cậu không bao giờ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi chơi golf, bởi trái tim cậu không ở đó.
Trái tim – để vượt qua thử thách
“Cậu không có khiếu!”
“Con sẽ không thành công đâu.”
“Trò không đủ khả năng để trở thành quán quân.”
Đó là những câu thường được sử dụng để làm nhụt chí chúng ta. Trong bộ phim Rocky, mọi người xung quanh nhân vật chính Rocky rất hoài nghi về khả năng của anh và nói rằng anh không thể nào chiến thắng, đừng mơ tưởng đến chức vô địch. Nhưng Rocky một mực tin tưởng vào chính mình và nỗ lực luyện tập. Cuối cùng, đúng như mong muốn của bản thân, anh đã trở thành tân vô địch thế giới nhờ đánh bại nhà vô địch đương nhiệm.
Tay đấm Rocky.
Dù Rocky chỉ là một bộ phim, nhưng câu chuyện tương tự như vậy luôn diễn ra trong đời thực. Những vận động viên thường xuyên bị mọi người xung quanh – dù chỉ là vô tình hay hữu ý – làm cho nhụt chí. Người đó có thể là bạn bè, là huấn luyện viên, hay thậm chí là cha mẹ họ. Việc thiếu vắng sự ủng hộ này khiến họ dễ dàng nản lòng và từ bỏ con đường thể thao họ đang theo đuổi. Với những người đủ đam mê để đi tiếp, thì con đường phía trước họ cũng không dễ dàng gì. Đó sẽ là con đường đầy mồ hôi, nước mắt, thậm chí có cả máu. Nhưng chiến thắng sẽ thuộc về những ai mang trong lồng ngực trái tim của nhà vô địch không thể đánh bại.
Trái tim chiến binh
Emmanuel Dapidran Pacquiao, thường được biết đến với tên Manny “Pac-Man” Pacquiao, là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, đồng thời cũng là diễn viên và nghệ sĩ thu âm người Philippines. Cũng giống như nhân vật trong bộ phim Rocky, Manny đã vượt qua nhiều thử thách để có được vị trí như hiện nay. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu bé Manny đã phải rời bỏ trường tiểu học để bán bánh trên đường phố. Sau này, với mong muốn trở thành võ sĩ quyền Anh, cậu đi lậu trên một chiếc tàu để đến Manila. Khởi đầu của Manny không hề dễ dàng. Cậu phải luyện tập trong điều kiện rất khắc nghiệt để được công nhận.
Chiến binh.
Cú đột phá quan trọng khởi đầu sự nghiệp chuyên nghiệp của Manny là lần anh đối đầu với một võ sĩ quyền Anh khác, Edmund Ignacio vào năm 1995. Manny đã chiến thắng và trở nên nổi tiếng. Sau trận đấu đáng nhớ này, anh giành được nhiều giải thưởng khác và trở thành người hùng của đất nước.
Câu chuyện của Manny theo mô típ kinh điển “từ Lọ Lem biến thành công chúa”. Nhưng quan trọng hơn, nó cho thấy chính khát vọng lớn lao cháy bỏng trong trái tim đã giúp anh trở thành nhà vô địch.
Câu chuyện về đội tuyển bóng bàn
Tại Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, đội tuyển bóng bàn nữ Singapore đã trải qua trận thi đấu quyết liệt trước đội tuyển Hàn Quốc trước khi giành được chiến thắng với tỷ số 3 - 2 ở trận bán kết. Sau đó, họ tiếp tục tiến lên và giành được huy chương bạc với màn thể hiện cực kỳ ấn tượng trong trận đấu với Trung Quốc.
Vinh quang Olympic.
Trận đấu với đội tuyển Hàn Quốc đã thể hiện ngọn lửa khát khao chiến thắng của các nữ vận động viên Singapore. Họ mong muốn giành lấy chiếc huy chương quý giá tại Thế vận hội mùa Hè 2008 này – niềm khao khát đã được chờ đợi rất lâu kể từ sau chiếc huy chương duy nhất mà vận động viên cử tạ Tan Howe Liang đạt được năm 1948. Nếu chiến thắng đội Hàn Quốc, họ đã nắm chắc ít nhất là chiếc huy chương bạc trong tay, và đó là mục tiêu mà họ nhắm tới.
Tất nhiên đội Hàn Quốc không phải là một đối thủ dễ bị bắt nạt. Với tỷ số đều 2 - 2, phần tranh đấu quyết định thuộc về Feng Tian Wei của Singapore và đối thủ Park Mi Young của Hàn Quốc. Feng đã thể hiện quyết tâm cao độ và cuối cùng đã vượt qua Park 3 - 1 trong trận đấu. Chiến thắng mang lại cho Singapore chiếc vé vào trận chung kết với đội Trung Quốc – đội sau này đã lên ngôi vô địch. Dù thất bại trước Trung Quốc nhưng thành quả mà đội tuyển Singapore đạt được thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ, bởi đây là lần thứ hai Singapore giành được huy chương tại Thế vận hội.
Trái tim vượt qua hạn chế về thể chất
Phần lớn mọi người đều được ưu ái ban cho một cơ thể khỏe mạnh với sức khỏe tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy. Một số người khi sinh ra đã mang những khiếm khuyết trên cơ thể, hay thường xuyên gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, những điều này không khiến họ trở nên thua kém bất kỳ ai. Trên thực tế, không ít những người kém may mắn ấy đã vượt qua những bất lợi về thể chất để trở thành nhà vô địch. Đối với họ, những khó khăn về thể chất không thể ngăn bước họ trên con đường đi đến thành công. Họ nuôi dưỡng trong tim mình ngọn lửa đam mê, thúc đẩy họ vượt qua chính mình để đạt được những mục tiêu họ tin tưởng.
Không hề khiếm khuyết!
Trái tim của vận động viên cưỡi ngựa
Lis Hartel, vận động viên cưỡi ngựa của Đan Mạch, bị sốt bại liệt khi cô đang mang thai. Mặc dù căn bệnh khiến cô gần như liệt toàn thân, nhưng sau đó Hartel đã sinh ra một bé gái hoàn toàn khỏe mạnh. Cô cũng đã tiếp tục cưỡi ngựa trở lại và tập luyện chăm chỉ để có thể tham gia Thế vận hội – điều mà năm 1952 cô đã làm được. Dù vẫn cần sự trợ giúp khi trèo lên hay nhảy xuống khỏi yên ngựa, nhưng với màn trình diễn đáng khen ngợi của mình, Lis đã giành được tấm huy chương bạc. Bốn năm sau, tại Thế vận hội 1956, một lần nữa cô giành được tấm huy chương bạc hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực mà cô đã bỏ ra.
Những thành tựu của Lis Hartel là minh chứng tuyệt vời cho thấy sự quyết tâm và lòng can đảm có thể làm thay đổi tư duy của một người, làm cho họ trở thành người chiến thắng như những gì họ mong muốn.
Sự dũng cảm của vận động viên cưỡi ngựa.
Vượt qua đau đớn
Những vận động viên vĩ đại đã vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại để trở thành nhà vô địch. Những khó khăn, trở ngại của họ có thể là nghịch cảnh oái oăm, là đám đông thù nghịch, hay là trọng tài thiên vị. Nhưng hơn hết thảy, trở ngại to lớn nhất họ phải vượt qua là chính bản thân họ. Không ít lần ta nghe thấy việc vận động viên mặc cho chấn thương vẫn thi đấu hết mình và cuối cùng đạt được chiến thắng. Tất nhiên, việc thi đấu khi có chấn thương là hoàn toàn không được khuyến khích, bởi nó đi kèm với rủi ro hết sức nghiêm trọng về sức khỏe mà vận động viên có thể phải gánh chịu; nhưng đôi khi, một số vận động viên vượt qua nỗi đau đớn để tiếp tục thi đấu bởi họ cảm thấy bị thôi thúc phải làm điều đó, có thể bởi tinh thần đồng đội, hay bởi để đẩy mình vượt qua giới hạn của bản thân. Dù nguyên do là thế nào đi nữa, những vận động viên này xứng đáng được ngưỡng mộ cho lòng dũng cảm và quyết tâm sắt đá của họ.
Vận động viên thể dục dụng cụ dũng cảm
Tại Thế vận hội 1976, vận động viên Shun Fujimoto của đội thể dục dụng cụ Nhật Bản đã thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời khi vượt qua cơn đau đớn để tiếp tục màn thi đấu, trở thành nhân tố chủ chốt giúp đội tuyển của mình đạt được huy chương vàng.
Ở nội dung thể dục trên sân, Fujimoto đã cảm thấy có vấn đề ở đầu gối. Anh biết có điều gì đó bất thường, nhưng lại không thông báo với huấn luyện viên bởi lo sợ mình sẽ không được tiếp tục tham gia thi đấu. Nhận thức rằng mỗi điểm đạt được đều cực kỳ quan trọng đối với chiến thắng của cả đội, Fujimoto chọn cách phớt lờ chấn thương của mình. Anh tiếp tục thực hiện bài thi đấu ngựa tay quay, ghi được 9,5 điểm mặc cho cơn đau như xé nơi đầu gối.
Nội dung tiếp theo – vòng – anh đã ghi được 9,7 điểm cá nhân. Anh đã có cú tiếp đất gần như hoàn hảo và nhanh chóng ngã quỵ vì đau đớn.
Theo lời khuyên của bác sĩ, Fujimoto cuối cùng cũng rút khỏi cuộc thi đấu, bởi nếu tiếp tục, anh có nguy cơ bị tàn phế vĩnh viễn. Lòng dũng cảm của anh đã tiếp thêm động lực cho đồng đội, và cuối cùng họ đã giành được huy chương vàng, vượt qua đối thủ mạnh nhất của họ là đội Liên Xô.
Người chiến thắng ở Thế vận hội mùa Đông
Vận động viên trượt tuyết Han Xiaopeng là người Trung Quốc đầu tiên giành được huy chương vàng ở Thế vận hội mùa Đông. Dù là người có tài năng, nhưng hành trình đến vinh quang của anh không hề đơn giản. Chính sự ngoan cường và lòng can đảm đã dẫn dắt anh qua những ngày đen tối nhất, khi anh bị chấn thương nghiêm trọng trong lúc thi đấu ở cúp thế giới năm 2000, cũng như trong năm 2001, trước Thế vận hội tại Salt Lake. Đầu gối anh bị chấn thương lần hai rất nghiêm trọng khiến anh phải nhập viện. Những suy nghĩ về việc không thể tiếp tục thi đấu cứ quẩn quanh trong tâm trí, nhưng với quyết tâm cao độ và sự chăm chỉ tập luyện sau đó, anh đã có thể tiếp tục tham gia thi đấu Olympic Torino vào năm 2006 và đạt được vinh quang cao nhất – tấm huy chương vàng.
Dám thất bại
Thành công thì ngọt ngào, còn thất bại thì cay đắng. Vì thế, con người chúng ta khát khao vươn đến thành công để tận hưởng vị ngọt hấp dẫn ấy, và tránh thất bại càng xa càng tốt. Tuy nhiên, tâm lý này có thể gây bất lợi cho mỗi cá nhân, đặc biệt là cho các vận động viên. Với tâm lý này, các vận động viên sẽ cảm thấy sợ thất bại, và nỗi sợ có thể khiến họ chùn bước.
Hãy thử tưởng tượng một tiền đạo trong đội bóng đá gặp phải vấn đề đáng sợ này. Bởi nỗi sợ hãi bị thất bại, anh ta sẽ không bao giờ dám thực hiện một cú sút nào về phía khung thành. Hãy ngừng lại đôi chút và suy nghĩ xem. Nếu không thử, anh ta mãi mãi sẽ không bao giờ ghi điểm được cả. Ngược lại, nếu gạt bỏ nỗi sợ của mình qua một bên và tiếp tục chiến đấu không ngừng nghỉ, anh sẽ có cơ hội ghi được bàn thắng vào lưới đối phương.
Nỗi sợ hãi của tiền đạo.
Vận động viên vĩ đại là người có lòng dũng cảm đứng lên và chấp nhận thử thách. Kobe Bryant của đội Los Angeles Lakers là một trong những vận động viên như vậy. Hết lần này đến lần khác, anh được chọn là người phát bóng cuối cùng giành chiến thắng cho đội nhà. Trước anh, Michael Jordan của đội Chicago Bulls cũng là một vận động viên luôn được tin tưởng giúp mang lại chiến thắng cho đội nhà khi cần thiết. Dũng cảm đối mặt với thất bại sẽ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu giành chiến thắng. Điều này đã được Michael Jordan đúc kết lại qua lời tâm sự:
“Tôi đã bỏ lỡ hơn 9.000 cú đánh trong sự nghiệp của mình. Tôi thua hơn 300 trận. 26 lần, tôi được tin tưởng trao bóng để thực hiện cú ghi điểm nhưng lại ném trượt. Tôi thất bại hết lần này đến lần khác trong cuộc đời mình. Và đó là lý do vì sao tôi thành công.”
- Michael Jordan
Kết luận
Nếu đặt cả trái tim vào việc mình làm và tập trung hết sức, bạn sẽ có thể vượt qua mọi trở ngại và đạt được thành công.